Phạm Tín An Ninh : Phố Ảo

Thảo luận trong 'Truyện ngắn' bắt đầu bởi administrator, Thg 11 10, 2011.

  1. administrator

    administrator Administrator Thành viên BQT

    Tham gia ngày:
    Thg 3 14, 2011
    Bài viết:
    211
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    16
    Giới tính:
    Nam
    Phố Ảo


    Tôi bước vào Phố Ảo với lời giới thiệu của một người dẫn đường khả kính, nhà văn Tâm Thanh:

    “Con chim sắp chết hót tiếng bi thương,
    Con người sắp chết nói lời tâm huyết”
    Cụ Phan Bội Châu viết lời trên trong Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư năm 1903. Ba mươi bảy năm sau (1940) Cụ mới qua đời tại Bến Ngự trong cảnh giam lỏng.

    Người con gái Sông Hương vừa bị định mệnh lên án treo. Cô có được ân xá và diên trì sự sống một thời gian dài như Cụ Phan không? Trong viễn ảnh Phật giáo mà cô là một tín đồ, tiếng gọi về ngay hay lệnh hoãn không nhất thiết là tốt hay xấu, chỉ là duyên nghiệp trong luật tử sinh chung. Dưới nhãn quan đạo Chúa mà phu quân là tín đồ, việc ở hay đi nào có gì quan trọng, nếu người ta sống xứng đáng và yêu thương tới giờ phút cuối cùng. Tôi tin cô đã quan niệm và đang sống như chí hướng của cả hai tôn giáo ấy. Sư tin tưởng của tôi đã được xác chứng khi đọc thơ của cô.

    Cô muốn đã đến lúc người thân yêu và bằng hữu nghe tiếng lòng mình – qua thơ. Đó là lý do sự hiện diện của tập thơ muộn màng này.

    [​IMG]

    Với những lời giới thiệu của người dẫn đường từng trải ấy, tôi đã bước vào Phố Ảo với thái độ cẩn trọng cùng một tâm hồn mang đầy cảm xúc. Lo sợ một tiếng động nhỏ, chỉ tiếng sột soạt của trang giấy mở ra, cũng có thể làm tan vỡ cái bóng thời gian mong manh và những hình ảnh lung linh, huyền hoặc. Tôi cũng đã mất đi ý định ban đầu, lúc vừa mở ra Phố Ảo - không phải tìm đọc chữ nghĩa, vần điệu trong thơ - mà đi tìm giá trị tình yêu, những thao thức và lòng trắc ẩn trước sự phù du, vô thường của kiếp nhân sinh - rất thực. Điều tưởng chừng đơn giản ấy, bao lần ngỡ mình đã ngộ ra, nhưng sao vẫn cứ trừu tượng mơ hồ, như những lần nghe kinh bằng tiếng Phạn, cảm nhận được cái âm điệu từ bi mà nào có thấu hiểu gì đâu trong những triết lý cao siêu của đạo Phật.
    Trên sân khấu đời hữu hạn ấy, cô gái Sông Hương đã phải thủ nhiều vai diễn, khóc cười theo từng đợt sóng phế hưng.
    Không phải có gốc gác từ một cố đô huyền thoại, bên dòng Hương giang trầm mặc, cùng bao lời ru điệu hò xao xuyến lòng người, và được sinh ra rồi lớn lên bên dòng sông Hàn của xứ Quảng Nam “địa linh nhân kiệt”- nơi đã sản sinh ra nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng của miền Nam - mà thơ len lén đi vào tâm hồn cô bé Lilly. Thực ra, thơ đã có trong Lilly ngay từ thưở “mẹ chưa về với cha”. Và cũng có thể chính thơ đã tạo ra Lilly. Bởi thân sinh là một nhà thơ thành danh khi còn rất trẻ, hơn nữa, lại là một phi công hào hoa của thời chinh chiến, bao lần đem mây trời dệt những vần thơ… đã làm xiêu lòng cô nữ sinh Đồng Khánh - mẹ cô, cái thời “anh theo Ngọ về” hơn năm mươi năm trước. Nhưng đến ngày vĩnh viễn nằm xuống ở một nơi nào đó cùng những đồng đội khi quê hương miền Trung mất vào tay giặc, có lẽ nhà thơ Nhân Hậu chưa biết được dòng thơ trong máu của ông sẽ luân lưu tiếp nối, tuôn tràn ra theo ngòi bút của cô con gái Lilly trong ngày giỗ của chính ông:

