Tác giả và Tác Phẩm

Truyện Dài Bến Mê

                                                                     4

 

    Vừa ra khỏi lớp luyện thi, Chuyên trông thấy hai nữ sinh Ngọc Như và Cẩm Hồng đang chờ đợi ở cửa. Chàng liền vui vẻ hỏi :

                "Hai chị cũng học tư ở đây ?"

                Ngọc Như đáp ngay :

                "Thưa thầy, không. Chúng em đến tìm thầy."

                Chàng ngạc nhiên :

                "Tìm tôi ?  Chuyện chi vậy ?"

                Cẩm Hồng nói nhanh, nhưng hơi nhỏ :

                "Thưa thầy, trò Liên suýt tự tử…"

                Chàng hơi cau mày :

                "Chị Liên suýt tự tử ? Tại sao? "

                Cẩm Hồng liền kể :

                "Nửa đêm qua, má trò Liên thấy nó lục đục ở dưới bếp, không chịu đi ngủ thì sinh nghi. Bả rón rén xuống rình thì thấy nó định uống một chai dầu nóng. Bà vội ngăn cản. Hỏi tại sao lại làm vậy thì nó chỉ khóc suốt đêm. Sáng nay, bọn em đến rủ nó đi học thì mới biết. Bọn em vội đi kiếm thầy, để một đứa ở lại nói chuyện và canh chừng nó."

                Chuyên hỏi lại :

                "Các chị chưa cho tôi biết tại sao chị Liên lại…dại dột như vậy ?"

                Cẩm Hồng và Ngọc Như đưa mắt nhìn nhau mà không ai chịu lên tiếng trước.  Cuối cùng, Ngọc Như đánh bạo nói :

                "Tại Liên…tại Liên   nó thất tình…"

                Chuyên tỏ vẻ ngạc nhiên, đăm đăm nhìn hai cô học trò, hỏi :

                "Chị Liên thất tình,tại sao các chị lại kiếm tôi ?  Kiếm để làm gì ? Theo tôi, các chị nên kiếm người chị Liên yêu, nhờ người ta giúp đỡ thì hơn."

                Cẩm Hồng lúng túng không biết trả lời sao, trong khi Ngọc Như rụt rè :

                "Bị…bị… Liên nó yêu…nó chỉ nghe lời thầy thôi…Nếu thầy khuyên nó một câu, nó sẽ…"

                Chuyên im lặng, phân vân. Chàng nhớ tới lời đồn đại Hoằng mới kể lại cách đây ít lâu. Ai cũng nghĩ rằng sở dĩ chàng giúp đỡ Liên chỉ vì yêu nó. Chính Liên cũng tưởng lầm như vậy nên đã thất tình, định tự  tử ?  Nếu chàng không đến để khuyên nhủ Liên thì chính lòng chàng cũng cảm thấy bất nhẫn và áy náy. Mà đến, mọi người càng tin chàng đã yêu nó. Nhìn  những con mắt chờ đôi của hai nữ sinh, chàng khẽ thở dài :

                "Thật là kẹt cho tôi quá. Không đến thì chị Liên buồn lại dám liều một lần nữa. Đến thì…mọi người lại hiểu lầm…"

                Ngọc Như  đánh bạo :

                "Ai muốn hiểu lầm thì…mặc họ.  Bây giờ…bây giờ thầy chỉ cần nghĩ đến chuyện cứu sinh mạng một con người…mà con người đó thầy đã từng giúp đỡ…"

                Cẩm Hồng nói theo ngay :

                "Xin thầy đã thương thì thương cho chót…"

                Chuyên tặc lưỡi :

                "Thôi được, tôi nghe lời hai chị. Nhưng tôi còn hai giờ nữa…"

                Cả hai nữ sinh đều mừng rỡ. Cẩm Hồng hớn hở nói :

                "Miễn thầy sẽ đến, trễ một chút cũng không sao. Bọn em sẽ canh chừng nó để chờ thầy."                                                                                    

                                                                X     X

                                                                                         X

                Ngay buổi chiều hôm đó, bọn học sinh trong trường, nhất là những lớp học Chuyên, đồn trò Liên tự tử vì thất tình mà người nó yêu chính là Chuyên. Chàng đã dụ dỗ và lợi dụng nó, bây giờ chán thì bỏ rơi. Chàng rất bực mình, nhưng không tìm cách cải chính. Thật ra, người ta chỉ nói sau lưng, không ai dám hỏi thẳng chàng. Vậy muốn cải chính cũng không phải dễ. Chẳng lẽ đứng giữa lớp mà nói bô bô về chuyện Liên tự tử ? Vừa vô duyên vừa mất thì giờ của học sinh. Đến giờ ra chơi, chàng vừa bước vào phòng giáo sư, mọi người đang nói chuyện ồn ào bỗng cùng ngừng lại, quay nhìn ra cửa.  Biết họ đang bàn tán về chuyện trò Liên tự tử, chàng vẫn thản nhiên thong thả bước vào. Chàng chưa kịp kéo ghế ngồi, đã có người hỏi :

                "Bọn moa nghe nói toa sắp lấy vợ, có đúng không ?"

                Chàng vừa ngồi xuống vừa pha trò :

                "Moa cũng nghe đồn như vậy, nhưng chưa kiểm chứng được."

                Một vài người hiểu câu nói đùa của chàng thì bật cười, còn đa số im lặng, ngơ ngác. Người hỏi câu đầu tiên cũng pha trò theo :

                "Có người đã kiểm chứng thẳng với cô dâu tương lai rồi. Đúng bảy mươi hai phần dầu !  Chỉ có ngày cưới là chưa định rõ thôi."

                Chuyên phì cười :

                "Thế thì xin toa định giùm đi cho ‘đôi trẻ’ mừng…"

                Bỗng chàng nghe có tiếng ho khan ở cuối phòng, gần cửa sổ., vội nhìn về phía đó, vừa kịp thấy cô giáo Quỳnh quay mặt đi. Thoáng trong một giây, chàng có một cảm giác lạ. Hình như Quỳnh trông đẹp hẳn ra, khác trước. Chàng chợt nhớ tới lời Hoằng. Trong trường người ta cũng đồn chàng và nàng yêu nhau và thường hẹn hò ở Saigon. Chính lời đồn đó đã khiến Liên đau khổ, thất vọng, toan tìm cái chết. Chàng không hiểu tại sao lại có lời đồn đó. Chàng và Quỳnh chưa hề nói với nhau một lời, bất quá khi tình cờ gặp nhau chỉ "Chào chị !" và "Chào anh !" Không biết lời đồn có đến tai nàng không ?  Nếu nghe được, nàng sẽ phản ứng ra sao ?  Cực lực đính chính như chàng hay làm ngơ ?  Chàng rất muốn biết phản ứng ấy. Nhưng hỏi ai để biết được ?  Mấy nữ đồng nghiệp thân với nàng ?  Từ ngày về dạy ở trường này, chàng bận bịu với lớp tư do Hoằng tổ chức nên chưa quen ai đủ thân để hỏi dò.

