Tác giả và Tác Phẩm

TỰU TRƯỜNG (Chinh Nguyên)

  
San Jose dường như đã bắt đầu vào thu, nắng không còn gay gắt, gió nhẹ mang hơi lạnh vào buổi sáng sớm, chiều muộn. Hàng cây trên đường Tully chợt như không còn mầu xanh lá non để sẵn sàng cho một cuộc chia lìa giữa cành và lá.
Hôm nay Augus 23, 2006 tôi dậy sớm hơn mọi ngày để sửa soạn đưa đứa cháu ngoại gái đi học, Tú tên Việt, Jennifer tên Mỹ, tuy nhiên tôi thích gọi Bé Tú hơn là Jennifer, bởi tiếng Việt gần gũi và ấm áp đối với tôi hơn, Bé Tú cũng thích cái tên Việt của nó. 
 Bé Tú sinh tại Mỹ nhưng rất rành tiếng Việt kể cả tiếng lóng ưa dùng trong gia đình. Bé có thể quay 180 độ từ tiếng Anh qua tiếng Việt và ngược lại một cách dễ dàng, không ngọng như những đứa trẻ Việt khác sanh tại My. Bé Tú như cá trong biển lớn trên quê hương tạm dung của cha mẹ chúng, và lớn lên như một công dân của một dân tộc hùng mạnh vào bậc nhất thế giới, đất Mỹ.
Đôi khi vợ tôi, Mỹ Thanh vui vẻ để Bé Tú sửa phát âm cho đúng với giọng tiếng nói Anh, và sau mỗi lần chỉ cách phát âm Bé Tú quay qua nói tiếng Việt với bà ngoại:
–     Bà ngoại phải tập nói hoài chữ con vừa chỉ thì mới nói đúng giọng Anh được đó nghe.
–     Bà già rồi! Bà nói tiếng Anh, Mỹ họ hiểu là O.K. rồi !
–     Nhưng có những chữ họ sẽ không hiểu bà ngoại muốn nói gì ! 
Vì phát âm của bà ngoại không đúng.
Tôi nhìn Bé Tú nhỏ nhoi so với những đứa trẻ cùng tuổi kéo túi sách một cách nặng nhọc bỏ vào xe. Tôi xoa đầu Bé Tú:
–     Mấy bạn con có biết con bao nhiêu tuổi không ?
–     Dạ không, tụi nó nói con nhẩy cóc hai lớp. Bé Tú cười nhìn tôi trả lời, và hỏi lại tôi :
–     Nhưng con đâu có nhẩy cóc phải không ngoại ?
Tôi vừa gật đầu vùa trả lời :
–     Đúng rồi, tại vì thân thể con nhỏ nen bạn con nói vậy thôi mà. Hôm nay ông sẽ đưa con tới trường, con sẽ vào lớp học khác và sẽ không gặp nhóm bạn cũ trọc ghẹo con nữa.
Bé Tú lắc đầu:
–     Chúng nó cũng lên lớp như con, con tránh tụi nó đâu có được. Tốt hơn con đương đầu với tụi nó, ngoại đừng lo…!
    Chỉ khi nào con học trường khác hay đổi qua Sernior High Shool.
–     Ồ! Con không ngại là con nhỏ bé hơn bạn con phải không?
–     Dạ không. Nhiều bạn con thích con lắm đó.
–     Hột kim cương đâu có lớn, nhưng giá trị bạc ngàn trở lên phải không con ?
–     Dạ. Ngoại nói đúng ! Con nhỏ bé nhưng con học giỏi hơn tụi nó. Trong lớp con không bao giờ đứng thứ ba.
–     Ông biết mà, phải học giỏi nghe con, nhất là không được nói tiếng Anh khi ở nhà với bà và mẹ con nghe. Con là người Việt phải biết nói tiếng Việt mới là người có quốc gia. Con sanh ở Mỹ, là công dân Mỹ, học mọi thứ ở nước Mỹ, và sẽ có thể con thành công ở Mỹ, nhưng phải nhớ chắc chắn là Mỹ không phải là quê hương của con. Ông không kỳ thị, nhưng đó là thực thể trong sự hiểu biết học hỏi của con sau này.
–     Da. Con biết con là người Việt Nam mà. Cô giáo dạy tiếng Việt cho con ở trường Văn Lang cũng nói vậy mà.
–     Đúng. Con là cháu của ông, chắc chắn con là người Việt Nam rồi.
