Phê Bình

LỜI BẠT : KINH VÔ THƯỜNG

LỜI BẠT : KINH VÔ THƯỜNG
 
 
Nhà thơ Võ Thạnh Văn đưa cho tôi tập sách “KINH VÔ THƯỜNG” và nhã ý nhờ tôi viết LỜI BẠT  cho tập sách của ông. Cầm tập sách trên tay tôi tự nhũ: làm sao mình có thể viết NHẬN ĐỊNH nổi cho một tác phẩm loại kinh điển  như thế này? Bởi tập sách “ KINH VÔ THƯỜNG” của tác giả Võ Thành Văn gồm có 2 quyển THƯỢNG và HẠ và trong hai quyển này chứa khoảng 10 tập thơ mang tên Cát Bụi theo số thứ tự  từ 1 đến 10. Mỗi tập thơ  Cát Bụi như vậy, chứa một ngàn câu thơ theo thể LỤC BÁT. Như thế toàn  bộ tập sách KINH VÔ THƯỜNG chứa 10 ngàn  câu . Nếu tính theo chữ gồm có 70 chục ngàn chữ . Tôi nói với tác giả, việc viết LỜI BẠT cho một tác phẩm lớn như thế này và nhất là thuộc  loại sách kinh điển, e rằng tôi không thể đáp ứng yêu cầu  mong muốn của tác giả, vì công việc này có tính chọn lựa thường dành riêng cho vị thức giả hoặc các bậc cao thâm . Nhưng Võ Thành Văn không cho ý kiến của tôi là đúng. Ông bảo tôi có thể viết nhận định được, lại nữa chỉ viết LỜI BẠT cho một tập thơ Cát Bụi trong 10 tập mà thôi. Tôi biết không thể thối thóat trước tấm chân thành của bạn hữu cũng là thi hữu nên tôi nhận lời. Tôi chọn tập thơ Cát Bụi 2 để làm chủ đề cho LỜI BẠT theo yêu cầu.
Đọc qua tập thơ Cát Bụi 2 từ câu 251 đến câu 500, trên phương diện hình thức chúng ta thấy : tác giả Võ  Thạnh Văn không những là một nhà thơ can đảm lại  còn tài tình nữa, vì dám chonï thể lọai LỤC BÁT để viết về thơ KINH ĐIỂN. Với phương thức chọn lựa này chắc chắn  tác giả phải  thật hiểu rõ về vần, điệu và tiết tấu… của thể thơ này mới có quyết định như vậy, vì thể thơ LỤC BÁT, tuy dễ gieo vần, nhưng vì gần gũi với Ca dao và Vè nên lắm lúc nhiều nhà thơ sử dụng thể lọai này, bài thơ của họ có những âm điệu gần giống như một bài Ca dao hay Vè, tạo cho người đọc nhiều nhàm chán. Nhưng với tác giả Võ Thành Văn khi áp dụng thể loại LỤC BÁT cho việc viết thơ  KINH ĐIỂN, ông đã thành công một cách nhất định. Trong 10 tập thơ  Cát Bụi. Ngoài sự am hiểu về vần , điệu , tiết tấu … ông còn chứng tỏ khả năng hiểu biết bất tận của mình về bố cục của thể thơ này. Ông dùng cú pháp và ngôn ngữ  trôi chảy, ổn thỏa. Đặc biệt trong tập thơ Cát Bụi 2 , tác giả Võ Thành Văn cho người đọc thấy nghệ thuật sử dụng vần , điệu một cách tài tình. Có những đọan thơ gần như là yểu vận mà ông vẫn gieo vần một cách mạch lạc, rõ ràng, như trong đọan thơ:
 
“ Cát đi vấp bóng hoàng hôn
   Bụi bay rã cánh, nậm hồn cõi xa
   Về đây bện cõ lợp nhà
   Ngắm chân đá vựng mây là đà bay”
Hay :
“Gió mang phún thạch ra đi
  Người về nhân thế thị phị bụi làn
  Ta về củi mục non ngàn
  Tình hâm. Tro lạnh. Đêm tàn. Rượu vơi.”
 
