Sinh hoạt VTLV

SỨC MẠNH TRONG TĨNH LẶNG

SỨC MẠNH TRONG TĨNH LẶNG

 

Chào các bạn,

Không cần phải l‎ý giải dài dòng thì ai trong chúng ta cũng biết là khi gặp vấn đề, nếu ta bình tĩnh suy tính đối phó thì kết quả tốt hơn là lo sợ, run rẩy, hồi hộp, kích động. Nếu các bạn học võ, thì điều quan trọng số một, và là điều khó dạy võ sinh nhất, là bình tĩnh khi đối diện với địch thủ hay hiểm nguy. Rất nhiều võ sinh, và cả rất nhiều võ sư, đã nói: ‘Ước chi tôi có thể bình tĩnh như sách nói.”
calmness1
* Khi chúng ta hồi hộp, lo lắng, sợ hãi hay tức giận, não bộ chúng ta chuyển sang vị thế chuẩn bị “đánh hay chạy” (fight or flight). Đây là bản năng phòng thủ tự nhiên ta đã có từ trong gene hàng triệu năm trước. Não bộ bơm ngay một lượng adrenaline lớn làm tim đập nhanh, hơi thở mạnh, các mạch máu thu nhỏ, máu đặc hơn lúc bình thường, các giác quan thu hẹp lại trong trạng thái người ta gọi là “tầm nhìn trong đường hầm” (tunnel vision), thấy (và nghe) chỉ một điểm ta tập trung vào, và không thấy không nghe được điều gì khác. Khả năng phản ứng với cái mình thấy và nghe trong “đường hầm” đó thì nhanh, nhưng khả năng suy xét trong toàn cảnh thì yếu, vì không thấy và không nghe được toàn cảnh. Và khả năng phân tích lý luận bình thuờng cũng biến mất. Hầu như toàn năng lực của não bộ chỉ tập trung vào một điểm: Chạy hoặc đánh.

Bởi biết được nhu cầu phải hiếu biết toàn cảnh để chiến đấu có hiệu quả, cho nên các võ gia hiểu rõ tầm quan trọng của đức điềm tĩnh, tức là tầm quan trọng của việc chiến thắng ảnh hưởng của adrenaline khi đối diện nguy hiểm. Vì vậy, toàn bộ con đường võ sĩ đạo của võ học mọi nơi đều nhắm đến điều này: Đức điềm tĩnh. Ví dụ:
calmness
• Khiêm tốn: Gập mình chào hỏi cung kính với bạn đồng môn và các thầy cô. Chào từ tốn chậm rãi lễ độ, ăn nói cung kính lễ độ, thì rất khó cho adrenaline làm cho mình nhảy choi choi.

• Trước khi thi đấu, chào nhau tử tế, đôi khi còn thi lễ rất màu mè, kể cả múa chầm chậm như trong võ Thái Lan. Đây là cách để chậm lại, bình tĩnh lại, chống lại cơn bão ồ ạt của adrenaline.

• Ngồi xếp bằng, tập trung hít thở, tập khí công: Gia tăng công lực là chuyện nhỏ, tập tâm tĩnh lặng đến mức adrenaline không làm cho tâm xung động là chuyện lớn.

• Tập chiến đấu thường xuyên, để không còn biết sợ và adrenaline không có cơ hội làm việc.

• Nhịn nhục bỏ đi, hay lý giải nhỏ nhẹ: Để giải quyết vấn đề mà không cần phải đặt mình vào vị thế có thể bị adrenaline điều khiển. Hơn nữa, nói chuyện nhỏ nhẹ trước khi phải đánh nhau cũng làm cho adrenaline không có dịp dấy lên sớm.

* Đối phó với những khó khăn từ bên ngoài hay từ trong tâm ta cũng thế. Nếu tâm ta không tĩnh lặng, ta không thể thấy được toàn cảnh, chỉ thấy được một điểm trong “đường hầm,” cho nên mọi tính toán thường sai. Mà mỗi ngày chúng ta có cả trăm ly’ do để mất điềm tĩnh: kẹt xe trễ giờ, mấy email messages nói móc, một người làm chung phòng ghen tị, bị ai đó phê phán, bị ai đó đâm sau lưng, có vấn đề trong liên hệ tình cảm, căng thẳng vì chạy đua với công việc và cái đồng hồ, có vẻ như không đạt được mục tiêu tam cá nguyệt này, chuyện bất công thấy dọc đường, chuyện vô ly’ thấy trong chính sách, tin xấu trên TV… Nói chung là ai trong chúng ta cũng có đủ ly’ do để bị xung động, để mất điềm tĩnh trong ngày. Cho nên tĩnh lặng để luôn luôn sáng suốt thấy được toàn cảnh không phải là điều dễ dàng, nếu ta không quan tâm nghiên cứu và xây dựng đức điềm tĩnh.