Này nhé, mắt con nâu, mũi con tẹt, tóc con đen, dù con có nói tiếng Mỹ giỏi, nhưng có ai nói con là người Mỹ đâu ! Phải không ?
Bé Tú gật đầu
–     Mấy đứa bạn Mỹ của con, tụi nó nói con không phải dân Mỹ. Con
    cãi với tụi nó, con sanh ở Mỹ, nên con là dân Mỹ. Nhưng chúng
    đều lắc đầu và nói : Nhưng mày không phải là chính gốc dân Mỹ,
    mày khác với tụi tao, tụi tao da trắng tóc hung, còn mày da vàng.
    Con noí tụi nó kỳ thị, nhưng tụi nó nói không phải, chúng nó chỉ muốn
    nói ra sự thật mà thôi.
Tôi gật đầu nói với Bé Tú.
–     Bạn của con nói không sai. Có một truyện ông đọc lâu rồi trên nhật báo Mercury San Jose, do một người đàn bà trẻ Nhật sanh tại Mỹ, có PhD viết với một cái tựa "Người không có quốc gia" .
Bé Tú nhìn tôi hỏi .
–     Truyện viết thế nào hả ngoại ? Chắc hay lắm há ?
–     Cô người Nhật có bằng PhD viết đại ý rằng cô ta là thế hệ thứ tư của một gia đình thuần túy Nhật Bản nhưng sinh tại Mỹ, có nghĩa là cô ta đã đương nhiên là dân Mỹ về nội tâm, vì lối suy nghĩ và cách ăn mặc cũng như cung cách nói chuyện của cô ta đều phát sinh ra từ xã hội mà cô ta sinh ra, lớn lên như con bây giờ. Nhưng thể xác cô ta hoàn toàn Á Đông, do đó khi cô ta đi làm, dĩ nhiên cô ta phải liên hệ với người xung quanh. Nhưng người Mỹ đã không nghĩ rằng cô ta là người Mỹ, trái lại họ đều ngạc nhiên khi tiếp chuyện với cô ta, và nhìn thấy cách cư xử hoàn toàn Mỹ ở cô ta.
    Cô ta bắt đầu để ý tới những lời nói của những người Mỹ làm việc, Chung và tự hỏi "Mình là người Mỹ hay người Nhật ?". Sau những năm suy nghĩ về nguồn gốc của mình, cô người Nhật này quyết định về Nhật làm ăn, vì cô ta nghĩ rằng, cô ta là người Nhật. Nhưng khi về Nước Nhật, cô ta lại bị sa vào cảnh mà cô ta đã gặp như ở Mỹ, vì chính ?ất nước gốc rễ của cô cũng không chấp nhận cô.
–     Tại sao vật hả ngoại ? Bé Tú ngắt lời tôi.
–     Tại vì cô ta không biết nói tiếng Nhật, chính tiếng mẹ đẻ của cô.
Cô ta cũng không hấp thụ được cái lối sống của xã hội người Nhật, bởi cô ta sinh và lớn lên ở Mỹ. Do đó cô ta bị cô lập ngay trên mảnh đất cội rễ của mình, nên cô ta đành quay trở lại Mỹ và chính cô ta đã nói rằng cô ta là người không có quốc gia. Ở đâu cô ta cũng bị người chung quang nhìn cô ta bằng một sự khác biệt trong ánh mắt.
Bé Tú à, con hiểu những gì ông vưà kể cho con nghe chứ ?
–    Con hiểu. 
Từ nhà tôi tới John Muir Middle School tổng cộng hơn mười miles qua những con đường Rettus Ct quẹo trái Tully nối dài Cutner, vào xa lộ 85 South, thoát ra đường Almedan South và quẹo phải khi gặp đường Branham, qua một ngã tư là sẽ nhìn thấy trường Bé Tú học ở phiá trái.
Tôi lắc đầu nhìn đứa cháu gái bé bỏng kéo chiếc cặp sách có bánh xe tôi đã vừa mua hôm qua theo sau và mạnh dạn nhập bọn với bạn bè to lớn gấp hai hay ba lần.
Bỗng tôi thấy một nhóm đang chơi trên sân cỏ chạy ra vây quanh Bé Tú, cả nhóm vội vã xôn xao quanh Tú với những tiếng chào nhau bằng tiếng Anh.
–     Hey Jennifer, Is he your father ?
–     No, my grand father
–     Oh my God! It is heavy for you now ! You may need your grand father to care your books for next year.