Cũng trong hình thức, tác giả Võ Thạnh Văn không phải vô tình cho người đọc thấy sự đặc thù  trong cách  sử dụng thể thơ LỤC BÁT trong “ KINH VÔ THƯỜNG” của ông. Mở bất cứ tập thơ Cát Bụi nào củaVõ Thạnh Văn chúng ta đều thấy phần lớn những câu 6 hay 8 đều được trình bày ngắt đọan bởi một dấu chấm,  nhưng ý nghĩa  của câu văn  tác giả muốn trình bày vẫn rõ nghĩa. Làm thơ Lục Bát lối này có phải chăng đó là một thể thức mới một kiểu lập dị riêng biệt  mà chỉ có tác giả Võ Thạnh Văn mới  là người ưu tiên thực hiện?  Chúng ta hãy xem đọan thơ sau đây để thấy sự sáng tạo trong thơ Lục Bát của tác giả Võ Thạnh Văn.
 
 “Mưa sa . Bão Táp. Sóng nhồi
   Trăm năm (ngụp lặn mé đời) phồn hoa
   Cuối mùa. Thác Lọan. Kinh qua
   Bóng ai ( chao đảo sương tà) rơi nghiêng.”
Hoặc:
“ Cát nào. Không trước. Không sau
   Không sinh. Không diệt. Không dày. Không thưa.
   Bụi nào . Không thiếu. Không thừa.
   Không biến. Không hóa. Không trưa. Không chiều.”
 
Về nội dung, 10 tập thơ Cát Bụi trong KINH VÔ THƯỜNG, nhất là tập Cát Bụi 2, chúng ta thấy Võ Thành Văn là một nhà thơ luôn sáng tạo, ngoài can đảm , tài tình, ông cũng còn là một nhà mô phạm, một nhà tu có một kiến thức triết học và thần học thuộc cấp thượng thừa. Tác giả đã thấu triệt nhân sinh quan của Phật giáo về căn nguyên của con người theo lẽ tuần hoàn của tạo hóa , “ Con người từ đâu mà sinh ra, chết sẽ đi về đâu, có còn vì đâu hay mất hẵn ?”.  Trả lời câu hỏi này ông viết:
 
“ Người từ ( cát bụi) đầu thai.
   Nghe kinh. Hóa cội hoàng mai. Đền Thần
   Ta từ (sõi) vụn liều thân
   Ngẩn ngơ. Trôi giạt. Phù trầm. Hợp  ly.
 
 Tác giả khẳng định con người từ cát bụi từ đất mà có, sự khẳng định có tính khoa học đó của tác giả  chúng ta thấy phù họp với thuyết tạo vật của Đức Chúa Giê su, người cải cách một tôn giáo cổ ở Do Thái . Đạo ấy tiêu biểu Đức Chúa Trời là một vị duy nhất sinh ra Trời- Đất và muôn vật.  Theo bộ Tân Ước, Cựu Ước thì vũ trụ  này trước đây là một khoảng mênh mông , mù mịt. Nhờ tài năng và huyền phép của Đức Chúa Trời , trong 7 ngày Ngài tạo thành mặt Trời, mặt Trăng, Tinh tú, Đất, Nước, Núi , Sông, Cây Cối , Người và Vật. Cùng trong 7 ngày ấy, Ngài lấy chút đất hà hơi thành ra ông Adam, đồng thời lấy chút đất khác cùng mấy dẻ xương sườn  của ông Adam , hà hơi vào thành ra bà Eve. Hai người lấy nhau , sinh xuống cõi trần  làm thủy tổ loài người, sau khi hai ông bà đã phạm vào trái cấm của Chúa. Từ đó con cháu  loài người đều bị bó buộc trọng tội tổ tông truyền . Ai biết tôn trọng, kính thờ, vâng lời Chúa sẽ được lên thiên đàng, đời đời sung sướng , trái lại sẽ phải đọa đầy xuống địa ngục.
Bởi chân con người là Cát Bụi nên phải trở về Cát Bụi . “Đời sinh ta  ra ta là Cát. Đời đưa ta đi , ta về đất…. Và anh đã về , một chiều anh đã về quê.”( Huyền Thoại Người Mang Tên Quốc của Phạm Duy) . Cho nên từ trạng thái vật chất cát bụi  trở thành người bởi hóa kiếp, nghĩa là không mãi mai ở yên trong trạng thái nhất định nào , luôn chuyển hóa và thay đổi hình dạng . Từ trạng thái hình thành , cao thấp, to, nhỏ, tan rã , những giai đoạn thay đổi đó tác giả cho là “ Vô thường” và theo Phật gọi là định luật : Thành, Trụ , Họai Không.
Con người là thực thể hiện hữu trong thế gian nên cũng không thóat khỏi sự biến đổi , hư hoại nên không tránh khỏi định luật vô thường, lúc có lúc không.
 
