Tác giả và Tác Phẩm

Tạ Quang Khôi : Truyện Dài Bến Mê

 

  

                                                                    1

 

               Vừa bước qua cổng trường, Chuyên bỗng nghe lòng hồi hộp. Chính chàng cũng phải ngạc nhiên về sự hồi hộp đó. Chàng đâu phải là một nhà giáo mới bước chân vào nghề dạy học. Ngay từ khi đậu tú tài, chàng đã nhận phụ trách một số giờ tại một vài trường tư. Nghĩ lại những phút đầu tiên đứng trước mặt đám học trò đang ngồi im phăng phắc chờ nghe lời giảng dạy của thầy, chàng cũng thấy mình luống cuống. Hai lòng bàn tay ướt sũng mồ hôi và chàng cũng có những cử chỉ thiếu bình tĩnh thiếu tự tin Vừa nói chàng vừa đi lại trước bảng đen và bẻ phấn thành những mẩu nhỏ, ném xuống đất, lấy đầu mũi giầy di đi di lại. Dạo đó, chàng phải mất nửa tháng mới tạm quen với nghề phấn trắng bảng đen, với những lối đùa nghịch đôi khi hỗn sược của đám học trò phá phách hơn quỷ.

Cho đến hôm nay, sau ba năm được rèn luyện trong khung cảnh hỗn độn của trường tư, Chuyên đã trở thành một nhà giáo có đôi chút kinh nghiệm. Chàng chưa phải là loại thầy giáo được học sinh hâm mộ cuồng nhiệt, nhưng cũng không bị liệt vào loại thầy bị học sinh làm đơn xin đuổi. Thật ra, một giáo sư sinh ngữ như chàng khó có thể trở thành loại giáo sư "ăn khách" như mấy ông thầy dạy Toán, Lý Hóa đang nổi tiếng như cồn.

Chuyên thong thả đi qua một cái sân khá rộng còn ẩm ướt sau trận mưa đêm hôm trước để bước vào văn phòng nhà trường. Chàng nói với viên thư ký đánh máy ngồi ngay sát cửa :

"Tôi muốn gặp ông hiệu trưởng."

Viên thư ký ngước nhìn Chuyên, rồi cúi xuống đánh máy tiếp,hỏi xẵng :

"Chuyện chi ?"

Không để ý tới lời thiếu lịch sự của hắn, Chuyên vẫn ôn tồn :

"Tôi mới đến trình sự vụ lệnh."

Viên thư ký nhìn chàng lần nữa, tỏ vẻ quan tâm :

"À, giáo sư mới đổi về, hả ?"

Sau đó, hắn quay về phía người đàn ông ngồi bên một cái bàn nhỏ, nói như ra lệnh :

"Giáo sư mới ! Vô báo cụ hiệu biết, Tám."

Tám hấp tấp đứng lên, bước nhanh ra ngoài. Viên thư ký đánh máy kéo ghế mời Chuyên ngồi, nhưng chàng vẫn đứng, hững hờ nói một câu cảm ơn. Chỉ mấy phút sau, Tám trở lại, mời Chuyên vào phòng hiệu trưởng.

Chàng được một người đàn ông trạc ngoài bốn mươi đón tiếp một cách thờ ơ.  Lối bắt tay của lão làm chàng có ác cảm ngay từ phút đầu. Dáng người lão thấp nhỏ một cách bủn xỉn, không có một chút uy nghi nào. Đôi mắt lão nhấp nháy liên hồi sau cặp kính trắng. Mặt lão tròn, nước da bì bì hơi tái. Đôi môi mỏng, khi nói miệng chỉ mấp máy không mở rộng. Do đó, tiếng lão nhỏ lí nhí như không có hơi sức. Chuyên chợt nhớ tới lời giới thiệu của một người bạn về lão. "Thằng Trương là một bậc thầy về mặt đạo đức giả đó. Nó đã từng ngủ với con gái riêng của vợ mà lúc nào cũng lên mặt đạo đức." Chàng không tin, hỏi lại : "Nó khốn nạn như vậy mà người ta cũng cho làm hiệu trưởng ?" Người bạn nhún vai, nửa đùa nửa thật : "Thì ‘ngưu tầm ngưu, mã tầm mã’ mà."