–     Jennifer, what is going on to you. You are look like a little girl.
–     I am a little girl, my grand father said.
–     Please let her alone!
–     Hey, she is little, but her mind was large and smart more than you are..!
     Tôi đứng nhìn những đứa trẻ to lớn hơn Tú, và yên tâm khi thấy Bé Tú hoà nhập với bạn bè cũ, mới một cách hoà nhã. Tôi yên tâm bước ra chỗ đậu xe và lái xe về nhà.
Dọc đường ngồi lái xe, nhưng lòng tôi chợt bùng lên nỗi nhớ của thủa ấu thơ trường làng. Lớp học có một phòng nhưng có đủ mọi trình độ học sinh theo học thày giáo Hồng, và cũng là ông cậu của mẹ tôi.
Mẹ tôi kể rằng : Một buổi sáng sớm, mẹ tôi đưa cho tôi cuốn vở sau khi cho ăn no nê và bú thêm một bên sữa mẹ. Mẹ cõng tôi tới trường thày giáo Hồng, tôi ngồi trên lưng mẹ nũng nịu đòi đủ thứ quà vì cứ tưởng mẹ cõng đi chơi nên mừng lắm, nhưng khi mẹ cõng tới cổng nhà thày Hồng, mẹ bỏ tôi xuống và cầm tay tôi dắt vào sân trường.
Tôi nép sau chân mẹ bước theo tới trưóc mặt thày Hồng đứng trên hiên nhà, trong khi cả phòng học vang tiếng tập đánh vần theo anh trưởng lớp. Tôi ôm chân mẹ nhìn lén thày Hồng vì ông đang cầm cây roi mây trên tay. Sau vài câu chuyện gởi gấm tôi cho thày Hồng, mẹ tôi dẫn tôi vào lớp học và ngồi ở góc phòng.
     Mẹ ngồi học với tôi tới trưa, khi tới giờ chơi, tôi vui vẻ chơi với bạn quên mẹ. Mẹ cũng chỉ chờ có thế, mẹ bỏ tôi lại trên sân trường trốn tôi về nhà. Khi chợt nhớ tới me, tôi hốt hoảng tìm mẹ. tôi khóc lớn gọi mẹ giữa sân nhà thày Hồng, chạy tìm khắp nơi, và không vào lớp sau giờ chơi, mặc dầu thày Hông đã dùng mọi phương pháp từ giỗ ngọt tới răn đe đánh đòn, nhưng tôi vẵn bướng bỉnh không chịu vào lớp.
Sau cùng thày Hồng phải bế tôi vào lớp, tôi vẵn không sợ, và càng khóc lớn tiếng làm cho cả lớp phải chia trí, nên thày Hồng đã nhốt tôi vào buồng ngủ nhà thày.
Ấy vậy, tôi vẫn khóc và đập cửa đòi ra ngoài cho tới khi mệt ngủ thiếp đi trên nền gạch lạnh. Khi mẹ tới đón về và tôi đã nói với mẹ : Nhất định sẽ không đi học nữa..! 
Nhưng sáng nào cũng vậy tôi đều khóc trên lưng mẹ, và mẹ đã kiên nhẫn cõng tôi tới trường dòng dã mấy tháng, dần dẩn tôi quen bạn trong những trò chơi mà thày Hồng dạy, sau đó tôi bằng lòng cho mẹ về nhà, nhưng cứ đến giờ chơi là mẹ lại chạy vội tới ôm lấy tôi, rồi tôi ríu rít chạy theo mẹ vào một góc sân để trốn bạn bè, và vạch vạt áo mẹ bú một hơi no nê, sau giờ chơi mẹ lại tất tả về nhà giúp bà nội làm việc nội trợ gia đình trong khi ba tôi đôi khi đi không tin tức mấy tháng mới về thăm ông bà nội.
     Những gì mẹ tôi kể lại về tôi, tôi đều ghi lòng và thỉnh thoảng hỏi mẹ.
–     Sao ngày đó mẹ làm vậy cho con ?
–     Không làm cho con thì làm cho ai. Mẹ tôi luôn hiền từ nhìn tôi trả lời.
–     Sao mẹ không dắt con đi mà lại cõng ?
–     Dắt, con đâu có đi, hơn nữa phải kéo con mới đi, rồi con khocù lóc om xòm, ông nội con mà biết thì khổ !
–     Tại sao vậy ?
Mẹ tôi thở dài.
