Tạp ghi

Linh Mục Phê Rô TRƯƠNG BÁ CẦN NỖI NIỀM BIẾT TỎ CÙNG AI

Xin đọc để rộng đường tham khảo về Linh Mục Phê-Rô Trương Bá Cần.

***********************

Linh Mục Phê Rô TRƯƠNG BÁ CẦN Nỗi miền biết tỏ cùng ai

 

            Linh mục Phê rô Trương Bá Cần, nguyên Tổng tuyên uý Thanh Lao Công, đã vĩnh viễn ra đi.

            Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của ông luôn là một dấu hỏi đối với nhiều người Công giáo Việt Nam. Đặc biệt là những cộng đoàn công giáo thuộc Tổng Giáo phận Sài gòn. Nhiều người còn gọi ông là Linh mục đỏ, Linh mục quốc doanh…Tôi có nhiều người bạn tù thân thiết cũng nghĩ về ông như vậy. Chính ông cũng biết rõ điều đó. Khi nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp tu sĩ, giáo dân trong vụ Toà Khâm sứ cũ và giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, đã có nhiều bài báo viết trên mạng phê phán ông gay gắt. Ông cho người cháu in các bài đó đưa cho tôi đọc rồi lắc đầu than thở, không hiểu sao họ chửi mình. Ông còn cho tôi biết, anh Phạm Tất Hanh, nguyên thành viên Ban Chấp hành Trung ương Thanh Lao Công cũng viết bài phê phán ông đăng trong Tạp chí Nhà Chúa ở Hoa Kỳ.

            Lúc này, ông không còn có mặt trên thế gian đầy biến động này nữa. Ông đi về nước Chúa hay đến một nơi nào khác, tôi không biết. Tôi nhắc lại chuyện trên không nhằm phê phán ông. Tôi cũng không xét xem những việc ông làm đúng hay sai. Đúng hay sai đó là việc mà ông phải đối diện với lương tâm, ông sẽ chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa, Người đã cho ông ơn kêu gọi để trở thành mục tử, mang sứ mạng rao giảng Tin mừng, dọn đường cho Chúa đến.

            Tôi thực tâm luôn coi ông là người Thầy, người Cha thân thiết, gần gũi nhưng khó hiểu. Ông đã khai mở cho tâm trí tôi dòng suy nghĩ về thế giới hôm nay, về giáo hội, nhất là về thân phận những con người thấp hèn đang sống cơ cực trên quê hương này.

            Tôi đã đến và làm việc ở trụ sở Thanh Lao Công tại số 370 Lê văn Duyệt Sài Gòn vào cuối tháng Năm năm 1972, lúc bấy giờ nhiều thủ lãnh Thanh Lao Công nam bị chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bắt bỏ tù. Tại trụ sở Thanh Lao Công nam chỉ còn vài người gồm các anh Nguyễn Ngọc Hà, Hạ sĩ nhất Không quân, Nguyễn Sinh Tiềm, Y tá Thượng sĩ Quân y viện Ngô Quyền Thủ Đức; các anh Lê Văn Long và Trần Văn Quân là những sinh viên trốn lính; công việc của hai anh sinh viên này là đánh máy và in ronéo tạp chí CHỌN, báo Tin Mừng Hôm Naybản tin Thanh Lao Công (đến năm 1974, các anh có đánh máy và in thêm Tạp chí SỰ THẬT do Giáo sư Ngô Văn Ân, Linh mục Trần Thế Luân và tôi chủ trương); Thiếu Uý Phạm Tất Hanh, nguyên giáo viên Trường Sinh ngữ Quân đội và Chuẩn uý Nguyễn Hãy, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thanh Lao Công Nha Trang, thỉnh thoảng tạt qua trụ sở thăm anh em, đôi khi ngủ lại trụ sở; và tôi là thương phế binh Quân đội Việt Nam Cộng Hoà; ngoài ra, cũng còn có một người cháu trai và vài cô cháu gái của Linh mục Trương Bá Cần từ Bảo Lộc xuống ở nhờ để đi học, kết hợp với việc lo cơm nước cho ông.

