Sinh hoạt VTLV

Thơ : Tháng Tư 2014 của những tác gỉa trong VTLV


Tưởng Nhớ Tháng Tư

 

Bây giờ là tháng Tư năm 2009. Ðối với tháng Tư năm 1975 là 34 năm đã trôi qua. Thời gian trôi qua mau, nhưng những tồn tại trong quãng thời gian ấy đã bám trụ, đã nảy nở, đã kéo dài, đã trì triết con người, nhất là con người Việt Nam chúng ta hứng chịu bao đắng cay buồn tủi.

Một cuộc đổi đời, cả đất nước bỗng nhiên trở thành một nhà tù khổng lồ. Những nơi danh lam thắng cảnh đột nhiên biến thành bãi sắn nương khoai, người người khánh kiệt, nhà nhà khánh kiệt, sống một cuộc sống vô vọng không có ngày mai. Nhìn chung quanh chỉ thấy đói rét hận thù. Bà mẹ già quấn vội mảnh khăn tang trên đầu em nhỏ. Ðôi mắt người vợ ngơ ngác thất thần nhìn người chồng bị trói chặt dẫn đi trong đêm tối.

Ngày 30 tháng Tư một lời rao trên đài phát thanh, lời kêu gọi buông súng đầu hàng. Lời rao từ cuối ngõ đến đầu làng luôn luôn đem lại những tin tức ghê rợn, những buồn đau nhức nhối. Ai nghe đến lời rao cũng tê liệt tâm hồn, bàng hoàng thân xác. Từ người dân giả cho tới những bậc sĩ phu đều ngao ngán rụng rời.

 

Ngày Ba Mươi tháng Tư năm đó

Một lời rao hoa cỏ ngẩn ngơ

Nỗi đau chợt đến bất ngờ

Nhói trong huyết quản, sững sờ con tim

Cả Sài Gòn đắm chìm ngộp thở

Khắp miền Nam bỡ ngỡ kinh hoàng

Mây trời kết mảnh khăn tang

Giọt mưa đầu hạ như hàng lệ rơi

 

Ðến khi nhìn trên màn ảnh nhỏ, thấy những người ăn trên ngồi chốc hôm qua, nay thui thủi ươn hèn, mặt ngờ nghệch, tay chắp buông xuôi, lưng còng xuống thấp, hạ giọng nói lời khiêm nhu mà ngao ngán sự đời. Thấy kẻ chiến thắng hung hăng hách dịch, đi tới đi lui mặt đằng đằng sát khí, phát ra những lời bất nhã kiêu căng lại càng tủi nhục cho thế thái nhân tình.

Nghe như thế, nhìn như vậy mà hình như chưa đủ thấm, phải mãi về sau, những người đàn ông vắng bóng trong mái gia đình để đi vào lao cải, những đứa trẻ nhỏ không có trường để học, những bà mẹ già đến chùa thì chùa đóng cửa, hương khói lạnh tanh, những ông già đến nhà thờ thì thấy xe tăng vây kín, ra tượng đài cầu nguyện thì bị đuổi xô. Chuông giáo đường, chuông chùa đã ngừng ngân nga từ dạo đó.

Những người phụ nữ bị tách ra khỏi những phong gấm rủ là, bị đẩy ra giữa đường giữa chợ. Những người phụ nữ giờ đây đóng vai chính trong cuộc sống, bương trải để có gạo nuôi con, che dấu hình hài để tồn tại.

Năm nay sau 34 năm, tháng Tư bây giờ vẫn còn đầy dẫy những bất công, dân nghèo càng ngày càng nghèo, cán bộ, giai cấp cầm quyền càng ngày càng giàu có. Dân nghèo đến độ phải chấp nhận lưu vong, lấy chồng ngoại quốc. Nạn buôn bán phụ nữ Việt đã coi thường đạo lý, ngược với nhân luân và rẻ rúng đồng bào. Từ cổ chí kim không có một dân tộc nào chịu khổ đau đến thế, không có nhà cầm quyền nào táng tận lương tâm đến thế. Mấy trăm ngàn phụ nữ Việt Nam còn trẻ đã phải mang chính bản thân mình đi hầu hạ bàn dân thiên hạ khác giòng giống, khác chủng tộc. Hệ lụy của tháng Tư đen vẫn còn đau đớn bàng hoàng.

Ðối với đảng Cộng Sản đàn anh, quan thầy Trung Quốc thì ra mặt nô lệ. Cắt đất dâng biển, biếu đảo. Tài sản của ông cha, đất đai của tổ tiên, xương máu của đồng bào, những kẻ cầm quyền Hà Nội không cần đếm xỉa tới. Vì muốn giữ ghế quyền lực của mình, vì muốn đảng Cộng Sản yên thân bền vững, vì muốn bảo vệ cơ nghiệp của kẻ ăn trên ngồi chốc, vì muốn vinh thân phì gia cho nên những kẻ đương quyền vô liêm sỉ đã dâng hai đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Chưa đủ, chúng còn kéo lui biên giới để Bản Giốc, Nam Quan biến thành đất Tàu. Hệ lụy tháng Tư vẫn còn kéo dài ảnh hưởng đến giang sơn, tủi nhục đến cả linh hồn tổ tiên, đến niềm đau Tổ Quốc.

 

Tháng Tư năm nay, trong chương trình phát thanh này, chúng tôi xin đề cập đến những vần thơ viết về tháng Tư đen.

Du Sơn Lãng Tử lấy điển tích của 3 ngàn năm trước Thiên Chúa, một cuộc đại di cư qua biển đỏ để mô tả những người Việt Nam vượt biển máu Thái Bình Dương. Cuộc vượt biển liên tục từ 1975 của dân Việt đi tìm tự do khiến hàng vạn người đã bỏ thây trên biển cả.

Người Việt Nam như một bầy di điểu bỏ xứ tránh bạo tàn, tìm nơi nắng ấm thanh bình:

Mờ mịt phương trời ngút khoảng không,

Một đàn di điểu giữa mênh mông.

 

Sau tháng Tư di tản, mang mang niềm đau ly xứ, dấn thân vào cuộc sống lưu vong, nhà văn Giao Chỉ nhìn con đường lưu lạc chợt thấy lối về mờ mịt xa xăm:

Ðường đời muôn vạn nẻo, đâu lối về cố hương?

