Tác giả và Tác Phẩm

Quang Thiện: TÌNH TUỔI DẠI

TÌNH TUỔI DẠI

 

 

 

 

 

T

hanh Trúc đến dạy trường trung học ở Lộc Ninh lúc học sinh bắt đầu tựu trường sau một mùa hè oi bức, vào lúc nàng được 24 tuổi và thằng Hưng, học trò của nàng lên 14.

Người dân quận lỵ nhớ tới Thanh Trúc vì đám học trò mến thích nàng đến đổi chúng sẵn sàng làm bất

cứ gì để cô giáo mới được vui lòng. Họ để ý mỗi ngày nàng đi dạy, qua ngang phố nhỏ trong thị trấn, những tàng cây ở hai bên đường như xanh tươi hẳn và ánh nắng ban mai như rực rỡ hơn. Có nàng hiện diện thời tiết trở thành điều hòa, mùa hè như không còn oi bức nhờ những cơn gió nhẹ thoảng, và mùa đông lá rừng cao su chậm trở màu vàng như chẳng muốn lìa cành.

Không ai thấy thằng Hưng rong chơi với đám thiếu niên trong quận bao giờ. Có những buổi chiều tháng mười một, cậu thích đơn độc dạo chơi trong rừng cao su, nhặt từng chiếc lá rụng, nắm thành xấp trong tay, rồi tung cao trên không cho lá cuốn theo gió. Mùa xuân, thằng Hưng thường trầm mình ở dòng suối nhỏ như loài cá hiếm lùng tìm mội nước. Mùa hè, cậu mang sách truyện lên đồi cỏ hoang, ngồi một mình dưới gốc cây dẻ, trầm ngâm, suy tư. Thỉnh thoảng cậu ngưng đọc, chăm chú nhìn cánh bướm rừng sặc sỡ đậu trên trang giấy, rồi ngẩn ngơ dõi theo màu sắc bay đi. Những ngày nghỉ không lang thang, thằng Hưng mê mải đánh cờ với ông nội ở chiếc bàn dưới giàn mướp đắng.

                                                          f    f     f 

Buổi sáng đầu tiên Trúc đến dạy, đám học trò im lặng nhìn cô vào lớp và chăm chỉ theo dõi cô viết tên Thanh Trúc bằng nét chữ phấn trắng nắn nót, nổi bật trên tấm bảng đen. Chúng càng im lặng khi cô giáo mới dịu dàng,  thanh tao lên tiếng tự  giới thiệu: – Cô tên Hoàng Thị Thanh Trúc, cô giáo mới của các em.

Cô dứt tiếng, đám học trò tưởng chừng gian phòng rực sáng và ở bên ngoài, trên tàng lá cây bàng phủ rợp một góc sân trường,  chim chóc hót ríu rít chào mừng. Ngồi ở cuối lớp, thằng Hưng đang vo tròn khối mủ cao su trong tay. Sau nửa giờ lắng nghe cô Trúc, cậu để rơi trái banh mới làm, lăn trên sàn lớp học lúc nào không hay.

Tan học ngày hôm đó, thằng Hưng xách nước, mang khăn vào lớp, rửa và lau sạch tấm bảng đen bám đầy phấn trắng.

Đang ngồi chấm bài ở bàn, Trúc quay lại, hỏi: – Trò làm gì vậy?

Hưng tiếp tục lau, vừa đáp: – Tấm bảng dơ lắm…

– Cô biết. Nhưng em thật sự muốn làm công việc đó?

Hưng ngừng tay và với vẻ lúng túng, cậu nói:- Đáng lẽ em phải hỏi cô trước…

Trúc mĩm cười, đáp:- Em muốn làm cũng được thôi.

Trong lúc nàng nói, thằng Hưng cố lau sạch tấm bảng thật nhanh  như sợ cô giáo đổi ý. Nhìn vào sổ điểm danh một lúc, Trúc ngước mắt, nhìn cậu học trò và lên tiếng hỏi:

– Em là Nguyễn Viết Hưng?

– Dạ, phải.

– Cám ơn trò!

Thằng Hưng hỏi bất chợt: – Em lau bảng mỗi ngày, được không, cô?

– Em thấy nên để những trò khác thay phiên với chứ?

