Tác giả và Tác Phẩm

Quang Thiện : Suy Tư


SUY TƯ

Bước qua lại trong gian tù hẹp, tôi cố gắng tập trung tư tưởng, không chú tâm tới âm thanh ồn ào ở chung quanh. Nhân viên nhà lao vừa mang thực phẩm đến và tôi định ngồi xuống thưởng thức để giải quyết cho xong cơn đói. Đã hai ngày qua, kể từ hôm Hằng lìa đời, tôi không còn được ăn no đủ. Hơn nữa, nhà chức trách cũng không thể nào biết nấu cho tôi ăn hợp khẩu vị.

Từ hôm bị nhốt tới nay, nhân viên điều tra đã tới quan sát tôi đôi ba lần nhưng vẫn chưa thể quyết định dứt khoát. Qua ánh mắt nhìn, tôi biết họ cố suy đoán xem chuyện gì đã xảy ra và tại sao tôi không cứu Hằng. Họ có vẻ băn khoăn không rõ phải chăng tôi cố tình giết chết Hằng hay đấy là một tai nạn thật sự. Có thể họ chẳng nghĩ là tôi vô tội nhưng cũng không thể đoan chắc tôi có tội.

Sau đây, tôi thành thật kể lại những yếu tố cụ thể mà tôi không thể giải thích tường tận với nhà chức trách, xin độc giả hãy tự quyết định lấy.

Lần cuối cùng cảm thấy ăn không được ngon, tôi đang ở với Hằng. Tối hôm đó chúng tôi ở bên nhau như mọi buổi tối khác….

 

Đ

ặt bữa ăn trước mặt tôi nhưng Hằng có vẻ không vui. Mắt nhìn món thực phẩm, tai tôi hững hờ nghe Hằng lảm nhảm những gì đó trong lúc qua lại, lục lọi trong bếp để soạn bữa ăn tối cho mình. Tôi phải nói thật là Hằng nấu ăn rất vụng về, không được ngon, nhưng Hằng nhấn mạnh “ăn ở nhà” phải như vậy, khác với ăn tiệm. Do đó, tôi phải rán nhai món thực phẩm lẫn lộn trong thứ nước sền sệt, nấu màu mè trông như thịt bò kho nhưng không ngon. Thực ra, tôi hoàn toàn mù tịt về chuyện nấu nướng và cũng chẳng quan tâm ra ngoài tự tìm thứ gì ngon béo, có thể ăn khoái khẩu theo ý mình, bởi vì tôi không thể nào thoát khỏi tầm mắt của Hằng.

Nói “tầm mắt của Hằng” e có hơi quá đáng đấy, Alex. Ý nghĩ làm tôi chợt nhớ đã quên tự giới thiệu mình tên Alex, chào đời và lớn lên tại đất nước Hoa Kỳ này. Hằng bị mù, nghĩ tới bổn phận phải che chở hơn là đòi hỏi được cung cấp miếng ăn ngon miệng cho mình, tự dưng tôi cảm thấy hổ thẹn. Cuối cùng, như một kẻ biết tội, tôi cố nuốt hết phần ăn mềm nhão kém mùi vị Hằng đã dọn.

Xin độc giả chớ để tôi đánh lạc hướng. Không phải tôi ở với Hằng để chuộc lỗi lầm của mình hay vì thương hại. Kể từ lần đầu gặp nhau, tôi đã biết là Hằng bị mù. Dù vào lúc đó thấy Hằng có dáng nét khác hẳn với phụ nữ trên đất nước này, tôi cũng chẳng quan tâm vì đã chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận sự thật là phải sống với người bị mùa lòa nên Hằng hay ai khác vẫn vậy mà thôi. Sau đó, cuộc sống với Hằng đã tạo cho tôi cảm quan khác với những gì tôi từng được biết và với thời gian tôi nghĩ mình thương mến người bạn đường và Hằng cũng đã đáp lại.

