Tạp ghi

Phương pháp giáo dục của Hướng Đạo

HƯƠU HIỀN LÀNH – TÔN THẤT LÔI

https://www.facebook.com/thaithuan259/posts/601288406926161

Huong dao - Ton That Loi

Uỷ viên Huấn Luyện của HĐ Thừa Thiên, một trong tứ trụ (4 Thiếu đoàn lớn): Lê Mộng Ngọ (DCC), Phan Mạnh Lương (DCC), Lê Cương và Tôn Thất Lôi (ALT).

 

Phong trào Hướng Đạo do Huân tước Baden Powell người Anh khởi xướng, bắt đầu từ một cuộc cắm trại thí nghiệm trên đảo Brownsea Island năm 1907 với 20 thiếu niên, sau đó lan rộng khắp nước Anh, rồi phát triển ra khắp các nước trên thế giới và đã tỏ ra có một khả năng phi thường trong việc giáo dục thanh thiếu niên.

Phong trào đã quy tụ dưới lý tưởng, nguyên tắc và phương pháp chung hàng triệu Hướng đạo sinh.

Đến nay trên thế giới Phong trào giáo dục Hướng đạo đã có mặt trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với số Hướng đạo sinh trên 30 triệu người và trên thế giới cũng đã có khoảng 500 triệu (*) người thuộc nhiều thế hệ đã là Hướng đạo sinh.

 

Tại sao Hướng đạo thu được kết quả, trong khi nhiều tổ chức khác thất bại, hoặc không có ảnh hưởng sâu rộng như thế ?

Tại sao Hướng đạo đã trở thành một hiện tượng của thế kỷ 20 ?

Tại sao y phục Hướng đạo, vài hoạt động Hướng đạo, lối tổ chức Hướng đạo đã được nhiều đoàn thể bắt chước vay mượn ?

 

Kết quả ấy là nhờ giá trị vững chắc của phương pháp hợp với thực trạng tâm lý của thiếu thời, nhờ ở tính chất bất vị lợi của tổ chức. Hướng đạo không chỉ là một phương pháp giáo dục mà trở thành một phong trào thanh thiếu niên, một hệ thống tổ chức sống động, một tình huynh đệ quốc tế, một lý tưởng sống.

Hướng đạo không phải là một học thuyết, một triết lý, Hướng đạo nhất định không phải là một đảng phái chính trị, một đoàn thể tôn giáo, Hướng đạo có những đặc điểm phải theo đúng tất cả, giá trị không chỉ ở một vài hình thức dễ trông thấy, mà ở nơi tất cả chương trình hoạt động, nơi sự tiến triển nhiều mặt của cá nhân, nơi đời sống lý thú của đoàn thể.

Hãy tìm hiểu đặc điểm của Phong trào này:

 

I- ĐẶC ĐIỂM CỦA PHONG TRÀO GIÁO DỤC HƯỚNG ĐẠO

1- Hướng đạo là một phong trào giáo dục:

Đây là đặc điểm cơ bản nhất của Hướng đạo. Hướng đạo không phải là một hội đoàn thể thao hay giải trí như có thể có người lầm tưởng, dù rằng trong Hướng đạo có nhiều sinh hoạt vui chơi, thể thao, giải trí, nhưng những trò chơi, những sinh hoạt đó được dùng để đạt tới mục tiêu giáo dục, tự nó không phải là một cứu cánh, hay nói cách khác việc học hỏi kiến thức hay kỹ thuật đặc biệt trong sinh hoạt Hướng đạo chỉ là một phương tiện để đạt tới một cứu cánh và cứu cánh đó chính là giáo dục.

Giáo dục theo nghĩa rộng có thể xem như là một quá trình nhằm phát huy toàn vẹn các khả năng của con người.

 

Cụ thể là chúng ta khêu gợi một cách rộng rãi ở trẻ tinh thần danh dự và ý thức trách nhiệm bằng cách giúp trẻ phát triển:

– Tính khí và trí tuệ

– Tài thủ công và tài tháo vát

– Tráng kiện và sức khỏe

– Ý chí phục vụ tha nhân

 

Huynh trưởng phải quyết tâm giúp các em rèn luyện đặc biệt là rèn luyện tính khí.

Tính khí là sự kết hợp của nhiều đức tính thuộc trí tuệ và đạo đức như hiếu kỳ, dũng cảm, trung thực, liêm chính. Hướng đạo chúng ta còn thêm vào 5 cái “Tự” nữa là: Tự lực, Tự giác, Tự tin, Tự trọng và nhất là Tự chủ có nghĩa là làm chủ bản thân.

