07-B Từ Quan

Thảo luận trong 'Truyện ngắn dư thi' bắt đầu bởi administrator, Thg 3 18, 2012.

  1. administrator

    administrator Administrator Thành viên BQT

    Tham gia ngày:
    Thg 3 14, 2011
    Bài viết:
    211
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    16
    Giới tính:
    Nam
    07-B

    07-B Từ Quan



    Đã thành lệ, đều đặn một tuần hay nửa tháng anh đạp xe ra nhà tôi, trên xe thồ đủ cả thóc gạo, lạc, đỗ, khoai tây, đu đủ, chuối, trứng gà, trứng vịt, cá v.v.. không khác gì dân công tải gạo hồi chiến dịch điện Biên phủ, mà lại toàn cây nhà lá ...chợ cả. Mẹ tôi vốn cả nể, đã thương người như thể thương...ta, còn thương cả chút tình xưa nghĩa cũ. Khi bom đạn bời bời phải dạt về tận làng anh sơ tán, nên cho phép anh được quyền mở “thị trường tiêu thụ” nông sản phẩm tại nhà tôi và họ hàng, theo đúng giá thị thành, để hưởng chút “hoa hồng” so với giá cả ở quê.
    Nhìn anh, dáng gầy guộc, nhỏ thó, bị cả núi hàng đồ sộ đè bẹp sau lưng. Tôi ngạc nhiên : “Dù có sự chênh lệnh thật nhưng đáng là bao nhiêu mà anh phải: “Thân cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi nhà tiếng khóc nỉ non” thế này? Có ngày vập phải ổ gà...lộn cổ xuống ao thì khốn ?
    Đáp lại bao giờ anh cũng gạt đi :
    -So với thời trẻ trai say trí lớn, “thanh niên quê tôi là chiếc gậy Trường Sơn”, phải “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã ăn thua gì, cậu ơi? Suốt ngày leo đèo, lội suối, mang, vác, đánh đấm ...Đi bộ cả hàng nghìn cây số, mòn vẹt cả đầu gậy, toe toét cả chân gậy rồi xây sát cháy xém cả lưng, hông, mắt tai, răng và mông gậy mà vẫn chuẩn bị tinh thần đi “đốt cháy cả dãy Trường Sơn” ấy chứ. Thồ nặng đi đêm như thế này mà được bà và các cậu thương tình tháng tháng bỏ vào túi vài trăm nghìn tiền chênh lệch, trượt giá là phúc bảy mươi đời cho nhà cháu rồi, chẳng dững hơn đứt cảnh múa gậy trong bị ở quê, thu nhập còn bằng năm lần chị hai năm tấn quê ở Thái Bình ấy chứ.
    Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, trèo xe đạp như...rồng cưỡi. Chỉ hai bò gạo, bát canh suông , anh đánh úp đến tận đáy nồi, rồi nhảy lên xe hùng hục đạp. Dù ngày đông, tháng rữa hay ngày lành tháng rách, bất kể mồng năm, mười bốn, hai ba, cứ đến hẹn là anh lên, cấm có chệch một giây , sai một giờ. Mẹ tôi cười bảo:
    - Cậu khá lắm, trong lúc cánh trai làng “xẻ dọc nồi cơm đi đánh chén” hoặc “thanh niên quê tôi là chiếc thuổng đào khoai” thì cậu biết tha lôi hàng đi hàng về như thế này, vừa làm công dân tải gạo ngay Hà Nội, vừa làm cửu vạn hàng trăm mặt hàng tạp hóa “Made in China” về tận làng, chả mấy nỗi vợ con được nhờ
    Ôi! Anh cười, chẳng qua là nhờ hạt rơi, hạt vãi của các bác, đã bớt xén lương thưởng hàng tháng tiêu thụ cho cả đống nông sản phụ cùng các loài gia súc, gia cầm địa phương lại còn đưa đường chỉ lối, giúp hươu chạy đúng đường thì nhà cháu mới mở mặt được với nước, với làng, nếu không lại chả “tay gậy, tay bị khắp nơi tung hoành” sớm
    Bẵng đi một dạo, anh không đến, cũng chẳng nhắn nhe, ừ hữ gì cả, mặc cả nhà tôi mong đỏ mắt còn hơn mong mẹ ở chợ về. Thời mở cửa, loạn thị trường này, hàng họ bày ê chề tận mặt, cánh bán hàng cứ phải tranh người mua, đè người bán, ấn hàng họ vào tay khách đến è cổ, lè lưỡi ra, đâu đến nỗi thiếu hàng? Chỉ một nỗi mẹ tôi lo anh gặp chuyện chẳng lành, không may có mệnh hệ gì thì khốn, lại “xẻ dọc nồi cơm đi...tán gái”, rồi chịu cảnh “tan đàn xẻ nghé”. Hay “ Đôi bồ câu bay đâu mất một con”, chỉ còn độc con đực và đàn con còi cọc cũng nên? Biết đâu cụ ông, cụ bà chán cõi trần lắm bon chen cực nhọc, bèn rủ nhau lên đài... khỏa thân hoàn vũ cả rồi
    Chuẩn bị ít quà, ấn cả tôi cùng bọc, buộc lên xe, mẹ bắt tôi nổ máy về lại nơi tình xưa nghĩa...mới. Trước là thăm lại bà con, sau xem anh có “mệnh hệ” gì còn kịp thời cấp báo.
