Văn

Phùng Nhân : Con Chó Với Người Mù

 

                                               

 

                                Con Chó Với Người Mù

                                                                                                                                                      
             
Phùng Nhân                                                                                                                                               

 

Sau mỗi lần tái khám như vậy thì tôi đi ra ngồi trước cổng bịnh viện đón xe đi ra ga xe lửa Strathfield, đón chuyến xe lửa đi trở ngược trở về ga xe lửa Cabramatta, rồi đón xe Bus đi thêm một chặn nữa mới tới nhà, nên thường thì một lần tái khám là tôi phải đi gần hết một ngày trời chớ không có ít!

Nhưng hôm nay trên băng ngồi đợi, tôi lại thấy một người mù trạc chừng 30 tuổi, cùng với một con chó dẫn đường đang nằm gác mỏm đợi xe, mà trên gương mặt rất thản nhiên chớ không có điều chi lo lắng. Làm cho tôi chạnh lòng nhớ lại một câu chuyện cách nay cũng hơn 20 năm rồi chớ không có ít, đã xảy ra ở trên đất nước Việt Nam của tôi vào giữa năm 1976…

     Hồi đó sau khi miền nam thất thủ, tôi vẫn còn là một thanh niên khỏe mạnh yêu đời, cho nên tôi không hề nề hà bất cứ công tác nào nếu được cấp chĩ huy phân công chỉ định, nhờ vậy tôi mới có cơ hội lội đi chích ngừa bịnh dịch tả khắp cả một vùng khi đất nước miền Nam khi vừa im tiếng súng. Toán chích ngừa của tôi gồm có 3 người, bắt đầu từ xã Tân Hiệp quận Bến Tranh, chích ngừa dài vô tới tận xã Phú Mỹ, rồi từ kinh Nguyễn Văn Tiếp bọc ra đụng xã Bà Tồn, nhưng tổ chích ngừa chúng tôi phải tự túc đóng ở nhà dân, nhờ vậy mà chúng tôi mới có dịp tiếp xúc với những người dân, đã từng đội bom đội đạn trong suốt 21 năm trời chiến tranh giặc giả.

Nhưng ở ngay trong xã Bà Tồn nằm cạnh quốc lộ 4 Miền Tây làm cho tôi phải chứng kiến một cảnh quá đau lòng, đó là một ông lão mù và một con chó mực lông tuyền. Ngày nào cũng vậy khi mặt trời sắp lặn xuống khỏi chòm cây trước sân trường học, thì ông lão và con chó cũng dắt nhau về trường học đó để đóng đô. Thoạt đầu chắc mấy người du kích xã cũng không ai để ý, vì hằng ngày họ còn phải bận tâm để xét xe đò, xe Lam, xe Honda, xe đạp để chận bắt gạo và tôm khô, cùng với hằng trăm thứ mặt hàng khác mà chánh quyền mới họ đang ngăn cấm. Cho nên ông lão mù và con chó rất ung dung, hằng ngày vẫn sống với cái lon nhôm từ tâm của những người bố thì, khi thì vắt xôi, khi thì trái bắp, khi thì củ khoai cũng tạm nuôi sống qua ngày, nước da của ông lão mù cũng bắt đầu mỡn ra, vì ăn uống có phần tạm đủ. Còn con chó thì lông lá vẫn mượt mà, có lẽ đó là loại chó lông tuyền nên rất dễ bắt mắt cho những người ăn nhậu say sưa, nên trong đám du kích đã có người dòm ngó.

Rồi vào một buổi chiều như thường lệ sau khi hùn gạo lại để nấu cơm ăn xong, tôi và thằng Tài rủ nhau đi dạo mát. Khi chúng tôi đi ngang qua trường tiểu học Bà Tồn, thì thấy có hai người du kích đang sân si với ông lão mù một cách rất dã man; động tánh hiếu kỳ bất chấp hiểm nguy, tôi và thằng Tài rủ nhau ghé lại xem coi việc gì đang xảy ra cho biết.

