Tác giả và Tác Phẩm

NỖI BUỒN (Chinh Nguyên)

NỖI BUỒN

Một
     Sau khi tới Hà Nội ngày 15 tháng 11năm 2006 và trọ tại Hotel Khải Hoàn phố Cửa Đông, buổi chiều cùng ngày tôi gọi điện thoại thăm Bác Hai Hán, người đã đồng chí với cha tôi trong VNQĐD chống Việt Minh và Thực Dân Pháp vào những năm 1945-1950.
Bác rất ngạc nhiên khi nghe giọng nói của tôi Bắc, Nam không rõ ràng của miền nào.
–           Chào ông, Tôi Hán đây! Xin lỗi ai đấy giọng nói tôi chưa nghe bao giờ ?.
    Tôi yên lặng vài giây vì xúc động khi nghe được tiếng bác Hán, và sực nhớ tới những ngày còn bé tôi luôn được cha sai canh cổng mỗi lần bác tới nhà, để bác và cha tôi họp trong buồng ngủ của cha mẹ tôi. Sau khi họp bác ra phòng khách ăn cơm và nói những chuyện không đầu đuôi hầu chờ đêm xuống lẻn ra cổng lẫn vào bóng tối.
    Tôi chưa nhìn thấy bác nhưng qua giọng nói, tôi biết bác đã như con ngựa già đứng bên máng cỏ trong sự chán nản bức chế của chế độ Cộng Sản, mà bác đã sống một đời như tù lỏng.
    Bác đang chờ thời gian ra đi vĩnh viễn bỏ lại chuỗi ngày tuổi trẻ đầy nhiệt huyết năm xưa. Cái tuổi mà cha tôi và bác thời 25, 30 tuổi với nhiều mộng ước đầy ắp trong lòng như mọi người dân Việt yêu nước mong cho quê hương được an bình thịng vượng, và trở thành con rồng kinh tế muốn vượt mây bay vào trời Đông, nhưng thế thời đổi thay và lòng người oan nghiệt, cha tôi đã ra đi nơi xứ lạ để lại lời trối trăn cuối cùng vẫn là quê hương nghìn trùng muốn quay đầu lại.
Bác Hán còn đó với những năm dài sống dưới chế độ khủng bố hà khắc nhà tù cả nước nhưng vẫn giữ lòng như tre trúc, một mai bác cũng héo tàn với ước mong đã vượt khỏi tầm tay.
    Tôi cũng vậy lại bước theo chân cha, và bác Hán, nửa đời mang ước vọng tay súng chinh nhân, nhưng nửa đời mang thân tầm gởi sống nhờ xứ ngoại…!   
    Đời rồi cũng tàn phai theo ngày tháng, cái trí dũng cũng bạc nhược theo đôi chân mỏi lưng còng, cha tôi, bác Hán và tôi sẽ chẳng còn gì đẻ níu kéo, họa chăng chỉ còn nỗi nuối tiếc kỷ niệm xưa, tuy nhiên Bác Hán đã phải sống dưới chế độ Cộng Sản từ ngày 1954 tới bây giờ như con hổ trong cũi của Thế Lữ.
    Tiếng bác bên kia đầu giây có vẻ vội vàng:
–           Vâng, tôi Hán đây. Có nghe được không?
–           Dạ, cháu nghe được. Chào bác Hai Hán.
    Bác Hán ngạc nhiên, khi nghe tiếng người lạ gọi tên ông trong những ngày tuổi trẻ.
–           Ai đấy? Sao tiếng nói lạ quá…! Sao biết tên củ của tôi vậy ? Cháu nào vậy ?
Tôi nhỏ nhẹ nói chậm để bác nghe rõ, vì tôi nghĩ bác đã lãng tai:
–           Dạ cháu là con ông Ký Tình. Cháu tên Trống
    Vừa nghe tới hai chữ Ký Tình, bác dường như mừng với những câu hỏi liên tục :
–           Thằng Trống… lạy trời ? Cháu ở đâu vậy? cha cháu ra sao ? khoẻ không ? Sao cháu biết số phone của bác ? Chắc cháu lớn lắm rồi nhỉ ? Ta đang ngồi chờ cha của cháu về…!
Tôi bùi ngùi xúc động nghe bác nói chờ cha tôi về. Tôi nghẹn ngào rơi nước mắt trả lời bác Hán:
–           Cha cháu mất ba năm nay rồi..!
    Bên đầu giây bác Hán bỗng yên lặng và dường như máy điện thoại bị rơi xuống sàn nhà vì có tiếng động mạnh. Tôi nghe tiếng thở dài của bác, và sau đó là tiếng nói trĩu buồn buông suôi…! 
–           Chết trong Nam à ? Vậy mà ta cứ ngồi chờ mãi..!
–           Không, cha con mất tại Mỹ.
–           Ồ…! Bố con cháu bỏ làng đi ngày đó, ai ngờ đi xa quá nhỉ…! Xa quê hương, làng nước chắc buồn lắm cháu nghỉ…!
–           Dạ, bố cháu nhắc bác hoài…!
–           Mẹ cháu còn không ?
–           Dạ, mẹ cháu hiện nay đang sống tại BMT, với các em của cháu.
–           Không sống ở Mỹ à ?
–           Dạ, mẹ cháu sống ở Mỹ hơn hai mươi năm, sau khi cha cháu mất mẹ cháu đòi về Việt Nam.
–           Ồ…! Quê hương mình vẫn hơn…! Quê người lạc lõng mẹ cháu về là phải. Thế cha cháu nằm bên đó thì sao ?
–           Cháu đang nghĩ tới mang xác cha cháu về quê như lời trối lại của cha cháu…!
–           Cháu làm được như vậy thì cũng tốt đó. Ta sẽ đi nay mai chẳng biết chừng…! Ta hết kẻ để chờ rồi…! Bạn bè đồng chí không còn ai…!
    Tôi nghe tiếng thở dài bên kia đầu giây, sau sự im lặng vài phút bác tiếp:
–           Bác với bố cháu thương nhau lắm. Thời hoạt động bố cháu làm thư ký nên bố cháu có cái tên là Ký Tình, nhưng bố cháu tên thật không phải là Tình đâu.
–           Dạ, cháu có nghe bố cháu kể lại.
–           Bố cháu nhắc tới ta cho cháu nghe là phải, ta cũng nhắc tới bố cháu luôn, đồng chí liên tâm mà…! Ta chỉ mong thấy bố cháu một lần, ai ngờ bố cháu đi trước ta rồi. Chắc chết chúng ta sẽ gặp nhau…!
–           Dạ.
–           Thôi nhé…! Nói điện thoại bác phải nói lớn mệt lắm, cháu tới nhà bác, rồi bác cháu mình nói chuyện nhé.
–           Dạ.
–           Cháu có biết địa chỉ không ?
–           Đạ cháu có địa chỉ của bác  
–           Ai cho cháu vậy ?
–           Anh Lương.
–           Lại thằng Lương, con thằng Tựa…! Bốn anh em chúng nó là Cộng Sản, có quân hàm lớn đó cháu biết không ?
–           Dạ, mẹ cháu nói.
–           Ừ… Thôi, ta già rồi, nhìn thấy chúng nó lớn lên từ nhỏ, nên không đành từ chúng nó, hơn nữa chúng là con cháu cả, cũng như cháu vậy đó.
      Chúng không làm gì bác vì bác gìa rồi, nhưng cháu thì phải coi chưng đó nghe. Nếu cháu theo chân cha cháu mà chúng biết được thì nguy.
    Tôi nghĩ tới mấy người anh họ, mấy mươi năm mới gặp qua lời giới thiệu của mẹ khi vừa gặp họ ở BMT,
vì khi tôi bỏ làng họ chưa sinh ra. Anh em gặp nhau, kể cho nhau nghe vài chuyện bâng quơ thiên hạ sự xã giao không dính líu gì tới chính trị. Tôi tiếp họ bằng những ly trà đàm đạo thân mật chuyện gia đình trong Nam, ngoài Bắc và nước Mỹ, và sau khi họ về nhà mẹ vẫy tôi lại gần, bà ôm đầu tôi và ghé tai thi thầm :
–           Con phải cẩn thận nghe. Tụi nó quỉ lắm đó, chớ có tin cái thứ Cộng Sản bất nhân ! Cha con còn bị cha của tụi nó muốn giết thì con tụi nó nể nang gì con…!
    Tôi không muốn bác Hán phải lo lắng nên gỉa bộ cười qua ống nghe và nói: 
–           Bốn người Anh Khuông, Lương, Kho, Nhạn là anh em họ phía bên mẹ của cháu, chắc không có chuyện gì đâu. Giọt máu đào hơn ao nước lã mà bác..
–           Đúng, tụi nó là anh của cháu đó, tuy nhỏ tuổi hơn cháu, nhưng chớ tin nghe cháu, Khác nhau chính kiến khó nói chuyện lắm, nhất là những thằng Cộng Sản như bốn an hem nó. Cha chúng nó đòi xử tử cha cháu ngày đó, nên cha cháu mới đành bỏ làng, cháu biết không ? Thôi bác gác máy, cháu tới bác nói cho nghe, nói qua điện thoại không tiện đâu. À quên thằng Khuông có biết cháu về VN và đang ở Hà nội không?
–           Cháu vừa gợi điện thoại cho anh Khuông.
–           Cháu bảo nó chở tới ta nhé, nhớ đó.
    Tôi gấp lại cell phone trong khi lòng trùng xuống với những kỷ niệm như một phiến buồn đè nặng trên lưng mà tôi không thể hất ra để đứng dậy..!
    Lời nhắn nhủ của mẹ, câu dặn dò của bác Hán cho tôi để làm kinh nghiệm sống đối với những người con của bác Tựa cuốn xoáy trong trí, và hầu như đã bắt buộc tôi phải có sự lựa trọn tình thân anh em hay thù hận nối dòng…!
    Tôi sực nhớ câu ông nội dặn khi tôi vừa tám tuổi : "Cháu phải nhớ, chớ coi con cháu thằng Tựa là anh em, dù ông đã mất đi…!"
    Tôi thở dài tự nói thầm : Ông à, chắc con không thể giữ lời hứa với ông ngày đó rồi…! Mỗi thế hệ mỗi đổi thay… Con không thể mất đi tình người, anh em như thủ túc mà…! Cha con cũng nói rằng : Chú, Bác của con có thể giét cha, nhưng cha không thể làm những gì chúng có thể làm, vì cha còn tình người…!
 
