Tin Văn Thơ Lạc Việt

Nguyễn Viết Tùng : Cáo Phó về Giáo Sư Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh

 

THÀY NHƯ CHA.

Thày theo nghĩa quê tôi : Thày cũng như cha, do đó tôi may mắn có hai người thày. Một người thày sinh ra tôi cho tôi su hướng về chính trị dân tộc : “Chính kiến chính trị về quốc gia có thể thay đổi, nhưng tình tự dân tộc không hề, và không thể thay đổi để phản bội nòi giống”, và một người thày cho tôi tư tưởng phóng khoáng tự do ngôn luận: “Dư luận là quan tòa phán xét, tuy nhiên có đúng và có sai. Người làm báo phải đứng giữa dư luận để được tư do nhìn, nghe, suy nghĩ và trung thực để viết với ngòi bút không thể bẻ cong. Thày nói con nghe "Không thể bẻ cong ngòi bút của con…!"”.
Tôi muốn nhắc tới Thày Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh coi tôi như con trong nhà, do đó vài buổi họp riêng gia đình vợ chồng tôi đều được thày cho góp mặt, và Thày thường nhắc tôi với những người con của thày : Chinh Nguyên là con nuôi của bố.
 Cái duyên để tôi được học Thày khi tập tễnh vào ngành báo chí, cái tình được thày nhận là con nuôi, để rồi trong những năm dài chiến tranh tôi và thày ít khi gặp nhau, mổi lần về Sài Gòn là tôi chạy vội tới Thày để có vài phút kính thăm và nghe lời Thày dạy, rồi hấp tấp ba lô về lại miền Cao Nguyên có nắng bụi mưa rừng và nghe đạn pháo xa vọng về nhịp đêm trong ánh hỏa châu.

       Đời lính và tỵ nạn làm thày trò xa cách nhau với nỗi nhớ và kính trọng trong tôi, nên những lời Thày dạy tôi không quên :

      Nếu có dịp may con ra làm báo, con phải nhớ ba điều :

1/ Đạo đức trong cách viết dù hoàn cảnh nào.
2/ Tôn trọng độc giả.
3/  Không bao giờ, con nhớ nhé ! Không bao giờ viết theo cảm tính nên tin tức phải trung thực
      và không có phê bình. Con viết để  độc gỉa đọc và tự suy sét .

Tôi ôm lời dậy dỗ, kinh nghiệm của hai người thày trong đời sống như đi giữa hai con đường sắt tư tưởng chính trị, ngôn luận đạo đức song song hầu giữ tôi vui vẻ, hoà đồng và ngay thẳng để bước tới.

Tôi gặp lại Thày tại San Jose và từ đó tôi là tài xế của Thày trong bất cứ thời gian nào, và đi bất cứ nơi đâu thày muốn. Mỗi lần thày trò ngồi bên nhau tôi ít nghe thày nói về tin tức báo chí, nhưng tôi được nghe những lời kinh nghiệm về cuộc sống của thày, Thày thường nhắc tới khoa học big bang của vũ trụ, thường nói về tôn giáo và tư tưởng Tam Giáo Đồng Quy,  luôn nhắc tới nơi chốn cội nguồn giống nòi Việt, và cuối cùng là tình yêu thương gia đình thày ví như một quốc gia thu hẹp.

Tôi thiên về hoạt động văn chương nơi hải ngoại nên mời thày làm cố vấn cho Cơ Sở Văn Thơ Lạc Việt, thày nhận lời và đã cùng với cố Thi Sĩ Hà Thượng Nhân giúp Văn Thơ Lạc Việt trong những hoạt động văn hoá nghệ thuật, và chính trị trong sự đoàn kết anh em.
 