    Sắm sẵn bộ mặt buồn xo cho hợp với vai diễn, tôi lao xe về làng
    Từ trong nhà anh lập cập chạy ra:
    - Ôi! Cậu... cậu...
    Tôi trố mắt ngạc nhiên :
    - Nhà anh đây ư? Thay vì cỏ mọc lan tràn, nhà xiêu, tường vẹo, hoang tàn xác xơ...là một ngôi nhà mái bằng 4 tầng đồ sộ, xung quanh một dẫy lúp xúp bếp núc chuồng lợn, nhà xưởng chạy dài không khác gì một xưởng công nghiệp, một khu chế biến thức ăn gia súc. Góc sân dựng một xe nữ hoàng đỏ chót. Anh cười, mặt phương phi bóng đỏ, miệng ngoạc hết cỡ:
    - Lần trước tôi ra, không dám nói với bà nhà và cậu là tôi vừa đắc cử chân chủ nhiệm thành thử bận tối mắt tối mũi lại
    Tôi hất hàm chỉ vào con xe DD đỏ chói:
    - Anh tẩm ngẩm mà đấm chết voi đấy!
    Anh lại cười, điệu bộ có vẻ ngượng ngùng
    - Có gì dâu, xe công đấy mà
    - Xe công? Tôi ngạc nhiên
    -Ừ, anh trả lời, giọng đặc bề trên:- Từ lâu đã có “lệ làng”, hễ ai đắc cử chân lãnh đạo là được quyền trích quỹ mua xe công. Sau bí thời gian, lại phụ thuộc vào phương tiện, người đi, kẻ đợi mà lại không giải quyết được “khâu oai, khâu oách”, anh em liền lần lượt phát huy sáng kiến“hóa giá, sang tên” hết, thành thử giá rẻ như cho không ấy mà.
    - Trời đất! Tôi nhẩm tính : - Cứ tính theo giá vàng 47 triệu một lượng như bây giờ thì con xe đập hộp này của anh cũng dễ đến một cây vàng chứ ít à? Thời buổi “thóc cao, gạo kém” vì hết đất , hết ruộng này ,đến cây rơm còn thiếu, huống hồ cây vàng???
    Không để ý đến vẻ băn khoăn trong tôi, anh hồ hởi:
    - Thực ra tôi lấy trước đâm thiệt nặng, chứ mấy cậu phó lấy sau , hay bí thư, kế toán trưởng toàn Dream, future hay Sisyus đập hộp bóng nhẫy, nhoáng nhoàng ấy chứ, cậu tưởng à?
    Tò mò tôi hỏi:
    - Xe công đã biến thành xe tư, thế mỗi lần ra tỉnh ngoài công tác anh đi bằng xe gì?
    Đập vào vai tôi như người mê ngủ, anh bảo:
    -Thì ô tô con chứ còn xe gì, cậu sao thế? Thời đại công nghiệp hóa này, thì dù là lãnh đạo xã, lãnh đạo tỉnh hay lãnh đạo thôn cũng phải có xe con mà đi chứ ? Cậu quên các bố già trong bản ta vẫn kháo nhau là: “Người dân thì bằng đôi chân nên chóng mỏi, còn đã là cán bộ thì phải đi bằng cái đít mới sướng à”?
