CHÙM TÌNH THƠ CAO MỴ NHÂN & VĂN: CHUYỆN TỀ

NGĂN TIM THỨ NĂM. CAO MỴ NHÂN
Biết rồi anh rỗng trái tim
Làm sao em dám nhận chìm tình thơ
Bốn ngăn tim đã hững hờ
Thì thôi đợi một ngăn chờ thứ năm
*
Ngăn tim chờ lạc chữ tâm
Trái tim kỳ dị trăm năm buồn phiền
Đành rằng anh nói : ” yêu em”
Nhưng trong tim rỗng nỗi niềm thuỷ chung
*
Thì thôi cứ để mịt mùng
Sóng thời gian nổi muôn trùng trái ngang
Ngăn tim em đợi lỡ làng
Thốt lên những nhịp bẽ bàng, van lơn
*
Thương nhau trách, ngó nhau hờn
Cũng không thay đổi nguồn cơn tuyệt tình
Xót xa tim sẽ hoá sinh…
Năm ngăn tim, chẳng có hình em trong …
CAO MỴ NHÂN
****
VẪN ĐẸP TRÒN THẾ KỶ. CAO MỴ NHÂN
Đã nhiều lần biết cuộc đời tuyệt đẹp
Lũ chúng ta yêu trời đất ưu thời
Chẳng bao giờ đôi vai trần nhức mỏi
Bởi suối nguồn tâm thức tựa nguồn khơi
*
Dù song cửa hay chân mây rực chói
Lũ chúng ta vẫn thả bước nhàn du
Trên đường trường bao la sông với núi
Đất quê hương sống mãi tới ngàn thu
*
Lũ chúng ta chưa làm chi lầm lỗi
Để bâng khuâng nhân thế gọi quay về
Tháng năm rạng rỡ mừng vui dự hội
Từ đô thành tới làng xóm thôn quê
*
Tuổi xuân thắm chưa từng than hạ vội
Thì thu phong lùa lá đỏ bên lưng
Lũ chúng ta vẫn xem như chuyện nhỏ
Tiếc than gì phai nhạt sắc nhan dung
*
Ôi cảnh đẹp dẫu đông sầu cuồng vũ
Một mai kia tuyết nhuộm tóc hoang sơ
Vẫn đầy tình tri kỷ muôn đời nhớ
Lũ chúng ta tròn kiếp đẹp sau xưa …
CAO MỴ NHÂN
****
DẤU CŨ HỒI SINH. CAO MỴ NHÂN
Rồi một lúc em trở về dĩ vãng
Tìm anh xưa trên khao khát đường tình
Ôi, tất cả lại hoang mê, say đắm
Tưởng bao lần dấu cũ vụt hồi sinh
*
Đường dĩ vãng chỉ toàn sông với núi
Những con đê cách trở đã lùi xa
Em đánh thức yêu thương đang hấp hối
Một lần đi chào vĩnh biệt sơn hà
*
Trận chiến nào thoáng hiện ra trước mặt
Áo bào căng nỗi nhớ sa trường buồn
Dòng máu đỏ có điều chi phai nhạt
Khiến quê hương thảng thốt hẹn hò suông
*
Anh yêu hỡi, đạn bom dù tắc nghẹn
Tiếng đau thương không tắt được hận thù
Dẫu hôm nay chiến công còn bất diệt
Vẫn như là oan trái tới thiên thu…
*
Utah 26 – 8 – 2022
CAO MỴ NHÂN
CHUYỆN TỀ
Chẳng biết ai tò le với cụ Vì Dân, mà hôm nay cụ dám lái xe từ Tịch Mịch Viện Sanbernardino tới nhà tôi, tôi sợ quá, thiếu đường kêu 911, vì sợ cụ xỉu bờ lề, bởi một phần đi xa, một phần mệt quá, chưa kể tuổi già …
Nghe tôi nhắc đến 2 chữ ” tuổi già”, cụ cáu kỉnh lắm, bèn sa sầm nét mặt hào hoa, mà rằng:
” Này, cô nghĩ thế nào, khi tôi còn có thể chạy xe 2 tiếng đồng hồ, để chỉ gặp cô, hỏi cho ra lẽ …”
Tôi chận ngay suy nghĩ của cụ : ” Thì cụ 91 chứ gì, coi như 19 tuổi được chưa, cháu vì nghe ”đại huynh cụ” quang lâm tới cái khuôn viên ”xơ xác điêu tàn vì ai” này, mà ra cửa đợi đấy .