Sau tháng 3, 1975 Thày bị đọa đầy trong trại tù Cộng Sản hơn mười năm, và sau ngày tỵ nặm tại hải ngoại, Thày viết thật nhiều trong mục Bình Luận Trước Thời Cuộc gởi các báo tại Hài Ngoại và Radio truyền thông, Tôi đã xin thày gom lại để làm thành sách, thày đã đưa cho tôi cả trăm truyện ngắn thày đã viết nhưng không đăng báo. Tôi đã cùng thày trọn lựa thành tuyển tập “ Những Mùa Xuân Trở Lại”, rồi tiếp theo là một tựa để rất lạ “Khí Công Tâm Pháp”, một cuốn sách tôi chưa bao giờ nghe thày nhắc tới, nhưng trong khi làm việc chung với Thày để hoàn thành cuốn “Khí Công Tâm Pháp” Thày đã nói :

– Nhờ “Khí Công Tâm Pháp” này mà Thày đã sống sót trong xà lim biệt giam của Cộng Sản. Thày đã nằm bên cạnh người chết bị cùm chân để sống còn !

Hai cuốn sách “Những Mùa Xuân Trở Lại” và “Khí Công Tâm Pháp” đều thành công khi phát hành và lưu lại trong lòng người đọc .  

 Ngày July 15, 2012 có buổi tiệc mừng 20 năm thành lập và phát giải Văn Thơ Lạc Việt tại Nhà Hàng Phú Lâm, San Jose tôi đã không thưa với thày về việc này vì thày bệnh (Ung thư xương tới trưởng hợp ba) không thể ngồi được lâu, nhưng sau khi thày đọc báo và biết chương trình của Văn Thơ Lạc Việt, thày đã nhất định đi dự, lời thày nói :

   Thày nhất định đi dự tiệc của Văn Thơ Lạc Việt, vì con là con của thày. Thày bỏ con không
     được !

Anh Nguyễn Viết Tùng con ruột thày và tôi đã bàn nhau về tình trạng của Thày để đưa Thày tới đúng giờ hầu làm thày vửa lòng. Tôi trông dáng dấp thày yếu đuối, còm cõi nương vào anh Tùng bước vào cửa nhà hàng trong khi quan khách vui vẻ như ngày hội lớn, tôi sực nhớ tới bài thơ “Hổ Nhớ Rừng” của Thế Lữ  làm lòng tôi quặn đau và ứa lệ thương kính người thày đã vì đứa học trò con nuôi mà hy sinh.

Tôi đã cắt lời phát biểu của tôi đễ nhường lời cho thày, thày đã nói rất nhiều về sự cố gắng phát triển về văn học và đứng vững trong môi trường khó khăn tại hải ngoại của Cơ Sở Văn Thơ Lạc Việt, Thày cũng không quên lời yêu thương nhắn nhủ đối với tôi.

Tôi không ngờ những lời nói đó đã là lời nói cuối cùng của thày trước thân hữu, thành viên của Văn Thơ Lạc Việt trong sự xúc động của thày và tôi tại buội tiệc mừng 20 năm thành lập Văn Thơ Lạc Việt.

Ngày Aug. 12, 2012 thày đã ra đi vào thế giới bình yên không hận thù.

Bây giờ hai người Thày cũng đã lần lượt bỏ tôi ra đi an nghỉ cùng một nơi Oak Hill Memorial Park, 300 Curtner Ave. San Jose 95125, và tôi cũng sẽ có những dịp vào thăm, thắp nhang thì thầm với hai Thày mỗi cuối tuần. Thày cũng như Cha…!

Thày đi nước khóc sầu cau mặt.
Núi lặng buồn thương trắng lệ bay…!
Con ngẩn ngơ lòng ôm kỷ niệm
Ngàn thu sắc úa vọng chiều nay…
 

Con xin kính Thày. 

Chinh Nguyên.

Aug, 12, 2012.

PHÂN ƯU

Chúng tôi vô cùng thương tiếc được tin

 

Giáo sư, Bình Luận gia
SƠN ĐIỀN NGUYỄN VIẾT KHÁNH

 

Sinh ngày 02 tháng 10 năm 1921

Đã về cõi Phật vào lúc 8 giờ 15 phút sáng ngày 12 tháng 08 năm 2012

(Nhằm ngày 25 tháng 6 năm Nhâm Thìn)

Tại tư gia, San Jose California. USA.

 

Hưởng Thọ 92 Tuổi

 

Linh cữu được quàn tại: OARK HILL MEMORIAL PARK

300 Curtner Ave, San Jose Ca 95125

 

 

 

Ban Cố Vấn, Ban Điều Hành và thành viên Văn Thơ Lạc Việt khắp nơi
xin cầu nguyện hương linh
Giáo sư , Bình Luận Gia Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh được vui hưởng nơi Niết Bàn   

  

 

 
Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh đã từ trần, hưởng thọ 92 tuổi.