    Tài xế của anh Khuông mặc bộ đồ bộ đội, anh ta có vẻ cố tình giữ yên lặng và khoảng cánh giữa tôi và anh ta. Tôi hỏi điều gì anh ta trả lời, không hỏi anh ta yên lặng làm bổn phận như người máy. Suốt quãng đường từ Hotel Khải Hoàn tới Phố Huế anh ta chỉ nói có hai chữ dạ, vâng và lái xe đưa tôi tới nhà bác hai Hán vào buổi chiều sau ngày tôi điện cho bác Hán. Tôi tặng người tài xế của anh Khuông năm đô la để nhìn hành động của anh trước khi tôi bước xuống xe để vào nhà bác Hán. Tôi thấy mắt anh ta sáng lên, miệng anh ta lúc này mới mỉm cười thân thiện và cúi đầu nói được câu ngắn gọn:
–           Cám ơn ông, Nhưng ông đừng cho ai biết chuyện này. 
Tôi ngạc nhiên nhìn anh ta, và lập lại hai chữ của anh Luông thường nói với tôi để nói với anh tài xế tên Thụ .
Ai mà nói chuyện này với ai..! Chú cứ "vô tư" đi.
–           Dạ.
–           Anh lái xe về nhà đừng đi đâu nghe, kẻo anh Khuông cứ tưởng tôi lấy xe của anh đi chơi phố.
–           Dạ, cháu không dám lái xe này đi phố đâu. Ông biết được thì chết cháu ngay.
Bác Hán đã đứng ở cửa nhìn tôi mừng rỡ, bác vừa chậm chạp bước tới bên tôi vừa nói :
–           Nó không dám mang xe đi chơi đâu, cho kẹo nó cũng không dám ăn huống chi mang xe đi chơi.
      Bác với tay vẫy anh Thụ, nói tiếp:- Thôi Thụ à, cháu mang xe về trả cho thằng Khuông nghe, thằng Trống ở đây nói chuyện cà kê với ta lúc nào về sẽ gọi xe taxi, khỏi đón.
    Tôi bước vội tới ôm lấy bác Hán như ôm cha tôi với vài giọt lệ xúc động lăn dài trên má. Bác thấy vậy vỗ lưng tôi an ủi:
–           Tủi thân làm gì con…! Bác cháu mình có duyên gặp lại nhau ngày hôm nay là quí rồi, chỉ tiếc vắng cha cháu. Ngày đó cháu nhỏ tí, đen đủi, nhanh như cắt, nay tóc con đã bạc rồi…! Con giống cha quá, ta nhìn là nhận ra ngay.
Tôi quay nhìn xung quanh, và thấy có vài người gọi bác bằng cha. Tôi ngạc nhiên hỏi.
–           Ủa, Bác gái có mấy anh sao ? Con nhớ ngày đó bác gái muốn nhận con là dưỡng tử mà…!
Bác hai Hán nét mặt bỗng trùng xuống, thở dài:
–           Bà ấy qua đời lâu rồi, sau khi gia đình cháu suôi Nam. Ta trốn Cộng Sản bặt tin trong khi muốn tìm cha cháu, thì nghe cha cháu đã dẫn gia đình suôi Nam rồi. Bác thất trí, buồn phone đi lung tung trong khi bà ấy kiếm ta rồi mang bệnh mất giữa đường. Ta quay về tìm bà thì đã trễ rồi.! Các em sau này là con của người vợ kế của bác.
–           Bác à, anh Khuông bận nên anh xin lỗi bác, để bữa khác anh tới thăm bác.
Bác hán khoa tay nói:
–           Nó không tới càng hay. Bận cái gì…! Bận việc kéo bè kéo đảng với nhau để ăn cướp chứ có gì đâu, ta sống cả đời với chế độ này, chúng nó làm gì ta cũng hiểu…!. Ngày mai là ngày ông Bush qua họp APEC, nên nó bận là phải rồi, bận đi xin ăn đó mà…!
    Sau khi ngồi xuống ghế trong phòng khách và hỏi thăm bác vài câu về sức khoẻ và gia đình, tôi chợt nhớ tới chuyện hôm qua bác Hán nói bác Tựa muốn xử tử cha tôi nên tôi tò mòø :
–           Hôm qua nghe Bác nói anh Khuông là con bác Tựa. Nhà bác Tựa ở gần cổng nhà bà ngoại cháu phải không ?
–           Đúng rồi, cháu nhớ dai thật.
–           Lúc cháu bỏ làng đã chín mười tuổi rồi, cháu còn nhớ nhiều lắm đó bác.
–           Quê mình nghèo, làng lại nhỏ có bao nhiêu người đâu mà không nhớ…!
–           Bác Tựa là anh họ mẹ của cháu. Như bác nói hôm qua, tại sao bác Tựa lại muốn xử tử cha cháu vậy ? Cùng gia tộc mà…!
    Bác Hán nhìn ra ngoài trời qua khung cửa sổ, nắng chiều nhạt nhòa, có hơi ẩm của gió thu Hà Nội lùa nhẹ vào phòng, trong khi Phố Huế ồn ào tiếng động cơ của xe gắn máy, và đường như thành phố lớn nhỏ gì của VN cũng đều bị tra tấn bằng những tiếng động cơ này suốt ngày qua đem. Bác quay lại nhìn tôi với đôi mắt buồn vời vợi, lắc đầu bác nói:
–           Trong làng chỉ có bố cháu và bác theo cách mạng chống Việt Minh, thực dân Pháp, vì ta và cha cháu ăn học ở Hà-Nội, trong khi cả làng trai tráng đều học ở làng hoặc huyện tới lớp nhất là hết về làm ruộng nên họ nghe Việt Minh tuyên truyền đi làm du kích, trong đó có chú Quân của cháu và thằng Tựa là chủ chốt đầu đàn. Như cháu đã biết thằng Quân đã chỉ súng lục vào đầu bố cháu trong khi anh em cãi vã nhau, có điều thằng Quân không bóp cò thôi.
–           Chuyện này cháu biết, vì lúc đó cháu ở bên bố cháu mà.
–           Còn thằng Tựa, lúc đó nó là tiểu đội trưởng du kích huyện     Phú Xuyên, nó ra lệnh cho thằng Quân bắn bố cháu, thằng Quân nghĩ sao không bắn, và bỏ đi mất tích sau 1954 nó mới về, vì cha cháu bỏ Pháp về làng, rồi lại mang cháu vào Nam.
