Tạp ghi

Nguyễn Tài Ngọc : Xem Paris By Night 99: Tôi Là Người Việt Nam


Hi Friend,
Now you have an open mind after reading Topic 1 last week.  Please continue a good trend by reading a
new "fresh" viewpoint on this Topic 2.
May be you would not agree with the author on some aspects.  But I still hope that you have an enjoyable reading tonite.
  

Regards,
Albert Dong

=======================================

                     

                                         

Xem Paris By Night 99: Tôi Là Người Việt Nam

 

 

 

Tuần vừa rồi nhân dịp chị tôi từ xa đến chơi, chị ấy và vợ tôi xem DVD Thúy Nga Paris By Night số 99, “Tôi là người Việt Nam”. Chủ đề này bắt mắt tôi nên dù biết rằng tinh thần và thể xác sẽ bị tra tấn khủng hoảng còn hơn phi công Mỹ bị bắn rớt ở Việt Nam vào thập niên 1960, 1970, tôi hy sinh vì đại nghĩa, vì tổ quốc, và vì nhân dân, ép mình ngồi xem cả hai DVD 1 và 2 Paris By Night 99 từ đầu đến cuối.

 

Lần cuối cùng tôi xem DVD nhạc của Asia hay Paris By Night đã  khá lâu (Video số Trừ -458 phát hành năm 1856),  vào thời Tự Đức khi vua bất bình với đạo giáo “quỷ đỏ” Thiên Chúa Giáo, ra lệnh chặt đầu giáo sĩ Pháp vất thủ cấp  trôi sông. Hành động này  làm người Pháp phẫn uất, hai năm sau chính quyền Pháp sai trung tướng Charles Rigault de Genouilly đem 14 chiếc tầu tấn công cửa biển Đà Nẵng, đánh dấu sự bắt đầu của  người Pháp xâm lăng thôn tính Việt Nam và cũng bắt đầu sự thành công về thương mại của Paris by Night vì người Việt hải ngoại cần món ăn giải trí tinh thần bằng tiếng Việt thay vì tiếng Anh, nghe khổ lỗ tai, nói trẹo quai hàm.

 

Mở màn DVD là cảnh nhiều người Việt khắp nơi trên thế giới tranh nhau phát ngôn câu “Tôi là người Việt Nam”. Tiếp theo đó là bài nhạc mở đầu “Tình Ca Tiếng Nước Tôi” của Phạm Duy:

 

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời: À à ơi ! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi ! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi ! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…

 

Bản nhạc này là một trong những bài hát bất hủ lúc nào cũng nằm trong tiềm thức của một người dân Việt. Điệu  nhạc hay, dễ hát, đằm thắm, ôn hòa. Lời nhạc súc tích, chân thành, tha thiết, cho ta thấy địa lý bao la của Việt Nam (dẫy Trường Sơn, sông Cửu Long, sông Hồng, biển Thái Bình) sự phì nhiêu về tài nguyên (Đất nước tôi ! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng. Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi), cá tính chuyên cần của người Việt (Tấm áo nâu ! Những mẹ quê chỉ biết cần lao) tình người (Và yêu cô gái bên nhà Miệng xinh ăn nói thật thà (à à) có duyên), tình non sông (Đất nước tôi ! Dẫy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn. Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi), tình mẹ con (Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi ), và cái mộng ước tuy đơn giản nhưng đánh sâu vào con tim của mỗi người Việt Nam (Làm sao chắp cánh chim ngàn, Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng (à hàng) mến nhau).

 

Sự thành công của bản nhạc này đã được xác nhận về phương diện tài chính khi vào năm 2006,    hãng truyền thông Sơn Ca mua mười nốt đầu của bài nhạc để làm nhạc hiệu với giá 100 triệu đồng Việt Nam (khoảng $6000 dollars, nếu hối xuất 1 dollar = 16,500 đồng Việt Nam) :

http://www.sonca.com.vn/Default.aspx?Module=ShowNews&Ncid=3&Nid=27.

