Văn – “HƯƠNG MÙA VU LAN: Tâm Minh Ngô Tằng Giao” – CAO MỴ NHÂN & THƠ ĐƯỜNG XƯỚNG HỌA: “HƯ KHÔNG” -Thơ Tâm Minh Ngô Tằng Giao và Thơ Họa


HƯƠNG MÙA VU LAN.
* Cao Mỵ Nhân
Ai cũng biết “văn là người” rồi. Qua thơ lại càng thấy rõ Thơ với Người không thể như đầu sông cuối bể. Bể là biển chứ không phải là cái bể nước dùng trong nhà. Và, Thơ với Người đã cùng bơi trên một dòng nước. Vì thế hôm nay tôi xin đan cử một dòng Thơ rất bình thường ở hình thức, nhưng lại vòng vèo, tươi mát như mưa xuân trú ngụ nơi tâm hồn.
Tác giả của dòng thơ tươi mát này vốn là một đạo hữu, luật sư, đã từng nhập thiền hàng buổi kể từ khi còn ở quê hương Đà Lạt, tới lúc qua Hoa Kỳ, mà cành Vô Ưu vẫn nở hoa trước mặt. Ông ta không phải đi tìm mới có bởi ông luôn chăm sóc vườn Từ Bi ngay tại ta gia, ngõ hầu bước ra xã hội, với một tâm tư tình cảm hoan ca, hướng về cõi Phật.
Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.
(Ca dao Việt Nam)
Luật sư Ngô Tằng Giao dùng pháp danh Tâm Minh làm bút hiệu, sinh ở hà Nội, lớn lên ở Sài Gòn, và lập nghiệp ở Đà Lạt. Ông đã gia nhập Luật Sư Đoàn từ năm 1962, là cháu đích tôn của cụ Ngô Thúc Địch, Vị quan tham chánh thời Quốc Trưởng Bảo Đại.
Cụ cố Ngô Thúc Địch người Hà Nội, nói tiếng Bắc, theo đạo Phật, nên chẳng thể là thân bằng quyến thuộc của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, gốc Quảng Bình được, điều này cho thấy Tổng Thống Ngô Đình Diệm không kỳ thị tôn giáo, và đồng thời cũng cho thấy, cụ Ngô Thúc Địch tuy mang họ Ngô, song không chung gia phả với Tổng Thống thời đệ nhất Cộng Hòa.

Và, điều quan trọng hơn, người cháu đích tôn là đạo hữu, thi sĩ, luật sư Tâm Minh Ngô Tằng Giao khi biện hộ cho các thân chủ ở chốn quan trường, ông đang còn ở tuổi thanh niên, lại không ồn ào kiểu đấu tranh tâm lý, mà rất chính trị, là bày tỏ thái độ khoan hòa, thể hiện lẽ công bằng, thanh tịnh, hiền hòa như các tác phẩm sau này ở hải ngoại của ông.
Vì muốn phổ biến những lời hay ý đẹp của Đấng Thế Tôn, đạo hữu thi sĩ Tâm Minh Ngô Tằng Giao đã uyển chuyển viết những dòng tâm kinh Phật toàn thể bằng thơ lục bát, hầu phổ biến sâu rộng tới đại chúng, ngoại trừ hai cuốn Tìm Hiểu Kinh Pháp Cú và 101 truyện thiền, chuyển ngữ từ 101 Zen Stories của Nyozen Senzaki và Paul Reps bằng văn xuôi.
Bên cạnh 101 tác phẩm thơ, văn về “cõi Phật” là cuốn Mưa Xuân (Spring Rain) chuyển dịch thơ Anh ngữ của nhiều tác giả ngoại quốc từ nhiều không gian và từ nhiều thời đại, trong đó có tác giả Rudyard Kipling (1865-1936) mà thời trung học, tôi đã phải học thuộc lòng một bài thơ của tác giả đó.