 

Ngọc Bích là nhà thơ hoạt động với Thi Văn Ðoàn Bốn Phương, đã nói về Tháng Tư như sau:

Tháng Tư khăn trắng đầy đầu

Tháng Tư phượng đỏ một màu chia ly

Tháng Tư lịch sử còn ghi:

Tháng Tư quyền sống cướp đi kiếp người

Tháng Tư đã mang khăn tang trắng, đã chia ly tan tác, đã cướp đi quyền sống và tính mạng người Việt Nam.

Tháng Tư nước mắt chan hòa, tháng tư là bỏ nhà bỏ cửa, tháng Tư là chôn vùi sĩ khí, nhưng tháng Tư Ngọc Bích cũng nhắc nhở rằng ra đi sẽ về:

Tháng Tư nước mắt chan hòa

Tháng Tư lìa cửa lìa nhà ra đi

Mà trong lòng vẫn khắc ghi

Tháng Tư thề hẹn ra đi … sẽ về

 

Trưa 30 tháng Tư cả miền Nam bàng hoàng khi cơn mộng dữ đã thành thảm họa đổ ập xuống trên mỗi thân phận con người, trên mỗi gia đình của cả miền Nam. Song Nhị nói về thân phận con người Việt Nam, nhất là những người đã từng cầm súng chiền đấu để bảo vệ quê hương thế mà nhiệm vụ không hoàn thành, nước đã mất, nhà đã tan thì còn thiết gì đến thân phận chiến binh:

Người rã ngũ rồi non nước đâu

tim ta máu đọng khối thâm sầu

hỡi ơi, trời đất cùng rơi lệ

trang sử lật rồi cuộc biển dâu!

Trong cuộc đổi đời bao nhiêu đớn đau dồn dập, bao nhiêu mất mát tang thương, cả nước xoay tròn trong cơn lốc. Tất cả được Song Nhị ghi lại trong bài thơ Ðổi Ðời như sau:

 

Dừng lại nơi đây giây phút này

tiếng khóc của chim

lời than của gió

em biết không em

ngã đời chia biệt

một phía sau lưng

một thuở son vàng

cùng với máu xương hoang tàn tội lỗi

 

Ta chẳng còn chi

ngọn sóng cuồng lưu xóa vùi đạo lý

nhân loại ai còn tiếng gọi từ tâm

ngôn ngữ văn chương lời rao quỷ dữ

đâu đó hồn thơ máu chảy tim người

ôi, mấy nghìn năm sử Tần lại viết

phố thị đã bừng ngọn lửa phần thư

 

Em biết không em

ta chẳng còn chi

hôm nay con người thọ hình lột xác

đồng bào nhìn nhau qua lớp kính mù

những bộ xương da thay hình trâu ngựa

không còn nhìn thấy nhau

thế gian thêm hận thù đố kỵ

thêm bất công khốn khó cơ cầu

 

Hôm nay anh không còn em

mọi người không còn nhau

đàn thú dữ tung hoành nanh vuốt

người lương thiện thành kẻ tội đồ

lũ gian ác nói điều thánh thiện

           

Hôm nay mặt trời màu xám

mặt đất màu đen

cây cỏ chim muông gục đầu chịu tội

hàng triệu linh hồn nhập tượng đá không tên

 

Sau tháng Tư đen người Việt Nam vội vàng vượt biên, vượt biển mong thoát nanh vuốt của đảng cầm quyền đi tìm tự do. Theo như mọi người ước tính số người bỏ nước ra đi chia làm 3 phần, một phần đến xứ tự do, một phần nằm trong lòng biển cả hoặc rừng sâu, một phần còn lại vào tù. Từ xưa đến nay chưa có dân tộc nào bỏ thây trên biển nhiều như dân Việt Nam. Tiềng than van rì rào trên biển cả nghe kỹ đó là tiếng Việt.

Sóng vỗ rì rào ai khóc than

Hỏi ra mới biết tiếng hồn oan

Dân nào rải rác thây trên biển?

Khắp thế gian này chỉ Việt Nam!

 

Chinh Nguyên hoài niệm về tháng Tư, tưởng rằng chuyện đó xa xăm. Ba mươi năm mà dài như thế kỷ chứa chất những đau thương trong bài BÂY GIỜ LÀ THÁNG TƯ như sau:

 

Bây giờ là tháng tư

Ðời tôi như chim lạ

Bay hoài trên biển nhớ

Lạc loài trong đám đông

 

Bây giờ là tháng tư

Lòng xót dâng biển mặn

Khóc bạn tôi nằm xuống

Nỗi sầu ôi mênh mông

 

Bây giờ là tháng tư

Trong đạn pháo giặc thù

Người tình thôi cũng mất

Ðời như đỉnh lá thu

 

Bây giờ là tháng tư

Mẹ tôi vẫn đứng chờ

Nơi biển Ðông gió lộng

Nhớ thằng con bơ vơ

 

Chinh Nguyên, chàng sĩ quan không quân gẫy cánh, vẫn cứ tự hỏi mình rằng Tháng Tư đi đâu? Về đâu?

Bây giờ là tháng tư

Nhục nhằn tủi quê người

Hai chín năm rồi đó

Buồn đong đầy không vơi

 

Bây giờ là tháng tư

Tỉnh say trong giọt sầu

Ðêm hoang lê hè phố

Tôi đi! đi về đâu!

 

Nhà thơ Hoa Văn đã trải tù đày từ Nam ra Bắc, vì là một sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị nên luôn luôn bị theo rõi. Ông cũng lênh đênh theo thân phận của những kẻ tù đày. Kết từ những khổ lụy, những hờn căm, những tình yêu, những chung thủy thành một đóa hoa để tặng em và cũng để tặng người:

 

Tặng Em một đoá hoa này

Kết từ khổ lụy những ngày trầm luân

Kết từ ngục thất tối tăm

Ngày tra đêm hỏi thiếu ăn đói lòng

Kết từ hai chữ thủy chung

Xẻ chia đùm bọc tình trong tình ngoài

Kết từ nghiã nặng hai vai

Tình yêu Tổ quốc rộng dài tháng năm

Kết từ vận nước buồn câm

Ra đi mang nỗi đau thầm được thua

Kết từ lời nguyện thề xưa

Cờ vàng sọc đỏ bấy giờ mai sau

Kết từ thơ ý ban đầu

Trăm năm trăm tuổi bỏ sầu trên tay

Tặng Em một đoá hoa này.

