Chùm Văn: LÀM GIÀU CHO SÁCH + NGHĨ TỚI CHIẾN TRANH + GỬI ĐI XA – Cao Mỵ Nhân
Làm Giàu Cho Sách
Hồi đó vào khoảng đầu thập niên 80 thế kỷ trước, tôi đã gọi là xong hết mọi việc dính tới chuyện tù cải tạo nên thong dong đi chơi như bạn bè không thuộc nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn, tức là họ không phải đi tù tập trung như tôi.
Mỗi buổi sáng, tôi thường rời nhà ở khu nhà thờ Ba Chuông, đi bộ tà tà lên hướng Lăng Cha Cả trên con đường gọi là Trương Minh Ký, nối dài đường Trương Minh Giảng phía trên.
Tới ngã tư đường Thoại Ngọc Hầu thì rẽ phải đi một đoạn ngắn nữa, gặp đường nhỏ Nguyễn Minh Chiếu cắt ngang, rẽ trái đến số nhà 328 (gần cuối đường) bên tay mặt, tôi đứng trước cổng lớn của biệt thự Úc Viên.
Tôi đến chơi với nữ sĩ Mộng Tuyết – Thất Tiểu Muội như cơm bữa vì cũng chẳng có việc chi làm. Một hôm nghe tiếng chuông nhè nhẹ từ ngoài cổng biệt thự Úc Viên vọng vào.
Nữ sĩ Mộng Tuyết ngó đồng hồ rồi nói: Ông Khai Trí đến đó, đúng hẹn quá ha. Bà nói tôi ra mở cửa, đồng thời có định gặp ông Khai Trí thì bà giới thiệu…
Ông Khai Trí ở Sài Gòn trước 30 – 4 – 1975 ai mà không biết… Ông là giám đốc nhà sách Khai Trí ở đường Lê Lợi. Về sau ông vừa làm nhà xuất bản, tổng phát hành nên bộn bề công việc nhưng càng thêm uy tín và thân tình với đông đảo văn nghệ sĩ. Không ai không cảm phục ông về tấm lòng yêu quý sách từ thủa còn đi học.
Những hoạt động mua bán sách và giao tế tuyệt vời của ông với các tác giả cũng như khách hàng mà đa số là sinh viên học sinh thì khỏi nói.
Tôi chỉ đề cập tới một chuyện rất tầm thường nhưng lại… bất thường, chứ không nói tới chữ phi thường vì lớn lao và khôi hài quá!
Số là những ngày ông bị tập trung cải tạo ở Z30C Hàm Tân, cùng trại với anh rể tôi, trong vấn đề phân phối lao động…
Ai đã đi tù chính trị Cộng Sản đều biết cái điều mỗi lần chia tổ lao động, nó đòi hỏi tự nguyện, rồi mới chỉ định.
Thế thì nhà tổng phát hành sách vở, chữ nghĩa cứ thơm phưng phức hàng ngày vui cùng thiên kinh, vạn quyển kia nay tự sung vào cái tổ gánh phân rồi hoà tan thành nước phân bón tưới các rẫy vườn rau, đậu ngoài trại ấy.
Làm như thế thì chỉ phải lao tác nửa ngày, còn nửa ngày cọ rửa cho thân thể sạch sẽ trở lại con người… nhân bản được chút nào hay chút nấy. Khốn nạn cho cái xã hội khốn cùng đó.
Ở ngoài Bắc, dù không đi tù cải tạo người ta vẫn làm cái việc phân bón… thiên nhiên này, đến nỗi cả người lớn lẫn trẻ em đều bị cái bệnh tệ hại nhất thế giới là những cái bụng sán lãi bự chảng, mặt mũi xanh lét.
Ông Khai Trí đã từ ngoài cổng Úc Viên vô tới nửa hành lang, tay dắt xe đạp, trên ghi đông xe đạp còn treo một cái bị cói hơi cũ đựng sách truyện và những thứ cần thiết…
Chẳng biết đường trường kách mệnh của Hồ lão tặc sẽ vượt lên thượng tầng kiến trúc thế nào, chứ cái màn khốn khổ khốn nạn XHCN diễn đi diễn lại khiến cho con người đang từ phong nhã, hào hoa trở thành bần hàn ti tiện làm sao.
Nhưng người lịch thiệp thì cho dẫu đã trở lại bước đường hoa gấm ngày xưa, ông Khai Trí vẫn nhẫn nhịn, hoà nhã, chịu đựng đến độ thành bụt lúc nào không hay.
