Tin VN

Yên Bái – khi đàn cá tầm nuốt các cánh rừng

 

Trong năm qua và nhiều năm gần đây, nếu có một bảng phong thần buồn bã về một tỉnh rừng núi bị thảm họa thiên nhiên nhiều và thảm khốc nhất Việt Nam, chắc chắn TOP đầu không thể nào thiếu cái tên: Yên Bái.

Trong tích tắc, vài chục người chết ở Ba Khe, ngót hai chục người chết thảm bất toàn thây ở La Pán Tẩn, lũ khốc hại ở Văn Chấn – Nghĩa Lộ, mưa lũ gây chết chóc nhiều và cô lập hoàn toàn huyện Trạm Tấu… Liên tiếp và liên tiếp. Đồng nghiệp của chúng tôi, nhà báo Đinh Hữu Dư cũng tử nạn, mưa lũ bẻ gẫy cả cây cầu bêtông cốt thép tưởng như không thể kiên cố hơn ở ngòi Thia, khi Dư đang đứng tác nghiệp.

 

Chứng thực sự trả vố của Bà Mẹ Rừng

Rất nhiều người, trong nhiều năm đã đặt các câu hỏi vì sao và vì sao? Nhắm mắt cũng biết, thảm họa đến từ lối ứng xử tàn độc của con người với thiên nhiên, rừng bị phá, núi đồi bị xẻ thịt xuẩn ngốc, sông suối bị ngăn bít bởi các công trình vô lối và tham lam. Rừng là tấm áo giáp bảo bọc, là bộ khiên che chắn, là nơi giữ nước và ngăn mưa lũ gây họa. Người ta đã phá rừng ở đâu?

Câu trả lời là: Chắc chắn họ phá rừng, dù không biết phá ở những đâu và những chỗ từng tai tiếng bị phá giờ còn tái diễn điều xấu xa ngày cũ hay không? Chỉ biết rằng, trong bụng dòng nước ngầu bọt và hung hãn tràn về khi thảm sát nhiều lương dân vô tội kia, chứa rất nhiều gỗ.

Có khi, ở Mồ Dề, huyện Mù Căng Chải, cả một hồ thủy lợi mênh mông bít kín bạt ngàn toàn gỗ. Có khi, cánh đồng lớn ở Văn Chấn, sau khi mấy chục người thiệt mạng, mưa tan, lũ dừng thì núi củi rộng dài như bất tận hiện ra. Rừng trả những thây gỗ mà loài người đã giết chết của rừng về. Như một sự trả vố của thiên nhiên với lối hành xử ích kỷ và cuồng dại của những đứa con hư.

Nhóm phóng viên Báo Lao Động từng đi đến tận cùng nhiều vụ phá rừng rất lớn ở Yên Bái. Có thể nói là lớn nhất từng được biết đến. Người dân bức xúc đã kỳ vọng rất nhiều. Nhưng, sự “chấn động”, sự kỷ luật, cảnh cáo vài cán bộ hư, chỉ khuấy lên làm vì trong ít ngày, rồi đâu lại vào đó.

Những cây pơ mu đường kính gần hai mét ở đỉnh cao bậc nhất của dãy Hoàng Liên Sơn trên địa phận vùng rốn lũ quét, lũ bùn, lũ ống, sạt lở như Trạm Tấu, Văn Chấn bị xẻ thịt. Ở đó, gỗ có khi được bày bán công khai như cái chợ trời đỉnh núi. Mặc cả, xẻ gỗ, vác gỗ, dọa dẫm chửi bới nhau, truy sát nhà báo khi nghi ngờ có sự hóa trang xâm nhập.

Những cây gỗ cả nghìn năm tuổi, báu vật của dãy núi cao nhất Việt Nam, hùng vĩ nhất Đông Dương vẫn bị xẻ thịt vô tư. Người ta ăn ngủ đốt lửa, dựng lều lán, cưa xẻ như thổ phỉ trong rừng. Có cả làng phá rừng pơ mu với những kẻ phá sơn lâm nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, chết cả loạt.

 

Những cây gỗ thơm lựng hương pơ mu bị xẻ, nhà báo lọt thỏm vào trận địa gỗ đã xẻ, tấm nào cũng to cả mét bề ngang, chợt ai đó thốt lên: Thơm ma quái như mùi nhang khói tống tiễn các cánh rừng vậy. Nếu không có lực lượng kiểm lâm Sơn La vác súng AK và giắt K59 đi cùng, chắc chắn chúng tôi không có được những bức ảnh kèm theo bài viết này về thực trạng phá rừng ở Trạm Tấu.

Bây giờ, có người bảo, pơ mu sắp hết rồi, chỉ còn vài chỏm trên đỉnh thôi. Còn đám lâm tặc thời a còng thì khôn như chuột. Chúng lẩn lút như chuột trong rừng sâu và cán bộ cỡ nào xâm nhập vào thì cũng bị cú vọ theo dõi, tẩu tán tang vật, có giời mà “mục sở thị” cảnh tàn sát thiên nhiên như xưa nữa. Cho dù thảm cảnh vẫn diễn ra. Âm thầm mà dữ dội, theo cái lối chuột chũi ăn rừng, láu cá gặm từng miếng rồi lẩn mất, năm này qua năm khác.

Xem trọn bài

 

error: Content is protected !!