 

Nhà thơ Hải Phương khi bị chuyển ra cải tạo tại miền Bắc, sau ba ngày trên tàu biển từ Sài gòn ra Bến Thủy và hai ngày trên xe lửa từ Vinh lên Yên Bái, lúc vừa bước chân xuống bến phà Âu Lâu, đã bật ra những vần thơ lục bát để đời:

Chiếc xe lửa chạy ngật ngừ

Ngổn ngang từ đáy ngục tù bước ra

Hai hàng họng súng A ka

Lạnh tanh mùi thép chào ta lưu đày

 

Phần đông những người tù cải tạo muốn ghi lại những cảm nghĩ trong cuộc sống tù đày, hoặc ghi bằng bút, hoặc ghi bằng đầu:

Ðem ngòi bút nối tình sau trước,

lấy vần thơ gạn đục khơi trong,

viết về nỗi nhớ non sông,

viết lên thảm cảnh cùm gông đọa đầy.

 

Băng Ðình vẫn còn xục xôi lửa hận trong bài Hát Ô Hành độc vận trắc:

Phố Lu mắt lệ mờ Lào Kay

Yên Bái nhục nhằn đêm đả khảo

 

Thanh Chương ngục đỏ giữa sông Hồng

Thanh Phong, Thanh Lâm ai dám ngạo

 

Cả nước thi đua bụng đói meo

Nửa nước bị chẻ đầu tẩy não

Nhà thơ Băng Ðình quyết chí trở về cứu non sông thoát vòng quỷ đỏ:

Bởi đã đi nên quyết sẽ về

Tổ quốc ta trường sinh bất lão

Ông mong mỏi Việt Nam thành một xứ sở thanh bình trong yêu thương tốt đẹp như mùa xuân miên viễn

Tâm huyết ta sắt đá bắc cầu

Ðẹp mãi một mùa xuân vĩnh hảo

 

Ðông Anh viết nhẹ nhàng về cuộc lưu đày khốn khổ ra Bắc bằng những vần thơ:

Từng in chân nơi Nghĩa Lộ Văn Bàn

Nhỏ mồ hôi xuống Hà Tây, Thanh Hóa

Lũ chúng tôi không phải vài ba đứa

Mà hàng ngàn hàng vạn kẻ bại vong

Mang oan khiên ra rửa nước sông Hồng

Ðem uất hận trút lên rừng Yên Bái

Ðứa gục xuống bón cây rừng Bắc Thái

Cho lá xanh, cho rừng cỗi đơm hoa

Ðứa truyền ra chính nghĩa khắp Nam Hà

Cho lẽ phải sáng bừng trong đêm tối….

 

Vũ Ðức Nghiêm, người nhạc sĩ đã phổ nhạc bài thơ của Hà Thượng Nhân, Bàn Tay khô Héo thành bài nhạc Xin Làm Cỏ Biếc Vướng Chân Em Ði. Một nhà thơ cùng một nhạc sĩ bị biệt giam với nhau tại Thanh Chương. Xa cách hẳn bạn tù nhưng lại được gần nhau để cùng xướng họa. Một hôm nhà thơ nêu câu hỏi: “Học tập tốt, lao động tốt, đem đi nhốt! trước sau như một” Nhac sĩ bèn trả lời bằng bài thơ sinh nhật thứ 51 của mình:

Tuổi trời cho ta năm mươi mốt,

Ðau đớn thay, năm năm bị nhốt

Sáng sáng đẩy xe vài chục xe,

Chiều chiều ngô hột dăm trăm hột.

Thi đua lao động chẳng cần hay,

Học tập tăng gia không mấy tốt.

Thơ thẩn loay hoay, ngày lại ngày,

Lòng son sắt trước sau như một.

 

Chốt đã qua sông liền thí chốt.

Ba năm kiếm củi, một giờ đốt

Thảm thương thay, kẻ sĩ mang cùm,

Ngao ngán nhẽ, cáo cầy đội lốt.

Sông cạn khát khao vài trận mưa.

Núi cao chuyển mình từng cơn sốt.

Mơ ngày phục quốc, cứu quê hương,

Thù giặc Cộng, minh tâm khắc cốt.

 

Hà Thượng Nhân đọc Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị trong tù vào năm 1979 tại Thanh Chương, Nghệ Tĩnh. Sau đó ông viết tập thơ Bên Trời Lận Ðận lấy cảm hứng từ câu Cùng một lứa bên trời lận đận, gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau của Bạch thi sĩ.

Ông viết như sau: “Tâm sự, cảnh ngộ của Bạch Cư Dị đâu phải là tâm sự, cảnh ngộ của tôi, nhưng tấc lòng cay đắng Bên Trời Lận Ðận kia cũng là tấc lòng cay đắng của chính mình”

Vài củ sắn ăn chay suốt tháng

Một căn buồng trăm mạng chia nhau

Mỗi năm cơm sạn vài thau

Mắt thèm quên cả niềm đau thuở giờ

 

Tôi riêng bảo muốn khôn hãy dại

Lỗi tại ai? Lỗi tại chính mình

Trùng khơi thả sức cá kình

Chuồng con hổ báo cũng thành hươu nai

 

Tôi chỉ có vài tờ giấy xấu

Ngọn bút chì rướm máu bi thương

Những chiều mưa gió thê lương

Nhớ vô cùng nhớ con đường vào Nam

 

Ôi cơn gió heo may thuở trước

Lạnh ngàn năm sông nước Tầm Dương

Về đây rừng núi Thanh Chương

Nghe heo may nổi canh trường ngẩn ngơ

 

Nhưng dù đất lở trời long cũng không thể nào giam giữ được cái ngang tàng của nhà thơ, không thể nào níu được bước chân đã mỏi:

Thuở nhìn cảnh đồng bào đói khổ

Quyết xông lên đạp đổ bất công

Nắm tay dành lại non sông

Mà tô cho được màu hồng tự do

Khắp nam bắc ấm no hạnh phúc

Ta về bên khóm trúc nhìn trăng

Ngày nay gặp cảnh bất bằng

Ðêm đêm vẫn nghiến hàm răng đợi chờ!