Trong truyện Quan Âm Thị Kính, thi sĩ đạo hữu Tâm Minh viết lục bát như tất cả các thơ văn chương đại chúng khác, có điều nhà thơ gốc khoa bảng này kể chuyện ngọn ngành hơn:
Xuất gia từ thuở thiếu thời
Tu qua chín kiếp luân hồi thành tâm
Rũ gần sạch hết bụi trần
Và kỳ chứng quả cũng gần tầm tay
(Quan Âm Thị Kính)
Thế nhưng qua thơ chuyển dịch Mưa Xuân thì Tâm Minh trọn vẹn là thi sĩ trữ tình lãng mạn:
Mưa Xuân reo sấm không trung
Lòng em cuồng nhiệt trong lòng lửa yêu
Môi chàng từng thốt đã nhiều
Mắt chàng đêm đó muôn điều nói thêm
(Mưa Xuân)
Đó là thơ Spring Rain của Sara Teasdale (1884-1933) dòng thơ xúc cảm mang phong cách văn học.
Tâm Minh Ngô Tằng Giao chưa từng “vỗ ngực” ông sáng tác thơ mà luôn khiêm tốn nói mình là soạn giả.
Tác phẩm của ông gồm:
– Truyện cổ Phật giáo 1, 2, 3.
– Cuộc đời Đức Phật Thích Ca
– Kinh Pháp Cú
– Tặng một vầng trăng
– Truyện thơ thần tiên Đức Phật 1, 2, 3, 4.
– Tìm Hiểu Kinh Pháp Cú
– Kinh Bách Dụ
– Niết Bản (dịch)
– Quan Âm Thị Kính
Và mới nhất đối với tôi, trong mùa Vu Lan này, trong gói quà đã cất kỹ từ vài năm nay, 2 cuốn thơ thật đẹp, thật sang, thật trân trọng hiện ra:
– Mục Liên Thanh Đề (Sáng tác)
– Mother’s Love (Tình Mẹ, dịch thuật)
Thi sĩ luật sư Phật tử thuần thục khẳng định đó là Hương Mùa Vu Lan, với 54 bài thơ tuyển về những hiếu hỉ vuông tròn của đấng sinh thành gương mẫu đáng ca ngợi với hình ảnh những người con tiêu biểu.
Tâm Minh Ngô Tằng Giao đã từ lâu mang vóc dáng của một thiền sĩ, tâm tư tình cảm lắng trầm, phóng khoáng, khá trọn vẹn là thi sĩ…thiền. Không dám viết thiền sư, vì tác giả, hiền thê và 3 ái nữ đều là Phật tử chính thống, hiện cư ngụ ở Virginia, nên nhà thơ đôi lúc cũng bồng bềnh trước thực hư, huyễn ảo, bài thơ gần nhất diễn tả cõi mù sương đạo, đời ấy:
Hư Không
Bồng bềnh ẩn hiện bóng ngư ông
Neo chiếc thuyền nan giữa bến sông
Rộn rã thả câu trong quạnh vắng
Lao xao buông lưới giữa mênh mông
Chập chờn cõi ảo mù sương bạc
Thấp thoáng bờ chân rạng ánh hồng
Muôn đợt sóng vàng loang nước biếc
Dập dồn khuất nẻo chốn hư không
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
*
Bài thơ này đã có một số vị họa, nhưng bởi tử vận “mông” cuối câu thực đề (câu thứ 4) khiến có bài họa đi vào…tai họa, là ngoài chữ “mênh mông” ra, thì còn gì hay hơn từ “mênh mông” đó chứ.
Thế nên, giới trân trọng Đường thi, không thể gò ép chữ “mông” tầm tầm, làm khách thưởng ngoạn phải chau mày khó cảm thông.
Vì nội dung là thơ thiền, nên một thi sĩ gởi bài họa thật tương đối, và thật tương kính là nhà thơ Đường Luật Nguyễn Kinh Bắc viết như sau:
Tâm Không
Cửa thiền thanh thản dáng sư ông
Vui cảnh huy hoàng của núi sông
Dân tộc âu ca thời thịnh Việt
Giặc thù tan tác, buổi bình Mông
Câu thơ ngan ngát non Yên Tử
Nền đạo bồi vun giống Lạc Hồng
Rừng Trúc đêm nay xào xạc gió
Một trời lắng đọng giữa tâm không
Nguyễn Kinh Bắc
Bài xướng thiền, nên bài họa cũng phải thiền, Tâm Minh Ngô Tằng Giao chơi “phá bằng” (bồng bềnh). Nguyễn Kinh Bắc cũng “phá bằng” (cửa thiền) và xử dụng nguyên nội dung lịch sử vua nhà Trần thời thịnh Việt, sau khi bình quân Mông Cổ, vua Trần đã lên núi Yên Tử lập chùa tu, phái Trúc Lâm Yên Tử, “rừng Trúc” đầu câu chuyển (thứ 7) được tôn phong từ đó, có thể vậy.
