Tin Văn Thơ Lạc Việt

Những bài viết về ký giả Cao Sơn (2)

CAO SƠN : Một đời vất vả.Giao Chỉ, San Jose.

Tại miền Nam vừa có tin ca sĩ Việt Dũng qua đời thì kế tiếp đến miền Bắc Cali ký giả Cao Sơn cũng ra đi. Lẽ dĩ nhiên 2 con người khác biệt, 2 hoàn cảnh khác biệt và 2 sự nghiệp khác biệt nên không thể so sánh. Tuy nhiên vẫn có 1 vài điểm tương đồng. Cả 2 anh đều được biết rằng sẽ ra đi bất cứ lúc nào. Định mệnh đã xác nhận ngày tháng đo bằng gang tấc. Cả 2 đều được bà con anh em địa phương biết đến. Và cả hai chưa được đăng báo ghi rằng hưởng thọ ở tuổi cao niên. Một người ngoài 60 và một anh mới trên 50. Dường như toàn thể hải ngoại đều nhắc nhở đến nghệ sĩ đấu tranh Việt Dzũng. Ở vùng San Jose khiêm tốn, tôi chỉ viết đôi hàng về Cao Sơn. Hãy nói về chuyện ra đi. Hôm trước Việt Dzũng chết ở miền Nam. Hôm sau, anh chị em báo chí Bắc Cali đến nhà thăm Cao Sơn. Ông nhà báo Tin Việt News vẫn còn mạnh mẽ phán rằng:"Tội nghiệp, tuổi Dzũng còn quá trẻ.". Sáng chủ nhật, đến lượt Cao Sơn lên đường theo Việt Dzũng. Tội nghiệp, tuổi cũng chưa già.
Con người chẳng hề thấy niềm vui.
Sống ở San Jose trong làng truyền thông, trong giới thương mại, trong sinh hoạt cộng đồng, chẳng ai là không biết Cao Sơn. Gặp mặt là ồn áo, ca cẩm, phàn nàn và dung mạo luôn luôn khó khăn. Có thể chắc chắn rằng trong làng báo chí hải ngoại không ai vất vả hơn Cao Sơn. Vừa viết báo, vừa bỏ báo thiếu gì chủ báo làm cả hai nghề. Vừa quản lý, vừa thu tiền, thiếu gì chủ nhiệm kiêm cả hai việc. Vừa lấy tin vừa gây lộn, thiếu gì ký giả đóng cả hai vai. Vừa chụp hình, vừa chạy bàn, thiếu gì nhiếp ảnh gia bao cả 2 chức vụ. Riêng Cao Sơn làm cả tám nghề. Tuy nhiên anh chàng lại có tinh thần của anh hùng Lương Sơn Bạc. Chơi toàn bài võ anh em. Đã là hảo hán, đã là anh em thì phải chơi hết mình với anh em. Chẳng phải là thời kỳ bây giờ ở ngoài hải ngoại. Ngay trong nước ngày xưa, Cao Sơn đã chơi trò chính chị, chính em. Đấu tranh bên trong bên ngoài. Giang hồ từ Pleiku xuống Saigon. Để rồi dù chẳng phải là chiến binh, chẳng phải là chính trị gia, cậu Nguyễn văn Tấn cũng bị cộng sản cho vào tù cùng với các can phạm lừng danh Saigon. Cao Sơn Nguyễn văn Tấn tự Tấn Mốc hân hạnh mang tội biệt kích văn nghệ để vào nằm Chí Hòa với Hoàng Hải Thủy, Trần Dạ Từ, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Thương Hoàng . . .
Trước khi vào tù, thời VNCH, Cao Sơn đã là 1 tay nổi danh vì hết lòng với anh em. Đến khi vào tù, tinh thần huynh đệ vẫn tiếp tục. Vì vậy tội tình chẳng ra sao mà cậu Tấn Mốc cũng đã bóc cả chục cuốn lịch. Ai sao ta vậy. Tấn Mốc là hỗn danh anh em đã đặt ra cho Cao Sơn từ thời còn làm báo ở Sài Gòn.
Khi ra đến hải ngoại, tính tình nóng nẩy bộp chộp, ngôn ngữ thẳng thừng đã tiếp tục gây nhiều sóng gió. Đám người ghét bỏ không hề biết rõ đầu đuôi lại còn có lần chụp mũ Cao Sơn là cộng sản.
Cao Sơn và Tin Việt.
Đối với làng báo San Jose, báo Tin Việt của Cao Sơn là tờ báo ra sau, tờ báo đàn em so với các tờ báo khác có trên 30 tuổi thọ. Tuy nhiên nhờ Cao Sơn tả xung hữu đột nên tờ báo vẫn còn sống. Khi trồi, khi sụt. Trời nắng , trời mưa. Đã nhiều lần báo chết cả tháng, rồi sống lại. Thiếu tiền đóng cửa một tuần là chuyện thường. Cãi cọ vốn là chuyện dài thường trực. Có lần, cũng tại Paloma ông Tin Việt News tranh cãi với Huỳnh Lương Thiện, Mõ San Fran. Thiện lớn tiếng nói rằng: Cao Sơn, anh tưởng anh ngon? Anh có biết ai đẻ ra Tin Việt News không. Chính Huỳnh Lương Thiện đây này. Cao Sơn không chịu thua. Mặt nghênh lên phán rằng: Đẻ mà không nuôi được còn khoe nỗi gì. Tiếp theo ông chủ biên, ông ký giả, ông chụp hình, tức là Cao Sơn vừa ôm báo vừa đeo máy hình. Vừa bỏ báo vừa loan tin để nuôi Tin Việt gần 18 năm qua. Cao Sơn không làm TV, không làm radio, nhưng anh chàng tự mình luôn luôn là 1 đài TV và radio lưu động. Tin hiếu hỷ trong cộng đồng, Cao Sơn luôn luôn biết trước. Dù tin vui hay buồn. Việc thông báo rất ồn ào."-Tướng Đạm chết hồi khuya. Ông Nguyễn Bá Cẩn vào nhà thương chắc không qua khỏi. Bên hội IRCC niên trưởng có chia buồn 1 trang không? Kỳ này bên hàng Vàng và bên ái ữu cùng tổ chức 1 ngày, em đi 2 nơi chụp hình, mệt muốn chết. Tưởng là viết tin đã mệt nên đi chụp hình cho khỏe hơn. Nào ngờ chụp hình layout cũng quá vất vả. Tưởng đi đòi tiền mà dễ à. Khó lắm."
Tuy vậy, trong các kỳ hội đoàn tổ chức gây quỹ từ thiện Cao Sơn thường là người đạt thành tích vận động cao nhất.
 