                Lại có tiếng của người bạn đồng nghiệp :

                "Moa đâu có thẩm quyền để xía dzô chuyện riêng tư của ‘đôi trẻ’. Nhưng moa biết chắc tất cả trường này sẵn sàng dự đám cưới để mừng cho ‘đôi trẻ’."

                Chuyên thấy mặt Quỳnh thoáng nhăn rồi trở lại bình tĩnh ngay. Tại sao nàng tỏ vẻ không bằng lòng về câu chuyện vui đùa của hai người ?  Chàng thầm tự hỏi. Như để làm vui lòng nàng, chàng đổi hướng câu chuyện :

                "Thôi không đùa nữa. Bây giờ moa nói thật. Moa với trò Liên hoàn toàn không có một chút liên hệ tình cảm nào. Nó định tự tử vì đã hiểu lầm thiện chí của moa. Moa giúp nó chỉ vì nó là một đứa học trò chăm chỉ, học giỏi, chẳng may gặp hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cha nó là một sĩ quan mới tử trận, mà nó lại có đông em."

                Trong khi nói, chàng liếc nhìn Quỳnh. Nàng đang nhìn ra cửa sổ, nhưng chàng biết nàng đang lắng tai nghe. Người bạn chen vào :

                "Không phải mình nó hiểu lầm mà nhiều người khác cũng hiểu lầm, kể cả bọn moa."

                Chàng thấy Quỳnh mỉm cười. Chàng hỏi người bạn, nhưng trong lòng lại muốn nói với cô giáo trẻ ngồi phía xa kia :

                "Thế bây giờ đã hết hiểu lầm chưa ?"

                Người bạn lắc đầu :

                "Lý do toa nêu ra chưa đủ thuyết phục bọn moa. Trò Liên trẻ quá, xinh đẹp quá, dễ thương quá, thiếu gì người thầm yêu trộm nhớ. Niên học trước cũng đã có một giáo sư trẻ, chưa vợ, yêu nó, nhờ người mai mối đàng hoàng, nhưng bị nó từ chối. Cuối năm cậu ta phải xin đổi đi tỉnh khác vì bẽ mặt. Toa vừa về mà đã chinh phục được người đẹp ngay thì toa đúng là bậc tài hoa son trẻ đấy."

                Bỗng Quỳnh không cười nữa, liếc nhìn chàng rất nhanh, rồi quay đi ngay. Chàng bối rối vì đôi mắt ngờ vực của nàng. Chàng ngạc nhiên về sự bối rối ấy. Có nhiều cặp mắt ngờ vực mà chàng không thèm để ý, lại chỉ quan tâm đến mắt nàng thôi. Hay mình đã yêu ?  Chàng thầm tự hỏi. Ồ, yêu gì mà lẹ quá vậy ! Lại có tiếng người bạn đồng nghiệp lải nhải bên cạnh :

                "Nếu là toa, moa xin cưới nó ngay lập tức. Các cụ nhà ta chả nói "cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha"  đấy sao ! Trẻ, đẹp, ngoan, học giỏi, từng ấy điều kiện còn chưa đủ ?  Bộ toa còn định kén chọn ai hơn nữa ?"

                Thấy tất cả mọi người trong phòng giáo sư  đều chú ý đến câu chuyện của mình, Chuyên hơi khó chịu, lắc đầu :

                "Moa không kén cá chọn canh gì hết, nhưng điều quan trọng là moa không yêu. Thật ra, moa không thích lấy học trò. "

                Chàng có cảm tưởng chàng nói với riêng Quỳnh như để phân bua. Trong khi đó nàng vẫn thờ ơ. nhìn ra cửa sổ. Chàng thầm tự nhủ :"Người ta có thèm nghe chuyện mình đâu mà cứ thanh minh." Người bạn đồng nghiệp lại nói :

                "Bọn nữ sinh phao tin…thất thiệt rằng trưa nay toa đã lén đến gặp trò Liên, hứa sẽ cưới nó đàng hoàng nên nó đã bỏ ý định tự tử. Có đúng không ?"

                Chuyên lắc đầu :

                "Moa chẳng việc gì phải lén lút hết. Moa đến gặp nó một cách đường đường chính chính. Có gì phải dấu diếm đâu."

                Người bạn cười :

                "Nghĩa là toa có đến để hỏi cưới nó ? "

                Chàng chưa kịp trả lời thì chuông vào học reo vang. Khác với thường lệ, Quỳnh đứng lên ngay, xách cặp ra khỏi phòng một cách vội vã. Khi đi ngang trước mặt chàng, nàng giữ vẻ nghiêm trang. Nhìn dáng đi khoan thai, uyển chuyển của nàng, chàng chợt nghe lòng xao xuyến. Nhiều người bắt chước Quỳnh bước ra khỏi phòng. Chỉ còn lại lác đác một vài người nên chàng không còn hứng nói chuyện nữa. Chàng uể oải lấy mấy viên phấn, rồi bỏ đi.

                Vào lớp, chàng tự nhiên cảm thấy chán nản, không thích giảng bài nên bắt học sinh làm bài tập. Trong khi cả lớp im phăng phắc, chàng thẫn thờ nhìn ra sân trường. Chàng nhớ lại buổi gặp gỡ sáng nay với Liên. Nhờ buổi gặp mặt này, chàng biết lý do thất tình của cô bé học trò mà chàng đã từng giúp đỡ. Nó yêu người thầy giáo trẻ tuổi vì hiểu lầm thầy đã yêu nó nên mới giúp đỡ. Mới đây, nó hiểu ra rằng thầy chỉ giúp nó vì lòng nhân đạo, còn người thầy yêu là cô giáo trẻ tên Quỳnh. Chuyên quả quyết với Liên rằng chàng chưa yêu ai, kể cả Quỳnh. Chàng khuyên nó nên bỏ ý định tự tử vì nó còn bà mẹ góa và một đàn em dại cần giúp đỡ.  Hãy coi gia đình là quan trọng nhất lúc này, chưa nên nghĩ đến chuyện yêu thương. Hình như nó đã nghe ra, hiểu bổn phận, trách nhiệm của mình với các em nhỏ, nên hứa với thầy sẽ không làm chuyện dại dột nữa. Nó còn cho biết nó sẽ lên Saigon kiếm việc làm giúp đỡ gia đình để các em có thể tiếp tục học hành.