Hưng hăm hở: – Em tình nguyện giữ sạch tấm bảng….luôn luôn.

Thấy không thể thuyết phục thằng bé, Trúc lấp lửng:

– Được, em cứ thử một thời gian xem.

Thấy sự việc đã thỏa thuận, nhưng thằng Hưng vẫn nấn ná chưa rời đi, Trúc nói:

– Thôi được rồi, em chạy lẹ về nhà đi.

– Chào cô Trúc.

Dứt tiếng, thằng Hưng thong thả ra khỏi lớp và biến dạng bên ngoài sân trường.

                                             ƒ       ƒ      ƒ

 

Sáng hôm sau, thằng Hưng đi học sớm, đến chờ trước ngôi nhà Trúc thuê ở trọ trong thời gian dạy học tại thị trấn Lộc Ninh. Vừa thấy nàng ra khỏi cửa, cậu bước tới, lễ phép: – Chào cô.

Trúc thản nhiên đáp: – Cô đoán thế nào cũng gặp em trước nhất.

Trong lúc, cả hai cùng đến trường, thằng Hưng nói bất chợt:

– Em muốn ôm giùm cô mớ vở học trò, được chứ?

– Cô tự ôm được mà. Cám ơn trò.

– Không sao, để em ôm hết, cô sẽ đi thong thả hơn..

Dứt lời, thằng Hưng ghé tay ôm lấy chồng vở Trúc chấm điểm xong tối qua. Cả hai đi một đoạn đường, thằng Hưng chẳng nói gì thêm. Trúc liếc mắt nhìn cậu học trò đi bên cạnh. Nàng nhận thấy thằng bé có vẻ lúng túng nhưng thái độ hàm chứa nét vui. Trúc tìm cách gợi chuyện để thằng Hưng nói, nhưng cậu vẫn giữ im lặng. Tới lúc cả hai đến gần trường, thằng Hưng trao lại chồng tập cho Trúc, vừa nói:

– Em phải tách rời cô ở đây, sợ mấy đứa khác tụi nó không hiểu.

Trúc thắc mắc: – Cô cũng không hiểu sao em phải làm vậy.

Nhìn nàng với ánh mắt thành thật, thằng Hưng ấp úng: – Cô với em là bạn…

– Trò Hưng à….

– Dạ?

Trúc muốn tiếp lời, nhưng nghĩ sao lại thôi. Nàng quay lưng, vừa nói: 

– Trò đừng bận tâm.

                                                                 ƒ       ƒ      ƒ

 

                Trong giờ học, thằng Hưng vẫn ngồi ở cuối lớp và suốt hai tuần lễ, mỗi buổi chiều sau khi tan trường, cậu ở lại lớp, chẳng nói lời nào, chỉ lặng lẽ múc nước rửa sạch tấm bảng rồi dọn dẹp ngăn nắp các dụng cụ học trình đâu vào đấy, trong lúc Trúc ngồi ở bàn viết, chấm bài. Quang cảnh trong lớp im lặng đến đổi có thể nghe rõ tiếng bút nàng vạch trên giấy, tiếng nước vắt trong xô, tiếng con ruồi bay lạc lỏng, kêu vo ve và tiếng bầy chim sẻ ríu rít ngoài hiên trường. Rồi chiếc đồng hồ treo trên vách điểm bốn giờ, có lúc điểm năm giờ, Trúc ngước nhìn ánh nắng nghiêng dần, trải một vệt vàng dài qua cửa sổ ở mái tây. Thằng Hưng đã xong việc, xuống ngồi ở cuối lớp, lặng lẽ nhìn cô giáo, mong được sai khiến làm việc khác. Nàng rời khỏi bàn, lên tiếng thúc hối:

– Tối rồi, trò Hưng về đi chứ.

– Dạ.

Dứt tiếng, cậu vội vàng lên lấy nón trao cho cô. Chờ Trúc bước ra khỏi lớp, thằng Hưng khóa cửa vì bác cai trường chưa tới kịp. Xong việc, cậu chạy theo Trúc, hai người băng ngang sân trường trống vắng tiến ra đường phố quận lỵ lúc ánh nắng chiều đã khuất sau tàng lá cây bàng cổ thụ. Đi bên nhau, thằng Hưng nói với cô giáo của nó đủ loại chuyện. Trúc hỏi bất chợt:

– Lớn lên, trò định làm gì hả, Hưng?

