Tác giả và Tác Phẩm

Quang Thiện :Chuyện Tình Yêu (truyện dịch)

CHUYỆN TÌNH YÊU

Từ Tokyo đến Tofu chỉ mất hai giờ xe điện tốc hành, nhưng tờ báo Koshin nổi tiếng ở thành phố này không hề thấy bày bán trong các hiệu sách tại thủ đô, vì vậy, muốn được đọc, Yoshiko Shioda phải đặt mua dài hạn. Nàng gởi thơ bảo đảm đến tòa soạn báo Koshin vào ngày 21 tháng 2 với mấy dòng chữ viết vội: “Tôi rất thích truyện dài ‘Bọn Thảo Khấu‘ đăng nhiều kỳ trên quý báo. Xin hãy gửi cho tôi bắt đầu từ số ấn hành ngày 19 tháng 2. Tôi đính kèm chi phiếu trả trước một tháng.”

Yoshiko Shioda được biết tới tờ Koshin một lần duy nhất trong lúc chờ mua tô hủ tiếu tại cửa hàng ăn uống tọa lạc ở góc tòa nhà đối diện ga xe điện Kofu. Chủ trương của tờ báo thuộc loại bảo thủ và sắc thái hoàn toàn mang tính chất địa phương. Đôi mắt nàng lướt nhanh trên trang ba đăng những tin tức xảy ra trong vùng, đại để như: ‘Lửa thiêu rụi năm căn nhà’, ‘Một viên chức tại thành phố biển thủ sáu triệu yen trong công quỷ’, ‘Kế hoạch nới rộng trường tiểu học đã hoàn tất’, ‘Mẹ của một nghị viên trong thành phố qua đời’…

Cuối trang hai, tờ báo in một truyện dài giả sử đăng nhiều kỳ với hình vẽ những người võ sĩ đạo đang xung trận. Liếc nhìn tên Ryuji Sugimoto, Yoshiko nhận thấy xa lạ hoàn toàn, nàng chưa bao giờ biết tới văn phẩm của tác giả này. Đọc gần hết một chương truyện, tới lúc người bồi bàn đem món ăn ra, nàng mới đẩy tờ báo sang bên. Tuy nhiên, trước đó, Yoshiko để ý số báo đang đọc ấn hành ngày 18 tháng 2 và truyện dài ‘Bọn Thảo Khấu’ đã đăng tới kỳ thứ năm mươi bốn; nàng cẩn thận ghi tên chủ nhiệm và địa chỉ của tờ báo vào sổ tay. Yoshiko rời quán ăn lúc 3 giờ 7 phút với ý định dạo một vòng. Đến trung tâm khu phố gần đó, nàng thấy dân chúng địa phương đang tụ tập đông đảo dưới những tấm biểu ngữ giăng trên cao, in mấy chữ lớn: Chào mừng Tân Bộ Trưởng Sato. Yoshiko sực nhớ chính phủ trung ương ở Tokyo vừa thành lập nội các mới trong tháng trước; như vậy, nhân vật tên Sato là dân ở Kofu.

Thình lình, đám đông bỗng nhốn nháo hẳn lên, vừa lúc nàng nghe có tiến hô dõng dạc, ‘Banzai!’ làm mấy người dân ở phía xa chạy túa đến xem. Yoshiko nhìn theo người đàn ông bước lên bục gỗ cao, miệng mấp máy mở đầu cuộc diễn thuyết. Ánh nắng chiều mùa đông soi đúng vào nhân vật Sato và bất giác nàng thấy chiếc đầu hói của ông ta bóng ngời một cách kỳ dị. Không chú tâm nghe những lời đang nói, nhưng thỉnh thoảng nàng thấy dân chúng vỗ tay tán thưởng vang dội. Ngó quanh, Yoshiko bỗng để ý người đàn ông đứng cách nàng một khoảng không xa, cũng đang theo dõi cuộc mít-tinh, nhưng hầu như không cố ý nghe nhân vật Sato diễn thuyết. Thực ra người này đang tìm lối đi nhưng bị đám đông gây cản trở. Yoshiko tập trung ý tưởng vào người đàn ông có vầng trán rộng trên đôi mắt sắc và chiếc mũi thẳng khá cao mà có một thời nàng tôn thờ như mẫu người đẹp trai, thông minh và quả cảm. Tuy nhiên, bây giờ, ký ức cũ trong nàng hầu như đã phai nhạt. Dù vậy, sức quyến rủ của người ấy đối với nàng vẫn còn ảnh hưởng như thuở nào.

Chẳng mấy chốc, cuộc diễn thuyết chấm dứt. Đám đông bắt đầu giải tán, để lộ khu phố rộng cho Yoshiko tiến tới. Người đàn ông nàng để ý cũng đã rời đi với một người đàn bà trẻ khác.

ƒ   ƒ   ƒ

Năm ngày sau, Yoshiko nhận được cùng lúc mấy số báo Koshin, kèm theo bức thư cám ơn nàng đã mua dài hạn. Đúng như yêu cầu, báo gửi đến bắt đầu từ số ấn hành ngày 19 tháng 2. Yoshiko xem vội phần tin tức địa phương và đọc lướt mấy tựa đề: ‘Một Vụ Cướp Ăn Hàng’, ‘Nhiều Nạn Nhân Chết Vì Đất Lở’, ‘Tham Nhũng Trong Một Tổ Hợp Nông Nghiệp’, ‘Cuộc Bầu Nghị Viên Thành Phố Bắt Đầu’, và nhìn tấm hình rất lớn chụp ông Sato đứng diễn thuyết trước nhà ga Kofu.

Giở số báo ngày 20, Yoshiko thấy cũng không có gì đặc biệt đáng lưu ý, nàng nhanh nhẹn chộp lấy tờ báo ấn hành ngày 21, lật mau, nhưng vẫn chỉ có những tin tức thường lệ, không đáng để nàng quan tâm. Cuối cùng, Yoshiko xếp gọn mấy tờ báo vào góc tủ với ý định để dành giấy gói đồ đạc.

