Văn

Lê Hữu : Màu cờ còn tươi, tình yêu còn thắm

Màu cờ còn tươi, tình yêu còn thắm

 

 

 

 

 Xin quí vị nhấn vào 2 hình để nghe chị Bích Huyền trong :  
Màu cờ còn tươi
tình yêu còn thắm (1) và (2)
Trong chương trinh Một Thoáng Hương Xưa.

 

Xa nhìn thấp thoáng trong mây

muôn bóng quân Nam chập chùng…(1)

 

            Câu chuyện bắt đầu từ những ngày xa xưa, thuở tôi còn là cậu học trò nhỏ vừa bước vào năm học đầu tiên của một trường trung học ở thành phố cao nguyên có cái biệt danh nghe buồn buồn là “Buồn-muôn-thuở”. Cậu học trò ấy, vào mỗi sáng thứ Hai, cùng chúng bạn đứng xếp hàng ngay ngắn trước sân cờ, nao nức chờ đợi phút giây được tham dự vào nghi thức chào quốc kỳ của toàn trường.

      Lễ thượng kỳtên gọi đúng của nghi thức ấydiễn ra trong bầu không khí thật trang trọng giữa sân trường thuở ấy. Sau tiếng hô “Nghiêm” dõng dạc và tiếng bắt giọng quen thuộc “Này công dân ơi…, hai, ba…”, tất cả chúng tôi, thầy cô giáo và học trò, cùng cất cao tiếng hát trong lúc lá cờ vàng tươi thắm từ từ, từ từ được kéo lên.      

      “Đứng thẳng người,” thầy tôi dặn, “ngực ưỡn ra, miệng hát lớn, mắt hướng về lá quốc kỳ, cho tới khi bài quốc ca chấm dứt.” Tôi đã làm đúng lời thầy, mắt dõi theo lá quốc kỳ nhẹ bay trong gió, mỗi lúc một lên cao. Lá cờ màu vàng tươi phấp phới bay trong nắng sớm giữa nền “trời xanh, xanh bao la”, có từng cụm mây trắng lững lờ… Bỗng nhiên, trong một thoáng, câu hát ấykhông phải câu hát trong bài quốc canghe vẳng lên trong đầu tôi, “Xa nhìn thấp thoáng trong mây / muôn bóng quân Nam chập chùng”. Cùng lúc, tôi như nhìn thấy, thoáng ẩn thoáng hiện trong những cụm mây nơi phía chân trời mờ xa, chập chùng những đoàn quân đang tiến bước.

      Tôi không thể biết chắc, những gì tôi nghe thấy và trông thấy là “bóng mây ảo giác” hay là những bài hùng ca, những bài học lịch sử mà chúng tôi học được từ những người thầy đã in hằn trong tâm trí tôi, khiến mỗi lần dõi mắt trông theo lá cờ vàng phấp phới trong nắng trong gió là mỗi lần câu hát ấy lại vẳng lên và đoàn quân ấy lại “thấp thoáng trong mây”.

      Chúng tôi trông đợi những sáng thứ Hai, trông đợi những phút được đắm mình vào không khí trang nghiêm đầy cuốn hút của buổi lễ thượng kỳ. Không khí ấy, với tôi, như mang một vẻ gì thiêng liêng, như nhuốm một vẻ gì bi tráng của những trang sử Việt hào hùng, của những chiến công thần kỳ và của những nợ máu xương chồng chất. Trong lòng tôi khi ấy dâng lên những cảm xúc thật kỳ lạ, vừa là niềm ngưỡng phục, vừa là niềm tự hào, vừa ngùn ngụt hào khí của cậu học trò ở tuổi vừa lớn, trong tiếng nhạc trầm hùng như giục giã những bước chân đi tới. “Công dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ!…

      Những năm học nối tiếp theo nhau, và ngày tháng trôi đi bình lặng.

      Thế rồi, những năm tháng êm đềm vụt biến mất, cơn bão của lịch sử đã cuốn phăng đi tất cả, cuốn phăng chúng tôi đi, cuốn phăng biết bao nhiêu số phận. Thành phố quê tôi bị chiếm đóng vào một ngày tháng Ba năm 1975. Tất cả lá cờ trong thành phố đều bị thay bằng lá cờ khác. Lá cờ phất phới trên đỉnh cột cờ trong sân trường tôi cũng cùng chung số phận. Không có nỗi đau đớn và mất mát nào lớn hơn thế trong đời tôi. Ngôi trường ấy không còn là ngôi trường của chúng tôi nữa. Chúng tôi tan tác như bầy chim hoảng loạn.

 

* * *

 

Hơn bao giờ hết, tôi hiểu được vì sao đã có những người tìm đến cái chết trong những ngày đen tối ấy. Lá cờ vàng, biểu tượng thiêng liêng của tình yêu đất nước, từ lâu lắm đã nằm trong đáy tim họ và đã như một phần đời sống không thể nào tách rời. Khi cái phần đời sống ấy bị tước đoạt, cuộc sống như mất hết ý nghĩa, và khi nỗi mất mát ấy lớn quá mức chịu đựng thì họ tìm đến cái chết. Họ muốn được chết theo lá cờ ấy.

      Tình yêu của họ dành cho lá cờ ấy lớn quá, sâu đậm quá, mãnh liệt quá. Họ đã chọn cái chết hơn là sống mà không còn được trông thấy lá cờ ấy.

      Họ yêu lá cờ đến độ sẵn lòng đổi cả mạng sống mình cho tình yêu ấy, cho màu cờ mà họ tôn quý nhất trên đời này.