 

Sau khi viết bài bình luận Nhạc Sến là gì, nhiều bạn người Nam của tôi đã viết email khen tôi tuy là người Bắc nhưng dám nói sự thật mất bồ là không phải cứ bài nhạc nào do một nhạc sĩ miền Nam làm là Sến, không phải lời nhạc bình dị là Sến. Thừa thắng xông lên, là người Bắc nằm vùng muốn vạch áo cho người xem lưng, tôi muốn cho mọi người biết là người Bắc chúng tôi lúc nào cũng khách sáo, như trong lời nhạc đầu tiên của bài hát này: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi”. Làm sao vừa mới ra đời mà đã biết xét đoán, yêu tiếng nói của mình được? Mới chào đời thì em bé nào cũng nói tiếng giống nhau: “Oe oe”, ngôn ngữ chưa phân biệt. Vì thế câu này quá vô lý, quá khách sáo, quá…Bắc Kỳ, không thể nào hay ác liệt bằng lời nhạc đơn giản của người miền Nam, thí dụ như lời trong bài Phố đêm: “Phố đêm , đèn mờ giăng giăng, mầu trắng như mầu đen, tắt đèn tối thui…

 

Một điểm khách sáo nữa trong bài nhạc này là người Bắc hay chú trọng về hình thức, bên trong có nghèo rớt mồng tơi đến đâu đi nữa nhưng lúc nào cũng phải giấu diếm, giữ cái hình thức sang trọng bên ngoài, che đậy sự khó khăn ở bên trong. Câu “Tôi yêu biết bao người Lý, Lê, Trần… và còn ai nữa”  là một thí dụ điển hình. Lịch sử Việt Nam cho thấy là các đời vua Việt Nam không dung tha cho nhau. Họ vua nào khác lên ngôi là họ đời vua trước phải chạy đôn đáo vào chợ Vườn Chuối  mượn mấy cây vàng đóng ghe ra biển tìm đường lánh nạn, đổi họ để giấu tung tích họ hàng mình cùng vua đời trước, hay vào viện thẩm mỹ bà Hạnh Phước cắt mí, sửa mũi cao dọc dừa vì sợ bị thủ tiêu nếu nhận diện với dung nhan cũ.

Vào những ngày tàn của vua cuối cùng đời nhà Lý là Lý Huệ Tông đánh nhau với bao nhiêu giặc loạn, một trong những  nguyên phi của vua, Trần Thị Dung, được phong chức Hoàng Hậu. Từ đó thân thuộc họ Trần chiếm hết các chức quan văn võ trong triều. Vua yếu đuối, phát điên lên chùa ở, giao hết quyền hành cho Trần Tự Khánh. Trần Tự Khánh chết, giao quyền cho em là Trần Thủ Độ (sau này là Thái sư cho các vua Trần). Một hôm thấy Huệ Tông nhổ cỏ ở vườn, Trần Thủ Độ nói:Nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc” . Vua Huệ Tông nghe xong, trả lời: Điều ngươi nói, ta hiểu rồi. Sau đó, vua tự tử ở sau vườn. Dân ta tính tình ác đức với nhau như vậy thì trước khi yêu Lý, Lê, Trần, ta cần đặt lại vấn đề đố vui để học.