Trong thời gian kế tiếp, báo Koshin vẫn được gởi hàng ngày tới căn chung cư Yoshiko ở với tên và địa chỉ viết trên bao bì màu vàng. Mỗi sáng, nàng đều đặn ra thùng thư lấy báo vào nhà, xem vội vã từ đầu trang đến cuối, nhưng vẫn chẳng tìm được tin nào hấp dẫn. Tình trạng này kéo dài suốt mười hôm và càng ngày, Yoshiko càng thấy nản nên mỗi lần, xem xong, nàng hậm hực liệng mớ báo vào góc tủ. Tuy vậy, nàng vẫn thấy hứng thú mỗi khi bắt đầu cắt miếng giấy vàng bọc bên ngoài tờ Koshin mới nhận được. Đến ngày thứ mười lăm, tình trạng có đổi khác, không phải do tin tức đăng trên báo mà là sự kiện nàng nhận được tấm danh thiếp ký tên Ryuji Sugimoto. Yoshiko mơ hồ nhớ đã để ý mấy chữ này ở đâu đó. Cái tên không quen thuộc, nhưng chắc chắn nàng từng thấy. Phía sau tấm thiệp có mấy hàng chữ viết tháu rất khó phân định, nhưng chú tâm, vẫn đọc được: “Thành thật cảm ơn cô đang theo dõi truyện dài ‘Bọn Thảo Khấu’ do tôi sáng tác, đăng nhiều kỳ trên báo Koshin.’ Yoshiko hiểu ngay ai đó trong tòa soạn đã cho tác giả Sugimoto biết lý do nàng mua báo này dài hạn chỉ vì thích đọc truyện của ông ta.

Vào buổi sáng gần một tháng sau khi nhận báo Koshin đều đều, Yoshiko đọc lướt nhanh những hàng chữ đăng ở trang tin địa phương: ‘Giám Đốc Tổ Hợp Nông Nghiệp Đã Bỏ Trốn’, ‘Xe Buýt Bị Lật, 15 Người Bị Thương’, ‘Lửa Thiêu Rụi 3 Mẫu Rừng’, ‘Thi Thể Của Một Đôi Nhân Tình Được Tìm Thấy Trong Vùng Rừng Núi Rinunkyo’.

Yoshiko đọc rất kỹ bản tin viết về hai xác chết đã rữa nát do một nhân viên kiểm lâm phát giác thấy. Cuộc điều tra sơ khởi cho biết hai nạn nhân chưa truy được lý lịch có lẽ đã chết từ tháng trước. Thung lủng Rinunkyo nổi tiếng có nhiều bờ vực sâu, rất lý tưởng cho các đôi nhân tình bất mãn vì lý do gì đó, có thể tìm đến quyên sinh.

Đọc dứt, nàng thong thả xếp tờ báo lại, xong ngã người xuống, kéo chiếc mền mỏng đắp tới cằm và nằm nhìn trần nhà với vẻ suy tư. Căn chung cư này đã xưa lắm, mấy tấm ván lót trên trần đang mục nát, nhưng Yoshiko như không chú tâm vào những mảnh gỗ đen ở trên cao; nàng chỉ nhìm đăm đăm vào khoảng không như kẻ vô tri.

Số báo ngày hôm sau đăng rõ lý lịch của đôi tình nhân. Chàng 35 tuổi, làm gác gian tại cửa hàng bách hóa Tokyo ở thủ đô Tokyo và nàng, 22 tuổi, làm thư ký trong cùng cơ sở thương mại này. Riêng người đàn ông đã có vợ con. Do đó, vụ tự tử này đã xảy ra, đối với dư luận, có thể do lời thề nguyện của một cuộc ngoại tình vụng trộm không trọn vẹn. Đọc xong bản tin, một lần nữa, Yoshiko lại ngước mắt nhìn vào khoảng không, nét mặt tuy chẳng để lộ cảm tưởng hay chút xúc động nào, nhưng thần thái có vẻ yên bình.

Ba ngày sau, Yoshiko nhận được giấy từ tòa soạn tờ Koshin với những lời thông báo: “Số tiền cô đặt mua dài hạn đã hết, xin tái xác nhận để chúng tôi tiếp tục gửi.”

Nàng phúc đáp:“Hiện nay tôi không còn thấy thích thú với truyện dài ‘Bọn Thảo Khấu’ nữa nên ngừng mua báo.” Sau đó, Yoshiko gửi bức thư đi trong lúc thuận đường tới chỗ làm ở một câu lạc bộ. Trước đó, nàng đã có ý nghĩ không nên khước từ mua tiếp báo Koshin bằng cách nại cớ như kể trên vì có thể làm buồn lòng tác giả truyện dài, tuy nhiên, nàng mặc kệ, vì không muốn viết lại.

 

Đọc bức thư ngắn ngủi của người nữ độc giả ở Tokyo do tòa soạn Koshin gửi tới, Ryuji Sugimoto cảm thấy tự ái bị tổn thương nặng nề. Anh còn nhớ từng nhận thư cũng của người đàn bà này đặt mua báo với lý do thích truyện dài ‘Bọn Thảo Khấu’, vì vậy, anh đã lịch sự gửi danh thiếp cảm ơn, không ngờ lần này cô ta ngưng mua báo vì lý do không còn thích đọc truyện anh viết. Những dòng chữ phũ phàng trong thư đã như gáo nước lạnh tạt vào mặt tiểu thuyết gia của tờ báo tỉnh lẻ làm Sugimoto bực tức, lẩm bẩm: “Lòng dạ mấy bà độc giả này thật bất thường!”

Thực ra truyện dài ‘Bọn Thảo Khấu’ được viết tràng giang đại hải với những tình tiết ly kỳ, gay cấn, éo le, để câu độc giả. Sugimoto đã bỏ hết tâm huyết vào tác phẩm cho thiên hạ được hài lòng, vì vậy, không chương nào có thể gọi là nhàm chán và anh rất tin tưởng ở tài năng của mình. Bức thư của Yoshiko tuy rất ngắn nhưng đối với anh như dài vô tận. Đọc xong, Sugimoto cười lớn tiếng với vẻ chua chát và bỗng dưng thấy tức giận, vì vô tình hay cố ý, người nữ dộc giả đã xúc phạm tới uy tín của anh. Cả tòa báo đều công nhận ở những chương sau này, truyện dài của Sugimoto càng hấp dẫn hơn thời kỳ người nữ độc giả đặt mua báo Koshin vì “thích” truyện ‘Bọn Thảo Khấu’, cho nên, khó thể hiểu vì sao người đàn bà trẻ ở Tokyo đã viết những lời khinh bạc đáng buồn như vậy?