Cơ ngơi tài sản ông mất nhiều, mất ít thì tôi không rõ, nhưng những năm tháng sau cùng ở Sài Gòn, ông vẫn đi xe đạp, treo giỏ cói ở ghi đông với một nụ cười mà không biết phải diễn tả thế nào mới đúng: hoà đồng, khổ luỵ, buồn thương, chán chường…
Song vẫn đầy nghị lực, vẫn mong ước, chờ đợi một ngân hàng sách, một hệ thống phát hành ở khắp nước Việt Nam để từ đó cái xã hội sách bất khả của họ tự giẫy chết trong nghĩa địa sách mà họ lầm tưởng là có thể để đời…
Tuy nhiên đầu thập niên 90 tiếp theo, ông vẫn đi Hoa Kỳ.
Mộng làm giàu cho sách, chứ không phải sách làm giàu cho ông, vì giai đoạn này các con ông đã nên danh phận và ông đã già (1926 – 2005).
Thế mà có một buổi trưa kia, trên chiếc xe buýt chuyển trạm đường Brookhurst, ông Khai Trí đã khệ nệ bước xuống với mấy bao, giỏ sách thật nặng nề vừa đeo trên vai, vừa ôm trước ngực, vừa… thở hổn hển, mà vẫn tươi cười.
Tôi hỏi sao ông di chuyển sách nặng làm gì khổ thế. Là vì ông phải đi từ Los Angeles xuống ga chuyển Fullerton, rồi từ Fullerton qua buýt khác xuống thủ đô tị nạn Bolsa mà tôi gặp đó, rồi ông sẽ đi một chuyến buýt thứ ba về nhà ông. Thật cực khổ. Năm đó 1993, ông đã gần bảy chục tuổi.
Vài năm sau, ông quyết định về Sài Gòn ở luôn. Sinh hoạt văn chương theo ý ông cùng các văn nghệ sĩ nửa cũ, nửa mới cho tới khi qua đời.
Thời gian ông Khai Trí xây dựng sự nghiệp sách khai phóng và điều hành cái cơ sở đồ sộ những chữ cùng… nghĩa, tôi nghĩ quý vị tác giả biết ông và thân tình với ông nhiều cách khác nhau…
Qua gần 10 năm, sau khi ông đi tù cải tạo về tới trước khi đi Mỹ, tôi được hân hạnh quen biết ông chững chạc hơn, trong giao lưu chưa thật hết văn hoá cũ đã phải tiếp nhận văn hoá mới.
Đó là cái xã hội miền Nam sau 30 – 4 – 1975, ô dề một cách hầm bà lằng…
Sự thực lớp người như ông Khai Trí chẳng… sợ ai gọi là ở chế độ mới. Chưa kể những người từ rừng về mang cảm giác thua kém trước… rừng sách, hay ít nhất một người đủ góc độ nói về văn hoá, văn học, cho nên ông vẫn được số đông người họ Mác, họ Lê, họ Hồ kính nể.
Mặt khác ông vẫn có ý giúp quý văn nghệ sĩ cũ bị kẹt lại hay đi tù cải tạo ra gặp hoàn cảnh khó khăn.
Ngày thi sĩ trung tá Hoàng Ngọc Liên từ tù về, ông Khai Trí đã đeo vào ngón tay cho quan năm thất thế đó chiếc nhẫn một chỉ vàng 24 carat gọi là mừng bạn, chẳng lẽ nói để anh ăn bù thời gian đói khát tù đày vừa qua.
Buồn quá, mỗi lần một người quen mãn phần hay thất lộc thì bâng khuâng rồi, nhưng ông Khai Trí ra đi về cõi vĩnh hằng thì quả là giống như ai đang cầm cuốn sách hiếm quý bị người điên giật lấy rồi xé bỏ trước mặt họ…
CAO MỴ NHÂN
NGHĨ TỚI CHIẾN TRANH. CAO MỴ NHÂN
Sau Tết nguyên đán khoảng 1 tháng, vào mùa xuân năm 1965, ngày 8/3, mới 5 giờ sáng, tôi đã phải ra phòng khách đợi xe tới đón đi công tác, mà ” mật ” đến nỗi …chẳng biết đi đâu, làm gì, nhưng vẫn nôn nóng chờ .
Bấy giờ tôi còn làm trưởng phòng xã hội Sư đoàn 2 Bộ binh, đồn trú ở An Hải, bên kia sông Hàn, Đà Nẵng .
