Mưa lai rai suốt mấy ngày nay, vừa tạm dừng đúng giờ ngọ, trời hửng lên một chút nắng vàng màu mỡ gà… Mình chưa định làm gì, còn anh thì chắc chắn phải đi nhà thờ rồi…
Ít hôm nay, mình khám phá ra một điều là anh rất siêng năng trong mọi việc, song có một việc anh lại nhác đến kinh khủng.
Chắc anh nghĩ sẽ không cần khảo, mình sẽ xưng chứ gì. Lần này mình không dại kể ra cho anh nghe làm gì. Cái sự nghe của anh đã quá tải rồi, mà sự nói của anh đối với mình như chưa đủ độ.
Tức quá, mình phải lục trong trí nhớ mơ hồ của mình để khẳng định rằng: Anh không hề cười với mình, dù vu vơ. Thế anh không thấy có những người đứng trực luôn ở cạnh mình à. Họ còn cười tươi tắn, nhiệt tình quá đỗi, dễ mến thế đấy…
Để khiến bây giờ, xem lại mấy cái tin trên net về buổi ra mắt tập Nhịp tim thơ, mình còn ân hận là sao không nói chuyện nhiều hơn với quý ông thi hữu ấy chứ…
Tất cả những lời nói, cử chỉ của khách thơ dự chiều thơ nhạc đó mình còn giữ ở đáy lòng, vốn tâm hồn nhạy cảm và thích bâng khuâng, mình nghĩ nếu muốn gặp lại tha nhân, mình phải có một tập thơ tình thứ hai để lại ra mắt, và để lại gặp gỡ…
Còn anh, Chúa bảo cũng không… dám rời chỗ đứng. Sao ngày xưa anh năng động… tiến chiếm mục tiêu thế mà bây giờ anh lại mang tư tưởng chủ… bại, à quên, chủ hoà vậy? Nhưng là bại lộ với hoà hoãn thôi đấy nhá, chớ hiểu lầm là bại, hoà với địch nghe.
Một bà khách thấy mình mỉm cười không với ai, cứ ngó quanh mình coi có ai rình không mà mình thú vị vậy.
Bà khách tức chí hỏi: Này Mỵ, đang cười với ai thế?
Mình trả lời ỡm ờ: Cười với Hảo, chứ với ai đâu..
Hảo thầm thì với mình: Mỵ ơi, vợ chồng bà Tê cũng đi nghe thơ đấy. Mình hỏi Tê, nó bảo Mỵ bảo ông bà ấy nên đi nghe thơ nhạc để làm mới lại cuộc tình, phải thế không? Ai ở trong thơ Mỵ đấy hả?
Ai cũng được thôi, để chứng minh cho lòng dạ vô tư, thản nhiên của tác giả Nhịp tim thơ, ta đọc cho ngươi nghe bài thơ mới viết xem nói là ai.
Từ hôm ta hụt gặp nhau Anh không nói nhỏ một câu hẹn hòEm nhìn lối mộng quanh co Bỗng dưng thương cảm người cho hết tình…
Hảo cứ: Ai thế, ai thế. Mình cao hứng tiếp luôn:
Thế là em lại một mình Bâng quơ hờn giận anh rình mãi thôiMai em lên tận đỉnh đồi Ngồi hong tóc ngắn, xem trời có cao
Anh đừng trách em tào lao Chính anh xem nhẹ ra vào… cõi thiêng
Còn không trải thảm nhung êm Cho em bái tạ thần tiên kiếp này…
Hảo giằng tay tôi, đúng lúc giáo sư Trần Huy Bích diễn giả đang dẫn chứng bài thơ Nhớ anh trong Nhịp tim thơ rằng:
Nhớ anh ư, nhớ thế nào Khi ra đứng ngó, lúc vào làm thơ…
Hảo bảo: như có điều gì không ổn…
Bạn nói mới lạ, làm thơ chứ có làm giặc đâu mà ổn với ển hở…
Thế là ngơ ngác hồn say Ngó theo anh tới chân mây, cuối trờiĐể rồi thương nhớ đầy vơi Có em, anh có cả đời lãng du…
Những cuộc tình thơ không phải là tình thật. Bởi vì người thơ không cần một mái nhà, một nghề nghiệp, một địa vị, một vốn liếng rong chơi…
Trong những cuộc tình thơ không có bắt đầu, không có kết thúc, gọi là vô thuỷ, vô chung…
Tình thơ không sờ nắm được nhưng có cỏ hoa chứng thực như thi sĩ Luân Hoán mở thơ Cao Mỵ Nhân nơi thi tập Nhịp tim thơ, bởi tự cổ, thi nhân sống với phong hoa tuyết nguyệt thì những cuộc tình thơ chỉ là huyễn ảnh, là dư âm, là thực đấy mà hư, là chân đấy mà giả…
Hảo là bạn học cùng trường Trưng Vương danh tiếng với tôi. Cô nàng lại có một mẫu mã gia đình hết sức nguyên tắc nên lắc đầu, không chấp nhận cái cuộc tình thơ hư giả, mà phải thực chân đến vẹn toàn. Thì tất nhiên rồi, bậc nữ lưu nào cũng vậy, không ai thích mờ mờ nhân ảnh cả, cho dẫu ôm bụng đói vẫn tiêu dao…
Thế thì còn ai làm thơ, và làm chi có tình thơ trong đời chúng ta nữa…
Lại vẫn bơi theo tư duy thi sĩ Luân Hoán, nào thơ Cao Mỵ Nhân là tâm tình, là tỏ tình, là thất tình… với thơ, bởi vì trong thơ có người ảo.