– Em muốn thành nhà văn.

– Vậy là mộng của trò lớn lắm đó, vì phải có óc nhận xét và nhiều tưởng tượng mới viết văn được.

– Em sẽ ráng, vì vậy, em đọc rất nhiều sách.

– Hưng à, tan học, trò không có việc gì khác để làm hay sao?

– Ý cô muốn nói gì?

– Cô không thích trò quanh quẩn trong lớp và lau bảng hoài.

– Em thích vậy mà. Em chẳng hề làm việc gì mình không thích.

– Nhưng…

– Cô đừng nói…, em phải…

Thằng Hưng bất chợt lên tiếng,  ngắt lời Trúc, nhưng được vài tiếng, cậu bỏ lửng như để suy nghĩ, giây lát sau tiếp:

– Cô Trúc bằng lòng để em làm việc đó, nghen?

– Bằng lòng hay không, còn tùy.

Không hiểu nghĩ sao, thằng Hưng lãng sang chuyện khác:

– Mỗi thứ Bảy nghỉ học, em thích qua Lộc Thiện, dạo chơi ở vùng trủng có dòng suối mát ở phía sau xưỡng chế biến mủ cao su. Dưới đó có nhiều cánh bướm màu sặc sỡ, có hoa lan dại và chim rừng đủ loại hót rất hay, cô thử tới đó dạo chơi.

– Chắc cô không đi được.

– Cô không thích ngắm phong cảnh suối nước, rừng cây tĩnh mịch hả?

– Thích lắm chớ. Nhưng cô bận công việc.

Nghe Trúc nói, thằng Hưng muốn hỏi thêm, nhưng nghĩ sao, lại im tiếng. Một lúc lâu, cậu nói như giải thích:

– Mỗi lần đi như vậy, mẹ lo mấy món thức ăn để em đem theo. Tới vùng thung lũng lúc trời vừa trưa, em dạo chơi tới ba giờ chiều thì về, rất thoải mái. Nếu cô đến được thì vui hơn. Cô thích sưu tập bướm chứ? Em có một bộ, nếu cô muốn, em sẽ tặng  cô.

– Thôi, đừng. Để dịp khác.

Thấy Trúc có ý khước từ lời mình, thằng Hưng nhìn nàng, vừa nói:

– Đáng lẽ em chẳng nên đề nghị với cô nhiều thứ như vậy.

– Không sao, trò có quyền phát biểu ý tưởng.

                                                      ƒ       ƒ      ƒ

 

M

ấy hôm sau, lục trong mớ hành lý thấy cuốn truyện Đồng Cỏ Hoang, đã đọc xong từ lâu, Trúc đem cho thằng Hưng. Cậu hết sức cảm kích. Mang về nhà, tối đến, thằng bé đọc suốt đêm để sáng hôm sau có chuyện bàn với cô giáo.

Mỗi buổi sáng, thằng Hưng vẫn tới trước nhà trọ của Trúc để cùng đi với nàng tới trường. Ngày tháng trôi qua, nhiều lúc gặp thằng bé, Trúc mở đầu:

– Hưng…

Nàng muốn tiếp lời, bảo cậu học trò đừng đưa đón mình nữa, nhưng đã bao nhiêu lần nàng bỏ lửng, không biểu tỏ ý muốn. Thằng Hưng không thể biết được Trúc nghĩ gì nên đi bên cô giáo, cậu vui sướng, bàn huyên thiên về các tác giả và tác phẩm đã đọc qua.

Sáng thứ Sáu, thấy một cánh bướm vàng rực rỡ đậu ngay giữa bàn viết, Trúc quơ tay tính đuổi, nhưng kịp nhìn lại, nàng nhận ra xác bướm khô, chắc đã được gắn trên mặt bàn lúc nàng có việc lên văn phòng nhà trường. Trúc ngẩng nhìn qua đầu đám học trò xuống cuối lớp. Thằng Hưng cúi nhìn vào sách, nhưng chẳng có vẻ gì đang đọc. Tự dưng nàng thấy lần này khó thể gọi thằng bé lên trả bài. Trúc đảo mũi nhọn bút chì một lúc trên ba chữ Nguyễn Viết Hưng, rồi cuối cùng gọi mấy đứa học trò khác trên danh sách. Trong những lần cùng đến trường hoặc ra về, nàng ít để ý thằng Hưng, tuy nhiên, có mấy buổi chiều, trong lúc Trúc chấm bài và thằng bé nhớm chân, thẳng tay lau rửa trên nóc tấm bảng đen, thỉnh thoảng nàng quay nhìn cậu học trò khác thường nhất trong lớp mình phụ trách.