Sugimoto lại lẩm bẩm: “Khó chịu thật!” Sau đó, suốt ba ngày liền, tâm trí anh không thể nào yên ổn nổi vì những dòng chữ quái ác cứ ám ảnh trong đầu. Phải hết ngày thứ ba, nỗi muộn phiền của Sugimoto mới nguôi ngoai bớt, tuy vậy, anh vẫn chưa lấy lại được nét bình tĩnh thường ngày. Tự ái đã khiến anh không còn hứng thú để tiếp tục viết cho tờ báo và cũng chán giúp vui độc giả. Cho đến một hôm, Sugimoto lắc đầu buồn bực, rời khỏi bàn viết, bước dạo ra ngoài với nhiều suy tư trong tâm trí: “Người đàn bà ấy có thể chỉ đọc truyện của mình nửa chừng. Không biết cô ta thấy tờ báo lần đầu tiên ở đâu?” Anh suy luận: “Báo Koshin chỉ bày bán tại tỉnh lẻ ở Yamanashi, không hề có tại thủ đô Tokyo, như vậy người nữ độc giả tên Yoshiko Shioda, cư dân ở Tokyo, phải đến Yamanashi ít ra cũng một lần mới có thể thấy tờ Koshin. Cho nên, không có lý do gì khi một độc giả đã mê truyện dài ‘Bọn Thảo Khấu’ lại chỉ mua báo dài hạn một tháng rồi chấm dứt nửa chừng trong khi cốt chuyện đến hồi gay cấn và nhiều tình tiết nhất. Càng suy tưởng, Sugimoto càng nhận thấy những điều suy luận của mình hữu lý. Anh tin chắc Yoshiko không hề mê truyện dài ‘Bọn Thảo Khấu’, nhưng đã viết như một cái cớ. Thực ra cô ta mua báo chỉ để tìm đọc nguồn tin nào đó nên một khi đã được thỏa mãn thì ngưng. Sự việc chỉ có thế, rất đơn giản. Ý nghĩ vừa dứt, Sugimoto đứng bật dậy khỏi bãi cỏ và vội vã trở về trong lúc nhiều ý tưởng vẫn đang quay cuồng trong đầu. Đến nhà, anh lục hồ sơ, lấy bức thư người nữ độc giả đặt mua báo lần đầu tiên để xem lại. Những dòng chữ cũ có nét viết gọn gàng, chính xác: ”Tôi rất thích truyện dài ‘Bọn Thảo Khấu’ đăng nhiều kỳ trên quý báo. Xin hãy gửi cho tôi bắt đầu từ số ấn hành ngày 19 tháng 2. Tôi đính kèm chi phiếu trả trước một tháng.” Anh để ý Yoshiko muốn mua cả hai số báo phát hành trước ngày biên thư. Thông thường, nhật báo hay loan tải tin tức của ngày hôm trước và tờ Koshin không có ấn bản buổi chiều, như vậy, người nữ độc giả cần số báo ngày 19 tức cô ta muốn biết những tin tức xảy ra trong ngày 18 hoặc trước ngày này một chút. Lật lại ấn bản lưu ngày 19 và đem trải trên bàn, Sugimoto đọc kỹ các tin tức địa phương, kể cả các quảng cáo về dịch vụ du lịch. Anh quyết định chỉ chú trọng những tin tức tại địa phương ở Yamanashi có liên quan với thủ đô Tokyo. Quan sát nhiều đề tài trong tháng 2, Sugimoto nhận thấy không có gì đáng lưu ý nên bắt đầu xem xét các số báo trong tháng 3 cho tới ấn bản ngày 16, anh lẩm nhẩm đọc bản tin tìm được:

“Vào lúc 2 giờ chiều ngày 15 tháng 3, một viên chức Sở Kiểm Lâm phát giác thấy thi thể rữa nát của đôi nam nữ tự tử có thể đã được một tháng. Người đàn ông khoảng 37 tuổi, mặc y phục màu xanh nước biển sậm và chiếc áo len xám. Người đàn bà độ 23 tuổi, mặc y phục nâu với chiếc áo len khoác ngoài cùng màu. Bên cạnh xác chết chỉ thấy duy nhất chiếc xắc đựng son phấn trang điểm và chiếc vé khứ hồi từ ga Shinjuku ở Tokyo đi Tofu. Do đó, có thể đoán hai nạn nhân là cư dân ở thủ đô.”

Sugimoto xem tiếp lý lịch của đôi tình nhân chết ở trong rừng, đăng tải ở số báo nhày hôm sau: “Cuộc điều tra cho biết xác người đàn ông tìm thấy ở Rinunkyo tên Sakitsugu Shoda, 35 tuổi, làm nghề gác gian tại hiệu Bách Hóa Tokyo và người đàn bà trẻ tên Umeko Fukuda, 22 tuổi, giữ chân thư ký trong cùng cơ sở thương mại này. Người đàn ông đã có gia đình vợ con.”

Đọc dứt bản tin, đầu óc Sugimoto tuy trống rỗng, nhưng miệng lẩm bẩm: “Đúng manh mối đây rồi!” Anh nghĩ do được biết bản tin về cái chết của đôi nam nữ trong số báo này mà Yoshiko Shioda quyết định ngưng mua báo kể từ ấn bản ngày 18 tháng 3. Anh đoán chắc chỉ vì điều cần muốn biết không thể xuất hiện trên báo chí tại thủ đô Tokyo nên người nữ độc giả phải mua tờ báo ở tỉnh lẻ. Bất chợt một ý nghĩ khác bỗng nảy sinh trong đầu khi Sugimoto liên tưởng tới sự kiện Yoshiko đặt mua báo kể từ ngày 19 tháng 2 cho đến ngày 15 tháng 3, tức là lúc hai xác chết được phát giác, tính ra thời gian gần một tháng sau, do đó, vụ quyên sinh của đôi tình nhân phải xảy ra trong ngày 18 tháng 2, cho thấy rõ người nữ độc giả có thể đã được biết trước cái chết của hai nạn nhân nên đặt mua báo để theo dõi, xem đến bao giờ thì hai xác chết mới được phát giác. Tuy suy luận khúc chiết như vậy, nhưng Sugimoto vẫn băn khoăn về lý do vì sao Yoshiko muốn biết tin tức của hai cái chết?

Kể từ đó, tự dưng tâm trí nhà văn Ryuji Sugimoto cảm thấy rất thích thú với những khám phá của anh về nữ độc giả Yoshiko Shioda và bắt đầu chú ý địa chỉ của cô ta ghi trên bao thư.

Ba hôm sau, Ryuji Sugimoto nhận tài liệu phúc đáp từ một cơ sở thám tử tư mà anh yêu cầu cung cấp. Đọc thật kỹ đôi lần bảng tài liệu nắm trong tay, Sugimoto nghĩ thầm: “Họ làm việc thật hiệu quả, ngay cả có thể tìm được dữ kiện nữ độc giả Yoshiko Shioda từng có tư tình với người đàn ông nạn nhân, Sakitsugu Shoda.”