            Tôi thật may mắn được đích thân Linh mục Trương Bá Cần hướng dẫn việc đọc sách. Những quyển sách phần lớn nội dung viết về Công Đồng Vatican II như Hiến chế Mục vụ trong Thế giới hôm nay, Thông điệp Mẹ và Thầy, Thông điệp Đấng Cứu chuộc Con người, Tuyên ngôn của Đại hội đồng Giám mục Thế giới, Tuyên ngôn và Quyết nghị của Hội đồng Giám mục Á châu họp tại Manila năm 1970…Đó là những quyển sách, những tài liệu mà sau khi đọc xong tôi nhận chân được rằng Giáo hội của tôi đang thực sự hoà nhập vào những hy vọng, lo âu, cùng chia sẻ những nỗi đau của thân phận con người cùng khổ. Đó là những quyển sách gối đầu nằm của tôi. Tôi đã đọc say sưa bất kể ngày đêm. Để am hiểu và đóng góp tích cực cho phong trào Thanh Lao Công, ông đưa tôi đọc quyển Vai trò Tông đồ Giáo dân, Thanh Lao Công và Phương pháp Xem- Xét – Làm. Song song với việc đọc sách, tôi phải đi học đánh máy chữ, sang nhà in Trình Bày học xếp chữ in typo, học tiếng Anh, tiếng Pháp…Ông còn giao cho tôi một công việc mà lúc đó tôi cho rằng quá nhàm chán. Mỗi ngày tôi phải ghi chép vào một quyển sổ khổ lớn tiêu đề các bài báo, tên tác giả viết liên quan đến các vấn đề giáo hội, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục…đăng trên các tờ nhật báo phát hành tại Sài Gòn. Cũng chính công việc này đã cho tôi nhận thức về một xã hội thật sinh động và nhiều biến động trong xã hội lúc bấy giờ.

            Một buổi sáng, ông gọi tôi lên phòng của ông để trao đổi về Công đồng Vatican II, đặc biệt về Hiến chế Mục vụ trong thế giới hôm nay, về vai trò của chiến sĩ Thanh Lao Công – chất gây men trong cuộc sống – phải dấn thân vào sinh hoạt cộng đồng và môi trường xã hội…Tôi thẳng thắn trình bày những suy nghĩ, hiểu biết của tôi và đề nghị hướng đi mới cho phong trào Thanh Lao Công ở địa phương.

            Sau lần trao đổi đó, ngoài những công việc ở văn phòng, ông giao cho tôi cùng với hai Linh mục tuyên uý là Phan Khắc Từ và Trần Thế Luân đi cơ sở để nắm tình hình hoạt động của các đoàn Thanh Lao Công, cùng sinh hoạt với các anh chị em tại các địa phương như Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết, Bình Tuy, Căn Cứ II (Long Khánh) và Phước Tỉnh…Linh mục Phan Khắc Từ và tôi thành lập Đoàn Thanh Lao Công mới tại Giáo xứ Tân thái Sơn, Đoàn Học sinh Thanh Lao Công. Đa số các em học sinh sống tại các xứ đạo Vườn Xoài, Tân Phú, Tân Thái Sơn là nòng cốt cho phong trào học sinh lúc bấy giờ. (Hiện nay, nhiều em đã thành đạt ở nước ngoài cũng như ở trong nước). Đồng thời, tôi cùng Linh mục Trần Thế Luân đến Kênh Nước Đen, cù lao Nguyễn Kiệu (Quận 4) tiếp xúc nhằm chuyển hoá các em bụi đời, chích xì ke. (Có nhiều em sau này tham gia tích cực cùng cha Luân xây dựng ngôi nhà nguyện Mẫu Tâm lúc ban đầu chỉ có không đến mười người cho đến ngày cha Luân qua đời (1988) số người theo đạo Công giáo lên tới hai trăm).

            Linh mục Trần Thế Luân và tôi hằng năm có đến ba, bốn lần đi sinh hoạt với các Đoàn Thanh Lao Công Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết, Bình Tuy. Tôi còn nhớ lần đầu tiên đến Nha Trang, cha Luân dẫn tôi đến trình diện đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận. Đức Cha bảo chúng tôi xuống báo cơm với nhà bếp, tắm rửa rồi lên gặp Đức Cha. Cuộc gặp ngài hôm đó thật giản dị, ấm cúng và sậu đậm. Ngài dẫn chúng tôi vào một phòng nhỏ, rồi, nhìn lên tượng Chúa chịu đóng đinh, Đức Cha và chúng tôi cùng làm dấu thánh giá dâng lời cầu nguyện. Ngài đọc bài thánh thư của Thánh Phao Lồ rồi diễn giải ý nghĩa của bài Thánh thư. Cha Luân và tôi cùng chia sẻ với ngài tinh thần của bài Thánh thư đó. Chỉ có thế thôi, ngài không bắt buộc chúng tôi phải làm thế này thế kia. Nhưng tôi vẫn cảm nhận lời chia sẻ bài Thánh thư của ngài như một mệnh lệnh, một huấn dụ cho chúng tôi thực thi sứ vụ tông đồ tại giáo phận mà ngài đang đảm nhận.

