Tác giả và Tác Phẩm

Phan Tưởng Niệm: Chỉ Còn Là Kỷ Niệm

                                Chỉ Còn Là Kỷ Niệm

                       

                                                      

 

Hình ảnh một buổi sáng nào – khi Gã vừa mới lên sáu : " mẹ Gã âu yếm nắm lấy tay Gã, dẫn Gã đi trên con đường làng dài và hẹp " qua chiếc cầu tre Bến Ghành của làng Bình Thành đến lớp – lòng Gã nao nao lo sợ . Dù rằng bây giờ đã hơn năm mươi năm trôi qua , nhưng kỷ niệm của ngày xa xưa ấy như khắc ghi vào tâm khảm của Gã . Hình ảnh của mẹ Gã ngày ấy vẫn còn sâu đậm trong tâm hồn Gã .

 

Trên con đường đi đến trường mẹ Gã ghé vào một hàng bán bánh mì bên vệ đường mua cho Gã một ổ, rồi nhỏ nhẹ nói với Gã : " con hãy cố gắng học hành để sau này giúp ích cho gia đình và xã hội " – lời nói ấy đã đi suốt hành trình trong quãng đời Gã – cứ mỗi lần có điều gì khó khăn sắp xảy đến là Gã luôn nhớ lời mẹ Gã dặn : " hãy cố gắng…”

 

 Rồi tuổi ấu thơ đi qua, tuổi thiếu niên lại đến . Năm mười một tuổi , Gã bước chân vào ngưỡng cửa của bật trung học . Đối với Gã khi ấy như cảm thấy mình đã lớn hẵn ra – đã là người lớn.

Những buổi tối , Gã cùng năm bảy đứa bạn cùng trang lứa tụ tập trước sân chùa Tàu Quảng Đông chia phe đánh giặc- nào Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Ngô Quyền, Quang Trung – Gã và chúng bạn tự đặt tên cho mình, rồi tiến lên đình Cẫm Thượng đánh nhau với nhóm " phe Tàu" . " Phe ta " chỉ có năm , bảy đứa nhưng " Phe Tàu" có mấy chục tên , vì vậy nhiều lần bọn Gã bị " địch" rượt đuổi và bắt trói dưới gốc cây cổ thụ của sân đình và bảo bọn Gã – " đầu hàng, đầu hàng ". Nhưng , đã học theo sách vở và noi gương bất khuất của anh hùng Trần Bình Trọng , nên bọn Gã đều hô to : " thà làm quỷ nước Nam chứ không làm vua đất Bắc", vậy là bọn Gã bị bọn " Phe Tàu" cho ngồi làm "qủy phương Nam" suốt cả đêm , khi chúng bỏ đi về nhà ngủ, bọn Gã mới nhờ người đi đường mở trói

 

Tuổi đời học sinh cứ lớn dần và dòng thời gian cũng lần lượt trôi qua – với tuổi mười tám, hai mươi –  Gã đã bắt đầu khôn lớn . Tuổi tình yêu cũng bắt đầu chớm nở – đêm về Gã cũng bắt đầu có những phút suy tư mơ mộng . Những lá thư xanh – Gã bắt đầu trao gửi và những bài thơ tình – Gã cũng bắt đầu tập tễnh làm quen .

 

              Ta còn lại đêm nay

               Bầy sao hôm thơm ngát

               Ta còn một tiếng em

               Xin đừng làm rơi mất

               

               Hoặc :

 

Trong ánh nắng dịu hiền

Anh thấy em hiện diện

Vươn vòng tay ôm trọn

Chỉ là khoảng hư không

 

Hay :

 

Trong sương đêm cuộc đời

Anh thấy mình lạc lõng

đứng chơi vơi giữa trời

trong cơn lốc cuồng quay.

 

 

Dòng thời gian cứ lặng lẽ trôi – cuộc đời cũng được sắp bày theo định số mà di chuyển – Từ giã trường học , đi vào trường đời với cuộc sống thăng trầm – sáu năm lăn mình vào lửa đạn – ngày nằm rừng , đêm vượt suối – tuổi trẻ không còn ước vọng tương lai – nhìn phía trước mặt là những đám mây mù che phũ – Gã chỉ còn biết xuôi theo mệnh số .