Tôi luôn luôn được gọi tăng cường công tác do bạn cùng khoá làm trên Quân Đoàn I . vời đi cùng .
Kể từ 1-11-1965 thì tôi chính thức giữ chức trưởng phòng xã hội QĐI/ QKI cho tới ngày tan hàng .
Tôi hỏi Huy Lễ ( bạn gái ùng học Cán Sự Xã Hội Caritas, sau về Thuỷ Quân Lục Chiến QL/ VNCH )
-Làm gì, không nói cho người ta biết vậy ?
-Thì ” mày ” cứ đi đi, rồi biết, tao không có quyền tiết lộ .
Khoảng 10 nhân viên xã hội chúng tôi, ghé trường Trung học Phan Chu Trinh Đà Nẵng đón thêm 10 nữ sinh đồng phục áo dài trắng nữa,
1 xe Jeep của Lễ , 1xe dodge chở toàn bộ quý vị nữ sinh vv…nêu trên .
Xe chạy thẳng ra ngã ba cây Lan, rồi trực chỉ đi Hoà Khánh, như là đi Huế vậy .
Hình như tài xế các xe đều nhận lệnh sẵn rồi, trên xe chẳng ai nói với ai điều gì. Trời còn chút giá rét mùa đông chưa thật hết …
Trên đường cũng lác đác xe dấu hiệu QĐI và các đơn vị như Công binh, đại đội biệt kích 2 hộ tống …
Tới Nam Ô, tức trong phạm vi Liên Chiểu, bên này đèo Hải Vân, thì quẹo tay mặt, chạy ra biển .
Cho đến giờ phút đó, tôi vẫn chưa biết sắp làm gì, tất nhiên là Lễ thì phải biết rồi, mới thi hành công tác được chứ.
Một con đường mới mở, thẳng tắp chạy từ quốc lộ 1, ra biển Nam Ô, 2 bên đường còn tre, lồ ô mọc cao vút …
Tất nhiên đoạn đường đó không dài lắm, mặt biển còn mờ sương đêm, nhưng đó là một bãi cát …hoang, vì sát chân đèo Hải Vân .
Xuống xe, mới biết có nhiều phần hành liên hệ đã hiện diện ở đó rồi .
Không truyện trò ồn ào, nhưng cũng đã có những nụ cười .
Riêng 10 cô nữ sinh thì ríu rít, thầm thì, và cũng cười vui vẻ nữa .
Có trực thăng tới, có tiếng Trung tướng Nguyễn Chánh Thi, có tướng Mỹ, và đặc biệt có một ông Mỹ dân sự quần tây xám, chemise trắng, tất cả nhanh chóng rời khỏi trực thăng, đứng lại với nhau, không nói năng, đợi…
Tất cả ngó ra khơi…
Thoạt thì chỉ thấy mấy chấm đen mờ, sau các chấm đó to dần, rồi lớn dần hơn ..,cứ thế chúng biến thành những ca nô, không, chúng lớn to hơn nữa, đã nguyên hình là những cái tầu nhỏ đối với chiến hạm, nhưng là tầu lớn đối với tầu buôn đường sông Tiền , sông Hậu mà tôi đã có dịp nhìn thấy những chuyến về Cần Thơ, Long Xuyên năm trước .
Thế rồi thì lính Mỹ nhẩy ào khỏi tầu, bơi trên nước , lội vào bờ …
Cánh tượng như một cuốn phim chiến tranh, bởi tính cách đổ bộ, nên toán quân ấy, rất đông, nhưng vẫn ” vào hàng chiến đấu biểu diễn ” …ấy là họ tự tìm những gốc cây, dù cao, dù thấp ẩn mình nhiều cách, đứng, ngồi, bò xoài ra ..,
Tôi ngó một gốc thông bị chặt ngắn giữa bãi cát, và một chú lính Mỹ làm bộ bò xoài ra, súng kề vai lăm lăm trước mặt .
Đồng hồ chỉ 9 giờ, đoàn lính đổ bộ đó, đã mau chóng xếp ngay hàng thẳng lối, máy phóng thanh bắt đầu làm việc ..,
Rồi đoàn quân đổ bộ chuẩn bị lên hàng trăm xe GMC của các đơn vị tăng phái cho Quân Đoàn I để chở đoàn lính trên về đơn vị đã dự trù cho họ ..,
20 vòng hoa tượng trưng đã kịp thời choàng lên cổ 20 vị ” đồng minh ” một cách máy móc, nhưng cũng bắt buộc phải làm cho đúng thể thức giao tế.