                Câu chuyện chỉ có vậy thôi, trước mặt hai nữ sinh Ngọc Như và Cẩm Hồng. Thế mà bây giờ lại có tin đồn Chuyên hứa sẽ cưới Liên. Thật kỳ lạ !  Hay Ngọc Như và Cẩm Hồng là nguồn gốc của lời đồn sai lạc đó ?  Chàng không tin vì biết hai nữ sinh này là người đúng đắn, nhưng sẽ tìm hai chúng để hỏi cho ra lẽ.

                Đang suy nghĩ lan man, Chuyên bỗng thấy một ông giám thị xuất hiện ở cửa lớp. Chàng ngạc nhiên bước tới gần, nhưng chưa kịp hỏi thì viên giám thị đã cho biết ông hiệu trưởng muốn gặp chàng ngay. Chàng liền đoán ra lý do cuộc gặp gỡ. Tin Liên tự tử đã đến tai hiệu trưởng. Chàng bèn thu xếp sách vở, nhường lớp cho viên giám thị tạm trông coi, rồi rảo bước đến phòng hiệu trưởng. Lão Trương đón tiếp chàng với một vẻ nghiêm trang, quan trọng. Lão chỉ hơi nhổm người lên khi bắt tay chàng. Thái độ của lão làm chàng muốn nổi giận ngay, nhưng phải cố nén. Chàng nhìn lão bằng một vẻ mặt thách thức, chờ đợi. Lão chắp hai tay để trên mặt bàn, ề à nói :

                "Tôi cho mời giáo sư để nói với giáo sư một chuyện rất…rất phiền phức."

                "Dạ, Chuyên nhẫn nại đáp, xin ông hiệu trưởng cho biết chuyện chi."

                "Tôi nghe nói ông giáo sư vừa gây ra một vụ…xì căng đan, thôi thì cứ tạm dùng tiếng Tây cho dễ hiểu. Chuyện này đang làm xôn xao dư luận."

                Dù biết trước lão sẽ đề cập đến chuyện nữ sinh Liên, Chuyên cũng hơi giật mình, khó chịu ! Xì căng đan ! Một chuyện bê bối, xấu xa. Chàng cố lấy giọng bình tĩnh, hỏi :

                "Đó là vụ gì, thưa ông hiệu trưởng ?"

                Làm ra vẻ khó khăn như không muốn nói, ngập ngừng một chút, lão chép miệng :            "Người ta đồn ông giáo sư đã…đã dụ dỗ một nữ sinh, rồi bỏ rơi…khiến nó phải tự tử…Có đúng vậy không ?"

                Chàng ngó lão đăm đăm, rồi hỏi :

                "Ông hiệu trưởng mà cũng tin lời đồn ?  Việc này dễ biết hư thực quá, sao ông lại đi nghe lời đồn vu vơ. Ông chỉ việc kêu nữ sinh đó tới mà hỏi là rõ trắng đen."

                Không đếm xỉa đến lời đề nghị của chàng, lão tiếp :

                "Chúng ta đã chọn nghề dạy học thì cũng nên có một chút đạo đức…"

                Không để lão nói hết câu, chàng ngắt :

                "Nếu ông hiệu trưởng không chịu điều tra cho rõ ngọn nguồn, tôi không cần nói chuyện với ông nữa. Xin ông nhớ cho rằng danh dự của một giáo sư cũng cần được bảo vệ…Vu khống cho người khác là một việc làm hèn hạ."

                Thấy chàng có phản ứng mạnh, lão nói :

                "Tôi không vu khống cho ai hết, mà cũng không nghe ai đồn. Tòa tỉnh vừa gọi cho tôi hỏi về vụ này. Họ muốn tôi cho họ biết rõ sự vụ trong ngày hôm nay."

                Chuyên có giọng bực bội :

                "Vậy thì tốt nhất ông hiệu trưởng cho kêu đương sự tới mà hỏi. Nếu cần thì kêu cả mấy con bạn thân của nó nữa. Về phần tôi, tôi đoan quyết với ông hiệu trưởng tôi không dụ dỗ bất cứ một nữ sinh nào trong trường này hết."

                Ngừng một chút, chàng bán tín bán nghi hỏi :

                "Ông tỉnh trưởng mà cũng vu khống người khác như vậy ?"

                Lão nghiêm nghị :

                "Sao lại vu khống ! Ông tỉnh trưởng còn cho biết công an đã theo dõi hành vi của ông giáo sư trong thời gian gần đây. Ngày giờ nào ông đưa con nhỏ đi đâu, làm gì họ đều biết hết."

                Chàng lợm giọng về câu chuyện của lão. Công an nào mà lại dám bịa đặt những chuyện đó để hại một người lương thiện như chàng ?  Chính lão đã dựng chuyện ra để dọa nạt, bắt nọn chàng. Lão tưởng chàng là một đứa con nít mới lên mười chắc ?   

                Chàng khinh khỉnh hỏi lại :

                "Công an theo dõi tôi từ lâu ?"

                "Đúng vậy !"

                Chàng trề môi :

                "Công an không đi tìm cộng sản mà diệt, lại theo dõi một người lương thiện để làm gì ?"

                Lão im lặng. Chàng hặm hực nói thêm :

                "Kẻ nào đem những chuyện ngây thơ, vô lý ra hù người khác cũng nên đâm đầu xuống sông mà chết cho sạch cái cõi đời này."

                Biết là bị chàng chửi, lão tái mặt, hỏi :

                "Vậy, ông giáo sư tính sao bây giờ ?"

                Chàng lừng khùng dọa :

                "Tôi sẽ sang thẳng công an để hỏi họ nghi tôi về tội gì mà cho người theo dõi."

                Lão hơi luống cuống :

                "Cái đó….Cái đó…không nên…Ông tỉnh trưởng nói riêng với tôi thôi, dặn kỹ là không nên tiết lộ cho bất cứ ai biết…Vì…vì có cảm tình với ông giáo sư, tôi mới …mới cho ông giáo sư biết…"

                Chàng nhạt nhẽo :

                "Cảm ơn ông hiệu trưởng. Vậy tôi nhắc lại đề nghị của tôi lúc nãy là ông cứ kêu đương sự tới mà hỏi cho rõ thì hơn. Đừng nghe lời đồn mà cũng đừng bịa chuyện…"

                Vùa lúc đó, chuông tan học từ bên ngoài vọng vào. Chàng đứng lên ngay và xin phép ra về. Lão không giữ chàng lại mà cũng không bắt tay chàng 

 

 

                                                                   

 

                                                                    5

 

      Sau khi Liên nghỉ học, lên Saigon kiếm việc làm giúp gia đình, dư luận dịu dần, rồi không còn ai nhắc tới nữa, trừ mấy nữ sinh thân với Liên, như bọn

Cẩm Hồng và Ngọc Như. Thỉnh thoảng Chuyên  nghe bọn chúng trách móc xa xôi : "Học trò thì làm sao bằng cô giáo được !"… "Thầy giáo với cô giáo mới môn đương hộ đối !"…Chàng làm ngơ trước những lời trách móc vu vơ sau lưng ấy. Tuy nhiên, chàng rất thắc mắc tại sao lại có lời đồn chàng yêu Quỳnh. Đã nhiều lần chàng có ý định hỏi hai nữ sinh Cẩm Hồng và Ngọc Như, nhưng lại không muốn khơi động lại câu chuyện đang lắng dần.