Thế thì, làm thế nào để giữ được điềm tĩnh trong ngày?

1. Ngăn chận xung động, không cho đến trong các công việc hàng ngày

Lịch làm việc thong thả. Phần lớn stress trong ngày đến vì ta cố nhét nhiều quá vào lịch làm việc. Chậm lại môt tí, và làm lịch thư thả một tí. Ví dụ: Nếu có cuộc họp quan trọng ở cách nơi mình làm 30 phút, thì dành 40 phút để di chuyển. 10 phút để trừ hao kẹt xe bất thường. Nếu bị kẹt xe mình không stress. Bước vào một cuộc họp quan trọng với stress là rất tai hại.

Nếu làm lịch thư thả lại, ta có thể làm mất đi ít nhất là 80% số lượng stress trong ngày.

Thông tin tốt. Nếu bị kẹt xe, gọi ngay cho đối tác cho biết là có thể đến trễ vì bị kẹt xe bất thường. Thế thì sẽ giảm stress.

Thông tin tốt còn có nghĩa là nên nói chuyện thường xuyên để sếp biết tình trạng của mình thế nào, và khi sếp cho thêm việc mới thì cũng nói rõ với sếp, vì thời khóa biểu của mình, ưu tiên thời gian sẽ thế nào và vận tốc mình sẽ như thế nào.

Làm sạch mặt bàn. Buổi sáng vào, thường có đủ mọi chuyện chờ sẵn trên bàn, và ta thì cũng chưa nóng máy. Dùng một tiếng đồng hồ đầu tiên để làm cho nóng máy, bằng cách giải quyết hết các chuyện lặt vặt. Khi hết các chuyện lặt vặt, chỉ còn một hai chuyện lớn, thì ta cảm thấy thoải mái hơn là “còn cả chục chuyện phải làm.”

Từ từ giải quyết khó khăn. Gặp chuyện gì khó quá, nếu không bắt buộc phải làm gì đó ngay lập tức, thì chậm lại, để đó, làm việc khác, để cái đầu có dịp suy nghĩ từ từ.

Nếu trong lòng không biết nên qu‎yết định cách nào, thì đừng làm quyết định gì cả. Nếu cần thì quyết định cách “mua thêm thời gian” để suy nghĩ thêm—quyết định vô thưởng vô phạt để có thêm thời gian, đợi lúc cảm thấy khá chắc chắn trong lòng thì hãy quyết định.
calmness2
Để dành càng nhiều lựa chọn càng tốt. Không nên quyết định kiểu “đốt cầu” (burn the bridge) nếu không bị bắt buộc làm thế, vì mình không thể biết được là trong tương lai mình có thể phải đi ngược lại chiếc cầu đó. Không nên đóng bất kỳ cánh cửa nào vĩnh viễn, nếu mình không bị bắt buộc phải làm thế. Càng có nhiều cửa để mở cho tương lai, càng có nhiều tự do, và càng ít stress cho mình.

Các tuyên bố cực đoan thường đóng cửa vĩnh viễn không cần thiết. Ví dụ: Tôi thề không đội trời chung với người Hồi giáo (hay nguời Công giáo, hay người Công Sản, hay người gì gì đó). Hay “Tôi thề không bao giờ gặp mặt cô ấy nữa” (Làm sao biết hết quyền lực của tiếng gọi com tim được? :-) Đừng thề thốt chỉ trong một phút giận mất khôn :-) ).

Trên đường luôn luôn có ổ gà hoặc người lái xe ẩu. Nghĩa là công việc luôn luôn gặp trở ngại lớn nhỏ thường xuyên. Chẳng lý do gì bạn phải stress khi gặp trở ngại. Đó chỉ là chạy phải ổ gà thôi. Thực ra, bạn được trả công chỉ để giải quyết trở ngại. Trở ngại chính là túi tiền của bạn. Nếu mọi việc trôi chảy như tính toán, không có trở ngại, thì người ta đã dùng computer hết rồi, còn đâu việc cho con người làm.
.