–           Cái thời cha cháu và bác bỏ làng vào thành kể ra thì dài lắm, nhưng đại khái là thằng Tựa cho kẻ dưới quyền theo dõi bác và bố cháu sau khi thằng Quân không bắn anh ruột của nó. Bác và bố cháu biết nên chẳng ngủ nơi nào một đêm thẳng giấc. Một đêm bác và bố cháu bất ngờ bỏ làng nửa đêm trốn lên Hà-Nội. Thằng Tựa biết thì đã trễ mặc dù nó đã cho tiểu đội dưới quyền
     nằm nấp sẵn tại ngã ba của ba làng Bái Vàng, 
     làng Vân và làng Hoàng Nguyên.
–           Vậy tại sao bác và cha cháu thoát khỏi chỗ ngã ba đó ? 
   Tôi buột miệng hỏi.
Bác hai Hán gật gật đầu có ve thú vị khi nghĩ về cuộc chạy đua với tử thần đầy nguy hiểm bởi chính anh em mình gây nên.
–           Cũng may bác và bố cháu đã không đi lối đó, bác và cha cháu đi qua lối làng Trằm lên đê Yên Phụ, nhẩy xuống thuyền trực sẵn ngược dòng vào Gia Lâm, rồi đi bộ qua cầu "Đuy-Me" vào Hà Nội.
–           Bác và cha cháu gan thật.
Bác Hán bật cười, sau đó nói trong khi bác lên cơn ho :
–           Cha cháu gan hơn ta…! Nếu không có cha cháu thì ta đâu có bỏ làng Thành Lập mà đi. Cha cháu rủ ta bỏ làng đấy chứ…! Thằng Tựa biết bác và bố cháu đã đi, nhưng nó không biết bác và cha cháu đi lối nào, nên nó vội vã chẳng nói gì với toán du kích huyện, cứ thế đuổi theo lên lối ngã ba làng nhưng không ngờ khi nó tới ngã ba thì chính toán du kích của nó bắn nó tử thuơng trong lúc sương mù không nhìn thấy chính xác là ai. Nhờ đó mấy thằng con của nó lên tướng lên tá gớm thật…!
     Tôi ngạc nhiên hỏi:
–           Tại sao, bác Tựa chết vì du kích bắn lầm mà các anh con bác lại lên cấp bậc mau lẹ trong chế độ Cộng Sản.
–           Cháu không biết là phải. Tụi CS siêu tra ba đời làm cách mạng theo đảng. Mấy đứa nó khai là bố nó bị giết trong khi thi hành nhiệm vụ bắt Việt Gian. Đảng CS tin đó là thật nên tụi nó được nâng đỡ từ 1954 tới nay. Tài cán gì…!
–           Anh Khuông nói với cháu anh có qua Liên Sô và Tiệp Khắc học Đạo Diễn quay phim. Chắc anh phải khá lắm chứ.
Bác Hán Lắc đầu.
–           Học mà có hành hay không chứ. Nó về VN sau khi du học có làm đuợc cuốn phim nào đâu. Toàn là nghe cấp trên mang phim tài liệu đem bán rẻ cho Hòa Lan rồi chia nhau tiền, bây giờ nếu cần tới là lại phải trả tiền mướm đắt gấp mấy lần đem bán…! Ngu ơi là ngu…!        
–           Cháu đã nghe anh nói bỏ nghề đạo diễn rồi mà…!
–           Đúng..! Mà phim CS quay ai mà coi, toàn chuyện bịa đặt để tuyên truyền không à..! Ta kiên nhẫn coi phim CS làm mấy chục năm rồi, chẳng có gì mới mẻ cả, chỉ những tung hô bác Hồ, chiến thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bám hào quang của Điên Biên Phủ. Nếu có hô hào và bắt buộc chiếu ngoài trời để tâm lý chiến thì dân mới đi coi, bình thường đâu có thì giờ mà coi. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc coi cái gì chứ.
–           Dạ
Bỗng bác Hán hỏi tôi, sau khi tôi đứng dậy chào bác ra về.
–           Bao giờ con về lại bên Mỹ.
–           Dạ, có lẽ sau khi hết ngày khế ước du lịch này là con về Sài Gòn sửa sọan về Mỹ.
Giọng bác Hán bất ngờ trùng xuống.
–           Thôi, lần này là lần cuối bác cháu mình gặp nhau, đó là cái phước của bác cháu minh rồi. Con luôn giữ lòng nghe, bác có thể ra đi bất cứ lúc nào. Con về lần sau có thể không gặp bác nữa đâu…!
–           Dạ, con nhớ những gì bác đã nói với con hôm nay…!
    Tôi quay người bước vội qua cửa phòng khách, bước khỏi hiên nhà và rẽ phải để đi bộ về bờ hồ Hoàn Kiếm. Tôi biết bác Hán đứng nhìn theo bước chân tôi chạy trốn, bởi tôi biết rằng tôi không thể ôm hận thù cả cuộc đời được như bác, và mẹ tôi…!
một thế hệ đã dần đi vào quá khứ nhưng cố ôm lấy dĩ vãng đau thương…!
    Tất cả rồi cũng tàn, tham vọng bá vương rồi cũng bị hủy diệt theo thời gian và lòng yêu chuộng nhân bản. Cát bụi vẫn là cát bụi phù du..! Tôi chỉ là viên gạch về lại quê hương làng cũ muốn xây lại êm ấm tình anh em dòng họ, một ước bọng nhỏ nhoi mà tôi không muốn mất đi…! Xin lỗi cha mẹ, xin lỗi bác Hán, đường con đi sự thật quá dài và khó khăn trong khi oan nghiệt chính kiến trùng trùng nghiệt ngã trong dòng họ. Ai sẽ chĩa mũi súng vào đầu ai đây, và ai sẽ bóp cò súng đẻ giết lẫn nhau…! 
   Anh em là thủ túc, dân tộc là phương tiên đựa vào để sống còn, và cá nhân là cứu cánh thực hành những điều nhân bản phải có để con người vươn lên trong tự do toàn thiện., Con muốn xoay lại tư thế và tư duy trong lòng các anh em để xây dựng một thế hệ trong sáng hơn…!
    Bất ngờ trước mặt tôi là bờ hồ Hoàn Kiếm đông người qua lại, với những ánh đèn màu muôn sắc soi xuống dòng nước lung linh huyền diệu, thấp thoáng giữa hồ trong sương thu và ánh đèn lấp lánh trong sóng nước là đền thờ Le-Lai yên lặng soi hình đã bao năm…! Lê Lai cứu chúa…!
 