Bây giờ anh ký giả ồn ào nhất San Jose mới thực sự nằm yên nghỉ. Sau khi cẩn thận viết di chúc để lại cho anh em. Chỉ dẫn công việc ma chay đâu ra đấy. Nhưng không biết chàng chỉ định ai chụp hình, ai viết tin. Cũng chẳng ai biết tương lai Tin Việt News sẽ ra sao. Vĩnh biệt Cao Sơn, rồi đây nhớ mãi không quên…

—————————————

Tản mạn về bạn tôi, Cao Sơn Nguyễn Văn Tấn

“Chỉ nhớ là lũ chúng tôi đi đâu cũng có nhau, từ chơi bời, ăn, ngủ cho tới những sinh hoạt nổi, chìm. Tấn lúc nào cũng sát cánh và là một tay phụ trợ đắc lực cho quán Văn về sau . Tấn cũng là một hiền nhân khác hay đứng mũi chịu sào ghi sổ nợ cơm hàng cháo chợ cho những ngày lang thang đói rách cho toàn thể phe ta” (trang 70).
  Cali Today News – Bạn tôi, nhà báo Cao Sơn Nguyễn Văn Tấn, qua đời vào lúc 10 giờ 15 phút sáng ngày 22 tháng 12 năm 2013. Tin này không làm tôi bàng hoàng sửng sốt cho lắm. Bởi vì, cũng như một số bạn thân của anh, tôi cũng ước chừng được khoảng thời gian anh sẽ ra đi.
 
Chỉ tiếc rằng, nếu anh chịu khó nán lại vài giờ thôi, thì Ban Tổ chức Đại nhạc hội cứu trợ nạn nhân bão Haiyan Phi Luật Tân và miền Trung Việt Nam đã có cơ hội đem đến tận nhà anh, để trao cho anh tầm bảng ghi công, trong việc chung mà anh đã đóng góp công sức rất nhiều trong việc vận động tài chánh.
 
Thực ra, bạn tôi vốn là một người không mảy may quan tâm tới hình thức hay lễ bộ rườm rà. Mà anh chú trọng tới Tấm Lòng. Anh đến với bạn bằng tấm lòng nhiệt thành. Và các bạn đáp lại, y chang như thế, là đủ. Bởi thế, bạn tôi có rất nhiều bạn. Để rồi, điều này sẽ được chứng minh qua đám tang của anh.
 
Riêng đối với những bạn, chưa hiểu rõ bạn tôi nhiều, thì những lời trình bày sau đây của tôi, hy vọng, sẽ làm các bạn cảm thấy “gần gũi” với anh nhiều hơn.
 
