Cao Mỵ Nhân

 CHÙM TÌNH THƠ Và VĂN: LỜI MẸ DẶN. CAO MỴ NHÂN 

 

THÌ THẦM.    CAO MỴ NHÂ

Mười năm làm thơ trăng trối

Vẫn chưa muốn giã từ đời

Hình như có chi gian dối

Doạ anh sẽ mất em thôi

*

Anh cười, cho dù hấp hối 

Vẫn anh mưa nắng ngoài trời

Vẫn anh lặng im tiếng gọi 

Rất thầm yêu mãi em ơi

*

Tiếng lòng không bao giờ hỏi

Bởi vì trái tim không lời 

Tịnh ngôn chính là câu nói 

Nín câm trong nỗi chơi vơi

8

Trưa nay có đôi chim ngói 

Thì thầm hót giọng tuyệt vời 

Đường trần còn xa nẻo cuối

Mùa thu lộng lẫy đón mời …

   Hawthorne  10 – 9 – 2023

            CAO MỴ NHÂN 

***

 THÁNG CHÍN.    CAO MỴ NHÂN 

Mừng ngày rực rỡ sáng tươi đây

Hoa lá chào nhau dưới nắng đầy 

Đêm đã giật lùi vô quá khứ

Một trời trong vắt trắng tinh mây

*

Còn gì mong nữa tháng năm trôi

Chan chứa nguồn vui suốt cả đời 

Mỗi khoảng thời gian là mỗi đẹp

Tình thơ bát ngát tuyệt vời vui

*

Thiếu, trung, cao, lão, cũng hoan ca

Bạn thiết thân hay bạn trẻ, già

Xuân thắm, thu vàng trên áo lụa

Rộn ràng điệp khúc rộn đường xa

*

Rồi thì tất cả sẽ mô tê

Hạnh ngộ nhau khi tới hẹn về

Nơi hướng trời tây phương bát ngát 

Trái cầu đỏ vỡ đất hoang mê…

Rancho Palos Verdes  11 – 9 – 2023

             CAO MỴ NHÂN 

***

 MỊT MÙ.    CAO MỴ NHÂN 

Một phen mưa gió tơi bời

Một em với một nghìn đời yêu anh

Vội vàng trời đổi áo xanh

Hoa mây trắng bạch vẽ thành uyên ương

*

Nhưng, ôi vũ trụ lạ thường 

Bão cuồng thân phận xót thương nỗi mình 

Gió mưa ướt át cuộc tình

Quan san trước mặt, trường đình biệt nhau

*

Không gian bát ngát buồn đau

Còn ai cách trở giang đầu, cuối sông

Bây giờ hò hẹn tây đông

Cũng không xoá được hận lòng bắc nam

*

Đẹp xưa, nay bỗng điêu tàn

Vàng rơi không tiếc, tiếc đàn chùng giây

Mốt mai anh tới nơi đây

Bâng khuâng thương nhớ chốn này vắng em …

    Hawthorne  7 – 9 – 2023

           CAO MỴ NHÂN 

***

NẾU CHỈ CÒN.    CAO MỴ NHÂN 

Nếu chỉ còn một mắt 

Anh nhìn em thế nào 

Khi bao nhiêu mất mát 

Anh vẫn nói: ” chưa sao ” 