Trước mắt tôi là ông lão đang quỳ ôm con chó, để van lạy hai thằng du kích xin được sự sống còn, vì nếu hai ông mà bắt con chó đem đi, thì tôi đâu còn ai để dẫn đường xin ăn độ nhựt. Nhưng hai thằng du kích vẫn với gương mặt lạnh như tiền, đã hườm sẵn khẩu súng trên tay, dường như tụi nó đang đối phó với kẻ thù thuộc loại ác ông thứ dữ. Hai bên cứ lời qua tiếng lại một hồi, ông lão mù thì nhứt định lấy sinh mạng của mình ra để che chở con chó trong lúc nguy nan, còn hai thằng du kích thì cứ đứng canh chừng đợi con chó hở ra thì nổ súng. Cuối cùng rồi một thằng du kích đã phán xuống một câu:

– Chúng tôi đã theo dõi ông lâu lắm rồi. Ông là nhân viên CIA của Mỹ, làm bộ giả đui để đi dọ thám, cho nên ở trên chỉ thị xuống phải bắt giết con chó của ông, để xem ông còn đui nữa hôn cho biết.

  Ông lão mù nói qua màn lệ:

– Tôi đui nay cũng đã mười mấy năm rồi trong một tai nạn xe hơi, chớ tôi đâu có biết CIA là cái gì mà mấy ông nói vậy. Nếu không nhờ có con chó Mi Nô nầy dẫn đường thì tôi đã chết đói từ lâu, vậy mấy ông thương mà tha cho làm phúc. Chớ tôi là một kẻ tật nguyền, không vợ không con, thì tôi biết làm nghề gì để mà nuôi sống!

Một thằng du kích gằn giọng nói:

– Ông muốn sống bằng nghề gì đó là chuyện của ông, nhưng chế độ nhà nước của chúng ta không cho phép ông đi ăn xin ngoài đường, chúng tôi báo cho ông biết trước có ngày thì ông sẽ bị hốt đi lên vùng kinh tế mới.

Sau khi nghe qua những lời đối đáp, làm cho máu nóng trong người tôi lại bốc lên, nên tôi vội vã bước tới che ngang rồi nói nhỏ:

– Xin hai ông thương dùm ông lão mù nầy, nếu bắt con chó mực nầy đi, thì ông lão đâu còn ai dẫn đường để đi xin ăn, vì ông ta đã mù lòa đâu có biết làm gì để mà sinh sống!

Nhưng thằng du kích đầu đội nón tai bèo, chân mang giép lốp vỏ xe nhìn tôi nói lớn:       

– Ông mà biết cái gì mà cũng xen vô, lạng quạng chúng tôi nổi nóng còng ông luôn mới báo.

Nhưng tôi không sợ, tôi vẫn trả lời:

– Việc đó thì tùy ông, nhưng chánh sách của nhà nước hiện nay chưa có bắt mấy người mù đi về vùng kinh tế mới, cũng như chưa có lịnh cấm mấy người mù nầy không được xin ăn, vì đó là phương cách kiếm sống cuối cùng của những người tàn tật!

Hai thằng du kích lườm tôi một phát, rồi bọn chúng xốc khẩu súng lên vai, sau đó đi một hơi ra chợ, làm cho tôi cũng ngơ ngác hết vài vây, vì tôi cũng không ngờ trên thế gian lại có những con người độc ác như thế nầy, nên tôi ngồi xuống cạnh ông lão mù an ủi:               

– Thôi ông cũng đừng buồn, ngày mai lo kiếm chỗ khác để xin ăn, chớ còn nấn ná ở đây tôi e bất tiện. Vì bọn chúng đã muốn bắt con chó của ông, cho nên nó mới kiếm chuyện chụp mũ lên đầu, vậy ông hãy đề phòng đừng tranh cãi với bọn chúng mà không có lợi.

Ông lão mù sau khi lấy tay chặm mắt rồi nói:

– Nhưng tôi lại biết đi đâu, trong khi bốn bề đều săn đuổi, còn tôi thì hai mắt bị mù, bây giờ tôi biết phải lam sao, chỉ có con chó để dẫn đường, vậy mà họ cũng nỡ toan bắt đem đi làm thịt!

