Thơ

Jan. 1. 09 Sinh nhật lần thứ 98 của Nữ sĩ TRÙNG QUANG. (Hạnh Dương)

San Jose, 07-01-2009.
 
Thưa quý văn thi hữu khắp nơi,
Thưa quý bà con và đọc giả bốn phương,
 
Hôm Thứ Năm, ngày 01 tháng 01 năm 2009, là kỷ niệm sinh nhật lần thứ 98 của nữ Nhà Văn, Nhà Thơ TRÙNG QUANG.
 
Cụ bà TRÙNG QUANG sinh ngày 01-01-1912 tại Miền Bắc Việt Nam. Tính theo tuổi Dương là 97, nhưng tuổi ta là Nhân Tý đã 98 rồi, thế  mà  cụ vẫn nhanh nhẹn và sáng tác thơ, văn gần như không mệt mỏi. Cụ ở một mình trên căn phòng chung cư ở lầu 1 nằm sát mặt đường South King Road, San Jose, CA 95122. Đến giờ cơm, có một nữ nhân viên xã hội đến giúp cụ nấu nướng, quét dọn. Từ phòng khách của cụ Trùng Quang, có một cửa sổ nhìn xuống đường South King Road. Cụ cho đặt chiếc bàn nhỏ với 2 ghế salon gần bên cửa sổ để tiếp khách và ngồi tỉnh lặng hay sáng tác. Tôi vẫn thường đến thăm cụ. Mỗi lần như thế, cụ thường mang các sáng tác thơ, văn mới của cụ ra cho tôi thưởng thức và cụ bàn về những dự tính in ấn phát hành trong tương lai, có khi là chuẩn bị cho một vài năm sau.
 
Vinh Danh nu van thi si TRUNG Quang.jpg
Hai em bé tng hoa, chúc mng c bà Trùng Quang cùng quí v Hc gi Phan Viết Phùng,
nhà nghiên cu Đng Cao Ruyên, nhà báo Sơn Đin Nguyn Viết Khánh và Giáo sư Lưu Khôn
tại buổi Vinh Dianh Văn Thi Sĩ Tiền Bối do Thi Văn Đoàn BỐN PHƯƠNG tổ chức ngày
04-5-2008 tại Trung Tâm VIVO San Jose..
 
 
Tôi nhớ lại sự kiện mới đây, vào chiều Chủ Nhật  04-5-2008, từ 2:00pm đến 6:00pm, tại Trung Tâm Vivo số 2260 Quimby Road, San Jose, CA 95122, lối trên 200 quan khách, báo chí truyền thông, văn nghệ sĩ, thi nhân đã đến tham dự Buổi Sinh Hoạt Vinh Danh Văn Thi Sĩ Tiền Bối do Thi Văn Đoàn Bốn Phương tổ chức.
 
Thi sĩ Đông Anh đã tuyên bố lý do buổi Sinh Hoạt đặc biệt vinh danh các cụ ông, cụ bà văn thi sĩ cao niên từ 80 tuổi trở lên vì các đóng góp lớn lao của họ trong nền văn học Việt Nam tại quê nhà trước đây và tại hải ngoại hiện nay. Trong số những văn-thi-sĩ cao niên nầy, Ban Tổ Chức đã đặc biệt giới thiệu người nữ thi sĩ, văn sĩ cao niên nhất, đó là bà cụ TRÙNG QUANG.
 
Dịp này, Thi Văn Đoàn Bốn Phương đã giới thiệu ra mắt tuyển tập truyện ngắn của 11 tác giả nữ văn thi sĩ gốc Việt định cư tại hải ngoại thuộc nhiều quốc gia khác nhau sáng tác. Tuyển tập mang tựa đề "Bóng Cờ Nương Tử" do cụ bà Trùng Quang chủ trương, xuất bản.     (Xin xem tại Link: http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=5&nid=127695 )
 
Ban Giám Đốc Việt Báo đến chúc mừng cụ bà Trùng Quang.jpg
Phái Đoàn Vit Báo chúc mng n sĩ Trùng Quang. T tái: Tài T Kiu Chinh đang phát biu,
Ký gi Hnh Dương, N sĩ Nhã Ca, C bà Văn Thi Sĩ Trùng Quang đang ngi, Thi sĩ Trn D T
(nh Trương Xuân Mn).
 
