Văn

Văn Toàn : XƯA HÀ-NỘI CỦA TÔI – NAY HÀ-NỘI CỦA AI ?

VIỆT-NAM – QUÊ-HƯƠNG NGẠO-NGHỄ. XƯA HÀ-NỘI CỦA TÔI – NAY HÀ-NỘI CỦA AI ?
 
Van Toan
 
Nói đến Hà-nội từ thời trước năm năm mươi bốn. Hẳn bất cứ ai đã một thời sinh-sống, hoặc được lớn lên, hoặc được ăn học, hoặc ít nhất cũng được sinh ra tại nơi đó. Tất thảy đều lấy làm hãnh-diện lẫn đôi chút tự-phụ. Nói đến Hà-nội, những ai có chút văn-nghệ, một chút lãng-mạn, thi-ca trong người, ai là người không phải bồi-hồi xúc-cảm khi nghe thoáng qua, hoặc chợt nhớ lại Hà-nội.

Nói đến Hà-nội ai là không liên-tưởng tới những chàng trai thanh-tú, lịch-lãm, hào-hoa, bay bướm. Những nàng tiểu-thư khuê-các, thuỳ-mị đài-trang pha chút kênh-kiệu, những thiếu-nữ thướt-tha dịu-dàng trong tà áo tung bay của những buổi dạo chơi phố-phường …

 

Nói đến Hà-nội ai không biết đến 36 phố-phường. Đến những tác-phẩm lãng-mạn một thời làm điêu-đứng, bởi độc-giả vì nó phải mơ mơ, mộng mộng. Những tiểu-thuyết Tố Tâm … Hồn bướm mơ tiên …

Nói đến dân Hà-nội, ai không phải kiêng-nể một chút về tính-chất văn-chương trong khoa ăn nói. Lịch-sự thái quá đến độ khách-sáo.

Nói đến Hà-nội khiến ai không là người phải nhớ-nhung đến mùa Thu, đến màu xanh, đến tình-yêu của Đoàn-Chuẩn – Từ-Linh.

Em ơi có xuân nào không tàn, có màu nào không phai … Em còn nhớ, anh nói rằng, khi nào em đến với anh, xin đừng quên chiếc áo xanh. Nhưng em ơi ! Có thu nào không tàn, có tình nào không phai ? Như tình anh với em !

Nói đến Hà-nội hẳn chúng ta không thể không chút xao-xuyến khi nghe :

Hà-nội ngày tháng cũ, có bóng trăng thơ in trên mặt hồ – Hà-nội ngày tháng cũ, có tiếng oanh ca bên bờ tường-vi. Có dáng em tôi áo trắng nghiêng-nghiêng đường chiều ……….

Hà-nội ngày tháng cũ, mãi mãi theo tôi trôi trên biển đời ………….

Nhưng với tôi nay thì :

Chiếc lá cô đơn lang-thang trôi trên vỉa hè. Dù đường xưa vắng … Ai chờ !!!

Ôi Hà-nội của tôi ơi ! Sao … mà tôi cứ cảm-tưởng đó chỉ là những truyện cổ-tích, những truyện không bao giờ có thực trên cõi đời ô-trược này !

Dân năm tư đã đem gần như hết sạch, đem gần như trọn vẹn "Hà-nội" vào trong Nam trên con đường tìm tự-do rồi ư ? Phải chăng vì lý-lẽ đó mà Hà-nội xưa của tôi, nay Hà-nội là của ai ? (Mượn tứ của cụ Vũ-Hoàng-Chương : Xưa Tố của Hoàng, nay Tố của ai ? – 12 tháng 6).

Mỗi lần tôi đến Hà-nội, tôi không sao giữ được ý-niệm là về lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Mang tiếng là quê cha đất tổ. Nhưng tôi vẫn thấy rõ rệt nơi mình cái cảm-nghĩ : Xứ lạ quê người !

Hà-nội bây giờ lạ quá, lạ từ lời ăn tiếng nói, lạ từ dáng đi, nếp sống, ý ăn, ý ở.

Đàn bà, con gái thì cười nói cứ gọi là rất tự do. Nói theo ngôn-ngữ của Gã Thâm, Thương-Sinh, Dê Húc Càn. Bây giờ các cô thiếu nữ Hà-nội không còn “ xõa môi cười che dấu nửa vai ngoan” nữa (Vũ-Thành – Buồn mắt tím). Giờ thì họ cứ hiên-ngang vén môi lên mà cười cứ gọi là tồ tồ.