    Ra thế! Thói quen tâm lý nổi lên, tôi rút máy tính xách tay bấm loạn xị ngậu: “Trị giá mỗi xe máy quãng 3-4 chục triệu đồng, ứng với 5,7 đầu trâu bò, không kể xe ô tô bằng vài trăm đầu trâu nữa. Cả ban lãnh đạo hợp tác xã ngốn hết mấy trăm đầu cơ nghiệp của bà con, trách gì đời sống thôn quê cứ thay đổi từng ngày theo hướng ...chậm dần đều, có khi “tắt hẳn” như thế này:
    Con đường hàng tỉnh tôi đi
    Ba mươi năm ấy có gì khác xưa?
    Ông lão đánh trâu đi bừa
    Là con ông lão ngày xưa... đi cày
    25 năm trong cảnh đổi mới, ở đâu mở hướng, mở luồng, chứ ở đây vẫn mãi mãi chung thủy với bức tranh quê nghèo: “Nghiêng đồng đổ nước ra sông, vắt đất ra nước thay trời làm mưa” . Dùng đôi tay làm thay tất cả. Lấy sức người thay sức máy, sức trâu. Cả nhà từ lớn, bé, già, trẻ cứ mắt nhắm mắt mở, tụt từ trên giường xuống đất là... “chuẩn bị tinh thần đi cuốc đất, cánh tay nghèo đói ta quyết chí vung cao. anh tháo nước vào ruộng khoán, em dẫm cho đất thật tơi, đêm ngày cấy lúa trồng khoai".
    Cả làng mấy nghìn người tuy thoát vòng đứt bữa, nhưng lại vập vào vòng đứt chữ, số đông cầm tinh kiếp trâu bò lợn gà, dốt đặc cán mai, dốt dài cán thuổng, chỉ a ,bê, cê lợn xề... cắt tiết, hoặc a ,bê, cê dắt dê đi ị, dê không ị dắt dê về chuồng là hết...chữ. Số ít, vượt qua hàng rào tiểu học, được coi là ...sáng lỏng, luôn miệng kể về lịch sử nước nhà: “Thạch Sanh là một anh hùng dân tộc , văn võ song toàn. Xuất thân từ núi đỏ, rừng xanh nên làm nghề đốn củi theo nghề truyền thống bao đời của ông bà, cha mẹ. Trong một lần, nhờ tuổi nhỏ, trí lớn, sức dài vai rộng mà liều mình tìm vào hang sâu giết mãng xà tinh cứu...Lý Thông lĩnh thưởng, được vua ban rất nhiều vàng bạc châu báu ... Năm một nghìn chín trăm...không nhớ(!) Cảm phục tinh thần quả cảm của hai bà Trưng, anh đem tất cả số vàng bạc châu báu có được đổi lấy hai bà rồi đem về làm vợ...Vì vú mỗi bà dài ba thước nên chỉ vài chục năm sau con cái đã xếp hàng đông chật dưới vú. Nhờ đó mà cuộc khởi nghĩa bãi sậy nổ ra, bởi nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa này hoàn toàn là con cháu hai bà. Để ghi nhớ công ơn của hai bà trong việc lãnh đạo con cháu đứng dạy phất cờ khởi nghĩa, chống lại giặc Nguyên, Mông, người dân lập điện thờ tại khu vực Miếu Môn, Hà Tây( nay thuộc Hà Nội) để thờ phụng Hai bà...”
    Thật là “danh bất hư truyền! Râu gã đốn củi tận rừng xanh lại có thể vòng vèo hàng trăm năm cắm ngược vào...đùi hai chị em nhà Trưng Trắc, Trưng nhị tận bành voi, đẻ ra cả một biển người là nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, nay vẫn còn để lại điện thờ để con cháu noi gương , lưu danh cùng sử sách???
    Thấy tôi cứ ngửa cổ ngắm ngôi nhà bốn tầng như viên gạch dựng ngược khổng lồ, anh cười cợt bảo:
    -Cậu từ Hà Nội về, chả lẽ không trông thấy ngôi nhà tầng nào ư?
