Văn

NHỮNG VỊ “ANH HÙNG NHÂN DÂN”

NHỮNG VỊ “ANH HÙNG NHÂN DÂN”

Tôi về quê tôi trong một ngày đầu xuân, ngày xuân có gió nhẹ nhàng, có những cành đào tươi nở và có cả lòng người chờ mong thương yêu. Lâu lắm rồi tôi không về, kể từ lần đầu về bây giờ đã 15 năm, con đường vạn lý cứ mãi giằng kéo bước chân tôi xa quê, mải mê với bước “giang hồ” nên quê cũ vẫn là một nơi chốn chỉ để nhớ để thương.

Thật ra với một người như tôi mà thương nhớ quê là rất lạ, vì trang lứa tôi sinh ra trên đường vào nam ( 1954 ) lớn lên ở miền Nam, có mấy ai nhớ về quê cũ đâu. Khác với những người như vậy, tôi gắn bó với quê một cách sâu đậm và hằng nhung nhớ trong lòng.

Lần đầu tiên về quê, chỉ một mình mà tôi dám về quê, những bất ngờ mà quê dành cho mình càng làm tôi càng thương nhớ quê hơn, người “nhà quê” đã đón tôi bằng cả một tấm lòng thương mến. Tôi đã về để đi trên con đường “dong nhà mình”, cứ ngỡ đâu đây cha mẹ mình vừa đi qua, vào nhà “cụ xã” ( ông nội tôi ), ngồi ở bậc thềm nhìn ra cầu ao trước nhà, tôi vụt đứng lên bước vội ra cầu ao, đúng rồi, mẹ tôi bảo: “Cầu ao nhà ông Xã có ba bậc, bậc thứ hai mẻ một miếng ở bên phải”.

Bà con hàng xóm đến thật đông để chào và nghe tôi nói chuyện, tôi chợt nhớ một điều bèn hỏi: “Ai là… con Nga, con bà Nguyệt ?” Một bà cụ khoảng 70 tuổi móm mém đứng lên: “Con ạ !” Mọi người bật cười còn tôi bối rối. Tôi vẫn thường nghe mẹ tôi kể rằng “Con Nga, con bà Nguyệt” hay bện rơm xoắn lại, dọa anh tôi: “Tao bắt mẹ mày” thế là anh tôi sợ và khóc chạy về quấy mẹ, câu chuyện đã lâu lắm rồi, anh tôi năm nay đã tròm trèm 70, thế mà tôi quên mất !

Lần đầu tiên tôi dâng lễ ở Nhà Thờ họ tôi ( Giáo Xứ quê tôi có họ nhà xứ và 4 họ lẻ ), những gì cha tôi kể như hiển hiện ngay trước mắt tôi, từng cái cửa, cái bàn, cái ghế cũ kỹ, cái Cung Thánh sơn son thếp vàng, cái rương gỗ của cha già Trúc để ở phòng thánh… Tất cả còn hết, còn nguyên vẹn. Tôi ứa nước mắt ra khi nhìn mọi sự vật cha tôi đã kể tỉ mỉ cho tôi nghe, mọi cái còn đó, chỉ có cha tôi, người con đi biệt xứ kể từ cái đêm bị ruồng bắt năm 1945, ôm ấp mãi trong lòng ước muốn một lần về thăm quê, thăm mọi người, thăm mồ ông mả cha, thắp cho ông nội tôi một nén nhang tạ tội mà không được. Cha tôi đã mất để lại cho chúng tôi nỗi nhớ quê nhà…

Ông nội tôi chết ở đình làng khi bị giam cầm chờ ngày mai xét xử trong cuộc đấu tố cải cách ruộng đất. Nghe kể lại rằng, đêm đó cô tôi bò vào mang theo nắm cơm cho bố ăn, nhưng khi vào đến nơi sờ vào người cha mình thì ông tôi đã chết rồi, ông tôi chết một cách uất ức vì ông tôi có phải là địa chủ đâu, chân lấm tay bùn quanh năm. Mẹ tôi bảo: “Ông cả đời nhịn ăn nhịn mặc, chẳng bao giờ dám hoang phí một đồng, cả ngày lặn lội ngoài ruộng, thế mà bị gán là địa chủ !”