Lẽ ra, tôi phải kể, phải nói về Hà-nội nhiều lắm, nói mãi, nói cho đến hơi thở tàn-lụi vẫn còn muốn nói. Thế nhưng, nay tôi không còn thể nào nói được về Hà-nội của ai đó được nữa rồi. Bởi Hà-nội của tôi không còn hiện-hữu trong đời thực. Nó chỉ còn sống trong tâm-khảm, trong trí-nhớ nhỏ-nhoi của một cậu bé 11 tuổi khi bước chân lên cyclo, để ra phi-trường Gia-lâm đáp chuyến bay 4 động cơ cánh quạt vào Saigon , vào miền tự-do bao la đầy hương.

Chẳng lẽ nào mình đi Hà-nội, mà chẳng có một chút quà mọn nào sao. Đành cùng theo mọi người mà phất-phơ, mà lang-thang giữa lòng thủ-đô nước Việt-nam mà cữ ngỡ mình đang ở xứ-sở nước người. Thôi thì lấy máy ra bấm vài tấm để làm quà cho HNPĐ. Hà-nội từ ngàn xưa đã biết bao nhiêu giới lấy đó làm đề-tài. Trong đó có bậc tài-danh về nhiếp-ảnh.

Thôi, cứ chụp ẩu, chụp tả một phát. Tôi đành chụp cảnh Tháp Rùa – hồ Gươm vào ban đêm để làm quà với quý Độc-giả. Tôi xin có lời chua cho tấm ảnh này : Tháp bút chơ-vơ liễu xanh vật-vờ.

Tôi không thể nào không run tay để bấm máy những hoạt-cảnh đến não lòng của Hà-nội ngày nay. Vả lại, những sự việc đó, trên mạng trong cũng như ngoài nước đã có nhiều lắm rồi. Chẳng phải “phiền” đến tôi nữa.

Hà-nội phố xá bây giờ bẩn kinh-khủng-khiếp. Vừa đến Hà-nội trời bắt đầu đổ một cơn mưa nhẹ. Lẽ ra, Hà-nội trong mưa phải là lãng-mạn lắm … Nhưng thưa không. Nó nhếch-nhác đến độ không thể tưởng. Lấy xe ra dạo một vòng cho đỡ tốn thì-giờ. Đến khi về khách-sạn cúi xuống nhìn hai bàn chân của mình mà ngỡ rằng tôi đang đi giày cơ đấy.

Thảm chịu không được, bỏ đôi dép ra mới thấy lòi ra được một chút trắng của bàn chân, nhờ được che-chở bởi cái quai dép. Tôi xin được ngừng để khỏi phải nói những vết lở lói của Hà-nội. Những khổ-nạn mà Hà-nội phải gánh chịu.

– oOo –


                                     Tháp chuông này xứng-đáng làm chứng-nhân cho bao thăng-trầm của lịch-sử ?!

                              Cửa Tùng (sông Bến-hải) với cây cầu bắc ngang cửa Tùng. Đứng nhìn từ bờ Bắc.

 Cửa Tùng (sông Bến-hải) đứng nhìn từ bờ Nam .

 

Bãi biển chạy dài từ cửa Tùng đến cửa Việt (14km) cũng xứng-đáng là một bãi biển đẹp và lớn nhất Việt-nam. Nhưng rất tiếc trời hôm ấy tuy không có mưa, nhưng rất âm-u và gió thổi mạnh làm tung bụi nước.

 Con đường xưa em đi. Từ cửa Tùng đến cửa Việt.

Cửa Việt (sông Thạch-Hãn) nơi quân-sử VNCH ghi bao chiến-tích của Cọp Biển và các anh-hùng Địa-phương-quân Vùng I chiến-thuật. Đứng nhìn từ bờ Bắc. Bên kia là ngọn hải-đăng (1973 bị hư-hỏng nặng, nay trên tháp xây lại nên không thấy sự hòa-đồng của nó)

Cửa biển Nhật-lệ nhìn từ xa ( ngay tại bến phà Nhật-lệ cũ, gần phía sau của nhà thờ Tam-tòa).

 

 

 

Share on FacebookShare on Twitter