    Bỏ qua thái độ bỡn cợt của anh, tôi gật gù tán thưởng:
    -Nhà tầng ở Hà Nội do các ông chủ tư bản, liên doanh liên kết với nhà nước, đổ tiền ra xây, hoặc do thực dân Pháp để lại, nói làm gì? Quan trọng là biệt thự ở thôn quê, đặc biệt trong khuôn viên làng mình, lèo tèo vài cái, đếm không đủ mười đầu ngón tay, cũng phải tranh thủ ngắm chứ
    Hiểu thâm ý của tôi, anh thẹn chín mặt, nói lảng:
    -Bọn trẻ trong làng bảo: “Cứ có thực sẽ vực được tình, dù là tình đồng chí, đồng bào cả nước nói chung hay thôn quê cũng vậy...càng ngẫm càng đúng”. Thời tôi còn làm “chiếc gậy Trường Sơn” ông tôi mất, bố tôi phải lạy lục khắp làng để vay tiền mua cỗ áo quan làm đám ma, cũng khó. Ngày tôi về làng, chứng kiến cảnh bao nhiêu người dân vác gậy lên tận trụ sở đòi đập lãnh đạo xã vì tội lãnh đạo không chịu nhả vài trăm viên gạch ngói tiêu chuẩn cho họ bó hè, lợp nhà, bị công an bắt ráo, tởn đến gìa. Ngay gia đình tôi cũng vậy, từ ông bà nội, ngoại hai bên, bao đời qua, cứ phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời , cứ lấy đít trâu làm... đích, úp mặt vào mông trâu mà sống(!) cho đến khi gặp bà, gặp cậu. Cũng nhờ buôn may bán đắt, lại chịu khó tích cóp, nhân đợt chủ nhiệm hợp tác xã cũ bị ung thư chết, tôi vơ vét, vay mượn trong họ ngoài làng được tất cả dăm chục triệu, mua lấy chiếc ghế chủ tịch. Vợ tôi tiếc của la như cháy đồi...Ấy vậy mà nhờ cơ giời vận đất, sau vài tuần đã thành ông chủ tịch giữa làng rồi, giờ đố có thằng nào ho he, hó hé. Chỉ cần hô một tiếng là anh em trong họ, ngoài làng đổ xô đến. Cần cảnh cáo, dằn mặt ai, hay công to, việc lớn gì cũng “vực” được tình của bà con, anh em trong thôn, xã hết. Người nhờ việc nọ, kẻ cậy việc kia, bao nhiêu tiền của cứ chất đầy trong lòng ghế ấy... Cậu bảo một khi tiền đã thành vỏ sò, vỏ hến rồi, tội gì mình không nhặt về mà xây nhà, xây cửa, xây công trình lớn, công trình nhỏ ?
    Tôi giật nảy mình trước sự giải thích, lạnh lùng, vô cảm của anh, nhưng vẫn cố nheo mắt nhìn anh, hỏi :
    - Cả căn nhà và bao nhiêu loại đồ đạc đắt tiền trong nhà này, anh hạch toán hết bao nhiêu ?
    Không hề chột dạ như tôi nghĩ , anh cười khành khạch, bảo:
    - Đã bảo tôi chỉ “ hạch” thôi, còn tính toán vật liệu, công xá là do cánh phó giải quyết, ước chừng 1,5 tỷ, kể cả phần cơi nới cải tạo dãy nhà và bếp cũ thành trại chăn nuôi, đặt ống dẫn gas, đầu tư giống má, sau này có bị “ khật” cũng sẵn việc mà làm cho đến hết đời
    Đưa mắt bao quát quang cảnh khu nhà, tôi gật gù:
    - Đáng khen cho anh đã vứt “chiếc gậy Trường Sơn” đi rồi, chỉ còn tay không mà vẫn bắt được...giặc!
    Anh cười sởi lởi:
    - Khó quái gì đâu cậu, làm chủ nhiệm hợp tác xã bây giờ, quyền sinh, quyền sát trong tay... cứ theo chân các vị tiền bối là xong cả
    - Thế là thế nào? Tôi ngạc nhiên, đứng trân trối ngắm vị chủ nhiệm hợp tác xã, nửa tò mò, nửa thích thú :
    -Ô hay! Cậu mang tiếng ở trên tỉnh về mà lạc hậu qúa, trước kia các lãnh đạo nhà ta “chân dép lốp mà đi vào vũ trụ” còn bây giờ phải xe Le tux mới đi vào biệt thự ...Mình không phải lãnh đạo trung ương nhưng cũng là lãnh đạo xã, phải đổi mới tư duy chứ. “quan nhất thời, dân vạn đại”, tội gì mà không kiếm chác trong thời điểm ... nhất thời ấy để còn vinh thân phì gia đến khi đời sang tiểu rồi cũng còn “vì tương lai con em chúng ta” nữa chứ, đã buông tay nhắm mắt làm sao được?
