CHÙM THƠ TIM: CAO MỴ NHÂN & VĂN: Chuyện “Thâm Cung Bí Sử”

DÒNG CHỮ ĐA MANG. –CAO MỴ NHÂN.
Tháng ngày viết thơ tình
Trên trang giấy trắng tinh
Chừ em muốn dừng bút
Cùng anh đón bình minh
*
Anh cười : ” Làm thơ ư
Suốt đời sống mộng mơ
Chẳng bao giờ chấm hết
Cuộc tình buồn trong thơ…”
*
Mấy mươi năm qua mau
Chưa hề biết thương đau
Cho từng câu huyễn cảm
Chữ nghĩa đa mang …sầu
*
Riêng với anh hôm nay
Chủ nhật nhiều mây bay
Em buông từng chữ rớt
Bỗng nhẹ hẳn vòng tay
*
Bước theo anh bềnh bồng
Thả mình đi mênh mông
Chân trời xa bát ngát
Lòng mở rộng vô cùng…
CAO MỴ NHÂN (HNPD)
***
CHÙM THƠ TIM
TRÁI TIM YÊN TỊNH. CAO MỴ NHÂN
Bướm trắng trên tay
Trái tim đỏ thắm
Yêu đến mê say
Đầy trời quả cấm
*
Anh đang lặng thinh
Ngó vô hư ảo
Em đón cuộc tình
Trong cơn gió bão
*
Trái đất cuồng quay
Yêu thương mất mát
Vần vũ sầu mây
Bướm bay đi mất
*
Em khóc trong mơ
Sao anh trầm tĩnh
Còn trái tim thơ
Theo anh yên tịnh…
CAO MỴ NHÂN
***
TRÁI TIM TÁCH ĐÔI. CAO MỴ NHÂN
Anh lấy lại trên tay em
Trái tim sắp vỡ
Bảo rằng để anh thêm chút tình
Cho tâm tư rực rỡ
*
Trái tim lành anh vẫn giữ
Dành tặng em thôi
Em không dám bày tỏ đôi lời
Vì anh là tất cả
*
Dẫu trái tim có vỡ đôi
Trái tim vẫn quý giá
Ôi trái tim tuyệt vời
Cho em nguồn xúc cảm trọn đời
*
Khi anh tách đôi trái tim rồi
Anh trao em một nửa
Nào có chi phải thương nhớ
Còn một nửa tim anh mang đi
*
Cũng tặng cho một người tinh si
Như em, một người tình si
Mỗi nửa trái tim mỗi nơi
Anh không thể sống riêng mỗi nơi
*
Đành kéo không gian lại
Mỗi nửa trái tim mỗi người
Em xin trả lại anh nửa trái tim
Nửa trái tim, em lỡ vò rối bời …
CAO MỴ NHÂN
BÀI THƠ KHÔN DẠI, DẠI KHÔN
Cụ TRẠNG TRÌNH
KHÔN DẠI
Làm người có dại mới nên khôn
Chớ dại ngây si, chớ quá khôn
Khôn được ích mình, đừng rẽ dại
Dại thì giữ phận, chớ tranh khôn
Khôn mà hiểm độc, là khôn dại
Dại vốn hiền lành, ấy dại khôn
Chớ cậy rằng khôn khinh kẻ dại
Gặp thời, dại cũng hoá nên khôn.
