Tác giả và Tác Phẩm

Hoàng Lan Chi : Khi người đóng “Vai kép”, không còn vai!

Khi người đóng “Vai kép”, không  còn vai!

 

 

Hoàng Lan Chi

   

Khi tôi víêt “Vai kép”, một người bạn (dễ thương!) gọi tôi. Anh nói, anh không  thích Lan Chi viết bài này, Lan Chi là “người hùng” mà, Lan Chi phải dấu đi, những cái đó cho riêng mình! ( Người hùng? Anh ám chỉ cái gì và tôi cũng quên không  hỏi. Hay anh ám chỉ những bài viết thời sự của tôi, để từ đó vài thân hữu gọi tôi  là Phàn Lê Huê?)  

Tôi không  đồng ý với anh. Ngày xưa, khi chưa có internet, chưa có “blog” thì sẽ cân nhắc, cái gì chỉ cho người thân, cái gì cho nhóm nhỏ và cái gì “bán than ở chợ trời”. Ngày nay, vẫn cân nhắc nhưng có chút đổi thay. Blog, tôi nghĩ vào đó không chỉ là hoa thơm cỏ lạ nắng hồng mà còn là gai góc, là vũng tối mênh mông. Những cái đó là của chủ vườn, nhằm mục đích lớn nhất là “giữ lại ngày qua”. Ngày qua dù đẹp xấu cũng là ngày qua. Tất nhiên có những đìêu không  thể nói được, chỉ là sống để dạ chết đem theo. “Vai kép” không  thuộc loại đó. Nhưng tôi trân quý tình cảm của anh. Phải coi tôi là ‘thân thiết” ở mức độ nào đó, anh mới góp ý như thế. Anh muốn tôi giữ những “Ngõ vắng” tối tăm cho riêng mình và quá lắm, chia sẻ với bạn bè qua  điện thoại. Viết đến đây tôi nhớ một bài thơ của Hoàng Anh Tuấn  mà tôi chép từ thuở sinh viên trong tập thơ giấy hồng mực tím. Những nét chữ của một thời đi học, cách xa nhau cả thước và tròn vo mũm mĩm:  

 

“Em dấu đi những nỗi lòng vỡ rạn”, tôi đã đang và sẽ dấu, chỉ viết về những “vui vui” nhưng “vai kép” là nỗi niềm của đa số “những người của hôm nay”. Nỗi niềm ấy phải được chia sẻ để người sau không  đi vào vết xe đổ của người trước. 

Tôi không  phải  là nhà thống kê để biết con số “vai kép” của Việt Nam bắt đầu nhiều từ bao giờ. Tôi nghĩ, có lẽ vào khoảng sau 1975. Con số có thể  lớn so với những người đi trước vì có lẽ  những người ở vào tuổi tôi đã có những “hôn nhân vội vàng” vì thời cuộc. Và sau đó cũng vì hoàn cảnh thời cuộc mà họ không thể/không  muốn lập lại cuộc đời. Và bi kịch xảy đến mà tôi gọi đó “một sự tự đánh cắp cuộc đời của mình”. 

Đành rằng mỗi người có một cuộc đời và tự mình chịu trách nhiệm. Nhưng xét cho đến cùng gốc rễ của vấn đề sẽ thấy số mạng ẩn tàng trong đó rất nhiều. 

Ví như có người được giáo dục gia đình tử tế nhưng vẫn hư hỏng và ngược lại.

Ví như có người có điều kiện học hành đến nơi đến chốn nhưng không  học và ngược lại

Ví như có người được cha mẹ cho chọn vợ chồng thoải mái nhưng không  hạnh phúc và ngược lại.

 

Khoanh nhỏ vào mình, tôi đã thấy mình tự đánh cắp rất nhiều thứ của mình.  

Thuở bé, di cư vào Nam , Bố phải hy sinh đi dạy xa nhà bao năm trời để vợ con được ở Sài Gòn, để con được học hành. Vì thế, tôi luôn nhớ trong đầu “Học, học và học”. Chỉ có học, con đường duy nhất để tồn tại và tiến triển. Tôi có thể thích vẽ nhưng nghe bố nói, tôi bỏ vẽ. Tôi có thích văn nhưng nghe bố nói, tôi bỏ văn. Tôi chăm và lo học. Thế nhưng số mạng, có một điều tôi còn hối tiếc đến bây giờ, đó là tôi rất thích nghề Y nhưng đã thi rớt (vì xui chứ không  phải vì học dở). 