Nếu vậy, thời gian sẽ phải được kéo trở về mấy chục năm trước, thuở mà anh em chúng tôi trong thời gian theo học ở các trường Đại Học Sài Gòn, đã cùng hoạt động trong một đoàn thể mang tên là “Hàng Ngũ Sinh Viên Quốc Gia Chống Cộng”. Hội đoàn này ra đời vào khoảng giữa thập niên 1960, nhằm chống lại bọn sinh viên phản chiến và nằm vùng Việt Cộng, vào lúc đó, đang thao túng khắp các phân khoa thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Bởi vì kẻ viết bài này cũng là một thành phần chủ lực trong đoàn thể, nên không thể tự khoe mình theo kiểu “mèo khen mèo dài đuôi”. Nhưng ít ra, anh em chúng tôi, cũng đã làm anh em sinh viên quốc gia thời đó lên tinh thần, và làm cho bọn sinh viên nằm vùng, thiên Cộng cảm thấy như bị kỳ đà cản mũi. Và chúng, đã phản ứng bằng bản án tử hình khoảng gần hai chục anh em chúng tôi như: Phạm Quân Khanh (Chủ tịch – hiện đang sinh sống tại Canada), Phạm Phúc Hưng (đã qua đời hơn 10 năm qua tại San Jose), Phạm Tài Tấn (Thư Sinh), Phạm Bằng Tường, Nguyễn Tường Quý, Khổng Trọng Hinh, Nguyễn Văn Tấn (Cao Sơn), Bùi Hồng Sĩ, Ngô Vương Toại, Hồng Nguyên Sĩ, Phạm Quốc Bảo.
 
Photo Courtesy:Vietbao
 
Người đầu tiên lãnh đạn là sinh viên Ngô Vương Toại xảy ra vào khoảng 9 giờ đêm 20 tháng 12 năm 1967 tại giảng đường lớn nhất của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Sinh viên Văn khoa Ngô Vương Toại lúc đó ra ứng cử chức vụ Phó Chủ Tịch Nội vụ trong một liên danh gồm những sinh viên quốc gia chống lại liên danh thân Cộng. Ngô Vương Toại tổ chức đêm văn nghệ này với sự tham dự của Khánh Ly và Trịnh Công Sơn. Giờ giải lao, một đôi nam nữ ăn mặc như sinh viên thuộc đội ám sát Biệt Động Thành Cộng Sản, nữ mặc áo dài, mắt mang kiếng, tay ôm một chiếc cặp lớn căng phồng, bước lên sân khấu cầm máy vi âm lớn tiếng công bố bản án tử hình Ngô Vương Toại. Xong kéo khoá mở cặp, rút súng bắn vào bụng Ngô Vương Toại. Toại chỉ bị thương nặng và thoát chết, chính là nhờ bạn chúng tôi, Cao Sơn Nguyễn Văn Tấn vì lanh trí, phản ứng kịp thời, cầm chiếc ghế nhào lên cứu bạn liền bị tay nam đặc công bắn vào chân ngã quỵ. Bạn tôi chỉ bị thương nhẹ. Bạn tôi đã cứu được một người bạn.
 
Sau đó, anh hầu như xông xáo khắp các phân khoa, phản ứng và đối phó nhiều trường hợp nguy hiểm ngặt nghèo và cứu được nhiều bạn bè khác như trường hợp sinh viên Trần Lam Giang bị nhóm sinh viên Việt Cộng đánh vào sau ót trong phòng họp tại buổi hội thảo của sinh viên tại Đại Học Dược Khoa năm 1964.
 
Trong tất cả các trường hợp nêu trên, không phải bạn tôi võ nghệ cao cường gì cả. Mà anh làm nhiệm vụ của một nhân viên thuộc Phủ Đặc ủy Trung Ương Tình báo, đặc trách sinh viên học sinh Sài Gòn thuở đó. Nên với vị thế vừa là nhân viên an ninh của chính quyền, vừa là bạn học, vừa là bạn đồng chí hướng chống Cộng- bạn tôi đã chứng tỏ được một tinh thần quốc gia cao độ, mà đồng thời cũng đối xử vẹn tình vẹn nghĩa với bạn bè. Cái mối ân tình này kéo dài tận đến bây giờ.
 
Nên các bạn đọc sẽ không lấy gì làm lạ, khi thấy tôi và bạn Phạm Bằng Tường lúc nào cũng kè kè bên bạn Cao Sơn trong những lúc cà phê cà pháo, trà dư tửu hậu.
 