Hai
   Tôi theo anh Khuông về làng, Làng Thành Lập và làng Vân cách nhau con đường cái lớn xe hơi có thể đi vào giữa hai làng.
    Nếu đi từ Hà-Nội trên quốc lộ số một và lái nửa vòng cua ở lối thoát gần cầu Guột, rẽ trái chui qua cầu về làng cách Hà Nội khoảng 15 cây số.
Hơn năm mươi năm, nhưng tôi còn nhớ con đường lớn ở giữa hai làng Thành Lập, và làng Vân đã lót gạnh để dùng chung hầu chuyên chở ngũ cốc từ ruộng về nhà bằng xe bò hoặc gánh, và chiều về những con trâu, bò được những đứa bé dắt hay cưỡi trên lưng về chuồng cũng trên con đường này. Theo thời gian gạch trên mặt đường đã không còn, thay vào mặt đường là một lớp nhựa mỏng trải lên trên những đá sạn nhỏ , nên nhiều chỗ đã rộp trơ đất đã không được sửa chữa, và hẹp lại vì đôi chỗ đã lở lấn vào mặt đường.
    Tôi lạc lõng đi tìm từng lối mòn cũ sau khi hỏi anh Khuông cái đình có cây đa rợp cả góc sân ở giữa làng Vân, cái giếng nước cả hai làng đều gánh về nhà dùng ở đầu làng và Khải bạn tôi con Ông trưởng bạ Tỵ, và được anh Khuông trả lời:
–           Đình Làng Vân, cái giếng thì còn đó, nhưng Khải đã chết lâu rồi, để lại bốn con và vợ Khải là dì Tám con Ông Xã Cách ông cậu họ của mẹ tôi.
    Tôi bùi ngùi nhớ tới Khải, người bạn thủa nhỏ cùng ngõ, nhưng khi mười tuỏi Khải đã vì muốn lấy công với cán bộ du kích khi thiếu nhi họp kiểm thảo hàng tuần mỗi chúa nhật tại sân nhà thờ . Khải đã tố cáo tôi lẻn vào vườn nhà ông Vường hái trộm ổi cho nó ăn. Tôi đã sững sờ nhìn sác mặt đanh lạnh của nó và cố cãi :
–           Khải, mày xui tao vào vườn hái ổi cho mày ăn sao mày lại tố tao ? 
–           Tao xui mày, nhưngtao không hành động, còn mày hành động, do đó mày có tội. Khải nhìn tôi trả lời không có một chút sượng sùng.
    Tôi chỉ mặt Khải, vừa khóc vừa nói :
–           Mày là thằng phản tao.
Thế là từ đó tôi và Khải chơi với nhau bằng sự lừa dối nhau và e dè bị Khải mang tôi ra đấu tố trước mặt bạn bè cùng lứa.
    Bất ngờ chiến tranh ập tới với bom, đạn pháo đổ vào làng, và tôi theo mẹ bỏ làng không về từ đó. Dường như mỗi bước chân tôi đi là mỗi ngày một xa dần quê hương, mặc dù long tôi đôi khi quay về với nỗi nhớ mơ hồ hình ảnh cũ.
    Trươc mặt tôi là con đường cữ, những lối mòn xưa nhưng kỷ niệm cũ đã không còn bởi vì tôi đã không còn tìm ra những gì tôi cất dấu trong tâm khảm, thực thể cũng như những giấc mơ hồng làm tôi ngỡ ngàng. Bạn bè nhiều đứa đã ra đi vĩng viễn, những thằng còn lại trông già trước tuổi tới mười năm.     
    Đứa nào da cũng nhăn nheo bọc xương khô đét như cành củi, trong bộ quần áo có mấy miếng vá chằng chịt khác màu nhau, đôi mắt sâu mất thần mệt mỏi trên khuôn mặt gầy gò lồi lõm khắc khổ và mái tóc thưa vài sợi bạc trắng, và mỗi lần tình cờ tôi gặp một người gạn cũ trên đường, là mỗi lần tôi nhìn thấy nụ cười của họ méo xẹch như muốn khóc cho nỗi cơ hàn mà họ đã chịu đựng bao năm, tôi lại dúi vào túi rách của họ vài đồng đô đẻ an ủi và cũng đẻ giữ lại tình bạn của thơi quần xà lỏn chăn trâu năm xưa.
    Tôi là kẻ chỉ đủ ăn nơi xứ ngoại tầm gởi, nhưng đã trở thành áo gấm về làng trong cặp mắt than phục của dân tron glàng và bạn bè thơ ấu cũ, sự thể này đã làm tôi đau long và xót dạ khi nhìn thấy những nóc nhà tranh xiêu vẹo nghèo nàn vẫn còn đó trong làng tôi.
    Mấy ươi năm sống dưới chế độ Cộng Sản làng tôi vẫn không thay đổi được cái cốt lõi đi chân đất, cuộc sống trong căn nhà lụp sụp, bữa cơm độn khoai sắn nấu bằng rơm khô, và những trai gái trong làng đều quằn lưng cúi xuống trên cánh đồng lúa cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông nhưng thình người trong họ vẫn vươn lên trong những cuộn khói lam chiều bằng bạc bốc ra từ nóc rạ.  
     