 

Hà Dzi sau khi đi tù vì mất nước đã viết hờn vong quốc, mang thân chiến bại từ ngõ trầm luân:

ta về từ ngõ trầm luân

quê hương còn lại mộ phần nước non

em tôi đôi mắt lạnh buồn

nhìn nhau xoa vết roi đòn trái ngang

Lao đao vì tháng Tư, nhà thơ sống trong cảnh chơi vơi, đã lạc lõng trong một xã hội mà xung quanh toàn kẻ thù:

ta về đêm mất thăng bằng

và em nước mắt muộn màng khóc ai

buồn chung một cảnh hoang thai

cùng vương một tuổi mang tai ách đời

ta về lạc lõng chơi vơi

hoàng hôn chế độ liệm người tôi trung

hùm sa cơ thét giữa rừng

ngàn cây rũ bóng lưng chừng tóc râu

 

Tuy vậy niềm tin vẫn được nuôi dưỡng. Hà Dzi tin ở lòng người và tin ở mối tình chung thủy ngàn xưa:

đêm về che nửa địa cầu

sau lưng bóng tối tìm nhau rửa hờn

em về tô lại vệt son

trên đôi môi mẹ đã sờn vết nhăn

và ta qùy gối ăn năn

xin hồn vong quốc vành khăn quấn đầu

ta và em vẫn còn nhau

vẫn niềm tin ấy và câu ước thề

 

Sau ba mươi tư năm lưu lạc Nhà thơ Hồ Công Tâm vẫn có Niềm Tin Bất Diệt. Tin vào tương lai của chính mình, tin vào tinh thần dân tộc để xác tín vào lá cờ vàng ba sọc đỏ như một biểu tượng muôn đời bất diệt cho lịch sữ mãi trường tồn:

Tháng Tư từ độ ấy chia tay

Kẻ ở người đi vẫn nhớ ngày

Thép súng bao năm trơ sét rỉ,

Vàng son phút chốc thoắt mây bay!

Ta còn ấp ủ niềm tin ấy,

Lòng vẫn chưa nguôi mối hận này!

Xác tín cờ vàng ba sọc đỏ

Trường tồn cùng Sử Việt hôm nay.

 

Thư Khanh nhìn vùng trời tây bắc Mỹ, tuyết rơi lạnh mà nhớ Sài Gòn nắng ấm, mà thấy lòng mình bỗng đắng cay

Vùng trời Tây Bắc Mỹ .

Mịt mờ mưa đang bay .

Tôi ngồi bên cửa sổ .

Ngẫm nghĩ và … đắng cay !

 

Sài Gòn : Tháng Tư Ðen .

Bỗng hiện về trong trí .

Tiếng lòng nghe khe khẽ :

“ Em chưa quên sao em ? ! “

Tháng Tư, chồng đi tu,ợ một mình bơ vơ giữa chợ đời, lạc lõng ngay giữa lòng quê hương, Thư Khanh không bao giờ quên được

– Tôi vẫn chẳng sao quên .,

Những ảnh hình tan nát :

“ Sài Gòn vừa sụp đổ

Vẫn còn dài trong tôi ! “

 

Mấy chục năm xa rồi .

Niềm đau chưa tan biến .

Nước mắt sầu bịn rịn .

Từng giờ mong đổi thay …

Ngày đêm thương nhớ nước, thương nhớ chồng là nhà thơ Phan Lạc Giang Ðông. Những hình ảnh nhà và nước khiến Thư Khanh nuôi một niềm hy vọng

Tôi vẫn chờ Tương Lai :

“ Nước Ði Nước Lại Về ”

Có một ngày hy vọng ?

– Ôi lòng đầy tái tê .

 

Sáng nay ! Tây Bắc Mỹ .

Mưa vẫn giọt đều đều .

Âm thầm lên tiếng nấc .

Nước mắt sầu dâng theo .

Thư Khanh cô đơn nhưng vẫn hướng dẫn cho đàn con giữ vững niềm tin. Tin sẽ có ngày trở về trong vinh quang để nhìn Sài Gòn Hà Nội ăm ắp tình thương.

 

Lưu Thái Dzo luôn ghi nhớ Quốc Hận. Ông đếm từng ngày, đếm cho đến năm thứ 34 để viết vần thơ về NHỮNG TỜ LỊCH CUỐI THÁNG TƯ:

 

Những tờ lịch cuối tháng tư đen

Thầm nói cùng ta, nói với em

Rằng nhục tủi kia còn nhọn hoắt

Còn xuyên da thịt giống Rồng Tiên .

 

Những tờ lịch cuối tháng tư buồn

Thúc hối người lo chạy áo cơm

Ðến nỗi vùng tim đau, sợ nợ

Khi đời lưu xứ vẫn cô đơn .

 

Những tờ lịch của nhà thơ Lưu Thái Dzo đếm cuộc đổi đời, đếm thời gian và những chặng đường của tù đày, của lưu vong và của uất nghẹn:

Những tờ lịch cuối tháng tư về

Vẽ lại mùa xưa chạy loạn ly

Người một giống dòng sao đuổi bắt

Vạn thân gục chết, một đường đi ?

 

Những tờ lịch cuối tháng tư rơi

Gợi nhớ, phương xa, những miệng cười

Hay chỉ là chùm môi hát nhé

Bài ca ý cũ, đổi thay lời ?

 

Nhà thơ Nguyễn Ðông Giang sau khi ở tù về thấy Sài Gòn mất tên đã gom lại niềm đau mà viết bài NGÀY SÀI GÒN ÐỔI TÊN:

 

Từ ngày Sài gòn đổi tên

Nỗi đau vật vã , oằn mền trang thơ

Trở tay không kịp ván cờ

Choàng cơn ác mộng , bơ vơ xứ người

Sài gòn đã mất tên, bao nhiêu người Sài Gòn ôm một nỗi đau. Ðau từ trong tâm khảm đến tứ chi. Ðau trong lòng người, đau cả ngoài hè phố và đau cả đến thi ca:

Từ ngày Sài gòn mất tên

Thi ca bật dậy, tiếng rền thiên thu

Xưa đi chinh chiến xa mù

Nay đổi di trú , đi tù núi cao

Còn em vượt biển năm nào

Biển xanh đâu nở , mà sao chẳng về ?

Hay là em nặng lời thề

Quê hương đỏ khói , chưa về làm chi

Nỗi đau như quanh quẩn, chợt bùng lên, khi nén xuống, khi ở khi đi thì nỗi đau vẫn cứ lẽo đẽo theo hoài người mất nước:

Sài gòn từ thưở mất tên

Bàn dân thiên hạ , trở nên khác thường

Ði thì nhớ ở thì buồn

Ðã đi vẫn ở , ở tuồng như đi

Em ơi còn nói được gì

Lỡ tay buông súng, tức thì mất tên

Rồi Sài gòn mất tên, một cái mất mát to lớn vô cùng, Nguyễn Ðông Giang đã gào lên mà hỏi:

Núi sông xưa lạ mất rồi, sao em ?