Như vậy, mục đích tối hậu của phong trào Hướng đạo là giáo dục. Hướng đạo kết nạp trẻ để giáo dục họ trở nên những công dân tốt chứ không dùng họ làm công cụ phục vụ cho mục đích khác như xã hội, chính trị hay tôn giáo…

 

Công tác giáo dục của Hướng đạo nhằm vào đối tượng thanh thiếu nhi được phân chia thành 4 ngành như sau:

– Ngành Ấu : Từ 8 đến 11 tuổi

– Ngành Thiếu : Từ 11 đến 16 tuổi

– Ngành Kha : Từ 16 đến 18 tuổi

– Ngành Tráng : Từ 18 trở lên

 

2- Hướng đạo đào tạo người công dân tốt cho đất nước:

Mục đích của giáo dục Hướng đạo là đào tạo những thanh thiếu niên có tính khí lành mạnh, tháo vát, tự chủ, có sức khỏe, có ý chí để phục vụ tha nhân để trở thành người công dân toàn vẹn, có tinh thần trách nhiệm cho xã hội, đặc biệt là cho đất nước dân tộc, chuẩn bị cho đoàn sinh giữ một vai trò xứng đáng trong cộng đồng xã hội.

 

Tóm lại phong trào Hướng đạo góp phần vào việc giáo dục thanh thiếu niên bằng cách giúp họ phát huy toàn vẹn các khả năng về thể chất, trí tuệ, xã hội và tinh thần để trở thành người công dân tốt.

Như vậy hội Hướng đạo của mỗi quốc gia có bổn phận đào tạo công dân tốt cho quốc gia mình.

 

3- Hướng đạo đặt căn bản trên sự tự nguyện:

Nguyên tắc căn bản trong việc kết nạp đoàn sinh của giáo dục Hướng đạo là tự ý gia nhập.

Trẻ tự nguyện trở thành Hướng đạo vì tự mình cảm thấy thích chớ cha mẹ hay các trưởng Hướng đạo đều không thể bắt buộc trẻ nếu tự nó không muốn.

 

Đây là đặc điểm làm cho Hướng đạo khác hẳn với nhiều đoàn thể và cũng làm thấy rõ quan niệm của Hướng đạo đối với nhân vị. Nói đến nhân vị là nói đến tự do quyết định của con người. Nhân vị tỏ rõ giá trị mình nơi sự nhận định tự do quyết định và sự đảm đương trách nhiệm mình cho xứng đáng với tự do ấy.

Hướng đạo đặt sự tín nhiệm nơi trẻ, không những trông cậy và hy vọng nơi phần trong sạch cao đẹp của trẻ, mà còn đề cao danh dự của trẻ. Thái độ ấy ngược hẳn với bao nhiêu lối giáo dục và huấn luyện khinh thường trẻ và bắt buộc trẻ vào những khuôn mẫu có khi không hợp với thực trạng tâm sinh lý của trẻ, quá khả năng hay không kêu gọi được sự hợp tác chân thành của trẻ. Trẻ Hướng đạo tự tình nguyện sống theo luật, không chịu sự miễn cưỡng ràng buộc nào, do một uy lực tinh thần hay vật chất nào.

 

Trẻ tìm được hứng thú, trẻ lấy làm kiêu hãnh khi gia nhập phong trào, khi lấy danh dự mình mà hứa… “Tôi lấy danh dự tôi hứa sẽ cố gắng hết sức…”.

Chìa khóa của giáo dục Hướng đạo là phát huy tinh thần danh dự và ý thức trách nhiệm của trẻ để trẻ tự nguyện gia nhập.

Tóm lại Phong trào Hướng đạo mang tính cách tự nguyện, việc gia nhập phong trào đối với trưởng cũng như đoàn sinh là một hành động tự nguyện.

 

4- Hướng đạo không phân biệt đối xử khi gia nhập:

Phong trào Hướng đạo mở ra cho mọi người không phân biệt giai cấp, chủng tộc, quốc tịch và tín ngưỡng. Đây cũng là một đặc điểm cơ bản, vì trong Hướng đạo không có kỳ thị đối xử về bất cứ phương diện nào, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Mọi người tự nguyện gia nhập đều được bình đẳng.

 

5- Hướng đạo không tham gia chính trị đảng phái:

Quy trình Hướng đạo nêu rõ: Hướng đạo không hoạt động và cổ động về mặt chính trị. Tính cách không chính trị của phong trào Hướng đạo theo chính sự giải thích của Hướng đạo thế giới có nghĩa là Hướng đạo không bao giờ tham dự vào việc tranh đấu giành quyền hành, giành chính quyền là mục tiêu cuối cùng của chính trị và là đường lối hành động của các đảng phái chính trị.

 

Nói cụ thể là Hướng đạo không tham gia chính trị đảng phái, không ủng hộ bất cứ một phe nhóm, một cá nhân nào trong mục đích giành lấy chính quyền. Nhưng Hướng đạo không đứng ngoài, tách ra khỏi các thực tế chính trị của Quốc gia.