Từ ám ảnh của việc “Phải học”, cộng thêm nếp gia đình, tôi và cả chị cả tôi, không  hề có bạn trai thuở trung học. Đó là cũng là một điều thiệt thòi cho  chúng tôi vì thuở trung học là một thời kỳ hoa mộng. Giá Bố Mẹ cho phép có chút đỉnh và theo dõi nhắc nhở để con cái đừng sao nhãng việc học, thì có lẽ hay hơn. Lên đại học, cũng ám ảnh bởi việc phải học để có nghề, chị em  chúng tôi cũng không  dám “lộn xộn”. Vả lại Bố Mẹ cũng cấm. Sau này tôi không  cấm các con khi chúng là sinh viên vì tôi hiểu sau 18t, tương đối khá vững, nên để chúng thoải mái trong vấn đề bạn trai gái miễn là không bê trễ việc học. Thường thì những mối tình đẹp là tình thuở sinh viên vì khi đó đã khá trưởng thành không  còn quá ngây thơ như tuổi mười ba, mười lăm. Mối tình đó nếu kéo dài bền vững cho đến khi ra trường và kết hợp thì phần lớn những chuyện tình kiểu này rất bền. Bền vì đôi bên hiểu nhau quá nhiều, gắn bó với nhau quá nhiều kỷ niệm và vì thế dễ tha thứ cho nhau khi đụng chạm. 

Cũng vì gia đình, vì “bộ mặt” mà đôi khi  chúng tôi không  dám lựa chọn người theo ý thích của mình. Chị tôi còn nhắc lại lời cha nói về một người bạn của chị “ ..Thằng đó hả, bố không  thích vì nó con nhà buôn!” Hoặc mẹ tôi nói với tôi “ Cái thằng đó tướng lấc cấc mà còn theo đạo nữa”! Vào thời đó, cha mẹ tôi còn kỳ thị “Dân buôn bán” và “người theo đạo Thiên Chúa”! Tất nhiên  chúng tôi thời đó rất ít dám cãi lời cha mẹ vì viễn cảnh lấy chồng mà chồng không  được gia đình ưa,  là một điều đau khổ. Đa số  chúng tôi muốn kết hôn với một người và người ấy cũng được cha mẹ “ưng”. Làm sao  chúng tôi con gái thời đó lại muốn hàng tuần về thăm cha mẹ mà cha mẹ ghẻ lạnh với chồng mình? 

Như thế có phải chăng vì giữ “thể diện” cho gia đình, muốn vừa lòng cha mẹ,  mà  chúng tôi đã tự đánh cắp cuộc đời mình? Không thể sống theo những gì mình thích, phải chọn lựa không chỉ cho mình mà còn cho gia đình, dòng họ? 

Từ chọn lựa không  đúng đắn, hệ quả là gì, đương nhiên ai cũng biết. Thời xưa, các cụ ngậm tăm và sống nín một đời. Thời  chúng tôi, lại cũng cái “thể diện” mà ngậm tăm. Nhưng sau 75, cái ràng buộc ấy không  quá kinh khủng. Chúng tôi cũng bị dằn vặt. Rất nhiều. Để cuối cùng đành chọn. Thế nhưng, đây là cái tự đánh cắp cuộc đời mình mà tôi nghĩ rằng hậu quả thật vô cùng bi đát, nhất là cho người nữ: chọn để thoát và đồng thời đóng cửa vĩnh viễn cuộc đời mình! 

Ở tuổi gần 40, khi con còn quá nhỏ, tôi nghĩ rằng không có một người phụ nữ Việt Nam nào lại có thể đành đoạn bước đi bước nữa. Khi con lớn, thì cơ hội đã qua, không thể đến lần hai. Nếu không có Việt Cộng thì cuộc đời  chúng tôi cũng ảm đạm nhưng không  quá thê lương như hiện tại. Cuộc sống hải ngoại vốn không  chặt chẽ về giềng mối gia đình nên hình ảnh người phụ nữ đã ở vậy nuôi con và về già một thân thui thủi, thật thê thảm. 

Một đời, từ khi sinh ra, không  được hưởng gì, chỉ lo học cho có nghề nuôi thân. Trưởng thành, lập gia đình vội vã vì thời cuộc rồi tan vỡ, và không lập lại vì thương con còn nhỏ. Để cuối cùng, khi những con chim con đủ lông cánh, chúng bay ra vùng trời bát ngát, chỉ còn chim mẹ già nua, cô độc! Mà nào ai ép buộc. Chính chim mẹ ngày xưa tự đánh cắp cuộc đời mình mà thôi.  

