Bình luận

Tạo thành lịch sử

TẠO THÀNH LỊCH SỬ

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh

 

Kết thúc cuộc vận động làm ứng cử viên Tổng Thống, bà Hillary Clinton đã có một diễn từ rất hay về chính trị, nhưng cũng đầy tình cảm chân thành. Đó là một sự phối hợp tuyệt vời giữa khối óc và con tim. Nhìn hình ảnh trên TV cuộc họp ở Thư viện quốc gia Washington đông nghẹt người, nhiều đợt đứng lên vỗ tay hoan hô vang dậy, tôi có cảm tưởng đây là một cuộc họp chào mừng một ứng cử viên đã thắng chớ không phải một người đã thua. Nhận xét này quá đáng chăng? Ngay lúc đó tôi đã có cảm nghĩ bài diễn từ có nhiều ý nghĩa sâu sắc, đáng chiếm một trang sử nước Mỹ làm gương cho hậu thế. Và 18 triệu phiếu trong đảng Dân chủ đã bầu cho bà Clinton cũng đủ là một sự kiện lịch sử. Bà chỉ kém phiếu Obama có một chút ít mà thôi.

 

Sự thật Hillary Clinton đã tạo thành lịch sử từ 8 năm trước. Bà là vị Đệ nhất Phu nhân đầu tiên trong lịch sử Mỹ sau khi chồng hết nhiệm kỳ ra khỏi Bạch Cung, đã có một sự nghiệp chính trị dân cử. Năm 2000 bà đã đắc thắng vẻ vang làm Thượng nghị sĩ New York . Vậy tại sao bà đã thua trong cuộc đấu với Thượng nghị sĩ Barack Obama? Nhắc lại vài chuyện đã qua không phải vô ích, vì kinh nghiệm của quá khứ là bài học của tương lai. Goliath đã bị David hạ chỉ vì người khổng lồ đã quá coi thuờng chú bé nhóc con. Từ tháng 1-07, khi bà Clinton tuyên bố ra ứng cử Tổng Thống, đa số dân Mỹ quá thất vọng về Tổng Thống Bush, đã mong  sẽ có sự thay đổi. Các poll lúc đó chỉ nhìn đến Hillary để xem ưu thế tiến triển như thế nào chớ không lưu ý đến một ông Obama, lính mới ra lò trong làng chính trị cao cấp ở Washington DC . Nhưng từ đầu năm 2008 mọi người mới té ngửa. Obama không phải tầm thường. Đây không phải là một David chỉ bắn lén một phát mà trúng. Đây là một người có nhiều biệt tài về đấu tranh chính trị, nhất là khoa ăn nói.

 

Cố nhiên việc Hillary chấm dứt cuộc vận động làm ứng cử viên Tổng Thống không có nghĩa là sự nghiệp chính trị của bà đã kết thúc. Theo thiển ý sự nghiệp đó nhờ trận đấu này đã vọt lên cao chưa từng thấy. Trong các ưu tiên bà nêu ra có vấn đề “bảo hiểm sức khỏe” cho tất cả mọi người dân, vì hiện nay hàng triệu người vẫn không có bảo hiểm y tế. Nhưng ý kiến của Hillary quan trọng nhất vẫn là việc xóa sạch dấu vết còn lưu cữu của nạn kỳ thị giới tính và mầu da. Trong các sở làm, lương bổng phụ nữ vẫn kém lương lậu đàn ông, mặc dầu có nhiều trường hợp phụ nữ làm việc giỏi hơn, có nhiều sáng kiến hơn và chuyên cần hơn đàn ông. Từ năm 1848 Mỹ đã có phong trào tranh đấu cho nữ quyền, nhưng đến năm 1920 phụ nữ Mỹ mới có quyền đi bỏ phiếu. Sau cuộc chiến tranh Nam-Bắc, Tổng Thống Abraham Lincoln đã ký sắc lệnh giải phóng người da đen khỏi ách nô lệ, nhưng nạn kỳ thị vẫn tiếp tục dai dẳng suốt 200 năm sau. Mãi đến khi nhờ sự tranh đấu quyết liệt của bà Rosa Parks, một phụ nữ da đen năm 1954, người da đen mới được ngồi chung xe buýt với người da trắng. Cũng năm đó trẻ em da đen được học cùng lớp với trẻ em da trắng. Hillary đã kết thúc cuộc vận động làm ứng viên Tổng Thống, nhưng Mỹ vẫn có Phong trào Nữ quyền hiện đại rất mạnh kể cả phụ nữ da mầu vẫn cam kết đứng sau lưng bà.