Từ lúc đó, Chuyên có thành kiến không tốt với lão hiệu trưởng trường này, nên vừa thoạt gặp, chàng đã không ưa ngay. Thật ra, cái khổ người bần tiện, cái mặt đạo đức giả của lão cũng không làm ai có cảm tình nổi.

"Ông giáo sư dạy Anh văn hả ?  À à, tốt lắm ! Hồi cuối niên học vừa rồi, tôi có xin bộ cho tôi hai giáo sư Anh văn, nhưng bộ hứa chỉ cho có một thôi. Ông là giáo sư bộ hứa đó… Tốt lắm ! Tốt lắm !"

Nói xong, lão xoa tay, nhe hai hàm răng thiếu mấy cái bên trái hàm trên ra cười. Chuyên ngồi im lặng nhìn lão, chờ đợi. Lão chợt nghiêm giọng :

"Xin lưu ý ông giáo sư một điều là…là trường ta, nam nữ sinh học chung. Vậy, khi giảng bài… À, ông giáo sư đã có gia đình chưa ?"

Chuyên hiểu ngụ ý của lão, hơi khó chịu, nhưng vẫn giữ giọng lễ phép :

"Thưa ông hiệu trưởng, tôi còn độc thân."

"À à…vậy thì ông giáo sư phải cẩn thận một chút…Bọn nữ sinh cũng lớn bộn rồi…"

Chuyên cười nhẹ :

"Thưa ông hiệu trưởng, đối với tôi, học sinh nào cũng là học sinh, không phân biệt nam nữ. Tôi đã dạy tư nhiều năm nên cũng có kinh nghiệm về cách đối xử với học trò."

Lão gật đầu :

"Vậy thì tốt.  Nhưng tỉnh nhỏ lắm cái phiền phức, khác Saigon. Mình phải đề phòng trước."

Nói tới đây lão bỗng đứng dậy, đưa tay ra bắt tay Chuyên, rồi nói :

"Ông giáo sư sang gặp ông giám học để lấy thời khóa biểu.  Chúng tôi đã xếp sẵn từ đầu niên học vì được Nha Trung học báo cho biết trước."

                Lần này chàng bắt chước lão khi bắt tay, chỉ vuốt nhẹ bàn tay lão.

Ra khỏi phòng hiệu trưởng, Chuyên chưa biết hỏi ai để tìm văn phòng giám học, chợt có tiếng hỏi sau lưng :

"Ông là giáo sư mới ?"

Chàng quay lại, thấy một người đàn ông mặt non choẹt, mép để ria lún phún như một lớp lông tơ mọc thưa thớt. Chàng vừa nói :"xin lỗi" thì hắn đã tự giới thiệu :

                "Tôi là Viễn, giám học."

Chàng "à" một tiếng, rồi vui vẻ :

                "Xin chào ông giám học."

                Viễn vồn vã bắt tay chàng, nói :

                "Đã có thời khóa biểu cho ông giáo sư. Xin mời vô đây."

                Phòng giám học nhỏ hơn phòng hiệu trưởng, lại bày biện lộn xộn, trông thật dơ bẩn. Trên tường có một tấm bảng lớn, chia thành những ô nhỏ ghi giờ dạy của các giáo sư trong trường. Bàn giấy của giám học cũng bừa bãi, lộn xộn, phủ đầy những chồng giấy. Viễn lục lọi một lúc, lấy từ trong một ngăn kéo ra một mảnh giấy nhỏ trao cho Chuyên :

                "Đây là giờ dạy hàng tuần của ông giáo sư…À, có phải ông giáo sư chính thức chỉ phải dạy có mười sáu giờ một tuần không ?  Vậy, ông có 8 giờ phụ trội đó. Toàn đệ tam, đệ nhị cả."