    Ba ơi, con thắp hương ngày giỗ
    Cúi lạy Ba dâng mấy nén nhang
    Thương Ba, mắt nhỏ lệ hai hàng
    Ngày Ba mất không một ai đưa tiễn

    Ba ơi, hai tiếng con thèm gọi
    Nay chỉ vang trong nỗi nghẹn ngào
    (Ngày giỗ Ba)

    Lời thơ còn đọng những giọt nước mắt ấy chưa kịp khô, thì trên đầu Lilly quấn thêm vành tang Mẹ. Người mẹ từng khâu những vết thương của những chiến binh trận mạc, vá trái tim cho bao góa phụ của một thời ly loạn, để rồi đến khi chính bà phải trải qua nhiều nỗi đau với bao thương tích trong lòng, thì chẳng có còn ai để có thể xoa dịu được, ngoài cô bé Li thơ dại. Bà đã dành cả phần đời còn lại cho đứa con gái cưng yêu bé bỏng nhưng sớm biết đón nhận những mất mát, chia lìa. Theo con sang xứ người, sống trong vùng Bắc Âu băng giá, gia tài chỉ còn có trái tim, bà đã đem nó để sưởi ấm cho cô con gái tội nghiệp của mình. Nhưng rồi cũng chỉ được tám năm. Bà ra đi bỏ lại con bé Li ngày nào giữa trời đất mênh mông. Sau những ngày khóc mẹ, thơ trong Li cũng đã tuôn ra theo dòng nước mắt:

    Nắn nót con ghép vần thơ Mẹ
    Viết những dòng ươm lắm thương yêu
    Mẹ ơi, con nhớ Mẹ rất nhiều
    Nỗi mong nhớ gởi theo chiều gió
    ……………
    Mẹ ơi, nay Mẹ đang yên nghỉ
    Có gặp Ba trong giấc ngủ ngàn thu
    Hay cùng Ba khắp nẽo chu du
    Ba Mẹ vui, con xin cầu nguyện
    (Mẹ đi rồi)

    Nếu Lilly, cái tên ký dưới nhiều bài thơ hoài niệm về tuổi thơ, nhớ cha khóc mẹ - bởi chính Lilly là cái tên mà cha mẹ thường gọi con bé Li thời thơ ấu – thì Bích Thu là bút hiệu cho những bài thơ bình dị dễ thương của cô gái tha hương, trong tuổi biết yêu, da diết nhớ quê, nhớ từng con đường góc phố, dòng sông tuổi thơ, ngôi trường, bạn thầy một thời cắp sách.

    Quê hương nơi chân trời
    Lòng thương nhớ khôn nguôi
    Mai kia về thăm lại
    Sân nhỏ ngày xưa chơi
    (Xa Quê)

    Thương nhớ quê xưa tận chân trời
    Lòng thương nhớ lắm không sao vơi
    Ngày đi trĩu nặng sầu ly biệt
    Giờ đây chỉ biết nhớ thương thôi

    Tôi nhớ mãi chợ Cồn chợ Mới
    Có còn chăng những cảnh chen chân
    Đường Đống Đa, Độc Lập đâu rồi
    Hay vắng như sông Hàn hiu quạnh

    Kỷ niệm xưa về trong trí tưởng
    Để nặng lòng thêm những vấn vương
    Những tiếc nhớ bao mùa lá úa
    Theo thời gian rơi rải sân trường…
    (Nhớ Quê)

    Lilly lớn lên bên dòng sông Hàn quạnh vắng. Có lẽ nước sông Hàn mang theo cả dòng thơ sữa mẹ để nuôi lớn bao chàng (và nàng) thi sĩ miền Nam. Vì vậy không chỉ có Lilly thương nhớ sông Hàn, mà sông Hàn đã có trong thơ của rất nhiều thi sĩ Quảng Nam tài danh khác. Bài thơ Sông Hàn mới nhất của nhà thơ Luân Hoán, một đồng hương có cùng tâm sự với Lilly:
    (sông thở theo cùng nhịp gió bay
    ta ngồi nghiêng má ngóng đông tây
    nắng trầm hương khói hồn dĩ vãng
    thương nhớ lênh đênh mặt nước đầy
    …..
    sông vẫn im nghe ta thở đầy
    cả thời dĩ vãng níu bên tay
    lặng im sờ nắn ngày xưa cũ
    mỗi tiếng lòng thơm một áng mây
    ….
    nằm nhé em yêu, sông tháng tư
    lim dim đừng ngủ lắng nghe từ
    lòng ta kỷ niệm thơm trời đất
    hoa nở bừng ngàn cuốn bạch thư
    ….
    hương mới hương xưa quyện lấy nhau
    dòng sông giữ giúp mối tình đầu
    dư âm thơ dại thơm đầu lưỡi
    sông chảy về đâu em đến đâu)
    (Sông Hàn – Luân Hoán- tháng 4/2011)