Có một vị thức giả ở San Diego đi dự chiều thơ Nhịp tim thơ của Cao Mỵ Nhân, nói rằng:
Sao nhà thơ Luân Hoán không nói thêm chữ tuyệt tình? Thơ Cao Mỵ Nhân còn là tuyệt tình nữa…
Nhưng hình như thi sĩ Luân Hoán muốn dành chữ tuyệt tình cho thơ Cao Mỵ Nhân ở khía cạnh khác, có nghĩa Nhịp tim thơ là một cuốn tuyệt tình thơ…
Thì đúng rồi, trong Nhịp tim thơ có một cuộc tình thơ đẹp tuyệt vời.
Hảo lại không chịu: Thấy chưa, có thực mới có hư chứ, vậy ai là thực, còn thơ là hư được rồi.
Ôi, đôi khi không thực mà cũng chẳng hư là rất bình thường của bất cứ thi sĩ nào. Luân Hoán, Lê Hân, Thái Tú Hạp, v.v., người làm thơ như bốc thuốc trong tủ thuốc Bắc. Nếu rành vị thuốc thì có một thang thơ linh đan, còn nếu chưa quen tay thì bệnh nhân e uống nhầm độc dược tình ý…
Nữ sĩ Vi Khuê thì lại nghĩ rằng: Đôi lúc làm thơ cũng như lên đồng, viết ra theo cảm hứng lúc đó đã…
Chắc anh cũng nghĩ: Những bài thơ mình viết cứ thăng giáng, say sưa như bóng đồng múa may, tâm hồn hoàn toàn buông thả…
Đúng vậy, chẳng có gì cần phải giữ lại trong lòng, bởi vì giữ lại sẽ nặng tình riêng…
CAO MỴ NHÂN
CHUYỆN BA NHÀ THƠ. CAO MỴ NHÂN
Anh nói với em rằng:
” Nếu không làm được một bài thơ hay
Thì chẳng bao giờ nên nhân danh Thi Sĩ ”
Em mắc cở quay đi …
*
Bài thơ hay phải viết thế nào
Các thi sĩ chưa từng hỏi : ” làm sao ? ”
” Làm sao ư, chỉ là tưởng tượng
Một bài thơ trong ý nghĩ xôn xao…”
*
Đã có người hỏi Thi Sĩ Tô Thuỳ Yên
” Xin cho biết bài thơ hay nhất của ông ? “
Nhà Thơ tên tuổi ấy lắc đầu ngay:
” Tôi chưa vừa ý bài hay thực sự “
*
Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền tư lự
Mỗi lần ai hỏi về thơ
” Rằng thơ tác giả X đó hay, hay dở ? ”
Lặng yên, nói: ” Mỗi thơ một riêng tư ”
*
Mùa thu năm 1994, ở Praha Tiệp Khắc
Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng suốt đêm nói Thơ
” Này, Thơ là cái Đạo
Tuỳ theo người tôn sùng tôn giáo …vẩn vơ …”
*
Vậy thì, thơ là vu vơ, riêng tư
Đừng đưa ra lý luận
Hay thích tỏ bày cảm nhận
Hãy ngâm lên, coi lòng tha nhân
Rung động hoặc thản nhiên …
CAO MỴ NHÂN
****
TRÁI TIM SÁNG NAY. – CAO MỴ NHÂN
Sáng nay thấy một trái tim
Giữa đôi chăn gối như tìm nụ hoa
Ai đem nhung nhớ đến nhà
Khi thơ đang cuốn tình xa về gần
*
Xin đưa tay xoá lỗi lầm
Vì tim đã ủ trăm năm trao người
Trái tim mầu tím bên trời
Biết ai tô điểm nụ cười thương yêu
*
Lòng vui bỗng nở hoa theo
Ngàn con bươm bướm trên nhiều lối đi
Sáng nay ôm khối tình si
Vãi tung từng mảnh trước khi hẹn hò
*
Rằng anh nào tiếc chi mô
Dẫu thiên thu đợi vẫn khô hạn lời
Lẽ nào gọi ” cố nhân ” ơi
Trái tim dấu ở tuyệt vời cõi riêng …
CAO MỴ NHÂN (HNPD)
3 – 8 – 2022
IPHONE. CAO MỴ NHÂN
Nếu mà anh biết được em…
Ngập ngừng không nói gì thêm
Ánh trăng trở nên hoang loạn
Bơi trong bóng tối huyền đen
*
Nếu mà em vẫn thầm mơ
Một lần người nớ trong thơ
Hiện ra, hỏi rằng :” Em hỡi
Bao giờ em hết vẩn vơ ? “
*
Ô hay, có chi lạ đâu
Vẫn yêu thương anh dài lâu
Chỉ vì anh là tất cả
Thủa này và những thời sau
*
Thì anh vẫn hiện diện đây
Cách em chỉ một bàn tay
Cầm Iphone và bấm gọi
Đêm sâu cùng với ngày đầy
*
Thế mà anh…chẳng thật anh
Mây bay sáng rỡ long lanh
Chi mô em đòi anh cũng
Tặng em nguyên trái tim lành.
