Giới thiệu sách

Hoàng Lan Chi & Bich Huyền : Sách Lê Hữu = Âm Nhạc Của Một Thời.

Giới Thiệu “Âm Nhạc của một thời” của Lê Hữu

 

 

 

  Lê Hữu, “người tìm ngọc trong đá” của Hoàng Lan Chi vừa xuất bản cuốn sách đầu tay :  “Âm Nhạc của một thời”.

 

Sách trình bầy trang nhã và đẹp. Lê Hữu viết về các Nhạc Sĩ Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Nguyễn Hiền, Y Vân, Tuấn Khanh, Nguyễn Văn Đông, Phạm Duy, Nhật Trường. 

Đây là một cuốn sách nói về các nhạc sĩ với những tác phẩm của họ một cách khái quát và nhạc phẩm đã làm nên tên tuổi họ hay cái “air” của họ theo cảm nhận của Lê Hữu. Sự nhận xét hay cảm nhận được trình bầy nhẹ nhàng, tinh tế và cẩn thận, cẩn thận đến mức có vẻ “trau chuốt”.  

Âm nhạc Việt Nam có một nét khá đặc thù, đó là bên cạnh âm thanh của dòng nhạc, thính giả Việt Nam còn “nghe” lời nhạc. Có lẽ vì ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú đa dạng và trữ tình nên cái “nghe lời nhạc” đôi khi có phần lấn lướt âm thanh. Trong chiều hướng đó, Lê Hữu tìm những nét đẹp trong ngôn ngữ nhạc và gửi đến độc giả. Khó ai có thể phủ nhận giá trị của món quà ấy vì với tâm hồn yêu nhạc, yêu thơ, yêu văn và cả “yêu người”, Lê Hữu đã trao cho độc giả tất cả những gì “tinh tuý nhất” “yêu kiều nhất” của ngôn ngữ trong các nhạc phẩm.  

Xin hãy xem bài giới thiệu của Phạm Xuân Đài và trích đoạn 5 bài từ “Âm Nhạc của một thời”.  

Đây là món quà tao nhã mà quý vị nên có để tận hưởng thêm vẻ mỹ miều của âm nhạc và nên tặng cho bạn hữu để cùng chia sẻ tiếng tơ đồng của đất trời, quà tặng của Thượng Đế cho con người.  

Xem tại đây vì sao Lan Chi gọi Lê Hữu là “người tìm ngọc trong đá”: 

Lê Hữu, Người Tìm Ngọc Trong Đá 

Tất cả các độc giả mua sách và có ý kiến sau khi xem,  Hoàng Lan Chi xin phép đăng ý kiến của quý độc giả tại trang nhà Hoàng Lan Chi. Xin liên lạc hoanglanchi@gmail.com khi gửi ý kiến. 
 

Âm Nhạc Của Một Thời-Lê Hữu
(375 trang, giá $20.00)
Sách có bán tại nhà sách Tự Lực
14318 Brookhurst St – Garden Grove , CA 92843
* Liên lạc: Lê Hữu
PO Box 88806
Tukwila , WA   98138, USA
Tel:  (206) 251-9608

             E-mail:  lehuu123@hotmail.com

 

 

Trích đoạn một số bài viết trong sách “Âm nhạc của một thời”

 

 Trích đoạn bài “Người Lính Trong Nhạc Nguyễn Văn Đông”:

.    .    .

Hôm ấy, tôi còn nhớ, một chiều hè năm 1969, chúng tôi ngồi ở một quán nước quen dọc bờ biển Nha Trang. Bên cạnh tôi là H., người bạn học cũ. Ðã lâu lắm chúng tôi mới gặp lại nhau kể từ ngày rời xa mái trường cũ ở một thị trấn miền cao nguyên đất đỏ.  H. cho biết anh sắp sửa nhập ngũ, thì giờ rảnh rỗi như thế này sẽ chẳng còn được bao lâu nữa. Anh có người yêu ở thành phố biển này. Tôi thì vẫn lang thang trên sân trường đại học, tấm giấy chứng chỉ hoãn dịch trong tay vẫn còn hiệu lực.