                Chuyên liếc qua thời khóa biểu, rồi tỏ vẻ ngạc nhiên :

                "Ông giám học bắt tôi dạy cả tuần ? Từ sáng thứ hai tới chiều thứ bảy. "

                Viễn cười cầu tài làm mấy sợi ria tơ trên mép rung rung, đáp :

                "Ở đây, ai cũng vậy hết. Mình nên chịu khó một chút thì học sinh có lợi hơn."

                Chuyên nghiêm giọng :

                "Nếu thực sự muốn học sinh có lợi, tôi chỉ xin dạy đúng mười sáu giờ quy định của bộ. Tôi không nhận giờ phụ trội."

                Viễn nhăn mặt, nói ngay :

                "Đâu có được ! Trường đang thiếu giáo sư sinh ngữ."

                Chuyên nhún vai :

                "Thiếu hay thừa, không liên quan gì đến tôi. Ông và ông hiệu trưởng giải quyết chuyện đó với bộ, với nha. Xin ông giám học nhớ cho rằng tôi cũng có quyền từ chối dạy ngoài số giờ đã quy định. Mà ông thử ngó lại cái thời khóa biểu xem ông xếp có hợp lý không. Dạy hai mươi bốn giờ đủ sáu ngày, sáng hai chiều hai. Ông còn cách nào hành giáo sư hơn được nữa không ?"

                Vừa nói chàng vừa dằn mạnh tờ thời khóa biểu xuống bàn giấy của giám học, nhắc lại :

                "Tôi chỉ xin dạy đủ mười sáu tiếng quy định."

                Viễn tỏ vẻ bực mình, nhưng cố lấy giọng ôn tồn :

                "Thôi được, để tôi cố gắng xếp lại coi."

                Chuyên hỏi :

                "Bao giờ tôi có thời khóa biểu khác ?"

                Viễn nhẩm tính, rồi đáp :

                "Ông giáo sư cứ về Saigon chơi, ba bữa nữa xuống cũng được…Ông giáo sư muốn nghỉ những ngày nào trong tuần ?"

                "Ngày nào cũng được, miễn chỉ có mười sáu giờ và gọn."

                Viễn cười hề hề :

                "Vậy thì tốt rồi ! Ba bữa nữa mời ông giáo sư trở lại."

                Sau khi chia tay với Viễn, Chuyên đi thẳng ra đường. Chàng đứng trước cổng trường phân vân không biết nên về ngay Saigon hay tìm gặp một người bạn cũng đang dạy học ở trường này.  Cuối cùng, thấy còn sớm, chàng quyết định tìm bạn để biết về cuộc sinh hoạt của các bạn đồng nghiệp ở tỉnh lỵ nhỏ bé này. Chàng nhờ một học sinh dẫn đường nên tìm ra nhà bạn không khó khăn.

                Chàng gọi cửa một căn nhà nửa biệt thự nửa nhà ống. Một người ló đầu ra cửa sổ, hỏi :

                "Ai đó ?"

                Rồi liền reo to :

                "A, thằng Chuyên. Mày xuống đây làm cái thống chế gì ?"

Chàng cũng reo lên :

                "Hoằng ! Tao được bổ về đây."

"Ồ, tuyệt quá rồi !"

                Nói xong, anh mở cửa mời bạn vào. Hai người nắm tay nhau mừng rỡ. Hoằng ngắm bạn từ đầu đến chân, rồi tấm tắc khen :

                "Hồi này mày cao lớn, đẹp trai hẳn ra. Trông đỡ đần một chút. Chắc mày phải cao đến hơn mét bảy ?  Các em bây giờ chỉ mê những thằng cao ráo, sạch sẽ như mày thôi."

                Chuyên cười :

                "Tao một thước bảy lăm."