    Tôi đi theo con lộ làng tìm tới ngôi nhà thờ ngày xưa tôi thường theo ông nội mỗi buổi sáng chúa nhật. Mái ngói và tường nhà thờ đã đen vì rêu theo năm tháng lên dầy. Tháp chuông cao vút còn đó yên lành trong bao năm chiến tranh, và con sáo sậu đang đậu trên cây thập tự gía đứng dương cổ hót vang tìm bạn.
    Lòng tôi bỗng dâng nên nỗi nghẹn ngào khi nhìn những đứa trẻ vô tư chơi trên sân, tuổi thơ tôi ngày trước diễn ra y hệt như nhóm trẻ đang vui đùa, chạy nhẩy và gọi nhau inh ỏi vang xa cả xóm bên cạnh nhà thờ. Tuy nhiên lối chơi của chúng tôi ngày đó khác với lối chơi bấy giờ của đám trẻ đang chơi trước mắt tôi.
    Chúng tôi chơi những trò chơi tập trận gỉa, tập làm du kích bắn Tấy và tập làm kẻ đưa thư mật trong đám đông và cuối cùng trả lời những câu hỏi của anh chị du klích về gia cảnh cha mẹ đang sống do cán bộ du kích hướng đẫn. Đôi khi vắng cán bộ chúng tôi trở về với những trò chơi trẻ con như bịt mắt bắt dê, nhẩy dây v.v.. Nhưng bây giờ chúng đang chơi đấu võ, vật lôn, đánh khăng và chửi lộn tục tũi với tiếng hô bắn súng bằng miệng đùng đùng giữa buổi chiều không có tiếng chuông ngân để gọi tín hữu đọc kinh niệm. Chúng đã làm tôi nghĩ tới những tối trăng rằm học tập kiểm thảo tố giác lẫn nhau, để lấy điểm với mấy anh chị cán bộ du kích quân ngày đó. Những đứa trẻ làng ngây thơ đã được những bà mẹ quê đẻ ra để học đòi chiến tranh, và theo sự tuyên truyền đi tới giết người không ngần ngại như bác Tựa đã không biết gia tộc là gì. Họ vinh danh những đứa trẻ nào dám mang chuyện gia đình cha mẹ ra nói trong buổi học tập, và hô hào chúng tôi phải tranh đua với nhau trong sự đẽo súng gỉa bằng cây để thực tập bắn thực dân Pháp. Họ dạy chúng tôi làm cách nào dò hỏi tin tức để báo cáo cho du kích quân và họ đã dạy chúng tôi ca những bản nhạc tuyên truyền, nhưng sau khi về nhà cha mẹ chúng tôi lại chỉ dẫn phản ngược lại đường hướng cán bộ du kích chỉ dạy, do đó lòng chúng tôi chẳng được yên bình trong yêu thương mà toàn những nghi ngờ đố kỵ lẫn nhau.
 
