Tạp ghi

Thư Sinh : Một Tuần Tản Mạn

Bài viết đã được đăng trên tuần báo Tin Việt News số 725 phát hành ngày Thứ Sáu 16/4/2010 tại San Jose

Một Tuần Tản Mạn

 

VÀI SINH HOẠT TRONG THÁNG TƯ ĐEN

 

* Thư Sinh

 

Ở nước Mỹ, hình như tháng Tư dương lịch là một tháng tươi mát rực rỡ nhất trong năm, với muôn loài  thảo mộc đâm chồi nẩy lộc đơn hoa kết trái. Nhưng đối với người Việt lưu vong, tháng Tư lại nhuốm vẻ ảm đạm, với những tấm lòng trĩu nặng về dĩ vãng 35 năm về trước.

Riêng tại Thung Lũng Hoa Vàng, chúng ta ghi nhận được một số sinh hoạt liên quan đến tháng Tư đen tối này.

Trước hết, phải nói đến buổi ra mắt cuốn sách “Nửa Thế Kỷ Việt Nam” của Song Nhị. Tuy mang tính cách văn học nghệ thuật, nhưng buổi RMS này cũng là một cơ hội để tác giả, Ban Tổ Chức, và quí vị yêu sách  đến với nhau, và cùng nhau hồi tưởng lại những năm tháng đầy đau thương tang tóc trên quê hương Việt Nam chúng ta.

Anh bạn trẻ Lê Văn Hải, trưởng ban tổ chức RMS, cho đó là một “sinh hoạt văn học nghệ thuật nổi lửa để tưởng niệm tháng Tư đen”. Lối ví von đúng lúc đúng thời đó đã đánh trúng tâm lý đồng hương, làm cho buổi RMS thành công tốt đẹp. Dù hôm ấy, ông Trời có sụt sùi bằng một cơn mưa dai dẳng, nhưng vẫn không làm nản lòng nhụt chí gần ba trăm người kéo đến hội trường Học Khu East Side.

Như vậy, về mặt nhân hòa, cộng với số sách tiêu thụ, chắc cũng đủ để làm ấm lòng tác giả Nửa Thế Kỷ Việt Nam. Và có lẽ, ông Song Nhị còn lên tinh thần hơn nữa, khi nhận được email từ văn hữu Võ Ý, với những lời tỏ bày hết sức chân thành như thế này:

“Cá nhân chúng tôi đến tham dự RMS Nửa Thế Kỷ Việt Nam, không những để góp lời tán dương sức chịu đựng can trường và chí khí của con ngựa chiến Song Nhị, mà còn nhân thể để nói một lời tạ lỗi với anh là, chúng tôi cảm thấy xấu hổ vì đã lặng thinh không một lời bênh vực khi anh bị hàm oan. Chúng tôi tin rằng, tác phẩm máu lệ Nửa Thế Kỷ Việt Nam sẽ xóa tan những nghiệt ngã và mang lại nhuệ khí mới trên con đường phục vụ văn hóa và lý tưởng quốc gia dân tộc của nhà văn Song Nhị”.

Ông Song Nhị và Nhóm Cội Nguồn đã bị hàm oan ra sao trong vụ in ấn, phát hành hai cuốn sách của hai nhà văn quốc nội? Bài tản mạn kỳ trước, Thư Sinh tôi đã bàn đến khá đầy đủ rồi. Coi như “tin buồn văn học hải ngoại” đã kết thúc một cách có hậu, với sự nối kết đầy cảm thông và thân ái của hầu hết những người trong cuộc.

Tuy vậy, vẫn có một “văn hữu” còn ấm ức. Anh ta chuyển nỗi  ấm ức của mình, bằng cách… cầu trời mưa xuống, cho buổi RMS  phải  chịu cảnh…. ế độ!

Tôi không biết, đối với ban tổ chức buổi RMS và anh văn hữu hẹp lòng hẹp dạ kia, thì thành ngữ “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” đã rơi vào phía nào.

Xem ra, anh ta không được thiện tâm như ông Võ Ý, và không độ lượng như bà Cao Ánh Nguyệt, người đã trả lại sự thật cho Song Nhị, khi đăng đàn giới thiệu cuốn sách Nửa Thế Kỷ Việt Nam. Bài giới thiệu cuốn sách của bà, nói theo cách Lê Văn Hải – đã “Nổi Lửa” cho buổi RMS và những người tham dự. Dù trong lúc hào hứng, ông bạn Lê Văn Hải đã có phần dành dân lấn đất trong bài diễn văn khai mạc, bà vẫn lên diễn đàn với thái độ tự tin, không cần nhìn vào bài viết sẵn, nói thao thao bất tuyệt. Thật đúng là gốc nhà giáo, có khác. Trong gần hai chục phút, bà đã chinh phục được cảm tình của gần ba trăm quan khách, qua những lý luận vững chắc, làm nổi bật toàn bộ nội dung tác phẩm Nửa Thế Kỷ Việt Nam.