 

Trong lễ Tuyên hứa, trong các cuộc cắm trại, Hướng đạo sinh phải nghiêm chỉnh chào Quốc kỳ, hát quốc ca, vì như đã nói trên Hướng đạo, nhằm mục đích giáo dục công dân của ngày mai, tập cho đoàn sinh nếp sống trong một xã hội dân chủ, giúp thanh thiếu niên trở thành những công dân xứng đáng có trách nhiệm trong xã hội mai sau. Việc giáo dục công dân này không thể tiến hành mà không có một nhận thức sắc sảo về thực tế chính trị của đất nước.

 

6- Hướng đạo là một đoàn thể giáo dục mang tính chất độc lập:

Phong trào Hướng đạo có Luật và Lời hứa, có những mục tiêu và phương pháp giáo dục riêng của mình mà không ai có thể thay đổi hay thêm bớt gì cả.

Đừng hiểu sai lầm rằng độc lập là không tuân theo pháp quyền của nhà nước. Trên thế giới mọi quốc gia đều có pháp quyền riêng của mình, và tất cả các hội đoàn hoạt động trong nước đều phải tuân theo pháp luật của quốc gia đó.

 

Phương pháp giáo dục Hướng đạo đào tạo công dân tốt cho đất nước tất yếu phải giáo dục cho trẻ ý thức biết tôn trọng pháp luật của quốc gia, quyết tâm rèn luyện chí khí để sau này phục vụ tốt cho xã hội, quốc gia mình.

 

II- ĐẶC ĐIỂM CỦA PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC HƯỚNG ĐẠO

Để tiến tới mục tiêu và đạt được mục đích giáo dục, phong trào Hướng đạo sử dụng một Phương pháp giáo dục đặc biệt.

 

Phương pháp giáo dục Hướng đạo là một hệ thống tự giáo dục tuần tự kết hợp bởi nhiều yếu tố bao hàm một tổng hợp gồm nhiều phần tử quan hệ chặt chẽ với nhau, liên kết thành một tổng thể mạch lac. Do đó trong giáo dục Hướng đạo chỉ có một Phương pháp Hướng đạo, không thể nói có nhiều phương pháp riêng rẽ, vì chỉ có thể nói đến Phương pháp Hướng đạo khi nào các yếu tố đó được kết hợp thành một hệ thống giáo dục mạch lạc.

Hãy lần lượt phân tích đặc điểm của từng yếu tố:

 

1- Hướng đạo dùng Luật và Lời hứa Hướng đạo để giáo dục trẻ:

Luật và Lời hứa Hướng đạo là khí cụ để diễn đạt các nguyên tắc chỉ đạo của phong trào, một trong những đặc điểm cơ bản của Hướng đạo là mỗi thành viên tự nguyện cam kết vào Lời hứa và Luật Hướng đạo.

Ở đây không bàn đến khía cạnh nguyên tắc đạo đức bao hàm trong Lời hứa và Luật Hướng đạo, mà chỉ nói tới công cụ sư phạm của Luật và Lời hứa. Nói một cách khác Luật và Lời hứa dưới góc độ này được dùng như một phương tiện tự giáo dục. Luật và Lời hứa Hướng đạo không có tính cách tiêu cực như các luật lệ khác, mà có tính cách tích cực: không cấm điều dở nên tránh mà trái lại khuyên bảo điều hay nên làm. Luật chỉ mô tả một Hướng đạo sinh lý tưởng. Mười điều luật là mười mẫu người Hướng đạo sinh tiêu biểu. Ai theo đúng mới là Hướng đạo sinh.

 

Phong trào Hướng đạo khác với những đoàn thể thanh thiếu niên khác ở chỗ là các thành viên của phong trào từ em Thiếu sinh nhỏ bé nhất đến Trưởng Ủy viên lão thành nhất đều chung Lời hứa và 10 điều Luật. Có điều rất sáng tạo là mỗi lứa tuổi hiểu và thi hành Luật theo trình độ của mình.

 

Cũng là trung thành với Tổ quốc, các em Thiếu sinh phải nghiêm chỉnh lúc chào Quốc kỳ, hát quốc ca, cố gắng học hành để mai sau xây dựng đất nước, các Tráng sinh có trách nhiệm cao hơn: phải chiến đấu dưới cờ để bảo vệ đất nước, giữ vững bờ cõi, không bao giờ làm tay sai cho ngoại bang, không là kẻ bán nước.

Cũng là điều luật thứ 10, Thiếu sinh hiểu rằng phải sạch sẽ, vệ sinh, không trộm cắp, không chửi thề… Tráng sinh thì phải hiểu thêm: không ham mê tửu sắc, không có tà tâm, không tham nhũng, phải ăn nói lịch sự…

Huynh trưởng Hướng đạo là người tự nguyện phục vụ việc giáo dục đoàn sinh theo phương pháp Hướng đạo lại càng phải thực hiện đúng Luật và Lời hứa Hướng đạo qua tác phong, thái độ, cử chỉ, nếp sống, cách thức làm việc, tinh thần trách nhiệm và tinh thần cộng tác để làm gương mẫu cho các em noi theo. Nói chung là tùy theo lứa tuổi mà hiểu và thực hành Luật theo đúng trình độ của mình.

