Văn

Luân Hoán : Gặp Một người nghi rất Huế

Gặp Một Người Nghi Rất Huế
Luân Hoán

có phải em là Công Tằng Tôn Nữ…
vừa liếc qua ta đã nhận ra ngay
đôi mắt Huế hữu duyên vì biết háy
nét đài trang trong dáng nhíu lông mày
vẫn lộng lẫy hai bàn chân líu quíu
giữ cửa đời khép nép vấp lên nhau
áo dài trắng bỏ quên trong thành nội
lúng túng tay hồng ,thừa trước dư sau
ta xin lỗi từng người cùng đợi buýt
tiến lên dần và đứng sát lưng em
áo nỉ xanh khăn len choàng mấy lớp
vẫn ngây ngây mùi da thịt kinh thành
em linh tính hay tình cờ quay lại
ta có lầm không đó hỡi Thừa Thiên
đôi mắt đen ai dạy em háy nguýt
ta bụi đời bỗng chốc mất tự nhiên
môi muốn hỏi, mắt muốn chào, nhưng ngại
em trang nghiêm kiểu cách một thời xưa
quanh quẩn ngó, rồi dòm ta, đánh gía
‘thằng cha này sao nhớn nhác khó ưa ?’
đơn giản thế? chớ em không phát giác ?
trong mắt ta trường Quốc Học trang nghiêm
nơi em đã có một thời ngong ngóng
một cái gì đã làm mới trái tim em
cũng chẳng thấy kệ sách dài Ưng Hạ
mùi ô mai vướng bìa sách giáo khoa
trang báo mới thơm bài thơ rất lạ
đã thay em vơ vẩn thở ra
cũng chẳng thấy những góc bàn ấm cúng
hương cà phê chen hương tóc cô Dung
chưa biết yêu cớ sao như hờn giận
hay vô duyên ghen bóng gío không chừng !
còn nhiều nữa có cả ngàn hình ảnh
sáng Bao Vinh chiều Thượng Tứ theo người
đã mấy bận lẽo đẽo về Mang Cá
Phu Vân Lâu mưa vuốt mặt trông trời
xin hãy nói cho ta nghe ‘ răng rứa’
còn trên môi đang chôn dưới màu son
tui đâu dám làm O buồn đó nợ
bởi gặp O, Huế chợt sống trong hồn

Luân Hoán
(Ðưa Nhau Về Ðến Ðâu)

Mai Văn Hoan

“ Học trò trong Quảng ra thi / Thấy con gái Huế chân đi không đành”. Nói đến con gái Huế là người ta nghĩ ngay đến nữ sinh của trường Đồng Khánh. Nữ sinh Đồng Khánh không chỉ thông minh, xinh đẹp mà còn hết sức nết na, thuỳ mị. Tôi có cái may mắn được tiếp xúc với một số bạn đồng nghiệp vốn là cựu học sinh Đồng Khánh. Đó là các cô Bích Đào, Quý Hương, Cẩm Tú, Diệu Huyền, Như Mai… Tôi thấy cô nào cũng dịu dàng, đài các, rất đa cảm nhưng vô cùng kín đáo, tế nhị. Một bạn đồng nghiệp của tôi kể rằng thời nàng còn là nữ sinh Đồng Khánh, đi học nàng không bao giờ đạp xe qua cầu Trường Tiền mà thường đi đò. Bến đò Thừa Phủ tấp nập những tà áo dài tím. Màu tím vì thế trở thành gam màu đặc trưng của Huế. Tà áo dài tím đã vương vấn tâm hồn bao nhiêu thi sĩ. Các nhà thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân Sanh…đều xiêu lòng trước nữ sinh Đồng Khánh. Nữ sinh Đồng Khánh trở thành nguồn cảm hứng của các thi nhân. Nếu không có Hoàng Thị Kim Cúc làm sao Hàn Mặc Tử viết được bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ hay đến như vậy ? Mặc dù từ sau 1975, trường Đồng Khánh đã được thay tên và không còn dành riêng cho nữ sinh nữa nhưng những lớp chuyên Văn mà tôi giảng dạy hầu hết là nữ. Các em không mặc áo dài tím mà mặc áo dài trắng. Đó là điểm khác nhau của nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa và nữ sinh Đồng Khánh bây giờ. Nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa ban cho tôi nụ cười , ánh mắt một cách rất kín đáo. Còn nữ sinh Đồng Khánh bây giờ rụt rè mang tặng tôi tập thơ Dâng của Tago cùng với bài thơ tiễn tuổi mười sáu, nhân sinh nhật lần thứ mười bảy, bằng mực tím với nét chữ hết sức mảnh mai. Mùa đông nàng hay mặc chiếc áo len viền. Nhà nàng ở cạnh bờ sông. Trước sân nhà nàng có cây vú sữa…Và trong một khoảnh khắc loé sáng, hai hình ảnh : nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa và nữ sinh Đồng Khánh bây giờ cùng đồng hiện trong tôi. Tôi vội vàng cầm bút viết luôn một mạch không hề tẩy xoá : Nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa / Xui hoàng hôn tím trang thơ học trò / Nữ sinh Đồng Khánh qua đò / Xui dòng Hương cất giọng hò xa xôi / Nữ sinh dạo chơi / Phấn thông vàng rãi ngát trời Thiên An… Nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa và nữ sinh Đồng Khánh bây giờ cứ ẩn hiện, đan xen, hoà lẫn trong suốt bài thơ… Tôi hết sức cảm ơn ngôi trường màu hồng xinh xắn nằm bên bờ sông Hương đã khơi gợi cho tôi rất nhiều cảm hứng. Tôi chỉ mong ước một điều làm thế nào Huế giữ được chất Đồng Khánh – nét đẹp riêng của con gái Huế. Và nếu được đề xuất một nguyện vọng thì tôi xin đề xuất trả lại tên trường Đồng Khánh. Bởi vì cái tên Đồng Khánh đã đi vào tâm thức của người Huế, đã trở thành truyền thống văn hoá xứ Huế. Tôi tin sẽ có nhiều người ủng hộ đề xuất của tôi, trong đó chắc chắn có những nữ sinh Đồng Khánh xưa và nay.

(Mai Văn Hoan)

Nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa
Xui hoàng hôn tím trang thơ học trò

Nữ sinh Đồng Khánh qua đò
Xui lòng Hương cất giọng hò xa xôi

Nữ sinh Đồng Khánh dạo chơi
Phấn thông vàng rải ngát trời Thiên An
Trống trường Đồng Khánh vừa tan
Trên đường phơi phới từng đàn bướm bay

Gió vờn tà áo khẽ lay
Nữ sinh Đồng Khánh thơ ngây mỉm cười

Bóng ai khuất nẻo phố rồi
Vô tư đâu biết có người nhìn theo

Âm thầm một cánh phượng gieo
Nữ sinh Đồng Khánh trong chiều nhặt hoa

Bâng khuâng ngắm áng mây qua
Cảm thông một cánh chim xa lẻ đàn

Mùa thu thả chiếc lá vàng
Nữ sinh Đồng Khánh mơ màng lắng nghe
Trầm ngâm trong quán cà phê
Nhạc buồn chạm mái tóc thề chấm vai

Nữ sinh Đồng Khánh nhớ ai
Mi cong khẽ chớp mắt nai thẫn thờ

Đâu còn là chuyện ngày xưa
Nữ sinh Đồng Khánh bây giờ là em.