Chưa được phân loại,  Văn

MỘT NGÀY VỚI NỘI TÂM. (Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh)

Tôi đến đất Mỹ này chẳng còn gì, ngoài một lòng sắt son khi cầm bút, với chí hướng một dạ thủy chung với những người bạn còn sống hay đã chết; và một hoài bão nhỏ nhoi : Làm thế nào để không còn những cảnh đau thương như vậy nữa trên trái đất này.

MỘT NGÀY VỚI NỘI TÂM.
 
   Tôi là nhà văn, nhà báo, một văn nghệ sĩ.  Cả cuộc đời của tôi dành cho một lý tưởng: Bênh vực quyền sống, quyền làm người, quyền được suy tư, quyền được nói lên tiếng nói của mình.
Tự do ngôn luận là một trong những quyền căn bản nhất của bản Tuyên Ngôn
Nhân Quyền năm 1948. Mỗi người có quyền trình bày tư tưởng của mình bằng lời nói, bằng ngòi viết và bằng hành động . Tôi và những người khác, 14 người tất cả, đã ngồi tuyệt thực tượng trưng để nói lên ý nghĩ của mình: chúng tôi muốn có nhân quyền ở đất nước chúng tôi cũng như không còn có những tù nhân chính trị nữa.
Ý kiến của tôi có thể đúng, có thể sai, nhưng tôi có quyền nói lên ý kiến đó. Cùng với quyền đó, tôi lại phải có bổn phận tôn trọng ý kiến người khác, dù là đúng, dù là sai, nhưng tôi không thể bóp nghẹt hay bưng bít nó đi bằng cách này hay cách khác. Đó là quy luật của xã hội tự do dân chủ. Trong thời đại tiến bộ của loài người ngày nay, không thể còn có những người bị bắt bớ, giam cầm chỉ vì tư tưởng và tín ngưỡng của họ.
Những người cầm bút thường hay sống với nội tâm của họ. Một ngày một đêm sống ở ngoài trời chính là lúc sống cho nội tâm nhiều nhất.
Đêm hôm đó ngồi ngoài trời cùng với những người bạn, mới quen nhưng cùng chí hướng, tôi nhìn những ngọn nến thắp sáng trước mặt tôi, giữa đêm khuya trời lạnh. Ngọn lửa lung linh trước những cơn gío của mùa Đông miền Nam Cali khiến tôi liên tưởng đến thân phận con người lung linh như ngọn đèn muốn tắt trước cơn bão tố của bạo lực, Tôi đã nhớ … nhớ rất nhiều.
Tôi đã nhớ đến một ngọn đồi bên kia bờ Thái Bình Dưong , trên vùng cao nguyên Trung phần của đất nước thân yêu của tôi. Ngọn đồi đó ở gần một trại cải tạo, trong khu vực lao động khổ sai của chúng tôi. Vì là một miền rừng núi hoang vu, nên dù đứng xa ở phía nào chúng tôi vẫn có thể nhìn lên ngọn đồi đó. Chúng tôi gọi là “Vườn sắn” nhưng thực ra đó là nơi chôn người, chôn những người tù cải tạo đã chết trong trại tù. Mỗi lần vác cuốc, vác rìu đi lao động, chúng tôi nhìn về Vườn Sắn và tự hỏi phải chăng chuyến đi lên đó sẽ là chuyến đi cuối cùng của cuộc đời mình. Bởi vì chúng tôi đã biết đi tập trung cải tạo là có đi mà ít có về.
Rồi có những ngày, tình cờ ngước mắt nhìn lên ngọn đồi, chúng tôi thấy hình ảnh thê lương trên sườn đồi in rõ trên nền trời xanh biếc: Bốn người tù cải tạo khiêng một cái hòm làm bằng ván sơ sài theo sau là một Vệ binh Công an áo vàng vác súng . Chúng tôi buông cuốc cúi đầu khẽ thở dài. Chúng tôi biết lại có một người bạn vĩnh viễn từ gĩa chúng tôi rồi.