Kết bạn như thế, tưởng có thể xưng hô với nhau theo kiểu mày tao chi tớ, nhưng lúc nào bạn tôi cũng kêu tôi bằng anh, mặc dù bạn chỉ kém tôi 3 tuổi. Ngay cả Phạm Bằng Tường, chỉ già hơn Cao Sơn có một tuổi đời. Đó cũng là một đặc tính hiếm có từ nơi một người bạn vốn nổi tiếng hơn bọn tôi rất nhiều.
 
Ngược lại với tính biết trên biết dưới, thì bạn tôi cũng có nhiều tật xấu. Mà cái tật xấu nhất là tính tình nóng nảy. Lúc nóng nảy, Cao Sơn không trừ một ai, kể cả Trần Thị Thu, người vợ hiền lành chung thủy. Và cũng chỉ vì nóng nảy, bạn tôi đã vô tình tạo ra những rào cản lãng nhách cho sự phát triển của tờ Tuần báo Tin Việt News, đến độ tờ báo đã trở thành mỏng le mỏng lét như bây giờ. Dù rằng, bạn tôi có thể đổ lỗi vì nguyên do khách quan, là tình trạng đang tuột dốc của nền kinh tế trong cộng đồng người Việt. Bạn tôi có ba đầu sáu tay, thì cũng không tài nào vực tờ báo trở lại thời huy hoàng muời năm về trước.
 
Nhưng nếu kiểm điểm lại giùm bạn, thì tôi thấy trong chừng mực nào đó, thì tờ Tin Việt News cũng có giá trị, là đã đóng góp rất nhiều trong những sinh hoạt cộng đồng. Trong đó, những phóng sự bằng hình, được đánh giá cao so với những tờ báo khác tại vùng Bắc Cali này. Bạn tôi tâm sự, làm loại phóng sự bằng hình này, tốn rất nhiều công sức. Nhưng kết quả thu về rất khiêm tốn. Điệp khúc than thở bất mãn này, tôi và Phạm Bằng Tường được nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần. Tới độ, nhiều lúc, chúng tôi tưởng như tờ Tin Việt News sắp … sập tiệm. Ấy vậy, mà tờ báo vẫn sống lây lất, do tài xoay sở của bạn tôi. Bí quyết? Khỏi phải dài dòng, đã biết xoay sở, thì cơn nóng bắt buộc phải hạ hoả. Nếu bạn tôi lúc nào cũng biết hạ hoả, thì tờ báo đã là một tờ báo lớn cả chục năm về trước rồi. Vì anh là một nhà báo có thực tài và có kinh nghiệm làm báo từ trước 1975. Về tuổi đời làm báo ở trong làng báo Bắc Cali này, có lẽ, bạn tôi chỉ thua kém hai bậc đàn anh là Thanh Thương Hoàng và Ký Còm Vũ Bình Nghi.
 
Riêng tôi, nhiều bạn cứ tưởng rằng tôi “trên cơ” Cao Sơn. Nhưng thực sự, không phải như vậy. Trong lúc bạn tôi cộng tác với nhiều tờ báo lớn trước 1975, thì tôi chỉ là một anh nhà báo tài tử, không vượt khỏi khuôn viên trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.
 
Và tuy kiếm được nhiều tiền trước năm 1975, vì vừa lãnh lương của Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình báo, vừa viết báo lãnh tiền nhuận bút, sau này lại là Tùy Viên Báo Chí cho Tướng Ngô Dzu (Quân Đoàn 2), nhưng túi vẫn thường xuyên rỗng, vì tính bạn tôi rất hào phóng với bạn bè. Điều này đã được một người bạn thân khác của chúng tôi, nhà thơ Hoàng Xuân Sơn ghi lại trong quyển sách “Cũng cần có nhau” mới xuất bản và sẽ ra mắt vào ngày 19/1/2014 tại Quận Cam. Nguyên văn như sau :
 
“Chỉ nhớ là lũ chúng tôi đi đâu cũng có nhau, từ chơi bời, ăn, ngủ cho tới những sinh hoạt nổi, chìm. Tấn lúc nào cũng sát cánh và là một tay phụ trợ đắc lực cho quán Văn về sau . Tấn cũng là một hiền nhân khác hay đứng mũi chịu sào ghi sổ nợ cơm hàng cháo chợ cho những ngày lang thang đói rách cho toàn thể phe ta” (trang 70).
 
Cái tật ấy, vẫn không chừa, khi bạn tôi làm báo ở bên Mỹ. Vào những dịp có giải bóng đá, không thể thiếu mặt anh trong quán cà phê quen thuộc, bạn tôi lao vào những màn cá cược. Khi thắng cuộc, thì những món tiền đó đều tuôn ra hết, qua bia rượu với bạn bè.
 