*

Trái tim đang sắp vỡ 

Em dấu nỗi buồn đau

Nếu chỉ còn nỗi nhớ 

Gởi về anh nơi đâu 

*

Hãy cùng em lên núi 

Xem  trời sáng biết bao

Để em nghe tiếng hát

Của anh ở trên cao 

*

Anh biết em sắp ngã 

Đôi chân bước xôn xao 

Lại không đưa tay đỡ 

Nghe mãi lòng nôn nao 

*

Vẫn anh thôi, yêu dấu 

Làm trái tim em chao 

Ôi chỉ còn một mắt 

Ta đã ở trong nhau … 

    CAO MỴ NHÂN 

***

 SẦU M.    CAO MỴ NHÂN

Ta về gom hết vần thơ cũ

Đọc lại, xem buồn lên tới đâu

Tình vẫn đầy vì chưa rạn vỡ

Ý còn vui hẳn chẳng hờn đau

Nhưng sao khói toả phai hàng chữ

Để mãi sương bao đậm cõi sầu

Có viết ngàn chương, thì cũng vậy

Từ xưa và tất cả … thời sau …

         CAO MỴ NHÂN 

***

VĂN – CAO MỴ NHÂN

LỜI MẸ DẶN.    CAO MỴ NHÂN 

Trong yêu thương phải có sự chân tình. Bởi vì nếu gắng gượng yêu thương đã buồn nản rồi. Thêm một cấp giả dối yêu thương, thì  còn dễ chán ghét hơn, có khi thù hận nữa. 

Chợt nhớ năm 1957, tức là 3 năm sau thảm hoạ chia đôi đất nước, 20 -7 -1954, phần nào người dân ở miền Bắc XHCN, đã thấy bộ mặt gian ác, tồi tệ của Cộng sản Bắc Việt, họ chỉ còn biết nói kiểu ám chỉ chủ nghĩa bằng những”Lời Mẹ Dặn” của nhà thơ Phùng Quán như: 

Yêu ai cứ bảo là yêu 

Ghét ai cứ bảo là ghét 

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét 

Dù ai cầm dao doạ giết 

Cũng không nói ghét thành yêu

         ( Phùng Quán 1932 – 1995 ) 

Hôm nay tôi có nhã hứng viết về ” lòng yêu thương ” của người đối với người. 

Quý vị cũng không ngạc nhiên là còn có lòng yêu thương  của người đối với loài vật nói chung, và cũng như trên, loài người còn có thể yêu thương các thứ đồ vật vô tri, vô giác. 

Thế thì công thức của lòng yêu thương giữa người với người, phải bao gồm yếu tố chính yếu sau: 

Phải cùng một hệ tư tưởng, để từ đó thông qua các quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, luyến ái vv…

” Lời Mẹ Dặn ” Phùng Quán, thật dài, kể lể bà nuôi con từ nhỏ tới lớn, chỉ mong con trở thành người lương thiện, yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ  bảo là ghét vậy. 

Kêu gọi tính ngay thẳng của con người, thi sĩ Phùng Quán đã không ngại ngần trưng dẫn cái tôi, ông mượn lời người mẹ để răn dạy người con, là ông, vốn mồ côi cha từ thủa nhỏ, nay khôn lớn, để được nhân danh là người biết yêu thương đúng nghĩa…

Tất nhiên ai cũng hiểu điều đó, yêu ghét phân minh, chẳng vì lời ngon ngọt hay lưỡi dao sắc bén, mà thay lòng đổi dạ. 

Tuy nhiên, giả yêu, giả ghét cũng  là một hiện tượng, một hình thức của các nhân vật làm chính trị . 

Không cần phải có thêm hiện tượng khác, hình thức khác, bởi vì tâm lý và chân lý đã xử dụng đến tận cùng, còn gì …phản bác chế độ thêm chớ . 

Song, cũng với 2 chữ yêu, ghét mà trong khuôn thước khác, tính yêu thương của người đời được thể hiện rõ ràng đã đành, đôi khi cũng lờ mờ, khách sáo, thậm tệ hơn còn lạm dụng hoặc mưu mô vv… 

Sự kiện vì mục đích riêng của “vấn đề ” . 

