Văn

RUỘT ĐAU QUÊ MẸ (Chương Khuê)

RUỘT ĐAU QUÊ MẸ

Chi
ều chiều ra đứng cửa sau
Trong về quê mẹ ruột đau chín chiều

 (Ca dao)

  ly hương suốt hơn nửa thế kỷ chưa một lần quay về, tôi không nhớ xuể lòng mình đã mấy nhiêu bận trĩu nặng lời ca dao …Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều. Nhưng lần này trông về quê mẹ Vinh với  biến cố Xứ ĐạoTam Toà, ruột tôi đau thắt như thể…không biết bao nhiêu chiều.

Chiều nay, ngày 15 tháng 8 năm 2009, không may mắn như người thiếu nữ lấy chồng xa, “chiều chiều ra đứng cửa sau”: nhà chồng dù có xa mấy, cũng là trên dãi đất quê mẹ cô, dễ dàng nối liền bằng một chuyến đò dọc, hay một chuyến đò ngang, một quảng đường làng. Còn tôi đang trong một ngôi giáo đường vùng Bắc Mỹ, thành phố Seattle, tiểu bang Washington xa cách nước Việt mến yêu nửa vòng trái đất với cả một đại dương, biểnThái Bình, để cùng dăm bảy chục đồng hương lạc lỏng đất khách cầu nguyện cho quê mẹ Vinh đang trong cơn bách hại do đám mang danh người đồng chủng.

Cô lấy chồng xa đứng đó hình dung, mường tượng những hình ảnh thân thương, khuôn mặt mẹ cha, anh chị em, bạn bè, ao cá, liếp rau, bờ tre,  bụi chuối, mé sông, đường làng …và bao điều khác nữa. Những gắn bó thân thương làm nên một phần đời cô vừa bỏ lại, nhưng tất cả đều còn đó, trong bình yên. Chỉ xa cách, và trong nỗi nhớ nhung “trông về” không thôi cũng đã khiến cô ruột đau chín chiều.

Tôi mang tấm thân lưu lạc xứ người, qùy đây nhìn lên màn hình, cảnh những giáo dân Tam Toà bị vây khổn, đánh đập bởi những người công an, tựa đàn chiên cừu giữa bầy lang sói. Những đồng bào tôi mặt mày lênh láng máu me, môi mắt sưng vù, đầu, tay băng bó. Tại họa không phải do phường trộm cướp bọn côn đồ, mà do nhà chức trách đương quyền tỉnh Quảng Bình gỉa dạng bọn côn đồ phường trộm cướp, vì cái “tội” đồng bào tôi đã đến dựng tạm cái láng  lều làm nơi thờ phượng Chúa trên sân ngôi giáo đường đổ nát do bom đạn chiến tranh mà họ sở hữu đã 122 năm nay, từ năm 1887, trước khi ông Hồ Chí Minh chào đời.

Tôi nhoè mắt, và ngỡ rằng mình đang bị bàn tay vô hình nào kéo giật ngược về quá khứ xa xăm, thời tiền sử hồng hoang. Không phải. Thuởi man di mọi rợ, loài thú giết nhau ăn thịt nhau vẫn hiên ngang đường đường chính chính chứ không dở trò ném đá dấu tay.Hay ai đã đưa tôi đến một hành tinh khác trái đất nàỵ? Cũng không phải nốt..Phía trên màn hình, tượng Chúa bị đóng đinh vẫn còn đó. Đây vẫn là trái đất có quê mẹ của tôi đã một thời trãi qua kinh hoàng của “Cải Cách Ruộng Đất” đẩm máu oan khiên, thời con cái được “giáo dục” để đấu tố mẹ cha, trẻ thơ bập bẹ tiếng đầu lòng không được “ba ba, má má, mẹ mẹ”, mà phải là “Xít ta lin”, ông mắt xanh mũi lỏ râu quặp xa tít mãi nước Nga; tình cảm thì “thương cha thương mẹ thương chồng thương mình “ cộng lại cũng chỉ được một phần mười “thương ông” Xít chết; Đây vẫn là trái đất với giáo xứ Tam Toà rõ ràng có ông Phó chủ tịch Tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật giàn cảnh đưa linh mục  Ngô Thế Bính đến thăm linh mục Nguyễn Đình Phú bị đánh trước đó đang nằm ở trạm xá rồi bỏ đi cho bọn côn đồ bố trí sẵn xông vào đánh 2 giáo dân đang trực cha Phú và đánh cha Bính lỗ  đầu, bầm mắt, văng răng, gãy tay.

Không phải là ác mộng, mà là hiện thực quê mẹ tôi đang quằn quại dưới vuốt nanh loài qủy Đỏ hung hãn hơn cả tại cái nôi sinh ra chúng, Liên Xô cũ. Ruột tôi càng thắt càng vò khi nhìn ngược dòng lịch sử, quê mẹ tôi nhờ Ân sủng Trời đã kết tụ được những tinh hoa của hồn thiêng sông núi. Những tiên sinh mà ngày nay chỉ cần nhắc đến tên đã sáng ngời niềm tự hào chung cho cả dòng giống Lạc Hồng. Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tô, Nguyễn Biểu, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Cao Thắng,  , sáu vị thánh tử đạo và đặc biệt trong hàng ngũ chống thực dân Pháp có anh hùng linh mục Đậu Quang Lĩnh, người làng Yên Phú, xứ Thọ Ninh, Đức Thọ.

Nhưng oái oăm thay có phải vì lẽ bù trừ mà cũng chính từ vùng “địa linh nhân kiệt” này , làng Kim Liên, Nam Đàn đã nứt đât ra con Hồ ly tinh biến hóa thành một bầy “cháu ngoan” đang tác oai tác quái đưa giang sơn xứ sở đến bờ tiêu vong.

Quê mẹ tôi cùng chung số phận của cả dân tộc và đất nước qua bao thời kỳ đau thương.” Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu; một trăm năm đô hộ giặc Tây” và những năm dài nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn. Nhưng chưa bao giờ đất nước và dân tộc Việt Nam tôi bị đổ vỡ tang thương nhục nhã mất mát như hiện tại dưới sự thống trị của tà thần có tên Cộng Sản du nhập bởi đứa con phản tặc xuất thân từ hạ lưu sông Lam xứ Nghệ.

Giữa hoang tàn đổ nát truyền thống dân tộc, đạo lý cha ông, non sông, biển đảo tổ tiên, hào khí Hồng Lạc suốt toàn cõi từ Bắc chí Nam giang sơn một thời gấm vóc, tôi lầm lủi thu mình trông về quê mẹ Vinh nơi giáo xứ Tam Tòa nhỏ bé.

Nơi sân nhà thờ ấy các linh mục chỉ rao giảng cho giáo dân Sứ Điệp Tin Mừng Tình Thương, Hòa Giải và Sự Sống , sao các người Cộng Sản lại sợ hãi đến nỗi phải ra tay hành động tàn độc với họ hơn cả loài dã thú như vậy ? …

 

Hỡi nhà cầm quyền ở Hà Nội và tỉnh Quảng Bình, các người chỉ cần tự hỏi : Ai đang chăm sóc hầu hết những người cùi phong của cả nước? Ai đang cứu tế những thành phần khốn khó bị bỏ rơi bên lề xã hội Việt nam? Ai đang lặn lội đường rừng để cứu đói, chữa bệnh nan y cho những người thiểu số vùng cao ?  Ai đang đêm đêm đi bới móc lục lọi từng thùng rác để gom thây hay có khi cứu sống những thai nhi bị tước đọat quyền làm người ra khỏi bụng mẹ? Ai đang trong âm thầm xoa dịu những đau thương sau cuộc chiến? Ai đang nhắc nhở làm người chẳng những phải sống lương thiện mà cò phải thương yêu tha nhân như chính bản thân ? Ai đang báo động họa Bauxite Tây Nguyên, họa Biển Đông ? Ai đang dạy dỗ có hiệu quả tốt đẹp nhất các trẻ nhỏ tại các trường Mầm Non mà chính nhiều dảng viên CS cấp cao ở thành thị đã và đang gửi gắm con cháu họ ? Và chắc chắn các ngưới đã không thấy một linh mục, một giáo dân nào hô hoán, “Giết, giết, giết cho ruộng đồng xanh tươi”. 

Ơi người thiếu nữ lấy chồng xa trong ca dao thuở nào, hẵn cô đã có được ít nhất một lần về lại quê mẹ, và mọi sự đều êm đềm đẹp đẽ như cô mường tượng ngóng trông những chiều chiêù từ cửa sau nhà chồng. Thuyền đưa cô về vẫn êm ả trên sông nước hiền hoà. tình quê vẫn lai láng ngọt ngào chân chất, như buổi cô đi. Thời đại cô may mắn, chưa bị ai đem “xuyên suốt sợi chỉ hồng”.

Thời đại của tôi thì đã khác: sợi chỉ hồng đã xuyên suốt Nam Bắc, khơi nguồn cho sông máu núi xương dọc Trường Sơn. Máu xối xả trên Đại lộ Kinh Hoàng, trôi thành dòng giữaThành phố Huế, loang lỗ khắp những nẻo đường quê hương; máu chờn vờn Biển Đông. Và giờ đây máu đang đổ trên khuôn mặt những người giáo dân Tam Toà, xuơng gãy trên cánh tay của linh mục Ngô Thế Bính…

Trông về quê mẹ Giáo Phận Vinh , ruột tôi đứt mấy khúc, đau mấy chiều!

 

Chương Khuê