Trong quá trình tự rèn luyện, Lời hứa và Luật là một quy tắc danh dự mà mỗi người cố gắng noi theo trong cách hành động và suy nghĩ của mình.

 

Huynh trưởng Hướng đạo phải luôn luôn nhắc nhủ đoàn sinh hiểu rằng: HĐS phải thuộc nằm lòng Luật, Lời hứa và Châm ngôn Hướng đạo, hiểu rõ ý nghĩa và đem thi hành những điều ấy trong đời sống hằng ngày vì Luật, Lời hứa và Châm ngôn Hướng đạo là Kim chỉ nam hướng dẫn các em vững tiến trên đường đời, là thước đo tinh thần Hướng đạo của đoàn sinh để theo dõi sự tiến bộ của từng người.

 

2- Hướng đạo dùng trẻ để dạy trẻ:

Một đặc điểm nữa của phương pháp giáo dục Hướng đạo là dùng trẻ để dạy trẻ. Đặc điểm này là do tài nhận xét và biết khai thác của BP. Chúng ta biết trẻ thường kết nhau lại thành bè lũ hay phe nhóm, làm thành những xã hội cỏn con riêng biệt, có luật lệ, có tập tục, có tiếng lóng ngôn ngữ riêng, những xã hội mà người lớn không xâm nhập được. Những trẻ sống trong đám như thế có bí danh như đoàn viên một hội kín, triệt để tuân theo mệnh lệnh của kẻ cầm đầu. Chúng có tinh thần đoàn kết và kỷ luật. Chỉ tiếc mục tiêu và những hoạt động của những đám ấy có thể đưa chúng đến chỗ hư hỏng.

 

BP đã lợi dụng lối kết hợp ấy, lập ra phép hàng đội tự trị để trẻ em huấn luyện trẻ em, thỏa mãn xu hướng tự nhiên của trẻ. Mục đích đã được thay đổi: trò chơi, các hoạt động đều hướng đến ích lợi cho trẻ. Đây là chìa khóa vàng đã đem đến thành công rực rỡ cho phương pháp giáo dục HĐ.

Tế bào quan trọng nhất trong tổ chức HĐ là:

– Đàn trong ngành Ấu

– Đội trong ngành Thiếu

– Tuần trong ngành Kha

– Toán trong ngành Tráng

 

Ở Thiếu đoàn, Thiếu trưởng chọn một em có đủ năng lực trong số đoàn sinh có kinh nghiệm sinh hoạt HĐ nhiều nhất để làm Đội trưởng. Đội trưởng tự chọn lấy Đội phó của mình.

Đội có tên riêng có đời sống riêng, có những đặc thù cá tánh riêng biệt. Đội là một cộng đồng nhỏ trong đó mỗi đoàn sinh giữ một vai trò rõ rệt trong sinh hoạt thường xuyên của Đội, như giữ chức vụ thủ quỹ, thư ký, phụ trách bảo trì lều trại, phụ trách cất giữ vật dụng khác…

 

Đội có đời sống tự trị như: Họp Đội, Xuất du, lập Dự án Đội … để các em tự quản trị sinh hoạt của mình, cùng nhau soạn thảo, phát họa những dự án để cùng thực hiện.

Đội dự phần trong sinh hoạt dân chủ của Đoàn. Các Đội góp ý kiến để quyết định sinh hoạt của Đoàn qua cơ chế như Hội đồng Đội, Hội đồng Đội trưởng, Hội đồng Đoàn.

 

Trong Đoàn, Đoàn trưởng không nên giữ vai trò chỉ huy và lãnh đạo mà chỉ nên làm cố vấn thúc đẩy.

Một Đoàn HĐ như vậy có một lề lối sinh hoạt dân chủ như một quốc gia nhỏ bé, trong đó Hội đồng Đoàn là Quốc hội hay cơ quan lập pháp, Hội đồng Đội trưởng là cơ quan hành pháp thi hành các quyết định của Hội đồng Đoàn. Qua cách sinh hoạt trong Đội và Đoàn mỗi đoàn sinh nhận thức trách nhiệm và bổn phận của mình trong cộng đồng. Đội và Đoàn là những cộng đồng nhỏ đầu tiên có một tổ chức, một sự phân công, một hình thức sinh hoạt dân chủ, giúp đoàn sinh làm quen với nếp sống trong một cộng đồng dân chủ, luyện tập khả năng hợp tác với kẻ khác, khả năng lãnh đạo, khả năng tổ chức, quyết định cũng như rèn luyện chí khí.