*
(VNC) Nhà báo lão thành  Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh đã từ trần hồi 8:00 giờ sáng ngày 12/8/2012 tại nhà riêng ở San Jose, California, hưởng thọ 92 tuổi. 

Ông sinh năm 1921  tại Bắc Giang,, gia nhập làng báo  từ năm 1948 tại Hà Nội.

Nhà báo Nguyễn Viết Khánh đã cùng với Nhà báo Hồ Văn Đồng thành lập Văn phòng Việt Nam Thông tấn Xã đầu tiên tại Hà Nội năm 1950. Ông cũng là ký gỉa chiến trường Việt Nam đầu tiên đi theo các cuộc hành quân của Quân đội Pháp và Quân đội Quốc gia Việt Nam từ năm 1951 tại chiến trường miền Trung.

Từ năm 1965, ông  nhận chức vụ Tổng Thư Ký Tòa Soạn Việt Nam Thông Tấn Xã tại Sài Gòn, khi ấy do ông Nguyễn Ngọc Linh làm Tổng Giám đốc.
Là người thông thạo Anh, Pháp, Nhật ngữ, nhà báo Sơn Điền còn say mê viết về Khoa Học Không Gian và Vũ Trụ; bình luận và phân tích thời cuộc cho một số nhật báo lớn ở Saigon với bút hiệu Việt Lang Quân; ông còn là dịch gỉa của nhiều tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, Nghệ Khuông, Gia Cát Thanh Vân từ nguyên bản chữ Hán. 

Ông  đã sang Nhật tu nghiệp và thực tập về báo chí tại thông tấn Kyodo, thông tấn Jiji, nhật báo Mainichi.  

Sau tháng tư 1975 cũng như hàng trăm đồng nghiệp nhà báo, nhà văn, tại miền Nam, ông bị Cộng Sản bắt đi tù  suốt 12 năm. Trong thời gian lao động khổ sai tại trại tù cải tạo Gia Trung Pleiku, cùng với các Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, Mặc Thu Nguyễn Đức Sinh, Dzõan Quốc Sĩ có lúc ông bị cùm trong phòng tối, bị đánh đập và bị bỏ đói một thời gian dài. Những người bạn đồng tù với ông đều thừa nhận tư cách hiểu biết của ông. Lúc nào cũng bình tĩnh, hòa nhã. Hai ông bà sang Mỹ đòan tụ với các con năm 1992. Bà mất cách đây vài năm.
Về phương diện giáo dục, nhà báo Sơn Điền đã  có những đóng góp rất lớn cho ngành báo chí VN, dạy môn báo chí tại các trường Đại học Vạn Hạnh và Chính Trị Kinh Doanh ở Đà lạt. Ông rất quan tâm đến việc đem những tiêu chuẩn báo chí quốc tế huấn luyện cho giới trẻ VN, kể từ khi miền Nam Việt Nam có trường dạy Báo chí cấp Đại học từ sau năm 1965.    

Tại hải ngọai, những Bài bình luận thời cuộc của ông được đăng tải trên nhiều Báo Việt ngữ.

Ông còn là Tác gỉa của Tác phẩm “Những Mùa Xuân Trở lại”và “Khí Công Tâm Pháp”.

  
 
 
  