      Trên mặt bàn là những chai bia đã cạn và câu chuyện cũng đến lúc cạn đề tài. Chúng tôi ngồi im lặng, cùng phóng tầm mắt nhìn ra vùng biển bao la trước mặt, chờ mặt trời lặn để ngắm cảnh hoàng hôn trên bãi biển trong lúc tiếng nhạc bập bùng vọng ra từ một góc quầy.

      Người đi giúp núi sông
     hàng hàng lớp lớp chưa về 
      hàng hàng nối tiếp câu thề
      giành lấy quê hương

      “Bài gì vậy?” H. quay sang tôi, hỏi.

      “‘Hàng hàng lớp lớp’,” tôi trả lời.

      “Tên gì lạ vậy?”

      “Gọi tắt là vậy,” tôi cười, “tên đầy đủ là ‘Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp’.”

      H. lặng thinh, có vẻ chăm chú lắng nghe. Lời ca tiếng nhạc khi réo rắt, khi trầm bổng…

      Còn đây đêm cuối cùng

      nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha

      ngại khơi nước mắt nhạt nhòa môi em

      “Giọng Hà Thanh phải không?” H. lại hỏi. “Còn giọng nam?”

      “Hùng Cường.”

      “Thiệt sao?” giọng hỏi thoáng chút ngờ vực.

      Tôi hiểu, anh bạn tôi đâu biết rằng, ngoài những bài “tủ” như “Vọng ngày xanh” (Khánh Băng), “Ông lái đò” (Hiếu Nghĩa), “Sơn nữ ca” (Trần Hoàn)…, ca sĩ Hùng Cườngmột nghệ sĩ cải lương khá nổi tiếng thời ấyvới chất giọng ténor khoẻ khoắn, còn hát rất “tới” một ít bài tân nhạc khác nữa, đặc biệt là những bài của Nguyễn Văn Ðông.

      Bài hát chúng tôi đang nghe là của Nguyễn Văn Ðông.

      Anh bạn tôi đã nương theo câu hát ấy mà đi vào cuộc chiến. Anh đã nhập vào “hàng hàng lớp lớp” những đoàn người “nối tiếp câu thề giành lấy quê hương”.

      Mùa hè năm sau, tôi cũng “lên đường nhập ngũ tòng quân”, nghĩa là chỉ sau anh bạn H. một năm. Bạn bè tôi kẻ trước người sau lục tục vào lính. Chiến cuộc ngày càng leo thang, ngày càng trở nên khốc liệt…

      H., anh bạn cùng ngồi với tôi buổi chiều ấy, cùng nghe với tôi bài nhạc ấy, cùng ngắm nhìn với tôi cảnh hoàng hôn trên bãi biển ấy, đã không còn nữa. Anh đã nằm sâu dưới lòng đất.  H. đã hy sinh trong chiến trận ít năm sau đó, như biết bao người lính khác, như hơn một nửa bạn bè tôi đã nằm xuống trên khắp các mặt trận trong cuộc chiến nghiệt ngã ấy. Chiến tranh như con quái vật khổng lồ đã nuốt chửng bao nhiêu bè bạn tôi, anh em tôi.

      Ðã nhiều năm, nhiều năm trôi qua, hình ảnh một chiều nào biển xanh cát trắng và những câu hát của Nguyễn Văn Ðông giữa biển trời mênh mông vẫn còn đậm nét trong ký ức tôi, mặc cho những lớp sóng của thời gian như từng đợt sóng biển cứ “hàng hàng lớp lớp” xô nhau, xô nhau tràn mãi vào bờ, rồi lại rút xuống trong con nước thủy triều của buổi hoàng hôn.

 

______________________________________

 

Trích đoạn bài Y Vân Và Ảo Ảnh Cuộc Đời”:

.    .    .  

Nét nhạc Y Vân có dấu ấn riêng và ảnh hưởng ít nhiều đến sáng tác của các nhạc sĩ sau ông. Nhiều người vẫn lầm tưởng “Ai nói yêu em đêm nay”, một bài Slow của Trần Thiện Thanh, hoặc “Kim”, một bài Twist của Y Vũ, là của Y Vân. Trong những bài “Những tâm hồn hoang lạnh” của Y Vũ, “Tôi đưa em sang sông” của Y Vũ & Nhật Ngân… người ta nghe phảng phất nét nhạc (và cả lời ca) của Y Vân, qua những dấu thăng (dièse) hoặc dấu giảm (bémol) ở nốt nhạc cuối trong câu, tạo cảm giác lơ lửng, mênh mang.