Khi đọc “vai kép” tôi đã mail cho QB, nói rằng em không  thể  sống như thế. Bây giờ em nghĩ đến con còn nhỏ và không  lập gia đình. Thế nhưng mai sau con lớn, nó sẽ không  gần em nữa, nó có bạn riêng, niềm vui riêng và lúc đó em sẽ trơ trọi vô cùng. Em cần một mái ấm có chim cha chim mẹ chim con thì không  thể nữa. Lũ trẻ con, không  trách chúng được vì trời sinh là thế. Chúng nghĩ rằng bổn phận cha mẹ là phải thế. Chúng không cần biết gì hơn. Chúng chỉ biết cuộc sống của chúng hiện tại. Cho nên có thể nếu bây giờ em lập gia đình khác, con trai em sẽ khổ, chắc chắn thế nhưng thà là cho nó hơi khổ một chút còn hơn em hy sinh cho nó, để sau này khi trưởng thành, nó tung tăng hưởng hạnh phúc cá nhân và em thì lúc đó thì khổ vô cùng. Hãy coi đó là số mệnh của nó. Nó chịu thiệt một chút và em không  bị thiệt quá nhiều. Hãy nghe lời chị, lập gia đình khác, vẫn còn kịp để có con khác. Một mái gia đình với con chung bao giờ cũng vui hơn. Đứa con khác đó cho dù sau này nó trưởng thành và có gia đình riêng, thì lúc đó em vẫn có mẹ nó bên cạnh và em sẽ không  cảm thấy tủi như khi em hy sinh cho con để rồi về già, em vẫn là một mình.  

QB hứa sẽ nghe lời tôi. Thì tuỳ QB thôi. Dù sao QB là đàn ông thì có thể hy sinh nuôi cho con ngoài hai mươi và lúc đó QB lấy vợ khác cũng vẫn được. Chỉ những người phụ nữ, khi con khôn lớn, thì hy vọng tìm một mái ấm khác, có vẻ khó khôn cùng. 

“Vai kép”, đã vô vàn khó nhọc và khi vai kép tròn thì phần thưởng cho người đóng “vai kép” là không  còn vai nào nữa cả!


LGT: Năm 1990, một tín chấn động trong cộng đồng hải ngoại: ký giả Lê Triết của báo Văn nghệ Tiền Phong bị ám sát. Trước đó là vụ ám sát ký gỉa Đạm Phong của tuần báo Tự Do (Houston, Texas); Ký gỉa Hoài Điệp Tử của Tuần báo Mai (Wesminster,California).

 

Lần giở tài liệu cũ,  chúng tôi giới thiệu bài viết “ Vĩnh Biệt Lê Triết” của Thiện Nhân Nguyễn Khánh Do. Tiếc thương Lê Triết và mạnh mẽ lên án những kẻ đã “ có vẻ như buộc tội” Lê Triết bao gồm LS Mỹ Linh và GS Nguyễn Ngọc Bích (DC), Thiện Nhân đã chứng tỏ một khả năng sắc bén trong ngôn ngữ.

 

 

 

Vĩnh biệt LÊ TRIẾT

Chiếc lá cô đơn trên nhánh cây văn chương vỗ mặt

 

Tôi không quen ông, và chỉ biết mặt ông khi thấy hình hai ông bà kèm vớibản tin ông bị ám sát in trên các báo. Tôi có đọc ông một thời gian, nhiềubài ông viết sôi nổi, sâu sắc, lôi cuốn, nhưng cũng có lắm điều ông viết tôi cho là qúa đáng. Tôi thường có thói quen mỗi khi cầm tờ Văn Nghệ TiềnPhong là tìm đọc mục "Ngày Lại Ngày" của ông trước nhất, và nhiều khi chỉ đọc một mục đó. Tuy không theo dõi thường xuyên các bài ông viết trong thờigian hai năm gần đây nhưng tôi vẫn tin chắc một điều như đinh đóng cột: ônglà một người chống cộng cương quyết, tích cực và bền bỉ.

 

Tập thể người Việt quốc gia ở hải ngoại chưa nguôi cơn xúc động về sự vĩnh viễn ra đi của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, hồi cuối tháng 8/90, thì nay lạiphải trải qua cơn xúc động do cái chết của ông. Vụ ám sát ông Lê Triết, bút hiệu Tú Rua, là một bất ngờ kinh hoàng và bi thảm. Nó không chỉ gây rúng động trong giới người viết báo mà còn gây xúc động mạnh trong giới người đọc. Và chắc chắn nó gây một thiệt thòi cho công cuộc chống cộng chung, vì ông là người có nhiều kinh nghiệm và kiến thức chuyên biệt tốt cho công cuộc này.

 

Ông không chỉ là một ký gỉa có tài, có quyết tâm, có lập trường chống cộng kiên quyết mà còn là một người cầm bút can đảm. Trong dòng văn chương chỉ trích gay gắt, sỗ sàng, sống sượng – mà tôi gọi là văn chương vỗ mặt – ông là một kiện tướng, và là kiện tướng số một ở hải ngoại trong mười năm qua.