Bài “Tình ca” được nhiều nam nữ ca sĩ trình bày. Các cô ca sĩ bây giờ mặc áo dài, áo bà ba, áo bikini hay cả… bao bố ai trông cũng xinh đẹp, thế nhưng nam ca sĩ mặc áo dài truyền thống Việt Nam? Giời ơi, áo dài khăn đóng của đàn ông Việt Nam là một mẫu thời trang tôi chưa bao giờ thấy ghê rợn như vậy, kể từ khi ông Năm đối diện căn nhà cũ Bàn Cờ của tôi sáng nào cũng ra đứng trước cửa với chiếc xà-rông đen như chiếc-áo-bà-ba-là-mầu-cán-bộ.  Nhìn cái áo dài của đàn ông Việt Nam, một người có thể biết ngay tại sao những nhà vẽ kiểu quần áo nổi tiếng thế giới đều là người da trắng như Ralph Lauren, Christian Dior, Armani, Versace, mà không phải là Việt Nam nói riêng hay Á Đông nói chung.  Tôi đố anh nào ngày đầu tiên có hẹn dẫn em đi dạo chơi vườn Tao Đàn  đóng vào bộ áo dài khăn đóng. Bảo đảm anh sẽ ngồi cho đến lần nguyệt thực thứ mười lăm cũng chả em nào dám đến nhận diện vì sợ xấu hổ. Dzĩ dzãng dơ dáy cần giấu diếm, chúng ta quân dân cùng một lòng quyết chiến đấu thủ tiêu cái áo dài khăn đóng, vĩnh viễn đưa nó vào quá khứ cùng với mấy con khủng long diệt chủng.

Chương trình Paris By Night 99 có ba người hướng dẫn chương trình. Hai MC Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên là người Bắc nên phát âm chính xác, giọng nói êm tai. Hai người đều  nói năng hoạt bát, thỉnh thoảng trao đổi vài ý tưởng dí dỏm.  Cô Kỳ Duyên nói chuyện có duyên, nụ cười lúc nào cũng trên gương mặt, dễ gây cảm tình với khán giả. Nguyễn Ngọc Ngạn lúc nào gương mặt cũng đăm chiêu lo ra như sợ hãi sau khi chương trình hoàn tất vợ sẽ cho ăn mì gói ba tháng liên tiếp. Đôi lúc cặp mắt anh có vẻ mất hồn như vừa khám phá tờ vé số mình mua chỉ cần trùng một con số nữa là trúng 300 triệu dollars. Nguyễn Ngọc Ngạn có một kiến thức bao quát về xuất xứ của mỗi bài hát, gây cho khán giả sự thú vị khi nghe ca sĩ hát. Tuy nhiên, khác với Kỳ Duyên nói chuyện có vẻ khiêm nhường (gọi tất cả mọi người là anh, xưng em cho dù không biết người ấy có lớn tuổi hơn mình hay không) , Nguyễn Ngọc Ngạn có vẻ hơi hách-xì-xằng khi xưng hô với khách. Người Bắc khi gặp một người lạ mặt không biết tuổi tác như thế nào thì để tỏ tính khiêm nhường, gọi người ấy theo cấp bậc trên mình: anh chị, cô chú,  và xưng mình là em. Nếu biết chắc người đó nhỏ hơn mình thì xưng mình là tôi. Ngày xưa khi tôi còn bé mang bạn về nhà, bố tôi tuy già với mái tóc bạc thưa, luôn luôn gọi bạn của tôi là “anh”, hay “các anh”. Khi đề cập đến tôi thì gọi là em: “Các anh chờ một chốc, em Ngọc nó ra ngay”. Trong lời đối thoại với tất cả mọi người trong Paris By Night 99, Nguyễn Ngọc Ngạn luôn luôn xưng mình là anh hay chú, gọi người khác là em hay cháu. Để ý là trong buổi đàm thoại với giáo sư Việt Đinh, ngay câu đầu Nguyễn Ngọc Ngạn đã xưng mình là chú, gọi ông kia là cháu. Khi trả lời thì ông kia không biết có bực hay không nhưng không xưng cháu theo ý Nguyễn Ngọc Ngạn muốn mà xưng mình là tôi, chúng tôi.

Gặp người nào Nguyễn Ngọc Ngạn cũng gọi là em hay cháu, thế nhưng khi gặp ông Giám Mục Canada trẻ tuổi, sinh năm 1966, chỉ mới có 44 tuổi, Nguyễn Ngọc Ngạn tuy lớn hơn  20 tuổi, lại gọi ông ta là Đức Cha, và tự xưng mình là con! Có lẽ đây là phong tục Công Giáo mà vì không phải là người trong đạo nên tôi không biết, thế nhưng một đằng  hách-xì-xằng gọi mọi người là em, là cháu, một đằng thì xưng con với người nhỏ hơn mình hai mươi tuổi, tôi thấy đó không phải là dấu hiệu của một người giữ vững lập trường.  Khi nói về phương diện tự xưng mình lên địa vị cao hơn người khác, Nguyễn Ngọc Ngạn ngày xưa chắc chắn đội sổ trong lớp huấn luyện văn hóa Bắc Kỳ.