                Rồi một hôm có tin Quỳnh đính hôn với một viên chức cao cấp trong tòa tỉnh trưởng. Tin này đã làm tắt luôn mọi lời đồn liên quan đến Chuyên và Quỳnh. Nhưng nó lại là nguyên nhân làm chàng buồn và thất vọng. Chàng đang trù tính làm quen với nàng vì chính chàng đã ngầm có nhiều cảm tình với cô giáo trẻ ấy. Đã hơn một lần chàng thầm so sánh nàng với Liên. Về nhan sắc, chàng không thể không công nhận Liên hơn hẳn Quỳnh. Nhưng bù lại, Quỳnh có một nụ cười thật quyến rũ và cách nói chuyện duyên dáng, dù chàng chưa hề có hân hạnh nói chuyện trực tiếp với nàng. Chàng chỉ nhìn nàng từ xa khi nàng nói chuyện với mấy nữ đồng nghiệp trong phòng giáo sư. Ngoài ra, cũng phải kể đến cái dáng dấp khoan thai, đầy vẻ quý phái của nàng.

Bây giờ Quỳnh là vợ chưa cưới của người khác, Chuyên còn hy vọng gì nữa !  Chàng đành tìm quên trong công việc. Chàng soạn bài kỹ hơn, chấm bài nhiều hơn. Rất may là mối tình chỉ mới chớm lên trong lòng chàng nên cũng dễ tan biến nhanh. Chàng lại thanh thản và bình tĩnh như xưa.

                Ngôi trường vào cuối niên học có một không khí đặc biệt, vừa căng thẳng vừa thoải mái. Học sinh những lớp không phải đi thi bắt đầu sửa soạn nghỉ hè. Chỉ còn một tháng nữa là hết niên khóa.  Cuộc thi đệ nhị bán niên đang tiến hành tốt đẹp. Nhiều học sinh đã bàn tới việc đi chơi xa, nhưng cũng có đứa lại lo tìm lớp hè để trau dồi thêm về những môn còn kém.

                Giáo sư cũng bận rộn hơn vì phải chấm bài liên miên để kịp làm Thông Tín Bạ cho học sinh. Hầu như ai cũng phải thức khuya, dạy sớm. Vì thế nhiều người đã tỏ ra mệt mỏi khi đến trường. Chuyên cũng không thoát khỏi cái mệt đó. Chàng cố gắng giảng bài cho hết chương trình đã được bộ Giáo Dục quy định. Do đó, chàng không quan tâm nhiều đến trật tự của lớp học. Một hôm, chàng đã gặp phiền phức về sự lỏng lẻo đó. Vào một ngày giữa tuần lễ, chàng vừa phải dạy sáu tiếng liền ở trường tư. Lúc này là hai giờ cuối ở trường công. Chàng đang chăm chú nhìn vào sách để giảng, bỗng nghe cả lớp ồn ào một cách khác lạ. Chàng vội ngửng lên, thấy la liệt trên bàn học sinh và dưới đất những mảnh giấy chỉ nhỏ bằng bàn tay. Chàng ngạc nhiên hỏi một nữ sinh ngồi bàn đầu :

                "Cái gì thế này ?"

                Nó vội đứng lên, đáp nhỏ :

                "Thưa thầy…truyền đơn Việt Cộng."

                Chàng lặng người đi vì cảm thấy lo sợ lẫn tức giận cùng một lúc, lúng túng không biết nên giải quyết thế nào. Chàng buột miệng hỏi một câu mà chàng biết ngay là ngớ ngẩn :

                "Ai ném truyền đơn ?"

                Cả lớp im phăng phắc. Chưa bao giờ có một lớp học lại im lặng đến như vậy. Chàng chợt nghĩ đến những người có trách nhiệm giữ trật tự của nhà trường. Chàng bèn sai một nam sinh chạy đi báo cho văn phòng giám thị rõ. Không đầy năm phút sau, viên tổng giám thị và mấy nhân viên dưới quyền xuất hiện ở cửa lớp. Viên tổng giàm thị hầm hầm hầm một mình bước vào trong, tay cầm một cây roi mây lớn bằng ngón tay cái, dài chừng hơn nửa thước. Ông không để ý tới các nữ sinh mà chỉ ngó thẳng mặt từng nam sinh một, tay đưa cao ngọn roi như sẵn sàng quất xuống bất cứ lúc nào. Bỗng ông dừng lại trước một nam sinh bàn cuối, cúi sát mặt nó, cười gằn :

                "Mày ném truyền đơn, phải không ?"

                Tên học sinh chối ngay :

                "Thưa thầy, không phải em."

                "Vậy thì ở vị trí này mày phải biết đứa nào ?"

                Nó run run, luống cuống :

                "Thưa thầy, em…em…cũng không nhìn thấy gì hết…Em đang nhìn vào sách, nghe lời thầy giảng…Thấy ồn ào em mới ngửng lên."

                Viên tổng giám thị có giọng kết tội :

                "Ngồi ở góc này mày phải nhìn thấy hết. Nếu không nhìn thấy ai thì chính là mày…Thôi, thú nhận đi, con ơi !"

                Tên học sinh mếu máo :

                "Thưa thầy, oan cho em quá."

                "Vút ! Vút" nó liền bị hai roi vào lưng, òa khóc to lên, vừa quằn quại vừa xoa lưng.

                "Tao cho mày một phút để suy nghĩ. Sau đó, tao sẽ kêu công an tới bắt mày. Vô bót, người ta sẽ tra tấn mày cho đến khi mày nhận tội và khai hết các đồng lõa của mày."

                Chuyên không đồng ý về lời buộc tội thiếu bằng chứng của viên tổng giám thị, nên bước tới gần ông ta. Chàng chưa kịp nói gì, ông đã hỏi :

                "Thưa giáo sư, thằng này học hành và hạnh kiểm ra sao ?"

                Chàng đáp ngay :

                "Anh Viễn là một học sinh xuất sắc trong môn của tôi. Về hạnh kiểm thì cũng ngoan, không phá phách trong lớp."

                Viên tổng giám thị quay ra cửa bảo một nhân viên dưới quyền :

                "Ông lấy học bạ của trò Viễn cho tôi…Nó họ gì, thưa thầy ?"

                Chuyên chưa kịp đáp thì viên giám thị phụ trách lớp đã nói lớn :

                "Lê Trọng Viễn…"

                Viên tổng giám thị gật đầu :

                "Cả hai năm đệ tam và đệ nhị nhé."