Tôi an ủi tiếp:

– Hay là ông đi về bến xe Mỹ Tho, ở nơi đó khách thập phương lại nhiều, có thể mình dễ kiếm miếng ăn hơn. Chớ còn ở nơi đây là vùng quê hẻo lánh, rủi có bề gì chỉ khổ thân ông, vì thời buổi bây giờ đâu có ai dám bận tâm mà binh vực…

Ông lão mù sau vài giây trầm ngâm rồi nói nhỏ:

– Hồi trước giờ tôi vẫn sống ở đó chớ ở đâu, nhưng bây giờ ở ngay bến xe có ông trung úy Thông hiện làm trưởng đồn công an rất là độc ác. Chẳng những ông ta đã cấm mấy người mù ăn xin, mà ông ta còn lấy cây đờn guiltar của tôi đập bễ, rồi còn bắt nhốt tôi hết một đêm, làm cho tôi bị muổi cắn sần mình, bây giờ nhớ lại tôi đây còn kinh hãi. Cho nên bây giờ tôi chỉ còn có một con chó mực nầy, nếu ở đây người ta bắt nó đem đi làm thịt, thì tôi biết sống với ai. Nói xong rồi ông lão mù lại sa nước mắt lưng tròng, làm cho tôi cũng phải chạnh lòng thương hại muốn khóc theo, khi chợt nhìn thấy trong hai hóc mắt dường như đang sâu thăm thẳm muôn trùng, để chứa đựng cả một cuộc đời vất vã gian truân, mà ông lão mù phải cam tâm gánh chịu cho đến ngày nhắm mắt!

Tôi chép miệng thở dài rồi nói nhỏ:

– Vậy đêm nay ông phải cẩn thận, đừng để cho con chó nầy chạy ra ngoài, vì sợ họ đang rình rập quanh đây, rôi ông cũng không có cách gì để mà bảo vệ.

Ông lão mù nhìn tôi rồi hỏi lại:

– Vậy chớ chú là ai mà lại dám tỏ lòng tốt với tôi trong lúc nầy, chú không sợ họ thù ghét hay sao, chính nghĩa cử của chú làm cho tôi vô cùng cảm động.

Tôi bàng hoàng trong giây lát, rồi nói nhỏ:

– Chúng tôi cũng như ông đã sanh ra và lớn lên ở miền Nam nầy, nhưng bây giờ phải đành cúi mặt để nín thở qua sông, phải mang một túi thuốc đi xuống xã để chích ngừa dịch tả cho đồng bào, chớ tôi cũng không phải là một người cán bộ nằm vùng, nên tôi không có quyền hạn để bảo vệ cho ông như lòng tôi mong ước.

Sau đó tôi và thằng Tài đứng dậy ra về với tấm lòng bàng hoàng xúc động, nhưng chúng tôi cũng không biết phải làm sao; vì chúng tôi là những người công chức của chế độ cũ đang bị chế độ mới bắt đi đày, lẽ ra với những mảnh bằng mà tôi đang có, tôi không thể bị điều về xã để làm một công tác như một người cán bộ y tế nông thôn. Nhưng nếu tôi không chấp hành thì tôi phải hồi cư về quê làm ruộng, hoặc đi về vùng kinh tế mới trên xã Bà Bèo, mà ở đó hiện tại đất phèn chưa có thể trồng xuống một thứ cây gì sống nổi!

Sáng hôm sau toán chích ngừa chúng tôi bắt đầu đi chích vào trong xóm nhỏ, cặp hai bên bờ kinh Bà Tồn nhà cửa san sát khang trang, để chứng tỏ nơi đây là vùng đất rất là trù phú. Nhưng phần đông dân chúng ở nơi đây họ đang thờ đạo Hiếu Nghĩa rất hiền hòa, hằng đêm họ phải tự nguyện ngồi cúng một thời kinh, cho nên trên gương mặt của họ rất là bình thản, chớ không có dấu hiệu lo toan, khi cuộc sống xung quanh mỗi ngày đang vây khổn.