 
Tin và bài liên hệ:
Bài nói chuyện trong buổi Ra Mắt Sách: “NHỮNG MÙA XUÂN TRỞ LẠI” của Giáo Sư Sơn Điền Nguyễn viết Khánh ở tòa soạn báo Người Việt, quận Cam Cali .
Kính Thưa Qúy Thầy,
Kính Thưa Qúy Vị và các bạn.
Tôi rất vinh dự và sung sướng được đề cử thay mặt hằng nghìn môn sinh của Thầy lên đây có vài lời về Thầy Chúng Tôi .
Cuộc đời của Thầy tôi là cả một pho sách dầy 86 chương mà chương nào cũng đầy ắp những bài học qúy giá cho cá nhân tôi, bởi thế khi nói về Thầy qủa thật tôi không biết bắt đầu từ đâu và chấm dứt nơi nào!
Thật là điều nghịch lý khi các bậc trưởng thượng khả kính đã nói về tác phẩm của Thầy; trong khi tôi, kẻ hậu bối, lại trình bày về tác phẩm của chính mình .
Vâng, thưa qúy Thầy và qúy vị trong một dịp gần đây tôi có viết bài trong trang nhà của hội AHCSV VH mà hôm nay tôi xin được phép cùng chia sẽ với qúy vị .
Thầy tôi
Lẽ ra tôi phải nói Thầy chúng tôi, nhưng không hiểu sao trong tận đáy lòng vẫn còn những nhỏ nhen đời thường, vẫn thích sự chiếm hửu, tôi vẫn đang học ở Thầy tình thương là gì? nhưng bài này vẫn khó tiêu hóa !
Thầy tôi trọng tuổi, trong những lần trò chuyện cùng Thầy tôi thường đùa Thầy chẳng còn Thầy nữa, vì Thầy của Thầy đã ra người thiên cổ hết rồi.Tuy tuổi hạc đã cao nhưng Thầy còn minh mẫn và khỏe lắm. Trong các bạn chúng tôi xấp xỉ 60 tôi lóang thóang thấy có những anh trông còn “tệ” hơn Thầy nhiều , cho dù Thầy từng trải qua hơn 12 năm trong trại cải tạo ở Việt Nam, Thâỳ vẫn còn bước đi chắc chắn, mắt Thầy vẫn còn rất tinh tường, Thầy vẫn lái xe v. v…
Tôi còn nhớ vào khỏang những năm 1960, 1961 khi tôi bắt đầu làm quen với những chuyện kiếm hiệp dã sử trong các trang nhật báo tôi rất thích đọc nào là “Người đẹp thành Phiên Ngung”, “Lửa cháy Phiên Ngung Thành” rồi “Lệnh xé xác” và cũng từ đó tôi bắt đầu làm quen với tên một dịch giả, đó là Sơn Điền Nguyễn viết Khánh: dịch “Cự Linh Thần Chưởng” và một phần bộ “Cô Gái Đồ Long”, tôi biết đến Thầy tôi từ dạo ấy. Thầy chính là một trong những ký giả đầu tiên của Việt Tấn Xã khi mới thành lập vào năm 50 ở Sàigòn và sau đó 1951 ở Hà Nội, sau chuyển vào Huế năm 1952 và năm sau vào Sài gòn, và Thầy sau đấy giử chức Tổng Thư Ký . Thầy là ký giả Việt duy nhất của miền Nam đi dự Hội Nghị các Quốc Gia Phi Liên Kết tổ chức lần đầu năm 1955 tại Bandung, Indonesia, khi gửi bản tin qua “điện tín” thời ấy chưa có dấu tiếng Việt Thầy phải vừa nhìn, nghe vừa viết bằng Pháp ngữ, Thầy cũng từng là Nghiên cứu sinh về Báo Chí ở Nhật, như thế tôi biết chắc Thầy thông thạo, Hán, Nhật, Pháp và Anh Ngữ, còn ngôn ngữ nào ngòai tiếng Việt mà Thầy thông thạo, tôi hòan tòan không rõ, vì có bao giờ Thầy nói về chính mình đâu ? Những điều tôi biết được từ Thầy chẳng qua là học lóm từ những câu chuyện Thầy tâm sự cùng tôi .