Căn cứ vào tài liệu, Sugimoto quả quyết Yoshiko Shioda có dính líu cũng như đã biết rõ nguyên nhân khiến đôi tình nhân Umeko Fukoda và Sakitsugu Shoda quyên sinh tại khu rừng Rinunkyo, nhưng anh băn khoăn, chẳng biết người đàn bà trẻ này đã trông thấy hai nạn nhân xuống xe điện tại địa điểm nào? Ở nhà ga Shinjuku tại Tokyo hay ngay tại ga Kofu? Nhìn vào bảng lịch trình xe điện tốc hành, anh nhận thấy mỗi ngày có khoảng hai mươi chuyến thường lệ và đặc biệt, khởi hành từ trạm Shinjuku ở thủ đô Tokyo đến Kofu.

Bảng báo cáo của cơ sở thám tử tư cho biết Yoshiko rời căn chung cư của nàng khoảng 11 giờ rưỡi ngày 18 tháng 2, như vậy có thể đoán chắc Yoshiko đã đáp chuyến xe lửa Azusa số 3 chạy tốc hành một tiếng đồng hồ và đến thị trấn Kofu lúc 2 giờ 53 phút. Xong từ đây nàng đáp xe buýt và đi bộ tới vùng rừng Rinunkyo mất thêm một giờ nữa. Đôi tình nhân Shoda và Umeko có thể đã cùng đến địa điểm định mệnh vào lúc mặt trời mùa đông sắp lặn. Với óc tưởng tượng phong phú của một nhà văn, Ryuji Sugimoto có thể mường tượng được khuôn mặt vui vẻ của cả hai tại vùng khe trủng có rừng cây bao quanh mà họ không ngờ đang bị tử thần theo sát gót.

Cho tới khi thi thể rữa nát của hai nạn nhân được phát giác một tháng sau và tin tức loan tải trên báo chí, chỉ một mình Yoshiko biết rõ số phận của đôi nhân tình này nên đã mua báo theo dõi để biết tới lúc nào cái chết của họ mới được đưa ra trước ánh sáng. Cuối cùng, còn một điểm hoài nghi duy nhất Sugimoto vẫn chưa thể suy diễn được là vai trò của người nữ độc giả có liên quan thế nào với vụ Shoda và Umeko tự tử?

Lục trở lại tờ báo Koshin phát hành ngày 19 tháng 2, anh chỉ thấy các tin tức như: ‘Đất Lỡ’, ‘Giám Đốc Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Tham Nhũng’, ‘Bầu Cử Nghị Viên…’ và chẳng có gì đặc biệt ngoài bức ảnh thật lớn của ông Bộ Trưởng Sato chụp trước nhà ga Kofu. Gạt mấy tờ báo sang bên, Sugimoto ôm đầu nghĩ ngợi, cố suy đoán các dữ kiện cho thật xác thực. Anh không ngờ vì tình trạng một nữ độc giả chê bai truyện dài ‘Bọn Thảo Khấu’ mà mình vô tình dính líu vào việc điều tra một vụ án mạng bí ẩn và phức tạp…

 

Yoshiko Shioda là một trong số các nữ tiếp viên làm việc tại Câu Lạc Bộ Rubicon ở vùng Shibuya. Trong lúc nàng đang bận rộn với khách hàng thì cô bạn gái đồng nghiệp tiến tới, nói nhỏ vào tai: “Yoshiko, có người muốn gặp chị.”

Nàng đứng dậy, bước tới quầy tiếp nhận vừa lúc trông thấy một người đàn ông lạ đang đợi sẵn. Khách khoảng 42 tuổi với mái tóc dài mà Yoshiko chưa từng thấy xuất hiện tại câu lạc bộ này. Người lạ mĩm cười, lịch sự hỏi:  – Xin lỗi, cô là Yoshiko Shioda?

Yoshiko chưa đổi tên kể từ khi vào làm việc tại câu lạc bộ, nhưng thấy người đàn ông biết đầy đủ tên họ của mình, nàng thoáng ngạc nhiên. Dưới ánh sáng mờ ảo tỏa từ ngọn đèn gắn chụp màu hồng để trên bàn, Yoshiko cố nhận diện khách lạ, nhưng không thể nhớ nổi từng gặp hay chưa. Sau cùng, tiến đến ngồi bên cạnh khách, Yoshiko lên tiếng:

– Vâng, phải! Xin lỗi… tên ông…?

Rút tấm danh thiếp đã nhàu từ trong túi áo đưa ra trước mặt nàng, người đàn ông nói:

– Tôi xin tự giới thiệu…

Không đợi khách nói hết lời, Yoshiko tò mò cúi xuống xem tấm thẻ nhỏ. Nàng bỗng có cảm giác như bị nghẹt thở sau khi đọc hai chữ Ryuji Sugimoto.

Nhìn sát vào mặt Yoshiko, khách cười khẽ, xong nói: – Tôi là tác giả truyện dài ‘Bọn Thảo Khấu’ cô từng đọc. Tòa báo Koshin cho biết cô đặt mua báo dài hạn vì tác phẩm này nên tôi đã viết vài dòng cảm ơn trước đây. Nay đến Tokyo từ hôm qua, theo địa chỉ của cô, tôi ghé ngang khu chung cư và được hàng xóm cho biết cô làm việc tại đây. Vì vậy, tối nay tôi đích thân đến để cám ơn cô lần nữa.

Nghe người đàn ông cho biết lý do tìm nàng, Yoshiko nghĩ thầm: “Chỉ vậy thôi sao? Anh chàng này kỳ dị thật! Mình có bao giờ đọc truyện của anh ta đâu. Trong tiểu thuyết có nhân vật nào đặc biệt đến nổi thiên hạ phải mê đọc?” Tuy thâm tâm nghĩ vậy, nhưng nàng tiến tới thật gần Sugimoto vừa đáp lời bằng tất cả lịch sự:

– Vâng, tôi rất thích truyện dài ông viết. Sự ái mộ của tôi đã làm ông mất công quá!

Sugimoto nhã nhặn: – Không sao.

Sau khi quan sát tổng quát một vòng khung cảnh chung quanh, anh tiếp lời:

– Câu lạc bộ này khá khang trang, ấm cúng và trang trí đẹp thật.

Sau cùng, ánh mắt anh dừng lại trên khuôn mặt người nữ tiếp viên trẻ, Sugimoto lẩm bẩm: “Cô rất đẹp!”

Nhấp nháy đôi mắt nhìn chăm chú kẻ lạ một lúc lâu, Yoshiko nhẹ nhàng rót bia vào ly của khách, xong tươi cười, hỏi: – Thật thế sao? Tôi rất vui được ông đến viếng tối nay. Ông có thể ngồi nán một chút, được chứ?