Phương pháp hàng đội như vậy là một yếu tố chủ yếu của phương pháp Hướng đạo và được áp dụng cho tất cả các ngành từ Ấu đến Tráng với những thích nghi cần thiết cho hợp với lứa tuổi của mỗi ngành.

 

3- Hướng đạo dùng chương trình hấp dẫn để huấn luyện:

Để lôi cuốn trẻ ham thích học hỏi BP lập nên hệ thống đẳng cấp và chuyên hiệu làm cho trẻ em ham thích mãi, tiến bộ mà không biết.

 

Tiến trình đẳng thứ HĐ là cái thang về kỹ năng thủ thuật mà trẻ phải tiến lên dần dần, từng nấc một. Cứ dần dần học tập kỹ năng HĐS sẽ leo lên các nấc đẳng thứ thể hiện bằng các huy hiệu HĐ Hạng nhì, HĐ Hạng nhất, HĐ Hiệp sĩ hoặc được quyền gắn lên đồng phục những huy hiệu chuyên môn, nhờ đó mà việc huấn luyện cứ tiếp diễn mãi, thúc giục trẻ có dịp thử thách tài năng và chí khí của mình.

 

Hệ thống huy hiệu của HĐ có ích lợi không phải nhỏ: dạy cho trẻ tháo vát, sửa soạn cho trẻ tìm nghề nghiệp thích hợp với năng khiếu của mình. Chương trình sinh hoạt phải thật sự hấp dẫn và được sắp xếp từ dễ đến khó.

Đây là cách thức huấn luyện trẻ về nhiều phương diện, đào tạo những con người quân bình và hòa diệu, biết nhận định giá trị của mọi điều.

 

4- Hướng đạo dùng Trò chơi làm đòn bẩy chính yếu trong giáo dục:

Đối với trẻ chơi là một nhu cầu thiết yếu để nẩy nở, là bản tính thiên nhiên của trẻ, chơi là sống, sống thật sự đời sống của trẻ thơ. Chơi là một cách tranh đấu, một cách dự bị tranh đấu do bản năng tạo ra để lần lần đưa chúng vào cuộc tranh đấu thật sự, lớn lao và khó khăn là cuộc đời.

Giáo dục Hướng đạo không cho trò chơi là một hoạt động giải trí, một trò vui chốc lát cho trẻ em. Hướng đạo coi trò chơi là một phương tiện quan yếu để giáo hóa, một phương pháp giáo dục tốt và hay nhất.

Trẻ em ham thích gì ? Chúng thích hoạt động, thích tiếp xúc với sự vật xung quanh, chạy nhảy sờ mó, nếm ngửi, cân nhắc mọi vật. Tuổi trẻ là tuổi thám hiểu tạo vật.

 

Nếu khéo chọn trò chơi, các em sẽ đạt được nhiều kết quả không ngờ cho tính tình và thể chất. Dùng trò chơi chúng ta đã khiến trẻ để ý đến sức khỏe mà chưa bao giờ các em nghĩ tới. Nhờ chơi mà những em lôi thôi, thiếu trật tự nhất, lại thành ra thích trật tự vì thiếu trật tự thì không trò chơi nào thắng được. Khi chơi các em không xem cái nóng cái lạnh, mệt nhọc và khát nước ra gì, coi thường tất cả những chỗ sướt da khi chơi lớn, không để ý đến lòng tự ái bị tổn thương khi chơi toàn đội. Chơi trò chơi luyện giác quan buộc các em phải cố gắng chú ý. Cho các em có dịp đóng vai vị anh hùng, thúc giục các em noi gương vị anh hùng ấy, cố gắng thực hành đức tính của vị anh hùng. Nếu khéo biết giữ lấy tinh thần cuộc chơi, khéo xen vào các lúc nghỉ ngơi các trò chơi nhẹ nhàng, xen các trò chơi im lặng vào các trò chơi ồn ào thì tác dụng giáo dục không phải là nhỏ.

 

Hướng đạo lại cần cho trẻ chơi để hiểu trẻ. Việc hiểu trẻ rất cần thiết cho công cuộc giáo huấn. Huynh trưởng cần biết rõ tánh tốt tật xấu của mỗi đoàn sinh để tìm phương bổ cứu, nhưng thường ngày khó hiểu rõ bộ mặt thật của các em. Đứng trước người lớn, thường trẻ con tự kiềm chế, hay làm bộ hiền lành, chỉ trong lúc chơi, vì say sưa với trò chơi, mãi lo thắng cuộc trẻ em không còn nghĩ đến việc “đóng tuồng” mới lộ chân tướng ra, nhờ thế Trưởng mới rõ ưu khuyết điểm của các em để giáo dục từng em một.

Tóm lại mọi hoạt động Hướng đạo đều mang hình thức trò chơi, kể cả khi học kỹ năng, làm việc thiện hằng ngày, kể cả phần tinh thần như Luật, Lời hứa, Châm ngôn.

