Đầu voi đuôi chuột

Thảo luận trong 'Ký sự và tạp ghi' bắt đầu bởi Đặng Quang Chính, Thg 3 20, 2011.

  1. Đặng Quang Chính

    Đặng Quang Chính New Member

    Tham gia ngày:
    Thg 3 19, 2011
    Bài viết:
    262
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Đầu voi đuôi chuột

    Hôm nay là ngày nghỉ thường lệ trong tuần nên tôi muốn xuống phố để xem ngày ”mammut” ra sao. Tiệm sách Tanum, một trong những tiệm sách lớn của Oslo, tọa lạc tại một trong những con đường chính của trung tâm phố, mở cửa vào lúc 7:00 sáng, để bán rẻ các loại sách.

    Năm rồi, vào khoảng thời gian này, việc bán sách giá rẻ gọi là ”mammut” cũng đã được thực hiện. Mammut là tên một động vật trong gia đình giống voi, xuất hiện trên trái đất từ lâu ..và giờ đây, gần như tuyệt chủng. Đặt tên cho chiến dịch bán sách rẻ với biểu tượng này, chắc hẳn Hội xuất bản sách ở Na Uy ám chỉ đến việc sẽ bán được một số lượng sách khổng lồ, vì có loại sách được giảm giá đến 80% giá sách nguyên thủy.

    Thấy trên giá sách toàn sách hướng dẫn về du lịch, tôi hỏi một bà nhân viên về loại sách cùng chủ đề nhưng có tính chuyên môn. Bà ấy vui vẻ dẫn đến quầy sách theo nhu cầu của khách hàng. Tôi hỏi tiếp là, loại sách này có giá ”mammut” không (tôi đã đoán trước câu trả lời, nhưng hỏi để cầu may). Bà ta nói không, rồi hỏi lại tôi là đã xem xấp giấy quảng cáo chưa (gồm nhiều trang, in các tên và loại sách khác nhau)

    - Có thể cho tôi phỏng vấn không?. Một cô gái hỏi tôi với microphone có chữ NRK (cơ quan truyền hình của Na Uy).
    - Một lát sau ...vì tôi đang ăn và xem thư mục các loại sách
    - Một phút thôi ....

    Tôi chưa kịp trả lời, một bà đứng gần tô i nói, (có lẽ cũng là người của Đài truyền hình, vừa chỉ cho cô gái kia vừa nói) phỏng vấn người này nè (một khách hàng nào đó đứng cạnh tôi).

    Tiệm sách này, cùng với Norli (một tiệm sách khác có tiếng tại Oslo) đi vào chiến dịch, nhưng với cách đặc biệt hơn (có lẽ thế, bởi tôi chưa ghé vào Norli) ...vì chiêu đãi khách hàng với bánh mì thịt và cà phê. Sau khi xem qua thư mục, tôi thấy loại sách mình muốn tìm không có trong danh sách ”mammut”. Tôi trở lại quầy sách ban đầu, nơi có các sách viết về các vấn đề thuộc vùng Á đông.

    Trong một cuốn sách ghi lại những phát biểu của các chính khách trong thời các chính phủ Mỹ có liên quan đến chiến tranh VN, tôi thấy rõ ràng là cuộc chiến đó không thể nào đem lại chiến thắng cho bên gọi là đồng minh. Một trong những ý đó có nội dung đại khái là, nếu Mỹ có đem thêm quân vào VN thì không thể tiêu diệt hết quân đội Bắc Việt ...mà nếu sự kiện đó có thể xảy ra, Liên Xô và Trung quốc sẽ chi viện thêm người vào cuộc chiến này. Rõ ràng điều đó khác hẳn với cuộc chiến Nam, Bắc Đại hàn trước kia, khi quân đồng minh (chủ yếu là quân lực Mỹ) đã cùng quân đội Nam Hàn, tấn công vào quân đội Trung Cộng, khi phe này tiếp sức cho quân đội Bắc Hàn. Chỉ thiếu quyết định sau cùng của tướng Mỹ, Mac Arthur, đòi sử dụng bom nguyên tử, nếu quân đội Trung Cộng còn sử dụng chiến thuật ”Biển người”... muốn tiếp tục tấn công về phía cực nam của Nam Hàn.