Dòng văn chương vỗ mặt được hình thành rực rỡ, ngoạn mục khi người Pháp đặt nền đô hộ ở nước ta. Những nhố nhăng giao thời đã làm ngứa mắt những TúXương, Phan Điện, Huyện Móm, Kép Trà,… do đó có những bài thơ sỗ sàng, gay gắt  tả việc, chửi đời. Nó được tiếp nối và được tăng cường bằng các bài văn xuôi của một số cây viết châm biếm của các báo Tân Dân, Phong Hóa, CôngDân, Vịt Đực,… trong văn học tiền chiến. Phải đợi tới sau khi đất nước bị phân đôi, năm 1955, và sự xuất hiện của những tay cự phách Chu Tử, Thương Sinh, v.v.. nó mới được phát triển và thăng hoa. Tuy nằm trong ngành văn chương trào phúng nhưng văn chương vỗ mặt đặt nặng phần chỉ trích hơn là hài hước, châm biếm. Nó sỗ sàng, sống sượng, chỉ trích trực tiếp người và việc. Tác dụng của nó tích cực, gây hiệu qủa và phản ứng tức thời. Và chắc chắn nó gây thù ghét, tạo nhiều kẻ thù cho người viết. Cho nên chỉ có những kẻ can đảm mới dám xông pha vào lãnh vực này. Dĩ nhiên can đảm không chưa đủ, nó còn đòi hỏi người viết có văn tài, có trí nhớ, có kiến thức, từng trải, biết nhiều chuyện, và say mê làm sạch xã hội. Trong đám nhữngngười cầm bút có các điều kiện nêu trên, ít kẻ dám kết duyên bền chặt với nó. Bởi lẽ hậu quả hại thân, do nó gây ra, gần như khó tránh. Đã có nhiều chứng nghiệm cho phát biểu này: Chu Tử bị bắn vỡ quai hàm, Đạm Phong bị hạ sát, Duyên Anh (bút hiệu Thương Sinh, Thập Nguyên) bị đả thương liệt mộtcánh tay, và nay Lê Triết bị ám sát. Những người vừa kể đó, trừ ông Đạm Phong, đều là những cây bút sắc sảo, cự phách; chưa kể Chu Tử và Duyên Anh còn là những nhà văn hàng đầu của văn học miền Nam thuở trước.

 

Trên thân cây văn chương có ngành văn chương trào phúng, và từ ngành văn chương trào phúng có nhánh cây văn chương vỗ mặt.

Những nhố nhăng của cuộc phân đôi đất nước năm 1955 đã làm ngứa mắt nhiều người và nảy sinh những kiện tướng cho ngành văn chương trào phúng miềnNam: Thần Đăng, Mai Nguyệt, Hiếu Chân, Tiểu Nguyên Tử, Sức mấy, Tú Xe, Tú Kếu, Tư Trời Biển, Kiều Phong,… và dĩ nhiên hai cây bút lẫy lừng của nhánh văn chương vỗ mặt Chu Tử, Thương Sinh.

 

Những nhố nhăng của cuộc đổi đời 1975 đã làm ngứa mắt nhiều người, nhưng than ôi, hàng ngũ những tay viết trào phúng cự phách chẳng có bao nhiêu, và trên nhánh cây văn chương vỗ mặt e rằng chỉ có chiếc lá cô đơn Lê Triết!

Người ta có thể không ưa, có thể khó chịu, có thể bất bình, có thể ghét hận lối chỉ trích cay nghiệt, sỗ sàng, qúa đáng của Tú Rua; người ta có thể bắt lỗi ông đã lạm dụng ngòi bút, lợi dụng một cơ sở báo chí có nhiều độc gỉa để áp đảo nhiều người; nhưng người ta cũng phải nhận rằng, với sức mạnh của ngòi bút, ông đã dẹp được nhiều nhố nhăng, quét được nhiều rác rưởi, xuađược nhiều ruồi nhặng cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Người ta cũng không thể phủ nhận tinh thần chống cộng tích cực, bền bỉ và lòng cương quyết đi theo con đường tự vạch của con người hăng hái đó.

 

Vĩnh biệt ông, chiếc lá cô đơn trên nhánh cây văn chương vỗ mặt. Vĩnh biệt Lê Triết, người ký gỉa can trường và khí phách.

*

Những giọt nọc độc nhả trên một tử thi.

 

Quyền nói  của nhà báo Tú Rua – cái quyền tối cần thiết của con người sống trong một xã hội dân chủ, tự do như Hoa Kỳ, cái quyền một danh nhân xứ này đã nói "tôi không đồng ý với điều anh phát biểu nhưng tôi sẽ tranh đấu tới hơi thở cuối cùng để bảo vệ cho anh được quyền phát biểu" – đã bị bạolực thủ tiêu.

 

Tú Rua đã vĩnh viễn nằm xuống, đã vĩnh viển không nói nữa! Những khen, chê, thù hận, rủa xả đối với ông bây giờ đều vô ích. Khen, chê bâygiờ là chuyện của người còn nói được, viết được. Những người còn nói được,viết được thường bỏ qua lỗi lầm của kẻ đã chết và khinh bỉ những kẻ đánh người ngã ngựa. Họ nghĩ gì về hành động của những kẻ đâm những nhát dao phụ họa trên một tử thi  (chữ nghĩa tuyệt vời của ông Mõ Làng mà tôi xin phép mượn ở đây).