Người ta bảo, rượu là một trong những nguyên do gây ra bệnh ung thư gan. Đã thế, bạn tôi còn phì phèo thêm mỗi ngày một gói ba con số 5 nữa. Nên có lẽ hai thứ ấy đã rút ngắn đời bạn tôi. Nhưng bù lại, anh có rất nhiều bạn bè. Mà đã là bạn nhậu, thì không có bạn “xấu”.
 
Phải chăng, đó là luật bù trừ của tạo hoá dành cho một con người như Cao Sơn chăng? Nhưng tôi biết chắc một điều, tất cả các bạn ấy đều rất thương tiếc cho sự ra đi của Cao Sơn, một người bạn chân tình, biết chơi xả láng với mọi người. 
Trong canh bạc đời, Cao Sơn cũng có những màn xả láng, nên không nhiều thì ít, đã gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân và gia đình. Hậu quả là một số “nón cối” đã chụp lên đầu bạn tôi. Nhưng với thời gian, mọi tin đồn ác ý về bạn tôi đã được giải tỏa. Đúng như câu nói bất hủ, cái gì của Cezar, sẽ phải trả lại cho Cezar.
 
Một người chị bạn, vốn ở trong phong trào bãi nhiệm, Little Saigon, khi nghe bạn tôi bị ung thư gan thời kỳ cuối, đã nhờ tôi chuyển tới anh cuốn sách mang tựa đề là “Niệm Phật- Chuyển hóa tế bào ung thư” – với hy vọng bạn tôi sẽ hết bệnh khi đọc xong cuốn sách này. Nhưng tôi chưa chuyển kịp, thì bạn tôi đã ra đi.
 
Tôi biết, bạn tôi ra đi, rất bình yên. Vì mọi việc liên quan đến hậu sự, bạn tôi đã để lại di chúc cho vợ con. Và xin tiễn bạn bằng bài thơ mới nhất của Hoàng Xuân Sơn viết từ Montreal (Canada) :
 
“Rồi Cao Sơn với cao sơn
Ở làn da thịt âm gờn gợn tan
Hai con mắt nhíu hoang đàng
Nhìn chương phổ lục còn mang dấu cười
Mượn hình phía lũ cơ ngơi
Mấy phiên hàm dưỡng Tần phơ Tấn chiều
Còn. Vẫn còn đấy nguyên tiêu
Lắng nghe sáo dục ngân thiều bội phương 
 
Thư Sinh

 Nguồn : baocalitoday.com

Quốc Nam gởi người dưới mộ: Cao Sơn & Việt Dzũng.


Kính thưa qúy đồng nghiệp.

Chúng tôi xin gởi đến Quý Vị bài viết ngắn về 2 người cầm bút vừa vĩnh viễn ra đi: Nhà báo Cao Sơn & ca nhạc sĩ Việt Dũng. Kính mong quý Website cho phổ biến rộng rãi.
Kính chúc Quý Vị & qúy Web một năm mới gặp vạn sự như ý và thành công mọi mặt.
QUỐC NAM
Global Saigon HD Radio

Vĩnh biệt Nhà truyền thông Cao Sơn.
Bạn tôi, ký giả kỳ cựu Cao Sơn đã ra người thiên cổ, chỉ sau em Việt Dzũng đúng 2 ngày. Anh từ giã cỡi đời này vào ngày 22 tháng 12 năm 2013 tại Thung Lũng Hoa Vàng San Jose (Bắc California). 
Tôi và anh từng cộng tác với Hãng Tin Hỏa Tốc (THT) của nhị vị Giáo sư Lê Thành Khôi và Trần Lam Giang vào cuối thập niên 1960. Văn phòng THT ở gần Nhà Thờ Huyện Sĩ, đường Lê Lai. Cao Sơn cũng làm chung với tôi ở nhật báo Lập Trường mà chủ nhiệm là nhà tướng số/chính trị gia Vũ Tài Lục. Vào thập niên 1970, Cao Sơn làm thêm cho Hãng Tin Việt của Anh Phan. Còn tôi về Hãng thông tấn Tin Miền Nam (TMN News Agency) làm việc trong vai trò Chủ Biên kiêm Phó Giám Đốc. Văn phòng Hãng này nằm trên lầu hai khách sạn Catinat mà chủ nhân là Dân Biểu Trần Quý Phong. Dưới lầu là Phòng trà ca nhạc Đêm Mầu Hồng với Ban Hợp Ca Thăng Long.
Tháng 8/2013, tôi trở lại San Jose, để cùng một số chị/em Phụ Nữ Tài Năng tổ chức Đại Hội Văn Chương Phụ Nữ VN Toàn Cầu kỳ 3. Nhà báo Cao Sơn đã lăng xăng chạy qua chạy lại hỗ trợ Đại Hội hết lòng, mặc dù lúc đó anh đang mang bệnh ung thư khá nặng. 
Sau 3 ngày Đại Hội, tuần báo Tin Việt do anh làm Chủ Bút đã dành 2 trang báo lớn (khổ nhật báo) đăng tin tức và hình ảnh về Đại Hội, với hàng tít dài "Dù bị đánh phá nhiều tháng trước ngay khai mạc, Đại Hội Văn Chương Phụ Nữ Việt Nam Toàn Cầu kỳ III vẫn đạt thành quả tốt đẹp ngoài ước muốn của Ban Tổ Chức".
Những ân tình đó, tôi không bao giờ quên được, Cao Sơn ơi! Vĩnh biệt Bạn Hiền.
QUỐC NAM
Global Saigon HD Radio
Vài nét về Ký Giả Cao Sơn