Trong phần chính vinh danh nữ sĩ Trùng Quang, nhà báo Bội Hương, chủ nhiệm Tuần báo Phụ Nữ Cali,  đã phát biểu như sau : "Cụ bà Trùng Quang sinh ngày 1-1-1912 tại miền Bắc Việt Nam. Ngay từ những năm của thập niên 40 cụ đã là một  phụ nữ tiền phong trong các phong trào thanh niên, sinh viên hoạt động xã hội. Năm 1951 cụ thành lập Hội Phụ Nữ Tương Tế, là hội phụ nữ Việt nam đầu tiên giúp chị em phụ nữ học tiếng Việt, Pháp, Anh, Nhật ngữ. Năm 1952, Nam Phương Hoàng hậu chọn ngày Lễ Hai Bà Trưng làm ngày Phụ Nữ. Từ 1944 tới 1954, cụ Trùng Quang là một trong những bậc nữ lưu tiền phong, nổi tiếng thời 1953, 1954 tham gia các công tác hoạt động văn hoá giáo dục, xã hội cứu trợ đồng bào bị nạn đói . Cố Tổng Thống Nixon, hồi còn la Thượng Nghị sĩ , đến thăm Hà Nội đầu thập niên 1950 đã từng đến gặp cụ để thăm hỏi về việc cụ giúp đỡ đồng bào tản cư vào các thành phố.
 
Tại Hà Nội, cụ là Hiệu Trưởng sáng lập trường Nữ Công Việt Nữ. Di cư vào Nam từ 1954, cụ là Hiệu Trưởng trường Phương Chính , giảng dạy về Việt ngữ, sinh ngữ và nữ công. Cụ là người chủ trương phụ nữ Việt nam phải tiến bộ, văn minh trong vòng lễ giáo. Cụ cũng là người khai sáng ngành mỹ nghệ làm búp bê Việt Nam với kỹ thuật du nhập từ Nhật và Au Châu.
 
Về sinh hoạt văn học nghệ thuật, cụ là người đã có những tác phẩm thơ, văn, kịch bản phổ biến từ hơn nửa thế kỷ qua.Đầu thập niên 1960, cụ gia nhập thi đàn Quỳnh Giao ở Sài Gòn, một thi đàn gồm các bậc nữ lưu tên tuổi, phẩm hạnh như niên trưởng  Cao Ngọc Anh, là ái nữ cụ Cao Xuân Dục, một vị quan triều Nguyễn. Ngoài ra còn rất nhiều tác giả danh tiếng đã tham dự các sinh hoạt văn học do cụ khởi xướng. Nhiều nghệ sĩ trình diễn tài ba , như nữ nghệ sĩ Kiều Chinh cũng là học trò của cụ hoặc có người được cụ dẫn dắt lên sân khấu lần đầu. Do những hoạt động hăng say của cụ trong nhiều lãnh vực, cụ đã được tưởng thưởng  Huân Chương Văn Hóa Giáo Dục, Kinh Tế bội Tinh và Lao Động Bội Tinh.
 
Sau biến cố đau thương của đất nước, Cụ vượt biển tới Au Châu và định cư tại Hoa Kỳ từ 1979. Lúc này mặc dù tuổi đã cao (trên 80), cụ vẫn còn cắp sách trở lại  trường Đại học. Cụ là nữ sinh viên cao tuổi nhất tiểu bang California và hằng ngày vẫn thường sử dụng xe bus để đi học tại trường Evergreen, San Jose. Chỉ ở lãnh vực này cụ đã là tấm gương sáng ngời cho mọi thế hệ đàn em và con cháu về tinh thần cầu tiến và hiếu học.
 
Ngoài ra cụ vẫn tiếp tục sinh hoạt văn học nghệ thuật và không ngừng sáng tác. Trước năm 2000, cụ vẫn thỉnh thoảng hội thơ ở căn nhà hiện tại, gồm các vị cao niên ở San Jose và vài thành viên Quỳnh Dao cư ngụ trong thành phố, cùng nhau hội thơ, bình văn và xướng họa. Năm 2002 , giải thưởng do Việt Báo tổ chức:  Viết Về Nước Mỹ đã vinh danh tác giả Trùng Quang, với bài viết "Tôi đi tìm Tự Do, Dân Chủ" để "hưởng ứng việc cổ võ bà con ta cùng viết lại trang sử của chính cộng đồng mình". Năm đó  cụ đã 90 tuổi.
 