Ngay từ giây phút đầu chung sống, Hằng hầu như chiếm hữu trọn cuộc đời tôi. Thú thật là tôi chấp nhận để Hằng được quyền như vậy. Thoạt đầu, tôi đã có ảo tưởng về sức mạnh của mình trong việc dìu dắt Hằng vượt mọi chướng ngại trên đời. Có điều là trong giai đoạn đó, tôi chưa được biết là mình sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào Hằng, không những chỉ về vấn đề vật chất không thôi mà còn tình bạn hữu và sự quan thiết phải có Hằng ở bên cạnh.

Hàng ngày tôi quanh quẩn bên Hằng như một đứa trẻ, vì thú thật, dù có được gặp mẹ mình ở ngoài đường phố, tôi cũng không thể nào nhận ra bà. Có thể nói, Hằng cung cấp cho tôi sự ổn định, cơ hội được sống yên lành tại một chỗ. Độc giả không thể hiểu, tôi như một đứa trẻ mong mỏi có được sự kiện này ra sao. Tuy nhiên, ngay cả cơ may có được nơi chốn nương thân gọi là nhà cũng không thể giải thích được yếu tố quan trọng là tôi cần có Hằng như thế nào. Sự khen ngợi và mối cảm kích không ngớt của Hằng đối với tôi trong giai đoạn đầu đã trở thành tối thiết yếu, đến đổi tôi sẵn lòng hy sinh và làm bất cứ gì vì Hằng. Tuy nhiên, trong thời gian càng về sau, Hằng ban phát những thứ này bằng thái độ rất thờ ơ, kém chân tình.

Đọc những lời bình phẩm Hằng, độc giả có thể lên án là tôi có ý tưởng bội bạc. Thực ra, nói về phương diện mệnh số, tôi được may mắn hơn những bạn đồng lứa. Tôi chẳng thuộc hạng vô gia cư, xin xỏ người qua kẻ lại ở ngoài đường. Nhiều bạn ở trong tình thế và có quá khứ với học vấn hạn chế như tôi, chẳng thể nào có được đời sống khá.

Đối với bạn hữu, họ thấy Hằng và tôi có vẻ cung hiến cho nhau. Rất ít người nhận thấy được sự ân cần của tôi đối với Hằng là công việc làm thường nhật, cũng như chẳng thể biết là tôi đã cố gắng hết sức để chu toàn bổn phận của mình. Ngay cả những ai biết rõ Hằng là người có tính hay đòi hỏi vẫn cho mối liên hệ giữa hai chúng tôi là lý tưởng.

Mỗi lần nghĩ tới mối liên hệ, cảm thấy lạ lùng, tôi lại gãi đầu, băn khoăn. Nghe được, Hằng gỏ mạnh trên mặt bàn, lớn tiếng: – “Alex, đừng gãi nữa!”

Tôi lặng lẽ nén cơn buồn, ngồi yên trên chiếc ghế mình ưa thích. Tôi không muốn cho rằng Hằng hữu lý. Dạo sau này, tôi bắt đầu nảy sinh thói quen gãi đầu mỗi khi trí óc bị căng thẳng, chỉ khiến cho Hằng thêm nổi tính hung hăng. Có điều kỳ kạ là tiếng gãi đầu của tôi đã chọc tức Hằng thì tiếng huýt gió sai khiến từ miệng Hằng cũng dễ làm tôi nổi giận. Vì vậy, càng sống chung với nhau, thói quen căng thẳng tinh thần của mỗi người đã dần dà làm phiền lòng nhau.

Nhiều lúc, tôi thở dài, tự nhũ: “Phải chịu đựng thôi, Alex. Đã biết là mọi thứ ở Hằng đều có thể làm ngươi chán tai gai mắt mà!”