Như thế, bài thơ thiền Tâm Không, nhà thơ Nguyễn Kinh Bắc họa thật nhất khí (một mạch câu chuyện vua Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên Mông) và nhất quán (cùng cách nhìn thiền với tác giả bài xướng Hư Không của Tâm Minh Ngô Tằng Giao).
Mỵ tôi vốn cũng tập toạng làm thơ Đường Luật, qua phảng phất khói sương “thiền” thôi. Biết gặp vần “mông” tử vận ngay, bèn chợt nhớ một phần đời thơ của thi sĩ cận đại tài hoa Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn xưa. Cố thi sĩ được điều trị bệnh phong tại bệnh viện Trại Cùi Quy Hòa, ở bên kia Ghềnh Ráng, và nếu đi từ trong Nam ra, khách phải vượt đèo Cù Mông, xin tạm họa thế này:
Huyền Không
Nghe sầu lãng đãng bước thi ông
Biển gọi thuyền trăng ở cuối sông
Thấp thoáng lương y qua núi Ráng
Chơi vơi bạch mã vượt Cù Mông
Mõ xa ủ mãi tàn hoa lửa
Sân lạnh đầy thêm xác pháo hồng
Đã khiến Hàn quân rời cõi tục
Tạ từ vần điệu gởi huyền không
Cao Mỵ Nhân (8/2014)
Sự thực thì thơ xướng được quyền “hay”, lý do thơ xướng thoải mái tìm vần điệu, ngôn từ, ý tứ. Thơ họa đúng nghĩa chỉ là…họa mà thôi, đôi khi ghép chữ lạc lõng, có khi còn vô nghĩa nữa.
Thế nhưng bài họa Tâm Không của Nguyễn Kinh Bắc lại có dáng dấp của bài thơ xướng khác, nếu như khách thơ không được đọc bài Hư Không của Tâm Minh Ngô Tằng Giao.
Còn bài Huyền Không của Cao Mỵ Nhân thì chẳng qua kẻ họa thơ muốn huyền ảo tâm tư cụ cố thi ông Hàn Mặc Tử, tác giả bài thơ lừng danh Đây Thôn Vỹ Dạ, có câu:
Thuyền ai đậu bến sông trắng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
(Hàn Mặc Tử)
Nên tưởng tượng vị lương y qua Núi Ráng để chữa bệnh nan y cho Hàn thi sĩ, đồng thời khách văn nhân, người mộ điệu…phi ngựa trắng (bạch mã dành cho văn quan, tao nhân mặc khách) vượt Cù Mông là cái đèo cao ngất, xẻ đôi núi, hình chữ V ở Phú Thạnh, ngoại vi thành phố Quy Nhơn. Cũng chỉ vì vần “mông” của Tâm Minh Ngô Tằng Giao, mà Cao Mỵ Nhân phải xử dụng địa danh “Cù Mông” đấy ạ.
Do đó, để giới thiệu với quý vị độc giả Chốn Bụi Hồng, quý đạo hữu của Tâm Minh, quý thi hữu, bằng hữu của luật sư Ngô Tằng Giao, tôi xin được lần nữa vẽ lại hình ảnh tươi mát, trong sáng của dòng thơ đạo vô ưu, phẩm chất đức hạnh vô cùng, vô ngã, mà người Phật tử đã gởi gắm tâm tình vào các truyện thơ Phật Giáo Việt Nam, lời thơ chân phương, hỉ xả, mang âm hưởng trung hậu đầy dân tộc tính của Ngô thi sĩ nêu trên.
Hawthorne, 8-8-2015
Cao Mỵ Nhân (HNPĐ)
Kính thăm LUẬT SƯ NGÔ TẰNG GIAO
*
Mười lăm năm bặt tin nhau
Đông tây biền biệt một mầu nhạt phai
Xin thưa biển rộng, sông dài
Còn nguyên ngưỡng mộ văn tài trượng phu
*
Vẫn nghe bạn xứ sương mù
Cho tin đạo hữu luật sư tinh tường
Người cùng gia quyến bình thường
Quen tay vẫn viết những chương Phật Từ
*
Mười lăm năm tưởng huyễn hư
Hoá ra tất cả riêng tư vẫn còn
Vẫn nghe nước chảy đá mòn
Cuốn đi cát bụi vàng son đường đời
*
Tháng ngày bạch mã rong chơi
Bỏ quên xích thố bên trời điêu linh
Tơ vương thơ buộc nỗi mình
Chỉ còn ngôn ngữ tự tình tháng năm.