                "Điệu này chắc mày quơ hết các em chưa chồng hoặc ế chồng ở trường này mất. Còn các em có chồng thì cũng thầm yêu trộm nhớ mày, sẵn sàng ngủ lén với mày."

                Chuyên nghiêm mặt :

                "Hừ, chưa gì mày đã nói chuyện bậy bạ rồi."

                Hoằng cười hì hì, rồi dắt Chuyên vào nhà trong. Đi qua phòng ngoài lộn xộn vì những đống quần áo vứt bừa bãi trên mấy cái giường sắt kê không có thứ tự, hàng lối, hai người bước vào phía trong. Chuyên chưa kịp quen với bóng tối của căn  phòng, Hoằng đã lên tiếng giới thiệu :

                "Đây là thằng Chuyên, một thằng cù lần nhất trong bọn tao. "Người" vừa được bổ về đây dạy Hồng mao văn."

                Chuyên thấy lố nhố khoảng năm, sáu người ngồi quây tròn trên một cái chiếu giữa nhà. Chàng hiểu ngay họ đang đánh bài. Hoằng lại lên tiếng :

                "Đây là môn giải trí duy nhất của bọn tao ở cái đất hoa lệ khỉ ho cò gáy này."

                Chuyên phụ họa :

                "Vui quá nhỉ !"

                Rồi chàng hỏi nhỏ Hoằng :

                "Đang chơi gì thế ?"

                "Xì phé !"

                Sau đó, Hoằng kéo bạn ra phòng ngoài ngồi nói chuyện. Hai người ngồi trên mép hai cái giường sắt đối diện.  Anh hỏi bạn :

                "Gặp hiệu trưởng, giám học, lấy thời khóa biểu chưa ?"

                Chuyên phì cười :

                "Mày hỏi gì mà dồn dập như vậy ?"

                Hoằng đáp ngay :

                "Thì đằng nào cũng phải hỏi ngần ấy việc, hỏi một lần cho gọn."

                Chuyên kể lại chuyện trình diện hiệu trưởng và thời khóa biểu bị nát. Hoằng cười

                "Thế là mày đã được vuốt tay cụ hiệu rồi. Còn cái vụ thời khóa biểu thì cái thằng  mép có lông tơ ấy hay ăn hiếp những thằng mới vô nghề lắm. Mày cứng như vậy là nó nể rồi đó. Nó chỉ thử mày thôi, chứ thục ra nó cũng đã có sẵn một thời khóa biểu ngon lành cho mày."

                "Sao nó không đưa cho tao ngay để tao lên lớp ?"

                Hoằng nheo mắt cười :

                "Làm gì mà gấp vậy ?  Cứ từ từ rồi đâu sẽ có đó. Dạy học chứ có phải ăn cướp, ăn trộm gì đâu mà vội. Nó không cho mày thời khóa biểu khác ngay vì nó không muốn để lộ cho mày biết là nó thử mày xem vào loại nào, có dễ đè đầu cưỡi cổ không ?  Mày mà nhận ngay cái thời khóa biểu đầu tiên là đời mày tàn trong ngõ hẹp đó. Nó cho mày nghỉ chơi ba ngày là nó muốn lấy cảm tình của mày. Cứ nghỉ cho sướng, tội gì !"

                Chuyên tỏ vẻ ngạc nhiên :

                "Dạy học mà cũng phải thủ đoạn như vậy ? Tao thấy trường tư họ đối với đồng nghiệp đàng hoàng lắm, chứ đâu có giả dối như bọn này."

                Hoằng nhún vai :

                "Trường tư cũng có nhiều loại trường tư. Chúng nó cần mày thì tử tế với mày, khi không cần thì chúng nó còn tệ hơn bọn trường công."

"Thế mà ai cũng cho rằng dạy học là cao quý."

                "Thì nghề gõ đầu trẻ vẫn cao quý, chỉ mấy thằng giáo dở là không cao quý thôi. Nghề nào cũng thế hết, có nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Vì thế, bọn tao có triết lý sống riêng của bọn tao.  Đừng có mơ tưởng cao quá, đừng có lý tưởng hóa nghề này nghề kia."