Hai năm sau (2004), khi đã 92 tuổi, cụ đã tổ chức việc biên tập và ấn hành sách bình giảng về áng hùng văn bất hủ của dân tộc là "Bình Ngô Đại Cáo" của Nguyễn Trãi. Và gần đây nhất năm 2006 cụ chủ trương mời các cây bút phụ nữ  cùng viết  chung và đã cho ấn hành tác phẩm Bóng Cờ Nương Tử   Tuyển tập I ,quy tụ 11 cây viết nữ gồm có Diệu Hân, Cỏ May, Nguyễn Thị Nhung, Trần Thanh Ngọc, Nam Mai, Lê Xuân, Cao Mỵ Nhân, Hoàng Mai, Phương Chính, Mai Thị Trâm.  Các tác giả góp mặt trong tác phẩm này ở khắp nơi như Anh, Pháp , Canada, Uc và Mỹ. Trong đó có một trong những cây viết nữ nổi tiếng là nhà thơ Cao Mỵ Nhân hiện ở Nam Cali. Với nhiều tác phẩm đã được in ra của bà như: Ao màu xanh, Thơ Mỵ, Đưa người tình đi tu,  Sau cuộc chiến v….v…Và Cao Mỵ Nhân cũng là tác giả trẻ tuổi nhất góp mặt trong tuyển tập "Bóng Cờ Nương Tử"
 
 
Dưới thời Pháp thuộc, cụ là người phụ nữ đầu tiên lập trường dạy quốc ngữ và huấn luyện nghề nghiệp cho phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội. Khi đất nước chia đôi vào năm 1954, cụ đưa Trường di cư vào Nam, sau đó trường di cư vào Nam khi đất nước chia đôi. Khi di cư đến San Jose tỵ nạn, mặc dầu đã 82 tuổi, cụ đã cắp sách đến trường Đại Học Cộng Đồng ở San Jose để học tiếng Mỹ và được các thầy cô Mỹ thương mến kính phục vì tấm gương cho mọi người nhập cư. Nay đã 97 tuổi mà cụ vẫn sáng tác và thơ của cụ vẫn trữ tình như thủa còn con gái. Trong dịp nầy, sẽ giới thiệu tuyển tập "BÓNG CỜ NƯƠNG TỬ" gồm 12 truyện ngắn của 12 nhà văn nữ của Việt Nam hải ngoại viết và do cụ Trùng Quang chủ trương xuất bản. Hầu hết các truyện nói về đời lính VNCH. Tuyển tập được giới thiệu nhân Mùa Lễ Hội MẸ (Mother’s Day) tại Hoa Kỳ với mục đích vinh danh các bà mẹ chịu đựng nhiều đau thương và mất mát trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam để thay chồng nuôi dạy con thành người.”
 
Thời gian đi qua quá nhanh. Mới ngày đầu năm 2008, cụ Trùng Quang cho gọi tôi đến nhà cụ và nói rằng cụ muốn tôi họa lại một bài thơ về ngày Xuân của cụ mới sáng tác. Tôi ngần ngại vì văn chương thi phú của tôi đã bỏ quên từ lâu không mấy khi thấy nàng thơ thức dậy. Cụ bà Trùng Quang trao cho tôi một bài thơ được đánh máy cẩn thận chia thành 2 phân đoạn. Cụ nói:
 
–           Huyền Anh đọc đi và họa lại hoặc phổ nhạc bài thơ nầy.
 
Tôi làm báo hay làm kinh tế thường dùng tên Hạnh Dương, nhưng lúc sáng tác thi văn hay ca nhạc thì lại dùng bút hiệu Huyền Anh. Cụ Trùng Quang biết cả hai tên nầy của tôi nên bảo tôi chọn hoặc là họa thơ của cụ, hay là phổ nhạc thơ của cụ. Tôi thưa với cụ bà Trùng Quang:
–           Bà ơi, bà tha cho con được không ? Chật vật với cuộc sống con mờ cả mắt lấy đâu mà thơ với nhạc ? Bà tha cho con là phải lắm đó bà !
 