Tôi còn nhớ vào những năm 93, 94 tôi bắt đầu đọc được bài của Thầy thường xuyên trên các điện báo, Thầy chuyên viết trong mục Trước Thời Cuộc, những bài của Thầy luôn chứa nội dung thật xâu sắc, luôn là một bài học cho những học trò của Thầy, riêng tôi rất thích những nhận xét về chính trị của Thầy, nhận xét của Thầy luôn vượt trên cục bộ, tôn giáo … Tôi nhớ một hôm vào khỏang cuối tháng 8, trong một dịp nói chuyện cùng Thầy, Thầy bảo tôi, con có thấy Mỹ đã thua ở Iraq và Trung Đông không ? Bây giờ muốn ngăn chặn và đánh khủng bố Mỹ nên nhìn về Phi Châu, nơi mà đạo Hồi đang bành trướng rất nhanh, vào Phi Châu Mỹ phải vào bằng tình thương, xóa đói giảm nghèo, mở mang tri thức, trị bịnh Aids cho người dân ở đây chứ không phải dùng súng đạn như những nơi khác thì mới mong chiến thắng. Ôi nhận xét của bậc Quân Sư ! Ngòai những bài bình luận chính trị, những bài viết của Thầy về khoa học rất là hay, Thầy thường bảo tôi Thầy là Science-Writer, nếu Thầy phải viết về chính trị chẳng qua vì thời cuộc mà thôi.
Tôi còn nhớ trong lần ghé thăm Thầy đầu tháng 9/2006, Thầy đã nhắc tôi câu chuyện mà Thầy đã nói với tôi dể cũng 5,6 tháng trước về ánh sáng nguyên thủy phát xuất từ đâu vào lúc nào, một lần nữa rất cặn kẽ và Thầy còn đưa tôi xem tờ báo Time số ra tháng 9 nói về hiện tượng Big Bang, trong ấy đã chứng minh thêm cho tôi về những chi tiết được ghi lại bằng hình ảnh, và những may mắn ngẩu nhiên mà những khoa học gia đã có dịp để đo và khẳng định ánh sáng đã có từ 14 tỉ năm về trước, tôi nghe Thầy trình bầy nhìn những hình ảnh báo Time đưa ra, tôi nghĩ thêm về Thầy tôi, Thầy tôi là người suy tư về những hiện tượng vật lý hằng cữu đến 14 tỉ năm trước hèn chi những sự việc đang xẩy ra và những vật chất hiện hửu xung quanh đối với Thầy chắc chỉ là những sát na hiện diện (?) điều này càng làm cho tôi hiểu thêm Thầy tôi, và tôi càng kính phục người hơn nữa . Thầy cũng chia xẻ với tôi về căn phòng Thầy đang sống tuy đơn chiếc, nho nhỏ nhưng đầy ắp tình thương cho dù Cô đã qua đời gần giáp năm, Thầy cho tôi xem những hình ảnh mà Thầy lo cho Cô, Thầy chỉ cho tôi nơi Cô nằm khi còn tại thế, chiếc giường be bé sóng đôi với chiếc giường của Thầy, vẫn đấy, vẫn ấm áp tình phu phụ của Thầy và Cô . Tôi thật sự xúc động khi được nghe những lời dịu dàng khi Thầy tôi nhắc về hiền phụ của Thầy, ánh mắt Thầy dường như long lanh hơn, giọng Thầy dường như có chiều sâu hơn và lòng tôi đã rung động từ khi nào ? Tôi nhìn Thầy tôi trìu mến thương yêu như đứa con vừa từ nơi xa xôi nào về thăm Bố để nghe câu chuyện của Mẹ vừa mất gần năm như mới vừa hôm nào gần gủi lắm … Trong bức ảnh nơi an nghỉ của Cô mà phần bên cạnh đã ghi sẳn tên Thầy như những lời hứa hẹn đầu tiên Thầy đã nói với Cô hơn 60 năm trước (?) và đó chính là những ấm cúng mà Cô của tôi đang bình an nơi cỏi niết bàn. Thầy chỉ tôi những dòng chử được khắc trên mộ bia, Thầy bảo Thầy muốn viết trên sổ ghi cho khách thăm viếng tang lể, nhưng nhà quàn Oak Hill không có bộ chử tiếng Việt trong computer của họ, nên Thầy đành dịch sang tiếng Anh
Đấy Thầy của tôi thế đấy, bảo sao chúng tôi không ngưỡng mộ Thầy, Thầy luôn là tấm gương sáng cho bản thân còn qúa nhiều dục tính của tôi ! Đến thăm Thầy để nhìn thấy Thầy sống thật đơn giản, tôi có cảm tưởng Thầy không thiếu những thứ Thầy cần cho cuộc sống hằng ngày mà Thầy vẫn tự lo, theo sự chọn lựa của Thầy (?) và không có thừa những thứ Thầy không cần đến, Thầy thường nói với tôi nhà Thầy bừa bộn lắm vì Thầy là nhà báo mà lị, nhưng tôi thấy còn gọn hơn nhà tôi chán !