Bảo rằng, tôi khen bà như thế, là quá đáng. Vì bản tính đám mày râu chúng tôi vốn sẵn “ga lăng” với phái nữ. Nhưng đến mấy bà trong nhóm văn nghệ Mây Hồng cũng khen bà một cách nhiệt tình, thì  sự ca ngợi đầy vô tư ấy, đã là một phần thưởng tinh thần cho bà rồi vậy.

Nhưng không phải chỉ có bà Cao Ánh Nguyệt là vị nữ lưu duy nhất đã “Nổi Lửa” trong tháng Tư đen năm nay. Vì gần cuối tháng, còn một sinh hoạt xem ra còn nổi lửa hơn nữa, cũng do một vị nữ lưu chủ xướng. Đó là cô Hoàng Mộng Thu, với chương trình văn nghệ mang chủ đề “Chân Dung Người Lính Việt Nam Cộng Hòa”. Chương trình này sẽ được diễn ra vào lúc 2 giờ chiều ngày Thứ Bẩy 24 tháng 4, tại trường Trung Học Yerba Buena, số 1807 Lucretia Avenue, thành phố San Jose.

Qua lá thư ngỏ, cô Hoàng Mộng Thu đã tâm sự rằng: Kể từ sau 30 tháng Tư năm 1975, cô mới biết thế nào là sự hi sinh của những người lính Việt Nam Cộng Hòa, cũng như sự tàn độc của chế độ Cộng Sản sau khi miền Nam rơi vào tay chúng. Do đó, từ khi qua Mỹ, cô đã tự nguyện tham gia vào nhiều sinh hoạt với các hội đoàn quân đội.

Riêng mùa Quốc Hận năm nay, được sự hổ trợ của một số hội đoàn quân đội, cô sẽ làm một chương trình văn nghệ dựng lại hình ảnh thân thương hào hùng của những người lính năm xưa. Bởi thế, khi nhìn vào tờ chương trình được phổ biến hạn chế, tôi thấy toàn là những bản nhạc lính và được hát bởi những người yêu lính, thương lính.

Có điều, chương trình văn nghệ đầy ý nghĩa này, lại hoàn toàn miễn phí. Vậy, Hoàng Mộng Thu và các bạn của cô lấy tiền đâu ra để mà thực hiện. Một thân hữu đã trả lời thắc mắc của tôi bằng một thái độ đầy lạc quan: Cô xin được từ các nhà hảo tâm một ít tiền. Từ nay cho tới ngày hát cho lính đó, chắc sẽ còn nhiều vị góp thêm. Hoặc cùng nữa, nếu có lỗ lã chút đỉnh, thì cô và các bạn sẽ gánh chịu.

Thiệt đúng là, cô Hoàng Mộng Thu này chịu chơi thiệt! Cô đã thổi một ngọn lửa, làm ấm lòng mấy anh chiến sĩ, và khiến cho ngày 30 tháng Tư năm nay bớt đi những nét ảm đạm.

Tết vừa qua, chị em Hoàng Mộng Thu cũng đã làm cho đám lính tráng chúng tôi tràn đầy niềm vui, với cái quán lính trong Hội Tết.

Và tôi biết, trong quá khứ, cô còn mang cả sự ấm cúng vào trong nhà tù dành cho mấy đám trẻ Việt Nam phạm pháp.

Ấy vậy mà, có một lần, cô đã thất bại: Cháu Michelle, đứa con gái đầu lòng yêu dấu của cô. Sau khi cháu Michelle qua đời, người mẹ can trường này vẫn tiếp tục theo đuổi cuộc vận động phong trào hiến tủy trong cộng đồng người Việt, nhằm cứu giúp những người chẳng may bị chứng bệnh ung thư máu, như cháu Michelle. Và khi tôi viết đến những dòng chữ này (ngày thứ tư 14 tháng 4 năm 2010) – thì cô Hoàng Mộng Thu đang điều trần trước lưỡng viện Quốc Hội tiểu bang California, để vận động cho một dự luật – theo đó,  tất cả những công tư chức tiểu bang nếu đi hiến tủy, hoặc hiến các bộ phận khác trong cơ thể – sẽ được hưởng lương trong ngày đi hiến tặng và những ngày nghỉ  dưỡng sức.

Cũng cần phải  nói thêm rằng, đạo luật này sẽ được áp dụng chung cho mọi sắc dân trên toàn tiểu bang.

Chúng ta hi vọng dự luật này sẽ thành luật vĩnh viễn. Đó là niềm an ủi cho một người mẹ mất con. Vì nếu được lưỡng viện quốc hội chấp thuận, đạo luật sẽ mang tên đứa con gái yêu dấu của cô: Michelle!