Vùng trời Đông anh hùng tươi sáng vùng lên…
Đàn bồ câu trắng bay về trong nắng mới…
Đàn bồ cấu xiết tay nhau…
Súng búa liềm trên đường tranh đấu…
tới hoà bình… Nhà máy vang rền lúa vàng…
Đảng Lao Động Việt Nam là dòng máu…
toàn dân đấu tranh…!
 
    Bây giờ những đứa trẻ trước mặt tôi đã không hát những bản nhạc tuyên truyền đấu tranh cách mạnh để kêu gọi giới trẻ hy sinh vì nước nữa, vì hiện tại đã không còn chiến tranh và quân thù mà chỉ còn dân nghèo với ách thống trị của đảng Cộng Sản trong đời sống người dân, do đó người Cộng Sản đã chuyển hướng tuyên truyền mị dân và dạy những đứa trẻ hát những bản nhạc ca ngợi Hồ Chí Minh như một vị thánh, như người cha của dân tộc và vinh danh HCM như một huyền thoại trong nhân gian miền quê hầu người dân dễ tin để tiếp tục hy sinh cho đảng. Cũng như cán bộ chính trị làng đã dạy cho các em luôn luôn có đảng và vì đảng để làm bất cứ chuyện gì với thực chất tam vô trong chính sách mị dân của họ.   
    Những bạn xưa của tôi bây giờ đã vắng bóng, chỉ còn tôi đứng cô đơn tưởng lại hình bóng mình qua lũ trẻ dại dột ngây thơ quê mùa như tôi ngày cũ.
    Tôi nhìn đường thẳng của hai cánh cửa chính của nhà thờ với hai cánh nặng nề đã khép, tự nhiên tôi mỉn cười bước tới đẩy thử xem cánh cửa có mở ra như thủa nhỏ tôi cũng đã làm để lẻn vào trong nghịch ngợm, phá phách một mình một cõi không ngưng tay với chiếc quần sà lỏn đen đủi dơ bẩn không áo, và mớ tóc rối bù bên trong nhà thờ. Tôi đã dùng cây sào thắp nến trên các bệ thờ cao để bắt những con chim sẻ non đậu trên đầu, tay các bức tượng. Tôi đã ham đưổi theo những con chim yếu ớt , cố tình đập những những con chim sẻ đang hớt hãi bay và đậu trên đầu, tay các bức tượng trên cao, nên vô tình đã làm đầu và tay các bức tượng vỡ nát rơi xuống sàn gạch làm vang lên những âm thanh lạnh sắc trong khung cảnh tĩnh mịch của trưa hè quê nội .
    Ngày đó tôi đã bị ông trùm coi nhà thờ bắt tại trận và dẫn tay trao cho mẹ vì lỗi lầm phá nơi tôn nghiêm. Tôi đã bị mẹ bắt nằm xuống giữa sân nhà phạt trận đòn để đời trước khi mẹ tôi đi Hà Nội mua những bức tượng khác đem về trả lại cho nhà thờ.
    Sau đó tôi bị đau nặng cho nên mẹ đã nói rằng : Chúa phạt thằng quỉ con phá nơi thờ phượng nhà chúa.
Mẹ tôi lại phải cõng tôi đi thăm thày thuốc bắc bên làng Vân và sáng chiều đi nhà thờ đọc kinh xin lỗi chúa cho tôi được bình phục trở lại.
    Tuổi thơ tôi là cái ao sâu trước sân nhà thờ và cây gạo trổ bông đỏ. Trước khi tôi biết bơi trong ao, tôi đã nghe anh Kềm, người bạn lớn tuổi bắt con chuồn chuồn ngô cho cắn vào rốn để tập bơi, và sẽ dễ dàng bơi giỏi hơn mọi người.
    Tôi nghe lời anh đi săn bắt bằng được con chuồn chuồn ngô đang đậu trên ngọn cây bắp, can đảm kéo trễ quần sà lỏn, nhắm mắt, cắn môi, nhăn mặt dí miệng con chuồn chuồn ngô lớn bằng ngón tay cái cho cắn vào rốn đến chảy máu. Ấy thế mà tôi vẫn giả bộ anh hùng trước đám trẻ cùng lứa, và nụ cười mỉm hóm hỉnh của anh Kềm để can đảm nhảy xuống ao tập bơi. Nếu không có anh Kềm ngồi trên bờ chắc tôi đã bị chết đuối ngay chiều hè đó.
    Cái ao bên cạnh nhà thờ còn đó trước mặt tôi nhưng anh Kềm đã không còn và bạn bè nghich ngợm phá làng của tôi ngày cũ cũng đã chẳng có ai bên tôi trong nỗi buồn vời vợi hôm nay.
    Cây gạo hoa đỏ trên bờ ao cũng mang vào lòng tôi nhiều kỷ niệm vui buồn. Thủa vàng son tuổi dại tôi cùng Mến cô bé gần nhà thường dẫn nhau chạy tới gốc gạo để ngước cổ nhìn hoa rơi, và đuổi theo hứng từng cánh hoa rụng, vì nếu để hoa rớt xuống đất là hoa sẽ nát và tung ra chung quanh những giọt nước đỏ như máu.. Khi hứng được nhiều bông, chúng tôi xếp lại làm trò chơi bán hàng, hoặc trò cưới hỏi vợ chồng trẻ con với đám trẻ cùng trang lứa ngay bên gốc gạo.
Gốc gạo già đã bị đào từng rễ vất đi, và Mến cũng chẳng còn là cô bé thơ ngây ngày cũ để làm vợ tôi trong tuổi dại khờ.
    Mến cũng đã già và 5 con đã lớn lên trong chế độ Cộng Sản, nên chúng cũng chẳng biết gì về tình bạn của mẹ. Đôi vai Mến gầy cũng như tất cả dân miền Bắc đã gánh cả đời chế độ khắc nghiệt và cuộc sống đói khổ của
những năm chiến tranh kéo dài trên quê hương với hy vọng người dân có ruộng để cày sau khi đánh đuổi thực dân Pháp như Hồ Chí Minh đã nói trong ngày tuyên ngôn độc lập tại Ba Đình.
    Khi Cộng Sản đã cưỡng chiếm được Miền Nam, và thống trị cả nước, người dân miền Bắc tưởng sẽ đầy đủ vui sướng, tự do hạnh phúc hơn, và không còn hy sinh cho đảng CS.
     Không ngờ người dân quê miền Bắc nghèo lại nghèo thêm và lại phải hy sinh thêm cho đảng Cộng Sản nhiều hơn trước, vì cảnh Công An trị bá đạo lạm quyền trong luật lệ tàn nhẫn của CS để cướp đất ngang nhiên của dân nghèo để làm giầu…! 
    Giai cấp đấu tranh của Engels, Karl Marx và Mao đã được thẩm thấu qua chính sách của Mao trạch Đông và Hồ Chí Minh đang áp dụng trên quê hương họ.
    Trước 75, dân nghèo miền Bắc đưọc đảng hướng dẫn tranh đấu bằng đấu tố giữa nhân dân với nhau để tàn sát tiểu tư sản và địa chủ hầu vươn lên thế giới đại đồng. Tiểu tư sản và địa chủ chết, dân bần cùng không còn ai để tranh đấu, đảng CS không còn mục tiêu để mị dân, họ đưa dân vào miền Nam gây chiến tranh bằng câu châm ngôn giải phóng dân tộc đuổi Mỹ như trước 54 chống Pháp làm thiệt mạng mấy triệu dân lành trong ý đồ bá đạo. Sau khi cưỡng chiếm miền Nam họ xoá sạch những gì miền Nam xây dựng để đi tới bao cấp cho những người mà họ cho là có công với nhân dân và dân nghèo toàn diện đất nước.
    Dân làm chủ mọi thứ theo chính sách miệng lưỡi CS, nhưng dân vẫn nghèo mạt rệp, trong khi các đảng viên chính trị bộ của đảng CS là nô bộc của dân lại giàu sụ và trở thành tư bản đỏ.
    Cuối cùng đảng CS đem người dân nghèo ra đấu tố để cướp quyền căn bản công dân và tự do ngôn luận của họ, Việt Nam trở thành nhà tù lớn nhất thế giới.
 Một đường lối tranh đấu giai cấp bánh vẽ chỉ có trong chế độ Cộng Sản …!
 