      Có thể nói được rằng Y Vân là nhạc sĩ của mọi thể loại, mọi thể điệu và mọi đề tài của nhạc Việt những thập niên 50’s, 60’s, 70’s.  Nghe nhạc Y Vân, người ta nghe thấy có hạnh phúc và khổ đau, có nụ cười và nước mắt, có hội ngộ và chia phôi, có hình ảnh người mẹ, người cha, người vợ hiền, người lính chiến, có tình yêu đôi lứa, có tình tự dân tộc…, tựa như ông muốn ôm hết cuộc sống vào lòng vậy. Nói cách khác, cuộc sống hiện ra muôn màu muôn vẻ trong nhạc Y Vân.  Như câu nói của Robert Schumann, nhà soạn nhạc và phê bình âm nhạc nổi tiếng của Đức, “Họa sĩ biến thơ thành tranh; nhạc sĩ biến tranh thành âm nhạc”, Y Vân, ông đã vẽ ra những “bức tranh đời” nhiều màu sắc và sinh động bằng nét cọ thần kỳ là những nét nhạc, những nốt âm thanh tràn đầy cảm xúc.

      Dòng suối nhạc của Y Vân biến đổi không ngừng, khi thì êm đềm hiền hòa, khi thì cuồn cuộn xối xả, như dòng chảy của cuộc sống đổi thay từng ngày, từng giờ. Sức sáng tác của Y Vân thật sung mãn và nguồn nhạc hứng trong con người nghệ sĩ ấy vẫn luôn dạt dào, như cuộc sống vẫn lao nhanh về phía trước. Bằng cây đàn muôn điệu và bằng những cung bậc kỳ diệu, ông đã tạo nên ở quanh ông một thế giới âm thanh thật phong phú và biến hóa đa dạng, đôi lúc khá bất ngờ và ngoạn mục như chàng nghệ sĩ đu bay giữa không trung tràn đầy tiếng nhạc.  

      Âm nhạc của Y Vân đến được với mọi người, mọi tầng lớp, mọi đối tượng. Dường như ai cũng tìm được ở nhạc Y Vân một bài nào mình yêu thích, ai cũng từng hát một đôi bài hoặc một đôi câu của Y Vân. Nói khác hơn, âm nhạc của Y Vân, bằng mọi ngả đường và bằng những cách riêng của ông, đã tới được và chạm được trái tim người yêu nhạc.

      Y Vân, ông đã từng làm bao người cùng khóc cùng cười với ông. Ông đã ngợi ca tình yêu, ông đã mang những lứa đôi lại gần nhau hơn và yêu nhau hơn, vì chỉ sợ mất nhau, chỉ sợ không giữ được nhau. Ông đã ngợi ca cuộc sống, ông đã làm cho người người thương yêu cuộc đời hơn, dẫu cho đời sống có lúc không được như ý muốn và không phải là lúc nào cũng đẹp. Ông đã ngợi ca tình người, ông đã làm cho người người thương quý nhau hơn và tử tế với nhau hơn, như tình nghĩa vợ chồng, như tình thân bè bạn, như tình yêu chan chứa của những đứa con dành cho đấng sinh thành… Phía sau những dòng kẻ nhạc của ông người ta nhìn thấy được trái tim đầy tình nhân bản.

      Y Vân, ông đã cố làm cho cuộc đời trở nên tươi đẹp hơn, hay ít ra trông có vẻ tươi đẹp hơn. Dường như ông vẫn muốn tin rằng, dẫu có thế nào đi nữa thì mọi chuyện sau cùng vẫn đi đến một kết thúc tốt đẹp. Điều có có xảy đến hay không, không ai biết chắc. Nói rằng ông có tài “tiên tri” để thấy trước là ông chỉ góp mặt góp tiếng với thế gian này có 60 năm thôi, tôi không tin lắm, thế nhưng tôi tin rằng ông đã thấy trước là–như ông đã viết ra trong bài “Đồi thông”–suốt một đời “hoài công tìm kiếm trên bước đi thăng trầm…”, ông chẳng tìm thấy được gì ở cuối đường, ngoài nỗi… trống không.