– Cám ơn cô, chứ không phải cô chờ tôi kể cho nghe cái đoạn UNO với tôi đi bắt dơi ở Tháp Chàm à?
UNO là ông Uno, tức Tông Tông …tôi, cụ Vì Dân là bạn chí thiết của ông Uno, nhưng chưa hề tuyên bố với ai điều này .
Bởi vì cụ nghĩ rằng: Thủa ấu thơ, niên thiếu thì đã sang trang khuya lắm rồi …
Tới khi thanh niên, khôn lớn thì, mỗi người mỗi cách nghĩ, xây dựng hành trình cuộc đời …
Uno sanh năm 1923, cụ 1926 , tức ông Uno hơn cụ 3 tuổi.
Cụ Vì Dân tuổi Dần, nhưng không muốn cho ai biết tuổi mình, theo cụ chỉ có hại, biết được tuổi nó đi thư mình, ma Hời là độc lắm, nên cụ đã tự ý quên lãng đi cái dấu huyền … thành tên Dân, chứ không phải tên Dần, con hổ đâu.
Tới một ngày cụ bị ” lão ” tình cờ tìm ra tông tích, là cụ cầm trung đoàn, chiến thắng Gò Quao, Bộ Tổng Tham Mưu có ý mời cụ đi Tỉnh Trưởng, nhưng ngại sàm tấu, tiểu sử trong bản Tướng Mạo Công Vụ bị gạch những vạch đỏ ” rừng rực” dưới dòng quê hương bản quán : Tháp Chàm – Phan Rang.
Thế là phải gặp Tông Tông …tôi rồi.
Chưa nhậm chức đầu tỉnh XX, nên chưa vô dinh chính thức được, ” Giả” là ông Uno khôn lanh không tưởng, ổng đòi đi thị sát chiến trường …
Đi như thế, với cương vị một Tông Tông của Hội Đồng Quân Nhân, của Nội Các Chiến Tranh vv…đẹp một cách anh hùng mã thượng, hỏi người lính nào không bái phục …
Bữa cơm ngoài mặt trận, không bào ngư vi yến …mà toàn con ếch này, con rắn kia…nhưng nhậu một cách …sảng hồn, không nói hào sảng võ lâm nghe.
Tôi nóng ruột hỏi ngay: Thế rồi cụ làm tỉnh trưởng XX à ?
Cụ Vì Dân cười mỉm : ” Cả ông với tôi, ai dại gì nói trước, làm vậy, lính cười cho ấy chớ. Lính đây là các cấp chỉ huy trận địa, không phải liên hoan kiểu đốt lửa trại đâu nhá. ”
Rồi ai về nhà nấy, tất nhiên ông về dinh, còn tôi về đơn vị .
Nhưng sau đó thì giấy tờ văn thư, công văn gì đó, cứ bay tới chốn ba quân …
Tôi, là cụ Vì Dân, về tỉnh XX, tất nhiên kiêm luôn chức Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu XX đó rồi. Cấp bậc quan 6 thì vốn đã trong tay, nay nếu có, chính là lên Tướng đấy .
Nhưng không lên được, theo bước quân hành, thì từ tá 6, lên tướng, anh chỉ có thể đi Sư Đoàn.
Hỏi có bao nhiêu Sư Đoàn để anh tham cứu chớ. Quả tình ở tỉnh đã là may rồi, vẫn có cấp, lại có …hoạnh tài chút đỉnh .
Vả lại thế này, bảng dự tranh lên chuẩn tướng, các tá lớn đều thuộc lòng như cháo chảy lâu nay…
Rằng cứ 3 năm, quân ta có một tá ” thâm niên quân vụ lên tướng, chuẩn thôi, còn đặc cách cho một vài ông, là họ quả thiên tài, xuất chúng thì không kể.
Thế nên, trong một triệu quân của VNCH chúng ta, có tổng thấy 600 ông đại tá.
Quý tá đương nêu gồm từ thâm niên, chờ lệnh giải ngũ, tới trẻ măng, vừa từ tá trung bình, lên tá tột đỉnh, tức là trung tá quá can trường, ăn ngủ ngoài mặt trận, ầm ầm binh mã khải hoàn ca …thì ” hy vọng đã trong tầm tay ” một sao bạc lấp lánh…
Tất cả giới quan 6 nêu trên, đều có quyền dự tranh hay được đề bạt lên tướng.