–     Ngày xưa không như bây giờ ! Mẹ lấy cha con là phải gánh vác mọi công việc nhà chồng đầu tắt mặt tối từ sáng tới chiều. Nếu gặp mùa lúa chiêm có khi phải thức tới nửa đêm, nhưng sáng vẫn phải thức sớm để đi ra ruộng coi người làm. Đôi khi mẹ phải về ăn cơm ở nhà ngoại.
   Mẹ tôi suy nghĩ vài phút, rồi tiếp :
–    Thời của mẹ, gái phải tam tòng tứ đức, trai phải văn võ song toàn để giúp nước, cứu đời. Ông bà mình dạy như vậy. Bây giờ đã khác xưa rồi… Họ bỏ cả…! Do đó mới có vơj chồng ly dị nhau hàng ngày. Mẹ lấy cha con mấy chục năm tình vợ chồng vẫn thương nhau đầm ấm. Mẹ nhìn thấy các con trong đời sống bây giờ mà mẹ lo quá chừng. Vợ chồng mà ăn ở với nhau như góp gạo nấu cơm chung, chẳng biết chữ hy sinh là gì, và tình nghĩa ra sao cả, rõ chán…!
Những lúc này tôi thường ôm vai mẹ.
–     Mỗi xã hội đều khác nhau mà mẹ ! Bây giờ con người cởi mở tự do. Đem áp dụng vào thời gian của mẹ ai mà chịu nổi !
–     Mẹ thì không học được như các con, nên không muốn cãi lý với con, nhưng tự do quá trớn sẽ loạn đó con à…!
Khi thấy mẹ bắt đầu không vui trong câu chuyện vô tình không chủ đích giữa mẹ con, tôi thường lảng sang chuyện khác.
–     Bộ ông nội khó lắm sao mẹ ?
Mẹ lắc đầu, nói trong từ tốn chậm rãi.
–     Không, ông nội con rất tốt nhưng nghiêm khắc. Ông là tiên chỉ trong làng, hiền lành, thương con, mến cháu. Ông có nuôi vài người tá điền trong nhà để làm ruộng vườn cho ông. Do đó cứ tới bữa ăn chiều là mẹ ngồi đầu nồi lo cơm cho họ, mà họ ăn như hổ đói, mẹ có nấu thêm gạo cũng không vừa bụng họ, nên nhiều lần mẹ nhịn đói cho họ ăn khi thấy gần hết cơm, và thức ăn, nên mẹ thường chạy về ngoại mò cơm nguội. Khi ông biết, ông bắt mẹ nấu hai nồi cơm, lúc đó mẹ mới được ăn no.
     Nhưng sau khi sinh con ra thì ông lo cho mẹ đủ thứ vì cha con đã đi theo kháng chiến, đôi khi đi biệt tăm mấy tháng không về, mẹ cứ tưởng cha con chết bụi bờ nào, chỉ khi cha con ve,à mẹ mới biết cha con còn sống. Con lại là cháu trai đích tôn của ông, nên ông quí lắm. Cái tên của con ông cũng đã nghĩ tới khi mẹ mang thai con. Mẹ đôi khi còn phải thua con trước mặt ông nội của con đó.
–     Xin lỗi mẹ. Con không biết chuyện này. Thật là ngốc tử…! Nhưng có lần nào mẹ thắng con không mẹ..?
–     Người mẹ nào cũng chẳng bao giờ thua con, hay trách con mình! Chẳng qua chỉ vì cái tình mẫu tử mà thôi đó con à…! Nước mắt chảy suôi chứ có bao giờ chảy ngược đâu…! Phải không con ?
    Mẹ tôi nói đúng, nước mắt chảy suôi, cũng như tôi đã chắt chiu nựng nịu Bé Tú, ông cháu thân tình to nhỏ chuyện mỏi miệng, và khi giảng kèm cho Tú những bài toán nhân, chia có số nhớ, và toán đại số phương trình bậc nhất chứa hai ẩn số.
Bây giờ Bé Tú đã học lớp 9, nhưng thân bé bỏng chưa đủ 100 pound và đứng tới ngực ông ngoại.
     Mỹ Thanh thường nhắc tôi “ông phải cài nút an toàn cho cháu và phải kéo cặp sách cho cháu”. Nhưng Bé Tú đã không chịu để tôi giúp, và tự gánh công việc của chính mình một cách vui vẻ. Có lần tôi nâng túi sách của Bé Tú nặng chĩu tay, tôi vội bỏ xuống đất và kéo theo Tú, Bé Tú nhìn tôi lắc đầu:
–     Ông để con kéo. Con kéo được mà.