                Chuyên ngạc nhiên nhìn bạn, rồi hỏi :

                "Lâu không gặp, mày có vẻ thay đổi nhiều đấy. Thế thì triết lý của mày là như thế nào ?"

                "Từ từ rồi tao sẽ truyền nghề cho…Bao giờ mày về Saigon ? "

                Chuyên lưỡng lự :

                "Có lẽ ngay bây giờ…"

                Hoằng xem đồng hồ tay, rồi đề nghị :

                "Còn sớm chán. Ở lại ăn trưa với tao rồi về cũng còn kịp…Tiệm ăn gần đây thôi, đi bộ vài ba phút. Đợi tao thay đồ nhé."

                Khi còn lại một mình, Chuyên tò mò nhìn quanh. Căn phòng không rộng, kê được hai chiếc giường một người đã thấy hơi chật. Chờ Hoằng trở ra, chàng hỏi :

                "Mày ở chung với mấy tên ?"

                "Ba. Vị chi là bốn tên đực rựa. Thằng nào cũng chỉ dạy ba ngày một tuần, rồi dọt về Saigon ngay. Có đứa nghỉ cuối tuần, có đứa nghỉ đầu tuần."

                "Mày ở đây những ngày nào ? Đầu tuần hay cuối tuần ?"

                "Tao ở đây cả tuần, rất ít khi về Saigon."

                Chuyên ngạc nhiên hỏi :

                "Mày dạy cả tuần ?"

                "Không, tao chỉ dạy có ba ngày đầu tuần, nhưng dạy tư luôn cả ngày thứ bảy, nghĩa là nghỉ có ngày chủ nhật thôi. Vì thế, chả có thì giờ về Saigon. Mà cũng không có ai cần thăm nom mà phải về."

                Chuyên tỏ vẻ ái ngại :

                "Có một mình mày ở lại ngày chủ nhật chắc cũng buồn."

                "Buồn gì mà buồn ! Bọn tao họp nhau chơi xì phé, chắn cạ. Vui đếch chịu được. Chơi cò con giải trí nên thua được chả đáng bao nhiêu…Ngoài chắn cạ, mày có biết chơi xì không ?"

                "Tao biết chơi nhiều thứ lắm, cả mạt chược, tổ tôm…nhưng ít chơi, vì thấy mất thì giờ quá."

                Hoằng vui vẻ reo lên :

                "Xong rồi ! Thế là bọn tao có thêm mày, khỏi sợ thiếu chân."

                "Nhưng…nhưng, có thể chủ nhật tao phải về Saigon…"

                "Bộ mày có vợ rồi ?"

                "Chưa…"

                "Hay mày có người yêu ?"

                "Cũng chưa."

                "Vậy, không có ràng buộc gì thì về Saigon làm cái thống chế gì ngày chủ nhật. Cứ ở đây mà chơi với bọn tao cho vui. Có thể tao sẽ kéo mày đi dạy tư với tao. Để xem thời khóa biểu của mày ra sao rồi mới tính được. À, mày còn dạy tư ở trển không ?"

                "Tao xin tạm nghỉ ít lâu vì còn muốn xem tình hình dưới này thế nào đã."

                "Thế thì tốt ! Bọn trường tư dưới này trả cũng khá lắm, không thua gì Saigon đâu."

                Chuyên chợt đổi hướng câu chuyện, dò hỏi :

                "Cơm nước hàng ngày ra sao ? Bộ ngày nào mày cũng phải ăn tiệm ?"

                "Thì phải sống cuộc đời…cơm hàng cháo chợ, chứ nấu nướng gì được. Bọn tao ăn cơm tháng ở một tiệm. Cũng không đến nỗi nào."