Những lời thân mật của Yoshiko đã tạo cho Sugimoto có cảm tưởng nàng từng đọc truyện của mình.

Đến lúc anh rời đi, Yoshiko bất chợt chú ý phong bì màu vàng mà khách lạ bỏ lại ở chỗ ngồi. Nghĩ người đàn ông quên lấy, nàng nhặt lên, chạy vội ra ngoài, nhưng bóng dáng Sugimoto đã mất hút trong đám đông bộ hành ở ngoài phố. Cuối cùng, Yoshiko tự nhủ: “Mình tạm giữ cũng được, chắc thế nào ông ta cũng trở lại.” Nàng dúi bao thư vào bên trong giải thắt áo kimono và quên hẳn trong thời gian bận rộn tiếp khách. Đến lúc trở về căn chung cư thay y phục nghỉ ngơi, Yoshiko mới nhớ lại khi thấy phong thư của người khách lạ rơi trên sàn phòng. Nàng nhặt lên, xem xét một lúc. Phong bì không dán kín, bên ngoài chẳng viết gì cả và bên trong dường như có mẫu giấy cắt từ báo. Quyết định xem thử, Yoshiko nhận thấy mẫu giấy là một phần tư tờ báo được xếp nếp cẩn thận. Mở rộng, nàng rất ngạc nhiên khi thấy hình ông Bộ Trưởng Sato chụp trước nhà ga xe điện Kofu đăng trên báo Koshin như nàng đã tận mắt chứng kiến tại cuộc diễn thuyết.

Vẫn nắm mẫu báo trong bàn tay run rẩy, Yoshiko ngước mắt nhìn khoảng không, cố suy nghĩ tìm hiểu ý hướng của khách lạ. Tâm trí bắt đầu quay cuồng vì nhiều ý tưởng lẫn lộn, nàng băn khoăn tự hỏi phải chăng Ryuji Sugimoto cố tình để lại phong bì này tại câu lạc bộ cho nàng thấy hay anh thực sự bỏ quên? Bất chợt cảm giác chân tay mỏi rã rời, Yoshiko ngồi bệt xuống sàn phòng và không muốn trải đệm chuẩn bị ngủ đêm vì thắc mắc chẳng rõ Ryuji đã biết được những gì? Cuối cùng, linh tính cho nàng biết khách đã cố tình để bao thư lại, như vậy, chẳng thể do vô ý nên hoàn toàn không phải là chuyện ngẫu nhiên. Nàng có ý tưởng Ryuji Sugimoto là một tiểu thuyết gia đại chúng, nghề của anh chuyên giúp mọi người giải trí đầu óc, nhưng riêng đối với nàng, anh ta xuất hiện ở một hình thái khác rất đáng ngại.

Hai ngày sau, Ryuji Sugimoto lại đến câu lạc bộ tìm gặp Yoshiko. Vừa giáp mặt khách, nàng tiến đến, ngồi bên cạnh, nét mặt cố làm ra vẻ điềm tĩnh, lên tiếng: – “Chào ông!”

Sugimoto cười mĩm, đáp lễ. Yên tâm khi nhận thấy thái độ người đàn ông chẳng có vẻ thâm hiểm, Yoshiko trao chiếc phong bì màu vàng nâu cho anh và nói:

– Lần trước đến, ông đã để quên cái này!

Dứt lời, cố giữ nguyên nụ cười trên môi, đôi mắt Yoshiko không ngừng dò xét cảm tưởng của khách. Sugimoto lặng lẽ nhận lấy phong thư đút vào túi áo và vẫn giữ nét bình thản. Khi bắt gặp Yoshiko nhìn mình chăm chú, anh nháy mắt ra vẻ thông cảm, xong quay sang hướng khác, trong lúc tay bưng ly bia sủi bọt đưa vào miệng nốc một hơi dài. Thái độ khó hiểu của Ryuji Sugimoto càng khiến Yoshiko thấy tâm thần thêm bất an và không ngớt lo nghĩ.

Qua các lần gặp gỡ sau, mối liên hệ giữa Yoshiko và Sugimoto tưởng chừng ngày càng sâu đậm thêm. Có những hôm anh không xuất hiện tại câu lạc bộ, nàng gọi điện thoại mời đến. Yoshiko cũng viết thư gửi Sugimoto, nhưng không phải loại thư của nữ tiếp viên mời mọc khách tới ủng hộ câu lạc bộ mà là thư cá nhân đúng nghĩa. Thoạt nhìn, người ta sẽ có ý tưởng cả hai đã kết giao mật thiết, vì vậy, căn cứ vào thời gian Sugimoto tới lui tại Câu Lạc Bộ Rubicon, bạn hữu của Yoshiko đều cho rằng tình ý giữa hai người có thể đã khắn khít.. Tuy nhiên, trên thực tế, mối tương quan giữa hai người tiến xa tới mức nào sẽ thấy được trong ngày nàng đến gần Sugimoto và ngỏ ý: – Anh muốn chúng mình cùng đi ngoạn cảnh ở một nơi nào chứ? Em có thể xin nghỉ việc một hôm được.

Trước lời đề nghị bất ngờ của Yoshiko, ánh mắt Sugimoto trông vui hẳn, anh hỏi:

– Được đi du ngoạn với em, anh rất thích. Em tính đi đâu?

– Đến nơi nào có phong cảnh đẹp, êm ả. Mình đi Izu nhé? Nếu anh bằng lòng, chúng

mình sẽ khởi hành sớm.

– Izu hả? Được lắm! Anh cũng thích cảnh trí hữu tình ở đó.

– Nhưng mà.. anh hãy nghe rõ đây. Em chỉ muốn đề nghị một lần đi viếng cảnh ở nơi gần đây thôi, chứ không có ý gì khác đâu.

Bỗng dưng nhận thấy trong lời nói của Yoshiko có gì khác lạ, làm cụt hứng, Sugimoto hỏi:

– Em nói vậy là ý gì?

– Thực tâm em chưa muốn chúng mình tiến sâu vào tình cảm của nhau, vì vậy, để cuộc ngoạn cảnh được vui và không bị hiểu lầm, anh nên mời bạn gái đi cùng. Em nghĩ anh phải có người…

Như hiểu được tính khí khác thường của Yoshiko, Sugimoto thản nhiên đáp:

– Đừng lo, anh sẽ mời bạn gái cùng đi như em đề nghị.

– Tốt lắm! Em cũng muốn được biết mặt bạn gái của anh.