                                                                     ƒ       ƒ      ƒ

 

Buổi sáng thứ Bảy, trong lúc đang xắn hai ống quần, tìm  cách bắt con cá lóc trong hốc đá ở đáy dòng suối, thằng Hưng chợt linh cảm có ai theo dõi mình. Cậu ngước mặt nhìn lên và ánh mắt dừng lại  ở hình dáng cô giáo Trúc đứng trên bờ, sát mé nước.

 Nàng cười, lên tiếng: – Trò Hưng làm gì đó? Cô đây.

Không giấu vẻ mừng rỡ, thằng bé buộc miệng nói:

– Em biết trước thế nào cô cũng đến chơi ở vùng trủng này.

– Hưng bắt cho cô vài cánh bướm đẹp đi.

Sau đó, thằng Hưng hướng dẫn cô giáo xuống hạ nguồn, tới chỗ trủng bằng, dòng suối mở rộng thành láng nước, nơi có nhiều cánh bướm bay lượn. Trúc ngồi trên bãi cỏ mịn, gió trưa thoảng nhẹ làm mái tóc nàng bay lơ thơ và gió mơn man trên chiếc áo lụa trắng mềm mại, sáng chói dưới ánh nắng. Thằng Hưng ngồi sau lưng, cách Trúc mấy thước, đang soạn mớ thức ăn trên tấm vải nhựa nhỏ. Xong việc cậu lên tiếng:

– Cơm vắt với thịt gà rô-ti ngon lắm cô. Tráng miệng thì có mít với cam. Trong đời chưa lúc nào em thấy vui như hôm nay.

Trúc vui vẻ đáp: – Cô không ngờ có dịp dạo ngoài trời như vầy.

Thằng Hưng phụ họa: – Với học trò.

Trúc nói tự nhiên: – Nhưng cô cảm thấy thoải mái.

– Em cũng vui trong lòng.

Sau đó, suốt cả buổi chiều, Trúc và thằng Hưng chẳng chuyện trò gì với nhau nhiều cho tới lúc cậu nói bất chợt:

– Em thấy như có gì sai quấy, nhưng không thể mường tượng ra được. Cô và em đi chung bên nhau hơi nhiều. Hôm nay mình dạo chơi chỗ vắng, bắt bướm, hái hoa, cha mẹ em chắc sẽ rầy la và mấy đứa trong lớp biết được chắc ồn ào lắm. Còn các thầy cô khác nghe ra chắc sẽ chế diễu cô. Em nghĩ đúng không cô?

– Cô cũng nghĩ thế.

– Vây thôi, tự hậu mình đừng đi bắt bướm nữa.

Trúc lẩm bẩm: – Cô không rõ động lực nào thúc đẩy cô tìm tới đây.

Một ngày trôi qua và hôm đó là lần tiếp xúc riêng tư duy nhất giữa Trúc với thằng Hưng. Nàng tặng cậu học trò hai cuốn truyện của Duyên Anh. Thằng Hưng tặng cô giáo bộ sưu tập trên chục cánh bướm đẹp. Cả hai cùng ăn bữa trưa thằng Hưng mang theo.

Sáng thứ Hai, thằng Hưng chờ trước cửa nhà trọ để cùng cô giáo tới trường, nhưng đến giờ đi học nó vẫn chẳng thấy Trúc đâu cả. Sau đó, cậu mới biết cô giáo đã rời nhà sớm hơn thường lệ nên vào lớp cậu thấy Trúc đã ngồi ở bàn viết. Trong buổi học chiều, nàng bỗng dưng kêu nhức đầu, phải về sớm, để một thầy giáo khác thay thế dạy cho tới giờ cuối. Tan trường, thằng Hưng ra về qua ngang nhà Trúc ở trọ. Lo âu vì không thấy nàng, nhưng cậu e ngại, chẳng dám gỏ cửa hỏi thăm.