Rồi một ngày làm việc chích ngừa cũng qua mau, khi bóng mặt trời đã ngả lần về tây, thì toán chích ngừa của chúng tôi rút lần ra lộ đá. Tôi và thằng Tài thì được ông chủ tịch xã gởi cho ở tạm tại nhà ông Bảy có đầu tóc cũng đang thờ đạo Hiếu Nghĩa, còn cô Loan thì được gởi đến ngủ nhờ ở nhà của bà chủ tịch hội phụ nữ xã Bà Tồn, nhờ tấm thân con gái có chút nhan sắc mặn mà, nên cô Loan lúc nào cũng sung sướng no nê, khi đã lọt vào cặp mắt thèm thuồng của những đứa con trai đang làm du kích xã.

Tắm rửa vừa xong thì trong dạ tôi lại bồn chồn khó chịu, dường như tôi đã linh cảm có một chuyện gì đang xảy đến cho ông lão mù, nên tôi biểu thằng Tài thôi bữa nay mầy ở nhà lo nhúm lửa nấu cơm, còn tao phải lội ra ngoài trường học một chút. Thằng Tài biết ý nhìn tôi rồi căn dặn:

– Mầy đi ra ngoài đó nếu thấy chuyện gì trái tai gai mắt thì cũng phải ráng dằn xuống nghe hôn, chớ mầy mà can thiệp ẩu thì có ngày nó bắt mầy đi cải tạo mút mùa lệ thủy. Tới chừng đó chỉ còn có nước cầm cây cuốc kêu trời; vì thời buổi bây giờ thân ai nấy lo, lạng quạng thì chết chùm mới khổ!

Tôi không nói không rằn, nhét vội gói thuốc lá thương nghiệp vào trong túi áo ra đi, mà trong lòng lại vẫn vơ lo sợ. Từ nơi nhà ông Bảy, rồi tôi leo lên móng cầu Bà Tồn mới quẹo trái vào trường tiểu học. Nhưng khi tôi tới nơi thì ông lão mù đang ngồi khóc hu hu, còn con chó mực ở nơi đâu mà tôi không nhìn thấy, làm cho tôi cũng chạnh lòng, khi đoán được một phần của hoàn cảnh ông lão mù đã xảy ra.

 Đợi cho qua cơn xúc động, rồi tôi ngồi xuống bên ông hỏi nhỏ:

– Con chó mực đâu rồi, tại sao ông khóc?

Ông lão mù nức lên một tiếng lớn rồi nói:

– Tụi nó đã bắt con chó của tôi làm thịt rồi!

Tôi hỏi tiếp:

– Ai bắt?

Ông lão mù đáp:

– Mấy thằng du kích…

Tôi hỏi nữa:

– Chúng nó bắt hồi nào?

Ông lão mù ngó qua tôi rồi kể:

– Hồi sáng nầy khi tôi và con chó đang ăn xin trong chợ Bà Tồn, khi đó chắc cũng được vài củ khoai, thì bất ngờ có mấy tên du kích xuất hiện, tiếp theo sau đó là một loạt đạn nổ vang, con Mi Nô rên lên vài tiếng rổi dảy chết!

Kể xong ông lão mù lại khóc rống lên vô cùng thảm thiết, khiến cho tôi cũng phải chạnh lòng nhưng không biết phải làm sao, nên tôi xoa lên vai ông rồi nói:

– Tôi cũng đoán trước chuyện đó phải xảy ra, vì tụi nầy đang thèm thịt chó, nên ông cũng khó lòng bảo vệ trước những cơn đói khát thèm thuồng. Thôi ông hãy ráng dằn lòng lại, đợi mai mốt đi kiếm một con chó khác về nuôi. Chớ còn bây giờ ngồi đây khóc lóc, rồi đêm tối tụi nó nhậu say, tìm đến ông để giết luôn thì uổng mạng!