Nhận thấy đôi chân mày trên mặt Sugimoto khẽ cau lại, nàng tiếp lời:

– Trông anh có vẻ chẳng thoải mái gì cả.

– Thực lòng anh chỉ muốn đi riêng với em.

– Thôi để lần sau hãy đi riêng với em!

– Em hứa chắc nhé?

Không hứa trực tiếp, Yoshiko chỉ nắm lấy bàn tay Sugimoto bóp nhẹ thay cho câu trả lời. Anh mĩm cười, nhìn nàng, nói: – Được, lần này anh chìu theo ý em.

Ngưng giây lát như để dò xét thái độ của Yoshiko, xong anh tiếp:

– Vậy bây chúng mình quyết định ngày giờ khởi hành.

– Hả? À… được! Chờ em chút xíu.

Dứt lời, Yoshiko đứng dậy, tiến về phía văn phòng của câu lạc bộ để mượn bảng lịch trình các chuyến xe điện.

 

Sugimoto dàn xếp với cô nữ chủ bút anh quen biết để cùng tham gia cuộc du ngoạn đã định với Yoshiko. Tuy không được biết lý do đặc biệt, nhưng cô này chẳng quan tâm và chấp nhận ngay lời anh mời vì tin tưởng Sugimoto đứng đắn.

Bộ ba Ryuji Sugimoto, Yoshiko Shioda và Fujiko Sakata, nữ chủ bút của tờ Koshin, dự định sẽ đến Ito trên bán đảo Izu đúng lúc mặt trời đứng bóng. Chương trình du ngoạn được dự định sẽ vượt rặng núi tại địa phương này để tới Shuzenji và trở về qua ngã Mishima.

Sugimoto suy nghĩ lan man vì không thể đoán được chuyện gì sẽ xảy ra. Anh chỉ mơ hồ biết mình sắp phải đương đầu với hiểm nguy và cảm thấy tinh thần căng thẳng. Tuy vậy, anh vẫn cố giữ vẻ tự nhiên như không hề lưu ý hoặc nghi ngờ gì cả.

Yoshiko xuất hiện với tất cả vẻ thoải mái. Một tay nàng nắm gói gì bọc nhựa, có lẽ là thức ăn trưa mang theo. Cả ba cùng hăng hái lên đường như những người được tận hưởng cuộc du ngoạn thích thú nhất đời. Trên lộ trình, Sugimoto để ý hai người đàn bà trẻ đi chung với anh có thể làm quen với nhau khá nhanh. Chiếc xe buýt rời Ito và bắt đầu lên đèo. Nhìn lại sau, Sugimoto ngắm thị trấn như đang thu nhỏ dần, để lộ vịnh Sagami nổi bật, trải dài ở phía xa với mặt nước biển trong xanh trở màu xám sậm dưới bầu trời cuối thu và như hòa lẫn với những cụm mây lơ lửng ở cuối chân trời.

Fujiko cũng đang ngắm trời mây, bất giác buộc miệng tán thưởng:

– Phong cảnh đẹp thật!

Chẳng mấy chốc, cảnh biển bỗng mất hút khi chiếc xe buýt vượt tới đỉnh dãy núi Amagi.

Mọi người đang chìm trong thinh lặng, thình lình nghe Yoshiko lên tiếng:

– Chúng ta sẽ xuống ở gần đây.

Chiếc xe buýt dừng tại một trạm ngừng ở sâu trong dãy núi. Xuống khỏi xe, Yoshiko đề nghị cả ba sẽ dạo chơi trong vùng một lúc rồi sau đó, đáp chuyến xe buýt kế tiếp hoặc quá giang xe đi Suzenji. Chỉ con đường mòn dẫn sâu vào trong rừng, nàng thúc giục:

– Chúng mình thử xem lối đi này tới đâu.

Sugimoto để ý Yoshiko tuy nói cười vui vẻ nhưng trán nàng rịn ướt mồ hôi bóng ngời dưới ánh nắng trưa. Ở một vài nơi, lối mòn dẫn vào rừng xuống rất sâu với tàng lá của đủ loại cây tạp phủ rợp làm người qua ngang muốn ngạt thở. Càng tiến xa, cảnh vật càng im vắng tịch mịch không thể tưởng, khiến bầu không khí ở chung quanh thật nặng nề. Chẳng mấy chốc, ba người đến một vùng lùm bụi rậm rạp mọc đầy, nhưng con đường hẹp dẫn vào một khoảng trống quang đãng ngay giữa rừng rậm, có ánh nắng rọi sáng trên bãi cỏ xanh mượt.

Đến nơi, Yoshiko lên tiếng: – Mình nghỉ chân ở đây.

Fujiko đồng ý ngay, trong lúc Sugimoto đảo mắt nhìn quanh quan sát. Anh nhận thấy cả bọn đã tiến khá xa vào rừng sâu và nghĩ chốn này chắc chẳng có ai héo lánh đến. Đầu óc anh chợt liên tưởng tới khu rừng Rinunkyo ở quê nhà.

Yoshiko tháo miếng nhựa bọc gói thức ăn, trải trên mặt cỏ, xong bảo Sugimoto:

– Chỗ của anh đây!

Sau đó, hai người đàn bà cùng ngồi xuống một lượt trên khăn tay của mình và duổi chân thẳng tới trước. Sau một lúc im lặng, cô nữ chủ bút bỗng lên tiếng, nói: – Tôi thấy khá đói rồi!

Yoshiko phụ họa: – Thế, chúng ta ăn trưa đi!

Cả hai lần lượt mở thức ăn mang theo, bày ra trước mặt. Sugimoto để ý Fujiko đem theo mấy phần bánh mì lát kẹp thịt nguội còn Yoshiko dọn món sushi với ba chai nước trái cây. Nắm lấy một phần thực phẩm của mình, cô nữ chủ bút mời: -Anh chị ăn chung cho vui.

Yoshiko hưởng ứng: – Vâng, cám ơn!

Vói tay lấy bánh mì, nàng tiếp lời: – Tôi hay mang theo sushi nhưng lại chán vì ăn mãi hàng ngày, mời chị Fujiko và anh dùng thử.

Thấy nàng đưa hộp thức ăn trước mặt hai người, mời mọc, cô nữ chủ bút tán thưởng:

– Cũng được! Mình đổi thức ăn với nhau.

Dứt lời, Fujiko vói tay nhận một mẫu sushi đưa lên miệng, nhưng dừng tay khi nghe Sugimoto thình lình hét lớn: – Đừng ăn Fujiko! Có thuốc độc đấy.