                Sau đó, Hoằng đưa Chuyên đến một tiệm ăn Tàu ở gần nhà. Hai người chỉ phải đi bộ không đầy năm phút. Trong khi chờ đợi món ăn, Chuyên lại thắc mắc về cuộc sinh hoạt của bạn :

                "Ở cái đất này, ngoài cờ bạc, chúng mày không có trò giải trí nào khác sao ?"

                Hoằng lừng khừng đáp :

                " Kể ra thì cũng có…nhưng không phải thằng nào cũng chơi được…"

                "Cái gì mà khó vậy ?"

                "Cũng chẳng khó, nhưng phải có điều kiện…nghĩa là phải bay bướm, phải biết kín đáo…"

                Lời nói mập mờ của bạn làm Chuyên tò mò :

                "Trò gì mà khó quá vậy ?"

                Hoằng cười hề hề, rồi hạ thấp giọng để chỉ đủ mình chàng nghe :

                "Trò tán nữ sinh…"

                Chuyên ngạc nhiên :

                "Cái gì ?  Bộ chúng mày coi đó là một trò giải trí ?  Chúng mày không sợ hậu quả ?"

                Hoằng vội xua tay :

                "Không có tao trong cái trò giải trí này vì tao không đủ điều kiện…ắt có và đủ. Tao còn bận dạy tư, thì giờ đâu mà chơi cái trò…dụ dỗ gái tơ ấy. Tao cũng không thích đùa dai với mấy ông tòa. Còn hậu quả thì thằng nào không khéo chùi mép cũng có thể dính. Đã có thằng phải ngậm ngùi cưới một em nữ sinh mà nó chỉ định lợi dụng trong một lúc thôi."

                Ngừng lại ngẫm nghĩ vài phút, anh tiếp :

"Cách đây vài năm, thằng Dũng ngố bị kẹt một cú cũng hơi đau. Nó phải cưới một con nhỏ mà cả làng đã xúm vào chơi đòn hội chợ. Về sau, các xếp lớn tội nghiệp nó vừa ngố vừa dại, an ủi nó bằng cách cho nó nhậm chức hiệu trưởng ở một nơi đèo heo hút gió. Bây giờ nghe nói vợ chồng nó hạnh phúc lắm. Thôi thì cũng là điều đáng vui rồi."

                Chuyên lắc đầu :

                "Tao không ngờ chúng mày sa đọa, bê bối như vậy. Thì ra bọn giáo mác tỉnh lẻ chúng mày cũng quá trời. Thế thì còn dạy dỗ cái đếch gì nữa !"

                Hoằng cười :

                "Thì vừa dạy vừa dỗ đấy thôi. Thế là đúng sư phạm rồi ! Nhưng mày đừng có vơ đũa cả nắm. Chúng tao, bọn hư hỏng, chỉ là thiểu số. Điều đáng mừng cho nền giáo dục nhân bản và khai phóng của chúng ta còn nhiều nhà giáo chưa đánh mất lương tâm. Họ sống âm thầm và cố gắng trong thiên chức giáo huấn. Họ là những người đáng phục nhưng không được các xếp lớn ngó ngàng tới vì họ không biết và không quen cậy cục, nịnh bợ."

                Chuyên khẽ thở dài :

                "Rồi chúng mày cứ kéo dài mãi cuộc sống bê bối này ?’

                Hoằng đùa :

                "Bẩm thưa nhà đại giáo dục, chúng em đâu có muốn bê bối thế. Nhưng nền giáo dục của ta đã dột từ nóc dột xuống. Phải có một cuộc cách mạng thì mới hy vọng…"

                "Hy vọng cái gì ?"  

                "Thì mới kéo nổi chúng ta ra khỏi vũng lầy này.  Tao muốn nói tới một cuộc cách mạng đúng nghĩa của nó. Bây giờ có nhiều sâu bọ lên làm người quá nên xã hội chẳng có kỷ cương gì.  Như vậy, bọn tao có bê bối một chút cũng chẳng sao."

                "Mày ngụy biện để che lấp lỗi lầm của bọn mày."