Bấy giờ tôi mới biết là Lữ Đoàn 9 Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ hiện diện trước mặt .
Và đó cũng là đoàn quân Hoa Kỳ đầu tiên tới miền Nam VN.
Bốn năm sau, vào cuối mùa thu năm 1969 …
Dọc biển khơi Vùng 1 Duyên Hải, tức là từ cửa Việt đến vịnh Sa Huỳnh, mà Đà Nẵng của …tôi, vẫn là địa bàn quân sự một cách quan yếu …từ đất liền đến không, hải phận QKI.
2 tầu bệnh viện của Quân Đội Hoa Kỳ rất danh tiếng , đã vì nhu cầu chiến trường nặng hơn, được tăng phái đến VN, cũng đóng đô ở biển khơi Đà Nẵng, là tầu:
USS Repose ( AH16 )
USS Sanctury ( AH 17 )
Vào một buổi sáng trời không có nắng, tôi được tháp tùng phái đoàn Bộ tham mưu QĐI/ QKI không quá 5 người, lên trực thăng bay ra tầu USS Sanctury Mỹ đó ,
do lời mời của cố vấn Hoa Kỳ .
Đi thăm tầu, đồng thời thăm thương bệnh binh Mỹ luôn . Phái đoàn hôm đó …chẳng có gì, không quà cáp, ca kịch như các toán văn nghệ G.I. Quân đội Hoa Kỳ lúc nào cũng trẻ trung đầy sức sống .
Tôi chỉ hiểu được rằng tầu bệnh viện Sanctury ( AH17) này đã từng hoạt động ở cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai ( W W II ), và ở Việt Nam .
Những thương bệnh binh Mỹ rất trẻ, mặt búng ra sữa , trong y phục bệnh viện mầu xanh da trời. Sao thấy họ hồn nhiên quá .
Những nhân viên trên tầu bệnh viện đó, như Bác sĩ, y tá, y công…sinh hoạt như trong đất liền, lẽ dĩ nhiên là vậy …
Chúng tôi chụp rất nhiều hình từ lúc xuống trực thăng tới khi ra về…
Tôi thường ghi lại những hình ảnh theo các phái đoàn đi công tác đây đó, này kia …
Cho tới ngày tan hàng, tôi bỏ lại nhà cửa, xe cộ vv…ở Đà Nẵng, để vô Saigon.
Rồi phải đi tù cải tạo ở miền Nam, Bên Cướp Cuộc ở địa phương, chỉ cần hất nhẹ tay vô cửa ra vào nhà tôi ở cư xá Trưng Nữ Vương, cạnh kho dầu xăng, ngã ba Chợ Mới, là tha hồ vơ vét.
Tất cả của cải trong hơn chục căn nhà sĩ quan nơi cư xá nhỏ nhất đó, đã chẳng còn manh giáp …
Trong tủ sách nhà tôi có mười mấy cuốn albums với suốt cuộc hành trình ” đi lính ” của tôi. Nên hình ảnh bất cứ công tác nào nêu trên, đã được tập đoàn Trường Sơn mượn tạm phần nào để triển lãm ” Mỹ Nguỵ ” ở ty thông tin cũ của thành phố Đà Nẵng năm 1975 .
Tất nhiên không phải chỉ hình ảnh của tôi thôi, mà các nhà khác cũng bị mượn luôn như thế, để tranh ảnh triển lãm ” quân đội Mỹ Nguỵ ” đầy đủ sắc thái.
Mùa xuân năm 1998, tôi có dịp tới Washington DC, được bạn chở đi coi Bức Tường Đá Đen ..,
Nơi đó là một nghĩa trang lớn, mộ chí ngay hàng thẳng lối ..,có những bức tượng thờ các tử sĩ của hai cuộc chiến tranh thế giới : thứ I và thứ II .
Nhưng tôi chú ý tới Bức Tường Đá Đen mà từ đầu hành lang đi vào phía trong xa, tên tuổi 58,000 ( năm mươi tám ngàn ) quân nhân các cấp quân đội Hoa Kỳ tham chiến ở VN đã vĩnh viễn không về với đất nước USA .
Hôm đó cũng có nhiều thân nhân tử sĩ đi thăm bia mộ chung của một thời đại chưa qua lâu.
