Tác giả và Tác Phẩm

Phan Ni Tấn: MỘT CHÚT VỚI NGUYỄN ĐỨC QUANG

MỘT CHÚT VỚI NGUYỄN ĐỨC QUANG

Biết nói thế nào về người bạn của tôi đây? Có lẽ bắt đầu bằng một bữa tiệc ở Sài Gòn năm 1968, trong đó có NBX, một người bạn rất ái mộ nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã ví anh thế này: "Nguyễn Đức Quang, một mảnh Quê Hương Ngạo Nghễ". Cách nói đó là một dụng ý nhằm ám chỉ bản hùng ca Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Nguyễn Đức Quang sáng tác năm 1966. Lúc đó, với tôi, cách xưng tụng dù có chân thành nhưng đầy hoa mỹ này thật tình quá đáng. Nhưng rồi ngày nay,  mới ngày hôm qua thôi, ngay cái ngày 27-03-2011 Nguyễn Đức Quang lìa đời, anh được Hội Đồng Trung Ương Hướng Đạo Việt Nam trao tặng "Bắc Đẩu Bội Tinh", huy chương cao quý nhất của Hướng Đạo Việt Nam. Chưa kể cộng đồng người Việt trên thế giới dường như muốn nói rằng: Nguyễn Đức Quang, anh là một người hữu ích. Thế thì, đối với tài năng của người nghệ sĩ Nguyễn Đức Quang dù lúc đó anh không hề nghĩ mình nổi tiếng hay tài năng, thì sự xưng tụng đầy hoa mỹ như gió thổi qua tai, nghĩ lại không có gì quá đáng. Nguyễn Đức Quang, đó là Quê Hương; là con người của Quê Hương; là văn hóa, là tâm hồn của Quê Hương. Có thể chỉ là một cách gọi tên nhưng thực tế không phải là điều để khước từ.

Sinh năm 1944 tại Sơn Tây, một địa danh có nhiều cây bút nỏi tiếng, Nguyễn Đức Quang theo gia đình di cư vào Nam năm 1954, sống tại Đà Lạt. Tốt nghiệp Đại Học  Chính Trị Kinh Doanh Đà lạt năm 1968. Thập niên 60- 70, ở khắp các nẻo đường thành phố hầu như bị chìm đắm trong những dòng nhạc ru ngủ ủ ê thì nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang lại đi tiên phong theo một hướng khác, con đường khác bằng những bài ca khai phá. Lúc đó có đứng trước một Nguyễn Đức Quang ôm đàn hát mới thấy tất cả nỗi đam mê của người nghệ sĩ này. Anh vốn là một người chừng mực và điềm đạm nhưng trở nên linh động, hoạt bát mỗi khi đề cập đến những đề tài tuổi trẻ, xã hội, đất nước và thân phận con người.

Nổi tiếng với những sáng tác ngợi ca quê hương, kêu gọi tuổi trẻ dấn thân và khuyến khích lòng yêu nước, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang là linh hồn của  Ban Trầm Ca được sáng lập năm 1965 tại Đà Lạt. Ngoài Nguyễn Đức Quang còn có các anh Đinh Gia Lập, Mai Thái Lĩnh, Nguyễn Quốc Văn, Hoàng Kim Châu, Trần Trọng Thảo và chị Đỗ Phương Oanh. Ban Trầm Ca chuyên sinh hoạt trong tinh thần thanh niên, hướng đạo với các loại nhạc cộng đồng trong sáng, hùng mạnh, tràn trề tình yêu quê hương và niềm hy vọng nhằm khích lệ lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ tham gia những công tác lành mạnh, hữu ích, phụng sự xã hội, đất nước  và dân tộc.

Sau những lần lưu diễn khắp mọi miền đất nước, Ban Trầm Ca quyết định thành lập Phong Trào Du Ca Việt Nam, đặt trụ sở tại 114 Sương Nguyệt Ánh Sài Gòn. Chủ tịch là dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ, Trưởng Xưởng Du Ca do nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang điều hành.

Thời kỳ này, Phong Trào Du Ca qui tụ hàng ngàn đoàn viên sinh hoạt thành Nhóm, Toán trên khắp  miền đất nước khởi từ miền Trung đến miền đồng bằng sông Cửu Long như những Toán Du Ca Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Đà Lạt, Tây Ninh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang v.v… Đi đâu, ở đâu người ta cũng nghe nói đến Phong Trào Du Ca Việt Nam của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang.