    Và không biết “dòng sông (Hàn) có giữ giúp mối tình đầu” cho Lilly như của nhà thơ Luân Hoán hay không? Trong thơ, Lilly chỉ nhớ (mà dường như không tiếc?) những lần lỡ chuyến tàu…tình ái, và cũng đã sòng phẳng gởi trả lại cho người “một chút vương vấn ngày nào”:

    Hôm nay em lại lỡ tàu
    Cũng như lỡ hẹn lần đầu với anh
    Cuộc đời tựa bến mong manh
    Nay đây mai đó qua nhanh tháng ngày
    Một lần lỡ hẹn hôm nao
    Trọn đời anh hỡi, lỡ bao nhiêu lần
    Lần thương, lần nhớ, lần hờn
    Lỡ bao nhiêu mộng chập chờn hư không
    Thu về kế lại tiếp đông
    Nhưng lòng luôn mãi ngóng trông chuyến tàu
    Giá em đừng lỡ...lần đầu
    ???
    (Lỡ Tàu)

    Trả người đây những vần thơ
    Trả người đây những giấc mơ bình thường
    Trả người một chút nhớ thương
    Trả người một chút vấn vương ngày nào
    (Trà Người)

    Rồi như chiếc thuyền mong manh giữa biển đời mênh mông gió bão, dạt vào bến đỗ bình yên, mà lòng vẫn băn khoăn, tưởng chừng những gì mình đang có trong tay như chưa phải là điều có thật:

    Bong bóng bay, em nắm trong tay
    Một khoảnh khắc, thời gian nào hay
    Là của em, hay là hư ảo
    Sợi sắc không dệt mãi chuỗi ngày
    (Bong bóng bay)

    Em dệt vần thơ giữa chợ đời
    Thả thơ lơ lửng khắp nơi nơi
    Để thơ tìm lại người xưa cũ
    Một thưở cùng em thả bong chơi
    (Em dệt vần thơ)

    Anh sẽ nói gì nữa không anh?
    Đừng chờ em những chiều nắng hanh
    Gió thu về cho vàng cây lá
    Như tình ta đó...sao mong manh
    (Anh hỏi)

    Lilly giờ trở thành Doanh Doanh với những bài thơ ngơi ca tình yêu, hạnh phúc.
    Ông nhạc sĩ tình ca, tác giả của những Bài Không Tên, mà những lời ca sau đây đã làm nên tên tuổi, được nhiều người từng trải yêu đương cho là một định nghĩa tuyệt vời: “Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều, Trời cho không được mấy. Đến khi lấy chồng, chỉ còn mối tình mang theo”. Từng là nữ sinh của các ngôi trường Lycée Blaise Pascal (Đà Nẵng), Marie Curie (Sài Gòn) nổi tiếng lãng mạn một thời, không biết cô bé Lilly ngày nào đã trải qua bao nhiêu cuộc tình, nhưng dường như đến khi trở thành Doanh Doanh thì chẳng có mối tình (đúng nghĩa) nào để mang theo. Bởi qua bao đổ vỡ, người ta thường vất bỏ bớt lớp áo choàng lãng mạn, để nhận ra chân lý:“Yêu không phải là nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng”. Câu nói rất quen thuộc của một tác giả người Pháp nào đó. Xem ra cái định nghĩa lần này lại thích hợp với cô gái Sông Hương, đã từng một thời mơ mộng, một thời khổ đau, khan cổ gọi tình về. (Khan Cổ Gọi Tình Về cũng là tựa một thi tập của nhà thơ đồng hương Đà Nẵng- Trần Yên Hòa)

    Không anh sao lòng ai trống trải?
    Mộng hôm nay gởi lại ngày mai
    Ước mong cùng nhìn về một hướng
    Một phương trời nơi chốn tương lai
    (Anh Là Ai?)