Thầy còn cho tôi xem những dự tính làm việc của Thầy trong những ngày sắp đến, những bài vở Thầy chuẩn bị đã được sắp xếp thứ tự, tôi đến giật mình, Thầy tôi gần 90 mà chỉ nghĩ đến tương lai (?) nghĩ đến những việc sẽ làm năm tới, còn tôi, còn tôi chưa đến 60 mà luôn nghĩ về qúa khứ và đang mơ ước hưu non ?
Tối hôm ấy anh Khổng trọng Hinh có tổ chức show nhạc thính phòng “Mừơi Tác Giả, Mười Tiếng Hát”, Thầy bảo tôi Thầy sẽ ngồi phía dưới với chúng tôi, Thầy luôn luôn muốn gần các học trò của Thầy, và tôi hơi ngạc nhiên đêm ấy Thầy đã tham dự từ đầu đến cuối chương trình, tôi nhớ tối hôm ấy sau khi màn nhung đã khép kín anh em chúng tôi phần vui hội ngộ, phần hào hứng về sự thành công của chương trình đã tụ tập phía trước hí viện tán ngẩu thật lâu, mà chính Thầy cũng rất muốn góp vui với chúng tôi nhưng vì đã quá nửa đêm nên Thầy đành ra về vì con Thầy đang chờ . Ngày hôm sau gọi thăm Thầy mới thấy Thầy cũng rất thích chương trình nhạc và Thầy cũng hào hứng như những trung niên chúng tôi !
Rồi cuối tuần qua vì có anh bạn từ ViệtNam vừa sang, tôi đã bay xuống San Jose gặp bạn, không bỏ lở cơ hội, sáng sớm thứ bẩy tôi nhờ bạn tôi đưa đến thăm Thầy, Thầy luôn vui vẽ khi đón chúng tôi, Thầy ghé qua văn phòng nơi chung cư Thầy sống để nhắn lời về chiếc xe của chúng tôi đổ nơi khách thăm trong vòng nửa giờ, tôi nghe Thầy bảo với bà thư ký với giọng thật nhẹ nhàng và đầy ắp niềm vui “my students” ..
Vừa vào nhà tôi xin phép được mang một ít hoa qủa hái từ sau vườn nhà hôm qua làm lể cúng Cô, tôi thấy Thầy nhìn tôi với ánh mắt hài lòng dịu dàng khôn tả (đến hôm sau khi tôi điện thọai từ giả Thầy từ phi trường để trở về Seattle Thầy mới cho biết tôi là người học trò đầu tiên cúng Cô vào đúng ngày cô mất: 30 tháng 9! Ôi sự trùng hợp may mắn nào đã có sắp xếp của đấng vô hình đã đến với tôi). Rồi Thầy kể chuyện với hai anh em chúng tôi về những vặt vảnh đời thường vẫn theo sát gót chân Thầy . Rồi computer của Thầy đôi khi có vấn đề, thế là anh bạn tôi vào ngay máy để clean up “cookies” trong máy của Thầy và sau đấy chúng tôi đưa Thầy đi uống café và dùng trưa, Thầy nhất định nhắn tôi là hôm nay Thầy khao các con, thật là một buổi sáng vui và ý nghĩa nhất từ ngày tôi sống nơi xứ người!
Tôi đã trở về thành phố mưa buồn đúng một tuần, suốt tuần nay những khi thư thả với công việc mưu sinh tôi lại nghĩ đến “Thầy tôi” rồi như một hối thúc nội tâm tôi có thể làm được việc gì cho “Thầy tôi” vui, cho thỏa mản lòng trân qúy mà tôi đã và luôn mãi với Thầy, Thầy tôi có cần gì ở tôi đâu, nhưng tôi cũng cố gắng tránh những việc làm có thể làm Thầy không vui, tôi phải cố sống gần được như Thầy, nhưng có điều tôi nghĩ chắc chắn sức khỏe tôi sẽ không bao giờ bằng được Thầy, nhưng tôi luôn mong được bằng phần nào đó, những thôi thúc ấy đã khiến tôi ngồi xuống gỏ phiếm đôi dòng về vị Thầy khả kính không phải của riêng tôi mà của tất cả chúng ta, những người đã hơn một lần được đọc bài của Thầy … Có phải thế không ạ ??