 (Xin được nói thêm ở đây là có lần Ban Trầm Ca trình diễn tại trụ sở CPS với đông đảo đồng bào, nhất là giới trẻ tham dự,  những bài du ca thắp lửa, hùng mạnh và vạm vỡ đã được tán thưởng bằng những tràng vỗ tay trong suốt buổi trình diễn. Trong dịp này Ban Trầm Ca đã cho trình làng một tập nhạc Trầm Ca, đặc biệt trang ruột, vẽ một cội cây đầy sức sống vươn lên, tỏa ra nhiều nhánh mang ý nghĩa nói về sự vươn lên, lan rộng của Phong Trào Du Ca Việt Nam, như Nguyễn Đức Quang cho biết).

Nhưng rồi cuộc nội chiến ngày càng lan rộng trên một đất nước lầm than, chia cắt. Theo chân nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang đã trở thành quân nhân QLVNCH, tôi cũng vào quân trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Ngừng sinh hoạt trong một thời gian dài, sau ngày tốt nghiệp ra trường tôi mới có dịp trở lại với Phong Trào Du Ca. Đời lính rầy đây mai đó, đi tới đâu nghe tiếng hát của đoàn viên Du Ca tôi đều tìm đến tham gia sinh hoạt. Hồi đóng quân ở Ban Mê Thuột mỗi cuối tuần rãnh rỗi tôi đều đến trụ sở Du Ca Lòng Mẹ ca hát hoặc theo chân đoàn trưởng Nguyễn Quyết Thắng và đoàn viên đi tác động ở các thôn xóm, làng mạc xa xăm. Sau  đổi về Nha Trang tôi cũng có dịp sinh hoạt với đoàn Du Ca Thùy Dương do anh Châu Đình Quang làm trưởng đoàn. Suốt 5 năm ở lính, tôi không có cơ hội trở lại Sài Gòn nên không gặp lại nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang lần nào.

Rồi nước mất nhà tan, tôi bị bắt đi tù cải tạo đến cuối năm 1978 mới trốn thoát về Sài Gòn sống như phường trôi sông lạc chợ. Nhiều lần tôi lặng lẽ đi qua trụ sở Du Ca trên đường Sương Nguyệt Ánh mà nhớ những ngày xưa ca hát. Lúc đó tôi không biết con chim đầu đàn Nguyễn Đức Quang ở đâu, sống chết ra sao, có thể cũng đi tù như tôi hay đã lưu vong nơi xứ người. Vào thời kỳ này, hầu như người ta sợ hãi mỗi khi gặp nhau, dù là tình cờ; người sợ người, cúi mặt xa nhau, nhà thơ Kim Tuấn có lần đã nói như thế. Cuối năm 1979 tôi vưọt biên đến được bến bờ tự do. Và gặp lại bạn tôi, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang.

Nhìn lại một quảng thời gian 37 năm ròng rã, khởi từ năm 1966 đến mùa hè 2003 Nguyễn Đức Quang và tôi mới gặp lại nhau lần thứ nhất nơi đất khách quê người. Hóa ra con đường của những người du ca đến với nhau, ngoài những con đường đất, những còn đường biển, còn đến với nhau bằng… những khúc hát du ca. Thế là say sưa anh hát, tôi hát, chúng tôi và cây đàn cùng hát, hào hứng hát, mê man hát, "thèm" hát những bản du ca thắp lửa ngày xưa.  

Nhưng mà cuộc đời có rất nhiều khoảng cách, có lúc tưởng gần mà thật xa xăm diệu vợi. Cái ngày Nguyễn Đức Quang và tôi mừng rỡ gặp lại nhau, cơn mừng chưa kịp lắng xuống đã vội vã chia tay. Ngày 3 tháng 9, 2006 tại Toronto, Nguyễn Đức Quang và tôi cùng tất cả đồng bào trong hội trường cùng hát những bài hát cộng đồng của anh mà không ai biết đó là buổi sinh hoạt du ca, cũng là lần chia tay cuối cùng giữa hai anh em chúng tôi.

4 giờ sáng ngày 27-03-2011, lúc thành phố Nam California còn ngái ngủ, Nguyễn Đức Quang đã bước ra khỏi cuộc đời này. Anh ngậm ngùi bỏ chúng tôi ở lại, bỏ những bài du ca của anh ở lại. Nhưng tôi vui và tôi biết tất cả chúng ta đều vui, là mừng cho anh được gặp lại chị Minh Thông, người vợ thân yêu của anh, đã đi trước anh gần hai năm trước, đang mở rộng vòng tay đón anh ở bên kia cuộc đời.

PHAN NI TẤN

04/04/2011