Sài gòn, ơi hỡi cái tên

Thơ ta vẫn mãi, gọi em bên trời…

 

Huệ Thu nhớ lại nỗi đắng cay của người thua cuộc. Chồng ngoài trận chiến chưa về, bồng con nhỏ trên tay mà ôm nỗi đau nhoi nhói lòng:

Lại tháng Tư rồi, buổi Tháng Tư !

Làm sao đau đớn bỗng dưng từ…

Có ai còn nhớ quê ngày ấy

Nón cối về đầy chật Thủ Ðô ?

Qua bao chặng đường vượt biên vượt biển, nay sống ở quê người mà nhà thơ vẫn cứ nhớ quê, nhớ cảnh, nhớ Sài Gòn hai chữ thân thương:

Bỗng nhớ làm sao một buổi chiều

Ôi ! Sài Gòn cũ đất thân yêu

Hình như ai đọc câu thơ cũ

Lại khiến mình thêm nhớ bấy nhiêu

 

Ba mươi bốn năm qua đi, nét rừng rú cũng phai dần, tính tinh khôn và đục khoét lại tăng cao, xã hội ngày thêm băng hoại, tình đời mỗi lúc nhạt phai và lòng yêu nước lại lu mờ, chỉ tôn thờ cá nhân và dục vọng. Hồn cáo còn đưa đường dẫn lối, ngàn đời dân Việt vẫn long đong!

Người tù lao cải đã thoát cũi xổ lồng, tìm tự do trước mặt bỏ quê hương đất nước sau lưng. Ðường đi muôn vạn ngả, nhưng đường về chỉ có một lại bị cấm ngăn, đóng cửa rút cầu cho nên cứ triền miên làm kiếp lưu vong, suốt đời thành chim di trú. Nhìn quê hương xa mà lòng đau như cắt. Sống ở quê người mà tâm hồn thổn thức không nguôi.

Hàng năm cứ mỗi lần tháng Tư qua, lại nghe lòng mình dào dạt, những tiếc nuối, những khắc khoải lại trở về chứa chất nặng chĩu trong lòng mọi người dân Việt trong cũng như ngoài nước như nhắc nhở cùng nhau nạn nước, đổi đời. Mọi người vẫn hằng ao ước có một đất nước thanh bình yên vui để nắm tay nhau quên hết hận thù cho má thắm điểm hồng môi thiếu phụ Trời xuân lại ngọt, gió xuân tươi, để chim di trú được họp bầy dưới ánh nắng Trường Sơn.

Nhớ tới quê hương sau ba mươi bốn năm xa xứ, mỗi người trong chúng ta đều hoài vọng, tuy mỗi người một cách khác nhau, nhưng tựu chung nỗi lòng hướng về tổ quốc vẫn là một. Lòng yêu nước thiết tha vẫn nằm trong tâm khảm mỗi người, cho nên ai cũng mong cho giang sơn được thanh bình, tự do no ấm, người dân được mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình.

 

Ðông Anh

 

Nguyệt Thực 15/4

Bỗng nửa đêm rằm trăng đỏ tươi

Nhìn lên chợt thấy máu ngang trời

Tháng Tư lại nhớ bao năm trước

Ba chín năm rồi máu vẫn tươi

Đông Anh

NIỀM TIN BẤT DIỆT 

Tháng Tư từ dạo ấy chia tay

Kẻ ở người đi vẫn nhớ ngày

Thép súng bao năm trơ sét rỉ

Vàng son phút chốc thoắt mây bay

Ta còn ấp ủ niềm tin ấy

Lòng vẫn chưa nguôi mối hận này

Xác tín cờ vàng ba sọc đỏ

Trường tồn cùng Sử Việt xưa nay

 

Hồ Công Tâm

Tháng Tư !

Đời vất vưỏng thiên thu sứ ngoại…

Nhìn mưa rơi nhớ nước sông Hồng

Bóng nghiêng đổ soáy niềm thương cũ

Tóc bạc tơ lòng hận tháng tư.

Chinh Nguyên

Buồn sau cuộc chiến

 

 

 

người khóc khi vừa ngưng tiếng bom

mầu ô-liu bốc cháy căm hờn

đôi giầy sô ngất buồn trên rác

súng đạn thôi là vợ với con

 

nón sắt ai trên báng súng dài

lưỡi lê ghim ngược xuống trần ai

chiếc bao lô nạm mầu sương gió

máng lạnh lùng trên lưới kẽm gai

 

người khóc khô thời gian tháng tư

cho chồng con chết trong lao tù

cho người thân ướp đời trên biển

cho chính mình trong lốc viễn du

 

người khóc bên đây bờ đại dương

khi nhìn con cháu bỏ xa trường

hoen lên phong hóa người quê lạ

mất cả ân tình cả cố hương

 

nước mắt rơi xoi đời nghiệt oan

lặng nhìn nghi ngút đống tro tàn

ai thiêu văn hóa trên mầu xám

chữ nghĩa vơi dần tiếng việt nam

 

                                          hà dzi


Bài Hành Tháng Tư

 

Lại một tháng Tư về nữa đấy

Tính ra đã được ba mươi năm

Bao năm như chứa toàn giông bão

Xô giạt đời người ngập tối tăm

Nắng sớm mùa xuân chìm biển lửa

Từng làn khói lộng gió căm căm

Tháng Tư mùa chướng trong lòng đất

Từ đó tình người đành ngậm tăm

Cờ đỏ phủ đầy trên phố vắng

Máu tươi che kín ánh trăng rằm

Con đường cải tạo xa hun hút

Tiếng kẻng đêm trường buốt lạnh căm

Đối xử cùng nhau như thú dữ

Tay liềm tay búa sẵn sàng băm

Hồng Hà đỏ đậm thêm màu máu

Khinh bạc non sông giốngï thú cầm

Uất hận dâng cao rừng Bắc Việt

Oan khiên bao phủ khắp sơn lâm

Giật mình còn tưởng trong lao ngục

Chân đất tay không chốn cát lầm

Thất thểu bóng ma mùa cải tạo

Ánh trăng âm phủ treo đầu nằm

Lưỡi dao thần chết vươn dài mãi

Song sắt gọi hồn giữa oái oăm

Lìa xác canh khuya nơi ngục thất

Gia đình biền biệt chốn xa xăm

Bạn bè cố đốt cây nhang lạnh

Cầu nguyện cho người thoát tối tăm

Hàng kẽm gai dầy quanh đáy mộ

Bên trời mắt cáo ngó đăm đăm

Tháng Tư hồi đó bao oan khuất

Thù hận theo hoài mấy chục năm

Thây ướp công trường chờ rữa nát

Đợi hồn ngạ quỷ biệt mù tăm

Thi nhau chúng múa trên thân xác

Còn chút xương khô cũng cố vằm

Nước đã mất rồi thân cũng mất

Tình nhà nghĩa bạn có bao lăm

Nghĩa trang Quân Đội tan từng mảnh

Khói lạnh hương tàn vắng kẻ thăm

Nấm mộ quê xưa bình địa cả

Ngu ngơ lau sậy gục đầu câm

Tháng Tư lại đến thêm lần nữa

Gợi nhớ niềm đau những lỗi lầm!