Ông lão mù lại nức lên rồi nói:

– Nhưng con Mi Nô nầy đã ở với tôi từ nhỏ cho tới bây giờ, mất nó là tôi mất thêm nửa phần thân thể. Không phải con chó nào cũng khôn và trung thành như con Mi Nô nầy đâu, tội nghiệp cho nó hồi sáng nầy dường như nó đã linh cảm một điều gì, cho nên nó muốn dắt tôi đi vào trong xóm nhỏ. Nhưng tôi nghĩ buổi sáng sớm mình tạt vào chợ xin ăn thì chắc dễ dàng hơn, đến trưa thì mình đi xin trong xóm cũng được chớ không có gì gấp gáp. Tôi cũng không ngờ đó là một lần đi vĩnh biệt với tôi, nên bây giờ nhớ lại tôi vô cùng ân hận!

Tôi ngồi nói chuyện với ông lão mù thêm một hồi nữa rồi đứng dậy ra về, tôi cũng không quên gởi lại cho ông một chút đỉnh tiền, và khuyên ông ta hãy tạm thời gắn gượng để sống qua lúc nầy, vì ông có khóc lóc than van, cũng không làm động lòng cho những con người cuồng tín.

Tôi đã thất thểu đi trở ra bờ lộ, nhưng trên khóe mắt tôi giòng lệ nóng đã dâng trào, khi nghĩ tới cái cảnh quạnh hiu của một ông lão mù, rồi đây còn ai để dắt đi ăn xin trong xóm nhỏ. Không biết cuộc sống của ông lão rồi sẽ ra sao, khi đất nước hiện giờ đang đói khổ, thì làm sao người ta xúc động được mối từ tâm, để bố thí cho những kẻ ăn mày, thì ông lão mù nầy làm sao sinh sống!

Khi về đến nhà tôi và thằng Tài vừa và được vài miếng cơm, thì cô Loan lại đến nhìn chúng tôi vui cười rồi nói:

– Hai anh bữa nay ăn cơm với gì đó?

Tôi cười mỉm trả lời:

– Khô cá lù đù với rau lang luộc của ông Bảy mới cho. Còn cô Loan ăn cơm với gì mà trông vui thế?

Cô Loan ngồi xuống kế bên tôi rồi nói:

– Bữa nay em được bà chủ tịch hội phụ nữ đãi cho một bữa thịt chó hon, ăn với cơm nếp nên ngon thôi hết biết…

Vừa lúc đó thì ông Bảy chủ nhà lại xen vô nói:

– Hèn chi. Hồi sáng nầy tôi đi lại đằng ủy ban để xin một giấy phép đi đường, thì đã thấy mấy ổng đang thui một con chó coi mòi mập quá.

Tôi nhìn ông Bảy, rồi nhìn qua cô Loan nói nhỏ:

– Đó là con chó của một ông lão mù, đã từng dắt ông ta đi ăn xin trong mấy năm qua, bây giờ hiện tại ông lão đang nằm vật mình khóc than nơi trường tiểu học.

Ông Bảy ngạc nhiên nhìn tôi hỏi lại:

– Bộ chú Năm đã biết trước việc đó rồi hả?

Tôi buồn bã trả lời:            

– Cháu mới vừa ở đằng trường tiểu học để an ủi ông ta, vì cháu đã biết trước khi ngày hôm qua đã tình cờ đi ngang qua đó.

Ông Bảy bập thêm một hơi thuốc nữa rồi nói:             

– Hèn chi hồi sánh nầy trong lúc đang thui, thì ông chủ tịch xã với ông bí thư chi bộ, cùng với mấy người cán bộ ban ngành, họ đang chia thịt vơi nhau, có người lại còn kỳ kèo với nhau một khúc lòng, để đem về làm món rựa mận…

Tôi cố và thêm vài chén cơm lạc nữa rồi thôi, chớ tôi không còn lòng dạ nào để lo ăn uống. Qua ngày hôm sau toán chích ngừa của chúng tôi được lịnh gọi về điều xuống chích ngừa dịch tả ở dưới Gò Công, rồi 4 năm sau tôi tìm đường vượt biển, không biết ông lão mù giờ đã ra sao, chắc là ông ta đã hóa ra người thiên cổ, còn ông Bảy đạo Hiếu Nghĩa bây giờ có còn mạnh giỏi hay không, hay là ông đã nhắm mắt xuôi tay về với ông bà, đã để lại cho đời bao sự tiếc thương với một tấm lòng nhân hậu.