Thơ Cụ TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
( 1491 – 1585 )
MỘT CHÚT DẠI KHÔN
Kính nương vần tiền nhân
Học mãi mà chưa được chút khôn
Trông ra thiên hạ, thấy toàn khôn
Mình vui hí hửng thành ra dại
Họ tỏ hân hoan thế mới khôn
Những tưởng già đầu thì hết dại
Nào hay trẻ mỏ lại như khôn
Xin đành giữ tiếng người khờ dại
Để cứ âm thầm ấp ủ khôn …
Hậu sinh CAO MỴ NHÂN (HNPD)
CHÙM THƠ TIM
QUẢ TIM TO. CAO MỴ NHÂN
Quả tim to thật là to
Nhưng trong lòng rỗng ra vô luông tuồng
Tưởng không có những mành buông
Vậy sao nói bốn ngăn buồng đúng, sai
*
Tim anh to chứa những ai
Đã đành bạn hữu gái, trai thì nhiều
Thế em muốn hỏi người yêu
Bao nhiêu nhân vật chạy theo cuộc tình
*
Tim không trái, phải, công bình
Cũng không sau,trước, cho mình dửng dưng
Tim treo trên ngực vô chừng
Bao nhiêu hình ảnh chào mừng đó thôi
*
Từ khi thương nhớ từng hồi
Chỉ là nhịp đập tim bồi dưỡng thơ
Nay tim nếu có lững lờ
Chỉ là một thoáng hững hờ làm duyên …
CAO MỴ NHÂN
**
TRÁI TIM PHA LÊ. CAO MỴ NHÂN
Tim trong suốt tựa pha lê
Một chấm bụi nhỏ bay về xuyên ngang
Thế là giọt nước mắt tan
Rót đầy tim ngọc anh đang lạnh lùng
*
Khiến em ngày tháng chập chùng
Nửa năm mà ngỡ nửa vòng đời nghiêng
Thôi xin xoá bỏ ưu phiền
Tại em lầm lỡ tự tiền kiếp xưa
*
Buồn vương ngày đợi, tháng chờ
Hình như em đã cắt bờ tóc mây
Lược anh là đôi bàn tay
Gỡ cho em mối tơ này rối tinh
*
Hoa lòng trắng bạch hồn trinh
Chênh vênh ấp ủ cuộc tình đẹp ơi
Tim không giữ lại một lời
Sao hình anh vẫn trọn đời trong thơ …
CAO MỴ NHÂN
***
TRÁI TIM VÀ QUẢ TÁO. CAO MỴ NHÂN
Trái tim hay quả táo đỏ
Của …ai đem đến tặng em
Lạ chưa, hôm qua thì nhớ
Ngày nay, đang sắp sửa quên
*
Anh cười làm sao quên được
Trái tim, quả táo bên trời
Khiến anh xua bao phiền muộn
Theo em đi suốt cuộc chơi
*
Thế anh có cần dừng lại
Xem lòng anh nắng hay mưa
Dẫu cho khói sương, quan tái
Đường đời sau vẫn như xưa
*
Hay em có cần thay áo
Khi rừng thay lá xuân phai
Trái tim cũng là quả táo
Của anh trao tặng riêng ai …
CAO MỴ NHÂN
Chuyện “thâm cung bí sử”
Đã mấy lần Mỵ tôi thưa với quý vị là:
Không có phạm trù nào không có thâm cung bí sử.
Nghĩa là ngành nghề, sự việc nào cũng có những éo le, uẩn khúc không thâm cung lắm, thì cũng bí sử sơ sài.
Đó là nói cho văn hoa chút đỉnh, chứ nôm na thì coi như bí mật, như rắc rối tơ vò vậy.
Các lãnh vực to chuyện khác thì tôi không dám đề cập tới nhưng trong phạm vi thi phú, thơ ca dính một chút tới vần điệu, có một chuyện hơi hơi vô tình thế này…
Quý vị làm thơ theo luật thất ngôn bát cú tức là 7 chữ × 8 câu hay 8 câu × 5 vần, thì được gọi là thể luật Đường Thi.
Bài này không đi vào chi tiết luật lệ vân vân mà chỉ đề cập đến chuyện đinh ninh của tác giả, nhất là đối với quý nhà thơ ham vui, xướng hoạ nhiều quá, đã quên bẵng một phần nhớ của mình.
Phần nhớ của tác giả dù không hoàn toàn thuộc từng lời, từng lẽ thơ mình thì cũng mài mại nghe âm hưởng của bài thơ, cả trong lúc còn tham dự các hội hè xướng hoạ được tổ chức ở đâu đó, nhà ai chẳng hạn.
Bởi trong lúc trà dư tửu hậu, xướng hoạ Đường Thi như có ma lực quyến rũ khách mộ điệu thi ca cổ điển một cách phong lưu, lành mạnh.
Chưa kể tới âm hưởng thi ca Đường Tống có sức dùng nó, Đường thi như một thuyết phục, một thử thách…
Đồng thời Đường thi như một sự hẹn hò, một giao ước, một biểu thị đấu tranh, một hoà ca, một tán thán, v.v..
Tất nhiên cũng có thể chỉ như bản tình thơ, như tuyệt khúc…
Cùng với một hình thức luật lệ, một nội dung khe khắt kỹ thuật, v.v..
Còn là một bài bản đánh giá cách cư xử bằng hữu ở đời.
Bởi vì Đường thi rất đẹp với phong hoa tuyết nguyệt, nhưng cũng rất huỵch toẹt với những bất thường, bất trắc, bất toàn, bất như ý của đối tác hay chính với nhà thơ đã viết ra.
Chỉ 56 chữ thôi mà nói lên tất cả vấn đề then chốt, làm nổi bật ngay sự tương phản tuyệt vời của dữ kiện gì đó chẳng hạn.