Thí dụ những hình thức gá nghĩa tạm thời, đôi khi cũng có tính cách vĩnh viễn nơi đó, để giải quyết một thực trạng  chi cần thiết cho cá nhân hay gia đình, hay đoàn thể, tổ chức vv…

Chẳng hạn: Những cuộc hôn nhân giả, để thay đổi hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Những đám cưới vội vàng để kết thúc khế ước thương mại, hay giải quyết nợ nần vv…

Thế nên , yêu thương chỉ thực sự có trong những cuộc tình chân thực, vô tư, hồn nhiên … phù hợp với tâm tư tình cảm chân chất, đơn thuần, nguyên lành, tròn vẹn.

Qua tình trạng hiện hữu những mối lương duyên, hay những cuộc tình thơ mộng, vô hại, không chệch khỏi khuôn mẫu vô thường của thân phận và số phận . 

Nếu sự việc thể hiện đúng danh xưng vừa kể, thì quý vị cứ yên tâm : 

Yêu ai cứ bảo là yêu

Đừng thương hại, lỡ nuông chiều

Để rồi vương thương, khổ luỵ 

Tâm tình những người mẹ chung chung không phải là chênh lệch một trời một vực đâu. 

Người mẹ nào cũng dạy dỗ, khuyên răn con cái, thậm chí còn đỡ đần, bao che cho quý tử, ái nữ những …lầm lạc, không phải để dung túng tội lỗi, mà chỉ với mong cầu con hư thì sửa, con hỏng thì khuyên bảo vậy thôi . 

Thế nên các cụ ta xưa mới có câu: 

” Con hư tại mẹ,  cháu hư tại bà ” vậy. 

Quý vị văn minh tân tiến sẽ gạt ngay tư tưởng này, với 2 lý do chính đáng : 

1/ Phải tìm cách hướng thiện, hiếu học của con cái , như mẹ 

     thầy Mạnh Tử, đã phải dọn nhà 3 lần, để kiếm một chỗ an 

     bình, lương thiện cho ” cậu Ấm”  Mạnh Tử học đạo, tu 

      thân.

2/ Chính các bậc mẫu thân phải trọng nguyên tắc sống, để 

     Con cháu lấy đó làm gương. 

Người Mẹ trong thơ Phùng Quán bình sinh là bậc mẹ hiền đúng nghĩa, có thể bà rau cháo tương chao đạo hạnh nuôi bầy con tươm tất, không trực ngôn, đầy tư tưởng phản kháng văn hoa như ngôn ngữ thơ ” Lời Mẹ Dặn ” . 

Song đó là một phần định kiến và cảm nhận được nỗi chán ghét chế độ cộng sản bắc việt năm 1957 đã lộ liễu ra với nhân dân trăm họ, mà Phùng Quán là một trong số những nhà thơ bị đi tù vì thơ ” Lời Mẹ Dặn” . 

Tất nhiên nếu thực tế thân mẫu thi sĩ Phùng Quán “góp ý ” với bạo quyền, thì bà cũng giống các nhà tranh đấu phái nữ bị bắt đi tù …ngày nay. 

Ở đây là Phùng Quán, một nhà thơ đối kháng phần nào chính sách văn hoá tư tưởng tù túng, giáo đều cộng sản, ông phải xộ khám vì ” Lời Mẹ Dặn”  mình .

Tiểu sử và sự nghiệp thi ca nhà thơ Phùng Quán thì chỉ cần hỏi bộ máy người vô hình Google hay vv khác là ra ngay .

Cũng như trọn ” Lời Mẹ Dặn” nơi đó, tôi một lần nữa giới thiệu bà mẹ dạy con qua văn chương lưu loát của chính thi sĩ quý  tử tổng hợp những điều yêu thương đặc biệt. 

Điều chắc chỉ có một lần ( qua thơ thật hay )  từ khi đảng csvn thao túng tinh thần và thể chất người dân sống dưới chế độ nghiệt ngã trên 70 năm nay. 

Bất cứ người con nào phải sống ở chế độ nghiệt ngã của chủ nghĩa vô sản cũng biến thành những bông hoa dại, những trái đắng trên đường đời, không cách nào tươi tốt được . 

           CAO MỴ NHÂN