Họ đặt những bó hoa nhỏ ở dưới chân bức tường danh dự đó . Có người còn lấy giấy trắng mỏng và bút chì, để lên trên chỗ tường Đá Đen đó, rồi can cho thấy đúng tên mang về nhà, chắc là muốn cho người nhà biết thêm .
Như vậy cuộc chiến VN đã kết thúc 23 năm nếu tính từ 1975 tới năm đó 1998. Nhưng quân đội Hoa Kỳ đã cuốn cờ về nước từ 1973 , nên bức tường đó đã thiết lập thành mộ chí chung cho 58,000 tử sĩ Mỹ được 25 năm, 1/4 thế kỷ mà gia đình họ vẫn nhớ thương đấy chứ .
Thành ra, khó mà vui được mỗi lần nghĩ tới chiến tranh . Không cần phải Mỹ hay ta , VNCH, nếu quý vị lẩn thẩn như tôi, thích tổng hợp cho một cuộc đời người lính Mỹ nào đó.
Từ lúc người lính Mỹ đặt chân lên đất nước VNCH
( 1965 ), anh ta bị thương, nằm điều trị ở tầu bệnh viện Sanctury (1969 ), rồi tình trạng nào đó, anh ta vĩnh biệt cõi đời, nếu trễ nhất là ngày chót về lại Hoa Kỳ ( 1973 ) . Thì chao ôi, chỉ có 8 năm ( 1965-1973 ) mà 58,000 người đã thiệt mạng vì chủ nghĩa Tự Do .
Đó là thấy được hình hài thân xác, còn vv khác như trường hợp mất tích , mất xác …thì chưa kể …
CAO MỴ NHÂN
***********
GỞI ĐI XA. CAO MỴ NHÂN
Thường trong văn chương Hán Nôm xưa, có những cảnh rất thực tế, mà cũng rất …cổ phong. Tôi chẳng biết nói thế nào cho đúng, nhưng trộm nghĩ, dùng chữ “cổ phong” có vẻ được.
Số là tôi muốn kể một chuyện buồn… cổ phong, nhưng cũng đời nay. Hoá cho nên tôi sẽ dấu bớt những phong hoa tuyết nguyệt Đường thi, mà chỉ đề cập tới ” chuyện như tưởng niệm ” một bậc nữ lưu nào khi đã âm dương cách trở.
Bắt đầu Tiểu Bích gởi cho tôi sau khi đọc 2 bài nhà thơ Trần Từ Mai dịch:
” Ký Viễn của Lý Bạch và Giang Lâu Thư Hoài của Triệu Hổ “.
Hôm nay đặc biệt chỉ nhắc tới Ký Viễn Lý Bạch mà nhà thơ Trần Từ Mai dịch là:” Gởi đi xa “.
Vậy nhà thơ Trần Từ Mai gởi gì, cho ai đi xa ?
Thì đang nói chuyện thơ, nên gởi thơ cho nhân vật nữ đi xa ,
” Chăn thêu cuốn gọn ai nằm
Ba năm vẫn lắng âm thầm dư hương…”
( Trần Từ Mai )
Nguyên bản là:
Sàng trung tú bị quyển bất tẩm
Chí kim tam tải văn dư hương
( Lý Bạch )
Diễn nghĩa:
Trong giường chăn thêu đã cuốn lại, không ai nằm
Tới nay đã ba năm, vẫn còn nghe hương thừa
( Trần Từ Mai )
Hai câu này sui ta nhớ đến 2 câu vua Tự Đức khóc Bàng Phi:
” Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi…”
( Vua Tự Đức)
Tiểu Bích thấm ý câu :
” Ba năm vẫn lắng âm thầm dư hương” nhà thơ Trần Từ Mai dịch, nói lên nỗi buồn trống vắng của một người nhớ một người, mà biết chắc không bao giờ gặp nữa .
Do đó, Tiểu Bích chia sẻ cho tôi đọc 2 bài thơ dịch của nhà thơ Trần Từ Mai viết, đặc biệt câu :
” Ba năm vẫn lắng âm thầm dư hương ”
Được dùng làm tiêu đề cho nội dung thư qua thư lại giữa Tiểu Bích và tôi.
Tôi vốn sính hồi âm kiểu thơ khứ hồi xướng họa này, tôi bèn viết bài thứ nhất gởi Tiểu Bích, ý nói về câu chuyện 3 năm trên.
