Phê Bình

Thanh Thương Hoàng : “NỬA THẾ KỶ VIỆT NAM”

Thanh Thương Hoàng

 

Đôi Điều Về Nhà Thơ Nhà Văn Song Nhị                                                           

Qua Cuốn “Nửa Thế Kỷ Việt Nam

                                                                               

1.

Tôi thật ngạc nhiên sau khi đọc xong và gấp lại cuốn “NỬA THẾ KỶ VIỆT NAM” bút ký, tự truyện của tác giả Song Nhị. (Tôi không biết gọi Song Nhị là “Nhà” gì vì ở anh nhiều “Nhà” quá: Nhà văn, Nhà thơ, Nhà biên khảo, Nhà báo, Nhà xuất bản). Ngạc nhiên không phải vì nội dung cuốn sách. Cũng không phải vì “văn chương” của tác giả mà ngạc nhiên vì Song Nhị đã viết và xuất bản 46 cuốn sách của mình và của các văn thi hữu, một cuốn đang sửa soạn in (gồm đủ thể loại Thơ, Văn, Biên khảo). Đây là một sự ngạc nhiên tình cờ thích thú. Tôi ít khi coi mục “Những tác phẩm đã xuất bản” của tác giả in ở trang đầu hay trang cuối cuốn sách. Nhưng khi đọc tới những trang cuối cuốn “NỬA THẾ KỶ VIỆT NAM” mục “Phụ Đính 2”, tác giả viết về “Anh Hùng Và Tử Tội”, mải mê đọc nên khi tác giả “chuyển” sang mục “Đôi Dòng Về Tác Giả” tôi vẫn cứ đọc tiếp nên mới bắt gặp sự ngạc nhiên về Song Nhị.

 

Thực ra thì lúc đi tù cộng sản về tôi đã tình cờ biết tới bút hiệu Song Nhị qua một bài thơ, nhưng thú thật lúc đó tôi không quan tâm lắm. Số là thế này. Một hôm tôi ghé vào nhà sách Khai Trí (cũ) đường Lê Lợi (không nhớ tên mới của nhà sách là gì) tôi cũng lại tình cờ, gặp ông Khai Trí chủ nhà sách Khai Trí (cũ) ở đây. Ông vào tìm mua cuốn sách gì đó. Ông cho tôi biết vừa xuất bản cuốn “THƠ TÌNH VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI CHỌN LỌC”. Ông ghi địa chỉ nhà và hẹn ngày tôi tới chơi để tặng sách.

    

Sách rất dầy (cả ngàn trang như cuốn từ điển) in bìa cứng và trình bầy trang trọng, đẹp. Những bài thơ tình nổi tiếng thế giới kim cổ đông tây thì tôi cũng biết nhiều rồi nên tôi tò mò tìm đọc những bài thơ của các tác giả Việt Nam hiện đang sống ở nước ngoài, nhất là ở Hoa Kỳ. Trong số những tác giả này tôi thấy có Song Nhị, tác giả bài thơ “Ngày Đón Em Về”. Khi đó tôi chỉ quan tâm tới những nhà thơ đã thành danh trước 1975 nên tôi đọc lướt qua bài thơ của Song Nhị rồi… quên luôn, mặc dầu là bài thơ hay.  

   