    Ra thế, tôi cay đắng nghĩ , chả trách thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa này , quan đồng chí nào cũng thuộc lầu câu châm ngôn thời đại :
    “Rằng tôi chức phận làm cha
    Tham nhũng thì cũng người ta thường tình”
    Vừa bán đất cho người chết, vừa cướp đất của người sống rồi tiến hành xây dựng một loạt trạm, trường, đường, điện cùng các tụ điểm công cộng là đổi mới hết... Trước là ích xã, sau lợi nhà ta. Xã ích một thì ta ích ba, xã xây 3 năm thì hỏng vì còn để cho lãnh đạo sau xây dựng, sửa chữa, đại tu, nâng cấp toàn bộ, còn nhà thì thiên niên vạn đại , hết đời bố đến đời con cứ thế mà hưởng lợi trên cơ sở “ích” xã ấy
    Hiểu ra cơ sự tôi liền hỏi:
    - Ngày xưa Cao Bá Quát viết gạch non lên tường đình làng phê bình lý trưởng anh có biết không?
    Anh cười hề hề, bảo:
    - Chuyện cũ rồi cậu ơi!
    Khen ai kheo khéo đắp đôi voi
    Đủ cả đầu đuôi đủ cả vòi
    Nhưng còn cái kia sao chẳng thấy
    Hay là lý trưởng bớt đi rồi...
    tôi còn lạ gì
    Tôi sửng cồ, bắt nọn:
    -Sao lại cũ, chẳng phải tham nhũng có tuổi thọ ngày càng cao và liên tục phát triển đấy thôi. Anh không sợ vì đã nhờn thuốc rồi đúng không?
    -Ôi, anh cười xác nhận : -Tôi chỉ biết bây giờ cánh lý trưởng chúng tôi nếu chộp được hợp đồng béo bở thế thì tất cả các đôi voi đều “ cụt cả đầu đuôi, cụt cả vòi” chưa kể “bên A là chùm khế ngọt” còn “xơi cả ruột gan cùng của quý” ấy chứ. Tội gì mà đắp thành voi, đắp bệ xi măng không cũng được rồi, cậu ạ. Công thì mình hưởng , còn lỗi thì thuộc về tập thể mà.
    - Ô hay, anh không sợ cánh báo chí vào cuộc à?
    Anh lại cười như thể đang nghe tôi kể chuyện tiếu lâm, hoặc chuyện “ngày xửa ngày xưa” về cái thời xa lắc, xa lơ nào đó
    - Dù có phải trình cái mặt mình lên báo hay bị “ tàng hình” trên vô tuyến mà có cái để lách lưỡi vào ngậm, nuốt, đớp chúng tôi cũng lách, tội gì mà để cho thằng khác nó lách, nó xơi?
    - Thì ra là như thế, tôi nghĩ : “ Mặt đình ngày xưa có giá trị tố cáo nên lý trưởng mới sợ câu thơ của Cao Bá Quát, chứ mặt đài, mặt báo trong thời đại đồ đểu Hồ Chí Minh này có thấm tháp gì?
    - Nhưng tôi ấp úng, gặng tiếp: - Anh không sợ dân nổi can qua sao?
    Anh lại cười, vỗ vai tôi tủm tỉm:
    - 40 năm chiến đấu không bằng một năm cơ cấu cậu ơi, anh tranh thủ đục nước béo cò thế này là để vừa đúng một nhiệm kỳ rũ sạch nợ nhà, sắm lấy cái ô tô xịn, gom vài tỷ bạc đứng tên đứa cháu ngoại trong sổ tiết kiệm xong là treo ấn từ quan ngay. Dân có muốn nổi can qua cũng không được nữa vì đã có mấy thằng công an chạy qua can cho anh rồi.
    - Treo ấn từ quan ? Tôi trợn tròn mắt ,phục anh sát đất – Hóa ra đến cái nước lùi này anh cũng tính đến rồi sao?
    - Thì , mắt anh lúc này đã hóa thành hai sợi chỉ: - Đã bảo đục nước béo cò mà lại. Mình hơn đứt chúng nó ở cái bằng trung cấp nông nghiệp và vài chục năm kinh nghiệm chiến trường, tội gì không ra làm quan? Khi đã hiểu rõ tình thế “quan nhất thời dân vạn đại” thì phải kịp thời hạ cánh chứ, tội gì để cho chúng nó vồ rồi đập nát đầu ra ấy à?