– Nhà báo Cao Sơn tên thật là Nguyễn Văn Tấn. Ông sinh năm 1946, tốt nghiệp lớp báo chí đầu tiên của Việt Tấn Xã. ở Việt Nam. Bút hiệu đầu tiên của Ông là Thiên Hương, sau là Cao Sơn.

Nhân viên Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo VNCH.

Thành viên Liên Minh Á Châu Chống Cộng.

Thành viên Hàng Ngũ Sinh Viên Chống Cộng, Chủ Tịch là Phạm Quân Khanh (hiện ở Canada)

Sĩ quan báo chí cho Tướng Ngô Dzu (Tư Lệnh Quân Đoàn 2 Quân Khu 2)

Trong Ủy Ban Liên Hiệp Quân Sự 4 Bên. (1/1973-3/1973)

– Phụ trách Hãng Tin Hỏa Tốc cho Lê Thành Khôi / Trần Lam Giang (Đường Lê Lai)

– Đặc phái viên của Hãng Tin Việt của Anh Phan.

Đi tù cải tạo 10 năm, trại Gia Trung, giam chung với: Bình luận gia Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Thi sĩ Hà Thượng Nhân, Nhà Thơ Trần Dạ Từ (Phu quân nữ văn sĩ Nhã Ca), Nhà báo Thanh Thương Hoàng..vv..

– Đến Mỹ theo diện HO năm 1995, định cư tại San Jose, làm báo Tin Việt News, với bút hiệu là Cao Sơn cho đến ngày Ông qua đời.


Vĩnh biệt ca nhạc sĩ Việt Dzũng, đã vĩnh viễn xa lìa trần thế vào ngày 20/12/2013. Anh nhận hung tin với nỗi buồn sâu kín. Nguyện cầu Linh hồn em sớm về huởng Nhan Thánh Chúa trên cõi Thiên Đàng.

Anh em chúng tôi đã gặp nhau vào tháng 9 năm 1975 tại thành phố Springfield (tiểu bang Missouri), khi VD mới 17 tuổi. Tôi và họa sĩ/điêu khắc gia Phạm Thông thành lập Cơ Sở Văn Hóa Đông Phương và xuất bản tạp chí Hoài Hương từ tháng 8/1976. Dạo đó, mỗi cuối tuần, tôi thường mướn rạp chiếu bóng Mỹ để chiếu Phim VN cho đồng bào định cư ở 4 tiểu bang Missouri, Kansas, Iowa & Nebraska. Tôi nhớ rất rõ vào dịp Tết Nguyên Đán đầu năm 1977, tôi trình chiếu phim "5 Vua Hề Về Làng" tại King Cinema ở khu downtown Kansas City. VD chống nạng đến gặp tôi để xin hát 1 nhạc phẩm trên sân khấu. Tôi phải chạy đi tìm Manager của rạp ciné để mượn 1 micro. Thế là trước khi mở màn chiếu phim, tôi đã sắp xếp cho VD ôm Tây ban cầm hát 1 nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn (lâu quá, nên tôi quên tên bài hát). Hơn 1 ngàn khán giả trong rạp vỗ tay hoan hô vang dội.

Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, VD được trình diễn trên 1 sân khấu lớn của rạp Mỹ.

Trong thời gian ngắn vừa qua, nhiều người (cả báo chí nữa) viết sai về những nơi cư ngụ củc VD. Tôi xin ghi như thế này mới đúng: VD đi từ Missouri – Nebraska – Oklahoma – Texas, cuối cùng là Nam California.