Thế thì những tác giả khi đã du mình trong vần điệu Đường Luật có lẽ nên để tâm vào những lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu, hầu không thất lạc thơ ca của mình, và không đi lạc tới các cõi thơ bạn khác cũng mê vần điệu như mình.
Trong lĩnh vực xướng hoạ Đường thi, có một chuyện vui vui: nhị vị bạn thơ của tôi đã viết khá nhiều thi phẩm xinh xắn, những bài thơ xướng hoạ mượt mà.
Rồi quý vị và kể cả Mỵ tôi cùng quên bẵng như đã nói ở trên, hoá cho nên tôi vô tình dẫm trên những dấu chân của chính tôi mới là… vô ý, cũng đã kể ở trên.
Trước hết Thi Sĩ Hồ Công Tâm có viết bài thơ sau:
MỘNG ẢO (#1)
Có những bài thơ đau đớn nhất
Là thơ làm chẳng biết đưa ai
Núi sầu chất ngất còn day dứt
Biển nhớ mênh mông cứ miệt mài
Mốt nọ xác thân dần héo hắt
Mai kia nhan sắc thoắt tàn phai
Dăm năm rồi đến mười năm nữa
Vẫn gối trên tay giấc mộng dài.
HỒ CÔNG TÂM, 31 – 5 – 2018
Trong số những bài hoạ của bạn thơ, có bài hoạ của tôi:
CÕI HƯ (#2)
Buồn ơi có cả mà sao mất
Chớp mắt, trăm năm đợi bóng ai
Buổi trước người đi quên nhắn gởi
Ngày nay sử chép cố trui mài
Công phu khổ luyện đừng dang dở
Tĩnh trí tu hành chẳng lạt phai
Sớm tối trời trăng vun kỷ niệm
Trầm vương tóc rụng trắng đêm dài…
CAO MỴ NHÂN, 31 – 5 – 2018
Tất nhiên thời gian trôi qua, trên nửa năm, tôi nhận được thơ mời hoạ của thi sĩ Yên Nhiên:
NIỀM RIÊNG (#3)
Có những nỗi niềm sâu kín nhất
Sầu tư khó thổ lộ cùng ai
Mây trôi tuyệt tích không nhoà xoá
Nước cuốn mù tăm chẳng nhạt phai
Lỡ gặp giữa đường e vướng bận
Muốn nhường chung mộng ngại dông dài
Âm thầm châu lệ hằng đêm nhớ
Vụng dại câu thơ mãi giũa mài.
YÊN NHIÊN
Thế thì thơ xướng mời thơ hoạ, lẽ nào tình cảm thơ ca không vương vấn, tôi đã hoạ ngay bài thơ, và đinh ninh là bài thơ Yên Nhiên mới viết, nên… tốc hoạ cho vui:
CHÚT RIÊNG TƯ (#4)
Gặp được quý nhân sung sướng nhất
Còn chi khắc khoải bóng hình ai
Từ khi vận nước như cuồng loạn
Vãn cuộc tình riêng cũng khó phai
Đếm thử tháng năm e vẫn đủ
Đo thêm tuổi tác ngỡ hơi dài
Không sao, tất cả rồi vô nghĩa
Chỉ có thơ trau chuốt mộng mài…
CAO MỴ NHÂN, 12 – 12 – 2018
Rồi sau khi đã một phần lên diễn đàn Lãng Phong của thi sĩ Lý Đức Quỳnh cách đây hơn nửa năm, tác giả Yên Nhiên phát giác ra bài thơ Niềm riêng (#3) chị mời chúng tôi hoạ lại là bài chị hoạ bài Mộng ảo (#1) của thi sĩ Hồ Công Tâm .
Như vậy, tôi đã hoạ hai lần, Cõi hư (#2) hoạ bài xướng Mộng ảo (#1) của thi sĩ Hồ Công Tâm, và Chút riêng tư (#4) hoạ bài Niềm riêng (#3) của thi sĩ Yên Nhiên. Song Niềm riêng lại là bài Yên Nhiên hoạ Mộng ảo của Hồ Công Tâm cách đây nửa năm.
Thực ra, trong giới Đường Thi hiện nay, cũng có quý vị dùng thơ hoạ của mình làm bài xướng gởi thi hữu hoạ, đa phần vì vô tình, quên lãng…
Hoặc đôi khi cảm thấy bài hoạ của mình có chút đặc biệt hay có điều thích thú nên muốn phổ biến thêm đó thôi.
CAO MỴ NHÂN