 

Rồi cuộc đời cũng theo vận nước nổi trôi – Gã từ nhà tù này qua nhà tù khác – từ vùng kinh tế mới này đến vùng kinh tế mới khác – và cuối cùng mười ba năm lăn lóc bụi đời nơi chốn Sài Gòn xa lạ – và bây giờ – mười hai năm sống nơi phương trời buồn , tuổi đời mỗi ngày mỗi trôi qua – Gã còn gì để mà hy vọng , để mà ước mơ !?

 

Hiện tạị! tương lai ! tất cả chỉ là hư ảo, có còn chăng là quá khứ chất đầy những kỷ niệm . Gần hết cuộc đời rồi , Gã còn lại gì cho Gã đây ? – chỉ là hai bàn tay trắng – Gã đưa lên mắt nhìn chẳng thấy được màu da – nét mặt khô cằn in hằn những vết nhăn – Gã chán ngán cho hiện tại và không còn nghĩ gì về tương lai – chỉ còn nhớ thương một thời của dĩ vãng .

 

Sau bao nhiêu năm xa quê hương, hôm nay,Gã trở lại thành phố biển Quy Nhơn vào ngày mồng một tết. Thành phố bây giờ quá đổi  thay. Gã đi giữa thành phố thân quen mà ngỡ như  đi giữa phố người xa lạ. Con đường Gia Long ngày xưa, mỗi lần về phép Gã thường đưa Ngọc Yến đi dạo phố khuya – mỏi chân, đói bụng ghé vào tiệm mì Trường Đề ăn một tô mì vịt tiềm tuyệt hảo, hoặc vào quán kem Thanh Ký, Tuyết Trắng  – vào mỗi sáng chủ nhật Gã thường rũ bạn bè ra ngồi ăn kem đấu láo. Hôm nay  đâu còn nữa

Loanh quanh một vòng qua những con đường của thành phố, Gã chạy xe thẳng vô nghĩa trang Phật giáo thăm mộ mẹ, cậu, mợ Gã – Nỗi buồn xâm chiếm.

                                                                       *  *  * 

Bước qua vài dãy mộ, Gã đứng trước ngôi mộ của cố trung tá Phan Đình Thành – người anh cả của tiểu đoàn. Qua tấm hình, nét mặt anh vẫn đăm chiêu, uy nghi, hào hùng trong bộ đồ lính trận. Từng dòng nước mắt Gã rơi xuống … rới xuống … và những dòng ký ức hiện về trong tâm hồn Gã. Hình ảnh anh chết giãy dụa khi Gã để đầu anh gối trên chân Gã. Những dòng máu cứ tuông chảy …tuông chảy bởi một loạt đạn của địch quân xuyên qua thái dương. Trong phút

cuối của cuộc đời, Gã vẫn nghe anh thều thào gọi tên vợ, con anh : Ngọc Lan, Martel .

                                                  

                                                                       *   *   *

Rồi buổi chiều khi thành phố lên đèn là Gã lại phải ra đi, con tàu gầm vút lên cao đưa Gã về một miền đất lạ , miền đất đầy gấm, đầy hoa mà bao nhiêu người  đang mong ước, nhưng sao lòng Gã vẫn thấy ngậm ngùi, nhớ nhớ, thương thương vùng đất đã sinh ra Gã  và nuôi Gã lớn lên với những tháng ngày ấp yêu kỷ niệm và Gã tự nhũ thầm : – Tất cả chỉ còn Là Kỷ Niệm .

 

 Phan tưởng Niệm

 

                                                                                     

Nhiều người thường nói với Gã – dĩ vãng đã qua hãy để nó qua, đừng nhắc nhở, nuối tiếc làm gì . Điều đó, theo Gã thì không nghĩ vậy . Dĩ vãng chính là một kho tàng kỷ niệm , dù rằng trong những kỷ niệm ấy có lắm điều vui và buồn . Nhưng đối với Gã – đã là kỷ niệm thì dù thế nào Gã cũng luôn ghi nhớ và trân quý.

error: Content is protected !!