Vâng, con luôn mong sức khỏe Thầy thật tốt, nếu có muôn ngàn những con người mà cuộc sống của họ chỉ mang phiền tóai đến người khác thì trên cỏi đời tạm bợ này vẫn còn một người như Thầy chỉ cần khi nghĩ đến là con cảm thấy thật ấm áp, trong sáng mặc dù ngòai trời sáng nay đang rất lạnh, mây mù u tối của mùa thu trùm phủ suốt mùa …
Con cám ơn Thầy , con mong Thầy luôn khõe .
Học trò của Thầy: Đặng trần Qúy
Thành phố Ngọc Bích, tháng 10 năm 2006.
Xin cám ơn Qúy Thầy Qúy Vị và các bạn .
 
 

 

Nhà báo Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh qua đời, thọ 92 tuổi 

Ðỗ Dzũng/Người Việt
SAN JOSE (NV) – Nhà báo kỳ cựu Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh của làng báo Việt Nam Cộng Hòa vừa qua đời vào lúc 8 giờ 15 phút sáng Chủ Nhật, 12 Tháng Tám, tại nhà riêng ở San Jose, California, thọ 91 tuổi, ông Nguyễn Viết Dũng, trưởng nam của người quá cố, cho nhật báo Người Việt biết.

Nhà báo Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh (trái) ký tuyển tập “Những Mùa Xuân Trở Lại” trong buổi ra mắt tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt năm 2008. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Ông Dũng nói: “Sau một thời gian bị bệnh, ông cụ qua đời lúc 8 giờ 15 phút tại nhà. Ðến 3 giờ chiều, chúng tôi đã chuyển thi hài cụ vào nhà quàn Oak Hill Funeral Home ở San Jose. Chúng tôi sẽ gởi ra cáo phó trong những ngày tới để mọi người biết chương trình tang lễ.”
Theo ông Dũng cho biết, nhà báo Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh sinh ngày 2 Tháng Mười, 1921 tại Bắc Giang.
Nhà báo Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh là một “cây đại thụ” trong làng báo tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, cũng như sau này tại hải ngoại.
“Ông là một nhà báo lỗi lạc và yêu nghề,” nhà báo Phan Thanh Tâm, hiện cư ngụ tại Saint Paul, Minnesota, nói với nhật báo Người Việt. Nhà báo này từng làm việc trong 10 năm với nhà báo Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh tại Sài Gòn và thường xuyên liên lạc với ông khi ra hải ngoại.
Nhà báo Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh bắt đầu viết báo từ năm 1948.
Sau khi di cư vào Nam, đến năm 1965, ông làm tổng thư ký Việt Nam Thông Tấn Xã.
Theo nhà báo Phan Thanh Tâm, nhà báo Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật. Ngoài công việc ở Việt Tấn Xã, ông còn chuyên viết về khoa học không gian và vũ trụ, bình luận và phân tích thời cuộc cho một số nhật báo lớn ở Sài Gòn với bút hiệu Việt Lang Quân. Ông cũng dịch thuật tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, Nghệ Khuông, và Gia Cát Thanh Vân từ nguyên bản chữ Hán, và từng sang Nhật tu nghiệp và thực tập báo chí tại hãng thông tấn Kyodo, hãng thông tấn Jiji, và nhật báo Mainichi.
Từ năm 1968, ông dạy báo chí tại Ðại Học Vạn Hạnh ở Sài Gòn và Ðại Học Chính Trị Kinh Doanh ở Ðà Lạt.
Nhiều nhà báo hiện đang làm việc tại các cơ quan truyền thông Việt Ngữ ở hải ngoại từng là học trò hoặc từng làm việc dưới quyền ông.
Sau năm 1975, Giáo Sư Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khách bị đi tù “cải tạo” 12 năm.
Năm 1992, ông sang định cư tại San Jose, California, và viết bình luận cho nhiều cơ quan truyền thông Việt Ngữ trong vùng ở San Jose, cũng như nhật báo Việt Báo và đài phát thanh Radio Bolsa ở Westminster, Orange County, và viết một số sách, ví dụ như tuyển tập “Những Mùa Xuân Trở Lại,” xuất bản năm 2008.
 

 

error: Content is protected !!