Hoá cho nên tôi, cụ Vì Dân, có phương danh khi thân sinh đi khai sổ bộ, là giới nam, tên Nguyễn Văn Dần, sau đã quen tên Nguyễn Vì Dân từ khi đăng đồ quân trường trực chỉ, đã hơn một lần thuyết trình …mật cho phe ta quan 6 hay rằng :
Với 600 ông đại tá, tạm chia làm 3 phân hạng:
200 ông sẽ già , sẽ khuất bóng vì già hơn nữa, hay giải ngũ .
200 ông đau bịnh, hy sinh hay mất tích, không tránh được .
200 ông còn lại, phơi phới tiến lên, hạnh ngộ nhau trên đường thăng thưởng, trong đó có dự tranh lên tướng . Tất nhiên số 600 vị tá lớn có các phần thay đổi, bổ sung tuỳ nhu cầu đơn vị .
200 ông đại tá đủ điều kiện để lên chuẩn tướng x ( nhân với ) ước lệ 3 năm, thì 200 vị x 3 năm = 600 năm mới giải quyết xong hồ sơ thăng thưởng, hay là phải 600 năm cho một đại tá X nào đó thăng chuẩn tướng , OK hả ?
Tôi vẫn bâng khuâng hỏi cụ Vì Dân:
Như vậy có bạn cố tri như cụ và ông Uno mà cũng bình thường thế thôi sao ?
Cô nói bình thường thế thôi là thế nào, tôi, cụ Vì Dân, chưa hiểu, hãy đưa một ví dụ.
Ý cháu muốn nói là: Hoặc cụ cứ làm Tư Lệnh một Sư Đoàn, để lên tướng cho chắc, rồi hạ hồi sắp xếp .
Hoặc ông Uno biến cụ thành một yếu nhân trong nội các, rồi điều chỉnh sau.
Cụ Vì Dân cười phá lên: May cô là phụ nữ, chứ là nam nhi, thì với cách nghĩ vừa rồi, cô à quên, nhân vật nam như giả dụ,
sẽ là một cố vấn dở nhất. Tôi nghĩ Uno dư biết tánh tôi, hay tôi là ai, để lão quyết định bổ nhiệm tôi…
Tôi nói cô hay, và cũng mượn dịp này, để nói lên những suy nghĩ của tôi sau 42 năm lưu lạc xứ người, thời gian gấp 2 lần Việt Cộng chiếm từ nửa nước đến cả nước, tức từ 1954 đến 1975, chúng không chừa một kẽ hở nào cho dân chúng thở.
Chúng đã đội mồ các thế hệ tiền nhân Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê vv… để thanh niên nam nữ miền Bắc XHCN kéo nhau vào miền nam …cướp giật chính quyền …
Mà thôi, tôi đang chỉ muốn nói với cô về điều cô thắc mắc là ông Uno không đãi ngộ tôi, Vì Dân, như cô nghĩ, sao tôi là người trong cuộc chẳng băn khoăn gì, mà bên ngoài thì hay đặt câu hỏi lắm .
Tôi, Cụ Vì Dân , chỉ giữ tỉnh XX có chưa đầy 2 năm, thì muốn bỏ việc luôn, từ một người cầm quân tác chiến ngày đêm, nay phải ngồi trước một bàn đầy văn thư mà cái nào cũng dở dang, ông Uno tới XX lên tinh thần tôi.
Tôi nói với ông: ” để tôi ra mặt trận lại, tôi không thích chỗ ngồi này. ”
Uno rất biết điều, ” giả” nói: ” Anh tưởng tôi thích làm Tông Tông thiệt à ? ”
Có một giới người, mà quý vị ngoài đời, không bao giờ tin người ta nói thiệt mới lạ chớ.
Nếu tôi nói tôi không thích làm Tông Tông, thì thiên hạ sẽ cho là tôi, ông Uno, nói dối, nhưng có những lúc tôi nói rất thật, rằng tôi chỉ muốn nghỉ ngơi…
Năm cuối cùng làm tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng XX, cụ Vì Dân đã tự ủ một thùng rượu nho, uống thử thấy …say lơ, say lất…bèn chế ra được 800 chai, biếu ngay mỗi vị một chai trong buổi khánh thành đặc phẩm ” rượu nho” này.
Rượu tinh chất thì phải say …
Sau đó ông Uno giao cho tôi, Vì Dân, nguyên mặt bằng Phan Rang, làm thí điểm cho rừng nho xanh … chua loẹt, nhưng sau này thì nho bắt đầu ngọt rồi.
Đó là ước mơ kinh tế hậu chiến của ông Uno.
Ông Uno chịu trách nhiệm cả với mơ ước kinh tề của ông nữa…
CAO MỴ NHÂN