Chiều thứ Ba, sau giờ học, chỉ còn cô giáo và cậu học trò trong lớp trống vắng yên lặng. Thằng Hưng lau rửa tấm bảng. Thời gian như dừng lại, kéo dài bất tận. Trúc  chấm bài ở bàn viết. Nàng có cảm tưởng đang trong khung cảnh yên bình, phúc lạc tận cùng. Thình lình, chiếc đồng hồ treo trên vách gõ đúng năm tiếng, rõ mồn một trong khoảng không gian thanh vắng, vang dội như tiếng chuông đồng khua động lớp váng thời gian, phủ dày thêm chút tuổi đời; tim như bóp mạnh, đẩy máu cuồn cuộn chuyển khắp châu thân. Trúc giật mình, trở về thực tại. Nàng ngẩng mặt nhìn bâng quơ một lúc, xong đặt bút trên bàn, lên tiếng gọi: – Trò Hưng!

Trong thời gian yên tĩnh trước đó, cô giáo và cậu học trò chẳng trao đổi lời nào với nhau. Nhận thấy thằng Hưng quay nhìn, vẻ mặt ngơ ngác, nàng bảo: – Trò tới đây.

Đặt nhẹ miếng giẻ ướt vào xô nước, thằng bé đáp: – Dạ?

– Hưng, cô muốn trò ngồi xuống chiếc ghế kia.

– Dạ!

Nàng nhìn thẳng cậu học trò một lúc lâu. Hưng quay mặt chỗ khác, lúng túng vì ánh mắt của cô giáo. Trúc lên tiếng:

– Chắc trò Hưng đoán biết cô muốn nói gì rồi, phải không?

– Dạ.

– Vậy, trò nói thử xem.

Ấp úng giây lát, thằng Hưng đáp:  – Về chuyện giữa cô với em!

– Trò bao nhiêu tuổi rồi?

– Sắp được mười bốn.

– Như vậy, vẫn là mười ba.

– Dạ, phải.

– Trò biết cô bao nhiêu tuổi rồi không?

– Dạ, em có nghe nói, cô hai mươi bốn tuổi.

– Đúng, hai mươi bốn.

Thằng Hưng nói bất chợt:

– Mười năm nữa em sẽ được hai mươi bốn, gần hai mươi bốn.

– Nhưng bây giờ, trò không thể nào hai mươi bốn tuổi được.

– Nhiều lúc em cứ tưởng mình đã hai mươi bốn tuổi.

– Phải, đôi khi cô thấy em có thái độ của người ở lứa tuổi đó.

– Thật hả cô?

– Trò ngồi yên đó. Cô có chuyện cần thảo luận. Điều quan trọng là mình phải hiểu chuyện gì đang xảy ra, trò Hưng đồng ý chứ?

– Dạ, em cũng nghĩ vậy.

– Trước hết, phải công nhận cô chưa bao giờ có được người học trò như em, và chưa có trò nào gây được ảnh hưởng ở cô như em.

Thằng Hưng tỏ vẻ sung sướng nghe Trúc nói như vậy. Nàng tiếp tục:

 – Còn về phần cô, để cô nói thay cho em. Có lẽ em nhận thấy cô là người đáng mến nhất so với các thầy cô khác mà em đã biết.

Thằng Hưng phụ họa: – Còn hơn vậy nữa.

– Hơn vậy nữa như trò vừa nói, nhưng có nhiều yếu tố và phương cách sống trò cần để ý. Ngoài ra, trò và cô còn phải quan tâm tới dư luận của người dân trong quận Lộc Ninh này. Cô đã suy nghĩ nhiều suốt mấy ngày qua. Trò đừng tưởng cô bỏ qua hoặc không hay biết vấn đề. Ở một số khía cạnh, tình bạn giữa trò với cô hầu như không hợp; bởi vì nếu thật sự như vậy thì em là cậu học trò khác thường. Còn phần cô, cô biết rất rõ tâm trạng của mình; cho nên mọi sự diễn biến bấy lâu xuất phát từ tâm tính và từ lòng chân thật của trò Hưng, nhưng trên thực tế như lúc này, ý hướng đó không thích đáng trừ khi trò là thanh niên đang tuổi trưởng thành. Cô biện luận như vậy chẳng biết có đúng không.