Còn tôi thì phải trôi dạt đến sống ở đất nước Úc Đại Lợi nầy, tuy tuổi tác cũng chưa hẳn là già, nhưng vì làm việc quá vất vã bây giờ đã mang trong người quá nhiều bịnh tật. Ngày hôm nay tôi phải ngồi đây, để đón một chuyến xe Bus để đi ngược ra ngoài ga xe lửa Strathfield, rồi đón tiếp xe lửa đi về Cabramatta mới tới nơi cư ngụ, đã che chở cho tôi sống hết một quảng đời thừa, mà nhiều khi gần tết tôi nhìn cây mận, cây xoài, rồi nhớ về xã Lộc Thuận huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre, nơi chôn nhao cắt rốn bâng khuâng không sao ngủ được!

 

Trong lúc tôi còn đang hoài niệm để nhớ về quê hương đất nước của mình, thì người mù và con chó cứ thản nhiên ngồi đợi, dường như ông ta không cần biết đến thời gian đang lặng lẽ trôi qua. Thỉnh thoảng ông ta lại hát lên một bài hát bằng tiếng Anh rất là quen thuộc, rồi ông ta lấy tay rờ xuống đầu con chó, dường như đó là một cử chỉ nựng nịu mỗi ngày, nên con chó cũng lim dim, rồi đôi mắt hiền từ mơ màng nhắm lại.

Cũng có vài bà mở giỏ xách lấy vài cái bánh lạt đem đến cho con chó nằm ăn, rồi họ lại rờ đầu để cho con chó ngoắt đuôi tỏ ra thân thiện. Còn người mù thì thỉnh thoảng nói tiếng cám ơn, khi anh ta đã biết được con chó đã gây được sự cảm tình tốt đẹp với mọi người, nên trên gương mặt lại nở một nụ cười rất là mãn nguyện.

Thấy vậy tôi muốn làm quen nên hỏi nhỏ:

– Con chó nầy thuộc giống chó gì mà trông nó đẹp quá vậy ông?

Ông ta cười mỉm trả lời:

– Giống Lambardore khôn lắm…

Tôi lấy tay rờ lên mình con chó rồi hỏi tiếp:

– Ông bạn đi xe số mấy?

 Người mù trả lời:

– Xe số 461. Còn ông?

Tôi vỗ vai ông ta nói:

– Cùng một số xe với anh. Tôi xuống tại ga xe lửa Strathfield, rồi từ đó tôi lên xe lửa đi tiếp về ga Cabramatta.

Hai chúng tôi ngồi làm thinh một hồi, rồi ông ta hỏi:

– Vậy chớ bạn đến đây từ nước nào?

Tôi chậm rãi trả lời

– Đến từ Việt Nam. Còn anh?

Người mù sau vài tiếng thở ra dường như để nhớ về dĩ vãng, rồi ông ta nói nhỏ:

– Tôi là người Úc, sanh lớn lên ở đây. Nhưng đã bị mù lòa, từ khi tôi vừa lên 9 tuổi.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

– Anh bị bịnh, hay là bị trong trường hợp nào?

Ông ta ngước lên rồi nói nhỏ:

– Trong một tai nạn xe hơi…

Hai chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau thêm một hồi, thì chiếc xe Bus đã chạy tới rồi stop ngay tấm bảng. Tôi còn đang dự định để nhìn xem, làm thế nào người mù sẽ biết được chiếc xe Bus đó mà ông ta đang đón, thì con chó lại kêu lên tiếng kêu hư hử, dường như đó là một tín hiệu rất quen thuộc cho nên người mù cũng chuẩn bị đứng lên, rồi ông ta nói:

– Chắc ông bạn cũng đi chuyến xe nầy chớ?