Tôi còn nhớ, nhớ khá nhiều bạn bè của chúng tôi đã an nghỉ trên đồi. Tôi còn nhớ anh Trung Tá Nguyễn Văn Thanh ở Nam Hà về đây, bị đánh chết, cũng nằm ở đó.
Tôi còn nhớ 5 người bị cùm nhiều nhất ở Gia Trung, Người thứ nhất là anh Thiếu tá Trần Văn Kính, sau khi tháo cùm được một ngày, đã chết tức tưởi. Tôi nhớ anh lắm, vì trước khi lìa đời, anh còn nói được một câu : “ Khánh ơi ở lại nhé!” Suốt đời tôi, chắc tôi không thể nào quên câu nói này. Người thứ hai là anh Trung úy Võ Hồng đã chết vì kiết lỵ chỉ vài ngay sau khi được tháo cùm. Còn lại ba người còn sống đến nay, nhưng không phải là quân nhân mà là dân sự, Người thứ nhất là nhà văn Nguyễn Sĩ Tế, Tiến sĩ văn chương Pháp, Anh không chết, nhưng khi được tháo cùm sau 9 tháng kiên giam, tôi thấy anh quay đi một vòng rồi ngã vật xuống như một cái cây bị đốn gốc và đổ nhào. Người ta phải khiêng anh đi cấp cứu.
Người thứ hai là luật sư Mai Văn Lễ, Tiến sĩ kinh tế của Harvard. Anh Lễ không ngã nhào, nhưng sau khi tháo cùm,  anh chống hai tay bò lết, vì hai chân anh đã bị liệt.
Người thứ ba là tôi. Tôi không té, không bò, nhưng tôi phải vịn vào tường mới đi được, vì lúc đó tôi chỉ còn da bọc xương. Thấy tôi lúc đó người ta gọi tôi là “Cái thây ma biết đi” hoặc khôi hài hơn, có anh bạn bảo tôi: : ”Tôi thấy anh đi trên bờ ruộng mà chỉ sợ có ngọn gió nào thổi mạnh là anh sẽ  bay đi như chiếc lá”.
Tôi còn nhớ… những người bạn thân yêu của tôi, những người bạn cầm bút, những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, đã bị lùa đi cải tạo vào mùa xuân năm 1976 cũng chỉ vì những gì họ đã viết, vì tư tưởng, vì chánh kiến của họ. Rất nhiều… rất nhiều .. nhưng hỡi ôi, đã có những người gục ngã trước cơn gió của bạo lực.
Hồ Hữ Tường chết ở Hàm Tân, Nguyễn Mạnh Côn chết ở Xuân Lộc. Hiếu Chân chết ở khám Chí Hoà, Dương Hùng Cường chết ở T.20.
Hai người anh kính yêu của tôi là Vũ Hoàng Chương và Trần Việt Sơn đã được thả về để …chết ở nhà sau khi đã quá kiệt lực trong những năm tháng tù đầy . Cả người bạn của tôi, Minh Đăng Khánh cũng đã chết sau khi về nhà vì tê liệt.
Những người còn sống, sau khi thoát nạn, đã tủa đi khắp phương trời bằng cách này hay cách khác. Riêng ở Mỹ này, đã có Nguyễn Sĩ Tế, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Hồ Văn Đồng, cũng như một số người đã sang Âu, sang Úc và tất nhiên cũng còn những người ở lại quê nhà… Chúng tôi những người có may mắn được cầm bút trở lại, chẳng thể nào quên những người anh em mình. Cũng chẳng thể quên bà con, đồng bào mình.