 

5- Hướng đạo giáo dục bằng thực hành:

Hướng đạo giáo dục bằng thực hành. Đối với trẻ, Hướng đạo không nói lý thuyết, không có lý luận, trong buổi họp hay đi cắm trại Đoàn trưởng chỉ có một phút đồng hồ để đề cập bằng lối bóng gió đến vấn đề tinh thần. Hướng đạo dạy mà không giảng, nghĩa là dạy làm chớ không dạy nói. Hướng đạo đặt nặng việc thực hành về cả các mặt: đạo đức, trí tuệ và sức khỏe.

 

Thực tiễn kinh nghiệm với khoảng 500 triệu trẻ em kinh qua giáo dục Hướng đạo trong gần một thế kỷ đã chứng minh rằng giáo dục kiểu này mang lại hiệu quả cao nhất.

Trong sinh hoạt Hướng đạo đoàn sinh học hỏi những công việc mà mình ưa thích bằng những trò chơi, bằng cách quan sát thí nghiệm, tiếp xúc với thực tế. Đó là điểm khác biệt lớn so với phương pháp cổ điển của nhà trường. Thay vì một bài học lịch sử, đơn vị HĐ tổ chức một trò chơi lớn dùng bối cảnh lịch sử, sử dụng những diễn biến, những trận chiến liên quan đến chủ đề, hay dựng lên một vở kịch, một câu chuyện bằng tranh … Những sưu tập bằng cây cỏ, dấu vết thú rừng v.v… thay thế những bài học vạn vật. Có những trò chơi luyện giác quan, luyện tập óc quan sát, suy luận, khuyến khích tinh thần đồng đội…

Mỗi sinh hoạt trong Hướng đạo đều nhằm đạt tới một mục tiêu giáo dục rõ rệt.

 

6- Hướng đạo dùng đời sống ngoài trời để giáo dục trẻ:

Sinh hoạt ngoài trời cũng là một đặc điểm quan trọng trong giáo dục HĐ.

Không phải tất cả sinh hoạt Hướng đạo đều xảy ra ngoài trời, nhưng đời sống Hướng đạo cho đoàn sinh nhiều cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên.

 

Ngoài việc giúp rèn luyện một cơ thể lành mạnh, dẻo dai, những sinh hoạt ngoài trời giúp rất nhiều trong việc rèn luyện chí khí và phát triển trí tuệ. Những thử thách mà thanh thiếu niên phải đương đầu khi sống ngoài thiên nhiên kích thích những khả năng sáng tạo và thích ứng để vượt qua trở ngại. Đó là cơ hội mà đời sống tiện nghi thị thành ít có khả năng đem lại. Về mặt phát triển tinh thần xã hội và cộng đồng, các buổi thám du, cắm trại giữa thiên nhiên đòi hỏi phải tổ chức đời sống sát cánh bên nhau trong những thử thách, những giây phút gian lao, đó là những cơ hội tốt để thắt chặt tình đoàn kết, tinh thần đồng đội giúp HĐS thấy rõ thế nào là ý nghĩa và tầm quan trọng của đời sống cộng đồng. Hơn nữa, những dịp tiếp xúc với thiên nhiên giúp đoàn sinh mở rộng tâm hồn và tầm nhìn của mình để hướng đến những giá trị tinh thần.

 

BP cho rằng: “Mặt trời, nước lạnh, không khí và sự vận động là thức ăn cần thiết cho thể chất. Cảnh trời cao đất rộng, núi non hùng vĩ, một cuộc sống mạo hiểm giữa thiên nhiên là chất bổ cho tinh thần.”

Như vậy chúng ta có thể thấy thiên nhiên là một môi trường hết sức thuận tiện cho công cuộc phát triển hài hòa và toàn diện của đoàn sinh.

 

7- Hướng đạo giáo dục bằng thói quen tốt, thói quen làm việc thiện:

BP cho rằng: “Con người dù xấu đến đâu cũng còn có 5% phần tốt. Nếu biết bồi dưỡng cho các phần tốt đó ngày càng nẩy nở thì các phần xấu dần dần sẽ biến đi, và con người đó sẽ trở nên tốt”. Do đó Hướng đạo coi trọng việc duy trì và phát triển thói quen tốt: thói quen tìm tòi, xem xét, suy nghiệm phát triển trí thức, giúp ích lớn lao cho khối óc và tri tuệ, thói quen lao động chân tay giúp giữ gìn sức khỏe và là trợ lực đáng kể cho đạo đức lẫn trí thức, thói quen tằn tiện của mình, của người, của xã hội và đặc biệt thói quen làm việc thiện hằng ngày. Thói quen làm việc thiện dần dà gây nên tâm lý nghĩ thiện. Thói quen này đi vào tâm thức trẻ nhỏ làm phát huy mạnh mẽ tâm địa vị tha, hướng trẻ luôn nghĩ đến người khác, nhờ vậy phát triển tinh thần xã hội nơi trẻ. Thói quen làm việc thiện hằng ngày hướng trẻ đến tinh thần giúp ích.