Tôi vỗ vai ông ta rồi nói nhỏ:

– Vâng…

 Khi hai chúng tôi bước lên chiếc xe Bus, tôi mới để ý thấy con chó dắt người mù rất khôn ngoan, luôn tỏ ra vẩy đuôi để tỏ dấu thân thiện với tất cả mọi người, rồi nó dắt người mù tìm đến một băng ghế còn trống, rồi nó nằm xuống dưới gầm xe một cách hiền từ. Thấy còn một chỗ ngồi, nên tôi bước theo rồi ngồi xuống; con chó ngước mỏ lên rồi liếm vào tay tôi, trong giây phút đó làm cho tôi thật xúc động bùi ngùi. Khi tôi nghĩ tới hoàn cảnh của một người mù, chỉ có sống với trực giác xung quanh, chớ không thể nào nhìn thấy cuộc sống ở bên ngoài, vậy mà họ cũng vẫn thản nhiên vui sống.

Ngồi trên chiếc xe Bus chạy được một hồi, tôi hỏi:

– Con chó nầy được bao nhiêu tuổi rồi ông?

Ông bạn mù vui vẻ trả lời:

– Chắc trên 5 tuổi…

Tôi rờ đầu con chó rồi hỏi tiếp:

– Ông mua nó ở đâu, mà nó khôn quá trời quá đất dữ vậy?

Người mù dường như đang thỏa mản với một vật sở hữu của mình, nên ông ta mỉm cười rồi nói:

– Trong hội người mù họ cấp cho mình đó chớ. Chớ giống chó nầy nó mắc lắm ông ơi, muốn nuôi nó để trở thành một người bạn dẫn đường, thì phải bỏ vô trong trường huấn luyện rất là nhiều khóa…

Tôi hỏi tiếp:

– Còn chế độ nuôi dưỡng thì sao?

Anh ta nhỏ nhẹ trả lời:

– Cũng ở trong hội họ lo cho mình, từ việc chích ngừa cho tới dắt đi khám hằng năm, nên những con chó loại nầy đã có hồ sơ về bịnh án. Nếu nó bị cảm cúm hay đau yếu bất thường, mình gọi phone tới nhà thương thú y thì sẽ có người ta đi đến nhà chăm sóc.

 Chiếc xe Bus vẫn chạy trên một lộ trình nhứt định, con chó cũng yên phận mình nằm ở dưới sàn xe, thỉnh thoảng hàng lông bờm của nó cũng rung lên theo nhịp lắc. Còn đôi mắt thì cũng muốn lim dim, khi cơn gió từ bên ngoài cửa xe đang hiu hiu thổi tới, nên trông gương mặt của nó thật hiền từ, chớ không có dữ dằn như những con chó ở phi trường đang hửi hơi để tìm những gói xì ke, mà mỗi lần tôi có dịp đi ra phi trường cũng đều nhìn thấy.

Rồi chiếc xe Bus cũng chạy về tới nới bến đậu, tôi vội vàng bắt tay từ giả ông ta. Rồi tôi bước xuống đường hầm, để đi qua đường lane số 5 đón xe về lại ga Cabramatta, còn ông ta thì đi ngược trở lại đường lane số 3, để đi về một vùng ngoại ô nào khác.

Bỗng dưng trong lòng của tôi lại dưng lên một niềm xúc động bồi hồi, khi tôi bắt gặp hai hóc mắt sâu hoắm đang ẩn dấu sau cặp kiếng râm, mà ông ta phải chịu đựng đến suốt đời, cũng có thể ông ta đang tìm niềm vui riêng bên con chó!

Trên đường trở về nhà tôi cầu mong cho ông ta được bình an, mỗi khi đi đâu hay bước qua đường con chó phải biết khôn ngoan chờ đèn xanh rồi mới dắt. Đừng có một kẻ nào lại nỡ nhẫn tâm, khi nhìn thấy con chó đẹp rồi nổi lòng tham rình bắt trộm. Mặc dầu ở trên cái xứ nầy người da trắng không ai ăn thịt chó, nhưng thỉnh thoảng cũng thấy đăng báo tìm chó lạc đó sao, đó là trong những phút tủi lòng, tôi thật sự cầu mong cho ông ta tìm được nguồn vui trong cuộc sống tối tăm.