Cùng lúc, mặt tái hẳn, anh dang tay đánh văng miếng sushi ra xa. Diễn biến bất ngờ làm cô nữ chủ bút ngỡ ngàng, không hiểu sự thể ra sao. Sugimoto trợn mắt nhìn vẻ mặt Yoshiko đang biến sắc. Tuy nhiên, nàng quắt mắt nhìn trả lại với vẻ căm hận, đôi hàng mi như không chớp.

Anh lên tiếng: – Yoshiko, bây giờ tôi được biết cách thức cô giết hai người ở Rinunkyo. Nạn nhân đã được dàn cảnh cho cái chết của họ có vẻ như quyên sinh.

Trước những lời Sugimoto tố cáo, Yoshiko chỉ mím môi nín lặng và da mặt nàng xám dần. Như say sưa với những dữ kiện đã khám phá được, Sugimoto tiếp tục nói:

– Vào ngày 18 tháng 2, cô mời Sakitsugu Shoda và Umeko Fukuda cùng đi Rinunkyo. Tại đó, cô đã đầu độc họ như định áp dụng với chúng tôi hôm nay, xong bỏ ra về một mình, như vậy, không ai có thể nghi ngờ họ bị giết. Vùng rừng núi Rinunkyo nổi tiếng là nơi những đôi nhân tình chán đời chọn để cùng tự tử, kết thúc cuộc tình ngang trái, nên cô đã khéo léo sắp đặt cho cái chết của cả hai nạn nhân được tự nhiên mà một khi hay biết, thiên hạ cũng chỉ thắc mắc trong thoáng chốc: “Sao? Lại một vụ quyên sinh ở đó nữa?” Và không hề nghĩ ngợi gì thêm. Chính đây là lợi điểm cô muốn khai thác.

Mặc cho Sugimoto thao thao bất tuyệt, Yoshiko vẫn một mực im lặng trong lúc Fujiko nhướng mắt, kinh hãi nhìn anh vạch mặt người bạn đồng hành. Thấy Yoshiko không tỏ lời nào để biện bạch, Sugimoto tiếp: – Sau khi hoàn tất thủ đoạn giết người một cách kín nhẹm, cô chỉ băn khoăn muốn biết hai tử thi đó sẽ ra sao. Đã thản nhiên bỏ đi lúc hai nạn nhân gục chết, nhưng cô lại muốn biết  kết quả sau cùng để được yên tâm hơn, phải không? Người ta thường cho rằng kẻ giết người hay trở lại hiện trường án mạng để xem nạn nhân của mình ra sao. Cô đã chọn hành động này bằng cách theo dõi tin tức trên báo chí. Thêm nữa, cô muốn biết khi nhà chức trách khám phá được thi thể của hai kẻ xấu số, họ sẽ kết luận nội vụ là quyên sinh hay bị giết. Ngoài ra, những cái chết ở tỉnh lẻ như vậy ít khi được đăng tải trên báo chí ở thủ đô nên cô phải mua báo ấn hành tại Yamanashi nơi có vùng rừng Rinunkyo, để theo dõi.

Ngưng giây lát, xong Sugimoto nói tiếp những ý tưởng anh suy luận:

– Cô thông minh và dàn cảnh khá tài tình, Yoshiko. Tuy nhiên, cô đã phạm hai lỗi lầm. Thứ nhất, cô nêu lý do thích đọc truyện dài ‘Bọn Thảo Khấu’ của tôi để đặt mua báo, nhưng sau đó lại chê. Đáng lẻ cô không nên làm điều này vì chỉ khiến tôi nghi ngờ. Lỗi thứ hai là cô đã đặt mua số báo ấn hành ngày 19 tháng 2. Từ yếu tố này, tôi có thể đoán cô cần biết các sự kiện xảy ra hôm trước, tức ngày 18. Nhờ một cơ sở thám tử tư điều tra, tôi được biết hôm 18 cô không đi làm ở câu lạc bộ. Theo dõi lịch trình các chuyến xe điện trong ngày này, óc tưởng tượng của tôi có thể đoán chắc cô đã đáp chuyến xe tốc hành 1 giờ 6 phút tại Shinjuku để đến thành phố Kofu lúc 2 giờ 53 phút vào buổi chiều để từ đây đi Rinunkyo. Cô đến Tofu nhằm lúc một nhân vật tại địa phương, ông Sato, vừa được chọn làm bộ trưởng, đang diễn thuyết trước đám đông dân chúng ở ga xe điện. Sự kiện này đã được báo chí đăng tải, kèm theo hình ảnh. Tôi biết chắc cô từng trông thấy nên dùng hình ông Sato cắt từ số báo đó ra để thử.

Cũng qua cơ sở điều tra của tư nhân, tôi được biết thêm cô có dan díu tình ái với anh chàng Sakitsugu Shoda đã có vợ con, nhưng Shoda lại lừa dối cô để tư tình với Umeko Fukuda, một cô gái khác làm cùng chỗ. Vì ghen tuông, cô đã sắp đặt cho cả hai, kẻ bội phản và tình địch, chết như họ tự tử thì dư luận sẽ không ồn ào. Từ khi quả quyết mình đã suy luận hữu lý, tôi cố tình bỏ lại bức hình ông Sato cắt từ báo Koshin cho cô thấy. Tôi biết thế nào cô cũng đem lòng nghi kỵ. Nói cách khác, tôi muốn dò ý tứ của cô, để từ đó, tâm trí bị căng thẳng cô sẽ lo âu vì sự xuất hiện của tôi. Sau đó, tôi chỉ cần chờ cô phản ứng và sẽ mắc bẫy do tôi giăng.

Kết quả là trong thời gian kế tiếp, tôi nhận thấy cô bất ngờ thay đổi thái độ, tỏ ra thân thiện với tôi hơn và cuối cùng mời đi du ngoạn như hôm nay, nhưng lại muốn tôi mang theo bạn gái vì ngại tôi chết đơn độc sẽ không giống một vụ tự tử. Nếu Fujiko và tôi cùng ăn sushi, thuốc độc ngấm ngay vào cơ thể, cô sẽ bỏ chúng tôi tại đây và ra về một mình. Sau đó, khi phát giác hai thi thể đã chết, thiên hạ sẽ đồn đãi về một đôi nam nữ quyên sinh trong vùng rừng Izu, đồng thời thân nhân sẽ ngỡ ngàng cho rằng tôi ngoại tình với Fujiko và vì sợ gia phong bị nhục nhã vợ tôi có thể sẽ giấu nắm tro tàn của chồng trong tủ áo.”

