Tin Văn Thơ Lạc Việt

PHÓ THỊ TRƯỞNG MADISON NGUYỄN RA MẮT HỒI KÝ

 

Một tuần tản mạn:

PHÓ THỊ TRƯỞNG MADISON NGUYỄN VÀ CUỐN TỰ
TRUYỆN “VIỆT NAM ĐẾN MỸ: HÀNH TRÌNH MƠ ƯỚC”

* Thư Sinh

Các cụ ta xưa cho rằng, con gái tuổi Dần thường cao số.
Ta phải hiểu hai chữ cao số theo nghĩa nào, trong trường hợp cô Madison
Nguyễn?
Thì chính cuộc đời cô đó thôi.
Sinh trưởng trong một gia đình Việt Nam bình thường, với những khó khăn về kinh tế từ hồi còn ở Việt Nam, cho tới khi sang Mỹ tị nạn, nhưng cô đã vượt thắng được mọi nghịch cảnh, để đạt được vinh dự như ngày hôm nay:
Phó Thị Trưởng thành phố San Jose, thành phố lớn thứ 10 của nước Mỹ. Trong khi cô cứng cỏi như vậy, thì chồng cô, anh Terry Trần, lại là một người “ít nói, hiền hậu và kín đáo”. Cá tính hai con người đó, lại trở thành hiện tượng âm dương tác hợp tốt. Và họ đang ở trong thời kỳ hạnh phúc, sau nhiều cơn sóng gió bão bùng. Vì ngoài bé gái Olivia vừa mới chào đời chưa đầy năm, cô Madison Nguyễn còn cho ra đời thêm một đứa con tinh thần. Đó là cuốn tự truyện, mang tên “Việt Nam đến Mỹ: Hành Trình Mơ Ước”.
Thứ ba vừa rồi, cô hẹn tôi ra quán cà phê Star Buck gần nhà, và tặng tôi đứa con tinh thần này. Cầm cuốn sách trong tay, tôi thấy nó hơi mỏng (chỉ khoảng 150 trang), nhưng xem ra, lại có phần… nặng ký. Nếu như tôi nhìn vào bìa trước và bìa sau cuốn sách.
Bìa trước, chụp tấm hình bán thân của cô,với hậu cảnh là tòa thị chính thành phố San Jose. Cái thông điệp bằng hình nơi tờ bìa trước này, như một xác quyết rằng, cô sẽ chạy đua chức thị trưởng thành phố vào năm 2014.
Tôi hỏi cô, có đúng vậy không. Cô gật đầu, kèm nụ cười, và đôi mắt đầy tự tin nhìn về phía người đối diện.
Bìa sau, là nhận xét về cuốn sách của: Giáo sư tiến sĩ Kiều Linh Caroline Valverde, hiện đang giảng dạy tại đại học nổi tiếng US Davis; Ông Robert Kieve, nguyên phụ tá đặc biệt tòa bạch ốc thời Tổng Thống Dwight Eisenhower; Ông Chuck Reed, đương kim thị trưởng thành phố San Jose.

Ngần ấy vị, vẫn chưa đủ. Trong lời giới thiệu, Ông Norman Y. Mineta, cựu dân biểu, cựu tổng trưởng giao thông (thời Tổng Thống George W. Bush), cựu bộ trưởng thương mại (thời tổng thống William Clinton) đã cho cuốn
sách này là: “một câu chuyện thú vị, một câu chuyện dùng làm gương mẫu cho tổ chức của chúng tôi The Asian Institute for Congressional Studies (APAICS) được lập ra với mục đích giúp đỡ và đào tạo cho người Mỹ gốc Á
Châu đạt thành vai trò lãnh đạo tại Hoa Kỳ”.