Sau năm 75, có một người trong số những người đấu tố ông nội tôi vào Nam tìm đến gặp cha tôi, họ nói lời xin lỗi cha tôi, hôm đó cha tôi không trả lời câu nào hết, ông lặng người đi, gục đầu vào bàn thờ ông nội tôi, khi quay ra, tôi thấy mắt cha tôi đỏ hoe. Hôm đó, cha tôi bảo làm cơm đãi người ta ăn và khi chia tay, cha tôi lấy một ít tiền chia sẻ với ông ta, hình như mẹ tôi rất khó chịu về điều này, sau này tôi được biết, ngày đó cha tôi cũng gật đầu chấp nhận cho ông ta tiếp tục sống trên cái “thổ nhà mình”, vì cha tôi bảo: “Mình có về nữa đâu mà giữ !” Hôm tôi ở quê, đứa em con bà cô, đứa em còn cố giữ được thổ nhà ông tôi gợi ý: “Anh sang thăm thổ nhà bác”. Tôi ngần ngừ rồi trả lời: “Thôi em ạ !”

Dĩ nhiên là người “nhà quê” đã không để tôi yên, tình cảm yêu thương dồn nén, một ngày phải dâng ba lễ, bao nhiêu loại lễ mừng, lễ giỗ họ, đem cả vào hai ngày tôi ở quê mà yêu cầu tôi “ban” cho, đành vậy. Những giờ khác, chú tôi, ông “tiên chỉ làng” dẫn tôi đi thăm các nhà có liên hệ, danh sách đã được ông định trước và không ai dám cãi ông.

Ông dẫn tôi đền nhà cụ Trùm Bát, cụ Trùm Bát ốm liệt nằm trên giường đã mấy tháng nay, cụ chẳng xa lạ gì với tôi vì cha tôi hay kể về cụ, kể về người bạn hiền lành và thân thiết năm xưa ở quê nhà, thậm chí tôi còn biết nhiều chuyện khá riêng tư của hai cụ nữa, nhưng có một chuyện mà tôi không biết, bất ngờ trong lần đầu tiên về quê được cụ bà tiết lộ, đó là: “Thưa cha, con là bạn của bà cố, ngày xưa con đi phù dâu cho bà
cố !” Lần ấy, tôi về lại Sài-gòn, hỏi mẹ tôi, cụ nhăn mặt suy nghĩ rồi trả lời: “Chẳng nhớ nữa, chắc vậy”.

Lần này cụ bà bị điếc nhưng vẫn còn khỏe, cụ bà loay hoay bên tôi, người co rúm lại cười cười nói nói rất hồn nhiên. Cụ ông nằm liệt giường, việc đầu tiên là “ăn mày phép giải tội”, cụ thở giốc nói được vài lời, họ quấn quanh cụ những chăn bông, những áo len, những mũ len, tất cả cũ kỹ cáu bẩn, mùi hôi, mùi ẩm mốc…

Sau những “lời khuyên bảo“, cụ đưa tay run rẩy luồn vào tấm áo trong, tìm kiếm phía trên ngực, “Thưa cha, con có chút tiền dâng cha lo việc Nhà Thờ”. Cụ tiếp tục run rẩy tìm kiếm, tôi đã nói lời từ chối không nhận tiền vì nghĩ rằng cụ rất nghèo, chẳng có là bao, để cụ lấy tiến đó mà lo thang thuốc, nhưng cụ nhất định không chịu. Khi tôi sang nhà bên cạnh, người ta cầm sang cho tôi một “nắm” tiền và cho biết đó là tiền của cụ. Tôi đã bật khóc khi tối về xem xét lại “nắm” tiền đó, 20 tờ 1.000 đồng mới tinh và 6 tờ 5.000 đồng cũng mới tinh.