    Em đang mơ giấc vô thường
    Một mai tỉnh giấc đoạn trường, mộng tan
    Quê hương mù mịt ngút ngàn
    Ba mươi năm lẽ vội vàng lướt qua
    (Em Đang Mơ Giấc Vô Thường)

    Vì biết anh cùng một quê hương
    Cùng nhìn, cùng hướng về một phương
    Xa xôi nơi đó là Nam Việt
    Giờ ở nơi này ta luyến thương
    (Làm Sao)

    Cái hướng mà Doanh Doanh và người tình (trăm năm) nhìn về chính là quê hương mà ngày nào họ đã đành bỏ lại sau lưng. Nơi đó không chỉ còn những dấu chân thơ dại, mồ mả ông bà, hài cốt của cha, cùng bao người thân, bạn bè quen thuộc, mà còn cả một dân tộc đang bị đọa đày khốn khổ dưới sự cai trị bạo tàn của đám đồng chủng không có trái tim người. Hai người luôn bên nhau, tay trong tay cất cao lời hát cho quê hương quang phục. Ai nói trong đấu tranh người ta không lãng mạn? Đấu tranh đã là một chất keo màu nhiệm để họ càng gắn bó nhau hơn:

    Từ ngày quân giặc vào
    Đất nước lắm lao đao
    Bao gia đình tan nát
    Đau lòng cắt như dao

    Dù thời gian có dài
    Dù đời lắm chông gai
    Anh ơi xin đứng nản
    Mai về hết bi ai

    Anh ơi, mai sẽ về
    Xin làm như lời thề
    Xin đứng lên đuổi giặc
    Cho dân thoát u mê

    Ngày mai không xa vời
    Dù quê hương xa xôi
    Bao nhớ thương cất giữ
    Âu yếm trong tim tôi...
    (Xa Quê)

    Giờ đây anh đang thở tự do
    Nhưng lòng anh mãi mãi buồn lo
    Quê hương dân tộc còn đau khổ
    Anh mơ ngày đất nước tự do

    Giấc mơ của anh là của bao người
    Thế hệ hôm nay và của thời
    Vàng son với cờ vàng ba sọc đỏ
    ...
    Anh mãi...là người yêu chuộng tự do
    (Người Yêu Chuộng Tự Do)

    Nữ nhi làm gì cho đất nước
    Em ước mình có phép thần tiên
    Cất tay lên phá hết xích xiềng
    Đuổi giặc đỏ... em về quê mẹ
    (Nắng xanh xao)

    Nhiều khi, trong tột cùng hạnh phúc, người ta lại bắt đầu lo sợ chia ly. Đứng trên đỉnh yêu đương có khoảnh khắc giật mình mơ hồ những hố sâu phía dưới. Tâm trạng thường biểu lộ bằng một chút dỗi hờn, âu yếm:

    Khi em chết có ai buồn không hở
    Có ai thương ai nhớ tặng dòng thơ
    Em chết đi hồn em sẽ bơ vơ
    Em sẽ về nơi xa quê...buổi ấy

    Khi em chết anh có buồn không hở
    Anh còn thương còn nhớ tới em không?
    Chắc tình ta lúc ấy sẽ không cùng
    Anh có ước mong em về bên cạnh?

    Khi em chết anh nhớ trồng hoa tím
    Em sẽ về trong những buổi chiều im
    Đón chút tình anh không còn dấu kín
    Hồn nở hoa theo ánh nắng dần chìm.
    (Khi Em Chết)

    Không ngờ những lời thơ âu yếm trong lúc mặn nồng lại là một tiên tri cho số mệnh. Trong mơ mộng, dù là mơ mộng của một người làm thơ “mơ theo trăng và vơ vẫn cùng mây”, nhưng trước một bất hạnh nào cũng làm cho người ta tỉnh thức. Lilly bé bỏng thiên thần, Tiểu Thu mơ mộng yêu đương, Doanh Doanh với bao mất mát, cay đắng, chia lìa rồi mạnh mẽ trong đấu tranh, thiết tha với hạnh phúc, bây giờ thực sự đã trở về với con người thật của nhà thơ - Kỷ Lan. Bút hiệu cuối cùng cũng là tên trong khai sanh của cô bé sông Hương mà nhà văn Tâm Thanh đã giới thiệu trước khi bước vào Phố Ảo.
    Tin Kỷ Lan bị một căn bệnh ngặt nghèo, chỉ có người thân mới biết. Kỷ Lan không muốn cho bạn bè phải lo lắng cho mình. Biết thời gian còn lại rất mong manh, nhưng Kỷ Lan vẫn bình thản, dành những giờ khắc đặc biệt này cho chồng, cho các con, và cho những bằng hữu thân tình. Đâu cần phải đến tuổi 60, con người mới “tri thiên mệnh”, nếu họ đã sống qua mọi hỉ nộ ái ố của cuộc đời, trải nghiệm chuyện sắc không và sống hết lòng với tất cả mọi người. Cái bóng đen vừa phủ xuống, với Kỷ Lan, lại là bóng mát cho một cuộc dừng chân, nghỉ ngơi, suy nghiệm và mở cho hết vòng tay yêu thương, trước khi tiếp tục cuộc hành trình viễn mộng. Trong cái bóng mát ấy, những trang cuối cùng của Phố Ảo được hình thành để chuyên chở, gởi gấm đến người thân thiết nhất- phu quân và các con thơ - bao điều tâm huyết :

