Tạp ghi

Thư Khanh : NGÀY ANH VỀ

NGÀY ANH VỀ 

(Bút ký năm 1982)
 Chuyện tôi ghi lại đây là chuyện thực 100% của tôi, xảy ra năm 1982  
 
 Vâng,
 Vào năm 1982 thì ông xã tôi được tha khỏi trại cải tạo! Từ XUÂN PHƯỚC anh trở về gày còm như một cái xác ve! Anh mặc bộ quần áo lúc đi trình diện cải tạo – Lúc đi thì mặc vừa mà nay mặc về thì bộ quần áo rộng thùng thình… Trông anh không còn hồn người… – một cái xác ve đang bước vào cổng… Ôm lấy vợ con!
 Rồi bà con xóm láng đến chia vui.
 Rồi anh đưa cho tôi coi cái giấy được cho về… Tôi tái xanh mặt vì trại phê là anh ấy phải đi kinh tế mới – khu chỉ định ở vùng TÂY NINH!
 Tôi và hai con chắc phải đi theo!
 Tôi chả còn gì trong nhà để bán để mua đồ ăn chiều hôm đó! Tôi mang đĩa khoai lang vừa luộc với điã đường lên cho anh và con ăn đỡ.
 Tôi bảo: "Chắc tụi mình sẽ chết anh ạ! Em không biết làm sao bây giờ – Mà giấy ra trại của anh lại phê rõ ràng là "Anh  phải đi kinh tế mới – khu chỉ định!".
 Anh Giang Đông bảo tôi:
 "Thôi được! Để anh mang giấy ra trình diện Công An Khu Vực đã và sang trình diện ông  Tổ Trưởng Tổ Dân Phố đã !"
Chờ Giang Đông đi rồi, tôi vào lục áo dài còn lại (may từ trước THÁNg TƯ ĐEN!).  Tôi lựa cái nào tốt đem đi bán! "1- 2- 3…"! Thôi tạm lấy ba cái tốt nhất  mới may…
 Tôi dặn con:
 "Mẹ đi chợ mua gạo và đồ ăn!  Bố về con nói vậy nghe!"
 Tôi đem ba cái áo dài qua nhà cô Nụ, một cô giáo dạy cùng trường cùng hoàn cảnh: Chồng đi cải tạo ở ngoài Bắc mới có một năm mà chồng cô đã bị chết trong trại. Cô có hai con nhỏ. Cô đi buôn chợ trời một buổi!
 Nhà cô Nụ ở ngay bên kia đường, đầu ngõ nhà tôi trông sang.
 Tôi gặp Nụ vừa đi lễ về, đầu còn chít khăn tang, tay dẫn hai con.
 Tôi nói:
 "Nụ ơi! Ông xã mình được về. Ảnh gầy còm lắm! Mình nhờ Nụ bán ba cái áo dài này nhé. Mình cần ngay tiền để đi đong gạo bây giờ!"
 Nụ bùi ngùi chậm nước mắt:
 "Chị còn được Chúa Ban cho chồng về… Còn em vĩnh viễn mất chồng! Biết bao giờ mang được mộ anh ấy về! Hai con em còn nhỏ hơn con chị!"
 Tôi cũng khóc theo Nụ. Một đứa chồng chết trong trại Cải tạo.  Nụ  đang đi dạy học. Mỗi tháng có 12 Ký lương thực, thì  2 kg gạo mốc xanh mốc đỏ,  bỏ ra cái sàng,  toàn mọt và sâu nhung nhúc bò ra lẫn  mốc bay lên! (Tôi không nói điêu!) và 10 Kg thực phẩm phụ, như bo bo, sắn, mì bột, mì sợi!
 Một đứa chồng về, không còn một manh chiếu lành! Bán từng cái giường cái tủ, từng cái… áo dài thế này mà còn chưa yên: SẼ BỊ ĐI KINH TẾ MỚI theo chồng!!!
 Rồi Nụ mở cái gói ra coi từng cái áo dài. Nụ khen:
 – Cái này mầu AIR VIỆT NAM, soa Pháp, dễ bán. Cái này mầu Vàng chanh hai lớp… như voan (?!) hơi khó bán vì tụi Khỉ chúng nó sợ hở hang! Nhưng sẽ bán được chỉ rẻ hơn soa Pháp. Cái này màu Tím Hoa Cà, hàng Thụy Sĩ! Được, cái này dễ bán!
 Nụ hỏi: "Vậy bao nhiêu để em nhắm bán dùm chị thôi! Em không ăn lời! Em bán ở đầu chợ Tân Bình! Vắt lòng thòng vào cánh tay! Hễ  Công An rượt thì chạy!
 Tôi nói: "Chị cần tiền em cứ bán. Bây giờ em đưa trước cho chị 30 đồng được không?!"
 Nụ vui vẻ móc tiền trong túi vải nhỏ có cái dây thắt miệng túi như mất cái túi của mấy bà ăn trầu…
 Nụ nói: "Chị coi. Buôn bán tiền phải bỏ như thế này. Hễ Công an đuổi thì nhét vội tụt vào trong cạp quần!
 Tôi an ủi Nụ: "Đời sống GIÁO VIÊN vậy đấy. Như cô Nhi phải bán rau muống ở đầu chợ. Cô Quỳnh bán Cà Rem, bắp rang dạo!  Thày V. đi đạp xích lô! Một buổi đi dạy, lòng dạ nào mà làm nhiệm vụ cao cả của Thày Cô là  "KỸ SƯ TÂM HỒN"  nữa!