Thằng Hưng đáp bất chợt: – Cô nói đúng. Phải chi em lớn thêm mười tuổi và cao hơn nữa thì sự cách biệt có thể san bằng.

– Nhưng tới lúc em được như vậy thì thời gian đã làm thay đổi tất cả, tuổi tác, chiều cao, cũng như cảnh ngộ.

– Em không thích tình trạng thời gian làm người ta khác biệt.

– Cô cũng không thích, nhưng trò đâu muốn xảy ra sự phiền lòng phải không? Chắc chắn là sẽ xảy ra phiền muộn. Cho nên chuyện giữa trò và cô không có cách giải quyết và lạ hơn nữa là trò với cô phải ngồi nói thẳng với nhau như thế này. Cho tới nay, ít ra giữa trò với cô chỉ có sự đứng đắn chân thật, không có gì sai quấy.

– Dạ, em biết.

– Bây giờ, trò với cô phải nhất định giải quyết vấn đề. Bởi vì, nếu không thiên hạ sẽ để ý. Cô sẽ xin thuyên chuyển dạy ở nơi khác.

– Đừng, cô đừng đi!

– Nếu vậy, cô sẽ đề nghị chuyển trò sang trường khác.

Thằng Hưng quả quyết nói: – "Cô không cần phải làm vậy."

– Tại sao?

– Cha em là công chức hành chánh trong quận, sắp đổi lên Quảng Đức, tuần tới dọn đi.

– Chắc chắn không phải vì chuyện của trò với cô chứ?

– Không phải đâu. Cha em lên chức trưởng ty và được bổ nhiệm tới tỉnh đó, cách đây chừng trăm cây số. Nếu có dịp ghé Lộc Ninh em thăm cô được chứ? Em nghĩ như vậy tiện không?

– Chắc là không.

Sau đó, cả hai cùng im lặng trong gian phòng học tĩnh mịch. Được chốc lát, thằng Hưng lên tiếng, giọng buồn bã:

– Chuyện tình cảm giữa hai người khác phái với nhau xảy ra từ thời đại nào?

– Cô cũng không rõ. Trải hàng ngàn năm rồi, nhưng chưa chắc ai biết đích xác. Có nhiều trường hợp hai người không thể mến thích nhau. Cô không thể giải thích tâm trạng của cô, chắc em cũng vậy.

Bất chợt thở dài, thằng Hưng nói: – Thôi, bây giờ em phải về!

– Trò Hưng không giận cô chứ?

– Không, em chẳng bao giờ giận cô được.

– Cô muốn nói lời cuối là đời thường đãi ngộ người thiện tâm, nếu không, người ta sẽ chẳng sống nổi. Bây giờ trò đang buồn và cô cũng không vui, nhưng thời gian sẽ xoa dịu hết, trò tin chứ?

Thằng Hưng ngập ngừng: – Em mong vậy… Nhưng… cô có thể nào đợi em?

– Ý em muốn nói đợi mười năm?

– Phải, lúc đó em hai mươi bốn.

– Nhưng cô đã ba mươi bốn, mọi sự thay đổi hoàn toàn. Cô thấy ý trò không thể nào thực hiện được.

Rướm nước mắt, thằng Hưng hỏi: – Cô không muốn làm chuyện đó hay sao?

Trúc nói như thì thầm:

– Không! Chưa có ai, cũng như chưa có trường hợp nào như vậy!

Ngồi im lặng một lúc lâu, thằng Hưng nói, vẻ thành thật:

– Em sẽ chẳng bao giờ quên cô.

– Cô cảm kích tấm lòng của Hưng, dù biết là không thật, bởi vì cuộc sống sẽ làm trò quên rất mau.

Hưng quả quyết: – Không, em sẽ nhớ cô mãi. Em sẽ tìm cách để không quên cô.

Trúc rời khỏi bàn, tiến tới chỗ bảng đen, lau phần còn lại. Thằng Hưng vội vàng:

– Để em giúp cô.