Chờ Sugimoto dứt lời, Yoshiko bỗng ngửa đầu bật cười ngặt ngoẻo. Đến lúc ngưng tiếng, nàng quắt mắt nhìn anh vừa nói, giọng gay gắt: – Thật rõ ràng anh là nhà văn nhiều tưởng tượng và phịa chuyện rất hay. Anh cho rằng tôi đã bỏ độc dược trong mấy miếng sushi chớ gì?

Sugimoto đáp quả quyết: – Đúng như thế!

– Vậy, tôi sẽ ăn hết mấy miếng sushi và anh hãy mở mắt thật to xem Yoshiko này có chết hay không. Chắc anh biết rồi, nếu có chất độc thật, tôi sẽ lìa đời trong vòng ba đến bốn phút. Nếu thuốc có ảnh hưởng chậm, tôi sẽ khổ sở hơn, nhưng hãy cứ để tôi yên thân một mình.

Dứt lời, nàng giật lấy chiếc hộp giấy đựng mấy mẫu sushi trên tay người nữ chủ bút còn đang há hốc miệng kinh ngạc vì những biến cố bất ngờ. Yoshiko nhai ngấu nghiến trong miệng tất cả số thực phẩm nàng mang theo ăn trưa gồm bảy hay tám miếng sushi, trong lúc Sugimoto mở to mắt theo dõi, vừa ngạc nhiên, vừa ngờ vực, đến đổi không thể thốt nên lời để tỏ ý chấp thuận hoặc ngăn cản.

Hành động vừa dứt, Yoshiko nói như phân bua: – Tôi ăn hết rồi đấy! Cám ơn, nhờ tính đa nghi của anh mà tôi quá no. Bây giờ hãy chờ tôi chết!

Kế tiếp, nàng ngã người nằm dài ở thảm cỏ để ánh nắng ấm tràn ngập trên khuôn mặt âu lo nhưng đầy vẻ tự tin. Yoshiko nằm yên, đôi mắt nhắm nghiền như ngủ nhưng tai lắng nghe tiếng chim họa mi đang hót líu lo trên tàng lá gần bên. Thời gian trôi nặng nề. Sugimoto và Fujiko không biết phải nói gì, chỉ ngồi lặng yên theo dõi.

Cả hai tưởng Yoshiko như bắt đầu ngủ vì nàng nằm bất động, nhưng Sugimoto để ý đôi hàng nước mắt chợt xuất hiện, lăn dài trên má người đàn bà trẻ. Thoáng chút xúc động, anh định lên tiếng với nàng, nhưng Yoshiko bỗng ngồi bật dậy như chiếc lò xo. Nhìn thẳng vào ánh mắt Sugimoto, nàng nói:

– Đủ lâu rồi phải không? Nếu mấy mẫu sushi có thuốc độc thì tôi đã chết hoặc phải oằn oại đau đớn, nhưng anh thấy đấy, tôi vẫn bình thường. Chứng cớ hiển nhiên này có đủ để anh dẹp bỏ óc tưởng tượng chứ? Tự hậu anh nên cẩn thận hơn với những suy đoán của mình.

Yoshiko hằn học nhặt chiếc hộp giấy và mấy chai nước trái cây cột lại thành gói, xong đứng dậy phủi mấy lá cỏ dính ở váy, cùng lúc nói: – Tôi về đây! Chào cả hai.

Yoshiko đi thoăn thoắt xuống con đường mòn bằng những bước vững chắc. Chẳng bao lâu, nàng khuất dạng sau lùm cây xa.

 

Về đến phòng trọ, Sugimoto nhận được thư Yoshiko Shioda gửi. Mở ra, anh lẩm nhẩm đọc:

“Sugimoto, những gì anh suy đoán, rất đúng. Thú thật, chính em đã ám hại Shoda và Umeko chết tại vùng rừng Rinunkyo. Chắc anh muốn biết lý do vì sao em nhẫn tâm làm như vậy. Thực ra không còn phương cách nào khác, em nghĩ đấy chỉ là chuyện bình thường xảy ra giữa cuộc tình tay ba. Cái chết của Shoda đúng như anh tưởng nghĩ vì em đã mời cả hai đi du ngoạn ở Rinunkyo và tình nhân cũ của em tỏ ra rất thích thú, không nghi ngờ gì cả do niềm vui được đi chơi với hai người yêu.

“Em đã giữ chỗ trên chuyến xe điện tốc hành 1 giờ 16 phút từ ga Shinjuku, nhưng lại đáp chuyến khác vào lúc 1 giờ vì không muốn ai thấy em đi chung với Shoda và Umeko. Do đó, em đến nơi trước hai người khoảng nửa giờ. Trong khi chờ đợi và ăn qua loa tại một quán nhỏ trước nhà ga, em có dịp trông thấy truyện dài ‘Bọn Thảo Khấu’ anh viết trên tờ Koshin. Đôi tình nhân tới nơi sau đó, nhằm lúc ông Bộ Trưởng Sato đang diễn thuyết ở trung tâm khu phố.

“Tại Rinunkyo, em mời người yêu Shoda và tình địch Umeko của em thưởng thức bánh ngọt chứa thuốc độc potassium cyanide do em làm sẵn mang theo. Có thể nói, vừa nuốt vào, cả hai ngã lăn chết tức khắc. Em thủ tiêu mấy chiếc bánh còn lại và bỏ hai xác chết tại chỗ để ra về một mình. Mọi việc diễn tiến thật êm xuôi đúng như em dự tính.

“Đối với em, lòng ghen tức đã được thỏa mãn, kẻ phản bội đã đền tội, tuy nhiên em chỉ thắc mắc một điều là nhà chức trách có nghi ngờ cái chết của cả hai là một vụ án mạng hay không. Vì vậy em quyết định mua báo địa phương, mượn cớ vì thích truyện dài của anh, nhưng cũng chính vì lý do này mà khi ngưng mua báo em đã tạo cho anh sự nghi ngờ.

“Sau đó, sợ bại lộ, em âm mưu tìm kế thủ tiêu anh giống như cách thức đã giết Shoda, để tránh hậu hoạn, nhưng anh đã tinh khôn đoán được tất cả ý định của em. Anh cho rằng em bỏ độc dược trong mấy miếng sushi nhưng thực ra chất giết người lại ở trong các chai nước trái cây. Em nghĩ anh sẽ uống nước giải khát sau khi ăn món sushi mặn, nhưng sự việc đã không diễn biến như ý. Cuối cùng em mang mấy chai nước trái cây chứa chất độc về nhà, nhưng nói thực anh biết, em không bỏ uổng phí. Khi anh nhận được thư này, em đã uống hết một chai…

QUANG THIỆN