 Tôi xách giỏ ra xe đạp, đạp  thẳng chợ, đong gạo và mua đồ ăn. Mua  có vài lạng thịt heo và hai miếng đậu hũ, mớ rau muống, củ tỏi, hành hoa,  rau răm.
 Khi về đến nhà  thấy  Giang Đông chưa về tới. Tôi bắc nồi cơm và làm đồ ăn… Tôi đang làm thì cô hàng xóm xế cửa tên là cô Bảy (trước Tháng Tư Đen  cô làm y tá, độc thân ở với bố mẹ – nay không làm mà lén chích thuốc tại gia!  Cô có người anh ruột làm Bác Sĩ Quân Y đã nhanh chân nên ngày 30 tháng Tư Đen, ông  đã đi qua Mỹ, thường gửi tiền về nuôi bố mẹ và cho cô).
 Cô Bảy tươi cười, tay cô cầm 5 trái cam và một ống thuốc màu tim tím… Và cái đèn bão,  một nắm nhang,  cái bật lửa, một chai dầu Nhị Thiên Đường. Cô ngồi xát tôi ân cần bảo:
 – "Nè chị Đông!  Em đem gấp cho chị các thứ này. Các thứ này rất cần cho anh chị đêm nay. Vì em biết có  ông Cải Tạo bị đi xa vợ lâu quá. Nhiều ông về không chịu nghỉ ngơi dưỡng sức,  lấy lại tinh thần… vội "nhào vô" với vợ là bị đứng tim, chết luôn! Có vài ba ông chết như vậy rồi đó!"
 Tôi bât cười: "T&o
circ;i lo buồn muốn chết! Giấy ra trại cho về bắt đi kinh tế mới! Đâu còn ham gì đâu!"
 Cô Bảy: "Vợ chồng nằm cạnh nhau… khó tránh lắm! Chị nghe em đi… đề phòng là tốt!".
 Cô nói tiếp: "Nghe em chỉ dẫn nè: Khi anh về tới giờ thì chị bổ cam vắt ra và cho đường vào cho anh ấy uống!  Rồi cho uống ngay một viên thuốc màu tím này là thuốc ngừa  sốt rét. Thuốc này tốt lắm uống liên tục tám ngày, mỗi ngày một viên để ngừa sốt rét! Bệnh sốt rét còn trong máu, muỗi nó đốt anh ấy rồi đốt sang cả nhà… nguy hiểm. Đây là lọ dầu gió! Lỡ chuyện anh ấy bị sỉu thì chị  "để nguyên" và cho con qua gọi em ngay. Em cấp cứu! Đừng xấu hổ đẩy anh ấy ra là Trời cứu!".
 Tôi đỏ mặt: "Tôi rõ trường hợp này rồi!".
 Cô lại tiếp tục: "Đây là chai dầu gió! Nếu đêm thấy anh ấy sốt là cạo gió ngay. Xong đắp chăn kín lại cho ấm. Rồi đốt cây đèn gió này. Tay cầm theo nắm nhang này và cái bật lửa này. Chị phải nhanh chân xách đèn vào xóm trong gọi cô Hương ra giác lể ngay. Cô này chuyên nghề Giác Lể và đang làm ở Ban Y Tế của Phường về Đông Y. Khi đi nhớ mang đèn và nhang, bật lửa. Vì chị phải đi qua Phường Đội  chúng nó canh mà chị đi không mang đèn hay nhang đốt đỏ là chúng nó bắn chết ngay".
 Tôi vừa làm cơm vừa nghe cô giảng giải!
 Vừa xong cơm thì cô Bảy ra về và ân cần dặn: "Chị nhớ lời em dặn. Nếu có gì gọi em ngay! Đừng xấu hổ! Em là Y Tá, anh Em là Bác Sĩ. Em biết rõ chuyện này!"
 – Tôi cám ơn cô!
 Tôi luôn được hàng xóm thương!
 Giang Đông về tới. Nét mặt rầu lo! Tôi hỏi: "Sao anh đi lâu thế?".
 Giang Đông nói:
 – "Vì anh ra Công An Khu Vực rồi ra Công An Phường! Tụi Công An Phường nói "từ sáng mai anh phải  ra phường  mỗi sáng phải ra trình diện và làm kiểm điểm. Rồi ăn Tết xong đi kinh tế mới!"
 Tôi rầu rĩ, pha nước cam cho anh uống và uống một viên thuốc màu tím cô Bảy cho.
 Tôi dọn cơm. Con cái còn nhỏ không hề biết chuyện bố mẹ chúng đang lo lắng thắt ruột.
 Ăn  cơm vừa xong thì con Phan Thị Hoài Hà, con gái của Phan Lạc Tuyên sang bảo: "Bố cháu mời chú sang uống nước!".
 Trong vòng mười lăm phút sau, Giang Đông về! Nét mệt mỏi, thất vọng đầy trên thân xác và khuôn mặt.
 Giang Đông hỏi:
 "Tủ sách anh đâu?"
 Tôi trả lời: "Sách thì Đoàn Cờ Đỏ tịch thu hết rồi. Còn tủ thì bán rồi!"
 Giang Đông  ngồi ôm con vào lòng hỏi han chuyện học hành. Rồi tắm rửa thay quần áo, đi ngủ.
 Tôi bảo anh ngủ với  con hai bên hai đứa. Em chấm bài cho học trò sẽ ngủ sau!