 

 

Đông Anh

Tháng Tư 2003

 

Bài họa

Tháng Tư Còn Đó Hờn Căm

 

Hai tám năm mà như mới đấy

Xứ người nương náu đã bao năm ?

Tháng tư thuở ấy trời mưa bão

Hồng thủy dâng tràn… máu sủi tăm

“Giải phóng” miền Nam gieo khói lửa

Nồi da xáo thịt dậy hờn căm

Hôi tanh nhầy nhụa xông trời đất

Đạo nghĩa luân thường bỗng mất tăm

Tang tóc bao trùm non nước vắng

Đền chùa hoang phế cả hôm rằm

Người đi vào ngục tù heo hút

Kẻ ở cơ hàn gió rét căm

Cờ đỏ theo chân bầy quỷ dữ

Dao phay, mã tấu chém cùng băm

Giang sơn chữ S tanh mùi máu

Đồ tể phanh thây kẻ nhốt cầm

Thảm họa kinh thiên nòi giống Việt

Oán hờn rung chuyển tận u lâm

Non sông chốn chốn nơi nơi ngục

Dân tộc ăn năn một chữ lầm

Bao kẻ ngây thơ oan nghiệt tạo

Đêm đêm trằn trọc chẳng yên nằm

Tù đày đói khổ điêu linh mãi

Cầu chết cho đời thoát oái oăm

Nhắm mắt xuôi tay quên đắc thất

Đường về nghĩa địa bước xăm xăm

Bốn phương mây trắng hồn ghê lạnh

Vực thẳm rơi tòm xác mất tăm

Xương trắng uất hờn vùi dưới mộ

Quê nhà thân thích ngóng đăm đăm

Cha con chồng vợ đành xa khuất

Chờ đợi mỏi mòn, năm lại năm

Tổ quốc cơ đồ đang đổ nát

Anh hùng tuấn kiệt lặng hơi tăm

Tương lai đất nước càng xơ xác

Bầy quỷ hung hăng xé, chặt, vằm

Rường cột đổ xiêu, chi cũng mất

Canh rình, lang sói cứ lăm lăm

Xé tan thân xác người muôn mảnh

Địa ngục mùa xuân chẳng đến thăm

Góp bão anh hùng nuôi chí cả

Nổi giông lau sậy hết thầm câm

Giang sơn quang phục phen nầy nữa

Rửa nhục thiên thu một chữ lầm !…

 

THIÊN TÂM

Tháng 4 – 2003

 

 

 

 

 

 

Bài Họa

Bài Hành Tháng Tư

 

Mỗi tháng Tư về ta vẫn đấy

Thoáng vèo mà đã mấy mươi năm

Bôn ba lòng uất từng cơn bão

Viễn xứ dạ sầu những tối tăm

Tháng ấy quê ta tràn máu lửa

Xuân này đất mẹ ngập hờn căm

Tháng Tư nghiệp chướng rung trời đất

Có phải trời đày phải biệt tăm ?

Giặc đỏ tràn về làm phố vắng

Tuổi xanh mất cả thuở trăng rằm

Tương lai mù mịt dài hun hút

Nồng ấm bạn xưa bỗng lạnh căm

Rình rập ngày đêm gieo mộng dữ

Giặc về, vung mã tấu chờ băm

Giang sơn nhuộm đỏ toàn màu máu

Đồng loại mà như lũ thú cầm

Uất khí phủ trùm non nước Việt

Máu sôi sùng sục tận sơn lâm

Âm thầm cả nước đi vào ngục

Lầm lũi toàn dân khóc mình lầm

Hậu chiến những mong quê tái tạo

Thanh bình cứ ngỡ gối đầu nằm

Nào ngờ khổ lụy thêm thêm mãi

Bừng tỉnh hóa càng oái oái oăm

Nếu chửa gông cùm trong ngục thất

Đành liều vượt biển đến xa xăm

Rừng thiêng nước độc phơi thây lạnh

Thơ thới tinh thần khỏi tiếng tăm

Nặng một khối sầu trong đáy mộ

Hơi tàn nhưng mắt vẫn đăm đăm

Thân trai dù chết không hề khuất

Chí cả trường tồn với tháng năm

Thể xác chấp ai cưa, chặt nát

Chiêu hồn tráng sĩ chút hơi tăm

Hiên ngang, uy dũng không màng xác

Dù giặc dã man có chém vằm

Nước mất thân này nào sợ mất ?

Thù nhà nợ nước phỏng bao lăm ?

Chí trai ví xẻ ra từng mảnh

Xin tặng cố nhân lúc viếng thăm

Tử biệt sinh ly rồi đến cả

Hơn nhau người nói, kẻ đành câm

Tháng Tư dù đến hay không nữa

Vẫn nhớ thù xưa, chuộc lỡ lầm !

 

HOÀNG NGỌC VĂN

Tháng Tư – 2003

 

 

 

Họa từ thơ Đông Anh

Bài hành tháng Tư

 