CAO MỴ NHÂN
****
HOA VẪN NỞ – CAO MỴ NHÂN
Ngửa mặt ngó trời cao
Nhìn mây bay qua đầu
Thấy anh đang ngái ngủ
Quên bẵng chuyện xưa, sau
*
Anh không đến sớm hơn
Cũng không đi muộn hơn
Giữa trăm năm hò hẹn
Sao em lại cô đơn
*
Tưởng là buồn đời nay
Hoá ra dỗ giấc say
Tưởng là vui kiếp khác
Hoá ra còn ở đây
*
Bông hoa vẫn nở tươi
Em dấu anh nụ cười
Thời gian càng bỡ ngỡ
Trên đường tình rong chơi…
CAO MỴ NHÂN (HNPD)
5 – 10 – 2022
PHONE. CAO MỴ NHÂN
Hết mưa, trời khô
Anh đang ở mô
Phone kêu từng …chặp
Vẫn cứ giả lơ
*
Tại nhớ giọng cười
Rất là yêu đời
Nên em mới gọi
Để nghe đùa chơi
*
Nhưng, răng làm thinh
Biết em đợi kinh
Còn không bắt máy
Để lỡ …tâm tình
*
Cha ơi, khó ghê
Người ta si mê
Càng thêm giả bộ
Đi xa, chưa về
*
Cũng giận rồi nha
Thiệt tình đó a
Có người đang đọc
” Chuyện tình chúng ta …”
CAO MỴ NHÂN
YÊU DẤU. CAO MỴ NHÂN
Bây giờ tôi giấu trong lòng
Trái tim cùng với những dòng thơ yêu
Cả đời chỉ có bấy nhiêu
Nên không giấu được những điều mê say
*
Tôi quên tất cả tháng ngày
Tâm tư mị ảo chứa đầy hình anh
Dù trời rực rỡ, trong xanh
Sao tôi sương khói mong manh mịt mù
*
Hỡi anh yêu dấu trong thơ
Đôi tay ôm trọn mộng mơ trao người
Nồng nàn nâng đóa hoa tươi
Che môi giấu một nụ cười thiết tha
*
Đành rằng tim của người ta
Nhưng anh đem đến hôm qua …gởi mình
Cuồng si tôi giấu cuộc tình
Mượn tim anh suốt hành trình cô đơn . ..
CAO MỴ NHÂN
NGHĨ TỚI CHIẾN TRANH. CAO MỴ NHÂN
Sau Tết nguyên đán khoảng 1 tháng, vào mùa xuân năm 1965, ngày 8/3, mới 5 giờ sáng, tôi đã phải ra phòng khách đợi xe tới đón đi công tác, mà ” mật ” đến nỗi …chẳng biết đi đâu, làm gì, nhưng vẫn nôn nóng chờ .
Bấy giờ tôi còn làm trưởng phòng xã hội Sư đoàn 2 Bộ binh, đồn trú ở An Hải, bên kia sông Hàn, Đà Nẵng .
Tôi luôn luôn được gọi tăng cường công tác do bạn cùng khoá làm trên Quân Đoàn I . vời đi cùng .
Kể từ 1-11-1965 thì tôi chính thức giữ chức trưởng phòng xã hội QĐI/ QKI cho tới ngày tan hàng .
Tôi hỏi Huy Lễ ( bạn gái ùng học Cán Sự Xã Hội Caritas, sau về Thuỷ Quân Lục Chiến QL/ VNCH )
-Làm gì, không nói cho người ta biết vậy ?