 

Người ta đã thấy rõ tư cách một người làm chính trị như bà Hillary. Bà ra tranh cử không phải chỉ vì chức vụ vì danh lợi, mà chỉ vì muốn có cơ năng lãnh đạo theo đường hướng mà bà tin là đúng để phục vụ quyền lợi chính đáng của dân của nước. Tháng 5 vừa qua khi thấy Hillary kém phiếu, nhiều ông kể cả các ông da trắng nêu câu hỏi chát chúa: Tại sao Hillary không bỏ cuộc ngay đi cho rồi mà còn tiếp tục đấu với Obama? Câu hỏi thật vô vị, nếu không kiên trì chiến đấu cho đến phút chót, chẳng hóa ra chưa đấu xong đã buông tay đầu hàng, còn gì tư cách một người lãnh đạo? Bây giờ  mọi việc đã rõ rệt. Obama hơn phiếu dù chỉ hơn chút ít, Hillary chính thức tuyên bố kết thúc trận đấu trong nội bộ đảng Dân Chủ chớ không kéo dài đến ngày Đại hội Đảng vào tháng 7. Lý do ưu tiên là tránh cho đảng Dân Chủ khỏi bị chia rẽ thành hai mảnh mà đoàn kết lại để sẵn sàng chờ cuộc đấu với đảng Cộng Hòa tranh chức Tổng Thống vào tháng 11 năm nay. Tuần này khi Hillary cùng chồng và cô con gái đi nghỉ một tuần, một câu hỏi khác lại được đặt ra: Liệu Hillary có đứng chung danh sách ứng cử với Obama làm Phó Tổng Thống hay không? Lúc này còn quá sớm để trả lời.

 

Hai ngày trước lúc tuyên bố ngưng vận động tranh cử, bà Clinton và ông Obama đã họp riêng khoảng một tiếng đồng hồ trong phòng khách tư thất của bà Diana Feinstein. Khi rời khỏi phòng họp hai người đều có bộ mặt tươi cười. Nhưng điều đó không có nghĩa là vấn đề lựa chọn ứng viên Phó Tổng Thống đã giải quyết xong. Chỉ biết chắc là trong diễn từ của bà Hillary dài 30 phút, bà đã nói đến tên ông Obama 14 lần để tuyên bố hoàn toàn ủng hộ ông tranh cử Tổng Thống. Đặc biệt có một câu nói làm tôi suy nghĩ nhiều. Hillary nói: “Trong 40 năm qua đã có 10 lần bầu Tổng Thống nhưng đảng Dân Chủ chỉ trúng cử có ba lần và có hai Tổng Thống. Người đắc cử hai lần làm Tổng Thống 8 năm là người có mặt ở đây với chúng ta hôm nay”. Hillary không nói đến tên ông chồng nhưng toàn thể cử tọa hoan hô vỗ tay rào rào.

 

Hillary cười nói tiếp: “Chúng ta đã đạt được những tiến bộ kỳ diệu trong thập niên 90 dưới quyền một ông Tổng Thống Dân Chủ, bây giờ chúng ta hãy hợp tác giúp Barack Obama làm Tổng Thống sắp tới của chúng ta”. Bà không hề nói bà có thể nhận lời làm ứng viên Phó Tổng Thống trong danh sách của Obama, bởi vì vấn đề lựa chọn một ứng viên Phó Tổng Thống rất phức tạp. Nhưng dù bà có đứng chung danh sách hay không, hoài bão chính trị của bà vẫn cao. Bà nói: “Nếu chúng ta đã phóng được 50 phụ nữ lên không gian quỹ đạo vòng quanh Trái Đất, lẽ nào rồi đây chúng ta không phóng được một phụ nữ qua ngưỡng cửa phòng Bầu dục Bạch Cung”. Tôi nghĩ “chúng ta” ở đây bà muốn nói đến các ông. Bởi vì các ông, nhiều người ở ngay trong đảng Dân Chủ, khi phải chọn môt nữ ứng cử viên Tổng Thống đã ngần ngại vì cho rằng một bà lên làm Tổng Thống tức Tổng Tư Lệnh Quân đội nghe thật kỳ, liệu có làm nên trò trống gì hay không?

 

Tôi chỉ là một người dân gốc Việt, bỗng nghĩ đến Bà Trưng ở Việt Nam và cả bà Jeanne d’Arc ở Pháp. Các ông làm Tổng Tư Lệnh cho đến nay cũng có ông không làm nên trò trống gì mà còn làm khổ cho dân. Bởi vậy tôi xin thưa với mấy đấng đực rựa còn nặng trĩu óc cổ hủ: “Thời nay đã đến lúc phụ nữ vùng lên rồi”.

 

 Bình luận gia Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh