Tác giả và Tác Phẩm

Quang Thiện : Vi Tình Yêu

VÌ TÌNH YÊU

Đ

ám đông hành khách đáp xe điện, nối đuôi nhau thành hàng dài ngoằn ngoèo trông như thân hình của loài quái vật khổng lồ, không biết suy tưởng, đui mù, nhích từng bước tới cửa đường hầm dẫn vào sân ga ngầm. Chương rất ghét xếp hàng chen lấn với mọi người, vì phải hít thở bầu không khí ngột ngạt đầy hơi hám quanh mình. Ngón tay trỏ anh đặt trên cò súng và suốt nảy giờ cố dằn lòng để khỏi hành động hấp tấp. Thực ra vì đã có ý định nên anh thấy nôn nóng, khó kềm hãm được lâu.

Chương đang nắm khẩu súng trong bàn tay đeo găng da mỏng, giấu trong túi chiếc áo lạnh dài đang mặc. Anh đã thận trọng tháo đường chỉ may ở đáy túi từ trước cho dễ hành sự. Thấy rõ tấm lưng rộng và thấp của lão Bằng đang ở cách mình chừng hơn nửa thước với hai hành khách đứng trước mặt, Chương nghiêng vai, lách vào giữa.Trong lúc di chuyển, anh va nhẹ vào một người đàn ông Mỹ đen.

Bây giờ Chương đang ở ngay sau lão Bằng. Chiếc áo măng-tô anh mặc, không cài nút, cọ vào lưng lão. Anh nâng món vũ khí đang nắm trong túi áo lên ngang tầm, vừa  lúc một  bà Mỹ lấn tới, chạm vào cánh tay, nhưng anh vẫn giữ chặt khẩu súng và mắt vờ nhìn thẳng chiếc nón nỉ lão đội. Bất chợt Chương ngửi được mùi khói thuốc xì-gà quen thuộc thoảng về sau, khiến anh buồn nôn. Nhận thấy hàng người đi trước còn cách trạm xe điện khoảng đôi ba thước, anh lẩm  bẩm: “Còn mấy giây nữa thôi”, rồi đưa tay trái vén vạt áo lạnh bên phải, để hé mũi súng khỏi đáy chiếc túi lủng. Thừa lúc hàng người xô đẩy, chộn rộn, anh bóp cò và nghe tiếng đàn bà hét lớn, giọng hoảng hốt.

Chương bỏ luôn khẩu súng rơi xuống sàn xi măng qua lỗ trống ở túi áo thủng. Nhận thấy đám đông hành khách nhốn nháo, vì tiếng súng nổ, xô đẩy thối lui, anh nương theo làn sóng chuyển động. Một số người lấn tới trước, để lộ khoảng hở, Chương kịp thấy lão Bằng nằm nghiêng trên thềm xi-măng, miệng còn cắn cứng điếu xì gà. Một số hành khách Mỹ lên tiếng:

– Có người bị bắn!

– Ai?

– Ở đâu?

Kế tiếp, vì hiếu kỳ, đám đông ùa tới trước, đẩy Chương trở lại gần thi thể lão Bằng đang nằm bất động. Anh lại nghe tiếng ai đó hét: – Tránh ra! Coi chừng mấy người dẫm lên nạn nhân!

Đã thấy rõ kết quả, Chương lách khỏi đám hành khách chộn rộn, rồi bước theo các bậc cấp dẫn xuống sân ga. Tiếng xe điện từ xa đang rầm rập lao tới, lấn át tiếng người ồn ào trên đường dẫn xuống trạm. Anh móc trong túi quần lấy mớ tiền lẻ mua vé lên tàu và để ý đám hành khách đứng gần hầu như chẳng biết có người chết đang nằm ở trên đầu bậc cấp dẫn xuống sân ga. Chương phân vân, suy tính tìm lối khác để lên mặt đường, lấy chiếc xe anh nhớ đã vội vã đậu ở lề đường số 35, gần góc Broadway, nhưng nghĩ lại, thấy không nên, vì sợ gặp ai đó nhận diện được anh đã đứng gần lão Bằng lúc nảy. Chương tự biết dáng người cao quá khổ của mình rất dễ bị nhìn ra. Cuối cùng, thấy đồng hồ tay chỉ đúng 5 giờ 45 phút, Chương quyết định về nhà trước rồi hãy trở lại lấy xe sau.

Băng qua trạm, anh đón chuyến xe điện về thành phố. Vì tai nhậy cảm, Chương thấy khó chịu khi nghe tiếng bánh sắt thắng rít trên đường rầy, nhưng cuối cùng, anh cũng đứng trên sàn xe điện, nhìn đám hành khách chung quanh đang chăm chú đọc báo, tay trái anh vịn thanh sắt ngang và tay mặt vẫn đút trong túi chiếc áo lạnh đang mặc, mấy ngón tự nhiên túm lấy chỗ thủng đã tháo chỉ. Chương tự nhủ về nhà tối nay sẽ khâu lại, nhưng bất chợt nhìn xuống, anh hoảng kinh khi nhận ra viên đạn bắn lão Bằng đã làm thủng một lỗ lớn ở vạt áo. Với phản ứng tự nhiên, anh bỏ tay mặt ra ngoài, che vết đạn, trong khi mắt không rời mấy tấm bảng quảng cáo ở dọc lề đường. Tự dưng đâm lo, Chương cố ôn lại từng diễn tiến hành động của mình vừa qua xem có để lộ tông tích ở đâu đó hay không. Anh đã rời cửa hàng làm việc sớm hơn thường lệ, lúc 5 giờ 15 phút, để kịp lái xe tới đường số 34 vào năm giờ rưởi, đúng thời gian lão Bằng theo thói quen, thường đóng cửa tiệm ra về. Chương còn nhớ chủ mình, ông Thắng, trông thấy, lên tiếng hỏi:

– Bữa nay cậu về sớm hả, Chương?

Thực ra, trước đây, anh cũng đã một vài lần ra về như vậy, nên nghĩ ông Thắng chỉ hỏi chứ không có ý ngờ vực gì. Anh mua khẩu súng tay từ năm tuần trước ở Bennington, bên tiểu bang Vermont, mà không phải ghi danh tính trong sổ sách và đã cẩn thận lau sạch cả trong lần ngoài, kể cả mấy viên đạn để không lưu lại dấu vết nào, nên nghĩ cảnh sát khó thể truy nguyên được. Chương biết chắc không ai thấy anh bóp cò và sau khi hạ thủ lão Bằng, anh đã thận trọng nhìn quanh, chẳng thấy ai chú ý tới mình, mới bước mấy bậc cấp xuống trạm xe điện ở dưới.

Chương dự định đáp xe điện qua luôn vài trạm mới lên trên trở về thành phố và anh nghĩ trước hết phải thủ tiêu chiếc áo măng-tô bị thủng lỗ đạn; nếu tiếc rẻ đem mạn lại để xài là điều rất nguy hiểm vì chỗ thủng không có vẻ do thuốc hút làm cháy. Chương tính phải về nhà gấp. Anh đã đậu chiếc xe của mình cách chỗ giết lão Bằng chừng ba khoảng đường phố. Chương sợ đêm nay cảnh sát có thể thẩm vấn anh về cái chết của lão Trương Đắc Bằng, vì nhà chức trách thế nào cũng điều tra Hạnh và nếu nàng không đề cập tới anh thì bà chủ nhà của nàng cũng như của lão Bằng sẽ khai ra. Còn bạn bè, sự thực lão chẳng có bao nhiêu.

Chương có ý nghĩ cởi áo măng-tô liệng vào mấy thùng chứa rác trong khu xe điện ngầm, nhưng sợ hành khách qua lại để ý. Anh cũng tính nhét đại trong các thùng dẹp đựng tàn thuốc dựng ở lề đường, nhưng thấy bất tiện, dễ bị người ta ngờ vực vì áo hãy còn rất mới. Cuối cùng, Chương quyết định về nhà gói kín lại rồi đem liệng.

Rời trạm xe điện ngầm ở đường 72, Chương lội bộ về gian chung cư hẹp của anh ở tầng dưới cùng trong tòa nhà xây bằng đá nâu trên đường số 71, gần góc West End về hướng Tây thành phố. Lúc mở cửa bước vào nhà, để ý không thấy ai khác, anh nghĩ như vậy mà hay, vì nếu bị chất vấn anh sẽ nói đã về nhà lúc 5 giờ rưởi thay vì gần 6 giờ chiều như hiện tại. Sau khi bật đèn trong phòng khách, Chương chợt đổi ý; anh nghĩ nên cho chiếc áo măng-tô bị thủng vào lò sưởi đốt cháy rụi là cách phi tang kín đáo nhất.

Rủ bỏ mấy đồng tiền lẽ và bao thuốc hút lép kẹp khỏi túi bên trái, Chương cởi áo măng-tô vắt trên thành ghế trường kỷ, rồi nhấc điện thoại, bấm số của Hạnh. Sau tiếng reng thứ ba, nghe nàng hiện diện bên kia đầu dây, anh nói vội: – Hạnh đó hả? Chuyện xong rồi, cưng!

Anh để ý nàng do dự giây lát mới hỏi: – Xong rồi? Thực hả? Anh không…

Chương không nói đùa, nhưng chẳng biết giải thích sao với người yêu vì thấy không tiện kể chi tiết qua phone. Cuối cùng, anh nói khẽ: – Hạnh, anh yêu em. Cưng ngủ yên nhé!

– Anh…

Nghe nàng bỗng nhiên ngừng nói rồi bật khóc, Chương dặn dò:

– Cưng à, cảnh sát có thể đến nói chuyện với cưng…, chắc chừng vài phút nữa thôi.

Nói tới đây, Chương chợt ngưng tiếng, bóp mạnh ống nghe. Anh muốn choàng đôi cánh tay che chở quanh bờ vai thon nhỏ và hôn trên má người yêu đang đẫm lệ. Cuối cùng, anh tiếp lời: – Dù nhà chức trách có vặn hỏi cách mấy, em cũng đừng nhắc tới tên anh, nhớ đấy! Bây giờ anh còn chút việc phải làm gấp. Nếu bà chủ nhà của em nhắc tới tên anh, em đừng lo vì anh đã có cách đối phó, nhưng riêng mình, em tuyệt đối không nên khai tên anh, hiểu rõ chứ?

Dứt lời, Chương chợt nhớ anh đã dặn dò Hạnh như bảo một đứa trẻ có thể khiến nàng tự ái, nhưng bây giờ không phải là lúc suy nghĩ làm sao để lấy lòng người yêu, nên anh lại hỏi:

– Hạnh, em hiểu rõ anh dặn gì hay không?

Nàng đáp khẽ: – Hiểu rồi…

– Hạnh, lúc cảnh sát tới, em đừng khóc. Nhớ lau khô mắt và bình tĩnh.

Ngưng giây lát như để tính kế, xong Chương nói tiếp: – Hay là em nên ra ngoài đi xem chớp bóng, em nghe anh nói chứ? Em hãy ra khỏi nhà trước khi nhà chức trách tới!

– Em nghe rồi!

– Hứa với anh đi.

– Em hứa…!

Chương gác điện thoại, xong bước vội tới chỗ lò sưởi. Anh vo mớ giấy nhựt trình đặt vào giữa, gác củi lên rồi quẹt diêm.  Anh mừng thầm đã dự trử được một mớ củi khô nhờ Hạnh thích trong nhà có ánh lửa ấm. Trước kia, thời chưa gặp nàng, anh ở trong gian chung cư này khá lâu mà chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện đốt lò sưởi.

Hạnh ở khu vực hướng tây thành phố, đối diện với cửa gian chung cư của lão Bằng ở bên kia đường số 18. Như vậy, thế nào nhà chức trách cũng đến chỗ lão trước nhất để hỏi bà chủ nhà vì lão sống độc thân, chẳng có ai khác ở chung. Chương chợt nhớ bà chủ nhà của Hạnh, có dáng vóc nhỏ thó với mái tóc điểm sương anh đã được thấy trong mùa hè vừa qua lúc bà ta chồm người khỏi cửa sổ, nhìn quanh như ngầm rình xem những người thuê chỗ trọ làm những gì…, thế nào cũng khai với cảnh sát là lão Trương Đắc Bằng ở bên kia đường, có liên hệ và thường lui tới với nàng. Chương hy vọng bà chủ nhà không đề cập anh với cảnh sát ngay vì bà ta đoán chàng thanh niên thường lái xe tới thăm Hạnh chỉ là bạn trai. Nhưng nghĩ lại, anh lo bà ta cũng có thể vì nghi ngờ chuyện ghen tương xãy ra giữa lão Bằng với bạn trai của Hạnh mà đề cập tên anh với cảnh sát. Cuối cùng Chương tự an ủi với ý tưởng lúc cảnh sát đến, Hạnh đã ra khỏi nhà.

                Đã có lúc Chương ngồi thẩn thờ, tinh thần căng thẳng, trong lúc tay cứ cho thêm củi vào lò sưởi. Anh cố đoán thật chính xác xem Hạnh đang nghĩ gì lúc này, sau khi biết lão Trương Đắc Bằng bị bắn chết, rồi anh tự tưởng nghĩ ý của mình để đoán thái độ của Hạnh và an ủi nàng. Nhưng nghĩ lại, Chương thấy cần gì phải làm vậy, vì anh đã giải thoát Hạnh khỏi tay lão độc vật; như vậy nàng nên vui mừng mới phải. Anh đoán, trước hết Hạnh sẽ khổ tâm, vì dù sao cũng từng biết lão Bằng từ lúc nàng còn ấu thơ. Lão Bằng là bạn thân nhất của cha nàng, cho nên Chương tự biết Hạnh phải đối xử với lão đặc biệt hơn người khác. Sau khi cha nàng qua đời, lão Bằng vẫn còn độc thân, đã nuôi nấng Hạnh như một người cha. Chỉ có điều khác là lão kiểm soát chặt chẽ mọi hành động của Hạnh. Lão từng thuyết phục, không có lão, nàng chẳng thể làm gì được, đồng thời khuyến cáo Hạnh không được cưới bất cứ người nào lão chê. Nhưng thực tế cho thấy ai tới gần nàng lão cũng không chịu, như Chương chẳng hạn. Hạnh cho biết, trước anh cũng đã có hai chàng trai ngấp nghé nàng, đều bị lão Bằng khước từ.

Chương chẳng dễ gì bỏ cuộc. Anh không bị mắc mưu mỗi khi lão Bằng tìm cớ thoái thoát không cho gặp Hạnh, đại khái như, nàng bị bệnh, bị mệt, không muốn gặp ai cả. Lão cũng từng gọi điện thoại cho anh vài lần, cố phá mấy cuộc hẹn, nhưng nhiều đêm, Chương lì lợm, lái xe đến tận nhà đưa Hạnh đi, mặc kệ nàng sợ lão Bằng giận. Hạnh đã 23, tuổi trưởng thành, nhưng lão vẫn đối xử với nàng như trẻ con. Nàng đi sắm quần áo cũng phải có lão theo bên cạnh. Trong đời chưa hề thấy tình trạng này nên Chương cho trường hợp của Hạnh như cơn ác mộng hoặc như chuyện kỳ lạ khó thể tin nổi. Nghĩ chắc lão Bằng đã yêu Hạnh một cách khác thường, nên anh nêu thắc mắc này sau khi quen biết nàng ít lâu, nhưng Hạnh trố mắt hỏi:

– Ông Bằng yêu sao không bao giờ động tới người em?

Lão Bằng chẳng hề tỏ ý hay có cử chỉ gì sàm sở đối với nàng thật. Có một lần tạm biệt. lúc chia tay, lỡ đụng vào vai nàng, lão đã vội vàng thối lui, miệng không ngớt xin lỗi, khiến Hạnh thấy thật lạ.

Chương cho rằng lão Bằng đã có cách khống chế tư tưởng khiến nàng như tù nhân tùy thuộc vào tư tưởng của lão, cho nên Hạnh có vẻ là người vô tâm trí. Anh nhân thấy ánh mắt nàng dịu dàng, nhưng đầy vô vọng, khiến nhiều lúc nhìn sâu trong mắt người yêu anh nghĩ phải chiến đấu để giải thoát Hạnh khỏi bị lão Bằng áp bức tinh thần. Chương không bao giờ quên cách lão nhìn khi Hạnh giới thiệu anh. Lối nhìn của lão Bằng như ngầm nói với Chương: “Cứ thử đi. Ta rõ ngươi muốn chiếm Hạnh, khỏi tay ta, nhưng không lâu đâu.”

Dáng người lão Trương Đắc Bằng thấp lùn, với khuôn mặt có chiếc cằm bạnh và đôi chân mày dày, vì lông mọc rậm ri. Lão làm chủ cửa tiệm chuyên sửa ghế ở đường 36, nhưng Chương nhận thấy dường như lão không thiết gì trên đời này ngoài Hạnh. Mỗi lần đến gần nàng, lão để hết tâm trí như thể tập trung lực thôi miên khiến Hạnh cư xử với lão như người mê muội bị sai khiến. Ở cạnh lão Bằng, Hạnh không tự chủ được, nàng luôn luôn nhìn lão để tìm sự chấp thuận hoặc được phép làm bất cứ gì, ngay cả việc lấy bánh nướng khỏi lò.

Chương đế ý thấy Hạnh có thái độ vừa thương vừa ghét lão Bằng cùng  lúc. Nhưng dạo sau này có khi anh tưởng đã thắng thế phần nào qua những lời thuyết phục được nàng ghét lão hơn, nhưng sau đó, Hạnh bất chợt phản đối người yêu và bênh vực lão tận tình. Nàng nói: – “Sau khi cha qua đời, em cô đơn lắm, ông Bằng đã đối xử với em quá tốt.”  Vì vậy mà mối tình giữa anh với Hạnh đã lận đận suốt gần cả năm. Chương cố tìm cách qua mặt lão Bằng để được gặp Hạnh mấy lần mỗi tuần, nhưng nàng đã đu đưa trong tình trạng lúc chịu gặp người yêu, lúc tránh né với lý do sợ lão Bằng buồn lòng. Những lúc thấy Hạnh có mặc cảm lo âu như vậy, Chương mạnh dạn nói: – “Anh muốn cưới em làm vợ, thật đấy!” nhưng vẫn không thể làm người yêu hiểu được vì nàng anh sẽ làm bất cứ gì. Nhiều lần Hạnh thổ lộ: – “Em cũng yêu anh rất nhiều,” nhưng với vẻ mặt buồn, lo âu như người tù chung thân không tìm được cách đào thoát. Cuối cùng, Chương quyết định thực hiện phương kế tối hậu, dùng bạo động để giải thoát Hạnh.

 

                Ngồi chỏi gối trước lò sưởi, Chương cố dùng kéo cắt chiếc áo măng-tô thành từng mảnh cho dễ đốt. Ở những chỗ may đường chỉ đôi, khó cắt, anh nắm áo, dở cao cho cháy từ từ, nhưng ngọn lửa củi táp vào tay mà áo vẫn không cháy như thể vải được sản xuất từ chất abesto kỵ lửa. Cuối cùng, Chương phải cắt thật vụn và đốt cho lửa cháy lớn hơn.

Chương bỏ thêm củi vào khung lò hẹp, ló ra tới ngoài thềm gạch, xong tiếp tục dùng kéo lớn cắt mấy chỗ may chắc chắn. Có lúc, anh phải mất mấy phút mới tháo được ống tay áo. Nhận thấy vải cháy xông khói khét nồng nặc, anh tới mở rộng cửa sổ cho không khí trong phòng bớt ngột ngạt. Nhiều lúc vải bỏ vào quá nhiều, không cháy kịp, làm lửa tắt ngấm, nên phải mất cả giờ Chương mới đốt hết chiếc áo.

Nhìn mảnh vải cuối cùng co rúm giữa lò với ngọn lửa bốc cao, quay thành vòng, anh chợt liên tưởng tới nét mặt Hạnh tái xanh vì sợ khi cảnh sát đến lần thứ hai, thông báo cho nàng biết lão Bằng đã bị giết chết. Chương tưởng tượng trường hợp tệ hại nhất khi cảnh sát đến ngay giây phút anh vừa gọi điện thoại thông báo cho nàng. Lúc đó, vì tinh thần bất ổn, Hạnh sẽ khai đã được tin lão Bằng chết, như vậy n àng khó thể giấu ai nói cho biết và vì hoảng hốt nàng sẽ khai tên Trịnh Chương là thủ phạm. Anh liếm môi, lo sợ, khi bất ngờ nhận thức được là không thể tin tưởng Hạnh. Nàng yêu anh, đấy là sự thật hiển nhiên, nhưng Hạnh không thể tự mình lo liệu được hết mọi sự. Suy tư một lúc, Chương muốn tới đường 18 ngay để có mặt bên cạnh người yêu lúc cảnh sát đến. Anh mơ tưởng hình ảnh bộ mặt tự tin của mình lúc trực diện với nhân viên công lực. Choàng tay trên vai Hạnh, anh thay mặt nàng trả lời từng câu thẩm vấn ngoắt ngoéo, giải tỏa những điểm cảnh sát nghi ngờ. Nhưng nghĩ lại, Chương thấy làm vậy là dại, vì khi anh đến nơi, cảnh sát có thể đang hiện diện tại chung cư Hạnh ở.

Chương giật mình vì nghe tiếng gỏ cửa. Anh  biết có người đến nảy giờ, nhưng nghĩ chắc không phải tìm mình. Tự dưng bật run khan, anh hỏi lớn: – Ai đó?

– Cảnh sát! Chúng tôi cần gặp anh Trịnh Chương ở phòng 1A.

Quay nhìn chỗ lò sưởi, thấy chiếc áo măng-tô đã cháy hết, mảnh vải cuối chỉ còn là vết than lóe đỏ, Chương yên tâm, nghĩ chắc cảnh sát không quan tâm chiếc áo mà tới để thẩm vấn như đã hỏi Hạnh. Anh mở cửa, xưng danh: – Tôi là Trịnh Chương, xin lỗi có chuyện gì?

Hai cảnh sát viên Mỹ, một cao một thấp, thản nhiên bước vào trong. Anh để ý thấy họ nhìn chỗ lò sưởi có lẻ vì mùi vải cháy phảng phất.

Người cảnh sát có dáng vóc cao lớn, lên tiếng: – Chắc anh đã biết lý do chúng tôi đến đây. Chúng tôi muốn mời anh tới văn phòng cảnh sát.

Ông ta vừa nói vừa nhìn Chương với ánh mắt chẳng chút thân thiện. Trong khoảnh khắc, nghĩ Hạnh chắc đã khai hết mọi sự với nhà chức trách, anh thấy tay chân bủn rủn, nhưng cố làm ra vẻ bình tĩnh, đáp: – Vâng, tôi sẽ đi với các ông.

Cảnh sát viên có dáng vóc thấp, nhìn lò sưởi, hỏi Chương:- Anh đốt gì vậy? Áo chắc?

– Tôi đốt mớ đồ cũ.

Nghe anh đáp, hai người cảnh sát nhìn nhau với ánh mắt ngờ vực, nhưng không nói gì. Chương nghĩ họ chắc mẩm anh là thủ phạm nên không cần hỏi nhiều. Có thể họ đã đoán anh đốt chiếc áo măng-tô và hiểu được lý do vì sao anh làm vậy. Cuối cùng, Chương mở tủ lấy chiếc áo lạnh khác, mặc vào.

Trong lúc cả ba ra khỏi căn chung cư, bước xuống bậc cấp tới chiếc xe tuần cảnh đậu ở lề đường, Chương thắc mắc chẳng biết Hạnh đang ra sao? Anh tin chắc nàng chẳng phản bội mình, nhưng có thể nhà chức trách đã bắt bí, lùa nàng vào cái thế phải khai ra hết hoặc vì lo sợ Hạnh đã khai huỵch tẹt rồi mới biết mình sai lầm. Chương thầm trách đã kém thận trọng, vì không đưa Hạnh đi nơi khác, xa thành phố vào lúc này. Thực ra tối qua anh đã cho nàng biết sẽ thực hiện ý định của mình trong ngày hôm nay chỉ vì không muốn nàng sống mãi trong hoàn cảnh tinh thần thường trực bị khủng hoảng. Nghĩ lại, anh tự thấy mình quá đần độn. Thật ra anh biết rất ít thái độ của Hạnh dù đã dồn hết nổ lực để tìm hiểu. Chương nghĩ nếu anh chẳng nói gì cả với nàng sau khi hạ thủ lão Bằng chắc tình thế có lợi hơn!

Xe dừng bên lề đường, ba người bước xuống. Suốt lộ trình, Chương không lưu ý xem hai cảnh sát viên đưa mình đi ngả nào, bây giờ mới thấy đang đứng trước một tòa nhà đồ sộ. Anh theo hai nhân viên công lực bước vào trong, tới một gian phòng rộng như pháp đình, nơi có người sĩ quan cảnh sát đang ngồi trên bục cao như chánh án.

Một cảnh sát viên đi với anh, lên tiếng: – Trịnh Chương đây!.

Viên sĩ quan cảnh sát ngồi trên cao cúi xuống nhìn anh với vẻ thích thú, vừa khôi hài nói:

– À, Chương, chàng trai vội vàng. Anh quen biết cô Hoàng Mỹ Hạnh?

Chương đáp, giọng nhỏ như thì thầm:  – Dạ, biết!

– Như vậy địa chỉ của anh đúng rồi, tôi mới vừa nói chuyện với nhân viên điều tra án mạng, họ muốn hỏi anh vài điều vì dường như anh có liên can. Chà, hồi chiều anh gấp dữ hả?

Không hiểu ông ta hàm ý gì, Chương nhìn quanh phòng xem Hạnh có mặt tại đây hay không, nhưng chỉ thấy hai cảnh sát viên khác ngồi ở chiếc ghế dài đặt dựa tường và một người đàn ông lạ mặt ăn bận tồi tàn, đang ngủ gật trên một chiếc ghế khác, còn Hạnh, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng đâu cả.

Viên sĩ quan cảnh sát lại hỏi, giọng kém thân thiện:

– Trịnh Chương, anh biết vì sao phải tới đây tối nay chứ?

Cúi mặt nhìn vào cạnh tấm ván ở bục gỗ, anh đáp khẽ: – Dạ, biết!

Dứt tiếng, Chương tưởng chừng dàn khung cơ thể giúp anh đứng vững suốt mấy giờ qua bây giờ đang rời rã từng phần, nhưng nhờ óc tưởng tượng, nhờ ý nghĩ có bổn phận thi hành bản án tử đối với lão Bằng để giải thoát người mình yêu và cũng là người yêu mình, nên anh không sụm xuống. Chương tự cho đã loại được một tên ma đầu hay một quái vật nấp trong thân xác người, khỏi thế giới này. Bây giờ, dưới ánh mắt lạnh lùng và chuyên nghiệp của ba cảnh sát viên Mỹ, Chương lo ngại họ nhận ra anh đã làm những gì. Ngay cả người thiếu nữ vì nàng anh hành động cũng đã phản bội. Ý tưởng khiến Chương đưa hai tay ôm mặt, lòng buồn phiền không thể tả. Tiếng viên sĩ quan cảnh sát lôi anh trở về thực tại:

– Tôi biết anh tức vì người quen bị giết chết, nhưng vào lúc 5 giờ 45 phút có phải anh chưa biết chuyện xảy ra hay vì tình cờ được biết rồi vội vàng về nhà hoặc định đi nơi nào khác?

Chương cố hiểu xem ông ta muốn nói gì, nhưng thấy đầu óc mù mờ một cách kỳ lạ. Nhớ đã bắn lão Bằng đúng 5 giờ 43 phút và nghĩ viên sĩ quan cảnh sát tiếp tục chế nhạo mình, anh không trả lời, chỉ ngẩng mặt nhìn. Chương nhận thấy ông ta khoảng 40 tuổi với bộ mặt mập phì và ánh mắt lộ vẻ láu lỉnh, khinh người. Viên cảnh sát thấp, đứng gần Chương bỗng lên tiếng:

– Đại úy, lúc chúng tôi tới nhà, anh ta đang đốt mớ quần áo ở lò sưởi.

– Thế à? Anh đốt đồ của ai?

Nghe hỏi, Chương thầm nghĩ, ông ta cũng như hai người cảnh sát đều đã biết anh đốt thứ gì và tại sao, nên đứng lặng thinh. Câu hỏi khiến anh tức muốn điên, đồng thời cũng làm anh hổ thẹn. Ông đại úy lớn tiếng:

– Lúc 5 giờ 45 phút hồi chiều, anh lái xe đụng người ta ở góc đường số 8 và 68 rồi bỏ chạy luôn, phải vậy không?

Chương ngước nhìn với vẻ mặt ngơ ngác khiến viên sĩ quan cảnh sát hỏi, giọng hằn học:  – Anh biết rõ là đã đụng người ta, phải không?

Tới lúc này Chương mới hiểu anh bị điệu tới bót cảnh sát vì lý do đụng người rồi bỏ chạy. Phản ứng tự nhiên khiến anh lúng túng: – Tôi… Tôi không…

Ông đại úy ngắt ngang, quắt mắt nói: – Nạn nhân không chết nên anh còn có thể bàu chữa được, nhưng không phải lỗi anh. Ông ta già rồi, bị gãy chân nằm nhà thương mà không tiền. Tôi nghĩ anh nên tới gặp ông ta sẽ có lợi hơn. Anh đã có hành động đáng hổ thẹn nhất đối với bậc tu mi nam tử là đụng người ta rồi bỏ chạy. Nếu không có bà bộ hành kịp ghi số xe chắc chúng tôi chẳng bao giờ tìm được anh.

Bây giờ Chương mới hiểu rõ. Bà bộ hành đã lầm lẫn ghi sai số nhằm xe anh, như vậy, nên nắm lấy cơ hội này để làm bằng chứng cho mình, nếu không sẽ nguy mất. Chương tự biết có quá nhiều yếu tố bất lợi cho anh dù Hạnh không khai gì cả. Hơn nữa, hôm nay anh đã rời chỗ làm sớm hơn thường lệ, rồi sự ngẫu nhiên kỳ quặc đã đưa cảnh sát tới nhà nhằm lúc anh đang đốt chiếc áo măng-tô. Ý nghĩ vừa dứt, ngước nhìn ông đại úy đang giận dữ, Chương nói, giọng làm ra vẻ hối hận: – Tôi sẵn lòng gặp nạn nhân.

Ông đại úy nói với hai cảnh sát viên: – Đưa anh ta tới bệnh viện gặp ông lão.

Quay sang Chương, ông ta tiếp: – Khi anh trở lại, nhóm điều tra án mạng sẽ có mặt tại đây. À, có điều xui là anh phải chịu năm ngàn tiền tại ngoại hầu tra nếu không muốn ngủ tại bót cảnh sát, phải đóng ngay; như vậy có lo nổi tối nay hay không?

Chương sực nhớ ông Thắng, chủ mình, có thể giúp, nên hỏi: – Tôi gọi phone được chứ?

Ông đại úy không đáp, đưa tay chỉ bộ máy điện thoại để trên bàn sát bức vách. Chương bấm số gọi và nghe tiếng vợ ông Thắng ở bên kia đầu dây. Ít khi nói chuyện với bà nên anh xin được trực tiếp với ông Thắng. Nghe tiếng chủ nhân, Chương vào đề ngay:

– Tôi mong ông Thắng giúp cho một việc. Tôi vừa gây tai nạn nên cần năm ngàn đô-la đóng thế chân… Dạ không, tôi chẳng bị thương tích gì cả, nhưng… ông có thể viết chi phiếu năm ngàn và sai người đem tới bót cảnh sát giùm tôi được không?

Ông Thắng đáp: – Anh cứ ngồi yên ở đó, tôi sẽ đích thân đem chi phiếu tới. Nếu cần, tôi sẽ nhờ luật sư của công ty lo cho, anh đừng nhận luật sư của họ.

Chương ngỏ lời đa tạ và lạ lùng vì lòng tốt của chủ nhân. Anh hỏi địa chỉ bót cảnh sát xong cho ông Thắng biết. Gác điện thoại, anh theo hai cảnh sát viên đang đợi và bước ra ngoài với họ. Đến bệnh viện trên đường 70, sau khi một cảnh sát viên tới bàn tiếp nhận hỏi rõ số phòng, cả ba đáp thang máy lên tầng trên.

Nạn nhân bị đụng xe đang nằm một mình, một chân được quấn bột trắng treo vào sợi dây mắc trên trần phòng. Chương đoán ông ta khoảng 65 hay 70 tuổi vì mái tóc đã bạc với đôi mắt sâu hoắm, trông thật mệt mỏi. Người cảnh sát cao lên tiếng gọi:

– Rosasco, đây là Trịnh Chương đã lái xe đụng ông.

Ông lão gật đầu, nhưng chẳng tỏ vẻ lưu ý, dù nhìn anh chăm chú. Chương ấp  úng:

  Tôi thành thật xin lỗi và sẵn lòng trả tất cả các chi phí bệnh viện, ông hãy tin tôi.

Miệng nói, anh vừa tính hãng bảo hiểm xe sẽ thanh toán bệnh viện phí, còn tiền tòa, sau khi xử xong ít nhất cũng mất một ngàn đô-la, nhưng anh có thể xoay sở để vay mượn.

Ông lão đang nằm trên giường vẫn không nói với Chương gì cả, trông ông ta có vẻ lờ đờ vì thuốc ngủ. Người cảnh sát giới thiệu có vẻ không hài lòng vì thấy Chương và nạn nhân không nói gì với nhau nhiều nên lên tiếng: – Ông Rosasco nhớ mặt người này chứ?

Nạn nhân lắc đầu, đáp:

– Tôi đâu thấy mặt tài xế, chỉ thấy chiếc xe kềnh càng màu đen ủi tới…

Ngưng giây lát, ông ta tiếp lời: – “…Đụng vào chân tôi…”

Nghe nói, Chương nghiến răng, vì xe anh màu xanh lục nhạt và chẳng to lớn gì.

Người cảnh sát có dáng vóc thấp lục trong túi lấy mảnh giấy vàng ra xem rồi nói:

– Xe của người này là chiếc Pontiac loại nhỏ, màu  xanh, ông Rosasco. Chắc ông lầm.

Ông lão quả quyết:- Không, chiếc xe đụng tôi rõ ràng là màu đen.

Người cảnh sát quay nhìn Chương, nói: – Sai rồi, xe anh màu xanh lá non phải không?

Chương miễn cưỡng gật đầu. Người cảnh sát nói như giải thích với ông lão:

– Lúc đó gần sáu giờ, trời tối sớm, chắc ông không thấy rõ đấy thôi.

Chương nín thở, chú ý quan sát nạn nhân. Ông Rosasco trợn mắt nhìn người cảnh sát, rồi cau mày, nét mặt biến dần thành ngơ ngác, cuối cùng ngã vật xuống gối như chẳng màng gì cả khiến Chương thấy thoải mái phần nào.

Viên cảnh sát lùn nói với ông lão:

– Thôi ông Rosasco cứ ngủ cho khỏe đi. Yên tâm, mọi thủ tục chúng tôi sẽ lo.

Hình ảnh cuối cùng Chương thấy trong gian phòng là bộ mặt mệt mỏi của ông Rosasco với đôi mắt nhắm nghiền, nằm im lìm, được ghi sâu vào tâm trí lúc anh bước theo hai cảnh sát viên ra dãy hành lang rộng trong bệnh viện. Chương nghĩ như vậy anh đã có bằng chứng rõ ràng để chạy tội, khỏi liên can tới cái chết của lão Bằng…

Lúc cả ba về tới bót cảnh sát thì ông Thắng đã đến từ lúc nào, kể cả hai người mặc thường phục cũng đang hiện diện mà Chương đoán là nhân viên điều tra. Ông Thắng tới gần Chương, vẻ mặt căng thẳng: – Chuyện gì vậy?  Bộ cậu lái xe đụng người ta rồi bỏ chạy thật sao?

Anh gật đầu, mặt làm ra vẻ hổ thẹn vừa đáp:

-Tôi tưởng không đụng ông ta. Đáng lẻ phải dừng xem, nhưng tôi…

Ông Thắng nhìn Chương với vẻ trách móc, nhưng anh nhận thấy ông không tỏ thái độ khắc khe qua câu nói:  -Tôi đã giao họ chi phiếu đóng tiền tại ngoại hầu tra cho cậu rồi.

Chương lẩm bẩm: – Dạ, cám ơn ông chủ.

Một trong hai người Mỹ mặt thường phục, dáng gầy ốm với khuôn mặt dài, đôi mắt xanh nhìn xoi mói, đến gần, lên tiếng với Chương: – Tôi cần hỏi anh vài điều. Anh từng quen biết cô Hoàng Mỹ Hạnh với ông Trương  Đắc Bằng chứ?

– Vâng, có.

– Anh cho biết hồi chiều, lúc 5 giờ 40 phút anh đang ở đâu?

– Dạ, tôi…tôi đang lái xe lên hướng Bắc thành phố. Tôi rời cửa hàng làm việc ở đường  53 gần góc đường số 7 để về căn chung cư của tôi ở đường 71.

– Như vậy anh đụng người ta lúc 5 giờ 35 phút chứ gì?

Chương đáp nhanh: – Dạ, đúng thế.

Viên thám tử gật đầu, nói: – Anh biết ông Bằng bị bắn chết lúc 5 giờ 42 phút chứ?

Nghĩ viên thám tử nghi ngờ mình, Chương băn khoăn chẳng rõ Hạnh đã khai những gì?  Phải chi anh biết được… Chợt nhớ chính ông Đại Úy cảnh sát cũng không nói rõ lão Bằng bị bắn, Chương cau mày đáp: – Tôi không được biết.

– Chúng tôi đã tiếp xúc với tình nhân của anh. Cô ta khai chính anh bắn chết ông Bằng.

Chương có cảm tưởng tim mình ngừng đập trong khoảnh khắc, nhưng cố trấn tỉnh, nhìn vào ánh mắt đầy nghi hoặc của người điều tra viên, anh đáp: – Không đúng sự thật!

Viên thám tử nhún vai, nói: – Cô ấy có vẻ kinh hoảng, nhưng khai rất quả quyết.

Nghĩ Hạnh đã bán đứng mình, Chương nói giọng run run: – Cô ta nói sai rồi! Tôi rời cửa tiệm làm việc khoảng 5 giờ, có nói cho ông chủ biết rồi lái xe…

– Anh là tình nhân của cô Hoàng Mỹ Hạnh phải không?

– Phải, tôi không thể…

– Anh muốn loại ông Bằng cho khỏi bị trở ngại chứ gì?

Chương ấp úng: – Tôi đâu có giết ông ta. Tôi chẳng liên can… Ngay cả ông ấy chết tôi còn không hay.

– Ông Bằng thường qua nhà cô Hạnh luôn phải không? Chủ nhà của cả đôi bên đã cho tôi biết điều này. Anh có nghĩ là hai người đó có tình ý với nhau?

  Tôi thấy không có.

– Anh không ghen với ông Bằng chứ?

– Dĩ nhiên là không.

Trong thời gian chất vấn Chương, đôi chân mày viên thám tử hầu như lúc nào cũng cau lại như dấu chấm hỏi.  Ông ta tiếp tục, giọng gay gắt: – Anh không ghen? Thật sao?

Ông Đại úy cảnh sát bây giờ mới bước xuống khỏi bục gỗ, can thiệp:

– Thôi đi, Shaw! Mình biết lúc 5 giờ 35 phút anh Chương đang ở đâu rồi. Có lẽ anh ta biết ai hạ thủ ông Bằng, chứ anh ta không tự ra tay đâu.

Viên thám tử hỏi: – Anh biết ai giết ông Bằng?

– Không, tôi thật không biết.

– Đại úy McCaffery cho tôi biết hồi chiều anh đốt quần áo trong lò sưởi. Anh đốt cái áo măng-tô chứ gì?

Chương gật đầu với vẻ lo âu, vừa nói: – Tôi đốt áo măng-tô và cả áo vét nữa vì gián nhắm lủng hết, tôi không muốn để hoài trong tủ.

Viên thám tử, nhích tới gần Chương, gác thẳng chân lên chiếc ghế trước mặt vừa hỏi:

– Anh đốt bỏ áo thật đúng lúc hả?  Đúng ngay sau khi anh nghĩ là đã đụng người ta chết chắc? Mà anh đốt áo của  ai? Áo của tên giết người anh quen biết? Áo của hắn có lỗ đạn xuyên thủng phải không?

Chương đáp nhanh: – Không phải!

– Anh nhờ ai giết ông Bằng chắc? Rồi hắn đem áo tới nhờ anh thủ tiêu?

Chương đứng bật dậy, liếc nhìn ông Thắng đang nghe một cách chăm chỉ, rồi đáp lời viên thám tử: –  Không hề có chuyện đó.

– Có thể anh bắn chết ông Bằng xong lên xe về nhà, rồi vì vội vàng mà đụng người ta, chứ gì?

Đại úy McCaffery lại lên tiếng bàn ra: – Không thể nào như vậy được đâu, Shaw. Mình đã có thì giờ chính xác. Làm sao từ đường 34 và số đường số 7, chạy tới đường 68 và đường 8? Dù nhanh cách mấy cũng không chạy trong ba phút được! Phải lưu ý điểm đó.

Vẫn không rời Chương, hất đầu về phía ông Thắng, viên thám tử hỏi:

– Anh làm việc cho ông này?

– Phải!

– Anh làm gì?

– Tôi là nhân viên chào hàng thể thao trong công ty Vạn Thắng cung cấp cho các cửa tiệm và các trường học trong vùng Long Island. Tôi thường đến làm việc tại cửa hàng của ông Thắng lúc 9 giờ sáng và ra về vào 5 giờ chiều.

Chương nói một mạch, trong lúc đôi chân bủn rủn muốn sụm xuống. Nhưng dù viên thám tử có hạch hỏi, anh thấy bằng chứng chạy tội của mình vẫn vững vàng như bàn thạch.

Viên thám tử rút chân khỏi chiếc ghế trước mặt, thôi không chất vấn Chương nữa. Quay sang viên đại úy cảnh sát, ông ta  nói: – Thôi, vụ điều tra vẫn giữ đây để tìm thêm bằng chứng.

Cuối cùng, với ánh mắt không hài lòng, ông ta  nhìn Chương hỏi:

– À, anh thấy cái này bao giờ chưa?

Dứt lời, ông ta rút tay khỏi túi áo để ngửa cho anh xem khẩu Bennington nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay. Chương nhún vai đáp: – Không hề thấy bao giờ.

Đút khẩu súng trở vào túi, viên thám tử người Mỹ cười khó hiểu, nhìn Chương, vừa nói:

– Chúng tôi vẫn còn cần nói chuyện với anh sau này.

Chương chợt cảm giác ông Thắng nắm cánh tay mình kéo nhẹ ra ngoài, vừa lên tiếng hỏi:  – Ông Trương Đắc Bằng là ai?

Chương liếm môi, cố định thần vì anh có cảm tưởng như vừa bị đánh vào đầu khiến óc não tê dại. Anh đáp: – Ông ấy là người đỡ đầu của cô gái tôi quen.

– Cô gái đó là Hoàng Mỹ Hạnh phải không? Cậu yêu cô ta chứ gì?

Chương lầm lũi bước, không trả lời câu hỏi của ông Thắng.

– Cô ấy là người tố cáo cậu phải không?

– Phải.

Bóp mạnh cánh tay người nhân viên của mình, ông Thắng đề nghị:

– Tôi thấy cậu cần uống một chút rượu mạnh, vào quán nhé!

Ngước nhìn, Chương mới biết cả hai đang đứng trước một quán rượu, anh mở cửa, hai người cùng bước vào trong. Ông Thắng lại nói: – Cậu phải biết, cô gái đó giận cậu lắm đấy. Đàn bà thường như thế. Người đỡ đầu cho cô ta bị bắn chết, đâu phải chuyện đùa.

Bây giờ Chương có cảm tưởng lưỡi mình như tê dại dù trí óc còn đang suy nghĩ. Anh nhận thấy sau vụ này không thể nào trở lại làm việc cho ông Thắng được nữa, bởi vì anh không muốn lường gạt lòng tốt của chủ… Mặc cho ông Thắng giảng thuyết thao thao bất tuyệt, Chương lặng lẽ bưng ly rượu mạnh hớp hết một nửa. Ông Thắng tin tưởng luật sư Huỳnh Phát của công ty sẽ giúp Chương thoát khỏi vụ rắc rối một cách dễ dàng, nên kết luận:

– Tôi biết tính cậu bốc đồng. Như vậy cũng có lợi mà cũng có hại. Phải thận trọng hơn mới được. Riêng chiều nay, tôi thấy cậu đã chịu nhận lỗi mình đụng người ta…

Chương chợt nói: – Xin lỗi ông mấy phút, tôi cần gọi điện thoại.

Dứt tiếng, anh vội vàng tới chỗ đặt phone ở đàng sau quán rượu vì muốn biết tin Hạnh. Giờ này nàng đang ở nhà. Chương nghĩ nếu Hạnh đi vắng, chắc anh chết mất. Nghe tiếng nàng, giọng chán nản và rất yếu từ bên kia đầu dây, Chương nói nhanh:

– Hạnh hả? Anh đây, Chương! Em đã khai gì với cảnh sát vậy?

Nàng nói chậm rải: – Em khai với họ là anh đã giết người nuôi dưỡng em.

– Hạnh…!

– Em rất ghét anh!

Hết sức bực tức, Chương nói lớn: – Hạnh! Sao em nói vậy được?

– Em thương, em cần ông ta vậy mà anh nở giết chết. Em ghét anh!

Chương nghiến răng khó chịu, để những lời người yêu trách móc vang vang trong óc. Anh nghĩ nhà chức trách không bắt giữ anh thì nàng không nên tố cáo như vậy. Tức giận, anh đặt mạnh ống nghe xuống.

Thấy Chương trở lại ngồi bên cạnh, ông Thắng tiếp tục nói như câu chuyện không hề bị đứt quãng: – Ai cũng phải trả… Đã làm bậy thì phải đền tội cho khỏi làm bậy nữa… Cậu phải biết, tôi nghĩ tới cậu rất nhiều… Chương à! Thế nào cậu cũng qua khỏi vụ rắc rối này… Cậu vừa điện thoại cô Hạnh phải không?

Chương đáp cộc lốc: – Cô ta không có ở nhà.

Mười phút sau Chương chia tay với ông Thắng xong gọi taxi về trung tâm thành phố. Anh bảo tài xế  dừng ở góc đường 37 và số 7 để lỡ cảnh sát có theo dõi thì từ đó anh sẽ đi bộ để tránh xa chỗ đã đậu xe.

Xuống khỏi taxi ở đường 37, nhìn quanh không thấy có gì khả nghi, Chương thả bộ về phía đường 35. Hai ly rượu ông Thắng đãi vẫn còn làm đầu óc quay cuồng, anh bước đi vội vàng, ngửng mặt nhìn tới trước nhưng cảm thấy lạ lùng, cứ tưởng mình đang lạc lối. Tới lúc thấy chiếc Pontiac màu xanh lục nhạt của anh đậu ở lề đường đúng vị trí từ lúc chiều, Chương lấy chìa khóa mở cửa.

Ngồi vào ghế tài xế, thấy mảnh giấy gắn ở cánh quạt nước, Chương vòng ta ra lấy. Nhận ra tờ giấy phạt, anh không quan tâm. Nghĩ là chuyện nhỏ, anh mĩm cười một mình. Lái xe về nhà, chợt nhớ lúc ở bót cảnh sát không ai lưu ý hỏi tới bằng lái của mình, Chương bật cười khan. Liếc nhìn tấm giấy phạt, để ở ghế ngồi bên cạnh, trông hiền lành vô thưởng vô phạt so với sự kiện mình vừa thoát hiểm, Chương càng cười khoan khoái hơn. Tuy nhiên, nụ cười  tắt ngấm khi Chương chợt nhớ những lời Hạnh nói vang vang trong trí, dù anh chưa bị hành hạ, nhưng nghĩ trước sau gì rồi cũng phải có ảnh hưởng. Chương mím môi, tự nhủ phải tỏ ra cứng rắn mới được. Nếu Hạnh tiếp tục tố cáo anh giết lão Bằng, chắc anh sẽ yêu cầu nhà chức trách đưa nàng tới bác sĩ tâm lý. Anh biết Hạnh chưa đến nổi điên loạn hẳn. 

Trước đây, đã mấy lần anh cố thuyết phục nàng gặp bác sĩ tâm lý để giải quyết dứt khoát mối liên hệ kỳ quặc với lão Bằng, nhưng nàng đều tìm cách khước từ. Để tự an ủi, Chương nghĩ Hạnh không thể tố cáo anh giết lão Bằng được vì anh đã có bằng chứng để chạy tội; có thể nói là bằng chứng tuyệt hảo, nhưng nếu nàng vẫn khăng khăng…

Thực ra chính Hạnh đã xúi giục và đề xướng việc giết lão Bằng, Chương còn nhớ rất rõ những lời người yêu cấy vào đầu mình nhằm mục đích thanh toán lão Bằng : “Em không có lối thoát anh à. Bây giờ chỉ còn cách làm sao cho ông ta biến mất trên cõi đời này mới được.” Vì vậy, anh đã hạ thủ lão vì nàng, không ngờ bây giờ Hạnh lại trở mặt, nhưng Chương tin tưởng nhà chức trách không thể qui tội để bắt anh được.

Bãi đậu xe bên cạnh khu chung cư Chương ở rộng chừng năm thước, anh cho xe vào khoảng trống ở đầu cuối, xong khóa cửa cẩn thận.

Bước vào trong nhà, ngửi mùi vải cháy vẫn còn thoang thoảng, Chương nghĩ từ chiều tới giờ thời gian tuy chẳng bao lâu, nhưng đã có quá nhiều chuyện xảy đến với mình. Chợt nhớ tới tấm giấy phạt, anh rút ra khỏi túi, đưa dưới ánh đèn xem kỹ. Đọc tới mấy con số, anh chẳng thể nào dằn được nỗi lo điếng người, mồ hôi bỗng dưng rịn ướt trán, khi thấy trên tấm giấy phạt xe anh, cảnh sát công lộ ghi đúng 5 giờ 45 phút không chệch một giây. Bây giờ Chương thấy rõ bằng chứng toàn hảo để chạy tội cho mình đang quyện lẫn với mùi khói hôi hám tan loãng trong phòng.

                                                                             QUANG THIỆN