                Chuyên ngạc nhiên về lối điều tra của viên tổng giám thị. Tại sao lại căn cứ vào học bạ để xét đoán một hành vi chính trị ?  Học giỏi hay ngoan ngoãn không liên quan gì tới những hoạt động không có tính cách học đường. Có khi càng giỏi lại càng có tư tưởng khác thường. Ngay cả việc viên tổng giám thị chỉ chú ý đến nam sinh, gạt bọn nữ sinh ra ngoài, chàng cũng cho là sai lầm. Nhưng chàng không  muốn xen vào công việc của ông ta ngay lúc này.

                Trong khi chờ đợi học bạ của trò Lê Trọng Viễn, viên tổng giám thị ra lệnh cho nhân viên dưới quyền vào lớp thu lượm hết truyền đơn. Chuyên tò mò muốn xem một tờ, nhưng lại ngại sau này có thể bị dính líu vào cuộc điều tra của công an. Cứ đứng bên ngoài lại hay, chàng thầm tự nhủ.

                Khi đã có học bạ của trò Viễn, viên tổng giám thị chăm chú đọc kỹ lời phê của các giáo sư. Cuối cùng, ông nói nhỏ với Chuyên :

                "Cài mặt nó thì đáng nghi quá mà học bạ rất tốt, giáo sư nào cũng khen. Thầy nghĩ sao ?"

                Chàng ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi :

                "Thế nào là đáng nghi ?  Tôi thấy đứa nào cũng giống nhau hết, đều có vẻ mặt thật thà, ngờ nghệch."

                Viên tổng giám thị lắc đầu :

                "Thầy đừng có tưởng chúng nó ngờ nghệch, thật thà. Hồi còn ở trong quân đội, tôi làm cho ngành an ninh nên xét người đúng lắm. Thằng Viễn là đáng nghi nhất."

                À, chàng thầm nghĩ, thì ra ông ta trước kia phục vụ trong ngành an ninh quân đội. Nhưng ông ấy quên rằng học sinh khác với binh lính.

                Tiếng viên tổng giám thị cắt ngang ý nghĩ của Chuyên :

                "Theo thầy, giải quyết vụ này thế nào ?"

                Chàng đáp ngay :

                "Thì vì tôi không biết giải quyết cách nào nên mới mời ông Tổng tới."

                Ngẫm nghĩ một lát, ông ta nói :

                "Tôi sẽ báo công an và cũng cho họ biết tôi nghi thằng Viễn. Thằng này lì lắm, phải cho nó ăn đòn tra tấn của công an thì  mới chịu khai thật."

                Ngập ngừng một chút, Chuyên kéo viên tổng giám thị ra khỏi lớp, rồi nói nhỏ :

                "Tôi nghĩ rằng nếu ông tổng làm vậy là sai nguyên tắc. Cả lớp hơn bốn chục học sinh mà ông chỉ nghi có một đứa, lại chả có chứng cớ nào hết."

                Viên tổng giám thị nhìn sững chàng, ngạc nhiên trước lời phê bình, nói bằng một giọng đe dọa :     

                "Thôi được, tôi sẽ báo cáo với ông hiệu trưởng là lớp thầy đang dạy có truyền đơn Việt cộng  để ổng mời công an sang điều tra."

                Nghe giọng lưỡi của ông, chàng biết ông muốn buộc chàng vào vụ này, nhưng thản nhiên nói :      

                "Thì sự thật là như vậy ! Công an sẽ phải điều tra từng người, kể cả tôi.”

                Viên tổng giám thị cười nhạt, giao hẹn :

                "Đó là ý muốn của thầy, sau này có chuyện gì lôi thôi, thầy miễn trách, nghe."

                Chàng vui vẻ đồng ý :

                "Dạ, tôi sẽ không phiền trách ai hết."

                Nhờ vậy, chuyện được dàn xếp tạm yên. Cuộc khủng bố tinh thần học sinh không tiếp diễn nữa. Tuy nhiên, bắt đầu từ phút ấy, Chuyên ngơm ngớp lo. Ai cũng ngại phải ra cò bót, dù chẳng có tội gì. "Vô phúc đáo tụng đình", chàng nghĩ.  Đồng thời chàng lại cảm thấy vui vui vì đã làm được một việc hợp lý.

                Sau khi viên tổng giám thị và đám"tùy tùng" bỏ đi, Chuyên đưa mắt nhìn đám học sinh đang ngồi im lặng trong lớp. Đứa nào cũng mặt mày tái mét. Chàng ôn tồn bảo trò Viễn :

                "Anh cứ an tâm. Nếu anh vô tội thì chả sợ ai hết !"

                Nó đứng lên, ấp úng :

                "Em xin cảm ơn thầy…Nếu thầy không can thiệp, chắc giờ này…"

                Chàng liền gạt đi :

                "Thôi, chuyện qua rồi. Nào, lấy sách ra học tiếp."

                Một nữ sinh đề nghị :

                "Sắp hết giờ rồi, thầy cho chúng em nghỉ đi."

                Chàng  nhìn đồng hồ tay, rồi gấp sách lại. Vừa lúc đó,chuông tan học reo vang. Khác mọi khi, lớp học hôm nay thật im lặng, chỉ nghe thấy tiếng ồn ào từ những lớp khác vọng sang. Bọn học sinh vừa trải qua một cơn hãi hùng, không còn lòng dạ nào vui đùa nữa. Chính chàng cũng buồn bã, lẳng lặng cắp sách ra khỏi lớp. Vừa bước xuống sân trường, chàng nghe có tiếng gọi nhỏ ở phía sau. Chàng quay lai, nhận ra trò Viễn. Chàng dừng bước để đợi nó. Nó lại ngỏ lời cảm ơn, chàng liền gạt đi :

                "Thôi, bỏ qua chuyện đó đi."

                Nó đến sát chàng, thì thầm bên tai chàng :

                "Em…em biết người ném truyền đơn."

                Chàng giật mình, ngó nó chằm chặp :

                "Anh biết người ném truyền đơn ?  Ai vậy ?  Sao anh không nói cho ông tổng giám thị biết ?"

                Nó lấm lét nhìn quanh, rồi rụt rè :

                "Xin thầy…giữ bí mật giùm em…Người đó là chị…Liễu Huệ… Em tin rằng nhiều người người trong lớp cùng trông thấy…chứ không phải mình em."

                "Thế mà anh không chịu khai ra để bị đòn oan."

                Viễn cúi mặt, thở dài :

                "Vì gia đình chỉ và gia đình em thân nhau đã lâu…Chỉ lại sắp lấy anh hai em…"

                "Rồi sao bây giờ anh lại cho tôi biết ?"