    Đẩy chiếc xe còi cọc của tôi lên bậc thềm tam cấp, anh quay người kéo tôi về phía bồn tắm hoa sen, vặn vòi lên để tôi rửa mặt mũi tay chân. Dòng nước chảy ra xoe xóe không át nổi những lời thơ của anh:
    Đôi trong mắt loạn tỉnh say
    Cuộc cờ nhân thế xóa, bày hơn thua...
    Làm lính 17 năm, cận kề bao nhiêu hàng người, lăn lộn bên cái sống chết, hẳn thế thái nhân tình tôi phải thông tỏ hơn người, hơn đời chứ? Rời “chiếc gậy Trường Sơn” ra là bập mặt vào cái cày, cái cuốc, làm một anh tốt hỉn suốt đời sao được. Có lúc phải thăng tốt, phong hậu chứ? Chỉ tiếc là “quan nhất thời” nên khi đã sạch sành sanh vét cho đầy túi tham rồi phải kịp treo ấn từ quan luôn . Hết thắc mắc, vu vạ, dây dưa, lằng nhằng cậu ạ. Vì vậy lần sau nếu còn về làng cậu sẽ thấy anh ở cương vị khác
    - Trưởng trại chăn nuôi ư? Tôi trêu
    Đập mạnh bàn tay đầy quyền lực lên vai tôi đau điếng, anh cười sởi lởi:
    - Có thể bây giờ vẫn còn là tiền dân, tiền nước nhưng sớm hay muộn cũng thành tiền của anh thôi, lúc ấy anh không làm mà sẽ thuê người làm thay, cậu hiểu không? Chẳng qua cũng để che mắt thiên hạ thôi chứ số tiền mà anh kiếm được vài năm qua cũng để cháu nội, cháu ngoại anh ăn hết đời ấy chứ
    Thấy tôi còn đứng ngẩn ra mãi, anh khoát tay giục:
    - Thôi, rửa tay xong rồi chuẩn bị tinh thần đi... đánh chén!
    Bữa trưa được dọn ra, tôi ngạc nhiên trước sự nội trợ có một không hai của chủ nhà. Không nghe tiếng dao chặt, gà “quác” mà thức ăn cứ ngồn ngộn trên bàn, trên mâm. Nào thịt gà, tràng lợn, cá quả xào, lươn xả ớt, ốc hấp v.v...lại hàng chục chai “niềm tự hào của bia nội”, kèm theo coca cola, seven up cho ba đối tượng phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi trong gia đình , tôi bần thần:
    -Dạo này anh “đổi mới tư duy” qúa, đến nỗi quên mất cả “tư duy thóc” rồi, ăn như thế này thì bốc bay mấy tạ thóc giống chứ ít à?
    Anh cười gạt đi:
    -Gắp đi cậu, đừng làm khách. Cái thời mê muội ấy, qua mãi rồi người ơi. Chả gì anh bây giờ cũng là lãnh đạo . Cả xã gần vạn con người chứ ít đâu. Nói thực với cậu, chỉ cần anh báo có khách là hợp tác xã chi hết, vì thế thực đơn kèm bia tươi, nước ngọt hôm nay là do kế toán chi . Còn cả cái phong bì của khách nữa. Tí nữa, lúc cậu ngủ dạy, theo anh ra ủy ban lấy cái phong bì đi đường uống nước...hề hề... anh chi cũng đôi ba trăm đấy, không xoàng đâu!
    Tí nữa thì tôi nuốt cả cục xương gà vào cổ họng. Thật hú vía. Sao tôi cứ mãi quên rằng trước mắt tôi không còn là một anh “cửu vạn” gầy còm, nhếch nhác nữa mà là một ông chủ nhiệm hợp tác xã trong thời kỳ đổi mới, một kẻ hãnh tiến đang tìm mọi cách để ăn lớn(hơn những đời chủ nhiệm trước). Chờ đến khi hết một nhiệm kỳ 4 năm thì “treo ấn từ quan” luôn để chạy làng, khi của nả trong nhà ngoài ngõ đã thiên khê, không còn chỗ chứa.
    07-B
     

Chia sẻ trang này

Share