BA NĂM HƯƠNG LỬA
Ba xuân nào đủ chuyện trăm năm
Chắc phải thiên thu ấm chỗ nằm
Khi cỏ vàng trời trên mộ đất
Lúc nàng xanh tóc buổi cài trâm
Người đi hoa úa tàn thương tiếc
Ta đợi trăng xa xót lỗi lầm
Khách vắng bao lâu chưa trở lại
Thời gian ấp ủ tháng ngày câm …
Hawthorne. 12 .am. 23-7-2017
CAO MỴ NHÂN
Tiểu Bích hồi đáp :
…Chưa ngớt đóa hương, chị đã xong nhất tuyệt tác…
…Bài của chị khiến em đọc xong lại ngẩn ngơ, mong bài thơ dài thêm…
Làm sao dài thêm được trừ phi MỴ tỷ làm thêm thử họa với chính mình .
Tự mình xướng họa không cô đơn đâu, mà chính là sự thanh vị tao nhã .
Chao ôi, người đẹp văn khoa Hán học này, khiến chi cũng có vẻ như ý thiên hạ quá .
Cao Mỵ Nhân lãnh ý đề bài tự họa ngay :
LÃNG ĐÃNG BÊN TRỜI
Khách vẫn bên trời rỡn tháng năm
Cho ta hờn tủi nỗi riêng nằm
Đêm qua thơ đến còn chưa tạ
Sáng tới tình tan mãi thả trâm
Cứ tưởng xuân tàn, nên nhận lỗi
Nào hay tuổi ngọc, chắc không lầm
Người ơi, e cũng như mình nhỉ
Tuyệt đỉnh sầu thương bóng dáng câm ..
Hawthorne 11.11 am 23-7-2017
CAO MỴ NHÂN
Tiểu Bích xuất thân “Văn Khoa”, là đệ tử của giáo sư Trần Huy Bích, tức thi sĩ Trần Từ Mai nêu trên , có lẽ cảm kích 2 bài dịch của giáo sư thi sĩ, nên có ý cho tôi và quý vị phụ nữ đọc dể thấy cái hay, của một nhận định bao dung từ bậc thầy Tiểu Bích như sau:
…Tất cả những người nữ trong thế gian theo ” giáo sư” trên, bất cứ người nữ nào sau khi từ biệt cõi đời này, cũng xứng đáng được chồng( hay ý trung nhân ) nghĩ tưởng nhớ đến bằng những lời lẽ tình cảm chân thành như thế …
Cuối cùng vị giáo sư thấy tôi múa gậy vườn…hoa ( không phải vườn hoang đâu nhé) của anh, người đang luyện kiếm bên trời, nhân vật thơ của Cao Mỵ Nhân, giáo sư Trần Huy Bích bèn họa một bài cho đệ tử, cũng là nghĩa muội ông, để nàng chuyển cho Cao Mỵ Nhân tôi, làm tài liệu xướng họa cho vui.
TRẦN TỪ MAI KÍNH HOẠ
Đừng nói làm chi chuyện tháng năm
Nhân gian đâu phải chỗ vui nằm
Tam niên tam nhật là tiên cảnh
Ngàn dặm ngàn ly với bảo trâm
” Dao thảo ngọc sa” ghi chốn hẹn
” Chung minh đỉnh thực ” tránh nơi lầm
Thầy Uyên vẫn đợi bên ngòi biếc
Hạc trắng loan vàng vốn chẳng câm .
23-7-2017
TRẦN TỪ MAI
Chú thích:
Ba năm chốn nhân gian là 3 ngày tiên giới
Bảo trâm : với chiếc ngọc trâm của tiên tử ngàn dặm chỉ thu còn 1000 millimetre = 1 metre thôi .
Thế là mình cấp tốc gởi cho anh, thấy chưa, một nhà mô phạm khuôn vàng thước ngọc còn biết cảm thương người nữ mệnh chung, còn anh, chắc mình : ” Khi cỏ vàng trời trên mộ đất” , anh cũng xem như ánh thép vụt ngang trời thôi…
Ô hay, người tình thì yên nghỉ ở mộ thơ, chứ mộ đất , mộ cát sao được, còn người thơ xin nằm dưới mộ hoa, biết thế rồi mà, nhưng người thơ đòi ở đời tới 105 tuổi, nhớ không ?
Anh sẽ trồng cả một rừng hoa khi người thơ vãng thế …Đẹp chưa?
CAO MỴ NHÂN