            Hàng quý, Linh mục Phan Khắc Từ và tôi đi công tác tại các đoàn Thanh Lao Công ở Căn cứ II (Long Khánh) và Phước Tỉnh. Đến năm 1973, do Linh mục Phan Khắc Từ xin vào làm công nhân Sở Vệ sinh Đô thành, đồng thời tham gia các tổ chức chính trị như Mặt trận Cứu đói, Uỷ ban Bảo vệ Quyền lợi Người Lao động…nên ít có thời gian đi địa phương cùng tôi.

            Cũng trong thời gian Linh mục Phan Khắc Từ đi làm công nhân vệ sinh, tôi có viết một đề án “Thay đổi Số phận Những Người Lượm Rác” và được Linh mục Trương Bá Cần tán thành. Để thực hiện đề án này, tôi đã thực thụ đi lượm rác. Mỗi sáng tinh mơ, tôi có mặt ở bãi rác Thủ Đức, tay cầm hai bao loại 50kg và chiếc cù nèo hoà cùng những người lượm rác tại đây. Sau một tuần lễ cùng lượm rác, cùng ăn cơm, cùng nghỉ trưa tại chỗ như họ, tôi đã tìm được nguyên nhân dẫn đến sự nghèo đói cùng cực của họ. Họ uống rượu như hũ chìm, đánh bài, chơi số đề, con em họ đều không được đến trường…họ thường bị các chủ vựa ve chai, phế liệu thu mua với giá rẻ mạt.

            Để thay đổi số phận của những người lượm rác, Linh mục Trương Bá Cần đồng ý cho chúng tôi dùng trụ sở Lê Văn Duyệt thành lập tổ thu mua rác phế liệu, những người đến bán phế liệu đều được cấp thẻ tổ viên để hàng quý được chia lãi. Để tăng thu nhập cho các tổ viên, ông đã cùng tôi đến công trình xây dựng Cư xá Thanh Đa gặp Kiến trúc sư Nguyễn Thiệp xin các vỏ bao xi măng, gặp ông Đức chủ hãng Cogido để thương lượng mua giấy vụn và gặp các Sơ đang công tác tại các bệnh viện Công giáo xin các vỏ bao thuốc và chai lọ…Đến đâu, chúng tôi cũng được sự đồng tình.

            Trụ sở Thanh Lao Công những ngày sau đó trở thành bãi phế liệu to đùng, người ra vào và đến làm việc tấp nập. Để tôi không bị chi phối bởi công việc của tổ thu mua phế liệu, Ông và Linh mục Phan Khắc Từ cử thầy Nguyễn Ngọc Vần đang giúp xứ Vườn Xoài sang trông coi.

            Cũng nhờ các tổ thu mua phế liệu mà nhiều anh chị em tại các giáo xứ Bùi Phát, Vườn Xoài, Tân Hương, Tân Thái Sơn và một số thanh niên, học sinh khu vực Cống Bà Xếp có việc làm. Nhiều anh chị em đã trở thành nồng cốt cho phong trào Thanh Lao Công như các chị Mai Thị Thìn, Sương, Hoà, Ngọc, Thoa, Hoa, Hà…và các em nam như Hoa, Tài, Sáu…Tất cả các chị em trên đều thuộc hai giáo xứ Bùi Phát và Vườn Xoài. Linh mục Trương Bá Cần cũng đồng ý cho chúng tôi nhận hai em Cu Tý và Bé Xíu mồ côi cha mẹ đang đi lượm rác được đến ở trong trụ sở để chúng tôi bảo bọc, nuôi nấng, dậy dỗ và được cắp sách đến trường như bao trẻ em khác. Một điều không ngờ là sau biến cố 1975, hầu hết giáo dân xứ đạo Tân Hương sống bằng nghề rác phế liệu, nhiều gia đình đã trở nện giàu có nhờ hợp đồng với chủ đất đào bới các bãi rác Mỹ hoặc móc nối với các công ty quốc doanh thầu các hộp carton và nylon phế liệu…

            Để được các chủ hãng chấp nhận thu mua rác phế liệu theo hợp đồng, chúng tôi phải làm công tác phân loại và đóng gói rác. Bao nylon phải được giặt sạch đem bán cho các hãng chế biến phế liệu mà không phải qua trung gian đầu nậu. Lần chia lãi đầu tiên các tổ viên đều nhận được một khoản tiền khá lớn, nhiều tổ viên tâm sự với tôi là trong cuộc đời chưa bao giờ họ cầm số tiền lớn như vậy.