                "Vì em biết thầy không phải là người làm hại học sinh…Với lại, em cũng muốn cho thầy rõ em vô tội, xứng đáng được thầy bênh vực…Không biết rồi đây thầy có bị liên lụy gì không ?"

                Chuyên tìm lời trấn an nó :

                "Không ai làm gì nổi tôi đâu. Công an người ta làm việc có nguyên tắc đàng hoàng. chứ không thể bắt bớ ẩu tả được."

                Viễn tỏ vẻ vui mừng :

                "Nếu vậy em đỡ lo và áy náy."

                Rồi nó chắp tay vái thầy.nhưng vẫn đứng im một chỗ. Để đuổi nó, chàng nói :

                "Thôi, tôi phải về vì các thầy khác đang đợi tôi ở nhà."

                Nói xong, chàng bước đi ngay.

                Từ lúc đó, chàng băn khoăn tự hỏi chàng sẽ khai với công an thế nào nếu chàng bị họ mời tới thẩm vấn ?  Khai nữ sinh Liễu Huệ là thủ phạm ném truyền đơn ?  Kể ra đó cũng là bổn phận của một công dân trong thời chiến. Nhưng lương tâm của một nhà giáo không cho phép chàng tố cáo học trò. Dù sao, chàng cũng không tận mắt thấy nó ném truyền đơn, chỉ nghe lại thôi. Có nên tin trò Viễn không ?  Có thật anh nó sắp lấy Liễu Huệ không ?  Nó có thù oán gì với cô nữ sinh học cùng lớp này không ?  Bao nhiêu câu hỏi hiện ra trong óc chàng. Chàng cân nhắc giữa lương tâm của một nhà giáo với bổn phận của một công dân trong thời chiến. Càng suy nghĩ chàng càng thấy mình bị dằng co, níu kéo giữa hai bổn phận.

                Buổi sáng hôm sau, vừa tới trường, Chuyên được mời ngay vào phòng hiệu trưởng. Lão Trương hỏi về vụ truyền đơn Việt cộng. Lão nói với chàng bằng một giọng quan trọng :

                "Từ ngày tôi về làm hiệu trưởng trường này, chưa bao giờ có chuyện lộn xộn như thế này. Ông giáo sư mới về có mấy tháng mà đã…"

                Lão ngừng lại, nhìn thẳng mặt Chuyên. Chàng hỏi ngay :

                "Bộ ông hiệu trưởng định vu cho tôi là cộng sản ?"

                Lão vội cãi :

                "Đâu có ! Tôi chỉ muốn nói là ông giáo sư xui quá, mới về đã gặp chuyện rắc rối."

                Chàng nhún vai :

                "Cũng chẳng có gì gọi là xui hết. Tôi là người ngay thẳng, không sợ liên lụy."

                Lão bỗng nghiêm giọng :

                "Nhưng ông giáo sư đã phạm một lỗi rất nặng là ngăn cản ông tổng giám thị bắt tên học trò ném truyền đơn giao cho công an."

                Chàng bình tĩnh hỏi :

                "Ai nói với ông hiệu trưởng là tôi cản ông tổng giám thị bắt thủ phạm ném truyền đơn ?  Mà tên đứa học trò ném truyền đơn là gì ?"

                Lão đáp ngay :

                "Thằng Lê Trọng Viễn."

                Chàng lắc đầu :

                "Trò Viễn không phải là thủ phạm vụ ném truyền đơn."

                Lão có vẻ ngạc nhiên trước câu nói chắc nịch của chàng, vội hỏi ngay :

                "Tại sao ông biết không phải là nó ?"

                Chàng dằn từng tiếng :

                "Vì một lẽ rất đơn giản là không ai trông thấy nó ném và cũng không ai tố cáo nó. Vậy thì không có một bằng cớ nào để có thể kết tội nó. Sở dĩ ông tổng giám thị cứ khăng khăng buộc tội nó vì ổng lấy kinh nghiệm của một cựu nhân viên an ninh quân đội để nhận xét người khác. Trường học không phải là một nhà giam của quân đội, học sinh không phải là những tên lính ba gai, lưu manh. Do đó ổng đã nhận xét sai. Ổng chỉ căn cứ vào chỗ ngồi của nó trong lớp mà qui tội cho nó. Như vậy, không hợp lý và thiếu tính chất khoa học"

                Lão Trương trầm ngâm một lúc, rồi hỏi :

                "Theo giáo sư, đứa nào là thủ phạm ?"

                Chàng lắc đầu đáp ngay :

                "Tôi không phải là thầy bói đoán mò mà tôi cũng không phải chó săn trong học đường. Theo tôi, tốt nhất cứ để công an điều tra."

                Bỗng lão nhìn chàng bằng đôi mắt ái ngại :

                "Nếu không tìm ra thủ phạm, tôi e ông giáo sư sẽ gặp phiền phức. Tôi buộc lòng phải báo cho công an biết vụ ném truyền đơn xảy ra trong giờ của giáo sư."

                Chàng nhún vai :

                "Tôi chẳng có gì phải sợ cả. Nếu họ hỏi, tôi cứ thực tình mà kể lại, cả việc ông tổng giám thị hùng hổ đánh học trò vô tội."

                Sau khi xem đồng hồ tay, chàng nói tiếp :

                "Sắp hết giờ đầu tiên rồi, tôi phải tới lớp."

                "Dạ, xin chào giáo sư."

                Ra khỏi phòng hiệu trưởng, chàng tự trách đã nóng nảy phê bình việc làm của viên tổng giám thị. Đáng lẽ chàng không nên có giọng gay gắt khi nói về một người vắng mặt. Chàng biết rằng chàng lại có thêm kẻ thù. Thôi, chàng thầm tự nhủ, đó cũng là một kinh nghiệm về giao tế, lần sau mình sẽ phải cẩn thận hơn.                                                                          

 

 

 

 

 

                                                                    6

 

     Giờ ra chơi Chuyên đến phòng giáo sư hơi trễ, nhưng chưa kịp bước vào thì thấy trò Viễn thập thò ở cuối hành lang. Chàng đoán biết nó muốn gặp chàng, nên đi ngay về phía nó. Chàng chưa kịp hỏi, nó đã nói :

                "Thưa thầy, chị Liễu Huệ trốn ra mật khu rồi."

                Cái tin bất ngờ đó làm chàng hơi giật mình. Chàng nghĩ tới cô nữ sinh mảnh khảnh, cũng thuộc vào loại xinh đẹp và ngoan ngoãn. Rồi chàng nhớ tới người anh của trò Viễn, hỏi khẽ :

                "Anh hai của anh tính sao ?"

                Nó thở dài :

                "Ảnh buồn lắm…Nếu không kiếm được chỉ, ảnh đăng lính."