Có lẽ độc giả cho là tôi đã làm chuyện không cần thiết khi tỏ ra khó tính đối với việc lượng định cuộc sống của mình, đặc biệt là trong hoàn cảnh Hằng bị tật nguyền. Không hẳn vậy. Trong thời gian sống chung với Hằng, được gặp những người mù khác tôi nhận thấy cá tính và quan điểm của họ khác nhau nhiều. Thành thật mà nói, tôi sung sướng thấy mình được nhiều người mến thích, trong khi Hằng, dù có được sáng mắt một trăm phần trăm như mọi người bình thường chắc sẽ làm tôi nổi khùng nhiều hơn.

Tuy tôi phải chịu gắn bó với Hằng, nhưng hầu như Hằng chẳng bao giờ quan tâm đến sự kiện đời sống tôi lệ thuộc vào Hằng hơn là chính tôi tự quyết định. Vì buồn bực, nhiều đêm, tôi nằm mơ thấy mình bỏ trốn để tự mưu sinh lấy. Giấc mơ rõ ràng như thật đến nỗi đang ngủ mê tôi phải choàng thức giấc, trở dậy, khiến Hằng phải hỏi bằng giọng khó nghe: “Trong lúc ngủ mà cũng chạy hả, Alex?”

Mỗi lần như vậy, tôi muốn nói thẳng thừng, dứt khoát: “Tôi muốn chạy trốn khỏi cô đấy!” Nhưng nghĩ lại, chẳng ăn thua gì vì Hằng luôn luôn chìm vào giấc ngủ trở lại ngay sau khi lên tiếng hỏi, như một người nằm mớ. Vì vậy Hằng có thật sự quan tâm gì tới giấc mơ của tôi?

 

Tôi nghe Hằng huýt gió điệu nhạc gì đó trong lúc rửa chén dĩa. Tôi ghét cay đắng tiếng Hằng huýt sáo. Đã bao nhiêu lần tôi cố tìm mọi cách để cho Hằng biết là tiếng huýt sáo làm tôi khó chịu ghê gớm, nhưng vô ích, chẳng có công dụng gì cả. Hằng không thể hiểu ý nên lời phàn nàn của tôi hầu như theo tiếng huýt gió bay ra khỏi cửa sổ nhà bếp.

Có một buổi tối nghe Hằng đề nghị đi dạo, tôi cũng muốn ra ngoài hít chút khí trời mát mẻ và khi tới khu công viên lân cận may ra có cơ hội rong chơi ở khu láng giềng quen biết. Nhưng lúc tới cửa khu chung cư, tôi vừa muốn quẹo theo hướng đã định thì bất ngờ bị níu mạnh khiến gần mất thăng bằng, trong lúc Hằng đay nghiến: – “Chớ làm theo ý mình Alex. Tối nay không tới công viên đâu.”

Cũng được, tôi phải chấp nhận thôi. Có một nàng xinh xắn thường dạo chơi trong công viên vào giờ đó, tôi và cô nàng đã mấy lần trao nhau ánh mắt trao tình. Nhưng hôm nay tôi không thể tới vì Hằng luôn theo sát gót. Tôi nghĩ dù bị mù, Hằng vẫn có thể đoán được những lúc tôi tỏ ra lơ là hoặc không chú tâm tới nhu cầu của Hằng.

Tôi cảm thấy rất bối rối và tức giận lúc qua ngang công viên. Vẫn với giọng điều khiển gay gắt thường ngày, Hằng không ngớt sai khiến tôi khi thì quẹo trái lúc lại qua phải. Nhiều lúc tôi thấy nhục nhã hết sức, vì Hằng biểu tỏ thái độ đối xử với tôi như một đứa trẻ chứ không xem là bạn đồng hành ngang hàng. Nhận xét khiến tôi bỗng dưng nhận thức được đây là ý Hằng muốn ấn định cuộc sống chung giữa chúng tôi phải như vậy. Chứng tỏ Hằng hoàn toàn không tin tưởng ở tôi. Phải sống lệ thuộc vào tôi nhưng Hằng không xem tôi là bạn đồng hành đáng tin cậy. Dù đã biết trên đời chẳng có ai yêu thương ai thật lòng, tôi vẫn thấy buồn. Chắc vì ý tưởng tôi được huấn luyện chỉ để sống với người tàn tật cho nên Hằng muốn xử dụng tôi một cách vô tội vạ. Hằng cần tôi hướng dẫn lúc di chuyển, giữ sao cho khỏi bị va vào nơi này, đụng nơi kia, đồng thời phải biết lắng nghe lời cùng ngủ bên cạnh Hằng, nhưng các nhu cầu của tôi như mong được đối xử đàng hoàng, được thương yêu chìu chuộng, thì đối với Hằng hầu như chẳng phải là vấn đề đáng quan tâm. Hằng kiểm soát hết mọi thứ.