            Nhằm thay đổi số phận những người lượm rác, thầy Vần và tôi soạn nội quy và điều lệ cho các tổ viên. Nội quy chú trọng đến các tật xấu mà họ phải bỏ như: không được uống rượu say sưa, không được đánh bài, không được ghi số đề…ai không biết chữ phải đến trụ sở mỗi tối (trừ thứ Bảy và Chủ nhật) để học cho đến khi biết đọc, biết viết. Chúng tôi nhờ các tổ viên đang học Trung học làm thầy, cô giáo đứng lớp. Tổ thu mua phế liệu phải ngừng hoạt động do ngày 30-4-1975, trụ sở bị một trung đội bộ đội đến chiếm đóng. Thầy Vần cùng các anh chị em trong Ban điều hành tổ phải chuyển về 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Văn phòng Đại diện Địa phận Vinh do Linh mục Nguyễn Viết Khai quản lý.

                                                            *                      *

                                                                        *

            Hầu như chủ trương, đường hướng phát triển Thanh Lao Công miền Nam Việt Nam do Linh mục Trương Bá Cần là Tổng Tuyên uý đã không được sự đồng tình của nhiều linh mục, giáo dân nhiều xứ đạo. Theo tôi nghĩ, đó là do các linh mục và giáo dân Việt Nam chưa quen với các xu thế tiến bộ như ở các nước Âu châu, chưa thông cảm việc các cha cố xuống đường, nằm tuyệt thực trên lề đường Nguyễn Trãi trong vụ Pin Con Ó hay vụ tai tiếng do một số sinh viên giáo xứ Vườn Xoài lén vào phòng Cha chế tạo bom xăng đốt xe Mỹ …Mà cũng không hẳn như vậy, năm 1989, luật sư Đoàn Thanh Liêm, anh Phạm Tất Hanh và tôi được Đức Cha Nguyễn Văn Nhật (lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam) tiếp tại Tu viện Tông đồ nhỏ đặt tại địa bàn giáo xứ Bạch Lâm. Ngài nói với chúng tôi rằng ngài không hài lòng về nội dung các bài viết của báo Công giáo và Dân tộc; và chính ngài đã thông báo miệng cho các cha trong địa phận không nên đọc báo Công giáo và Dân tộc. Tôi không chia sẻ gì với đức Cha nhưng trong thâm tâm, tôi cũng cảm nhận như vậy. Tôi đã đọc một số bài do Linh mục Trương Bá Cần và Linh mục Huỳnh Công Minh viết đăng trên tuần báo Công giáo và Dân tộc số 40-41 nhận định về Thư chung của Giám Mục Đông Dương năm 1951 và Thư chung 1960 rồi 1964 của Giám mục mền Nam Việt Nam là quá sai lệch, các cha đã không phân biệt được bóng tối và ánh sáng. Các Giám mục ra thư chung trong bối cảnh lịch sử của Đông Dương và Việt Nam vào các thời điểm đó hoàn toàn có lý do và sáng suốt.

            Ngoài ra, Linh mục Trương Bá Cần cũng không được sự đồng thuận của Liên đoàn Thanh Lao Công Nha Trang. Tôi còn nhớ có lần công tác tại Nha Trang, Linh mục René Gautier (tuyên uý Liên đoàn Thanh Lao Công Nha Trang) đã thẳng thắn phê phán cha Cần đẩy phong trào Thanh Lao Công đi quá xa, sai với đường hướng mục vụ. Ông dẫn chứng nhiều thủ lãnh tranh đấu bị chính quyền bắt giam do có người đã vào bưng nhận lệnh của cộng sản. Linh mục Gautier tặng tôi quyển Kiểm Điểm Đời Sống do ngài biên soạn để hướng dẫn các đoàn viên Thanh Lao Công Nha Trang. Tôi đã đọc ngay trong ngày hôm đó và sáng hôm sau tôi trao đổi với ngài rằng, như cha biết đó, Thanh Lao Công được thành lập bởi đức Hồng y Giuse Cardijn, tôn chỉ và mục đích của ngài là huấn luyện tầng lớp công nhân, thợ thuyền đi vào môi trường làm việc bằng đức tin Ki-tô hữu, bằng phương pháp Xem-Xét-Làm. Cha Cần cũng chỉ làm đúng như thế. Còn Cha chú trọng cho đoàn viên sống đời sống tâm linh, đạo đức trong môi trường lao động, điều đó cũng đúng  và cũng rất cần thiết cho mỗi người Ki-tô hữu. Tôi cũng nhìn nhận với ngài rằng, chính cha Cần cho tôi biết Đoàn Khắc Xuyên được cán bộ cộng sản sắp xếp đưa vào mật khu Hố Bò gặp Mai Chí Thọ, vì lẽ đó mà chính quyền không trả lại tự do cha anh ta, trong khi đó tất cả các thủ lãnh Thanh Lao Công bị bắt vài tháng sau đều được trả tự do.