2. Tập cho được một nội lực tĩnh lặng thành bản tính của mình.

Cái nhìn ưu ái về cuộc đời. Yêu mình, yêu người, và yêu đời. Càng yêu, ta càng ít bị stress. Tình yêu là phương thuốc chống stress nhiệm mầu.

Làm thế nào để biết mình đang yêu mình, yêu đời và yêu người ? Thưa, người đang yêu thì thấy cái đẹp nhiều hơn. Người đang ghét thì thấy cái xấu nhiều hơn.

Thành thật. Người không thành thật, hay nói dối, rất khó mà yêu ai thực, kể cả yêu chính mình.

Khiêm tốn. Người khiêm tốn thì có cái tôi như quả bóng bằng nilon xốp, xe cán lên dễ dàng, nhưng sau đó thì lại vẫn nguyên vẹn là quả bóng. Người có cái tôi lớn thì như là quả bóng cứng bằng đất hay xi măng, có thể bị vỡ khi bị đụng cái cứng hơn. Mà nếu không vỡ thì cũng làm đổ bể những quả bóng cứng khác khi đụng chạm. Nói chung là có tổn thương, không mình thì người khác, hoặc cả hai.

Làm quen với tĩnh lặng thường xuyên. Mỗi ngày bỏ ra 10 hay 15 phút sống với tĩnh lặng—ngồi thiền, cầu nguyện, hay nhìn sao trên trời.

Tin vào một quyền năng công bình cao hơn con người. Thượng đế, Chúa, Phật, hay một luật vay trả tự nhiên. Hãy nhìn thẳng vào sự thật: Nếu ta chỉ tin vào con người thuần túy, thì hơi khó đấy, với đủ mọi loại ma đạo quanh ta.
calmness4
* Tóm lại, ngạn ngữ tây phương nói, “Đời là tranh đấu.” Mà trong tranh đấu thì đức điềm tĩnh là yếu tố quan trọng số một. Đây không phải là triết ly’‎ lăng nhăng. Đây là kinh nghiệm học hỏi của mấy nghìn năm vũ thuật, của tất cả mọi võ gia trong thiên hạ.

Để kết luận, chúng ta hãy nghe James Allen nói trong quyển sách đã thành kinh điển của ông, As a Man Thinketh (Khi Con Người Suy Tư), năm 1902:

“Điềm tĩnh trong tâm trí là một trong những viên ngọc đẹp nhất của trí tuệ. Đó là kết quả của cố gắng trường kỳ và kiên nhẫn trong việc tự kiểm soát. Sự hiện diện của đức điềm tĩnh là biểu hiện của kinh nghiệm đã chín mùi, và biểu hiện của kiến thức sâu xa về các qui luật cũng như các vận hành của tư tưởng.

“Người điềm tĩnh, đã học được cách tự quản ly’, biết cách hòa mình với người khác; và ngược lại, những người khác kính trọng sức mạnh tinh thần của anh ấy, và cảm thấy là họ có thể học hỏi anh và trông cậy vào anh. Một người càng tĩnh lặng, thì thành công, ảnh hưởng, và quyền lực cho thiện hảo của anh ta càng lớn. Ngay cả người đi buôn bình thường cũng thấy được thương mãi của anh ta mạnh thêm khi anh ta phát triển được tính tự kiểm soát và điềm tĩnh, vì người ta luôn luôn thích làm ăn với một người có tác phong rất quân bằng.

“Người mạnh mẽ và điềm tĩnh luôn luôn được yêu mến và kính trọng. Anh ta giống như cây đại thụ che nắng trong vùng khan hạn, hang đá chở che trong cơn bão. Ai không yêu một quả tim tĩnh lặng, một cuộc đời dịu dàng và quân bình? Không cần biết là mưa hay nắng, hay bất kỳ đổi thay nào có thể đến với những người có được phúc đức này, họ luôn luôn ngọt ngào, tĩnh lặng, và điềm tĩnh. Cung cách chắc chắn quí hiếm, mà chúng ta gọi là tĩnh lặng, là bài học cuối của văn hóa, là hoa trái của linh hồn. Nó quí giá như trí tuệ, đáng thèm hơn vàng—vâng, hơn cả vàng ròng. Chỉ kiếm tiền mà thôi thì nhỏ bé biết bao so với một cuộc đời tĩnh lặng–cuộc đời sống trong đại dương của Sự Thật, dưới những lọn sóng, ngoài tầm với của bão tố, trong Điềm Tĩnh Vĩnh Cửu.”

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use