 Vì khi nói đến đạo luật Michelle, chúng ta sẽ liên tưởng đến một bà mẹ chiến đấu bền bỉ, một phụ nữ thích làm những việc xã hội. Nhưng có lẽ, ít ai biết đến một Hoàng Mộng Thu thật mềm yếu trong tình yêu lứa đôi. Tôi chợt nhớ và tìm ra từ trong tủ sách gia đình tập thơ mang tên “Những Vần Thơ Của Tỵ”. Tập thơ mỏng, gồm mấy chục bài thơ tuy không tên (tựa bài thơ), nhưng bài thơ nào cũng man mác nỗi buồn, về một cuộc tình dang dở. Chẳng hạn như những câu thơ sau đây:

”Xa anh rồi mưa trời làm ướt tóc

Không còn ai che tóc ướt trời mưa

Xa anh rồi mắt khóc ướt như mưa

Còn ai nữa? Lau mưa cùng mắt ướt”

 

“Em cắn lệ chia sầu trên đầu bút

Lời thơ đau sầu mọc ở trong tim

Bởi tại em hay thơ thẩn đi tìm

Tình sầu đắng vẽ lên thơ với mộng”

Tôi nghĩ, nếu tiếp tục làm thơ, cô xứng đáng được gọi là một thi sĩ. Bởi, so với những “thi sĩ” dang tiếp tục gia tăng một cách đáng ngại tại vùng Bắc Cali này, cô vượt trội hơn họ rất nhiềụ! Vì cũng như lão thi sĩ Hà Thượng Nhân, tôi rất thích những câu thơ đầy ẩn ý và đầy tính sáng tạo. Mà mấy câu thơ sau đây, là điển hình:

“Trái đào còn trên cây

Để vầng trăng nằm ngửa

Một cụm mây trắng bay

Đêm ngày cho qua bữa”.

Tập thơ đầy nữ tính như thế đấy. Nhưng lạ thay, trong lời tựa, Hoàng Mộng Thu chưa hẳn là một người lụy vì tình. “Vì dòng nước mắt cũng chảy từ hai lỗ trống, xuống ven cánh mũi, trên má, rồi mình quẹt đi” (Những Vần Thơ Của Tỵ – trang 4). Những giòng chữ sau đây, cho chúng ta thấy, cô hướng về tha nhân, hơn là cho chính bản thân mình:

“Tôi có những người bạn nghèo khốn trong thời niên thiếu, sống hay chết vẫn nằm trong trí nhớ, nằm trong trái tim tôi suốt cả một quãng đời.

Và tôi có những người em không quen, không thân, nhưng tôi vẫn xót xa khi nhìn thấy các em với những bản án pháp luật mà em vô tình hay cố ý phạm phải”.

“Những Vần Thơ Của Tỵ được phổ biến trong ngày lễ của Cha (Father’s day) 15-6-97 tại thành phố San Jose California, và để gây quỹ cho anh em Thương Phế Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, theo lời kêu gọi thống thiết của một thương phế binh (Ngô Duy Thế) đăng trên báo Thằng Mõ, trang 37, số tháng 4-1997”

Như vậy, tập thơ tình này đã biến thành tiền, để giúp anh em Thương Phế Binh. Và nếu tính từ số báo Thằng Mõ tháng 4-1997, cho đến tháng 4 năm nay – là đúng 14 năm. Cô Hoàng Mộng Thu vẫn giữ nguyên một tấm lòng chung thủy với những người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Riêng chủ đề chương trình văn nghệ mang tên Chân Dung Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, làm tôi nhớ lại một chương trình văn nghệ khác cũng nói về lính, do Niên trưởng Giao Chỉ Vũ Văn Lộc thực hiện đã khá lâu. Chương trình này được quay thành video, mà lâu lâu mở ra xem lại, tôi vẫn cảm thấy thích thú. Vì tôi cũng là “diễn viên” trong cuốn video đó.

Năm nay, lần Quốc Hận lần thứ 35. Một con số có ý nghĩa. Nên niên trưởng Giao Chỉ Vũ Văn Lộc của chúng ta lại thực hiện một chương trình văn nghệ nữa, với chủ đề “35 năm nhìn lại”, sẽ được tổ chức vào lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật 23-5-2010, tại đại hí viện Center For The Performing Arts, thành phố San Jose. Căn cừ vào những điều niên trưởng Vũ Văn Lộc viết trên nhật báo Thời Báo, tôi cảm nhận dược tính chất tích cực trong chương trình văn nghệ có tầm vóc vĩ đại này.

Nếu đúng như vậy, thì tất cả những sinh hoạt liên quan đến ngày 30 tháng 4 năm nay, sẽ không còn mang vẻ u ám đen tối như những năm trước đây – Phải không bạn.

 

Thư Sinh