            Những bất đồng trên chỉ được giải quyết khi Linh mục Fernando, Tổng tuyên uý Thanh Lao Công Quốc tế và anh Sergio, Chủ tịch Thanh Lao Công Quốc tế sang Việt Nam tổ chức cuộc họp bất thường tại 12 Yersin Đà Lạt. Trước khi vào cuộc họp căng thẳng này, anh Sergio, anh Nguyễn Hồi (Chủ tịch Liên đoàn Thanh Lao Công  Nha Trang), tôi và vài anh em khác đi uống nước tại quán cà phê Tùng. Tôi cũng thừa nhận với các anh là tại Sài Gòn có một số thủ lãnh và đoàn viên đi quá xa vào con đường chính trị, đó là sự lựa chọn cá nhân của họ, cha Cần không thể cấm họ được. Khi đã biết chắc họ hoạt động cho cộng sản  như trường hợp Nguyễn Xuân Phổ đến trụ sở tuyên truyền, lôi cuốn các đoàn viên Thanh Lao Công, ông đã phản ứng và không cho sinh hoạt Thanh Lao Công nữa.

            Cuối cùng thì cuộc họp đêm đó cũng đã có những tranh luận thẳng thắn trên tinh thần xây dựng và mọi hiểu lầm được giải toả.

 

                                                            *                      *

                                                                        *

Cho đến lúc này tôi thực sự vẫn không hiểu cặn kẽ về ông. Tôi tự hỏi, Ông là người cộng sản chăng? Chắc chắn là không. Nhưng qua một số việc làm của ông và một số linh mục khác như khi đến gặp Đức Cha Nguyễn Văn Thuận đề nghị ngài đừng nhận nhiệm vụ ở Sài Gòn mà hãy về lại Nha Trang, việc chính quyền cộng sản trục xuất Đức Khâm Sứ Toà Thánh năm 1975 hay trong vụ phong thánh năm 1988…

Lần cuối cùng, khi đến thăm ông đang điều trị tại bệnh viện Tâm Đức vào tháng Sáu năm 2009, tôi đã đặt thẳng những vấn đề trên với ông. Ông cho rằng mình chỉ là công cụ của Giáo hội và quê hương; quyền lợi của Giáo hội và quyền lợi của quê hương không thể trái ngược nhau. Bởi vì cả hai đều vì con người và cho con người.

Tôi muốn hỏi ông quê hương nào, của ai. Nhưng đành câm lặng vì sự mệt mỏi đã hiện rõ trên khuôn mặt ông.

Mãi mãi tôi vẫn luôn nhớ về ông, người thầy, người cha thương kính đã giúp tôi trưởng thành trong một xã hội đầy cạm bẫy và chông gai.

                                                            Lều Gió, đêm 20 tháng Bảy năm 2009.

 

 

 

 

 

 

 

 

Hát cho người nằm xuống

                  Kính viếng Cha Michel TRẦN THẾ LUÂN
Thơ TRƯƠNG HÙNG THÁI

 

1.

Tôi đã thấy

quanh cỗ áo quan cha nằm

dưới huyệt sâu

Những khuôn mặt người

            cố ngăn dòng nước mắt

Tội đã thấy

            những người đàn bà lam lũ

                        áo sờn vai

Rộng tay quờ quạng

            lùa từng miếng đất

                        xuống huyệt sâu

Tôi đã thấy

            những sư cô màu áo vàng

nhiều lần đến thăm cha

            thật ân cần

                        cho đến giờ vĩnh biệt

Tôi đã thấy

            người dân cù lao Nguyễn Kiệu

                        cùng giáo dân nhiều họ đạo

                                    đến dự lễ tang

            chật kín nguyện đường Thánh An tôn

Họ cúi đầu tiễn biệt cha lần cuối

Tôi đã thấy điều mới lạ trong tôi

Khi nắp bàn thiên

            cỗ áo quan cha nằm khép lại

Tim tôi nhói buốt

Khi tiếng búa gõ

            gõ trên mặt hòm

Cổ tôi nghẹn đắng

Khi từng miếng đất đậm tình

            ném xuống huyệt sâu

Tôi không thể

            không thể ngăn được dòng nước mắt

2.