Khi Tú Rua còn sống, còn ngạo nghễ  thống lĩnh mục Ngày Lại Ngày trên tờ Văn Nghệ Tiền Phong như ông có lần viết dỡn, nhiều kẻ bị ông chỉ trích đã ngậm miệng. Nhưng khi ông vừa mới giã từ cuộc chơi thì dăm ba kẻ đã hè nhau vác dao đâm vào một Tú Rua không còn nói nữa!

 

Khi còn sống đã nhiều lần Tú Rua viết cay nghiệt, thái qúa, và nhiều khi ngoan cố, gây bực tức, uất hận cho người bị chỉ trích, nên nói ông "có nhiều kẻ thù" là điều có thể chấp nhận, chỉ cần kiếm được hơn mộtngười oán hận Tú Rua là đủ minh chứng. Dĩ nhiên không kể bất cứ tên cộng sản nào, vì cộng sản là kẻ thù rõ ràng và truyền đời của ông mà mọi người đã biết. Nói rằng đôi khi ông đã lạm dụng ngòi bút, lạm dụng quyền truyền thông cũng có thể không ngoa, chỉ cần chịu khó đọc lại đống bài ông viết trên 10 năm qua người ta sẽ tìm thấy không khó một vài bài ông lạm dụngngòi bút. Nhưng nói ông "có nhiều kẻ thù hơn bạn"  là một phát biểu liên hệ đến thống kê, minh chứng cho nó rất khó, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được, vì người phát biểu phải biết hết tên những kẻ tự nhận là kẻ thù của Tú Rua và những người tự nhận là bạn của ông ta, và con số kẻ thù  phải nhiều hơn con số bạn hữu của ông. Người thận trọng không ai dám nói thế. Người làm nghề phụ tá pháp luật, vì sự cẩn trọng của ngôn ngữ và nghề nghiệp, càng không ai dại gì nói thế. Khi cáo buộc nạn nhân của một vụ án mạng thì người ta lại càng phải uốn lưỡi thêm nhiều lần trước khi phát biểu.

 

Vậy mà có kẻ làm nghề luật sư, thấy nạn nhân Tú Rua bị ám sát dã man đã vộivàng nhỏ ra mấy giọt cáo buộc vào tử thi của ông ta. Dấu làm chi, nói huỵ chtoẹt ra cho rồi: ấy là bà luật sư Mỹ Linh Soland, một kẻ có học, tôi nói có học chứ không phải trí thức, hai ngày sau khi Tú Rua bị ám sát đã tuyên bố với báo Washington Post: "Ông ta đã lạm dụng quyền truyền thông, ông ta có nhiều thù hơn bạn." ("He abused the previlege of the media. He had more enemies than friends." Washington Post 24-9-1990). Ái chà,người đẹp sao nỡ mở miệng hoa nói lời độc địa!

 

Những cáo buộc gay gắt và một lời vu khống tồi tệ nhất đối với Tú Rua đến từ tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích, một kẻ có học, tôi cũng nói ông ta là kẻ có học chứ không phải một nhà trí thức, ông ta là một nhân vật tai mắt ở thủ đô Washington D.C, đối với cộng đồng người Việt cũng như chính quyền Hoa Kỳ ở địa phương đó. Tiến sĩ Bích nói với báo Washington Post ngày 25-9-1990 như sau: "He was a gadfly. He never left anybody alone. He attacked many people. Almost poeple of prominence would not have escaped his pen… He would not even spare religious community, saying things like, ‘the Pope has a girl friend’.. He made a lot of people unhappy."

 

Nào ta thử xét xem ông Bích xỉ vả, cáo buộc, vu khống Tú Rua ra sao?

 

– Câu 1: "Ông ta là một thứ nhặng xị." Đây là một câu chửi người đãchết, xin bỏ qua, để cho người đã chết nghe!

– Câu 2: "Ông ta không bao giờ để yên bất cứ ai." Đây là một cáo buộc qúa mạnh. Tú Rua qủa thật không để yên một số khá đông người, một trong nhữngkẻ bị Tú Rua không để yên – nhiều lần – là ông Nguyễn Ngọc Bích! Chẳng hiểuvì sao, sinh thời ông Tú Rua cứ cố dán cái nhãn "trường phái dịch thuật biển dâu – mulberry sea" lên trán ông tiến sĩ Bích. Kể ông Tú Rua cũng qúa đáng thật, người ta đã biết dịch lỡ rồi, thì thôi, khổ lắm, cứ bêu riếu mãi! Nhưng cáo buộc ông Tú Rua không bao giờ để yên một ai là cáo buộc qúa đáng. Ông ta có để yên nhiều người đấy chứ. Cộng đồng người Việt ở hải ngoại có cả triệu người, ở rải rác khắp năm châu, làm sao ông ta làm phiền hết được? Chỉ những anh tư cách, tài cán chẳng bao nhiêu, lại ở gần ông ta, bị ông ta biết rõ tẩy, mà dám nhẩy ra lập tổ chức, xập xí xập ngầu, tính đốt giai đoạn leo luôn lên địa vị lãnh đạo, đại diện cộng đồng người Việt ở hải ngoại mới bị ông ta hỏi thăm hơi nhiều đấy chứ?