Người MC thứ ba, Trịnh Hội,  nói năng trôi chẩy thế nhưng phát âm không chính xác. Tôi không biết anh

ta người miền gì nhưng giọng nói không đặc thù người miền Nam và có pha lẫn một tí tiếng Trung hay Quảng Nam (tôi không biết rõ). Tôi hoàn toàn đồng ý chúng ta nói năng khác nhau vì cha sinh mẹ đẻ, thế nhưng khi một người bước vào lãnh vực thông tin phát thanh hay phát hình, không cần biết người xứ nào, phải phát âm đúng ngôn ngữ tiếng của họ. Tiếng Việt cũng thế. Ngày xưa vào những năm đầu Trung học, Thầy dậy Việt Văn của tôi là người Nam. Tuy nhiên Thầy ấy sửa giọng nguyên thủy của Thầy để phát âm chữ chính xác, hỏi ngã, có “g” hay không “g” đâu vào đấy. Vì như thế đối với học trò, Thầy rất có uy tín là người dậy Việt Văn. Đằng này, Trịnh Hội “chín mươi chín” đọc ra “chính mươi chính”, “xin” đọc là “xinh”, âm “ngã” đọc thành âm “hỏi” thì không thể nào đóng vai trò xướng ngôn viên được. Nên nói thêm ở đây không phải tôi là người Bắc nên phê bình giọng nói người Nam: mỗi lần về SàiGòn bật TV lên là hầu như tôi tắt ngay vì giọng người Bắc làm xướng ngôn viên tôi nghe  không chịu được. Họ phát âm những chữ có dấu sắc như là dấu hỏi : “Anh đi đâu thể?”  thay vì “Anh đi đâu thế?”, nghe chói tai như vừa mới bị cô Lan trong chuyện tình Lan và Điệp gióng tiếng chuông chùa ngang tai.

   

Có lẽ tôi bây giờ già nên không biết thưởng thức mốt tóc mới của các nam ca sĩ. Tôi để ý lắm nhưng không thể nào thấy sự khác biệt về lối chải tóc của mỗi anh vì ai nấy cũng cùng một kiểu tóc giống nhau. Dĩ nhiên là như y phục, tóc tai của họ cũng là do thợ chuyên viên sau sân khấu cắt uốn chải bới thế nhưng tại sao mọi người đều có một kiểu: tóc tua tủa loạn xạ Đông Tây Nam Bắc không chủ định như vừa phải đạp mìn? Cái kiểu này chính là tóc của tôi hai mươi năm trước mỗi lần tối tắm xong không sấy, không chải tóc leo lên giường ngủ khi tóc còn ướt, sáng dậy đi làm là tóc tôi nó y chang như vậy: từng nắm loạn xạ như chòi đập lúa xuất hiện trong đủ mọi tư thế, đủ mọi góc độ, chĩa ra trăm hướng ở trên đầu. Tôi ghét kiểu tóc này đến nỗi từ đó trở đi, tôi cứ lấy tông-đơ cắt rạp hai cm phần trên, nửa cm phần chung quanh đầu để tóc trở thành ngắn, gọn, có quy củ, khỏi chải bới. Kiểu tóc mấy anh nam ca sĩ bây giờ nó vô kỷ luật như thế thì tốn tiền ra tiệm hớt tóc làm gì vì chẳng ai biết tóc nào là mới ngủ dậy, tóc nào là mới cắt ở tiệm hớt tóc?