Chẳng những không tha, bà còn nói:
 
–           Huyền Anh phải hứa với tôi một điều là mai mốt tôi tổ chức ra mắt cuốn Tuyển Tập “BÓNG CỜ NƯƠNG TỬ” thì Huyền Anh phải đến hát cho tôi nghe một bản nhạc của Huyền Anh sáng tác nhé !
 
Cụ bà Trùng Quang nắm lấy tay tôi, nói: – “Hứa đi !” Và tôi đã gật đầu. Nhưng còn món nợ họa thơ thì tôi từ chối cũng không được. Lý do là thà rằng họa thơ thì còn nhanh hơn là phổ nhạc nên tôi chọn cái tiết kiệm thời gian.
 
Bài thơ gốc của cụ bà Trùng Quang viết cho ngày đầu năm với tựa đề “ĐÓN XUÂN VUI BÚT” với nguyên văn như sau:
 
ĐÓN XUÂN VUI BÚT
Trùng Quang
 
1.
 
Một sáng mùa Xuân ngập ánh hồng,
Một cung đàn ấm khắp Tây, Đông.
Một rừng thông điểm trời mây biếc,
Một vũng vàng tô biển nước trong.
Một khối bao la hoa lá trổ,
Một bầu bát ngát sắc hương nồng.
Một tia nắng đẹp soi muôn cõi
… Một chữ là mang một tấc lòng.
 
2.
 
Một thoáng đua vui bút nối vần,
Một trời Xuân đẹp nắng vàng sân.
Một trang giấy trắng mươi hàng chữ,
Một ngọn chì đen mấy đoạn văn.
Một phút tiêu dao thơ với nhạc,
Một giây phiêu lãng ảo và chân.
Một vài lờ lãi trong khuôn sống:
“Một tiếng tri âm gọi góp phần”.
 
Trùng Quang.
 
 
Tôi họa lại bài thơ và trao ngay cho cụ bà Trùng Quang bài thơ họa của tôi với nội dung như sau:
 
“NÓI VỚI MÙA XUÂN
Huyền Anh
 
1.
 
Một ánh Xuân giăng sợi nắng hồng
Một lời giã biệt gió tàn Đông
Một cõi bao la trời xanh biếc
Một chút tình riêng giữa đục trong.
Một người vẫn nhớ mùa Mai trổ
Một kẻ không quên rượu Xuân nồng
Một ngày kia sẽ thôi mòn mõi
Một mái hiên chung, một tấc lòng !
 
2.
 
Một mai vũ trụ có xoay vần
Một khi lối cũ lá vàng sân
Một lòng chung thủy xin vẫn giữ
Một chút lỡ lầm cũng ăn năn.
Một đời nghiệt ngã tóc màu bạc
Một kiếp giang hồ mỏi gót chân
Một lời, một ý trong cuộc sống
Một nghĩa tri âm đẹp muôn phần.”
 
Huyền Anh.
 
Vào chiều Chủ Nhật  04-5-2008 tại trung tâm VIVO ở San Jose, khi Thi Văn Đoàn Bốn Phương tổ chức vinh danh cụ bà văn sĩ, thi sĩ Trùng Quang, tôi đã giữ lời hứa hát cho cụ nghe nhạc phẩm “MẸ VIỆT NAM CỦA TÔI”. (Xem Link: <http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=45&nid=128049> ). Tôi nhớ lời bà Trùng Quang kể cho tôi nghe về cuộc đời của bà thật vô cùng đau khổ. Bà là một thiếu nữ xinh đẹp, bà đã yêu một sinh viên tài năng và nhiệt huyết chống thực dân Pháp. Hai người cưới nhau chỉ được vài tháng thì chồng bà đã bị Việt Minh (tức tiền thân của Cộng Sản Việt Nam) ám sát chết vì lúc đó chồng bà lãnh đạo sinh viên Hà Nội chống Pháp và chống cả Việt Minh. Kể từ đó, bà vẫn ở đơn độc như thế để thờ chồng và thay chồng nuôi các em chồng ăn học, đỗ đạt thành các Bác Sĩ nổi tiếng. Bà đem tình thương lập nên trường dạy nghề và dạy chữ quốc ngữ cho phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội vì thời bấy giờ không mấy ai trong giới phụ nữ biết được chữ Việt. Năm 1954 khi phân chia hai miền đất nước, bà đã di cư vào Miền Nam và lập lại Trường dạy nghề và dạy chữ Việt cho phụ nữa tại Sàig-gòn. Sau biến cố tháng Tư Đen 30-4-1975, bà bỏ nước ra đi tỵ nạn và hiện sống tại San Jose. Lúc 82 tuổi, bà ngày ngày cắp sách đi học tại Trường ESL bổ túc sinh ngữ cho người nhập cư và những năm kế tiếp bà theo học trường College rồi Đại Học Cộng Đồng tại San Jose. Bà là một tấm gương phấn đấu không ngừng. Có những bài thơ tình của bà khi đọc cứ tưởng đó là lời thơ lãng mạn của một cố bé 18 trăng tròn. Năm 2002 bà đoạt giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ với bài “Tôi Đi Tìm Tự Do Dân Chủ”.
 