– Câu 3: "Ông ta tấn công nhiều người." Cáo buộc này có thể đúng, nội vùngWashington D.C Tú Rua cũng đã tấn công dăm ba kẻ, mà ông Nguyễn Ngọc Bích là một, (những kẻ khác xin phép không nêu tên để khỏi làm phiền). Tuy nhiên, tấn công nhiều kẻ có thể bậy hay không. Đối với những tên bắng nhắng, lưu manh, vô lại, lợi dụng danh nghĩa đại diện cộng đồng để mưu tư lợi, có hành động làm mất danh dự chung của người Việt, hay làm hại cho công cuộc phục hưng đất nước, thì việc ông Tú Rua tấn công chúng chẳng có gì sai, ngược lại còn là cần thiết, là bổn phận của một nhà báo có ý thức về chức năng của mình.

– Câu 4-5: "Hầu hết các nhân vật nổi tiếng đều không thoát khỏi ngòi bútcủa ông ta…Ông ta không tha cả cộng đồng tôn giáo, nói những điều như "Đức Giáo Hoàng có girl friend" …" Đây cũng là một cáo buộc qúa mạnh, và là một câu nói thiếu uốn lưỡi của một kẻ có học, lại xin nhắc có học chứ không phải trí thức. Ông Bích nói "hầu hết", nghĩa là thành phần những nhân vật nổi tiếng không thoát khỏi ngòi bút của Tú Rua phải nhiều hơn thành phần may mắn thoát được. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích có là một nhân vật nổi tiếng hay không? Nếu có thì có lẽ do lòng khiêm nhượng ông đã để mình ra ngoài, và chỉ dẫn chứng một nhân vật bị ông Tú Rua chỉ trích là Đức Giáo Hoàng, nhưng một người thì không thể tuyên bố là "hầu hết" được! Đáng tiếc là khi nêu có  một  nhân vật nổi tiếng để dẫn chứng, ông Bích lại dẫnchứng… sai! Có người đã trách đây là một câu nói ông Bích vu oan gía họa cho một xác chết, đã đoan chắc là Tú Rua không hề "nói" Đức Giáo Hoàng có"girl friend", và thách thức ông Bích trưng bằng cớ. Người đó là ông ĐinhTừ Thức, trong bài viết trên tờ Ngày Nay, của ông Lê Hồng Long ở Kansas (số 84, trang 20, cột 3). Nhắc dùm ông Bích: Tú Rua "nói" khác với Tú Rua "nhắc lại lời người khác nói", để nếu có muốn đáp ứng thách thức trên, ông nên dẫn chứng cho cẩn thận. Nhắc thêm: ông Bích cần lên tiếng đáp lại điều thách thức này. Nếu có bằng chứng thì trưng ra, nếu không thì lên tiếng mà tạ lỗi với vong linh kẻ đã khuất, kẻo không sẽ mang tiếng là  nhỏ những giọt cáo buộc độc địa trên một tử thi! Người danh tiếng mà bị mang tiếng thì còn gì là danh nữa!

    – Câu 6: "Ông ta đã làm nhiều người không vui." Trong 6 câu ông Bích phát biểu chỉ có câu này là không chê vào đâu được, qủa thật sinh thời ông Tú Rua đã làm ít nhất 2 người không vui là luật sư Mỹ Linh Soland và ông tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích. Hai là nhiều rồi! Bình phẩm thêm: từ sau ngày 22/9/1990, ngày Tú Rua vĩnh du cõi khác, dường như hai vị kể trên vui nhiều rồi!

*

Nhưng cáo buộc, vu oan Tú Rua là… "quyền nói" của bà Mỹ Linh và ông Nguyễn Ngọc Bích!

 

(Xem tiếp tại đây: Vĩnh biệt LÊ TRIẾT)

 

 

Có vẻ giống bão rớt ở Sài Gòn

 

 

Ngắm “bão rớt” Cali bên bờ Huntinton Beach !  

 

 

Ngày xưa ở Sài Gòn tôi thích “bão rớt” lắm. Vì là bão rớt nên chả gây tác động gì nặng nề. Ngược lại sẽ làm Sài Gòn có chút se lạnh, chút mưa, chút gió, cứ mỗi thứ một tí khiến Sài Gòn đáng yêu và có duyên tệ.