                "Ồ, sao lại ngụy biện ? Tao đâu có che dấu lỗi lầm của tao hay của bất cứ đứa nào…"

                Chuyên có giọng chán nản :

                "Chúng mày liều thật…Tao sợ rồi đó."

                "Nghĩa là mày không vào đảng của chúng tao ?"

                Chàng dứt khoát :

                "Không. Tao ghét bê bối lắm. Chính vì thế, tao chọn nghề dạy học."

                Hoằng nhún vai, mỉm cười :

                "Cũng chính vì thế mày sẽ thất vọng ê chề…Rồi đau đớn trong thất vọng."

                Chàng phì cười :

                "Mày nói như tuồng cải lương ấy…"

                Rồi chàng đổi giọng hỏi :

                "Tại sao lại thất vọng ? Theo tao, khi đã chọn nghề gõ đầu trẻ, mình cũng phải hy sinh một phần tự do cá nhân, để làm gương cho học trò."

                Hoằng trề môi :

                "Dù mày có hy sinh tất cả tự do mày có cũng chả ai biết ơn mày đâu. Mày mới vào nghề nên còn lý tưởng lắm ! Còn ôm nhiều hoài bão loại…"vác đá vá trời"…Nhưng chỉ ít lâu nữa mày sẽ hối hận…"

                "Tao đâu có phải là tay mơ mới vô nghề. Tao kiếm cơm bằng nghề gõ đầu trẻ từ ba, bốn năm nay rồi."

                "Nhưng ở trường tư, trường công có nhiều cái khác nhau. Phải tập ngửi cho quen đi. Nào là hiệu trưởng, giám học, nào là thanh tra, nào là giám đốc nọ , giám đốc kia…Rặt một lũ ngu, nếu không muốn nói là lũ khỉ vừa xổng chuồng ở  sở thú Saigon."

                Chàng nghiêng đầu ngó bạn :

                "Mày bất mãn điều gì, phải không ?"

                Hoằng lừng khừng :

                "Bất mãn à ? Từ ngày vào cái nghề khốn nạn này, tao bất mãn đủ thứ. Cái bất mãn lớn nhất của tao là phải chịu sự chi phối của những thằng ngu."

                Chuyên thở dài :

                "Thôi, tao chả thèm nói chuyện với mày nữa. Tao tưởng đến đây để học hỏi mày một vài kinh nghiệm về trường, về tỉnh, về cách cư xử với ban giám đốc nhà trường, không dè mày chỉ nói toàn những lời bất mãn, chỉ nguyền rủa hết người nọ đến người kia thôi."

                "Thì đó là kinh nghiệm tao truyền cho mày mà."

                "Nếu chỉ có thế, đớp xong, tao dzọt về Saigon. Tao được nghỉ ba ngày…"

                Hoằng nắm lấy tay bạn, cười xòa :

                "Nào, thông qua chuyện chửi bới. Bây giờ bàn tới một vài chuyện thực tế hơn. Mày về đây đã có nhà ở chưa ? Cơm nước ra sao ? Mày còn dạy tư ở Saigon không ? Có muốn "chơi" vài giờ trường tư ở dưới này không ?"

                Chuyên nhìn thẳng mặt bạn, ngập ngừng :

                "Thoạt tiên, tao muốn ở chung với mày, nếu mày còn chỗ…Bây giờ tao đổi ý rồi…Cái lối sống của mày không hợp với tao. Có lẽ tao rủ mấy thằng mới xuống thuê chung một căn nhà cho tiện. Nếu thực hiện được điều đó, chuyện cơm nước giải quyết dễ ợt. Còn trường tư thì không quan trọng mấy đối với tao. Tiện thì dạy chơi, lấy chút tiền còm xài vặt. Còn không thì bỏ hết cũng chả sao. Tất cả còn tùy thuộc vào cái thời khóa biểu mới."