– Alex, đi chậm lại!

Tôi tức giận, thầm nghĩ: “Cũng cái giọng sai khiến đó! Cô không có cách nào tử tế hơn để bảo cho tôi biết là muốn gì hay sao?

Hằng lại bắt đầu huýt gió. Phải chi huýt đàng hoàng lúc bình thường thì tôi còn có thể chịu đựng được. Đàng này chúng tôi đang tiến tới một ngã tư đông người mà miệng Hằng không ngớt huýt gió giữa hai kẻ răng để sai khiến. Tiếng huýt nghe thật kỳ dị, lúc được lúc mất theo nhịp hít vào, thở ra khiến tôi muốn kêu lên vì quá phiền.

Tới lúc Hằng nhất định băng qua đường thì có một chiếc xe tải nhỏ lao tới và tôi thấy Hằng không hề hay biết. Tôi nhìn rõ ràng người tài xế trẻ trên xe chỉ lo chạy cho kịp ánh đèn màu lưu thông thay đổi mà không chú tâm tới thứ gì khác. Thấy Hằng đưa tay có ý định níu lấy bảo đi, tôi ngưng gãi, nhưng Hằng bị mất thăng bằng, vuột tay, bật ngửa khỏi lề đường. Tôi để Hằng ngã tự nhiên, không ngăn chận, không níu Hằng lại…

Sau cái chết của Hằng, chắc tôi khó kiếm được việc làm nào khác. Độc giả có thể giải thích với nhân viên điều tra là lần sau tôi sẽ không tắc trách như vậy. Nếu quý vị tử tế, xin nói cho họ biết một điều này nữa là đừng bao giờ huýt gió để sai khiến tôi.

Tin báo đăng:

 

MỘT THIẾU PHỤ MÙ BỊ XE ĐỤNG CHẾT.

 

Chiều tối hôm qua, một thiếu phụ mù bị xe đụng tại góc đường Fairmount và University. Biên bản của sở cảnh sát cho biết thiếu phụ tên Nguyễn Thị Hằng, 24 tuổi,  đã bị chiếc xe tải nhỏ sơn màu xanh dương sậm, do một tài xế trẻ Mỹ trắng lái đụng, xong bỏ chạy. Nạn nhân đã tắt thở khi được đưa vào nhà thương.

Cô Hằng bị mù, có chó dẫn đường, đã ngã khỏi lề đường lúc đèn ở ngã tư đổi màu. Hai nhân chứng người Mỹ là ông James và bà Lois Church, thấy rõ tai nạn xảy ra, cho biết con chó không chịu băng qua đường , nhưng lại không ngăn chận cô Hằng dừng lại. Một nhân chứng khác xin được giấu tên, khai rõ cô Hằng  bị mất thăng bằng té khỏi lề đường đúng lúc chiếc xe tải chạy vụt qua trong khi con chó dẫn đường vừa kịp ngưng gãi tai.

Các chuyên viên huấn luyện chó hướng dẫn người mù khước từ không chịu nêu nhận xét về tính tình của Alex, con chó của nạn nhân, mà cho biết về chuyên môn là sự huấn luyện chó chỉ để chúng sống thích ứng với người. Con chó dẫn đường của cô Hằng không hề hấn gì cả.