 

Hè phố sẽ sạch hơn, lá me xanh hơn, con gái Sài Gòn xinh hơn với áo len mỏng và cái khăn quàng điệu đà. Và tuyệt nhất là chút mưa như mưa bụi lất phất để rồi khi lang thang đường phố chán chê, ghé vào một quán cà phê nghe dòng nhạc cũ, thưởng thức hơi cà phê nồng nàn, còn gì “dễ thương” hơn. Ở xứ người dường như chưa bao giờ tôi lang thang đi bộ như vậy cả. Mùa Thu Virginia đẹp mĩ miều là thế nhưng chưa tìm được đúng người để cùng lang thang trong rừng phong lá úa.

 

Hôm nay trời Cali có vẻ giống Sài Gòn một ngày “bão rớt” xa xưa. Cũng xam xám bầu trời, cũng chút se lạnh. Chỉ có điều đường phố Cali sẽ không có gái Sài Gòn tung tăng dạo phố.

 

Mấy hôm trước tôi lang thang về chốn cũ. Đó là “kiểu nói” của tôi nghĩa là đi tìm bài viết cũ  ở “hard dish cũ”. Ngày xưa tôi viết tùm lum theo hứng. Có nhiều cái như “tôi nhìn tôi trên vách”. Độc thoại. Và vì thế dòng tư tưởng nhảy loạn xạ, từ cảnh này sang cảnh kia, từ người ấy sang kẻ nọ. Như  là viết cho mình. Để mai sau đọc lại, có chút gì để nhớ để thương.

 

 “Bão rớt”, tạp ghi thuộc loại trên, tôi viết vào hai không không ba. Khi gửi đến thân hữu là vì sẵn tìm ra để cho vào web site thì gửi luôn thể. Thế nhưng, những “feedback” từ “Bão rớt” làm tôi khá bất ngờ. Với cá nhân tôi, tôi cho đó là một đoản văn “viết cho mình” để nhớ để thương nên sẽ không  đầu đuôi, chả là tuỳ bút, cũng chẳng hơi hướng truyện ngắn có mở đầu, có kết luận. Đoản văn lãng đãng lơ lửng. Nó có một điểm rất thực, bức vẽ theo kiểu “sketch” với giòng ghi bằng tiếng Pháp “ D’un seul  trai. À Quỳnh Giao” và chữ ký người vẽ ở dưới.

 

Đối thoại của hai nhân vật trong đoản văn chỉ là ngôn ngữ  bình thường của hai kẻ mới quen nhau nhưng “có vẻ” thích nhau. Một “chuyện tình lô ve xì to ri” nếu có chỉ như mây mùa thu. Nàng, không  kể gì hơn, chỉ ví Chàng, như một cơn bão rớt, vừa thổi qua đời Nàng.

 

Thế nhưng, chút thoảng nhẹ ấy có lẽ mang hơi hướng của Sài Gòn yêu dấu mà đã làm bao trái tim xao xuyến. Anh bạn cũ, “người nợ tôi từ muôn kiếp trước” viết “ Bố trẻ thich cái tựa “Bão rớt". Và thích cái tranh ‘minh họa’. Bài hay, thú vị. Cô nương nên tiếp tục viết về những cơn "bão rớt vừa thoảng qua".. “Bố trẻ” không  làm tôi ngạc nhiên vì nếu không  bận, bao giờ “bố trẻ” vẫn cho ý kiến nho nhỏ quanh bài viết của tôi.

 

Cậu em, “fan” mới toảnh toành toanh của tôi thì “Có phải anh Kh không?” Tôi gõ “ Kh nào? Có phải em lại ‘link’ với một bài nào của chị phải không” “Anh Kh, người mà chị viết thích ngồi nhậu một mình”. Tuyệt! Em tôi quá hay. Tuy là fan mới toanh nhưng nếu cho chấm, tôi xếp em, thuộc ngoại hạng. Vì sao ư, vì em đọc và nhớ. Nhớ hết thảy những gì tôi viết để mỗi khi bàn luận về một sự kiện nào đó, em có thể lấy ngay một câu trong một “tình tự” của tôi để “point final” về sự kiện ấy. Như vừa qua, khi đọc, em nhớ đến ngay nhân vật Kh trong một đoản văn khác. Tôi xác nhận “ Đúng vậy. Hoạ sĩ Kh”.

 

Một cậu em khác thì “ Trời … chị tui nhớ người yêu … hahaha … trái tim của chị lúc nào cũng còn trẻ … và chị sẽ trẻ mãi trong những dư âm này mặc cho ngày tháng trôi … “suya” nhất là chị đấy !!!”. Tôi  trả lời “Không phải người yêu, em à , em à, em à! ” để rồi cậu em thả một câu khá dí dỏm “ Thì là người yêu “rớt” đó mà … hahaha …”

 

Một vị khác, người thích ca hát nhạc ở tiểu bang mưa hoài ngàn năm thì “ Hi, chị Lan Chi!