Trúc thúc hối:

– Em về đi. Từ nay đừng rửa và lau bảng nữa. Để cô bảo con Hạnh thay thế.

Thằng Hưng rời lớp học. Ra tới bậc thềm, quay nhìn, cậu thấy Trúc lần cuối cùng, đang lau phấn, bàn tay nàng đẹp, trắng muốt, lướt trên tấm bảng đen.

Thằng Hưng không về nhà ngay. Cậu đi thẩn thơ đến rừng cây cao su ở gần vùng láng nước. Ánh nắng chiều sắp tắt, cảnh rừng trông thật đìu hiu. Từng cơn gió từ đâu ùa đến, làm đám lau sậy ở ven bờ nước khua động xào xạt như  tiếng thở dài. Bằng cử chỉ bực dọc, thằng Hưng đưa chân đá tung mớ lá rụng phủ dầy trên đất. Chợt liên tưởng tới bài thơ đã thuộc nằm lòng, cậu đọc khẽ:

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng

Chị thẩn thơ đi tìm

Đồng chiều

Cuống rạ.

Chị bảo: Đứa nào tìm được lá Diêu Bông

Từ nay ta gọi là chồng.

Hai ngày em đi tìm thấy lá

Chị chau mày: Đâu phải lá Diêu Bông

Mùa Đông sau em tìm thấy lá

Chị lắc đầu,

Trông nắng vãn bên sông.

Ngày cưới chị

Em tìm thấy lá

Chị cười xe chỉ cắm trôn kim.

Chị ba con

Em tìm thấy lá

Xòe tay phủ mặt, chị không nhìn.

Từ thuở ấy

Em cầm chiếc lá

Đi đầu non cuối bể.

Gió quê vi vút gọi.

Diêu Bông hời… ới Diêu Bông!"

(Bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm)

                                                                                                ƒ       ƒ      ƒ

 

T

uần sau, thằng Hưng theo cha mẹ di chuyển tới tỉnh Quảng Đức và kể từ đó, biền biệt suốt mười sáu năm. Dù đường xa chỉ trăm cây số, không ai thấy cậu ghé thăm quận lỵ Lộc Ninh. Mãi tới năm được gần ba mươi tuổi, sau khi lập gia đình, trên đường lái xe cùng vợ về Sàigòn, anh ghé Lộc Ninh vào một ngày mùa xuân. Để vợ trọ tại nhà người bà con, Hưng ra quận hỏi thăm cư dân về cô giáo Hoàng Thanh Trúc. Thoạt đầu chẳng ai nhớ tới nàng. Cuối cùng anh gặp một người duy nhất:

– À, cô Trúc dạy trường trung học ở đây. Cổ đẹp lắm! Cổ qua đời từ năm 1960 vì bệnh sốt ác tính, chỉ ít lâu sau khi nhà cậu dọn đi.

– Lúc đó, cô ấy có gia đình chưa?

– Chưa! chưa chồng con gì hết!

                                                                                                 ƒ       ƒ      ƒ

 

Hưng tới nghĩa trang ở ven rừng cao su lúc trời đã về chiều. Lần tìm một lúc, anh dừng chân trước tấm bia mộ bằng đá ong rêu xanh bám đầy. Đưa tay vạch mớ lá vàng khô lấp gần khuất hàng chữ: “Hoàng Thị Thanh Trúc, sinh năm 1934, qua đời năm 1960.” Hưng lẩm bẩm: “Hai mươi sáu tuổi. Sao cô Trúc vội ra đi vậy? Bây giờ Hưng đã hơn cô bốn tuổi rồi.”

Xế chiều hôm đó, bầu trời Lộc Ninh mát dịu, vợ Hưng tản bộ tìm gặp chồng giữa lòng thị trấn. Mọi người nhìn theo từng bước chân khoan thai. Nàng qua ngang phố nhỏ, những tàng cây ở hai bên đường như xanh tươi hẳn và ánh nắng chiều như lóe ánh vàng rực rỡ. Có nàng hiện diện thời tiết thành ấm áp với những cơn gió thoảng, mơn man dung nhan diễm lệ và mái tóc đen huyền. Gió lay động lá rừng cao su xanh non.

                                                                                                                                                QUANG THIỆN