Ba
   Tôi đứng tiếc nuối kỷ niệm vàng son trong nắng thu về chiều, thỉnh thoảng có những làn gió hiu hắt từ đồng ruộng thổi ngang qua mang theo hơi ẩm và mùi hăng hắc của lúa gịa chưa khô trên cách đồng đang gặt.  
 
Tôi về đây gánh theo đời tuổi dại
Nhớ ngày xưa cô bé đã chơi chung
Nhìn hoa gạo chạy theo tay chụp bắt
Ôm vào lòng sắc máu vỡ tơ nhung
 
Gốc gạo già, thời gian đà thay đổi
Đã đâu rồi hoa đỏ rụng trên không !
Trong nắng chiều xa bay con chim sáo
Cánh vỗ dập dồn vội vã sang sông
 
Kỷ niệm đời vỡ tan ra từng mảnh
Vội vơ vào sắp lại dấu yêu xưa
Ôi thời gan chắt chiu nơi quê nội
Hoa gạo giờ tan rã cánh trong mưa
 
Năm mươi năm kỷ niện xưa còn nhớ
Phím tơ chùng tóc đã trắng còn đâu.!
Buồn đổ lệ bước đi lòng để lại
Giữa hoàng hôn quê cũ một phiến sầu.!
 
     Tay cầm chiếc máy JVC hard disk Camcorder Everio, mắt nhìn vào đám cò trắng đang ồn ào kiếm ăn trên vũng ruộng nước ngập tới mắt cá chân, và thỉnh thoảng có con giật mình vì tiếng động đâu đó đập cánh bay vút lên, rồi lại từ từ hạ xuống. Tôi cũng đã làm chúng bất ngờ bốc cách bay tới ruộng nước khác cách xa tôi vài trăm mét, vì tôi bị ngã trên bờ ruộng hay vô tình để chúng nhìn thấy.
    Tôi cố gắng quay những cánh cò trên quê hương
để làm kỷ niệm già lỡ mai không về, trong khi tuổi đời cũng đã gần thất thập chi thiên mệnh. Tôi cố chộp bắt những hình ảnh quê tôi vào lòng, thì tôi lại càng làm vỡ tan những yên tĩnh của đồng nội, vỡ tan những ký ưc xưa rối bời trong trí bởi xúc động như sóng vỗ dồn dập ùa về khi chiều nắng đã chênh chếc phía tây. Những con chim đang lượm những hạt thóc rơi trên ruộng khô thấy tôi chúng bỏ chạy, hay tung cánh bay đi, hoặc kêu vang gọi nhau tìm nơi an bình khác.
Tôi càng kiên nhẫn bám sát đàn cò để thâu vào ống kính, thì những cánh cò lại luôn luôn chú ý tới tôi, chúng bắt đầu cảnh giác nhau bằng những tiếng kêu khác lạ như báo động cho nhau biết là có tôi đang theo chúng, rồi bỗng chốc chúng đồng loạt kêu vang, tung cánh vút lên trời trong chiều vàng bay về phía chân trời thật xa, chúng bỏ lại tôi bơ vơ nhìn những ruộng lúa vàng ngả ngọn trên cánh đồng đã có những đám mây xám kéo về.
 Tôi lang thang giữa cánh đồng lúa chín mênh mông đứng dõi mắt thật xa để tìm nóc nhà thờ hầu lấy phương hướng về làng.