Ông Mineta là người Mỹ gốc Nhật. Cô Madison Nguyễn là người Mỹ gốc Việt. Hành trình mơ ước của họ đều đã thực hiện được, ở một xứ sở có nền dân chủ gần như toàn hảo. Dĩ nhiên, hành trình của họ có phần khác nhau.
Và hành trình của cô Madison Nguyễn gặp nhiều trắc trở. Bởi vì cô thuộc vào một cộng đồng còn non trẻ so với các sắc dân khác, nhưng lại là một cộng đồng đầy những mâu thuẫn nội tại. Trong đó, phải kể đến biến cố Little
Saigon và vụ bãi nhiệm.
Ngay lời mở đầu, Madison Nguyễn đã viết: “Cuộc tranh cãi xoay quanh một cái tên đã trở thành một biến động gây ra nhiều hậu quả tai hại cho cộng đồng Việt Nam. Mọi người sẽ nhớ mãi cuộc tranh cãi này, và với cá nhân tôi, bởi vì tôi không thể nào hòa giải với các phe phái. Có thể vì lý do đó mà những rạn nứt trong cộng đồng còn hiện hữu
cho tới ngày này” (trang 3). Và ngay sau vài trang mở đầu, thì cuốn sách dưới dạng tự truyện, đã được kể, gần như theo thứ tự thời gian, với 7 chương như sau: Chương 1: Cuộc hành trình đến nước Mỹ Trong chương này, là những hồi ức của tác giả về chiến tranh, về cuộc sống gia đình, về cuộc vượt biên thành công, sống 3 năm tại các trại tị nạn, và sau cùng đến nước Mỹ.
Chương 2: Công Bằng Xã Hội Tác giả kể lại cảnh gia đình làm nghề hái trái cây ở ngoại ô Modesto. Và chính vì sự kỳ thị của gã đốc công đã khiến tác giả định hướng cho tương lai của mình. Ở nơi trang 29, Madison đã viết:
“Ký ức đó, sự bất bình và cảm giác bất công, đã hướng dẫn tôi tìm thấy chính mình, giúp tôi xác định điều tôi muốn và phải làm gì cho cuộc đời mình”. Và chính vì đã chọn cho mình một hướng đi, nhằm tạo “công bằng xã hội”
tác giả đã dấn thân vào cuộc tranh đấu nhân cái chết của cô Trần Thị Bích Câu. Sau cuộc tranh đấu này, tác giả đã đưa ra một nhận định khá chính xác. Đó là, “một mạng sống không hoàn toàn mất đi một cách vô ích nghĩa. Cộng
đồng Việt Nam đã nhận thức rằng chúng ta nên thực hiện những hành động pháp lý để tiếng nói mình được lắng nghe, và tôi học hỏi được rằng bằng cách khai thác điều tốt trong cộng đồng mình để chúng ta có thể cùng nhau
mang đến những sự thay đổi tích cực”. (trang 40) Chương 3: Tranh cãi chung quanh chuyện đặt tên Đây là chương dài nhất (30 trang), với những chi tiết lần đầu tiên được tác giả tiết lộ. Từ đó, ta mới thấy, có nhiều điều đã bị vo tròn bóp méo, tạo nên một bầu không khí sôi sục những thù hận trong cộng đồng. Mà theo ý tác giả, “cuộc tranh cãi về một chữ trong việc đặt tên đã biến thành một sự đối đầu mang tính chất bạo lực”. (trang 67) Chương 4: Ứng cử viên địa phương và du học sinh Đây là phần tâm tình của tác giả, về mối lương duyên giữa cô và anh Terry, mà dư luận đồn đãi rằng anh ta là con một cán bộ cộng sản gộc trong nước. Cái thứ tin đồn đầy ác ý này, tuy nó gây phiền phức cho cặp vợ chồng mới cưới, nhưng lại làm cho họ càng thêm gắn bó và làm mạnh mẽ hơn cuộc hôn nhân” (trang 86)
Chương 5: Saigon hay Little Saigon Ở chương này, Madison cho thấy, cô không là tác giả của danh xưng Saigon
Business District. Cô như “kẹt giữa hai phía, một bên là một nhóm những người tranh đấu sôi nổi, một bên là đa số thầm lặng, cả hai nhóm đều quyết liệt tạo nên sự chia rẽ về vấn đề đặt tên”. (trang 89) Chương 5: Bãi nhiệm .

Bãi nhiệm là hậu chấn của vụ Little Saigon. Ở đây, ta sẽ thấy, tại sao tác giả đã chiến thắng trong cuộc Recall. Ngoài yếu tố nhân sự, và các đoàn thể ủng hộ trong phong trào No Recall, tác giả đã cho rằng: “nhiều cử tri Việt Nam
đã tin tưởng rằng các nỗ lực bãi nhiệm tôi chỉ đơn giản là một hình thức trả thù” (trang 125). Có điều, khi đã thắng trận chiến Recall, tác giả đã tỏ ra hết sức khiêm tốn, khi đưa ra những lời có tính cách hòa giải: “Nhìn về phía trước, tôi không mong đợi gì hơn rằng chiến thắng của mình trong cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm sẽ bắt đầu cho quá trình hàn gắn những rạn nứt trong chia rẽ cộng đồng Việt Nam trong thời gian dài. Tôi cũng mong là những người không ủng hộ tôi nên vượt qua những bất đồng cá nhân về chính trị, và thay vào đó là hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau. Sự tiến bộ sẽ không xảy ra chừng nào mà cộng đồng vẫn còn tiếp tục để những bất công lấn át khả năng cùng làm việc khắn khít với nhau” (trang 129) Chương 7: Giác mơ Mỹ quốc Đây là chương cuối cùng của cuốn sách, ghi lại những cảm nhận của tác giả khi cô nhậm chức phó thị trưởng thành phố San Jose. Theo tác giả “đây là một thành quả vượt lên trên tất cả những điều mà tôi mơ ước khi cùng hái trái cây với ba mẹ ở những cánh đồng trồng trọt gần thành phố Modesto năm xưa” (trang 131) Nhưng liệu giấc mơ Mỹ quốc của Madison Nguyễn có dừng lại ở nơi đây
không? Chắn chắn là không.