      Họ chết đi để không phải nhìn thấy lá cờ họ yêu quý bị thay bằng lá cờ khác. Họ chết đi để giữ cho tình yêu ấy trở thành bất diệt, để cho ngọn lửa tình yêu ấy trở thành ngọn lửa vĩnh cửu, đời đời.

      Trong số những người yêu lá cờ ấy và chết theo lá cờ ấy có đứa em tôi, đứa em gái duy nhất trong số mấy anh em tôi. Em chết khi vừa tròn tuổi đôi mươi, tuổi đẹp nhất của một đời người. Em chết khi tóc còn xanh, khi môi còn thắm, còn tràn đầy ước mơ. Trước mắt em ngày ấy là chân trời rộng mở, là khung trời bát ngát, có hoa bướm trăng sao, có sân trường lớp học, có thầy cô bạn bè, có tình đầu tuổi học trò… Trong phút chốc, tất cả đều biến mất, tất cả đều sụp đổ, như bức màn đen bất thần phủ chụp xuống đời em. Lá cờ bị vùi dập như những ước mơ của em bị dập tắt phũ phàng. Em chết đi cùng những giấc mơ tươi đẹp nhất của em.

 

* * *

 

Tôi nhớ, ngày đầu đặt chân lên miền đất tự do của người Việt tỵ nạn này, tôi đã xúc động như thế nào khi được trông thấy lại lá cờ ấy. Nỗi xúc động vỡ ra thành những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt trộn lẫn những mừng vui và tiếc hận.

      Tôi mừng vui vì sau bao nhiêu năm, tôi được gặp lại lá cờ ấy như gặp lại khuôn mặt người thân yêu tưởng sẽ không bao giờ còn được trông thấy nhau lần nữa. Tôi mừng vui vì sau bao nhiêu năm, tôi được gặp lại tôi, gặp lại cậu học trò nhỏ với trái tim bừng bừng cảm xúc, gặp lại tình yêu của tôi với lá cờ của mấy mươi năm về trước. Tôi mừng vui vì những kỷ niệm cũ không chết đi mà vẫn còn tươi rói, như mới ngày hôm qua đây thôi. Bao nhiêu thứ ùa về cùng một lúc trong khoảnh khắc hạnh phúc ấy.

      Tôi tiếc hận vì những người thân yêu của tôi đã không còn nữa, như đứa em tôi đã không còn nữa để thấy giấc mơ của em chưa bị dập tắt, để em được trông thấy lá cờ của em vẫn còn tươi thắm, để anh em tôi được đi bên nhau trên những đường phố lớn giữa bao nhiêu là người Việt và giữa một rừng cờ vàng bay ngờm ngợp trên quê hương thứ hai này. Lá cờ phơi phới như mang theo niềm tin yêu mới. Lá cờ bay phần phật trong nắng trong gió, như những bước chân rộn ràng đi xây lại những ước mơ chưa thành tựu của những người đã nằm xuống cho một tương lai, một vận hội mới về trên quê hương.

      Tôi hiểu được vì sao đôi lúc tôi gặp những con mắt đỏ hoe trong những lễ chào quốc kỳ. Câu chuyện” của họ chắc không giống như câu chuyện của tôi, nhưng cùng chung một nỗi xúc động trào ra thành những giọt nước mắt.

      Tôi cũng hiểu được vì sao, trong những buổi lễ chào quốc kỳ tôi vẫn gặp những người cựu chiến binh ấy. Tình yêu của họ dành cho lá cờ ấy vẫn còn nguyên vẹn. Những người cựu chiến binh, một số đã lìa đời, một số “tóc đã điểm sương” hay đã bạc trắng mái đầu, tôi vẫn gặp đâu đó, vẫn sống lặng lẽ quanh đây. Hơn bao giờ hết, tôi nhận rõ một điều, “những người lính già không bao giờ chết, họ chỉ nhạt mờ đi thôi” (2). Những người lính vẫn đang sống và còn sống mãi trong tâm tưởng người đời.

 

      Ngước mắt trông theo lá cờ ấy, tôi vẫn còn trông thấy “muôn bóng quân Nam chập chùng”, vẫn còn trông thấy “thấp thoáng trong mây” những anh hùng tử sĩ, những chiến sĩ vô danh.

      Ngước mắt trông theo lá cờ ấy, tôi còn trông thấy được cả tình yêu của đứa em tôi, của những bạn bè tôi, những anh em tôi, những người tôi thương tôi yêu và tôi ngưỡng phục. Những người đã dám sống và dám chết cho màu cờ ấy. Những người đã nằm xuống để giữ cho tình yêu ấy còn nguyên vẹn màu cờ.

      Tình yêu ấy không mất đi, như lá cờ ấy không mất đi. Tình yêu ấy còn sống mãi, như lá cờ ấy còn sống mãi, còn bay bay mãi trong nắng sớm, trong gió chiều.

      Ôi, lá cờ tôi nhìn thấy hôm nay mang theo tình yêu của biết bao người! Những người đang sống và những người đã chết cho màu cờ ấy còn tươi mãi, cho tình yêu ấy còn thắm mãi.

 

Lê Hữu

 

 

(1) Lục quân Việt Nam, nhạc Văn Giảng & Hương Việt

(2) “Old soldiers never die; they just fade away.” – General Douglas MacArthur

 

—————

– Đính kèm: bài phát thanh “Màu cờ còn tươi, tình yêu còn thắm” trên làn sóng đài phát thanh “Radio Chân Trời Mới” (chương trình “Một thoáng hương xưa”)