    Đứng ở quầy sách này, tôi lại thầm mong được người phỏng vấn quay trở lại, hỏi tôi câu hỏi trước đây. Tôi sẽ chỉ cho họ thấy cuốn sách có tựa ”Giấc mơ đêm hôm trước”, một cuốn sách được viết lại từ những đoạn viết ngắn (như Hồi ký) của một nữ bác sĩ tên Đặng thùy Trâm. Cô này theo đoàn quân Bắc Việt, vào trong Nam trước năm 1975, chết tại một tỉnh ở Trung phần. Nếu được hỏi cảm tưởng về cuốn sách đó, tôi sẽ trả lời là, đất nước tôi có nhiều anh hùng ...và sẽ có thêm nhiều anh hùng, nhưng người anh hùng mà chúng tôi hiện nay rất cần là một người biết chiến đấu, chống lại chính quyền CS tại Việt Nam; một chính quyền hà hiếp người dân, cúi đầu bán lãnh thổ, lãnh hải cho ngoại bang.

    Một số người Việt tại hải ngoại đã viết sách về Việt Nam. Ở Úc, có người tên Trương minh Hoà. Anh ta xuất bản một cuốn sách nói về việc nhốt tù quân cán chính miền Nam VN, trong chính sách người CS gọi là ”học tập cải tạo”. Sách được một nhà xuất bản lớn ở Úc in và đã có mặt trong cuộc triển lãm sách tại Nữu Ước. Tác giả dành thì giờ đi một số nơi khác trên đất Mỹ, vừa thăm bạn bè vừa nhân cơ hội này, quảng cáo cuốn sách. Theo tác giả, cuốn sách không được đón tiếp đúng mức như mong muốn. Lý do có khá nhiều. Nhưng, theo một bài đã được đăng, tác giả cho biết, trước vụ ra sách, từ lâu đã có những tin đồn đãi, cho rằng, anh ta là người hoạt động cho CS; ít ra là thân Cộng.

    Không có Nghị quyết 36 của Cộng sản VN, sân khấu thời sự của người Việt ở hải ngoại cũng đã trở thành tuồng bát nháo, bởi những kẻ không chấp nhận sự thành công của kẻ khác. Những kẻ đó là những người muốn có lợi, có danh mà không muốn làm việc. Nếu tôi là người có trách nhiệm quyết định trong một tổ chức nào đó của người Việt, tôi chấp nhận sự quay về của tất cả những người trước đây đã từng làm việc trong chính quyền CS. Chẳng hạn một Bùi Tín. Trước năm 1975, chính quyền miền Nam đã chiêu hồi trên năm mươi ngàn cán binh CS, trong đó có những người mang cấp bậc tá. Những người chiêu hồi đó, nếu không có đóng góp lớn, cũng đã không có những sự phá hoại nào. Huống hồ một Trương minh Hoà nào đó. Nếu ta có chính nghĩa và có phương cách chiến đấu tốt thì đó chính là sự thu hút có tính thuyết phục đối với những người bên kia chiến tuyến, những người đã nhận ra việc sai lầm của mình trước kia.

    Miễn là, trong sách nói về tù cải tạo, tác giả đừng xen vào những ca tụng chính quyền CS, những phỉ báng vu vơ về chính quyền tại miền Nam năm 1975. Đặc biệt, trong những cuốn sách nói về tình hình thời sự chính trị hiện nay, cần phải nêu lên cho rõ, hai cái tệ hại, cái tệ hại bây giờ, so với thời gian trước kia, gấp cả chục, cả trăm lần. Những gian dối vừa nói, cách lừa gạt theo lối ”Treo đầu dê, bán thịt chó”, đã xảy ra trong thời gian gần đây, như trong Đặc san Đa hiệu số 92, của Hội trường Võ bị Đà Lạt, như cuốn sách ”Boat people” của Carina Oanh Hoàng ..v.v.. và còn nhiều nữa.

    Cuốn sách ”Giấc mơ đêm hôm qua” có lẽ đã được in và bán tại Mỹ. Tại đó, sách có bán chạy hay không, chúng ta không có tin tức. Nhưng, tại xứ này, sự gạn lọc của độc giả thật là khinh khủng. Năm rồi, tiệm sách Norli bị lỗ hằng trăm triệu. Tính theo tỉ lệ, cứ một người Na Uy đã quăng đi một cuốn sách; nghĩa là, năm rồi đã có khoảng 3 triệu cuốn sách đã bị phế bỏ. Hội xuất bản sách Na Uy, khi tung ra chiến dịch ”mammut” thật ra không làm việc uổng công. Sách lưu trữ lâu ngày trong kho chịu sự thiệt hại còn lớn hơn nhiều. Năm nay, để tránh việc ” Đầu voi đuôi chuột”, họ đã thay đổi cách làm việc. Những nhà xuất bản nhỏ, những cuốn sách kém hấp dẫn đã khó chen chân trong chiến dịch bán rẻ sách năm nay.