    Lỗi tại em không trọn đoạn đường
    Mà giữa chừng gãy cánh tơ vương
    Chàng ơi, nơi suối vàng yên nghỉ
    Hồn em luôn ôm ấp nhớ thương
    (Lời Cuối Cho Chàng – 19.9.2010)

    Mai em đi, ai tiễn em đây
    Trời có mưa, sương mù giăng đầy
    Hay trời trong, nắng hanh vàng ấm
    Như những ngày gió thổi tóc bay
    ..
    Em sẽ đi về khung trời đó
    Em sẽ về trong từng cơn gió
    Vuốt ve anh, mơn trớn tóc bồng
    Ôm các con trong cảnh sắc không..
    ...
    Anh ở lại lo con anh nhé
    Kiếp này là tạm, hẹn kiếp sau
    Ta sẽ yêu nhau, làm lại từ đầu
    Và em sẽ không bỏ đi sớm nữa..
    (Mai Em Đi -05.10.2010)

    Bài thơ “ Hai tiếng...Mẹ Ơi” với lời ghi chú của tác giả “Ước mong các con đọc và hiểu những dòng này”. Xin trích mấy câu:

    Con gọi Mẹ, như bao người gọi Mẹ
    Tiếng gọi đầu Mẹ sung sướng lắng nghe
    ...
    Vòng tay Mẹ, âu yếm chở che
    Bôn ba tháng ngày...con còn nhớ lắm
    ...
    Mẹ cho và dạy con nhiều lắm
    Dạy cuộc đời cần sống với yêu thương
    Dù xa xôi cách trở bao dặm đường
    Có Mẹ trong tim cho dù xa cách..

    Ai đã đi qua hết Phố Ảo, dù khách lạ hay quen, có lẽ cũng phải dừng lại, thẫn thờ nghe lòng chùng xuống, trí óc bỗng trở nên mơ hồ mụ mẫm, không còn khả năng tìm được lối ra và cũng không đủ sức để bước xuống những bậc tam cấp - Bởi không một ai muốn đó là những bậc tam cấp cuối cùng - Tốt nhất là đi ngược lại, theo lời người dẫn đường Tâm Thanh, để tìm lối ra bằng cửa trước:

    “Trong gấp rút các bài thơ chưa được sắp xếp theo diễn biến tâm lý thi sĩ, nhưng gia đình và thân hữu đọc thơ Lan trong hoàn cảnh đặc biệt này, sẽ giấu đi giọt nước mắt để vui cười thoải mái với Lan, và sẽ cảm thấy yêu mến Lan hơn, một người khỏe mạnh đã sống sôi nổi với thương với ghét, đã làm phật lòng người này, đã nuông chiều người kia, không toàn bích; nhưng bây giờ đã thành vuông tròn. Lan muốn nói lời cuối cùng – nói theo Cụ Phan, lời tâm huyết – Lan muốn sống lâu lâu để thương mến mọi người, nhưng nếu phải đi trước thì xin ở lại bình an. Còn bao nhiêu Lan xin nhường lời cho tĩnh mịch:

    Im lặng sao chất chứa bao lời
    Lời thương, lời nhớ, lời yêu thôi
    (Im Lặng)

    (Tâm Thanh)

    Xin cám ơn Phố Ảo. Xin cám ơn Kỷ Lan và phu quân. Xin được cất giữ món quà tặng Phố Ảo này như là một kỷ vật quí giá nhất, và cầu chúc cho Kỷ Lan đạt được mọi điều mong ước – dù ở lại hay sẽ rời bỏ một chốn phù du hư ảo –

    Bắc Âu, một ngày mưa buồn cuối hạ
    Phạm Tín An Ninh
     

Chia sẻ trang này

Share