*
CAO MỴ NHÂN
HƯ KHÔNG
Bồng bềnh ẩn hiện bóng ngư ông
Neo chiếc thuyền nan giữa bến sông
Rộn rã thả câu trong quạnh vắng
Lao xao buông lưới giữa mênh mông
Chập chờn cõi ảo mù sương bạc
Thấp thoáng bờ chân rạng ánh hồng
Muôn đợt sóng vàng loang nước biếc
Dập dồn khuất nẻo chốn hư không
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Thơ Họa:
HUYỀN KHÔNG
Nghe sầu lãng đãng bước thi ông
Biển gọi thuyền trăng ở cuối sông
Thấp thoáng lương y qua núi Ráng
Chơi vơi bạch mã vượt Cù Mông
Mõ xa ủ mãi tàn hoa lửa
Sân lạnh đầy thêm xác pháo hồng
Đã khiến Hàn quân rời cõi tục
Tạ từ vần điệu gởi huyền không.
Cao Mỵ Nhân
*
VÔ ƯU
Sóng gợn chao nhoà bóng cụ ông
La đà thả mái dọc ven sông
Trí xao người mộ nơi sầm uất
Tâm tĩnh ta cần chốn quạnh mông
Dẫu lúc bình minh trời điểm thắm
Hay khi chiều xuống cảnh tô hồng
Phong ba bão táp đang vần vũ
Lòng chẳng ưu phiền vẫn trống không
Phương Hoa
July 18, 2022
*
TĨNH TẠI
Bên bụi lau già, một lão ông
Hành thiền, tĩnh tại ở ven sông
Chiều buông lặng lẽ, ngày hiu hắt
Sương tỏa nhạt nhòa, cảnh quạnh mông
Mặt nước êm đềm loang sóng nhẹ
Chân trời yên ả phớt mây hồng
Bóng người trầm mặc như pho tượng
Màn tối loang dần, phủ khoảng không
Sông Thu
( 20/07/2022 )
*
ÔNG CHÀI.
Thấp thoáng con thuyền một lão ông,
Buông cần đợi cá ở ven sông.
Trên bờ lau sậy bay phơ phất,
Mặt nước rong bèo nổi quạnh mông.
Nắng tắt sương sa mây khói xám,
Triều lên sóng cả lửa chài hồng.
Ngâm hò oán trách đời đen bạc,
Tâm sự đôi lời gửi cõi không.
Mỹ Ngọc.
July 20/2022.
*
CÂU THỜI
Ghềnh đá hằng ngày có lão ông
Ra ngồi trầm mặc ở ven sông
Buông cần chẳng lưỡi nhìn xa vắng
Thả lưới không mồi ngó quạnh mông
Cá lội tung tăng làn nước biếc
Thuyền trôi lờ lững ánh chiều hồng
Vầng dương dần khuất người thư thả
Vui vẻ ra về chiếc giỏ không .
songquang
20220720
*
TĨNH LẠC
Tranh chiều lặng lẽ một mình ông
Thoải mái tâm hồn hưởng gió sông
Ngắm vạt trời trong cười vớ vẩn
Nhìn làn nước bạc nghĩ lông mông
Khung trần dạ cảm vầng mây tím
Dáng biểu lòng yêu giọt nắng hồng
Thả chiếc cần câu lùa sóng lặn
Xa vời cánh Hạc lượn tầng không
Minh Thuý Thành Nội
Tháng 7/20/2022
*
BÃI VẮNG
Bãi vắng tinh sương một lão ông
Êm đềm thuyền cắm đậu bên sông
Lăn tăn bóng đổ in dòng nước
Lặng lẽ sào nghiêng lóe nắng hồng
Kéo vó trầm ngâm đời sắc ảo
Buông câu nghiền ngẫm biển sầu mông
Đó đan thưa cá bơi lờ lững
Lòng đã như chừng tấp bến không,
Lê Mỹ Hoàn
7/20/2022
*
THEO DÒNG
Giữ nhà vui cháu,mới sinh ông*
Nước mạch theo nguồn chảy với sông
Tuổi lão chia tay thời khổ cực
Tâm già đối mặt nỗi hoang mông
Nhìn lên tóc đậm màu mây trắng
Ngó xuống hồn phai sắc nắng hồng
Những đóa hoa thơm vừa ngọt quả
Vô thường lấy có thả vào không…
Lý Đức Quỳnh
20/7/2022
*Mượn ý:…Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.