 “ Tay vo (hạt cát) vô thường
    Miên man hoa sóng . Miên trường sắc không
    Bọt bèo ( xô giạt) nhánh sông
    Nhấp nhô thuyền đậu. Ngùi trông thuyền về.”
 
Ngoài những kiến thức thâm thúy triết lý về kiếp sống tạm bợ của con người trên cõi thế gian, Võ Thạnh Văn còn chứng minh cho người đọc thấy khả năng uyên bác của ông về thuyết Luân Hồi  của Đạo Phật . Được sinh ra làm người con người phải tu chuyên và trải qua nhiều kiếp và nó luôn gắn liền với thuyết nhân quả và nghiệp quả, nghiệt oan.
 
“ Tự thân (hạt bụi) nhuốm sầu
   Tìm về ( với cát nối cầu) nghiệt oan
 
Đạo Phật xem việc sống chết là một vấn đề quan trọng , làm nhân loại luôn thắc mắc và băn khoăn. Và từ sự băn khoăn đó nên có nhiều quan niệm về vấn đề này.  Thuyết chấp đọan cho rằng, loài người cũng như vật chất, chết là mất hẳn không còn gì sau đó: “là cát bụi , con người trở về cát bụi”. Thuyết chấp thường thì trái lại, cho rằng con người chết đi linh hồn vẫn còn, vẫn vĩnh viễn lên thiên đàng hoặc mãi xuống địa ngục.
Với Võ Thạnh Văn , tuy am hiểu thuyết luân hồi của Phật giáo, nhưng vì trước đây là một tu xuất nên có thể ông dễ dàng chấp nhận thuyết chấp đọan hơn , vì con người tiền thân là cát bụi phải trở về cát bụi, mặc dù bị quá trình tạo kiếp chi phối . Con người có những nỗi khổ đau tự tại trong kiếp sinh.
 
“ Khổ đau. Tự tánh. Vô thường
   Hốt nhiên . Tụ tá. Như thường. Như không.
   Nửa  khuya lạnh nụ yêu hồng
   Mai mùa tình . Chín rục. Nồng ngát hương.”
 
Thân phận của Cát bụi trong KINH VÔ THƯỜNG CỦA Võ Thạnh Văn , chính là thân phận của con người có những cảm giác , cảm nhận vui , khổ hoặc không vui khổ  từ Ngũ Uẩn ( Mắt , Tai, Mũi , Lưỡi, Thân) . Rồi cũng từ năm giác quan này đưa con người đến ý thức tâm thiện hay tâm ác, mà sinh ra u sầu hay trụy lạc.
 
“ Cát pha bụi. Lạnh lòng tay
   Nồng đêm trăng giải. Ấm ngày sầu chao
   Tình buồn ( từ thuở) uyên trao
Vàng rơi. Ngọc rụng. Mày chau. Châu trầm.
 