-Thì ” mày ” cứ đi đi, rồi biết, tao không có quyền tiết lộ .
Khoảng 10 nhân viên xã hội chúng tôi, ghé trường Trung học Phan Chu Trinh Đà Nẵng đón thêm 10 nữ sinh đồng phục áo dài trắng nữa,
1 xe Jeep của Lễ , 1xe dodge chở toàn bộ quý vị nữ sinh vv…nêu trên .
Xe chạy thẳng ra ngã ba cây Lan, rồi trực chỉ đi Hoà Khánh, như là đi Huế vậy .
Hình như tài xế các xe đều nhận lệnh sẵn rồi, trên xe chẳng ai nói với ai điều gì. Trời còn chút giá rét mùa đông chưa thật hết …
Trên đường cũng lác đác xe dấu hiệu QĐI và các đơn vị như Công binh, đại đội biệt kích 2 hộ tống …
Tới Nam Ô, tức trong phạm vi Liên Chiểu, bên này đèo Hải Vân, thì quẹo tay mặt, chạy ra biển .
Cho đến giờ phút đó, tôi vẫn chưa biết sắp làm gì, tất nhiên là Lễ thì phải biết rồi, mới thi hành công tác được chứ.
Một con đường mới mở, thẳng tắp chạy từ quốc lộ 1, ra biển Nam Ô, 2 bên đường còn tre, lồ ô mọc cao vút …
Tất nhiên đoạn đường đó không dài lắm, mặt biển còn mờ sương đêm, nhưng đó là một bãi cát …hoang, vì sát chân đèo Hải Vân .
Xuống xe, mới biết có nhiều phần hành liên hệ đã hiện diện ở đó rồi .
Không truyện trò ồn ào, nhưng cũng đã có những nụ cười .
Riêng 10 cô nữ sinh thì ríu rít, thầm thì, và cũng cười vui vẻ nữa .
Có trực thăng tới, có tiếng Trung tướng Nguyễn Chánh Thi, có tướng Mỹ, và đặc biệt có một ông Mỹ dân sự quần tây xám, chemise trắng, tất cả nhanh chóng rời khỏi trực thăng, đứng lại với nhau, không nói năng, đợi…
Tất cả ngó ra khơi…
Thoạt thì chỉ thấy mấy chấm đen mờ, sau các chấm đó to dần, rồi lớn dần hơn ..,cứ thế chúng biến thành những ca nô, không, chúng lớn to hơn nữa, đã nguyên hình là những cái tầu nhỏ đối với chiến hạm, nhưng là tầu lớn đối với tầu buôn đường sông Tiền , sông Hậu mà tôi đã có dịp nhìn thấy những chuyến về Cần Thơ, Long Xuyên năm trước .
Thế rồi thì lính Mỹ nhẩy ào khỏi tầu, bơi trên nước , lội vào bờ …
Cánh tượng như một cuốn phim chiến tranh, bởi tính cách đổ bộ, nên toán quân ấy, rất đông, nhưng vẫn ” vào hàng chiến đấu biểu diễn ” …ấy là họ tự tìm những gốc cây, dù cao, dù thấp ẩn mình nhiều cách, đứng, ngồi, bò xoài ra ..,
Tôi ngó một gốc thông bị chặt ngắn giữa bãi cát, và một chú lính Mỹ làm bộ bò xoài ra, súng kề vai lăm lăm trước mặt .
Đồng hồ chỉ 9 giờ, đoàn lính đổ bộ đó, đã mau chóng xếp ngay hàng thẳng lối, máy phóng thanh bắt đầu làm việc ..,
Rồi đoàn quân đổ bộ chuẩn bị lên hàng trăm xe GMC của các đơn vị tăng phái cho Quân Đoàn I để chở đoàn lính trên về đơn vị đã dự trù cho họ ..,
20 vòng hoa tượng trưng đã kịp thời choàng lên cổ 20 vị ” đồng minh ” một cách máy móc, nhưng cũng bắt buộc phải làm cho đúng thể thức giao tế.
Bấy giờ tôi mới biết là Lữ Đoàn 9 Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ hiện diện trước mặt .
Và đó cũng là đoàn quân Hoa Kỳ đầu tiên tới miền Nam VN.
Bốn năm sau, vào cuối mùa thu năm 1969 …
Dọc biển khơi Vùng 1 Duyên Hải, tức là từ cửa Việt đến vịnh Sa Huỳnh, mà Đà Nẵng của …tôi, vẫn là địa bàn quân sự một cách quan yếu …từ đất liền đến không, hải phận QKI.
