Giao Chỉ

Người Ca Sĩ Giữa Hai Chế Độ – Giao Chỉ – Viết Về Hồi Ký Thanh Lan

Người Ca Sĩ Giữa Hai Chế Độ

Giao Chỉ viết về hồi ký Thanh Lan

*

Sau bao vinh quang và đau khổ

Sau bao nhiêu cuộc tình và khi không còn tiếng hát.

Chi còn lại một bà già cô đơn

và một tác phẩm sự thực, tòan sự thực 

nhưng không phải là tất cả sự thực.

Cũng đủ lảng quên đời...

Mẹ bảo bé gái: Con đừng tè vào nón sắt

Cô Bùi Trường làm liên lạc viên RMS tất tả lại gặp tôi. Nhờ bác bảo trợ cho Thanh Lan ra mắt sách tại San Jose. Đã có chỗ rồi, đã nhờ được truyền thông. Nhờ bác giới thiệu với bạn bè và độc giả. Nói thực là cần bán được sách. Tôi đồng ý giới thiệu nhưng phải đọc qua cuốn sách. Trong lòng thực tình không tin là cô Thanh Lan sáng tác. Cũng như nhiều chính khách và nghệ sĩ chuyên thuê người viết hộ. Tôi cũng từng nhận xét bất công như thiên hạ nên đã viết rằng hồi ký của cô Kiều Chinh có người chấp bút rất hay. Cô Kiều hết sức cải chính . Cô nói rằng chính cô viết từng câu từng chữ. Giao Chỉ phải xem lại và xin lỗi.                                                          

Hồi ký của Thanh Lan là chữ nghĩa của cô thật. Không phải văn chương của nhà văn nhà báo. Đây là phụ nữ kể chuyện đời. Viết từng đoạn đời nhưng sẵn sàng ngồi nghỉ chân và bình luận. Câu chuyện rất trong sáng, bình dị và hấp dẫn.  

Bây giờ xin các bạn để tôi có đôi điều về tác phẩm của người ca sĩ sinh viên. Cô là tiếng hát học trò và không bao giờ cao niên. Nếu đã nghe Thanh Lan bắn súng Bang Bang trong vũ trường thì sẽ nghe chừng có tiếng súng trẻ thơ trong suốt tác phẩm. Những lần trước cô ca sĩ sinh viên này đến San Jose để ca hát, có cả vinh quang và tủi nhục.

Nhưng lần này cô đến với tác phẩm giãi bày cả cuộc đời. Cuộc đời của một ca nhi trải qua 2 chế độ. Cuộc đời của ca sĩ trẻ và mãi mãi không già. Cô là thần tượng một thời của biết bao thanh niên gồm cả sinh viên, học sinh và lính tráng. Cô ca sĩ lấy chồng làm bao nhiêu người thất vọng. Khi cô bỏ chồng biết bao nhiêu người vui mừng hy vọng. Mỗi buổi đi hát trở về biết bao nhiêu người đón chờ. Nhưng đến một ngày cả nước điên loạn cuối tháng Tư, không ai đến rước mẹ con cô đi. Sài Gòn và VNCH không còn nữa. Cả chế độ chiêu đãi đưa Thanh Lan lên ngôi thần tượng vừa là ca sĩ vừa là tài tử điện ảnh giỏi sinh ngữ Anh Pháp đã đi trình diễn và đóng phim khắp 5 châu 4 bể bây giờ hoàn toàn bế tắc. Ca sĩ không được hát, tài tử không được đóng phim.

Thanh Lan chỉ còn một đường gọi dạ bảo vâng, ngậm đắng nuốt cay để chờ dịp vượt biên. Chuyện vượt viên đầu tiên vì may mắn cả 2 mẹ con được cho đi để sẽ là thông dịch viên khi gặp tàu ngoại quốc. Nhưng tất cả bị bắt và theo thông lệ đàn bà và trẻ con được tha sau vài tuần. Riêng Thanh Lan bị đi tù cải tạo trên 3 năm. Mở cuốn sách rất dày, chữ nhỏ với nhiều hình ảnh trên 400 trang trong 26 chương. Chúng tôi lưu ý đến các đề mục đáng ghi nhớ:  Chương số 10” Vượt biên lần đầu, 11 trại cải tạo, 12 Vượt biên lần thứ hai.13 Tại 27 Tú Xương 14. Hy vọng ngoài biển 15, Nhà tù Phan Đăng Lưu 16 Mãi mãi là người vượt biên.                                                                       

Xem ra toàn bộ cuốn sách này là cuộc đời kể khổ của một ca sĩ danh tiếng VNCH sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính danh tiếng và sự nghiệp vinh quang của cô tại Sài Gòn đã làm cô trở thành kẻ thù của chế độ. Có lần cán bộ bên trên đã cất công xuống làm việc với một câu hỏi; Cô có phải là người tình của Hoàng Đức Nhã. Thanh Lan trả lời. Không phải. Nếu như vậy thì ông ta đã đem tôi đi.                                                                                     

Đem tôi đi.             

Vào những ngày tháng tư đau thương đó. Giữa lúc kể lại chuyện vừa đóng phim vừa chạy từ Huế về Sài Gòn, Thanh Lan chợt ngồi xuống ca ngợi người lính miền Nam. Lúc đó Thanh mới 26 tuổi, gái một con, mẹ đơn thân không biết tương lai sẽ ra sao. Cô ngồi nghĩ đến những người lính đã chết và bài hát đôi khi cô trình diễn Ai để cái nón sắt bên bờ lau xậy này.                               

