NGƯỜI VIỆT LÀM THƠ TIẾNG ANH
Ðã nói về thơ thì không thể không nói về thể thơ, nhất là vần thơ.
Thơ Anh cũng như thơ Việt đều có cả thơ-có-vần lẫn thơ-không-vần (tức thơ tự-do, thơ buông, thơ văn xuôi, v.v…).
Nhìn qua các bài tiếng Anh đã có, dù là sáng-tác trực-tiếp hay phiên-dịch, chúng tôi thấy rõ phần nhiều đều không có vần. Có thể tác-giả và dịch-giả cho đó là thơ tự-do; nhưng, theo chúng tôi nghĩ, tuy có hình-thức là câu văn xuôi như nhau, nhưng các câu thơ phải có cái gì khác hơn một đoạn văn xuôi – vì nếu chỉ là văn xuôi thì hóa ra đoạn văn nào, trong một bài dài, trong một đoạn dài, mà chỉ cần được ngắt câu xuống hàng, thì cũng đều là thơ-không-vần?
Riêng về việc sáng-tác trực-tiếp, hoặc phiên-dịch/chuyển-ngữ thơ tiếng Việt sang thơ tiếng Anh, mà muốn thành thơ-có-vần, chúng tôi xin các bạn để í một điểm, đó là vần thơ (rhyme) trong tiếng Anh.
Lâu nay, có nhiều bài thơ tiếng Anh mà tác-giả và dịch-giả người Việt muốn viết ra như-có-vần nhưng đều thực-sự không-có-vần.
Thử dịch mấy chữ “sướng-thỏa” và “hể-hả” (chúng ăn vần, hợp vần với nhau):
Tiếng Việt là tiếng đơn-âm (monosyllabic), nên ta có thể dễ-dàng chọn tiếng hợp vần ở cuối câu thơ.
Thí-dụ: câu trên tận cùng bằng chữ “sướng-thỏa”
câu dưới tận cùng bằng chữ “hể-hả”
Âm cuối của câu trên là “thỏa”, thì nó ăn vần [hợp vần] với “hả” của câu dưới.
Vậy, xét trong tiếng Việt, thì “sướng-thỏa” và “hể-hả” ăn vần với nhau, vì ta dùng các âm cuối là “thỏa” và “hả”.
Tiếng Pháp là tiếng đa-âm (polysyllabic), nhưng âm (syllable) nào cũng được phát-âm (nhấn giọng) giống nhau, nên nó cũng giống tiếng Việt ở điểm: có thể dùng âm cuối chữ tiếng Pháp để chọn vần.
Thí-dụ: câu trên tận cùng bằng chữ “heureux”
câu dưới tận cùng bằng chữ “joyeux”
Âm cuối của câu trên là “reux”, thì nó ăn vần [hợp vần] với “yeux” của câu dưới.
Vậy, xét trong tiếng Pháp, thì “heureux” và “joyeux” ăn vần với nhau, vì Pháp dùng các âm cuối là “reux” và “yeux” để làm vần cho thơ.
Tiếng Anh cũng là tiếng đa-âm, nhưng có điểm khác tiếng Pháp là, trong tiếng Pháp thì âm (syllable) nào cũng được phát-âm (nhấn giọng) giống nhau; tuy-nhiên, trong tiếng Anh thì chỉ có một hoặc một số âm là được nhấn giọng (stress, emphasize) để định vần; còn các âm khác thì không được nhấn giọng; cho nên, dù là âm cuối của chữ cuối câu, vẫn không được xem là một âm trong việc chọn âm để định vần cho thơ.
Thí-dụ: câu trên tận cùng bằng chữ “happy”
câu dưới tận cùng bằng chữ “merry”
Âm cuối của câu trên là “py”, âm cuối của câu dưới là “ry”: mới thấy thì tưởng là chúng ăn vần với nhau.
Thế nhưng, ngược lại; vì trong tiếng Anh, các âm cuối “py” (trong “happy”) và “ry” (trong “merry”) là âm không được nhấn giọng, nên không được dùng làm vần cho thơ; trong lúc đó thì “hap” (trong “happy”) và “mer” (trong “merry”) mới là âm được nhấn giọng; nhưng chúng lại không ăn vần với nhau, vì một bên là “hap” và một bên là “mer”.
Vậy, xét trong tiếng Anh, thì “happy” và “merry” tuy đều tận cùng bằng âm “y” (py và ry), nhưng vì “hap” và “mer” không ăn vần với nhau, nên ta không thể dùng “happy” và “merry” làm 2 chữ cuối-câu cho 2 câu thơ-có-vần. “Happy” và “Merry” không ăn vần, không hợp vần với nhau.
Người nào chỉ mới nhìn thấy các âm cuối của chữ cuối câu có vẻ ăn vần [hợp vần]với nhau, thí-dụ:
giữa batman với saucepan, fundament với present, education với suggestion, amazon với echelon, immune với opportune, v.v…
mà đã cho là chúng ăn vần [hợp vần] với nhau, thì tức là đã làm thơ hoặc dịch thơ tiếng Anh lạc vần rồi vậy.
*
Tóm lại, chúng ta cần sáng-tác trực-tiếp hoặc phiên-dịch hay chuyển-ngữ thơ tiếng Việt sang thơ tiếng Anh, để tiếng nói đầy tình-tự dân-tộc của Người Việt nói chung, của Người Việt Hải-Ngoại nói riêng, không bị quên lãng, hoặc bị lấn-át bởi tiếng nói phi-dân-tộc, trước “bốn biển, năm châu”, trong bối-cảnh toàn-cầu-hóa mọi sinh-hoạt hiện nay.