 

Ngày xưa còn bé anh em chúng tôi ai cũng hận nhạc không đội trời chung vì hằng ngày cứ mỗi buổi trưa vào khoảng ba giờ chúng tôi phải nghe hát chèo của người Bắc bố tôi mở radio (tệ còn hơn hát bội), và mỗi sáng Chủ Nhật 7 giờ nghe ông Trọng bán tem mở magnétophone phát thanh những bản nhạc của Chế Linh, Thanh Thúy, Thanh Tuyền… Tôi còn nhớ có một dạo ông ta thích nghe Bùi Thiện, Sơn Ca: “Anh đưa em đi về, về quê hương ta đó. Anh đưa em đi về, về quê hương tuyệt vời…” Bùi Thiện là Bắc Kỳ hồi chánh nên giọng không thua gì mấy anh chàng bộ đội, sáng ngủ mơ mơ màng nghe giọng Bùi Thiện tôi tuởng mấy ổng đã tới nên nhiều lần sợ đến vãi đái ra quần. Vì thế nhắc đến nhạc là cả một kỷ niệm hãi hùng tôi không bao giờ muốn nghe lại. Chính vì thế nên tôi không muốn bàn về nhạc vì biết rằng tôi sẽ phê bình trong một cương vị chủ quan. Tôi chỉ có một nhận xét là ca sĩ bây giờ hát ai cũng nhẩy nhót. Cái kiểu hát của các ca sĩ ngày xưa đứng một chỗ trời trồng như Anh Khoa, Duy Quang không còn ăn khách nữa. Các cô ca sĩ thì càng phô trương càng ăn khách, cái đùi đánh chết cái giọng. Đây không phải là lời chỉ trích mà chỉ là một nhận xét thực tế vì không đàn ông nào mà không thích ngắm một cô gái đẹp. Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Tuyền, Phương Dung với quần áo kín đáo thì bây giờ chỉ có thể ăn khách ở câu-lạc-bộ-thanh-niên-không-già-mà-là-nhiều-tuổi.

 

Chủ đề chính của Paris By Night 99 lần này là giới thiệu những người Việt Nam thành công ở hải ngoại. Cái câu “Tôi là người Việt Nam” có gói ghém một sự hãnh diện nào ở trong đó, vì ngay trong phần đầu DVD, trong số bao nhiêu người tuyên bố lý do tôi là người Việt Nam vì tôi làm việc cần cù, tôi phấn đấu trong đời sống, tôi trải qua bao thử thách khó khăn, tôi hy sinh cho gia đình con cái, tôi tồn trữ văn hóa nước Việt, thì  anh Vũ Minh Tòng, chủ nhân trại nấm ở Vancouver, Canada, “chơi” nổi nhất: Anh ta tuyên bố là nếu kiếp sau anh ta có trở lại làm người thì xin cho anh ta là người Việt Nam một lần nữa!

 

Rất tiếc là đoạn video cắt ngay sau khi anh nói câu đó vì nếu chiếu tiếp tục, khán giả sẽ thấy anh Tòng đầu óc đang xịn lên xịn xuống, nói năng không minh mẫn vì vừa mới hút xong năm gói Bastos, uống xong ba chai bia 33 và vừa  nghe nhạc Tuấn Vũ / Duy Khánh liên tiếp 24 giờ đồng hồ. Kiếp sau tôi muốn trở lại thành người Việt Nam với nước da đen vàng, chiều cao thiếu hụt, tóc tai đen đuốc, mắt không mí, mũi xẹp hơn bánh dầy, nói tiếng Pháp “đờ-manh ma-tanh”, nói tiếng Anh “Give me a shit of paper” thay vì “Give me a sheet of paper”? N’importe quoi! Hổng dám đâu!

 

Paris By Night giới thiệu và mời một số người Việt Nam ở hải ngoại thành công ở khắp các lãnh vực khác nhau như tài chính, chính trị, vẽ kiểu y phục, sản xuất máy móc, nhà hàng, phim ảnh, làm đẹp, võ sĩ, múa ballet, từ thiện, hãng điện tử, tôn giáo, khoa học, hoạt họa, buôn bán sản phẩm nail…lên phát biểu ý kiến của họ liên hệ đến vai trò của người Việt Nam thành công ở hải ngoại.