Tôi còn biết khá nhiều về một vài bi kịch mà VD từng trải qua. Tôi xin phép được kể lại vào dịp khác.

Ngủ yên ngàn đời nghe Việt Dzũng. Anh vẫn thương em như ngày mới gặp cách đây hơn 38 năm.

QUỐC NAM, poet

www.saigonhdradio.com

Vài hình ảnh sau cùng trong cuộc đời của nhà báo Cao Sơn

 CaliToday News .
Cổ nhân nói: Sinh, lão, bệnh, tử. Bốn từ ấy nói lên “vòng tử sinh” tất yếu của kiếp người, không một ai không “bước” qua… Nhưng tôi xin chọn 5 tấm hình sau cùng mà tôi đã “bấm máy” về phía anh, nhà báo Cao Sơn, vừa mới từ giã cõi trần tục này vào sáng Chủ Nhật 22, tháng 12, 2013
  San José, Chủ nhật 24 tháng 11 2013, nhà hàng Phú Lâm
Trương Xuân Mẫn: Anh Cao Sơn ơi, Anh mệt phải không?  Về nghi ngơi đi, ngồi làm gì mà khổ quá vậy?
 
Cao Sơn: (giọng thều thào, yếu ớt) Về sao được, mình còn theo dõi lễ ra mắt của tân BCH của Hội Bạch Đằng….
 
Trương Xuân Mẫn: Anh cho tôi chụp anh tấm hình làm kỷ niệm nha!!!
 
Cao Sơn: Ông là phóng viên nhiếp ảnh, quyền tự do của ông… tôi chả có ý kiến gì đâu.
 
San José Thứ bảy 7 tháng 12, Grand Century Mall
 
Trương Xuân Mẫn: Anh Chót, chú Nhơn ơi, đưa anh Cao Sơn vào Paloma café đi, ngoài này lạnh lắm, anh ấy chịu không nổi đâu!
 
Cao Sơn (người thứ hai trong 5 người, từ trái qua. Ảnh này là tấm ảnh sau cùng của tôi với anh): Để tôi …không sao, tôi ở đây  theo dõi kết quả đại nhạc hội cứu trợ Philippines và Việt Nam cho đến hết.
 
Lẽ ra, tôi không nên phụ chú điều gì, vì tấm ảnh tự nó, đã nói lên tất cả rồi. Tôi chỉ sợ mình thiếu sót….
 
Cổ nhân nói: Sinh, lão, bệnh, tử. Bốn từ ấy nói lên “vòng tử sinh” tất yếu của kiếp người, không một ai không “bước” qua… Nhưng tôi xin chọn 5 tấm hình sau cùng mà tôi đã “bấm máy” về phía anh, nhà báo Cao Sơn, vừa mới từ giã cõi trần tục này vào sáng Chủ Nhật 22, tháng 12, 2013, như thắp một nén hương và hàm ý như muốn nói lên ý nghĩa của: Sinh – lão – bệnh – tử – …và như lời cầu nguyện, mong cho linh hồn anh sớm siêu thoát để trở lại cõi “Sinh” của 

 

 
Trương Xuân Mẫn, SJ,23,12, 2013

Nguồn : baocalitoday.com


Cao Sơn Rũ Bỏ Cuộc Chơi

 

Tôi gặp anh Cao Sơn năm 1970 tại Pleiku, lúc đó anh làm tùy viên báo chí cho Trung tướng Ngô Dzu tư lệnh Quân đoàn II. Còn trẻ, năng động và thân tình.

Hai mươi lăm năm sau chúng tôi gặp lại nhau ở Mỹ. Lúc này anh có vẻ già dặn hơn nhiều. Mười năm trong tù, anh hận thù Việt Cộng còn hơn khoảng thời gian hoạt động chống Cộng ở đại học Văn khoa Sài gòn những năm về trước. Trước là tay sai Cộng Sản đội lốt anh em. Bây giờ Cộng Sản chính gốc đã lộ diện cả rồi nên đánh không cần nương tay nữa. Anh bắt đầu lại cuộc đời mà Cộng Sản đã cướp đi khoảng thời gian đẹp nhất.