                Hoằng tặc lưỡi mấy tiếng liền, rồi nói bằng một giọng chế nhạo :

                "Chà chà, mày đúng là một nhà mô phạm gương mẫu.. Nền giáo dục của cái xứ bốn ngàn năm văn hiến này rồi có cơ khấm khá mất thôi ! Tao rất tiếc không được ở chung với mày để được mày…hầu hạ. Những thằng cẩn thận như mày là thích dọn dẹp lắm, ở với bọn bê bối như chúng tao thì rất…ích quốc lợi dân. Mày sẽ có nhiều việc để làm, chứ không đến nỗi nhàn cư vi bất thiện. Hì hì…"

                Chuyên lắc đầu :

                "Tao tuy trọng nguyên tắc nhưng cũng biết ghét những tên chẳng ra gì mà cứ đòi ngồi trên đầu trên cổ người khác.."

                "Ủa ! Thì ra mày cũng chớm có mầm bất mãn rồi !"

                "Chờ coi ! Nhưng tao tin rằng tao sẽ không giống bọn chúng mày. Nếu có bất mãn, tao sẽ phản ứng khác, không tự ý sa đọa và chửi bới loạn cào cào."

                "Mày sẽ phản ứng ra sao ?"

                "Chính tao cũng chưa biết, nhưng chắc chắn không ươn hèn như bọn mày. Nào đớp đi đã, tao cũng đói rồi….Mai mốt, nếu tiện thì lấy giùm tao cái thời khóa biểu."

                Khi đồ ăn mang ra, hai người ít nói chuyện đi, lo ăn uống. Chuyên vừa ăn vừa ngầm nhận xét người bạn mà chàng ít có dịp gặp gỡ từ ngày hai người cùng lên đại học.  Trong khi Chuyên theo học cả Văn khoa lẫn Đại học Sư phạm, Hoằng, vì hoàn cảnh gia đình chọn học lớp sư phạm cấp tốc. Khi Hoằng được bổ về dạy một trường xa Saigon, hai người chỉ thỉnh thoảng mới liên lạc với nhau qua thư từ. Bây giờ tình cờ được cùng dạy một trường, chàng mới có dịp gặp lại bạn. Chàng không ngờ Hoằng thay đổi nhiều như vậy. Sau có mấy năm xa cách, chàng thây bạn có vẻ “bạt mạng” hơn hồi còn đi học. Hoằng dạn dày, khinh bạc, chứ không còn yêu đời nữa. Chàng thầm tự hỏi không lẽ nghề dạy học lại khiến Hoằng biến dạng nhanh như vậy ?

                Đang ăn, Hoằng chợt ngửng lên hỏi :

                “Sao ? Mày thấy tao thế nào? Khác trước nhiều không ?”

                Chuyên gật đầu :

                “Khác nhiều quá ấy chứ. Mày không còn là thằng Hoằng…”búng ra sữa” nữa mà có vẻ “phong sương” lắm. Tao tự hỏi trong có mấy năm trời mà sao mày đã biến thành con người khác lẹ như vậy ? Bộ nghề dạy học gian truân lắm sao ?”

                Hoằng cười hề hề, đáp :

                “Chẳng gian truân như lên thác xuống ghềnh, nhưng gian truân trong cách đối phó với bọn ngu, bọn kỳ thị. Rồi mày cũng sẽ biền đổi như tao vậy. “Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”, các Cụ ta đã dạy thì chẳng sai vào đâu đươc.. Nghề dạy nghề ! Đi với ma, phải mặc áo giấy.  Mặc riết mình cũng thành ma luôn.  Đó là lẽ sống tự nhiên ở đời. có gì lạ đâu. Học với hành khác xa nhau một trời một vực đấy, mày ạ”

                Chuyên khẽ thở dài.  Thật ra, chàng cũng không tin lời bạn mấy.

                Sau bữa ăn, Hoằng tiễn Chuyên ra tận bến xe đò. Khi bắt tay từ biệt, anh bảo bạn :

“Rồi mày sẽ thấy tao có lý…”