Vì như đã nói ở phần đầu bài tản mạn, cô muốn làm chủ tòa thị chính vào năm 2014, với một niềm tự tin rằng mình sẽ thắng. Vì có đọc xong cuốn tự truyện này, chúng ta mới thấy, tương lai của cô khá vững chắc và tươi sáng,
qua cái nhìn của các chức sắc cao cấp trong đảng Dân Chủ. Như vậy, giấc mơ Mỹ quốc của tác giả cuốn tự truyện còn dài. Và chính qua những đoạn văn mà tôi trích ra trong cuốn sách, đã cho chúng ta thấy, một chính trị gia, tuy con trẻ tuổi, nhưng đã tỏ ra ra khá chín chắn trong rất nhiều vấn đề liên quan đến cộng đồng người Việt nói riêng, và cho miền đất hứa vĩ đại này.
Đến đây, chắc có bạn sẽ thắc mắc. Có phải cuốn sách này là một cách quảng cáo cho cuộc chạy đua của tác giả, trong chức thị trưởng vào năm 2014 sắp tới.
Chắc chắn là như thế. Nhưng qua dạng tự truyện, cuốn sách đã đưa ra một cái tôi không tô son điểm phấn theo kiểu Cải Lương Hồ Quảng. Cô không dấu dĩ vãng nghèo khó của mình. Cô cũng không viết bằng thái độ hằn học, để trả thù trong hai biến cố Little Saigon và Recall.
Toàn bộ cuốn sách, ngoại trừ tên những chính khách Mỹ, còn với cộng đồng Việt, cô chỉ nhắc đến tên một người, và một đoàn thể: Phi công Lý Tống và Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức. Ấy vậy mà, độc giả, nhất là những người đã từng tham gia vào sinh hoạt cộng đồng, sẽ nhận diện được rất nhiều khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng. Đây mới chính là nét đặc sắc của cuốn sách. Vì chủ đích của cô rất nhân hậu. Cô không muốn làm mất thể diện những người đã từng chống đối cô.
Do đó, cuốn sách sẽ không làm mất lòng một ai, từ cả phe ủng hộ hoặc chống đối cô. Nó sẽ là một dịp để mọi người ôn cố tri tân, rút kinh nghiệm, hầu tìm ra những giải pháp hàn gắn những đổ vỡ gây ra bởi hiểu lầm, hoặc
thiếu thông tin với nhau trong suốt mấy năm qua. Đấy là, cô phó thị trưởng đang muốn hòa giải với… những người già!
Thế còn đám trẻ? Như đã tâm tình trong chương trình phát thanh Cư An Tư Nguy do Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức thực hiện vào trưa Chủ Nhật tuần vừa qua, Madison cho biết: Cô cũng dành cuốn sách này cho thế hệ trẻ người Việt
sanh trưởng ở Mỹ, và cho riêng đứa con đầu lòng của vợ chồng cô. Chắc phải đợi đến 20 năm nữa, cô bé Olivia mới hiểu được mẹ cháu đã làm những gì trong suốt 8 năm làm nhiệm vụ một nghị viên tại thành phố mà cháu đã sinh ra.
Nhưng làm sao cô bé Olivia đọc được sách tiếng Việt?

Nếu thế, hành trình tới những ước mơ, phải được đi qua bằng một ngả khác: Tiếng Mỹ. Đúng thế, Madison Nguyễn nói với tôi rằng, cuốn sách đã được thai nghén cách đây 4 năm, là sự tập hợp lại của những giòng nhật ký mà cô ghi lại bằng tiếng Mỹ, trong những giai đoạn cam go nhất trong cuộc đời làm chính trị của cô. Do đó, ấn bản bằng tiếng Mỹ ra đời trước ấn bản bằng tiếng Việt.
Và ở trong trường hợp chuyển ngữ như thế này, tôi có cảm tưởng quan niệm “dịch là phản” không ảnh hưởng gì mấy tới cuốn sách. Vì toàn thể cuốn sách được xây dựng qua lối viết ngắn gọn, và bằng những ngôn ngữ thật trong sáng. Về mặt văn chương, đấy cũng là một ưu điểm đáng được đề cao.
Cũng bởi vì nét trong sáng toát ra từ toàn thể cuốn sách, nên nó đã bắt được nhịp cầu cảm thông giữa tác giả và độc giả.
Mà khi đã hiểu được lòng nhau rồi, thì hành trình ước mơ nào cũng đều đến đích thôi. Vì đã đạt tới mức thất thập cổ lai hi, nên tôi chẳng còn mơ ước gì ráo. Hay dành những ước mơ cho tuổi trẻ. Trong đó, có cô Madison Nguyễn.