    Tôi đang vấp ngã ì ạch và lảo đảo trên những bờ ruộng trơn chợt vì sấp nước, và tôi đã cười lớn để phục tôi 
sao ngày xưa tôi chạy trên những bờ ruộng lúa này không bị ngã …hay thế!
    Bỗng có một bà cầm cái cuốc chạy tới bên hỏi tôi :
–     Ê Trống, mày còn nhớ tao không ?
Tôi chợt liếc nhanh bà ta với chân lấm tay bùn cầm cái cuốc và quần áo chẳng lành, đội chiếc nón hơi rách cạp, và tóc cũng đã hoa râm, với da nhăn cằn cỗi. Tôi đoán chừng bà ta khoảng 70.
–     Tôi không còn nhớ bác là ai, tôi xin lỗi bác. Sao bác biết tên tôi ? Tôi lúng túng trả lời.
    Bà ta bật cười :
–    Xin lỗi cái con khỉ. Tao thấy có người lạ về làng và hỏi thăm mới biết mày về làng đấy chớ. Mày còn nhớ quê là hay lắm, nhiều người đi rồi không về. Họ quên luôn, hay chết mất xác nơi xứ người..!
–   Tôi về đây lần này là lần thứ hai. lần trước tôi về có khoảng một tiếng đồng hồ rồi đi ngay. Bác là ai vậy sao tôi không nhớ được…!
–     Vậy à…! Chăc tao gìa lắm rồi nên mày nhận không ra …!
    Tôi nhìn kỹ người lạ một lần nữa,i lắc đầu.
–           Thú thực tôi không biết bác là ai. Tôi bỏ đi lâu quá rồi. Đối với ai trong làng này đều lạ đối với tôi.
–           Hồi còn nhỏ tao và mày ưa chơi bắt ú tim ở sân nhà thờ.
–    Mày không nhớ tao thật à ?
   Tôi thắc mắc nhìn lại bà ta lần nữa để tìm kiếm trong
kỷ niệm thủa nhỏ, may ra nhận được người lạ là ai.
Nhưng tuyệt nhiên tôi không tìm ra một chút gì gợi nhớ cho tôi. Tôi lắc đầu. 
–     Thật tình tôi không nhớ bác là ai.
    Bà ta lại cười một cách thân mật :
–    Bác cái đếch gì! Mày quên cũng phải thôi…! Tao quê mùa tối ngày trong làng không đi ra khỏi ruộng lúa. Tao nhỏ tuổi hơn mày. Tao là cái Sao con ông Chương ở làng Vân có cây nhãn trước nhà, mày thường tới trèo lên hái nhãn cho tao ăn.
–     Mày nhớ chưa ?
    Tôi nhíu may suy nghĩ, và hình ảnh ngày xưa tuổi dại hiện ra.
–    Ồ ra Sao… Mấy cháu rồi…! Xin lỗi nghe, tôi quên Sao thật đấy…!
    Tiếng Sao cười vang.
–     Ba đứa, hai trai một gái, chết thằng lớn trong Nam đi bộ đội, tao tìm không ra xác nó, còn hai đứa đã có gia đình rồi.
–     Tụi nó làm gì ?
–     Một thằng đi bộ đội ở trên tỉnh, đứa con gái lấy chồng ở làng Thành Lập con trai thằng Khải đấy, Mày nhớ thằng Khải con ông Bạ Tỵ không ? Tao tất cả sáu cháu rồi. Mày thì sao ?
–     Từ ngày bỏ làng ra đi tôi vẫn không có gì cả… Chạy dài như Sao thấy đó.
–     Nhưng mày sưóng hơn tao. Mày đi đủ nơi, biết được mọi thứ, còn tao cứ ở cái quê nghèo này hoài…!
–     Số trời mà.
Nói xong tôi dúi vào tay Sao 20 chục đô la. Mặt Sao buồn hẳn lại lẩm bẩm như khóc.
–     Tao hỏi thăm mày không phải là xin tiền đâu ! Tao mừng được gặp lại bạn cũ thế thôi. Tao sống nghèo ở đất này quen rồi…! Sao mày lại đưa tiền cho tao, mặc dầu tao nghèo.
Tôi bùi ngùi.
–     Tôi tặng Sao đó mà…! Hơn nữa tôi bận lắm không nhớ ai để đi thăm, gặp nhau ngay trên cánh đồng quê này là may rồi…! Cố gắng sống nghe Sao… Ngày mai tôi đi rồi…
Sao luồn 20 đô la vào túi aó, sau lời cám ơn rồi trố mắt nhìn tôi.
–     Mày đi bao giờ mày lại về ? Chắc khi mày về làng lần nữa thì tao đã chết rồi.! Đám bạn của mày và tao đã chết gần hết rồi…!
Tôi cúi đầu giấu nỗi buồn, nói với Sao.
–     Thôi chào Sao nghe…! Mong rằng mình sẽ gặp lại.
–     Mày đi bằng an nghe Trống…
   Tôi cúi đầu bước đi thật nhanh như chạy trốn những kỷ niệm chợt bùng lên trong trí nhớ mà ở đó có Sao, có Mến, có Khải…có những người bạn trẻ vui đùa tắm ao tắm sông… và có cả ông bà nội ngoại ngày xưa…!
Quê tôi đó…! Quê tôi nghèo nàn và oan nghiệt như một vết đâm lút cán vào hồn tôi với những gì tôi tìm thấy và nghe được…
    Những con cò mang xác người thực sự đã không còn hoà bình trên đồng nội, mà thực ra họ đang chết dần mòn trên chính mảnh đất yêu thương cằn cỗi từ thủa nào cha ông để lại, nay họ cố giữ nhưng không biết
bao giờ sẽ phải buông tay vì kiệt sức …!
 
Ôi tự do và hạnh phúc…!
Tôi vẫn thế bưóc đi hồn bỏ lại
Lệ không dâng sao mắt lại chợt cay
Không thổn thức sao trong lòng sóng động
Đông không về sao có gió heo may…!
 
Viết để nhớ lại một ngày về làng Thành Lập
 
San Jose Feb. 24, 2007.