                Chàng chợt nghe lòng tê tái, xót xa. Đó là hoàn cảnh hiện tại của đất nước. Anh em ruột thịt đã từng chạm trán nhau ngoài mặt trận. Bây giờ một cặp tình nhân cũng phải chia lìa, đối nghịch nhau vì  không cùng một lý tưởng. Biết đâu rồi có ngày họ sẽ gặp nhau nơi trận tuyến ?  Nếu có một sự tình cờ nào đó, họ nhận ra nhau, chuyện gì sẽ xảy ra ?  Họ vẫn coi nhau là thù nghịch hay chắp nối lại mối tình cũ ?

                "Thưa thầy…"

                Tiếng chào rụt rè của trò Viễn kéo chàng trở lại thực tế. Chàng dặn khẽ :

                "Bây giờ anh có thể khai thật với công an, nếu họ hỏi anh."

                "Dạ"

                Chuyên nghe lòng buồn man mác. Chàng nghĩ tới sự tan vỡ của một mối tình. Rồi chàng lại liên tưởng đến chuyện riêng của mình. Chàng không muốn vào phòng giáo sư nữa. Thật ra từ ngày có tin Quỳnh đính hôn với một viên chức cao cấp trong tòa tỉnh trưởng, chàng thấy phòng giáo sư trống trải, lạnh lẽo và buồn tẻ. Quỳnh vẫn ngồi đó, vẫn vui vẻ nói chuyện với các đồng nghiệp, nhưng nàng không còn là cô giáo Quỳnh ngày xưa nữa. Nàng đã thuộc về người khác. Từ lâu chàng có mấy thắc mắc mà không sao tìm được lời giải đáp. Tại sao có dư luận đồn chàng và Quỳnh yêu nhau?  Hơn một lần chàng muốn hỏi hai nữ sinh Cẩm Hồng và Ngọc Như, nhưng lại e ngại vì từ ngày Liên thôi học lên Saigon, hai đứa không còn thân thiện với chàng. Chúng thường tìm cách lẩn tránh mỗi khi thấy chàng. Trong lớp học, chúng giữ vẻ lạnh nhạt nếu phải trả lời câu hỏi của chàng liên quan đến bài học. Trước vẻ thiếu thân thiện ấy, tự ái của chàng không cho phép chàng thân mật với chúng nữa. Khi có tin Quỳnh đính hôn, chúng cười nói hể hả, như muốn chế nhạo. Chàng nghe loáng thoáng sau lưng :"Cho đáng đời !"

                Chuyên cứ đứng ở hành lang mà nhìn xuống sân trường. Gần ngày nghỉ hè, nhiều học sinh những lớp nhỏ, sau khi thi bán niên, đã tự ý nghỉ học. Sự kiểm soát của nhà trường cũng đã nới lỏng nên sự vắng mặt của học sinh mỗi ngày một nhiều hơn. Có lớp đã trống trơn, nhưng giáo sư vẫn phải có mặt. Sân trường vào giờ ra chơi đã thưa thớt đi nhiều. Đa số là học sinh những lớp sắp đi thi, nên  chúng có vẻ đăm chiêu và lo lắng. Thi cử vào thời buổi chiến tranh hết sức quan trọng.  Đậu thì được tiếp tục học, rớt thì phải vào lính. Đa số con nhà nghèo chỉ biết trông cậy vào sức học của mình. Trong khi đó, bọn "con ông cháu cha" dựa vào quyền thế, tiền bạc của cha mẹ để trốn lính, có đứa còn được đi du học với mảnh bằng được mua bằng tiền.

                Bỗng chuông vào học ngay trên đầu Chuyên reo vang làm chàng giật nẩy mình. Trong khi học sinh đang vui chơi dưới sân trường bước nhanh về lớp để xếp hàng, chàng phân vân không biết có nên vào phòng giáo sư lấy thêm phấn. Tự nhiên chàng ngại gặp Quỳnh. Chàng cũng không hiểu lý do của sự ngại ngùng đó. Thật ra, chàng và nàng chưa có một liên hệ nào, vì thế việc nàng lấy chồng đâu có ảnh hưởng gì tới chàng.

                Khi thấy có mấy người đang đi về phía mình, Chuyên quyết định không lấy thêm phấn, đến thẳng lớp học ngay. Nhưng chưa kịp xuống sân trường, chàng chợt trông thấy Quỳnh tha thướt trong tà áo dài trắng đi về phía mình. Tự nhiên chân chàng như bị dính chặt lấy mặt đất, không sao cất bước nổi. Quỳnh hình như cũng giật mình khi nhận ra chàng từ xa. Nàng hơi chậm lại một chút nhưng rồi vẫn thản nhiên đi qua mặt chàng, đôi mắt nhìn thẳng. Khi nàng đã mất hút ở cuối hành lang, chàng vẫn nhìn theo.  Bỗng có tiếng nói nhỏ ngay bên tai chàng :"Hoa có chủ rồi ! Tiếc hả ?"  Chàng quay lại, nửa đùa nửa thật trả lời người bạn đồng nghiệp :

                "Làm sao mà không tiếc cho được !"

                Người bạn cười phá lên, ngâm một câu ca dao :"Chim vào lồng biết thuở nào ra ?" Chàng thoáng buồn, nhưng vẫn cố lấy giọng vui vẻ :

                "Không chừng mình phải lấy trộm cả lồng lẫn chim đem về nhà dấu đi."

                Người bạn vỗ nhẹ vào lưng chàng :"Nên lắm ! Nên lắm !"

                Vừa lúc đó, chàng thấy viên tổng giám thị cầm roi mây đi trên sân trường vắng không còn một học sinh nào. Chàng lại nghĩ đến trò Viễn và nữ sinh Liễu Huệ. Không biết ông ta đã biết thủ phạm vụ ném truyền đơn đã bỏ trốn ra mật khu Việt cộng chưa ?  Chàng vừa ra khỏi hành lang, định băng qua sân trường để tới lớp, viên tổng giám thị bước nhanh về phía chàng, nói bằng một giọng quan trọng :

                "Tôi đã báo cho công an biết vụ ném truyền đơn hôm qua trong lớp giáo sư. Có thể họ sẽ mời giáo sư sang ty công an."

                "Dạ, tôi đã sẵn sàng. Có giấy kêu là tôi đi ngay."

                Nhìn vẻ mặt của ông ta, chàng biết ông ta đang giận chàng lắm. Giận cũng là phải, chàng thầm nghĩ. Đó là lỗi của mình.

                Từ phút đó, Chuyên sửa soạn tinh thần và sắp đặt những điều cần thiết để trả lời công an. Nhưng chàng chờ đợi rất lâu, hết ngày này đến ngày khác mà không nhận được giấy mời. Có lẽ, chàng nghĩ, họ điều tra ngầm, không cần đến lời khai của mình.