Thư Sinh

Sách sẽ được ra mắt từ 11:30AM đến 2:00PM Thứ Bảy ngày 28 tháng 7
năm 2012 tại số 749 Story Rd., Suite # 10 San Jose

PHÓ THỊ TRƯỞNG MADISON NGUYỄN RA MẮT HỒI KÝ : VIỆT NAM ĐẾN MỸ- HÀNH TRÌNH MƠ ƯỚC TẠI SAN JOSE

 

SAN JOSE (Trần Củng Sơn) – Phó thị trưởng Madison Nguyễn sẽ ra mắt cuốn hồi ký mang tên : Việt Nam Đến Mỹ- Hành Trình Mơ Ước vào trưa Thứ Bảy 28/7/2012 tại hội trường Center for Training & Carreers, 749 Story Road, San Jose, CA 95112, phòng số 10, từ 11:AM – 200PM, đãi ăn trưa miễn phí.

Cuốn sách dày khoảng 150 trang nói về cuộc hành trình vượt biển của cô bé Madison Nguyễn cùng ba mẹ và các chị em được cứu vớt đến trại tị nạn ở Phi Luật Tân, rồi định cư tại Mỹ, làm nghề hái trái cây trên những cánh đồng của thung lũng tiểu bang California, rồi học hành cố gắng để có mảnh bằng cao học nghành xã hội và dấn thân vào con đường chính trị để đạt được vị trí số 2 của thành phố lớn thứ 10 nước Mỹ là San Jose.

Tác giả cho biết lý do cuốn sách ra đời là vì trong thời gian có vụ tranh cãi tên Little Saigon và vụ bãi nhiệm đầy căng thẳng, Madison Nguyễn đã ghi lại những sự kiện chính để ghi nhớ và khi mang bầu, cô có ý định là in thành sách để làm món quà kỷ niệm cho đứa con sau này; nó chỉ cần đọc cuốn sách mà không cần nghe ai kể để biết về một quãng đời đặc biệt của má nó.

Trong câu chuyện phỏng vấn về cuốn sách, Madison Nguyễn cho biết là có duyên nợ với con số 7 vì là nghị viên khu vực 7, cuốn sách có 7 chương, đám cưới ngày thứ bảy 7/7/2007, ba mẹ có 7 cô con gái, đứa con của cô sinh tại phòng số 7 trong bệnh viện lúc 7 giờ 58 phút.

Dĩ nhiên điểm nóng của cuốn hồi ký là vụ Little Saigon và tác giả muốn trả lời những thắc mắc cho những độc giả thầm lặng lý do tại sao Madison Nguyễn chọn tên Saigon Buisiness District đặt cho khu thương mại Việt Nam trên khúc đường Story Road để gây ra những tranh cãi gây cấn trong cộng đồng.

Và theo như ý nghĩa của cái tên cuốn hồi ký Việt Nam Đến Mỹ- Hành Trình Mơ Ước, tác giả muốn chia sớt cho các bạn trẻ lớn lên ở Hoa Kỳ về kinh nghiệm của một cô gái gốc Á châu gia đình nghèo mà có thể thành công trên con đường chính trị tại quốc gia hùng mạnh nhất thế giới này.

Cuốn hồi ký được in thành hai ấn bản tiếng Anh và tiếng Việt Nam, tác giả muốn ra mắt cuốn tiếng Việt Nam cho đồng hương trước rồi sẽ giới thiệu cuốn tiếng Anh : Vietnam To America- My Journey Of Dreams cho độc giả Hoa Kỳ sau này.

Cuốn hồi ký có lời tựa của ông Norman Mineta, nguyên thị trưởng San Jose, nguyên dân biểu liên bang, nguyên bộ trưởng giao thông Hoa Kỳ, có nhiều hình ảnh mà Madison Nguyễn chụp chung với các viên chức cao cấp trong đó có đương kim tổng thống Barack Obama.

Cuốn Việt Nam Đến Mỹ- Hành Trình Mơ Ước của Madison Nguyễn , giá bán là 20 Mỹ Kim, muốn mua sách xin liên lạc email : madisonnguyen@gmail.com