Đi Trọn Con Đường

Thảo luận trong 'Như Nguyệt' bắt đầu bởi Như Nguyệt, Thg 10 8, 2011.

  1. Như Nguyệt

    Như Nguyệt New Member

    Tham gia ngày:
    Thg 6 8, 2011
    Bài viết:
    50
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Đi trọn con đường

    Hình như anh ta và tôi chưa bao giờ nói chuyện với nhau.

    Thế nhưng, hình ảnh của anh lại trở về đậm nét, càng lúc càng rõ rệt với tôi, hai ngày sau khi Steve Jobs chết, với sự thương tiếc của toàn thể thế giới

    Hình ảnh một con người, khoảng 55 tuổi, nhưng lúc đó đã già hẳn, dù ăn mặc khá chững chạc, nhưng cái già và khổ làm hiện vẻ bèo nhèo lên hẳn, giữa đám sinh viên Việt Nam trẻ, năng động trên sân cỏ, vào mỗi chiều thứ bẩy không mưa, không tuyết, tại Paris.

    Có lẽ anh ta là người giữ đúng giờ nhất trong đám người tham dự buổi dợt banh. Khoảng 2 giờ kém 2 phút, anh ta có mặt tại sân, đến góc của bãi hẹn, để cái bao ny lông bên cạnh cái khung sắt không lưới. Vươn vai một số lần, xắn hai bên ống quần cao lên, vặn vẹo người giữa sân.

    Những sinh viên nào đến sớm, đã gọn gàng trong bộ thể thao, kẻ quần áo ngắn, người quần áo dài, nhưng không một ai để nguyên bộ quần áo; cả người, chỉ có hai cái giầy thể thao là hợp với sân cỏ, như anh ta.

    Những người không chơi, như tôi, nhưng đến vì hẹn với bạn, hay vì một lý do khác để "dự khán", thường ngồi bệt ở bên lề sân, nói chuyện ba dóc, ba xàm, tào lao, thiên tướng.

    Dưới bầu trời Paris vào cuối năm 1975, biết bao điều để nghe, để nói từ những quái nhân, quái kiệt, hoặc về những quái nhân, quái kiệt của một thời lịch sử quan trọng đang qua, và (với sự sáng suốt nhận thức về vai trò nhân chứng của nhiều người) sẽ qua.

    Anh ta đá banh dở, phải nói là rất dở, và đôi khi làm trò cười cho một số bạn trẻ hơn (chẳng biết có thân hay không với anh ta). Đôi khi, lúc chỉ có hai người giao banh qua lại, chúng tôi thấy anh cùng chơi chổng mông chờ anh ta đá lại, vì hầu như không bao giờ, cú banh anh ta xút lại đủ mạnh, hay đủ chính xác, để họ phải chơi một cách nghiêm chỉnh.

    Anh ta quả là không giống ai, nhất là, 99 phần 100 trong đám sinh viên đó chơi rất tài, vì phần đông đã chơi cho hội banh chính thức của tổng hội sinh viên Việt Nam trước 1975.

    Anh ta chỉ đến để dợt, và không bao giờ được tham dự để đá, ngay cả trong những trận giao hữu.

    Nhưng những ngày tôi có mặt, tôi đều thấy ảnh.

    Trên một năm trời vắng mặt, khi về lại Paris, tôi lại đến chỗ sân cỏ sinh viên cũ. Nhưng lần này, trên sân chơi đã có nhiều khuôn mặt mới. Phần đông những người dự khán cũng lạ. Một trong bọn họ vẫn tiếp tục ba dóc, ba xàm về "thế sự", "thời sự" Paris.

    Qua đó, tôi được biết, anh ta đã chết, vì ung thư. Khi chết, không một người thân nào đi đưa, vì không ai biết. Chỉ vài tuần sau khi anh ta vắng mặt, có người thắc mắc, lần mò manh mối hoài mới biết được nơi anh ta trú ngụ, tại một chung cư gần đó, hỏi han người concierge, mới biết người ta chở anh ta vào nhà thương, được vài tuần thì chết, không bạn bè, thân thích.

    Cùng khoảng thời gian đó, tên tuổi của Steve Jobs cùng với Steve Wozniak và chiếc bảng mẫu cho chiếc máy điện toán cá nhân đầu tiên, apple 1, bán cho đại chúng, được làm trong garage mới xuất hiện trên báo chí và nổi danh như cồn.

    Nhưng không hiểu tại sao hai ngày sau khi Steve Jobs chết, hình ảnh của anh ta lại hiện về trong tâm trí tôi. Cái chết của một con người thành công, nổi danh, và một cuộc sống phong phú lại gợi nhớ về hình ảnh một con người mà cuộc đời không có gì để ghi nhớ

    Ngoại trừ một điều, có lẽ, là cả hai đều đã đi trọn con đường đã chọn, một cách đứng đắn, hết mình, theo lối riêng của họ.
    Phạm Thế Định




    Cám ơn truyện ngắn này của tía ...nó cũng nhắc tôi nhớ lại môt người bạn trẻ đã đến giúp vui trong đêm "Nguyễn Trãi 68 - 40 năm hội ngộ" ở Orange county năm 2008.