                Rồi niên học chấm dứt sau buổi lễ phát thưởng tổ chức ngay tại trường. Hầu hết các giáo sư trẻ về Saigon với gia đình. Học sinh nhỏ không phải đi thi, đứa thì  được cha mẹ cho đi chơi xa, đứa thì về quê nghỉ hay giúp gia đình việc đồng áng. Chuyên còn kẹt lại tỉnh vì lớp luyện thi chưa hết khóa học. Ở một mình một nhà, chàng thấy buồn, nên dọn sang ở tạm với Hoằng. Nhưng mới chỉ  được hai hôm, chàng đã tính trở về nhà cũ, vì bạn bè của Hoằng ồn ào suốt ngày đêm. Họ đánh bạc, cãi nhau, thậm chí đưa cả gái về…Nhưng Hoằng cố giữ chàng lại vì lớp tư cũng chỉ còn vài ngày nữa là hết, rồi về luôn Saigon cho tiện. Chàng đành nghe lời.

                Nhà Hoằng ở gần trường, mỗi lần đi qua, thấy sân trường vắng học trò, Chuyên lại nghe lòng buồn man mác. Mới đầu chàng không hiểu tại sao mình buồn, mãi sau chàng mới khám phá ra rằng cái gì cũng phải có đủ bộ. Chim phải có đôi, vợ chồng phải có nhau, không thể thiếu một được, thì trường phải có học sinh. Trường vắng học sinh là ngôi trường chết. Mỗi năm, trường "chết" mấy tháng hè. Chàng phì cười vì ý nghĩ ngộ nghĩnh của mình. Nhưng quả thật, cái gì cũng phải có đôi hoặc có bộ.  Thế mà sao chàng vẫn lẻ loi ?  Ừ nhỉ, sao mình lẻ loi ?  Chàng nghĩ đến Quỳnh, đến Liên. Quỳnh thì không nói làm gì, vì nàng và chàng chưa có một liên lạc nào, dù sau này chàng đã bắt đầu để ý đến nàng. Chỉ tiếc một điều chàng chưa kịp làm quen với nàng thì nàng đã đính hôn. Còn Liên ?  Nếu so tuổi, chàng cũng chỉ hơn Liên sáu, bảy năm. Người ta lấy vợ thua cả chục tuổi vẫn là xứng đôi vừa lúa. Liên vừa xinh đẹp vừa ngoan ngoãn, lại mới yêu lần đầu tiên. Chàng là mối tình đầu của Liên. Thế mà vì cố chấp chàng đã bỏ lỡ một dịp xây dựng hạnh phúc ?  Bất cứ ai ở cõi đời này cũng mưu tìm hạnh phúc cho mình. Thiếu gì thầy giáo lấy học trò ?  Cũng có trái luân thường đạo lý đâu ! Bây giờ Liên ở Saigon, nếu chàng muốn tim cô ta cũng còn kịp. Saigon rộng lớn, người đông, biết tìm  đâu ?   Chàng tự nhủ sẽ hỏi cho ra địa chỉ của Liên. Lần này chàng không thể để cơ hội tốt vuột khỏi tầm tay. 

                Rồi lớp tư cũng chấm dứt. Trước khi chia tay về với gia đình, người thì lên Saigon, kẻ xuống  tận Cà Mau, Hoằng tổ chức một bữa tiệc ngay tại nhà. Bữa tiệc thật vui, kéo dài đến quá nửa đêm. Sau một năm làm việc, tuy có nhiều biến cố, vui buồn, coi như tương đối thành công, Chuyên muốn tự thưởng mình nên đã buông thả trong cuộc vui chơi với bạn bè. Chàng uống hết một ly rượu mạnh mà chưa bao giờ dám thử nhắp môi. Khi tan tiệc, chàng không còn đứng vững được nữa. Hoằng và một người bạn ở chung nhà phải dìu chàng vào giường. Họ còn giúp chàng cởi giầy và quần áo.

Mãi đến gần sáng hôm sau Chuyên mới thức giấc. Chàng ngạc nhiên thấy có người nằm cạnh nên tỉnh ngủ ngay. Chàng chồm dậy và nhận ra người nằm cạnh là đàn bà, không một mảnh vải che thân. Chàng đoán đây là trò chơi của Hoằng và mấy người bạn. Ra khỏi màn, chàng bật đèn sáng, mặc quần áo xong, đánh thức người đàn bà dậy. Cô ta nheo mắt vì bị chói ánh đèn, ngái ngủ hỏi :

                "Uả, sao thầy dậy sớm thế ?  Trời còn tối mà."

                Chàng hỏi bằng một giọng hơi gắt :

                "Cô là ai mà sao lại chui vào giường tôi mà ngủ ?  Mặc đồ vô."

                Chàng ném cho cô ta bộ quần áo vứt bừa bãi dưới đất. Cô bước ra khỏi màn. Chuyên vội quay mặt đi, giục :

                "Mặc đồ vô !"

                Cô cười khanh khách :

                "Thầy mắc cở hả ?  Bộ thầy chưa thấy đàn bà trần truồng bao giờ sao ?"

                Như chợt nhớ ra điều gì cô lại hỏi :

                "Bộ thầy quên em rồi sao ?  Em là Liên, học trò cưng của thầy nè."

                Chàng hơi gắt :

                "Đừng có nói bậy nói bạ nữa. Đi chỗ khác cho tôi ngủ lại. Tôi đang nhức đầu lắm đây."

                Cô nhõng nhẽo :

                "Bộ thầy quên học trò cưng của thầy rồi hả ?"

                Chàng bực mình chép miệng :

                "Để tôi phải kêu ông Hoằng ra nói chuyện với cô mới được..’

                Nói xong, chàng liền đi vào nhà trong, nơi có giường ngủ của Hoằng  và mấy người bạn. Chàng bật đèn sáng làm mọi người thức giấc.Chàng nói lớn :

                "Hoằng, mày sang đưa cô ta về ngủ với mày đi. Tao cần ngủ quá vì đang nhức đầu mà không có chỗ ngủ."

                Hoằng có vẻ tỉnh ngủ ngay, ngồi dậy, vươn vai, ngáp rồi hỏi :

                "Bộ mày chê trò Liên rồi hả ?"

                Chàng năn nỉ :

                "Thôi, xin mày tha cho tao. Tao nhức đầu quá."

                Hoằng đề nghị :

                "Mày ngủ tạm giường tao đi, để tao ra giải quyết vụ này cho êm . Bây giờ còn sớm, đuổi cô ta về đâu có được. Nhưng mày bạc tình thiệt. Liên nó yêu mày như vậy mà mày nỡ đuổi nó."

                Chàng nhăn mặt :

                "Mày đùa quá lố rồi. Thôi, cút ra với nó đi cho tao ngủ lại một giấc nữa."

                Cả Hoằng và mấy người bạn cùng cười rộ lên. Chàng làm ngơ, chui nhanh vào giường bạn, nằm vật xuống ngủ ngay.