2 tầu bệnh viện của Quân Đội Hoa Kỳ rất danh tiếng , đã vì nhu cầu chiến trường nặng hơn, được tăng phái đến VN, cũng đóng đô ở biển khơi Đà Nẵng, là tầu:
USS Repose ( AH16 )
USS Sanctury ( AH 17 )
Vào một buổi sáng trời không có nắng, tôi được tháp tùng phái đoàn Bộ tham mưu QĐI/ QKI không quá 5 người, lên trực thăng bay ra tầu USS Sanctury Mỹ đó ,
do lời mời của cố vấn Hoa Kỳ .
Đi thăm tầu, đồng thời thăm thương bệnh binh Mỹ luôn . Phái đoàn hôm đó …chẳng có gì, không quà cáp, ca kịch như các toán văn nghệ G.I. Quân đội Hoa Kỳ lúc nào cũng trẻ trung đầy sức sống .
Tôi chỉ hiểu được rằng tầu bệnh viện Sanctury ( AH17) này đã từng hoạt động ở cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai ( W W II ), và ở Việt Nam .
Những thương bệnh binh Mỹ rất trẻ, mặt búng ra sữa , trong y phục bệnh viện mầu xanh da trời. Sao thấy họ hồn nhiên quá .
Những nhân viên trên tầu bệnh viện đó, như Bác sĩ, y tá, y công…sinh hoạt như trong đất liền, lẽ dĩ nhiên là vậy …
Chúng tôi chụp rất nhiều hình từ lúc xuống trực thăng tới khi ra về…
Tôi thường ghi lại những hình ảnh theo các phái đoàn đi công tác đây đó, này kia …
Cho tới ngày tan hàng, tôi bỏ lại nhà cửa, xe cộ vv…ở Đà Nẵng, để vô Saigon.
Rồi phải đi tù cải tạo ở miền Nam, Bên Cướp Cuộc ở địa phương, chỉ cần hất nhẹ tay vô cửa ra vào nhà tôi ở cư xá Trưng Nữ Vương, cạnh kho dầu xăng, ngã ba Chợ Mới, là tha hồ vơ vét.
Tất cả của cải trong hơn chục căn nhà sĩ quan nơi cư xá nhỏ nhất đó, đã chẳng còn manh giáp …
Trong tủ sách nhà tôi có mười mấy cuốn albums với suốt cuộc hành trình ” đi lính ” của tôi. Nên hình ảnh bất cứ công tác nào nêu trên, đã được tập đoàn Trường Sơn mượn tạm phần nào để triển lãm ” Mỹ Nguỵ ” ở ty thông tin cũ của thành phố Đà Nẵng năm 1975 .
Tất nhiên không phải chỉ hình ảnh của tôi thôi, mà các nhà khác cũng bị mượn luôn như thế, để tranh ảnh triển lãm ” quân đội Mỹ Nguỵ ” đầy đủ sắc thái.
Mùa xuân năm 1998, tôi có dịp tới Washington DC, được bạn chở đi coi Bức Tường Đá Đen ..,
Nơi đó là một nghĩa trang lớn, mộ chí ngay hàng thẳng lối ..,có những bức tượng thờ các tử sĩ của hai cuộc chiến tranh thế giới : thứ I và thứ II .
Nhưng tôi chú ý tới Bức Tường Đá Đen mà từ đầu hành lang đi vào phía trong xa, tên tuổi 58,000 ( năm mươi tám ngàn ) quân nhân các cấp quân đội Hoa Kỳ tham chiến ở VN đã vĩnh viễn không về với đất nước USA .
Hôm đó cũng có nhiều thân nhân tử sĩ đi thăm bia mộ chung của một thời đại chưa qua lâu.
Họ đặt những bó hoa nhỏ ở dưới chân bức tường danh dự đó . Có người còn lấy giấy trắng mỏng và bút chì, để lên trên chỗ tường Đá Đen đó, rồi can cho thấy đúng tên mang về nhà, chắc là muốn cho người nhà biết thêm .
Như vậy cuộc chiến VN đã kết thúc 23 năm nếu tính từ 1975 tới năm đó 1998. Nhưng quân đội Hoa Kỳ đã cuốn cờ về nước từ 1973 , nên bức tường đó đã thiết lập thành mộ chí chung cho 58,000 tử sĩ Mỹ được 25 năm, 1/4 thế kỷ mà gia đình họ vẫn nhớ thương đấy chứ .
Thành ra, khó mà vui được mỗi lần nghĩ tới chiến tranh . Không cần phải Mỹ hay ta , VNCH, nếu quý vị lẩn thẩn như tôi, thích tổng hợp cho một cuộc đời người lính Mỹ nào đó.