–     Bà dặn ông giúp cho con.
–     Ngoại ơi.. Ngoại à..! Ngoại lẩm cẩm rồi đó nghe…! Con và ngoại đã có mật đàm chuyện này rồi mà, ngoại quên rồi sao ? Sách của con học, để con lo lấy, lỡ mai mốt con lên đại học ai sẽ ôm sách cho con đây.!
      Từ đó tôi để cho Bé Tú làm gì tùy ý với sách vở của bé và luôn đứng nhìn đứa cháu ngoại nhỏ bé kéo chiếùc xe nặng sách vở tung tăng với bạn bè trưóc giờ học và sau khi tan trường.
     Sáng nay trong khi chở Bé Tú tựu trường ngày đầu của niên khoá,
sau mấy tháng hè, tôi đã kể về bà cố ngoại của Bé Tú, và Bé Tú ngồi yên lặng nghe :
Ngày đó lâu lắm rồi, ngoại đã được bà cố của con theo tới trường mỗi đầu niên khoá kể từ khi học lớp mẫu giáo tới khi ngoại vào đại học, và mỗi lần như vậy bà cố con luôn chỉ nói một câu khi bà cố bỏ tay ông ngoại ra để ông ngoại đi vào sân trường : Cố gắng học nghe con. Ngoan cho mẹ mừng.
Ngoại nghĩ tới bà cố của con nên cũng cố học, tuy nhiên ngoại cũng làm bà cố của con buồn phiền hai lần. Lân thứ nhất ngoại bỏ dòng tu Lasan trở về sống với gia đình, lần thứ hai lệnh gọi quân dịch đã làm bà cố con khóc ngày đêm vì chiến tranh càng ngày càng lan rộng rất thảm khốc tại Việt Nam trước 1975.
Bà cố của con sợ ông ngoại đi lính sẽ chết vì đạn quân thù, mẹ nào mà không thương con phải không ? Nhưng ông ngoại của con đã trốn bà cố, bỏ nhà nhập ngũ vào quân chủng Không Quân không báo cho bà cố của con biết. Sau mấy tháng huấn nhục ông ngoại con mới dám viết thư thăm bà, và mò về thăm bà cố á của con.
Bà ôm ông ngoại vào lòng khóc ròng, nhưng bà cố con cũng la mắng ông ngoại thật nhiều vì hành động không suy nghĩ của ông.
Bây giờ ngoại cũng lấy lời của bà cố nói với con : Cố gắng học nghe con. Ngoan cho ngoại mừng. Ông đã già, tuổi con còn đang vươn lên. Nhớ nghe Bé Tú.
Khi tôi nói câu dặn dò với Bé Tú gần như mẹ tôi nói với tôi, Bé Tú chợt mỉm cười, đôi mắt tròn xoe chớp chớp nhí nhảnh nói với tôi :
–     Bà cố thương ông ngoại quá xá cỡ hả ! Mẹ con chẳng làm vậy đâu…! Mẹ con luôn nói phải ngoan và nghe lời ông ngoại, mẹ sẽ thương mà thôi.
Tôi lắc đầu.
–     Không phải đâu. Mẹ cháu thương cháu lắm đó. Mẹ cháu bận công việc sở , về nhà lại phải lo cơm cho cha cháu, nên đã có ông bà ngoại lo cho cháu rồi.
–     Cháu biết chứ. Cháu thương ông lắm đó nghe. Bà cố có sang Mỹ trở lại không ông ngoại?
–     Không. Tôi lắc đầu.
–     Tại sao vậy ? Vậy là bà cố hết vào Oak Hill thăm ông cố rồi…!
–     Thì đã có ngoại và cháu vào thăm ông cố.
Giọng bé Tú bỗng chùng xuống.
–     Ừ há..! Cháu nhớ ông cố, nhưng ông cố mất rồi…! Bà cố lại về Việt Nam không sang nữa..!
……………………………………………………..
 
Chiều trên xe đón Bé Tú về, Bé Tú thấy tôi khác lạ hơn mọi ngày. Nên mặc tôi suy nghĩ trong khi bé Tú hát nghêu ngao, và huyên thiên kể về những người bạn mới của Bé trong ngày đầu tựu trường, bất chợt bé hỏi tôi.