 

Nói đến giúp ích, Hướng đạo có quan niệm riêng. Theo BP sự giúp ích không chỉ là những bài học thuộc lòng, không chỉ là những lời nói suông, mà được tỏ rõ trong những hoạt động hằng ngày, quan trọng tùy theo tuổi, tùy theo trường hợp. Làm một điều vui cho kẻ khác, làm một việc thiện hằng ngày, tham gia công việc kiến thiết ở địa phương, bảo vệ xứ sở… Hướng đạo quan niệm sự giúp ích phải được sửa soạn chu đáo. HĐS phải biết giúp ích, đủ sức để giúp ích. Những hoạt động Hướng đạo mà đôi người xem thường hay lầm tưởng đó là mục tiêu như thắt gút, truyền tin, cứu thương, quan sát là những cách sửa soạn.

 

Thiện chí đâu có đủ ! Thiện chí mà thiếu tài năng còn đưa đến kết quả tai hại.

Thêm nữa sự giúp ích chỉ có giá trị khi thực hiện ngoài bổn phận, không phải vì lợi vì danh hay vì áp lực nào mà có, mà chỉ vì tình thương yêu.

Như vậy nhờ phát triển những thói quen tốt và làm việc thiện hằng ngày huynh trưởng Hướng đạo đã chuẩn bị cho đoàn sinh sẵn sàng để phục vụ tốt cho cộng đồng xã hội, cho đất nước quê hương.

 

8- Hướng đạo giáo dục từng trẻ một:

Giáo dục Hướng đạo có tính cách toàn diện nhưng lại là lối giáo dục từng trẻ một. Hướng đạo không un đúc trẻ theo một khuôn mẫu nhất định, mà giáo dục phải bắt đầu từ thực tế phức tạp của từng người một.

Mục đích quan trọng của Hướng đạo là giúp trẻ có chí khí, cho trẻ có đời sống riêng biệt, với tự do quyết định và can đảm lãnh trách nhiệm làm người của mình. Hướng đạo muốn mỗi trẻ thành một nhân vị đầy đủ. Đặc điểm này làm Hướng đạo khác hẳn với các đoàn thể thanh niên khác.

 

ướng đạo không chú trọng đến số đông. HĐ không có tham vọng quy tụ rất nhiều trẻ, vì lẽ không đủ huynh trưởng, và huynh trưởng cũng không có đủ thì giờ và tài sức để trông nom một lần nhiều trẻ được. Vì vậy một đơn vị HĐ phải có số đoàn sinh giới hạn không thể vượt qua. Ấu đoàn không thể quá 24 sói, Thiếu đoàn không thể quá 32 em, Kha đoàn không thể quá 30. Nhờ vậy đoàn trưởng mới theo dõi cá tính từng đoàn sinh cùng với tiến bộ của mỗi người.

Như vậy giáo dục HĐ là một quá trình giáo dục theo dõi sự tiến triển, sự tăng trưởng cá nhân để giáo dục từng đoàn sinh một.

 

9- Hướng đạo giáo dục bằng gương sáng của Trưởng:

Huynh trưởng Hướng đạo là những người tự nguyện phục vụ việc giáo dục trẻ em theo phương pháp Hướng đạo càng phải thực hiện đúng Luật, Lời hứa và Châm ngôn HĐ qua tác phong, thái độ, cử chỉ, nếp sống, cách thức làm việc, tinh thần trách nhiệm và tinh thần cộng tác để làm gương mẫu cho các đoàn sinh noi theo, vì “gương sáng” là phương tiện giáo dục hữu hiệu nhất.

 

10- Giáo dục Hướng đạo phát triển khả năng lãnh đạo của đoàn sinh:

BP chủ trương rằng càng tìm kiếm nhiều cách vun trồng những cơ hội lãnh đạo cho các em, thì hạt giống lãnh đạo ở các em càng dễ dàng tăng trưởng bấy nhiêu.

 

Những yếu tố đã nêu trên chứng tỏ rất có ảnh hưởng vào sự phát triển khả năng lãnh đạo của trẻ em.

Đối với huynh trưởng, việc cần nhất là làm sao cho các em có được nhiều kinh nghiệm lãnh đạo. Thật sự cơ hội lãnh đạo đã có ngay trong cả Đoàn lẫn Đội: cần giao phó công tác làm sao giúp các em phát triển tài năng lãnh đạo, và dần dần tập các em đảm nhiệm ở mức độ ngày càng cao hơn.

 

Đối với các em còn ít dịp lãnh đạo, cơ hội lãnh đạo có thể là ngắn ngủi như điều hành một buổi trình diễn cho phụ huynh, hoặc thưc thi một chương trình của đoàn giao phó.