 

Tất cả đều hãnh diện mình là người Việt Nam. Họ viện dẫn lý do người Việt thành công vì bản năng chăm chỉ, cố gắng, hy sinh, cần cù và thương yêu. Hầu hết mọi người dùng cơ hội này để cảm ơn cha mẹ mình đã hy sinh nuôi nấng con cái cho thành người. Một vài người cảm ơn mình có cơ hội thành công và muốn dùng sự thành công đó để giúp lại những người nghèo còn lại ở quê hương. Tất cả những ai lên phát biểu ý kiến đều được khán giả vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt vì những lời phát biểu gây động niềm hãnh diện dân tộc tính: những người khách Việt họ thấy trên sân khấu hôm nay là những người Việt Nam thành công ở hải ngoại. Người Việt giỏi không thua, và có lẽ hơn hẳn nhiều dân ngoại quốc khác. Vì tôi cũng là người Việt Nam, tôi hãnh diện mang dòng máu của quê hương tôi.

 

Tôi móc ví xem lại căn cước của tôi: tuy tôi ở Mỹ 36 năm, tên trong căn cước của tôi vẫn là Nguyễn Tài Ngọc mà không phải là David Wynn. Tôi nhìn trong kính: da tôi vẫn vàng, tóc tôi vẫn đen, tôi vẫn là người Việt Nam. Bốn đứa con của tôi sinh ra ở Mỹ, tôi đặt tên chúng nó tên Việt Nam, không phải tên Mỹ vì trong tận đáy lòng của tôi, tôi không muốn chúng nó mất đi cái gốc gác của nó là người Việt Nam. Thế nhưng tôi có hào hứng như những người trong video tuyên bố “Tôi là người Việt Nam” không? Không, nhất định là không.

 

Trước nhất, tôi không hào hứng vì cũng như bao nhiêu người Việt Nam, rất nhiều người ngoại quốc từ các quốc gia khác cũng thành công như chúng ta. Thứ hai, ngoại trừ một vài người thật giỏi được đi du học trước 1975, phần đông người Việt Nam như tôi được may mắn vì hoàn cảnh chiến tranh nên được sang định cư ở một quốc gia khác.  Thứ ba, nếu tôi còn ở Việt Nam, tôi không ngần ngại vỗ ngực tuyên bố tôi hãnh diện là người Việt Nam vì đó là nhà của tôi. Đằng này, tôi ở nhà người khác nên sự yêu thương quê hương cũ tôi muốn giữ trong lòng, không đánh trống kèn inh ỏi; nhất là bây giờ quê hương cũ thật sự không còn là quê hương tôi nữa vì tôi đã là công dân của một nước khác, Mỹ, Úc, Pháp,  Canada… Thử tưởng tượng nhà của chúng ta ở hải ngoại có láng giềng là Rệp, là Mễ, là Ả-rập, là da đen, là Trung Hoa, là Iran, là Armenian, ai nấy cũng vỗ ngực tuyên bố hãnh diện nước của họ thì nước Mỹ, Úc, Tây, Canada sẽ trở nên như thế nào?

 

Cái ngạc nhiên lớn nhất, vĩ đại nhất tôi thấy ở đây là mặc dù vài người công nhận họ may mắn có cơ hội sống ở hải ngoại, không một ai trong PBN 99 tuyên bố cảm ơn quê hương thứ hai đã cứu sống họ, đã cho họ thành công về phương diện tài chánh (phần đông những người Việt trong video này ở Mỹ). Họ tuyên bố không bao giờ quên được sự may mắn thành công nước Mỹ mang cho họ, nhưng họ trả cái ơn đó bằng cách giúp cho người ở Việt Nam, không phải ở Mỹ.  Nói như thế có khác gì người Mễ sang Mỹ làm việc nhưng thay vì dùng tiền đó giúp lại nước Mỹ thì gửi lại về Mễ giúp kinh tế nước Mễ? Tổng số tiền người Mễ ở Mỹ gửi về Mễ là 25 tỷ dollars một năm. Số tiền này là tiền ngoại tệ Mễ-Tây-Cơ thu hoạch nhiều thứ nhì, chỉ sau tiền lợi tức dầu hỏa. Trường hợp Việt Nam tôi nghĩ cũng tương tự. Tưởng tượng mình có một căn vi-la, làm việc nghĩa nuôi nhiều người, giờ lại mang thêm 10 người Kampuchea về nuôi cho ăn học. Khi thành tài, thay vì dùng tiền giúp lại những người khác trong vi-la mình thì mười người ấy nói họ thành công là nhờ cha mẹ họ hy sinh, và dùng tiền họ làm ra để  giúp người ở Kampuchea thì mình nghĩ sao?