–     Ông ngoại suy nghĩ gì vậy ? Con cảm thấy ông có chuyện gì đó nghe !
Tôi lắc đầu.
–     Không, ông đâu có gì buồn. Ông chỉ nghĩ rằng ai sẽ đưa đón con về mỗi ngày thay ông trong khi ông về thăm bà cố ngoại của con.
Bé Tú trố mắt nhìn tôi, giọng vui vẻ.
–     Hả ! Ngoại về Việt Nam thăm bà cố ? Nếu ông về Việt Nam thì bà ngoại đưa đón con có gì mà ông phải lo .
–     Bà ngoại con cùng đi với ông.
Bé Tú ngồi xích lại gần tôi, Bé ôm cổ tôi trong khi tôi lái xe, Bé hôn tôi rồi nói.
–     Đâu có sao mà ngoại, con dọn về ở với cha mẹ đợi ông bà qua con lại dọn về ở với ông bà. 
–     Ông biết rồi, nhưng ông nhớ con.
–     Ông cũng nhớ bà cố mà, phải không ?
–     Ừ… Ông nhớ mẹ của ông, bà cố của con, bà đã chịu nhiều buồn phiền đau khổ để nuôi ông và các cô chú của con.
–     Con biết, cố đã kể cho con nghe mà.
–     Nhưng ngoại về Việt Nam lần này ngoại sẽ ở lâu mấy tháng đó nghe, con phải hứa với ông là ngoan, học giỏi khi ông trở lại Mỹ.
Bé Tú cúi mặt có vẻ buồn.
–     Sao ông bà không về Việt Nam vào tháng năm, hay tháng sáu ?
–     Chi vậy ?
–     Thì con đi theo ông bà.
–     Ông cũng định qua năm sẽ cùng con về Việt Nam vào dịp hè, nhưng bà cố vừa gọi điện qua, nên ông phải về ngay.
–     Có chuyện gì sảy ra cho bà cố không ông ?
–     Không có gì cả con à. Bà cố của con 94 rồi nhưng còn minh mẫn và khoẻ, bà nói điện thoại rồi khóc. Bà nhớ ông và muốn nhìn thấy ông ngay.
     Tuy nhiên khi về lần này ông sẽ về làng Thành Lập nơi ông sinh ra,
     Ông sẽ tìm tới những nơi ông đã có nhiều kỷ niệm như ngõ hẻm
     Thăng Long trên đường Bạch Mai, Trường tiểu học Bạch Mai, Xóm chùa
     và bến Phà Đen bên cạnh sông Hồng, vườn hoa Con Cóc và nhất là hồ
     Hoàn Kiếm giữa Hà Nội có mấy con rùa vàng.
–     Sao ông đi nhiều nới quá vậy ? Ông có đủ sức khoẻ để đi không đó ?
Tôi xoa đầu Bé Tú, và vỗ nhẹ lên vai của Bé.
–     Vì đó là quê hương của ông! Quê hương có nhiều đau khổ và nghèo nàn bởi chiến tranh, nhưng ông vẫn luôn thầm nhớ và muốn về khi cuối đời. Nơi đó cũng chính là gốc rễ của con.   Một ngày nào đó ông sẽ đưa con về Việt Nam để nhận giòng họ cho chính con, để con thấy rằng giòng máu của con đã bắt đầu từ đó .
–     Dạ, Bé Tú nhất định sẽ về.
 
    San Jose đã vào chiều, nắng đã nghiêng trên sân cỏ khi tôi đậu xe trên lối xi-măng trước nhà xe và đứng nhìn Bé Tú đang kéo cặp sách vào nhà, sau khi Bé nói : Con cám ơn ngoại.
     Mặt trời đã ngả hẳn về phiá Tây, ánh sáng đang dịu dần vương trên những ngọn cây thông cao với cành lá sum sê hình tháp bên nhà hàng xóm. Tôi sực nghĩ tới đời mình gống như ánh nắng sắp tàn kia, chỉ le lói một khoảng thời gian nào đó rồi sẽ từ từ đi vào đêm, để có ngày mai vươn lên trong bình minh. Ngày mai mặt trời lại bừng lên rực rỡ ở phía Đông. Bé Tú và những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở xứ ngoại sẽ như những tia nắng sớm chiếu về cội nguồn, hoa sẽ bừng nở như mùa xuân trong lòng mọi người Việt. 
 
San Jose, Sept. 26, 2006