Từ lúc người lính Mỹ đặt chân lên đất nước VNCH
( 1965 ), anh ta bị thương, nằm điều trị ở tầu bệnh viện Sanctury (1969 ), rồi tình trạng nào đó, anh ta vĩnh biệt cõi đời, nếu trễ nhất là ngày chót về lại Hoa Kỳ ( 1973 ) . Thì chao ôi, chỉ có 8 năm ( 1965-1973 ) mà 58,000 người đã thiệt mạng vì chủ nghĩa Tự Do .
Đó là thấy được hình hài thân xác, còn vv khác như trường hợp mất tích , mất xác …thì chưa kể …
CAO MỴ NHÂN
ĐÁM PHÙ VÂN MÀU TÍM
Đó là một đám mây mầu tím hoa cà mỏng tang, bay lẫn trong rất nhiều làn mây trắng, ngoài song cửa phòng tôi, trưa nay …
Tôi nhìn đám mây tím lợt đó mãi, mắt cứ dán chặt vào tấm lụa mây mỏng hơn cả những sợi tơ, chỉ sợ nếu tôi chớp mắt, bóng mây sẽ tan…
Chắc chắn, xa , xa xa rồi tan …cho dẫu trừu tượng, không hiện hình, hay thực tế,sờ mó được, huống hồ là đám mây mỏng mảnh thế kia .
Tôi còn sợ đám mây tan biến mau chóng, nếu tôi không giữ lại được chút xíu gì, để làm bằng cớ nói với anh :” quả là xa xa rồi tan, không cần phải giữ gìn hay níu kéo…”
Các nhà tư tưởng học, triết học, thường chứng minh cho chúng ta thấy rằng : không có cái gì không bất biến, kể cả lời hứa hẹn thuỷ chung …
Đừng nói thế, quý cụ Khổng Mạnh rất phản đối, gần như…nghiêm cấm những ai đi sai đường chệch lối đạo
lý, phải tôn thờ lễ nghĩa liêm sỉ ở đời .
Chỉ là một đám mây lạ, muốn nhìn nó trên hàng ngàn sự việc ở đời thôi, mà đưa triết học với chả tư tưởng ra, để bảo vệ…
Chợt thấy cũng từ xa xa …anh đang nhìn kính viễn vọng, miệng gọi phone viễn liên, hỏi mình là đang chăm chú theo đuổi cái đám phù vân mầu tím hoa cà đó làm gì, nó sẽ tan trong giây lát tới đây …
Nhưng vì nó không màu trắng như những đám mây kia . Thế thử đếm xem có bao nhiêu đám mây trắng trên trời trưa nay ?
Ai mà đếm được, mây trắng vô số trên trời, chịu.
Ngó kỹ đi, không hoàn toàn mây trắng đâu, có lẫn nhiều mầu khác, nhưng tất cả đều rất lợt, nên bị nắng khuếch tán, đã lẫn vào sắc trắng thông thường của mây …
Tôi nhìn ra cửa sổ, thì quả vậy, mây xám với đủ gam lợt nhiều, lợt ít, mây vàng tơ vv…
Anh nói tiếp : có lẽ cái mầu tím mình thích, nên quá chú trọng, nó trở thành điểm nhớ vậy thôi, thử xem lại đi, nó đã tan từ bao giờ trong kính viễn vọng rồi đó .
Tôi ngửng lên nhìn khung trời trước mặt, làn mây mầu tím hoa cà lợt đã tan tự bao giờ.
Thì ra, phải rồi, nếu tôi chú trọng đến vật thể gì, sự việc gì , nôm na là điều gì, thì y như nó chiếm hết cả tâm hồn và thì giờ của tôi.
Thí dụ : người quá yêu nước, yêu nòi, thì tất cả mọi sự việc liên hệ tới người đó, sẽ chỉ dồn vào đất nước, giống nòi …chẳng hạn .
Nhưng nếu người say mê cờ bạc, thì tất cả vốn liếng, nhà cửa, đổ vào cờ bạc hết .
Thí dụ gì không thí, mà thí hai cái sự kiện đối kháng quá cỡ vậy .
Ô tất nhiên đang …bàn đến cái điều cốt lõi, còn vỏ bọc sự kiện trên, để tính sau .
Vậy chớ người yêu nước, yêu nòi thì sẽ là …tương đối .
Còn người đánh bạc, nó dám …hy sinh tất cả, để có tiền đánh bạc .
Như vậy điều tốt, chỉ được đáp ứng vừa thôi, có khi còn ngại khó, ngại khổ , chỉ có thể thể hiện ra điều tương đối, vì còn phải lo cho mình nữa chứ .
Điều xấu thì chu choa, nó lại như tức nước vỡ bờ ngay, nó khuấy động, khuyến dụ, huyễn hoặc sự việc làm sao cho tanh banh ra…càng có thể xấu …tuyệt đối hơn, càng mau kết thúc vấn đề .