Bọn Đỏ – tháng Tư Đen còn đấy

quê hương nghèo xác trải mươi năm

chưa qua bĩ cực thái lai hẳn

Tạo Hóa xoay vần mù mịt tăm

những tưởng ra đi rồi trở lại

giao thương hòa giải đ thù căm

lưu vong mơ hẹn ngày quang phục

chí khí từ ai … mà biệt tăm

cải tạo vết hằn sâu nhức nhối

còn đau hơn cả đạp gai rằm

những tên kiều phản lôi bêu rếu

trên báo, sóng đài chuốc hận căm

Danh Dự-Núi Sông và Trách Nhiệm

sao mà bọn chúng cả gan băm

tự do đâu th được làm láo

thế giới ngưi đâu phải thú cầm

hăm tám năm dân tình đói khổ

họng nanh xiềng Quỷ Sứ sơn lâm

nhà th- chùa biến làm kho vựa

gom nhốt ngưi tu khép lỗi lầm

trong nước đã đau còn hải ngoại

xe xua kiều hối bọn vùng nằm

vét vơ những đứa vô liêm sỉ

khúc ruột kiều bào chuyện oái oăm

cốt lõi cũng vì tiền bạc cả

nước gần cho đến xứ xa xăm

tuyên truyền cả nước m" toang cửa

cuộc sống dân còm vẫn tối tăm

tôn giáo – tự do vào ngục tối

dựng xây đảng bộ mắt chiêu đăm

bắt quàng phản động ngưi đồng chí

kháng chiến hết mình mấy chục năm

thôi nhé từ nay lòi Ngạ Quỷ

chẳng còn cách mạng mịt mù tăm

lộng hành quyền thế mà vơ vét

biết thế lung lay còn cố vằm

vàng bạc dollars vào khố cả

thấy mà xem bọn chúng lăm lăm …

Ngưi Xưa :" bất chánh đương nhiên bại"

Yêu Nước ! … cơ tri sẽ đoái thăm.

ắt có rồi đây ngày phục quốc

dân ca Việt mãi … chẳng còn câm

niềm tin Đại Nghĩa từ tâm

lòng dân rộng lớn xóa tan lỗi lầm

Tố Nguyên 16 04 2003

 

 

 

NGÀY SÀI GÒN ĐỔI TÊN

Từ ngày Sài gòn đổi tên

Nỗi đau vật vã , oằn mền trang thơ

Trở tay không kịp ván cờ

Choàng cơn ác mộng , bơ vơ xứ người

 

Từ ngày Sài gòn mất tên

Thi ca bật dậy, tiếng rền thiên thu

Xưa đi chinh chiến xa mù

Nay đổi di trú , đi tù núi cao

Còn em vượt biển năm nào

Biển xanh đâu nở , mà sao chẳng về ?

Hay là em nặng lời thề

Quê hương đỏ khói , chưa về làm chi

 

Sài gòn từ thưở mất tên

Bàn dân thiên hạ , trở nên khác thường

Đi thì nhớ ở thì buồn

Đã đi vẫn ở , ở tuồng như đi

Em ơi còn nói được gì

Lỡ tay buông súng , tức thì mất tên

 

Sài gòn từ thưở đổi tên

Nhặng ruồi đươc bật, đèn xanh bay vào

Cùng ma cùng quỷ lao xao

đỏ trời vì những , vị sao lạ đời

Hỡi ơi vật đổi sao dời

Núi sông xưa lạ mất rồi , sao em ?

Sài gòn , ơi hỡi cái tên

Thơ ta vẫn mãi , gọi em bên trời .

 

 Cali – NGUYỄN ĐÔNG GIANG

 

Nỗi buồn tháng tư.

Oklahoma City, 27/4/2014.
TĐL. 

BUỒN ….

 

Mười sáu trăng tròn năm bảy lăm

Theo cha theo mẹ mấy chục năm

Suốt đời bận rộn nào ai biết

Bây giờ nhớ lại, thiệt khổ tâm!

 

Ngày đó ra đi chẳng biết gì

Tuổi thơ khờ dại lắm ngu si

Bạn bè dăm đứa theo biển rộng

Mỗi đứa một đời, cỏi biệt ly

 

Ngày xưa năm ấy kéo nhau đi

Ngóng trước nhìn sau chẳng thấy gì

Tương lai mù mịt sầu muôn thuở

Dẫm dấu chân khờ ở chốn ni

 

Ba chín năm rồi ai biết không?

Nhiều khi ngồi nghĩ, chỉ buồn lòng

Ra đi để hồn thờ với thẫn

Đất nước yên lành, lắm đợi mong!!!

 

lmm

4/17/2014

Ngồi nhớ lại.. đã 39 năm xa quê nhà….. hic hic

4/23/1975 là ngày lên phi cơ tại phi trường TSN Sài Gòn – Đúng 39 năm!!!

 

 

 

 

LÁ THƯ GỬI NGƯỜI EM QUÊ HƯƠNG 

Chị ở bên này vùng trời Tây Bắc Mỹ

Cái gì cũng thừa duy thiếu Việt Nam

Mở miệng nói ra …- Người cười bảo: “ Xuẩn ! “

Nhưng thực tình chị rất thiếu Việt Nam . 

Chị giải thích thế nào cho em rõ .

Trong khi em đang đói khát từng ngày .

Đêm bới rác dưới đèn đường leo lét .

Mặt trời lên em gục ngủ gốc cây …! 

Mấy chục năm trời giai cấp bị trị .

Em nghèo hèn : Một con chó . Tên người .

Tên em đó Cột Kèo Soài Mận …

Tháng năm dài nghèo đói có ai hay . 

Thuở sinh ra không tên – không lý lịch .

Bố mẹ chết vùi – bom đạn tháng tư .

Đại lộ Kinh Hoàng . Ban Mê Đất Đỏ .

Biết bao xương khô máu đỏ chan hoà . 

Chị ở đây cái gì chị cũng có .

Riêng thương về em . Không có Việt Nam .

Nhớ mẹ ruột vùi thây trong bom đạn .

Đất nước dâng Tầu – mất hết Non Sông ! 

Thôi em nhé lá thư dài hay ngắn .

Tựu chung là lòng chị vẫn thương đau .

Ở bên này dù đất trời đầy đủ .

Nhưng khóc trong lòng . Em hiểu vì sao ? ! 

THƯ KHANH

Phù Dung

 

Tháng Tư nắng rụng bên ngàn

Dật dờ gió chướng điêu tàn phù dung

Bao năm mải miết trên rừng

Về đây thành phố ngập ngừng ra đi

Phù dung hoa nở đương thì

Nhạt nhòa nắng quái, rù rì gió ngang

Em đi nước mắt hai hàng

Gót son rướm máu bàng hoàng biệt ly

Bên trời lạnh ánh sao khuya

Bên mình ngàn nỗi phân chia hãi hùng

Nước non dâu bể khôn cùng

Tình ta bỗng chốc ngàn trùng cách xa

Phù dung rũ cánh chiều tà

Héo hon nửa kiếp cũng là phù vân

Ai về nẻo cũ quan san

Cho ta gửi cánh hoa tàn tháng Tư

Ba Mươi Năm cũng là dư!

 

Đông Anh

ĐÊM 30 THÁNG 4 NĂM 1975 

Ta đã khóc như một thằng trẻ dại
Cúi gục đầu thành chiến bại bất ngờ
Cởi áo bào ta cảm thấy bơ vơ
Khi nghe lệnh phải xếp cờ buông súng.