    Chiến dịch ”mammut” được Hội xuất bản và Hội các tiệm sách phối hợp làm việc. Thêm vào đó, khoảng 540 tiệm sách trên toàn quốc đã cùng tham gia. Hơn 800 tựa sách và khoảng 1,5 triệu rưỡi cuốn sách được bày bán trong dịp này. Năm rồi, doanh thu đạt được khoảng 70 triệu. Theo kết quả điều tra trong tháng 1 vừa qua, khoảng 70% dân số biết về chiến dịch này.

    Na Uy là một trong những nước có số dân đọc sách nhiều nhất trên thế giới. Điều đó có đem lại cho chúng ta sự ngạc nhiên nào không?... Đối với tôi, điều đó dễ hiểu, bởi lúc sắp bước ra khỏi tiệm sách, một đoàn gần 15 em thiếu nhi, tuổi đi Nhà trẻ (Barnehagen) được thầy , cô dắt vào tiệm, vừa đi vừa nói cười vui thích.

    Nghĩ lại mấy tiệm sách tại nước nhà mà không muốn so sánh làm gì, cho đỡ tủi!. Tiệm thật to mà không có đến một máy vi tính để khách dùng, hoặc để nhân viên tại tiệm sách dùng, nhằm phục vụ khách. Khi khách hàng hỏi một tựa sách gì đó, nhân viên gọi nhau ơi ới, hỏi xem có nhớ cuốn sách đó có hay không, còn hay đã bán hết. Họ hỏi nhau là còn khá, vì nhân viên thường trả lời rằng, cứ chịu khó tìm trên các kệ sách. Nhân viên tiệm rất đông, tưởng như mỗi kệ, mỗi tủ sách đều có người đứng coi, nhưng hình như họ đứng đó để trang trí hơn là để làm việc. Lối làm việc theo kiểu này, tại các tiệm sách quốc doanh, không khác lối làm việc tại các xí nghiệp quốc doanh. Người được nhận việc toàn ”con ông, cháu cha” hoặc đút lót tiền bạc để được thâu tuyển, nhưng vì không thực sự làm việc, nên hiệu quả sản xuất không cao. Ngân quĩ nhà nước dồn vào các xí nghiệp này bao nhiêu cũng không đủ.

    Cũng giống như lối quảng cáo của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, khi ông Nguyễn minh Triết nói rằng, ở VN có nhiều gái đẹp. Đó là lối nói quá đơn giản. Đâu phải chỉ yếu tố đó có tính quyết định cho kỹ nghệ du lịch. Hơn nữa, đó đâu phải là việc làm của một Chủ tịch nước. Việc quảng cáo này, nếu giao cho ông Tổng trưởng Tổng cục du lịch, cũng không biết có phải là đúng phần việc hay chưa. Mà dù giao cho cấp nào quảng cáo cũng thế. Khi tình trạng nơi khu giải trí thì lớn, chỉ có vài cái nhà vệ sinh, mà lại không được giữ vệ sinh đúng mức...rồi tình trạng giao thông, an toàn du lịch ..v..v.. Việt Nam hiện nay có đủ yếu tố để khách du lịch đã đến một lần, không muốn trở lại lần nữa. Trước đây vài phút, đài truyền hình Na Uy phát tin là, có hai phụ nữ người Thụy Điển bị chết, vì tại nạn đắm tàu tại vịnh Hạ Long, Bắc Việt. Đúng là, khi ông lớn nói, giống như cái đầu voi, mà kết quả lại giống như cái đuôi chuột.

    Phần chúng ta, định cư tại cái nước có dân số đọc sách khá cao này, cũng nên phụ nhà trường, giúp con em chúng ta có ý thích đọc sách từ lúc còn nhỏ. Chúng ta đã dắt được con em chúng ta đến các tiệm thực phẩm, bán đồ ăn thức uống giá rẻ thì cũng nên dắt chúng vào các tiệm sách trong thời gian này. Họ có đủ các loại sách, nhất là sách dành cho thiếu nhi. Chúng ta còn thời gian tốt để làm việc này.



    Đặng quang Chính
    17.02.2011
     

Chia sẻ trang này

Share