 

Không những không mang ơn, anh chàng “vua nail” Quý Tôn còn tuyên bố là anh ta ước ao những người làm nail đoàn kết để nâng cao giá cả. Tôi ngồi nghe há hốc miệng kinh hoàng trong khi cả hí viện vỗ tay ầm ầm, kể cả Nguyễn Ngọc Ngạn! Nước Mỹ theo chế độ tư bản, chính phủ không ấn định giá cả nhưng thị trường, sự cạnh tranh  định đoạt giá tiền món hàng. Khi có cạnh tranh, hàng phải hạ giá, đem lợi cho người tiêu thụ. Tại sao giá cả ở nước Mỹ rẻ, tại sao giá làm nail cứ xuống từ từ? Vì nhiều người thấy làm tiền dễ, nhẩy vào ngành làm nail. Khi số cung gia tăng mà số cầu -số khách hàng- không thay đổi thì các cửa hàng phải tự động giảm giá để khuyến dụ khách hàng. Anh chàng Quý Tôn này muốn các hãng làm nail đoàn kết  không bán phá giá, tất cả bán cùng một giá. Hậu quả của sự bán đồng giá là người tiêu thụ lỗ mà cửa tiệm lời. Bạn có biết ở chính thể nào chính phủ đặt giá đồng nhất hay cho phép các công ty thương mại đặt giá đồng nhất theo tiêu chuẩn của chính phủ không? Chính thể Cộng Sản và Chủ nghĩa Xã hội! Chính thể Cộng Sản thì ai cũng biết, khỏi cần bàn đến. Còn những nước theo chủ nghĩa xã hội như Na-Uy, Phần-Lan, Thụy Điển, thuế má đắt nhất nhì thế giới. Rất hiển nhiên nếu nghiện ngẫm câu anh “vua nail” Quý Tôn nói, không một ai sẽ vỗ tay mà còn chửi bới ý tưởng ngông cuồng nữa là đằng khác!

 

Lý do cuối cùng và quan trọng nhất tôi không thể nào hào hứng khi nghe những lời khích động “Tôi là người Việt Nam” trong Paris By Night 99: PBN là một cơ cấu  thương mại, tổ chức ca nhạc thu tiền bán vé, bán DVD để lấy lời. PBN tạo ra một chủ đề kích thích dân tộc tính để thu hút khán giả, bán DVD. Nếu là một tổ chức bất vụ lợi, thí dụ như Hiệp Hội Cộng Đồng Việt Nam hải ngoại, hoặc một cơ quan chính quyền Hoa Kỳ -văn phòng Tổng Thống Liên Bang, văn phòng Thống Đốc Tiểu Bang, văn phòng thị trưởng thành phố chẳng hạn- tổ chức vinh danh những người Việt thành công thì tôi hào hứng. Đằng này với mục đích là kiếm lời (khi bắt đầu DVD số 2, Nguyễn Ngọc Ngạn còn nhân cơ hội để quảng cáo bán sách viết mới nhất của mình)  thì cái quan điểm “Tôi là người Việt Nam” của những người trong PBN 99 trình bày không còn hữu hiệu nữa.

 

Nguyễn Tài Ngọc

Web:http://saigonocean.com/trangNguyenTaiNgoc/vanNTN.htm