Tim vỡ vụn mà sao nghe lúng túng
Nhìn quanh mình đạn, súng bỏ tứ tung
Lòng nhói đau thương kiếp sống oai hùng
Nay cúi mặt giấu hờn căm tủi nhục

Cả thành phố đắm chìm trong cảm xúc
Nỗi đau buồn như củi mục cành khô
Thất thểu đi như từng bước xuống mồ
Thương bè bạn hy sinh đời vô ích.

Cuộc chiến tàn nhưng lòng đầy thương tích
Mất quê hương là mất cả tâm hồn.
Kiếp sống thừa không giữ được nước non
Niềm tủi hổ biết bao giờ gột rửa? 

Vũ Uyên Giang
Saigon tối 30/4/1975

BÂY GIỜ LÀ THÁNG TƯ

 

Bây giờ là tháng tư

Đời tôi như chim lạ

Bay hoài trên biển nhớ

Lạc loài trong đám đông

 

Bây giờ là tháng tư

Lòng xót dâng biển mặn

Khóc bạn tôi nằm xuống

Nỗi sầu ôi mênh mông

 

Bây giờ là tháng tư

Trong đạn pháo giặc thù

Người tình thôi cũng mất

Đời như đỉnh lá thu

 

Bây giờ là tháng tư

Mẹ tôi vẫn đứng chờ

Nơi biển Đông gió lộng

Nhớ thằng con bơ vơ

 

Bây giờ là tháng tư

Nhục nhằn tủi quê người

Hai chín năm rồi đó

Buồn đong đầy không vơi

 

Bây giờ là tháng tư

Tỉnh say trong giọt sầu

Đêm hoang lê hè phố

Tôi đi… đi về đâu…! 

 

San Jose April 29, 2004

Chinh Nguyên

 

 

 

 

NIỀM TIN BẤT DIỆT

Tháng Tư từ dạo ấy chia tay

Kẻ ở người đi vẫn nhớ ngày

Thép súng bao năm trơ sét rỉ

Vàng son phút chốc thoắt mây bay

Ta còn ấp ủ niềm tin ấy

Lòng vẫn chưa nguôi mối hận này

Xác tín cờ vàng ba sọc đỏ

Trường tồn cùng Sử Việt xưa nay

 

Hồ Công Tâm



Tháng Tư, Café Costa Rica

 

Những con chim costa rica đã lặng lẽ bay vào ống kính

Tiếng cánh bay êm ả như tiếng gọi hòa bình

Ống kính màu hút tinh mật những đóa sắc hoa

Trải cái đẹp vào thị lực quần chúng

 

Buổi chiều, gió xoãi bóng trên suối tóc em huyền

Mặt trời mềm tím dần trên miếng lưng đêm

Sóng hoàng hôn và em dịu dàng ngồi trước biển

Thăm thẳm bờ xa tiếng bình minh vừa thức

 

Buổi tối, uống ly cà phê costa rica

Tôi nhớ ly cà phê uống ở quê nhà

Ly cà phê thời bình thơm như sợi lông trắng trên cánh chim bay lả

Ly cà phê thời chiến nồng nàn mùi lửa đạn

 

Buổi sáng trên cao nguyên đất còn phả hơi sương

Những người lính trẻ  uống vội ly cà phê trước khi ra chiến trường

Ngày tháng bì bõm lội qua vùng giao tranh

Gót giày sô đạp lên xương máu, lội qua những cái chết vô danh

 

Buổi chiều, sau những trận đánh ác liệt ở Ngã Ba Biên Giới

Đám cháy lớn trong rừng tre lồ ồ vẫn còn nổ lớn

Tin báo đăng những dòng máu hai mươi vừa ngã xuống

Thằng Nhiễu chết ở A Lưới, thằng Đôn và chiếc trực thăng bị bắn rớt ở Hạ Lào

 

Dưới hình thù của bóng ma biên giới tôi sống sót trở về

Lưỡi lê mọc trên đầu súng như trăng mọc trên thửa ruộng

Hoa nở trong câu thơ yêu nước như yêu một đất nước đoạn trường

Gió cong mình thổi bụi ngoài phố bụi

 

 

Nhưng cơn bão lâu rồi cũng tạnh

Binh biến sa trường lũi xuống đất bầm nâu

Nước mắt không rơi suốt mùa chinh chiến

Bỗng mặn mòi lỗi hẹn nửa đời sau

 

Sau chiến tranh hì hục khiêng tuổi trẻ qua cầu

Tôi xa xứ mình trần lội qua biển

Thoáng nơi quê nhà nụ cười của mình xưa

Đôi khi ngỡ vòng thanh xuân còn quay đều trong mưa

 

Buổi tối, uống ly cà phê costa rica

Tôi lặng lẽ xếp lại những trang thơ cũ

Chất thiêm thiếp trong trái tim ngái ngủ

Để nghe cà phê hương nức nở bay hoài.

 

Phan Ni Tấn

Thùy Vị Xuân Lai

 

Nhất niên hựu nhất niên,

Hối dạ hận miên miên.

Bích hỏa huyền cô trủng,

Cuồng nha lộng phế điền.

Tặc kim tiền mãn trạch,

Dân khổ ách thao thiên.

Hạo hạo hàn đông tịch,

Hà phương mịch cố viên.

(Trần Văn Lương)

 

 

 

NHỮNG TỜ LỊCH CUỐI THÁNG TƯ

 ( Ghi nhớ Quốc Hận Thứ 34 ( 30-4-1975 – 30-4-2009 )

 —***—

 

Những tờ lịch cuối tháng tư đen

Thầm nói cùng ta, nói với em

Rằng nhục tủi kia còn nhọn hoắt

Còn xuyên da thịt giống Rồng Tiên .

 

Những tờ lịch cuối tháng tư buồn

Thúc hối người lo chạy áo cơm

Đến nỗi vùng tim đau, sợ nợ

Khi đời lưu xứ vẫn cô đơn .

 

Những tờ lịch cuối tháng tư về

Vẽ lại mùa xưa chạy loạn ly

Người một giống dòng sao đuổi bắt

Vạn thân gục chết, một đường đi ?

 

Những tờ lịch cuối tháng tư rơi

Gợi nhớ, phương xa, những miệng cười

Hay chỉ là chùm môi hát nhép

Bài ca ý cũ, đổi thay lời ?

 

 04/2009

 

 LƯU THÁI DZO