 Chuyện nối tiếp không lâu, chỉ vài năm sau, khi cả hai mẹ con bị giam trong trại Cải tạo, con bé tên Bou của cô Thanh đòi đi tè. Những người tù chỉ cho đi đến cuối nhà. Góc nhà có một chiếc nón sắt. Mọi người đái vào đó rồi sáng đem đi đổ. Thanh Lan thắt ruột nhớ lại bài ca nên nói với con bé. Con đừng tè vào nón sắt. Cứ tè ra ngoài.  (Trang 163)

Ở một chỗ khác những người tù phụ nữ vui mừng được biết Thanh Lan danh tiếng của họ cũng bị giam chung. Một người đề nghị cô hát. Rồi tất cả đều yêu cầu. Cả trại giam bên cạnh. Thanh Lan hỏi lại: Có hát được không. Mọi người trả lời. Hát được mà.

Hát cho chúng tôi đi.                                               

Thanh Lan cất tiếng rất lớn cho các trại bên kia cùng nghe. Con đường tình ta đi, với bàn chân nhỏ bé. Con đường tình măng tre, con đường bụi mờ…  

Cứ thế nhạc Vàng tuôn tràn. Một bài, hai bài rồi ba bài. Công an trẻ Hà Nội đứng gác đã ghé tai vào vách trại giam nghe nhạc Ngụy.

Đó là những chuyện đáng ghi lại từ hồi ký cô ca sĩ thời chinh chiến của VNCH. Bút ký văn nghệ hay bút ký chiến tranh. Không ai quyết định được.

Nhưng sau đây chúng tôi xin ghi thêm chút kỷ niệm hơn 30 năm trước khi Thanh Lan mới đến San Jose lần đầu.  Từ Việt Nam đến Mỹ cô đi một mình. Cộng sản thời mở cửa cho phép cô tài tử phim ảnh đi Thái Lan công tác với hãng phim. Nhờ có liên lạc với tòa đại sứ Mỹ nên có thông hành bèn bay qua Mỹ. Tạm gọi là vượt biên bằng phi cơ.

Đến Mỹ vào thời kỳ cao điểm của hận thù, nghi ngờ và chụp mũ. Có những người thông cảm. Có những người không quan tâm. Phong trào chống cộng dứt khoát nói cô là người Cộng Sản đưa qua công tác. Ông bầu Đỗ Vẫn Trọn liều lĩnh tổ chức đêm văn nghệ đầu tiên tại San Jose đương đầu với cuộc biểu tình đang được chuẩn bị.

Ký giả báo SJMN hỏi ông Lộc IRCC. Cô Thanh Lan này với cô Ái Vân khác nhau ra sao. 

Tôi trả lời rõ ràng và đơn giản.

Ái Vân học ca hát từ Hà Nội, qua Đức trở thành ty nạn và thành hôn với người Mỹ gốc Việt về ở San Jose. Thanh Lan là ca sĩ của Sài Gòn. Khi chúng tôi chạy qua Mỹ 30 tháng tư cô bị bỏ lại. Không chạy kịp. Phe chống đối cũng toàn là bạn bè có người xuyên tạc thành chuyện hấp dẫn như sau: Đại tá Lộc tuyên bố là người tình đã bỏ Thanh Lan lại Việt Nam. Một anh viết báo đã ghi rằng ngày 30 tháng tư chính mắt đã thấy ông Lộc lái xe Jeep đưa Thanh Lan đi nhưng rồi không kịp.

Đêm văn nghệ khai mạc giữa cuộc biểu tình làm hai phe cộng đồng chia rẽ.

Mc của bầu Trọn đã đùa cợt mở màn rằng kính thưa ông Vũ Văn Lộc, tưởng tượng rằng chúng tôi đang ngồi ghế danh dự mở đầu. Thực tế tôi nằm nhà không tham dự vì tránh rắc rối.  Trung tá Hùng Sùi, bạn cùng khóa Cương Quyết bên Thủ Đức cầm đầu cửa chính bên ngoài hô lớn: Tên Lộc người tình của Thanh Lan đang ngồi bên trong. Đả đảo Vũ Văn Lộc.

Đã 30 năm qua tôi không hề cải chính. Xin xác định một lần. Chúng tôi không hề quen biết cô Thanh Lan ở Việt Nam và cũng không gặp cô tại hải ngoại.

Hôm nay đọc tác phẩm này tôi rất kính trọng tác giả. Cô là người đàn bà Việt Nam trải qua hai chế độ. Cô mãi mãi vẫn là thuyền nhân. Vào những ngày biến cố tháng tư cô mới 26 tuổi và là mẹ đơn thân. Tôi đã 40 tuổi có 4 con. Cũng tìm đường chạy như mọi người, thì giờ đâu mà chở Thanh Lan lòng vòng trên xe Jeep.

Nhưng sau này có anh bạn trẻ đã điện thoại nói rằng. Tôi là gốc không quân nghe tin niên trường chịu chơi chúng tôi rất phục. Không quân chúng tôi không bỏ bạn bè nhưng cũng không bỏ người yêu. Nhà tôi mới mất, nếu niên trưởng không trở ngại xin giới thiệu tôi lo cho Thanh Lan. Tôi độc thân mà lại có nghề nghiệp và nhà cửa rộng rãi.

Cảm ơn niên trưởng.

Giao Chi San Jose.   giaochi12@gmail.com  (408) 316 8393