Cha Michel

Còn đây giòng nước đen

Cùng cảnh đời cơ cực

Nơi cù lao Nguyễn Kiệu

Đếm làm sao hết

Người dân lam lũ

Suốt đời

Cơm không đủ ăn

Áo không đủ mặc

Họ thức khuya dậy sớm

Ôm giá rét vào đông

Cha đến cù lao

Giữa đời sống khó nghèo

Bằng tấm lòng nhân ái

Bằng lương tri người tu sĩ

Cha mở lòng ra cho người cùng khổ

Cha mở lòng ra

            cho người trôi sông lạc chợ

cho những em bé bụi đời

            không mẹ

            không cha

Cha đã chia nỗi đau

            cùng niềm bất hạnh

để họ có được một lần vui

3.

Tôi không thể quên ngày, tháng, năm

Đầu thập niên 70

Những dòng đời trôi dạt

Từng cơn lũ người ào ạt trào dâng

Họ đình công

Họ xuống đường

Họ chống chiến tranh

            đòi hoà bình

            đòi độc lập

            đòi tự do

            đòi cơm áo

Bươm bướm bay rợp trời

Lời hát vang dậy nơi nơi

Cha góp mặt

Như bao người dân có mặt

Hôm nay có người nói về Cha

          Kìa ông Cha Pin Con Ó

          Kìa ông Cha nằm đường tuyệt thực

          Kìa ông Cha nhuộm đỏ

Nhiều khi nhai đi nhai lại

          Kìa ông cha quốc doanh

Họ đưa mắt nhìn Cha

            như có gì ái ngại

Bằng bức tường ngăn cách, Cha ơi!

Còn riêng tôi

            Tôi hiểu Cha cách khác

Bởi đã một thời

            Tôi kề cận bên Cha

Cùng chung miếng ăn, giấc ngủ

Cùng chia xẻ cay đắng ngọt bùi

Cha ơi, nếu họ nghe được

Lời Cha hằng khuyên nhủ

“Con ơi hãy sống

và cống hiến cho đời

trong tình thương của Chúa

trong tình yêu của Mẹ

đừng tham danh cầu lợi

đừng bao giờ để người

            làm chính trị giật dây”

Hôm nay tôi mới hiểu

Vì sao Cha không giải thích

Vẫn âm thầm bên cuộc sống khó nghèo

Bên dòng nước đen

Cùng người dân cù lao Nguyễn Kiệu

Ôi rái tim người

Là lễ hiến dâng

Là ngọn đuốc niềm tin

Cha chọn cho mình

Niềm tin bé nhỏ

Bên ông Ba

            bà Hai

Ông Sinh

            bên những em bé

đêm Chúa ra đời

            nơi nguyện đường Mẫu Tâm

Cha như ông già Noel

Ban phát tình thương

Làm sao tôi quên

Một ngày áng mây vần vũ

            chuyển màu đen

Cha nằm trên giường bệnh

Biết bao bà con

            Cùng hai em Diệu – Phượng

            quên ăn

            quên ngủ

            cận kề bên Cha

cho đến giờ phút cuối

Làm sao tôi quên

Thánh lễ an táng cử hành

Qua lời giảng ngậm ngùi

Đức Cha Phao-lô nhắc từng câu từng chữ

“Cha Michel là người

            không có tham vọng cá nhân

Cha Michel là người

            không có ý đồ chính trị”

Ôi, những lời ngắn ngủi

cũng đủ làm cho tôi

            rưng rưng nước mắt

Sự thật ơi!

Phải chăng sự thật chỉ có được

khi con người trở về cõi chết

Cha Michel,

đêm Cha nằm xuống

âm thầm tôi đếm hạt mưa rơi

Giữa đêm đông trăng soi lạnh cóng

Đêm Chúa ra đời

Vẳng tiếng thiên thần hát ngợi khen

Bài thánh ca tôi hát mừng Cha

Chan hoà nước mắt

Nghe vọng về mầu nhiệm phục sinh

                        Sài Gòn, Giáng Sinh 1988

 

 

NỖI NIỀM BIẾT TỎ CÙNG AI

                                                                                         Trương Hùng Thái