 
Trên khía cạnh học thuật, chúng ta đều phải công nhận tác giả Võ Thạnh Văn là người thêm vào tòa nhà văn học Việt Nam một nghệ thuật mới trong cung cách sáng tác và sử dụng cấu trúc trong thể thơ Lục Bát rất thuần điệu.  Xưa nay, dùng thơ để viết kinh là thông thường, nhưng dùng thơ Lục Bát và ngắt dấu  để viết Kinh Thư mới là một phát sinh mới đáng đề cập.
Với KINH VÔ THƯỜNG, đại để là 10 tập thơ  Cát Bụi,  mà đặc trưng là Cát Bụi 2, chúng ta còn thấy nơi Võ Thạnh Văn một con người luôn tìm tòi học hỏi , nghiên cứu sâu về các triết lý sống của nhiều Đạo Giáo. Ngoài các triết thuyết lớn của các tôn giáo hiện hữu. Võ Thạnh văn đã còn có một triết lý sống cho chính bản thân mình. Tác giả  đem niềm vui vào sự nghiên cứu triết lý, cho bản thân và cho giới nghiên cứu triết học. Với Võ Thạnh Văn triết lý là bình thường, là nhân văn là trong cuộc sống thường ngày của con người, những bị , lạc, ….đó là triết lý, nó là những ý thức, ý niệm không xa vời với con người. Thái độ khiêm cung trước mọi người cũng chính là triết lý sống của tác giả. Cũng với tác giả ý thức quan niệm của con người  còn là một triết lý sống thực hơn hết.  Đó là lối sống “không xa đời, không tránh người, gần với trời , hòa với đất, vui với đạo, yên với đức , bằng lòng với số mệnh, chấp nhận an bài , không oán, không ghét không giận, không hờn chỉ thương, chỉ nhớ, nên vui, nên mừng, để tích hợp diệu nghĩa, để biểu đạt lương duyên” Vì am thấu đời người là vô thường nên tác giả chấp nhận lẽ trời như là một thực thể trong cuộc sống của mình, rồi chiêm nghiệm sự tất yếu của luật vô thường mà sẵn sàng kết thân với sự chết, để biết hành tàng của sự  Thành, Trụ, Họai Không, từ đó sẳn sàng cho linh hồn mình có sự  tự do thoát khỏi mọi sự trói buộc sự phóng đãng của lý trí.
 
“ Ngày mai cát bụi xa rồi
   Ta lên đồi vắng. Ngóng môi mắt về
   Bốn bề (sương tỏa) lê thê
   Trường sơn ( lạnh ngắt như mê) mộng vờn”
 
Tóm lại,  với quan niệm đời người là cát bụi phù du, nay còn mai mất, và dù chấp nhận lẽ tất yếu của thuyết vô thường, nhưng tác giả vẫn phải tranh đấu để tồn tại dù sự tồn tại trong giới hạn của một kiếp nhân sinh. Không vì hiểu đời là vô thường mà thụ động trong cuộc sống, Võ Thạnh Văn luôn làm việc siêng năng để có được cái cơ may trong cuộc sống làm người, ông sáng tác , viết sách, viết kinh không phải để khoe cái kiến thức uyên bác của mình, hay muốn thế hệ sau biết về mình hoặc mong có đuợc người tri âm hay tri kỷ. Hơn ai hết ông đã biết:
 
“ Chìm trong khói bụi . Am tăng 
  Vô thường một thoáng .Thường hằng phù vân
   Xác thân ( huyễn hoặc ) vô ngần
   Độ người siêu thoát . Trăm ngần họa tai”
 
Võ Thạnh Văn viết kinh , viết sách , hay làm thơ , làm văn chương đó chỉ qua là để trả cái nợ nhân sinh của người tuấn kiệt . “Âu đó cũng là cái nghiệp dĩ của một kiếp tài hoa.”
 
HÀ ĐÌNH HUY