Ở Gia Trung, người tôi nhớ nhất là một người con gái, con của Trung Tá Lò Văn E, Gốc người Thái của miền thượng du Bắc Việt. Anh Lò Van E đi cải tạo đến lúc đó là đã 6 năm trời mà không được tin tức gì về gia đình. Anh sống rất kham khổ thiếu thốn, vì tự ái ít khi chịu nhận sự giúp đõ của bạn bè may măn hơn có gia đình tiếp tế. Rồi một ngày kia, anh nhận được một tin mừng: Đó là lá thư của con gái anh, viết thay cho mẹ, nói rằng trong mấy năm qua mẹ con quá lam lũ khổ sở, không kiếm nổi kiếng ăn, có lẽ vì gốc người thiểu số không quen buôn bán, nhưng bây giờ thì dành dụm được hút tiền rồi, nhất định sẽ cho con gái lên thăm anh và cho anh chút quà.
Khoảng một tháng sau, quả nhiên cô con gái lên thăm cha cô, đến trại thì trời đã chạng vạng tối, nhưng hỡi ôi, đúng lúc cô đặt tờ giấy phép xin thăm trước mặt người Công an giữ nhà thăm nuôi thì cũng là lúc mà trong trại tù, anh Lò Van E đã trút hơi thở cuối cùng, vì bao năm thiếu dinh dưỡng và kiệt lực. Cô con gái chỉ còn được phép nhìn mặt cha lần cuối và nức nở khóc như mưa.
Sáng hôm sau, tôi tình cờ cuốc đất bên con đường đi lên “Vườn Sắn”, Tôi thấy bốn người bạn tù cải tạo đòn sóc khiêng cái quan tài làm bằng ván thông của anh Lò Văn E, và theo sau ngoài anh lính vác súng đi theo như thường lệ, còn có cô con gái của anh. Lần đầu tiên một người bên ngoài được đi theo quan tài của một người tù cải tạo chết trong tù. Trời ơi, tôi làm sao quên nổi hình ảnh đó. Cô con gái đi theo cha lần cuối, mà mặt cô lạnh như băng, mắt cô không còn nhòa lệ nữa, mà thay vào đó là một đôi mắt mở trừng trừng, tôi có cảm tưởng như đôi mắt đó đang tóe ra những tia lửa căm hờn, và công phẫn đén cùng độ. Không, tôi không thể nào quên.
Tôi cũng côn nhớ đến chị Quách Thị Thu Hương đến trại thăm chồng đem theo một đứa con gái còn nhỏ tuổi. Nhưng khi chị đến trại, chưa kịp gặp mặt chồng thì đêm hôm đó, chị ngã bịnh rồi chết luôn ở nhà thăm nuôi. Chị đã thay chồng nằm an giấc ngàn thu trong nghĩa trang của những người tù cải tạo chăng? Tôi không nhìn thấy , nhưng đã nghe thấy những chuyện đau thương, chẳng hạn có người vợ hiền lặn lội đi thăm chồng cải tạo miền Thanh Hoá Nghệ Tĩnh, đến nơi chỉ còn gặp nấm mồ của chồng mới chôn, chị đã cắt tóc rải lên nấm mồ trước khi ra về, cũng như chuyện một người vợ khác đào huyệt lấy xương của chồng đem về miền Nam chôn cất…
Và tôi nhớ… Tôi nhớ đến biết bao người vợ hiền, chung thủy, đã vượt đèo trèo suối, gồng gánh, xách mang trên những nẻo đường rừng xa tắp, lên thăm chồng trọn tình nghĩa phu thê, chỉ cốt đem lại một chút thức ăn, mong chồng đủ sức tiếp tục cuộc sống tù đầy để một ngày kia còn có hy vọng gặp lại được vợ con.
Tôi đến đất Mỹ này chẳng còn gì, ngoài một lòng sắt son khi cầm bút, với chí hướng một dạ thủy chung với những người bạn còn sống hay đã chết; và một hoài bão nhỏ nhoi : Làm thế nào để không còn những cảnh đau thương như vậy nữa trên trái đất này.
15/12/1992.
Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh.           

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
Theo: Văn Thơ Lạc Việt