Thế có khi nào cái sự xấu tốt, chung chung thôi, đừng đưa thượng tầng lý trí ra, với hạ tầng bản năng, sẽ sai lạc mục đích, tôi muốn biết cái điều kiện có thể để dung hoà .
Thí dụ …
Thí dụ cái ” khối tình Trương Chi ” đó kìa .
Có phải cái Khối tình Trương Chi mà nhạc sĩ lão thành Phạm Duy diễn tả đó không ?
Phải rồi,” Xa xa rồi tan ” lời hát đắm chìm trong cõi mộng tuyệt vời lắm chứ .
À , đó là vài tiếng mà tôi nghe thấu suốt nơi bài ” Khối tình Trương Chi ” của Phạm Duy .
Chuyện kể hay lời nhạc, thì ai cũng biết rồi, dù có nghe hay không nghe bài hát đó.
Vậy chớ cái gì xấu, cái gì tốt ở riêng mỗi nhân vật truyện ? Hay một trong hai người gọi là tốt, và ngược lại một trong hai người gọi là xấu .
Tôi khẳng định ngay: để không bàn cãi, cả 2 người nêu trên Trương Chi và Mỵ Nương đều có đủ tính xấu, tốt
của nội dung chuyện .
1/ Mỵ Nương say đắm tiếng hát của Trương Chi từ con đò trên sông, chưa kể là xấu hay tốt . Khi gặp Trương Chi không đẹp, thì uổng công đợi chờ, là thái độ xấu bắt buộc .
Cuối cùng nghe tiếng hát từ chén âm hồn thoát ra, cảm thấy có lỗi với Trương Chi, Mỵ Nương phải chết theo tiếng …hò khoan đó. Được ghi điểm tốt .
2/ Trương Chi hát trên sông bình thường, cũng chưa kể là xấu hay tốt. Khi được vời tới gặp Mỵ Nương, lỡ yêu nàng mê si …cũng kể là thái độ xấu, không bắt buộc nhưng …tự giác .
Kết cuộc, để chấm dứt nỗi cuồng si về mối tình tuyệt vọng, Trương Chi đã gieo mình xuống dòng sông định mệnh, mang tiếng hát của chàng, là tạm như việc làm tốt .
Tuy nhiên chuyện không kết thúc ngay sau khi Trương Chi chết, mà tự dưng châu thân chàng ta lại biến
thành đá ngọc.
Để tình cờ, một lần nữa, có khách tài hoa đã giũa mài ngọc đó, thành chén …tình chung, tặng nhà quan thân phụ Mỵ Nương.
Và để rồi khi nâng chén quan hà lên môi, hình ảnh Trương Chi chơi vơi trong đáy chén tử sinh đó. Lệ đã rơi vô chén tuyệt tình …
Mỵ Nương để rớt chén, vỡ tan khối tình Trương Chi, mệnh chung cuộc tình sầu cho người đời thương cảm .
Thế thì tốt xấu ở chính một con người, ở chính một sự việc, nào có đối tượng bên ngoài xen kẽ, như vậy muốn dung hoà, phải một trong hai người …giác ngộ mới …được .
Thì Trương Chi đã ngộ trước, chàng ta đã nhẩy xuống lòng sông đó thôi .
Vâng, phần sau, Mỵ Nương tự chết vì lỗi lầm không ưng ý Trương Chi, bởi chàng không điển hình phong nhã hào hoa, nên, để kết thúc trong danh dự cho cả hai người .
Tiếng hát trên sông sẽ đồng vọng đôi bờ …xa dần, xa dần ..,rồi tan dần, tan dần âm điệu tình chung …
CAO MỴ NHÂN
Dòng Sông Mây Trắng
Không biết nơi đó thuộc lãnh thổ nào trên trái đất này…
Tôi chưa rời khỏi cái bờ sông đầy nắng vàng tơ tằm ấm áp, đôi bờ chảy về xa hun hút…
Nhưng tôi phải dừng lại ở một khúc giữa vì nhìn hai phía bờ xa tít tắp, phía nào cũng mịt mù ánh nắng. Trời đang đứng bóng, chắc khoảng 1 giờ trưa.
Tôi đứng đợi anh.
Anh nói đừng nôn nóng khi phải đợi chờ và hãy nhìn xuống lòng sông xem sắc nước thế nào, anh sẽ tới phía sau mình…
Mình thẫn thờ ngó xuống lòng sông…
Dưới dòng sông ư?
Không phải, trong lòng sông ấy mới đúng. Chao ôi, làm gì thấy nước chứ? Chỉ toàn mây là mây thôi.