Nên nhớ rằng, không chỉ những em có chức vụ mới được phát triển tài năng lãnh đạo, mà cả với những em HĐS mới, kỹ năng lãnh đạo cũng phải được phát triển.

 

11- Đồng phục HĐ, một công cụ đa dụng trong giáo dục HĐ:

Đồng phục HĐ là một công cụ đa dụng. Khi đã khoác đồng phục vào trẻ nhớ rằng mình là một HĐS, và nhớ rằng mọi người đều biết mình sẽ hành động xử sự theo cách HĐ. Đồng phục, biểu lộ cho thấy em HĐS ấy đang tin tưởng và quyết tâm theo đuổi lý tưởng HĐ. Do đó HĐS hãnh diện khi mặc đồng phục, nhất là khi trên áo còn mang những huy hiệu chứng tỏ em đã thành đạt đến mức nào về kỹ năng, thủ thuật và tài lãnh đạo.

Đồng phục HĐ còn có tác dụng xóa sự phân biệt giữa các trẻ em thuộc các từng lớp xã hội khác nhau.

Đồng phục luôn nhắc nhở rằng em thuộc vào một cộng đồng huynh đệ thế giới trong đó có hằng triệu trẻ như em có cùng chung một lý tưởng và cùng chung một chương trình sinh hoạt.

 

Mặc đồng phục nghiêm túc gây được tinh thần Đội, tinh thần Đoàn mà còn gây được cảm tình đối với huynh trưởng, phụ huynh và với bà con trong cộng đồng xã hội mà em tiếp xúc.

 

Đồng phục HĐ đẹp, rất hấp dẫn đối với trẻ mới vào đoàn.

Đồng phục HĐ gọn gàng đứng đắn, rất đa dạng, không những để sinh hoạt ngoài trời như vui đùa, trèo non vượt suối mà còn dùng được trong lễ nghi, tiếp tân.

Giá trị công hiệu của đồng phục càng tăng khi các trưởng, các Ủy viên HĐ cũng mặc đồng phục nghiêm túc như các em.

Do đó, thói quen cho đoàn sinh mặc đồng phục đứng đắn, nghiêm túc làm nẩy nở tinh thần tự trọng và ảnh hưởng lớn đến thanh danh của phong trào.

 

III- PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC HƯỚNG ĐẠO MANG TÍNH CHẤT KHOA HỌC

Những yếu tố cấu tạo nên Phương pháp giáo dục Hướng đạo đã trình bày trên hoàn toàn dựa vào tâm sinh lý của trẻ:

Tin vào danh dự của trẻ, tôn trọng trẻ, BP tin vào Lời hứa “Tự nguyện tuân theo Luật HĐ” của trẻ. BP dùng 10 điều luật với nội dung tich cực để giáo dục trẻ.

Trẻ thích tập họp thành phe nhóm để sinh hoạt với nhau, BP lập ra phép Hàng đội tự trị với mục đích hữu ích để trẻ em huấn luyện trẻ em.

 

Trẻ thích làm chỉ huy, thích mang huy chương, huy hiệu, BP bày ra chương trình đẳng thứ hấp dẫn để huấn luyện làm cho trẻ ham thích, tiến bộ mãi mà không biết.

Trẻ thích chơi, BP dùng trò chơi làm đòn bẩy chính yếu trong giáo dục HĐ, dùng trò chơi làm phương tiện để giáo hóa trẻ.

 

Trẻ thích sinh động HĐ giáo dục bằng thực hành làm trẻ thích học, mau biết và nhớ lâu.

Trẻ thích phiêu lưu mạo hiểm, BP dùng khung cảnh thiên nhiên để huấn luyện: cắm trại, thám du…

BP tin rằng: mầm tốt càng phát triển sẽ dần dần lấn át các mầm xấu, HĐ giáo dục bằng thói quen tốt, thói quen làm việc thiện.

 

Mỗi trẻ có những đặc điểm riêng biệt, BP chủ trương giáo dục từng trẻ một, giúp trẻ có chí khí để trở nên “Nó”.

Muốn các em tốt, trước hết mình phải tốt. BP khuyên Trưởng phải là gương sáng của đoàn sinh.

BP cho rằng: “Càng tìm kiếm nhiều cách vun trồng những cơ hội lãnh đạo cho các em thì hạt giống lãnh đạo ở các em càng dễ tăng trưởng”.

 

Đồng phục HĐ, một công cụ đa dụng trong giáo dục HĐ.

Như vậy, Phương pháp giáo dục Hướng đạo mang tính chất khoa học vì giáo dục Hướng đạo hoàn toàn phục tùng những quy luật tự nhiên của bản chất trẻ nhỏ, để đạt đến mục tiêu tối hậu là giáo dục trẻ thành những công dân tốt, những phần tử xứng đáng đang cần cho xã hội, cho quê hương đất nước.

 

HƯƠU HIỀN LÀNH – TÔN THẤT LÔI