Trong phút giây bàng hoàng đó làm cho tôi nhớ lại cách nay chừng một tháng. Tôi đã có xem một cuốn phim với tựa đề : Sàigòn – Hà Nội Dân Chơi Thứ Thiệt. Từ vỉa hè cho đến mấy chỗ cao lâu, ở đâu cũng thấy người ta lo ăn nhậu, mà phải nhậu thịt rừng, toàn là những con vật sắp bị diệt chủng tới nơi, mặc dầu hội bảo vệ thú vật thế giới đã nhiều lần lên tiếng can thiệp. Nhưng có lẽ cũng không hiệu quả được bao nhiêu, vì hiện nay những kẻ làm ăn phi pháp có chức có quyền, thì họ cứ cho rằng hễ càng ăn thịt những con vật hiếm quý hiện giờ, thì sẽ giúp cho họ tăng cường thêm sinh lực trong việc gối chăn, cho nên họ cứ việc vung tiền qua cửa sổ…Rồi cuốn phim đó chiếu qua cảnh đảo khỉ ở Nha Trang, thì ở nơi đây tôi được chứng kiến một cảnh rất hãi hùng, đó là một tốp cán bộ cao cấp của nhà nước đang ăn óc khỉ. Con khỉ được trói thúc ké hai tay chỏng ngược về lại phía sau, rồi họ bỏ vào trong một cái hộp bằng cây vừa khích, để cho con khỉ lòi cái sọ khỉ ra ngoài. Sau đó người bồi bàn họ đem lại bàn một dĩa muối tiêu chanh, rồi họ khoa lưỡi dao bén lên vớt ngang qua sọ khỉ. Những người khách man rợ đó, họ thong thả lấy cái muỗng đưa vào, rồi họ múc từng muỗng óc khỉ đưa lên miệng để ăn; rồi họ uống từng hớp rượu trắng mà trên gương mặt của họ trông rất là thú vị. Nhìn cảnh đó tôi thấy buồn lòng, dân tộc tôi bây giờ dã man đến độ vậy sao? Hay là mấy ông lớn đang ỷ có chức có quyền, rồi họ đòi hỏi phải có những món ăn như thời vua chúa!

Thế mà ngày hôm nay bỗng dưng mấy thước phim đó, lại làm sống trong ký ức tôi một cách mãnh liệt rất tình cờ, làm cho tôi chạnh nhớ lại cảnh một người Úc mù cùng với một con chó dắt đi đường, sao lúc nào tôi cũng thấy mọi người dành cho một cảm tình rất là nồng ấm, chớ chưa bao giờ có một người nào đó ao ước có được củ riềng, cùng với một cặp dừa khô, để đủ bộ tam xên đưa linh con chó đi đầu thai làm kiếp khác!

Ngồi suốt trên chuyến xe lửa mà đầu óc tôi cứ suy nghĩ vẫn vơ, tôi cầu mong cho dân tộc tôi hãy bỏ đi cái tật ăn thịt chó. Vì đó là một con vật có nghĩa rất trung thành, nó đã biết mừng rở vẩy đuôi, khi thấy người chủ nhà mỗi khi đi đâu về khuya khoắt. Cũng như với người mù hồi nãy, nếu không nhờ con chó dẫn đường thì ông ta không biết phải làm sao, trong khi đó trước mặt của cuộc đời chỉ là bóng tối. Chỉ có con chó mới thật sự trung thành, bất kể thời tiết nắng mưa, hễ người mù muốn đi đâu thì nó mừng rở vẩy đuôi rồi dắt người mù đi đến nơi về đến chốn. Một con vật khôn ngoan như vậy mà nỡ ăn thịt sao đành, đó là một điều nhức nhối mà tôi vừa mới chợt nhận ra, nhưng tôi cũng chỉ biết nén tiếng thở dài, khi nghe mấy người bạn nhậu tranh nhau kể về mấy món ngon thịt chó./-

                                                                                                               

                                                                                                                                Phùng Nhân