Tôi biết cụ đã cho tôi tất cả cái cụ có, khi kể lại câu chuyện này cho một người quen, chị ấy thốt lên: “Hai đồng tiền bà góa !” Cám ơn Chúa đã cho con được cảm nghiệm Tin Mừng một cách rất cụ thể, và con đã có được cảm nghiệm đó khi con đi gặp người nghèo.

Có một “vị Anh Hùng Nhân Dân” mà tôi đã hân hạnh được viếng thăm, bất ngờ hơn, lại là người mà tôi “còn có họ”. Bà đáng được phong danh hiệu như vậy. “Nhân Dân” bởi chính bà là người dân hiền lành chất phác, căn nhà nhỏ bé ba gian lợp ngói kiểu đồng bằng Bắc Bộ, khung cảnh cuối đông ảm đạm càng làm cho cái vẻ nghèo nàn tăng thêm.

Trời rét lạnh nên tuổi già còn phải chịu quấn quanh người cái áo len dầy cộm, ông chồng của bà vẫn tươi cười chia sẻ: “Con đau yếu chẳng làm gì được, đành ở nhà nội trợ, còn nhà con phải lên Hà Nội ‘lội chợ’ kiếm ít tiền”. Thế nhưng khi lao mình vào chốn thành thị ấy, thì người đàn bà chân quê nhận ra cái lẽ phải và sự thật, cái nhận thức rất đơn giản của người nhà quê yêu mến Giáo Hội và kinh nghiệm thế nào là sự giảo quyệt. Bà luôn có mặt ở hàng ngũ những người đi đầu trong các cuộc đòi chân lý. Trong những ngày tháng căng thẳng, có một người đàn bà nhỏ bé duy nhất lọt vào Tòa Khâm Sứ cũ, quỳ trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi cầu nguyện một mình, hình ảnh đó được phát đi khắp nơi cho mọi người chiêm ngưỡng, hình hài nhỏ bé đó là chính bà. Bà hồn nhiên cho biết: “Thưa cha, con cầu nguyện với Đức Mẹ thì con sợ gì ai ?” Người mẹ “Anh Hùng Nhân Dân” ấy là mẹ của một Linh Mục.

Có một “Anh Hùng Nhân Dân” khác tôi cũng được gặp khi về quê, người đàn bà quả cảm ôm tượng Đức Mẹ vào đặt tại bể nước trong khu “linh địa Đức Bà”, cũng như người mẹ Anh Hùng kia, người này cũng xuất thân từ chuyên ngành “đồng nát” ( ve chai ), kể từ khi vụ việc Thái Hà xảy ra, bà nhận ra cái “lạnh lẽo đạo nghĩa” của mình, bôn ba khắp thiên hạ rồi cũng chẳng đi đến đâu, bà dừng chân ở linh địa, khởi viết lại trang sử đời mình từ những ngày đi đòi chân lý và nguyện gắn bó sống chết với điều đã chọn lựa, bà nói: “Có bắt con đi tù thì phải lo mà nuôi cơm con, con vẫn cứ đi đòi cho đến khi nào có được chân lý và sự thật”.

Có một ai đó đã viết về quê tôi, miền quê có truyền thống gìn giữ và bảo vệ Đức Tin mạnh mẽ, miền quê nghèo nhưng không nghèo lòng quả cảm, miền quê đã sản sinh ra nhân vật nổi tiếng của Giáo Hội một thời, Đức Cha Phạm Năng Tĩnh, một anh hùng của Đức Tin, miền quê đó hôm nay lại hun đúc một con người, Giuse Ngô Quang Kiệt, một gương mẫu mới của lòng yêu mến và quả cảm, sao miền quê đó lúc này im ắng quá. Không im ắng đâu, bởi vẫn còn những bà mẹ nghèo nhưng giàu lòng quảng đại, vẫn còn những bạn Taxi, xe ôm và đồng nát kiên cường.

“Các cha cứ gọi, chỉ vài phút sau chúng con sẽ có mặt tại Thái Hà”…

Lm. VĨNH SANG DCCT, 7.2.2009

LM. Vĩnh Sang, DCCT