Mây đổ xuống kín đặc mặt sông, không hở một tấc nước.
Và mây trắng đã hoà vào mặt nước sông xanh dương, vì trời đang nắng gắt hay sao mà mây trong lòng sông bốc khói…
Dòng sông mây khói biến thành một cuộn mây màu lam tím sắc bông bèo, đẹp quá nhưng sợ quá vì tôi vẫn đang đứng trên bờ sông một mình, anh chưa đến.
Người hùng ôi, màu mây khói hay cuộn mây trắng pha sắc tím bông bèo đó y như khói lửa sa trường ngày nào…
Ngày chưa hò hẹn một lần giữa bom rơi đạn nổ, mồ hôi hoà nước mắt chan hoà trang thơ kỷ niệm sau cuộc chiến năm xưa…
Tưởng không gặp anh, một khách kỷ nhân hồi.
Nhưng trời đã sinh ra mình để nhất quyết gặp anh, để kết chặt khối tình thơ trễ muộn nhất, nhưng mới lạ nhất là chỉ có anh cùng với dòng sông vô thuỷ vô chung hiển hiện trước mặt này.
Anh sợ mình không vui vì không có trọn vẹn một dòng sông cuộc đời, nghĩa là dòng sông phải đủ giang đầu, giang vĩ…
Mình thấy anh khôn quá, anh sợ mình hát tiếp: Đồng ẩm Tương giang thuỷ, tương cố bất tương kiến…
..để than trời rằng người ở đầu sông, kẻ cuối sông, cùng uống nước sông Tương ấy, cùng nhớ nhau mà không thấy mặt nhau.
Thôi thôi chẳng dại gì đọc Trường tương tư của Lương Ý Nương để mà day dứt buồn:
Ngã tại Tương giang đầu Quân tại Tương giang vĩ Tương tư bất tương kiến Đồng ẩm Tương giang thuỷ
Anh hóm hỉnh cười:
Lạ thực, có mấy câu thơ căn bản trong bài Tương tư dài thoong (trường) mà trích dẫn cứ thay thay, đổi đổi.
Tôi thấy có vị đọc thế này:
Quân tại Tương giang đầu Thiếp tại Tương giang vĩ Đồng ẩm Tương giang thuỷ Tương cố bất tương kiến
Song nào có sai đâu? Tương tư hay tương cố cũng đều là than thở nhớ nhau mà không thấy mặt nhau thôi à.
Đúng rồi, huynh đệ chi binh ta ngày xưa có nhiều đan cử lý thú về khoản tương tư hay tương cố mà bất tương kiến này lắm.
Thí dụ nếu bạn lính được nghỉ bảy ngày phép thì đi tìm người yêu, người tình một ngày đầu tức khắc, sáu ngày sau là chơi với vợ con ở nhà, yên tâm mọi mặt.
Nhưng nếu bạn lính chỉ được nghỉ có ba ngày thôi thì dứt khoát cả ba ngày phép đó đều của vợ con, quan cũng như lính chẳng ai khiếu nại.
Tất nhiên chưa có gia đình thì tuỳ nghi thăm bố mẹ, anh chị em và bạn bè. Nhu cầu tương tự vừa nêu trên.
Biết rồi, ai cũng biết thế rồi, dù anh là lính đa tình hay khíu chọ như anh có lúc chẳng hạn.
Bởi thế cho nên tôi mới… tặng cho người thơ một khúc sông cũng khá dài, không có đầu sông, cuối bến như đã thấy trên bài Đoạn đường mòn.
Từ khúc sông ấy, ta nhìn thấy đôi bờ thẳng tắp, dẫn ta đi tới xa xăm nào không cần biết.
Cũng chẳng thấy mặt sông nổi sóng.
Trong lòng sông chỉ có mây, toàn là mây trên trời rớt xuống hay mây trên chín tầng cao in đáy nước mịt mù.
Có phải dòng sông mây trắng đó cho ta cảm giác không vui, không buồn?
Hay vì lòng sông đó giấu nỗi cuồng điên của sóng nước ngàn năm dưới lớp mây nổi như khói lửa bom rơi đạn nổ thời nào. Hình ảnh đã xa rồi với niên trưởng chúng ta. Còn khắc khoải u hoài với lớp chúng ta. Hoặc giả sẽ tan mây, tản khói khi con em chúng ta được ân hưởng bầu trời trong sáng cùng thời khắc bốn mùa đều là mùa xuân.
Dòng sông bấy giờ sẽ không đầy mây, tràn khói như hôm nay, anh hẹn mình ở bờ sông này, chỉ có đôi bờ giữa nguyên vẹn con sông không thấy giang đầu, giang vĩ… ngõ hầu khỏi phải tương cố tương tư…