 ***

 Lòng thì buồn lo như vậy mà vẫn ham được!!!
 Tới gần mười hai giờ anh đã sang ngủ với tôi! Và chuyện Cô Bảy dặn Đề Phòng nó đã xảy ra thật!
 Tôi cạo gió cùng mình sau lưng, dọc hai bên xương sống  và trước ngực cho Giang Đông  nhưng anh vẫn sốt li bì không biết gì! Tôi qua gõ cửa cô Bảy. Cô Bảy chạy sang ngay! Cô giật tóc mai Giang Đông. Cô hốt hoảng bắt mạch! Cô bảo chị xách đèn bão vào gọi ngay cô Hương Giác Lể.
 Hay thiệt! Cô Hương giở đồ nghề ra. Có cái cục mảnh chai nhỏ như con dao nhỏ, sắc nhọn. Cô Hương đốt alcol trong một cái bát – cho hơ lữỡi dao này vào ngọn lửa alcol. Xoa dầu gió vào nửa người trên cho Giang Đông. Rồi lấy dao cắt  lể, máu rớm ra, lấy bông gòn thấm alcol lau sạch theo. Xong! Giang Đông đã tỉnh. Cô Hương cho uống một ly nước  ấm  chanh đường và gừng! Đắp chăn chùm đầu cho Giang Đông. Một lát sau cơn sốt hạ.

 Sáng sớm hôm sau cô Hương sang nhà tôi đem theo ly sữa nóng … và chữa đậu lào…!
 Giang Đông lững thững ra Ban Công An Phường trình diện và ngồi viết kiểm  điểm. Cứ ngồi đó viết cho đến khi nào các "đồng chí"  đọc mà bảo "Được"  thì cho về!.
 Đấy Bút Ký Của Tôi ghi lại một trong cả ngàn  "manh chiếu rách của Cuộc Đời"! Còn nhiều Đắng Cay…! Đắng cay nên phải Bỏ Nước Ra Đi!!!
 
THƯ KHANH