*
NGOÀI KIA
Ngoài kia thấp thoáng một ngư ông
Buông lái nghiêng mình ngắm dáng sông
Rót giọt nắng vàng ,tia lấp lánh
Đan màu ráng đỏ ,cảnh xa mông
Nước chao khuấy động bầy cò trắng
Gió thổi đong đưa cánh nhạn hồng
Lao vút khoảng trời về cuối nẻo
Để người khắc khoải với thinh không !
PHƯỢNG HỒNG
*
LẠC CHỐN KHÔNG
Thấp thoáng từ xa bóng lão ông,
Thuyền xuôi đánh cá dọc bờ sông.
Mắt nhìn chờ đợi đêm thanh vắng,
Dạ ngóng buồn trông cá bến mông.
Gió thổi vi vu khơi sóng bạc,
Mây bay lờ lững chiếu tia hồng.
Âm thầm chẳng thấy cần đong đẩy,
Thơ thẩn hồn trầm lạc chốn không.
HỒ NGUYỄN
(20-7-2022)
*
BUÔNG
Nước biếc trời thanh một lão ông
Lơi chèo neo gió thả theo sông
Đìu hiu bến vắng đò thưa khách
Lác đác trên đê vạc ngó mông
Chiều xuống chân mây viền sắc tím
Hoàng hôn góc núi ửng tia hồng
Chuông chùa ngân vọng… vang lời kệ
Tịch tĩnh tâm buông, trú cõi Không
Kiều Mộng Hà
july 21st2022
*
BỒNG BỀNH
Bồng bềnh sóng vỗ dáng thi ông
Râu tóc bạc phơ thuyền lướt sông
Thơ phú ngao du qua bến nước
Sáo tiêu vi vút gợn sầu mông
Giải khuây tâm sự đời chồng chất
Xa tít tầng mây đượm vết hồng
Cõi thế trớ trêu luôn giận dữ
Khéo lo tránh khỏi giấc huyền không !…
Yên Hà
21/7/2022
*
ÔNG LÁI ĐÒ
Thế sự bon chen chẳng có Ông
Chiều neo thuyền nghỉ cạnh bờ sông
Chân mây trải lụa, trời xanh biếc
Mặt nước giăng tơ, cảnh vắng mông
Bến đón, nào màng người chuốt lục
Đò đưa, mặc kệ kẻ tô hồng
Chuông chùa văng vẳng…khơi tâm đạo
Lão trượng mỉm cười ngẫm: sắc, không!
DUY ANH
07/21/2022
*
HOÁ KHÔNG
Đò đậu ven bờ có lão ông,
Ưu tư lòng nghĩ đến non sông
Thả cần câu cá hồn hiu hắt,
Đưa mắt nhìn sông nước quạnh mông.
Nhớ cảnh xưa đời luôn chói sáng,
Còn ngày nay mộng chẳng đơm hồng !
Trần duyên chợt nghĩ là hư ảo…
Trời đất rồi ra cũng hoá không !
Liêu Xuyên
*
CÓ MỘT ÔNG
Thú thật …nhà này có một ông
Dường như kiếp trước thuộc dòng sông
Dong buồm …chẳng ngại trời se lạnh
Lướt sóng…nào lo cảnh quạnh mông
Hạ đến…đem về xâu ghẹ bự
Thu sang…bắt được giỏ rô hồng
Đông về…lặng lẽ xem thời sự
Mặc kệ cuộc đời tay trắng không !
Thy Lệ Trang
*
BÌNH AN VÔ SỰ
“Sắc sắc không không”
Gác mái neo thuyền bóng lão ông
Ngư nghề hưởng thú sống ven sông
Đợi thời vũ vận nơi xa vắng
Thả mộng phong vân chốn quạnh mông
Tỉnh rượu chập chờn chiều ráng đỏ
Say men thấp thoáng sớm mai hồng
Bình an bủa lưới rong rêu biếc
Vô sự giăng câu cá “sắc không” ?
MAI XUÂN THANH
July 22, 2022
***