Biên khảo

Khổng Trọng Hinh : Dâm Bụt, hoa gọi sai tên

Dâm Bụt, hoa gọi sai tên
 
Đã là Bụt, tất chẳng còn dâm.
Nếu vẫn còn dâm, tất chưa thành Bụt.
Vậy chắc chắn có điều chi không đúng trong cái tên dâm bụt "ác ôn" này

Dâm Bụt, hoa gọi sai tên
Đã là Bụt, tất chẳng còn dâm. Nếu vẫn còn dâm, tất chưa thành Bụt. Hay là vì hoa quá đẹp mà bụt bỗng "động lòng tà" như được diễn tả trong bài thơ dưới đây của HHC:

 "Ngắm bông, bụt động lòng tà
Thấy nghìn phương nắng, thấy xa dặm trường
Ngắm em cười nụ dễ thương
Thấy ta chập chững trên đường vào yêu
Ngắm mây bảng lảng bóng chiều
Cái ta không thấy còn nhiều hơn mây
Nhớ em từng phút từng giây
Ta khờ, ta ngọng từ ngày có em. "

Thi sỹ thì có thể “động lòng tà” nhưng bụt thì nhất định không thể như vậy được. Vậy tại sao lại có cái tên Dâm Bụt “ác ôn” như vậy?
  
Có người coi Từ Điển, thấy chữ Râm Bụt thì bàn rằng đây là loại cây được trồng để lấy bóng râm, sau phát âm theo lối người Hà Nội, bao nhiêu chữ R đổi thành D hết ráo nên Râm Bụt mới biến thành Dâm Bụt. Sai! Loại cây này ít khi cao quá đầu người, làm sao mà tạo bóng râm được? Có người tin rằng vì hoa được dùng để cúng Phật nên tên đúng là Dâng Bụt, phát âm sai thành Dâm Bụt. Không đúng. Bao nhiêu loại hoa khác được dùng cúng Phật nhiều hơn sao không dành được chữ Dâng.
Cũng có người nói đây là loại cây có thể nhân giống dễ dàng bằng cách “dâm”, cắt cành, trồng xuống đất để tự nó bén rễ thành cây mới. Không đúng! VN ta có cả ngàn loại cây có thể nhân giống dễ dàng bằng cách này, sao không cây nào có tên dâm. Lại còn chữ Bụt ở đây nữa chi? Bụt là Buddha, là Phật. Làm sao giải thích được sự có mặt của chữ Bụt ở đây?
Đành phải cố tìm trong sách vở xem ngày xưa các cụ ta gọi Dâm Bụt là gì. Kể đây cũng là điều khó vì văn chương cổ của mình hầu hết nói chuyện cao sang, ít người viết về những chuyện thực tế, thường ngày. May sao, trong văn chương chữ Nôm, ta gặp bài thơ sau đây Nguyễn Trãi:
Cây Mộc Cận
Ánh nước hoa in một đóa hồng
Vết nhơ chẳng bén, bụt làm lòng
Sớm mai nở, chiều hôm rụng
Sự lạ cho hay tuyệt sắc không
 
 
Bài  thơ  chỉ  có  28 chữ  nhưng gợi lên rất nhiều tư tưởng cao siêu Phật Giáo. 
“Vết nhơ chẳng bén, bụt làm lòng”, ý niệm Phật tức Tâm, Tâm tức Phật.
“Sớm mai nở, chiều hôm rụng” làm ta nghĩ đến cái lẽ vô thường, vạn vật luôn luôn biết đổi.
Đến “Sự lạ cho hay tuyệt sắc không” thì hiển nhiên là ông bàn dến cái lẽ sắc tức thị không, không tức thị sắc.
Tuy nhiên, chỉ ngắm một bông dâm bụt, cũng không phải chính bông dâm bụt mà chỉ là hình ảnh của hoa chìm đáy nước, mà NT đã “ngộ” được rằng trời và đất, âm và dương, sắc và không, thường và vô thường…, tất cả đều nằm gọn trong hình ảnh một đóa hoa thật khó. Phải có một điều chi khác gần với đạo Phật hơn mới có thể gợi ý cho tác giả suy nghĩ về Phật Giáo. Điều chi đó chính, ngoài đặc tính sớm nở tối tàn của hoa còn là cái tên VN của hoa. Quả  vậy, ta có thể tin được rằng đóa hoa mà ông đang vịnh có chữ Bụt trong tên. Cái gì Bụt thì chưa biết, nhưng phải có chữ Bụt vì "bụt làm làng" là Phật tức Tâm, là Tâm tức Phật. Nhưng đề tựa bài thơ là “Mộc Cận” thì chính đó không phải là tên hoa hay sao? Đúng, mộc cận là tên hoa, nhưng đó chỉ là tên chữ Hán, không phải tên chữ Việt. Từ Điển Hán Việt cho thấy mộc cận chính là cây Dâm Bụt với đặc tính “triêu khai,mộ lạc (sớm nở, tối tàn). Ta có thể kết luận ngay rằng đóa hoa mà NT vịnh có tên chữ Hán là Mộc Cận và tên VN cũng có 2 chữ. Một trong 2 chữ đó là Bụt. Chữ kia, sẽ bàn sau. Cũng trong từ điển chữ Hán, ta thấy Mộc Cận còn có tên khác là Phù Tang, Phật tang 佛桑.  Cây có tên này vì lá cây giống lá dâu (tang) và thường hay trồng trong vườn chùa, nơi thờ Phật.  Phật tang 佛桑 ta dịch là Dâu Bụt rồi lâu ngày, phát âm sai thành Dâm Bụt.
 Kết luận:
Tên đúng của hoa là Dâu Bụt

Dũng thân
Ý kiến D cũng dúng
Từ Phật tang 佛桑, ta dịch qua Dâu Bụt
Từ Dâu Bụt, ta phát âm sai thành Dâm Bụt
Ở miền Bắc, với tinh thần thủ cựu, người ta không lấy hoa Dâm Bụt cúng Phật.
Khi những lưu dân miền Bắc & Trung xuôi Nam, đời sống tuy no đủ hơn nhưng mọi thứ đều thiếu thốn, người ta chủ trương bất cứ hoa gì cúng Phật cũng được, miễn là có tấm lòng thành. Nhưng khi cầm bó hoa có cái tên Dâm Bụt kỳ kỳ, khó nghe dâng lên bàn thờ, với bản tính dễ dãi, đơn giản, họ lướt qua rồi bỏ hẳn chữ Dâm, tên hoa đổi thành Bông Bụt (Bụt chữ T ở cuối)
Sau đó, Bông Bụt (với chữ T ở cuối chữ Bụt) từ từ chuyển thành Bông Bụp (với chữ P ở cuối chữ Bụt) Bông Bụp dễ phát âm hơn Bông Bụt chứ chữ Bụp không có nghĩa chi hết. Đây là kết quả của quy luật phát âm thông thường cộng thêm tính tình dễ dãi, đọc sao ũng đdược miễn người nghe hiểu thì thôi của người miền Nam.
Không tin, bạn cứ thử đọc lớn mấy chữ bông bụt, bông bụp nhiều lần rồi so sánh xem cách nào trơn miệng hơn.