Cảm ơn nhà văn Lan Chi, đã gởi cho đọc những, áng văn hay của LC. Lbd đã đọc thoáng qua 1 lần, nhưng phải đọc lại nhiều lần nữa mới thẩm thấu….

Ước mong chị Lan Chi luôn mãi đóng góp, bổ ích cho đời bằng những khả năng thiên phú của chị.

Kính mến,

Lbd”

Tôi vắn tắt “ Cảm ơn. Anh thích mẩu văn này sao? Không thich nhưng bài như Gia Long à?”.

 

Và Lbd trả lời “Lbd thích đọc văn của chị LC qua nhiều loạt bài, không nhất thiết là….Bão Rớt!

Thú thật, Lbd rất lười đọc, kể cả những nhà văn tên tuổi, có lẽ 1 phần tại mắt kém, ngoại trừ của …Lan Chi.

Kính mến chúc LC an vui! Lbd”

 

Tôi bật cười. Vì tôi ngỡ quân nhân như LBd phải thích những bài như bài viêt về Gia Long với lá cờ Việt Nam Cộng Hòa trong Đại Hội  Gia Long Thế Giới kia.

 

Rồi đến một ông anh cũng ở tiểu bang xanh hoài ngàn năm “ Hi Lan Chi, thank you. Tuyệt lắm!”

 

Và một … “kẻ thù”! Tôi nói “kẻ thù” vì trước đó anh ta viết mail chỉ trích tôi và ông BDL trong một vụ thời sự . “Kẻ thù” gửi mail như sau “ Cơn bão nào lại" thổi"một chuyện tình "dể thương", chất ngất một vùng trời kỹ niệm đến tôi vậy. Thật tình cờ để được nhìn lại bóng dáng nhạt nhòa cũa mình, tưởng chừng đã trôi vào thời gian vô tận. Xin cảm ơn cơn bão ….rớt và nhân vật "tôi".

Chúc một ngày vui.”

 

Tôi khá ngạc nhiên vì tôi nhớ địa chỉ mail của “kẻ thù” này chứ. Tôi gõ “Ủa hoá ra anh ở trong một list à? Có thể mấy năm trước anh làm quen tôi, rồi tôi automatic, add anh vào . Nếu không thích thì báo, tôi remove tên anh ra. Để tôi sẽ check lại, xem có phải anh ở trong 1 list của tôi không …Tôi có gân 10 lists. Tôi đoán anh là LC mà.”

 

Tôi nói vậy vì trước khi là “kẻ thù” trong vụ “thời sự B” thì anh ta là người “ái mộ” tôi trong vụ đài Việt Nam Hải Ngoại. Vì thế có thể khi anh ta gửi mail làm quen, tôi add anh ta vào một list và khi anh ta ‘chửi” tôi ở vụ thời sự B, tôi đã quên chưa “remove” mail anh ta ra chăng?  Có thế, anh ta mới đọc được  bài “Bão rớt” của tôi!

 

“Kẻ thù” trả lời: “ Theo tôi, chị không cần phải check lại. Đời bổng thấy niềm vui khi được đọc lại những câu chuyện tình thời tuổi trẻ. Chị cứ viết thật nhiều để mang lại niềm tin yêu cho đời, vốn dĩ đã mờ sương. Chị cũng không cần đoán tôi là ai cả, tôi là "nạn nhân" của…….. cơn bão rớt.”

 

Tôi bật cười. Chỉ “một bão rớt” mà em Thành thì “ chị không  yêu ông đó, thì bởi vì ổng là người yêu…rớt mà! ” rồi bây giờ kẻ thù “ Tôi là nạn nhân của …cơn bão rớt”.

 

Thì cũng chả sao. Từ lãng đãng “bão rớt” mà “kẻ thù” bỗng nhiên hết thù tôi để biến thành “fan” của tôi thì cũng là một điều hay!

 

Tôi đã viết “ Viết-kết quả từ viết” để nói về những người thích đọc mấy cái tạp ghi “vớ vẩn” của tôi ( tôi vẫn gọi đó là những vụn vặt quanh đời sống Lan Chi) và hôm nay, trời Cali có vẻ giống “bão rớt” của Sài Gòn xưa, tôi:

 

..để lắng đọng bao ưu phiền thời cuộc/nhân gian

    Nhớ về “bão rớt” ngày xưa

           Và “hệ luỵ” của “bão rớt” bây giờ!

 

Hoàng Lan Chi

       

Xem Bão rớt ở đây : Bão Rớt

 

error: Content is protected !!