Ngoài bài thơ họa của tôi ra, bài thơ “ĐÓN XUÂN VUI BÚT” viết cho Mùa Xuân của bà Trùng Quang đã được thêm 46 thi sĩ hải ngoại họa lại và bà Trùng Quang đã cho in thành tập như tài liệu chỉ trao cho thân hữu vì chưa có đủ ngân phí để in thành sách. Bà hy vọng nếu như cuốn Tuyển Tập “Bóng Cờ Nương Tử” do bà chủ trương được bà con hỗ trợ mua hết ($25.00/cuốn), bà sẽ thu hồi lại vốn để sẽ cho xuất bản tập thơ “Đón Xuân Vui Bút” của bà với phần họa thơ của nhiều tác giả.
 
Hôm nay ngày đầu năm 2009, tôi gởi đến quý vị và các thi nhân khắp thế giới bài thơ “Đón Xuân Vui Bút” của bà cụ Trùng Quang để quý vị và các văn thi hữu bốn phương họa lại như một món quà chúc mừng kỷ niệm sinh nhật thứ 98 của bà văn thi sĩ Trùng Quang (01-01-1912 – 01-01-2009).
 
Tôi cũng sẽ lần lượt gởi các bài thơ hoa của các tác giả sau đây đã có bài họa thơ của bà Trùng Quang đến quý vị và các văn thi hữu để thưởng thức, gồm: Bùi Ngọc Tô, Bùi Tiến, Cao Mỵ Nhân, Cao Tiêu, Cổ Trúc, Đông Anh, Đông Thiên Triết, Đỗ Qúy Bái, Giác Lượng Tuệ Đàm Tử, Hà Thượng Nhân, Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích, Hoàng Ngọc Văn, Huệ Thu, Kiều Hạnh, Khải Chính Phạm Kim Thư, Khương Hạ, Lâm Thi, Lệ Chi, Lệ Hoài Hương, Mặc Lan Đình, Nam Phong, Nam Sơn Ngô Huy Đài, Ngô Đa Thiện, Ngô Đức Diễm, Ngô Phủ, Ngọc An, Ngọc Bích, Nguyễn Hùng, Nguyễn Thị Bạch Tâm, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phượng Linh, Phương Trang, Tố Nguyên, Thiên Tâm, Trường Giang, Túc Lắc, Tuệ Nga, Từ Phong, Từ Thanh Hà, Uyển Hương, Vân Nương, Vân Trang, Việt Liên, Việt Thao, Vũ Gia Sắc.
 
Những người kế tiếp là tác phẩm họa thơ của qúy vị và các bạn yêu thơ khắp nơi. Xin gởi lên các diễn đàn Internet và copy về Email: VietPressUSA@yahoo.com <mailto:VietPressUSA@yahoo.com>, VietPressUSA@gmail.com <mailto:VietPressUSA@gmail.com>.
 
Xin gởi kèm theo nhạc phẩm “Mẹ Việt Nam Của Tôi” để những ai hạnh phúc còn mẹ sẽ có dịp hát cho mẹ mình nghe.
 
Chúc quý vị và gia đình một Năm Mới đầy sức khỏe, hạnh phúc, an vui, phát đạt.
 
 
Hạnh Dương