Tới khi sang Hoa Kỳ định cư năm 1999 tại San Jose, qua sự giới thiệu của anh bạn thân – Nhà thơ Diên Nghị (người cũng có thơ đăng trong tuyển tập thơ kể trên) tôi mới quen biết Song Nhị và “duyên văn nghệ” khởi sự từ đó. Nhưng tôi không ngờ Song Nhị đã viết và xuất bản nhiều sách đến thế sau khi tới Hoa Kỳ định cư. Vì ngoài sự kiếm sống hàng ngày cho mình và gia đình (nhân viên hãng điện tử làm việc toàn thời gian) Song Nhị còn làm nhiều “nghiệp dư” (hay nghiệp chính?) như chủ trương Nhà xuất bản Cội Nguồn, sáng lập viên – trưởng điều hành Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn, chủ biên trang văn học nghệ thuật hàng tuần Nhật báo Việt Nam Thời Báo tại San Jose, Tổng thư ký rồi chủ nhiệm chủ bút tạp chí Văn Nghệ NGUỒN, chủ trương biên tập Trang Nhà Cội Nguồn, tập họp khá nhiều Nhà Văn Nhà Thơ tên tuổi cộng tác. Trong vòng vài năm, Song Nhị (chủ trương Nhà Xuất Bản Cội Nguồn) đã xuất bản gần 40 cuốn sách của các tác giả trong và ngoài nước. Có những tác giả tên tuổi như Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Diên Nghị, Ngô Đức Diễm, Trần Khải Thanh Thủy, Tuệ Nga, Sương Mai, Huệ Thu, Phan Thị Ngôn Ngữ, Cao Mỵ Nhân…

  

Những việc kể trên chứng tỏ Song Nhị dành tất cả đời sống của mình cho “nghiệp” Thơ Văn. Cũng cần nhấn mạnh ở đây là phần lớn thơ văn của Song Nhị đều nói lên nỗi đau của con người, nỗi đau của dân tộc, nỗi đau của đất nước dưới gông cùm cộng sản. Anh đã viết bằng chính máu của mình như lời triết gia Nietzsche khuyên: “D écrire avec notre propre sang”.

 

Với sự đam mê, với sự kiên trì, với năng lực dồi dào và nhất là “trái tim còn rực lửa” (tuy đã ở tuổi 70) tôi tin Nhà thơ Nhà văn Song Nhị còn cống hiến cho đời nhiều tác phẩm giá trị. Tới đây thiết tưởng tôi nên viết thêm là: trong lúc bọn “văn chương chợ trời” múa may quay cuồng đến nỗi nền văn chương của chúng ta trở nên u ám như hiện nay mà còn có những người cầm bút (đa số là nghèo) dám bỏ tiền ra in sách, quả là một sự đáng ca ngợi.

  

2. 

Đọc hết cuốn bút ký tự truyện “Nửa Thế Kỷ Việt Nam” của Song Nhị dầy trên 400 trang, thú thật tôi đã buồn càng buồn thêm, đã đau càng đau thêm. Tôi thấy tôi, bạn bè tôi (và cả thế hệ tôi) hiển hiện trong cuốn sách. Chẳng biết chúng tôi có “sinh nhầm thế kỷ” không, nhưng điều chắc chắn chúng tôi đã bị đánh mất tuổi trẻ, đã bị cuốn hút vào trận bão thời đại và nhận lãnh những thua thiệt, bất hạnh về mình. Có thể nói cả thế hệ chúng tôi “mộng tan tành”(như lời than của Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn). Nỗi đau này không phải chỉ riêng Song Nhị mà là của tất cả chúng ta – những người sống sót trong cuộc chiến và sau đó trong tù đầy.                                                                                                                                          

 

Ở phần kết cuốn sách, Song Nhị có đặt vấn đề là tại sao và nếu như…

Vâng, nếu như không có Hồ Chí Minh, không có đảng cộng sản VN (bọn người buôn ảo mộng, cuồng tín, tàn bạo) thì làm gì có cuộc chiến tranh Việt Nam với con số hơn mấy triệu người hai miền Nam Bắc bị chết, máu chẩy thành sông xương chất thành núi cùng với bao gia đình tan nát đau thương. Và sau gần nửa thế kỷ cuộc chiến chấm dứt, nước mắt vẫn chưa ngưng chẩy. Đất nước bị xâm lấn, dân tộc vẫn quặn mình trong tủi nhục, trong khốn cùng.  

                                                                                                                                       

 

Theo tôi, cuốn “Nửa Thế Kỷ Việt Nam” của Song Nhị là những trang sử ghi đậm nét thảm họa của dân tộc ta trong suốt nửa thế kỷ 20. Nỗi đau này biết bao giờ nguôi?

 

Thanh Thương Hoàng