    Tôi gặp anh ta có một lần đêm hôm đó . Người em rể tôi giới thiệu anh ta là người bạn trẻ mới quen, thích âm nhạc chơi được nhiều nhạc khí và tốt nghiệp âm nhạc tại một trường đại học nhạc ở Hoa Kỳ . Anh ta xin đươc đến giúp vui mà không đòi hỏi điều kiện gi`.
    Tôi vì bận nên cũng không nói chuyện gì với anh ta được một câu nào. Đêm đó anh đánh đàn bass và tôi chỉ hơi ngạc nhiên là suốt buổi tối đó anh ta ngồi đánh đàn chứ không đứng hay lên sân khấu. Ít ai chơi bass mà ngồi cả. Sau đó anh ta ra về lúc nào tôi cũng không biết và tôi cũng chẳng kịp có lời cám ơn.
    Đêm hội ngộ NT 68 được tổ chức vào đầu tháng 7, đầu tháng 10, cậu em rể tôi hỏi tôi có nhớ tay chơi đàn bass đêm hôm đó không . Tôi nói nhớ nhưng không kỹ lắm vì quá bận .. . cậu em cho tôi biết là người chơi đàn bass đó vừa mới mất cách đây 2 tuần vì ung thư .
    Anh ta không nhà cửa, không việc làm chính thức, không thân nhân, phải ngủ nhờ ở trong studio của Quốc Thái . Lúc mất cũng chẳng có ai bên cạnh và hôm sau mới có người biết. County cho đi thiêu và mấy hôm sau mới có người nhà từ tiểu bang khác về nhận tro ...
    Nhưng tôi "may mắn" hơn tía, tôi biết anh ta tên Minh, khi mất 44 tuổi ...mất sau Phương 4 tháng và sau em trai tôi vài tuần ...
    Đêm Nguyễn Trãi họp mặt anh ta đau quá nên suốt buổi chỉ có thể ngồi chứ không đứng đánh đàn được ...
    Tôi không biết là hơn một trăm người tham dự đêm "Nguyễn Trãi 68 - 40 năm hội ngộ" năm 2008 có ai còn hình dung được người bạn trẻ này ?
    Tâm

    Đọc hai bài viết này làm N. nhớ khi quận chúa Diana chết, cả thế giới bồi hồi, rùm beng! Cái chết của cô làm N. nhớ đến mẹ mình và những bà mẹ Việt Nam, những bà mẹ -âm thầm, hy sinh tận tụy cả 1 đời người- khắp nơi trên thế giới. Có ở một đất nước chiến tranh như anh T. và N., mới hiểu được và thông cảm cho nỗi đau của những bà mẹ… Suốt một đời vất vả, thương con biết bao nhiêu nhưng cũng đành gạt nước mắt cho con mình ra đi, dấn thân, dù biết rằng 1 ngày nào đó con mình có thể sẽ nằm xuống vĩnh viễn cho tổ quốc. Rốt cuộc thì mọi người đều phải chết! Cách đây hai mươi mấy năm, khi em phải bương chải làm Loan Officer, có nhiều lúc stress làm thiếu điều muốn đau bao tử, thấy con người đối xử với nhau tệ bạc quá, xem đồng tiền nặng quá, em đã già dặn hơn và đã tự triết lý ba xu: “Nếu mọi người đều nhớ rằng sẽ có một ngày họ sẽ phải ra đi vĩnh viễn, chắc tất cả sẽ đối xử với nhau tử tế hơn”. Vâng, đó cũng là niềm an ủi mỗi khi em buồn rầu, tuyệt vọng. Đời sống vốn dĩ bất công, không bình đẳng, ngay cả đến khi chết cũng chả thể nào bình đẳng. Có những cái chết nhẹ nhàng êm ái, có những cái chết đớn đau, khổ nhục, đầy hối tiếc, có những cái chết cả thế giới phải tiếc thương, có những cái chết người ta cho là đáng đời, đỡ chật đất, cần phỉ nhổ, chết âm thầm, chết lẻ loi, chết cô đơn không một ai thèm đếm xỉa.

    Đôi khi depress quá, cái chết nhẹ nhàng bỗng nhiên thành một niềm ao ước, một nhắc nhở cho em ráng sửa đổi, tu tập nhiều hơn.

    Đức Phật nói quá đúng, đời đúng là bể khổ. Nhìn quanh mình đa số đều khổ ải. Nếu k. biết đến liều thuốc nhiệm mầu là những lời Phật dậy, thì chẳng biết còn khổ đến chừng nào!

    Hôm nay vài hàng tâm sự … cùn mí anh Tâm. J

    Chúc một ngày thật an bình, thoải mái đến với anh nhe.
    NN
    Oct. 8th,2011
     

Chia sẻ trang này

Share