Tại San Jose anh làm tờ báo Tin Việt, ít lâu sau đổi thành Tin Việt News. Tờ báo đã gây nhiều sóng gió tại San Jose. Anh tự hào là tờ báo mang tin trung thực cho nên người ghét cũng nhiều và kẻ thương cũng lắm. Tôi chưa thấy ai làm báo mà chịu nhiều áp lực. Áp lực tứ bề, người ta gọi là bốn bề thọ địch. Nhưng anh, Chung quanh nhìn đâu cũng thấy người chống đối. Kẻ thù chống đã đành, cả bạn bè củng chống bởi vì tính anh ngay thẳng, việc gì cũng nói toạc móng heo, không dè dặt, không cả nể và nhất là không nhường nhịn ai bao giờ. Cuộc đời làm báo thật nhiều thương đau. Sau này tờ báo đổi tên thành Tin Viêt News do người vợ trẻ là bà Trần Thị Thu đảm trách chủ nhiệm, cô con gái độc nhất Việt Hà giúp đỡ về layout. Năm anh đến Mỹ cháu Việt Hà mới 10 tuổi đã đoạt giải Thiếu Nhi Xuất Sắc của Hội Tết Fairground, bây giờ đã tốt nghiệp đại học về báo chí. Còn Cao Sơn đi tìm tin. Suốt ngày anh miệt mài ở cà phê Paloma và các quán cà phê khác để săn tin. Trong anh là cả một kho tàng tin tức. Tin để đăng báo, tin để nói chuyện tầm phào, tin thâm cung bí sử, tin trong nhà ngoài ngõ. Tin quan trọng nói thì thầm, tin bông lông để chửi toáng lên. Vì những tin đó, có thật, có giả nên nhiều người đâm ra ghét anh. Riêng anh em quân nhân không bao giờ chấp nhứt. Cứ huynh đệ chi binh trên hết. Dù ai nói đông nói tây thì ta vẫn vững như cây giữa rừng. Cứ uống cạn ly đầy, rót đầy ly cạn oang oang câu chuyện, không tỵ hiềm không thù ghét. Xem ra tình giữa các quân binh chủng với người tùy viên báo chí Cao Sơn lúc nào cũng đậm đà sôi nổi. Ngay cả việc chung sự của mình, anh cũng ủy thác cho các bạn quân nhân một thời say tỉnh, tỉnh say lo liệu.

Hôm nay anh rũ bỏ cuộc chơi, từ giã những thật, những giả, từ biệt người thân và kẻ ghét để về chốn bình an. Cách đây khỏang bốn tuần một buổi họp mặt tại nhà anh Chinh Nguyên để tâm tình với anh, nào có ai biết rằng anh đi sớm thế.

Khi thành lập Ban Cứu Trợ Nạn Nhân Bão Hải Yến, Cao Sơn tất tả ngược suôi, anh đem cái sức tàn của mình ra lo tổ chức, lo tìm tiền cứu trợ. Số tiền nhờ anh giúp sức đã lên đến gần 100.000 dollars đã gói bao nhiêu tình thương của kẻ sắp ra đi cho người bị nạn bên kia biển Thái Bình Dương. Một hoạt động cuối cùng của con người mang bệnh trầm kha.

Ngày Chủ Nhật kế tiếp Ban Tổ Chức Cứu Trợ làm sẵn một bản ghi công, nhưng anh không đến nhận. Nhìn tấm bản ghi công lạc lõng cùng với tin anh vừa mới ra đi khi trời vừa sáng đã làm mềm lòng những người có mặt. Một phút mạc niệm linh hồn Cao Sơn là phút mặc niệm đầu tiên sớm nhất cho chương trình tiễn biệt anh.

Hôm nay cũng ngày Chủ Nhật anh em Văn Thơ Lạc Việt về đây để vĩnh biệt anh và đưa anh về nơi vĩnh cửu. Nơi đó anh không còn lo cơm lo áo, anh cũng chẳng cần sớm lạnh, mưa chiều, anh cũng không còn lo tin, lo bài. Tại đó anh gạt bỏ mọi tỵ hiềm để nhìn xuống trần gian tục lụy để thấy mình đã rũ bỏ cuộc chơi, đã phủi sạch nợ trần. Linh hồn anh phơi phới hân hoan trên cõi niết bàn.

Vĩnh biệt Cao Sơn

 

Đông Anh

————————————————

Ký Giả Cao Sơn Của Tuần Báo Tin Việt News Tại San Jose Vừa Mới Qua Đời!
Một Nhà Báo chống cộng đã ra đi 

Cao Sơn….!
Tôi nhìn bầu trời xám mùa đông xứ ngoại
Một cánh chim bay xa ngút ngàn…
Anh buồn viễn xứ..
Tôi cười lưu vong…
Anh khóc bên chén rượu tàn tiệc
Tôi ngẩn ngơ lòng nhớ cõi xa xăm…
Quê Mẹ Việt Nam.
Anh bỏ đi vĩnh viễn 
không về…
Tôi ở lại thương anh…
Lệ nhỏ…Tóc phai….
Thù hận chưa quên…
30 tháng 4 ngày bỏ xứ…

Chinh Nguyên