      Và tôi cũng tin rằng không phải là ngẫu nhiên ông viết nên những câu hát…     

      Người đi tiếc chi cho thêm buồn

      tìm thư thái trong tâm hồn

      thì đừng xây mơ trên cát vàng

        (“Hoàng hôn trên bãi biển”)

      Như những lâu đài bằng giấy, như những dấu chân trên cát sóng biển sẽ xóa nhòa, liệu còn có nghĩa gì, khi mà những phù hoa phù phiếm, những phấn son cuộc đời rồi… “cũng theo hư không mà đi”.

      Liệu còn có nghĩa gì, khi mà ông đã phải chia tay với cuộc sống ông vẫn muốn làm cho tươi đẹp hơn, và khi mà những “muôn màu muôn vẻ” của cuộc sống ấy, chung cuộc chỉ như những màu sắc lung linh, óng ánh của những bong bóng xà phòng, thật mỏng manh và tan biến trong thoáng chốc như là… ảo ảnh cuộc đời.

 

_______________________________________________________

 

Trích đoạn bài Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Một Mùa Nào Lãng Mạn”:

.    .    .  

Khi cho chạy lại cuốn video tape ca nhạc ấy, tôi thấy Đoàn Chuẩn vẫn còn ngồi đó, vẫn còn điếu thuốc trên tay ông. Hầu như lúc nào trên tay ông cũng là điếu thuốc (tựa như Văn Cao, lúc nào cũng ly rượu trên tay). Ông đốt thuốc liên tục, thả khói mơ màng. Khói thuốc mơ màng và ánh mắt ông cũng mơ màng. Ông nghĩ ngợi gì, hay chẳng nghĩ ngợi gì. Trông ông giống như người đợi chờ mà không đợi chờ điều gì cả, hay như người ngồi đợi hoài những giấc mơ “không đến bao giờ”. Ông sống lặng lẽ như một cái bóng, và cử động cũng chậm chạp, nhẹ nhàng như một cái bóng, không nói không năng, khuôn mặt không thấy có nụ cười, không biểu lộ nét vui hay buồn.

      Tôi thấy Đoàn Chuẩn vẫn còn ngồi đó, vẫn còn ánh mắt mơ màng, vẫn còn đăm đăm nhìn ra khoảng sân trước nhà. Ông nhìn ngắm hay tìm kiếm gì vậy? Đêm đêm nhìn cây trút lá / lòng thấy rộn ràng / ngỡ bóng ai về… Những phút sướng vui rộn ràng ấy chắc cũng chẳng kéo dài được bao lâu, chắc cũng chỉ là những phút giây hạnh phúc ngắn ngủi… Nhưng ông cũng đã bằng lòng, và cũng đã tận hưởng những giây phút ấy. Hơn thế nữa, tôi cho là ông cũng đã san sẻ với chúng ta, những người nghe nhạc của ông, chút hạnh phúc như gió thoảng qua ấy. Hạnh phúc như gió thoảng, có phải đấy là những phút giây chìm đắm trong thế giới lãng đãng của âm thanh, những phút giây thả hồn theo tiếng nhạc bềnh bồng và giọng hát dịu dàng cất lên giữa khoảng không gian thật yên tĩnh, thật lắng đọng, trong tiết trời se se lạnh của một ngày chớm thu.

      Với bao tà áo xanh, đây mùa thu…

      Tôi chắc là không có lúc nào người nghe nhạc cảm thấy thèm một hơi thuốc, một ngụm café nóng hơn là lúc ấy.

      Nghe nhạc ĐC-TL đôi lúc có được những khoảnh khắc hạnh phúc như thế, cũng tựa như những phút giây “lòng thấy rộn ràng” của người đã viết nên những tình khúc ấy. Còn mong gì hơn thế nữa! Cám ơn ĐC-TL, cám ơn những khoảnh khắc hạnh phúc ấy.

      Mùa thu đã qua từ bao giờ. Thu tàn, nhưng đông vẫn chưa sang… Những cánh hoa hướng dương đã “tàn tạ trong đêm tối”. Những chiếc “lá thu còn lại đôi ba cánh” rồi cũng sẽ lìa cành.

      Nhủ lòng thôi hết những mùa thu…

      Câu hát ấy nghe như tiếng thở dài thật nhẹ, như bước chân ai thật khẽ vừa lặng lẽ rời bỏ chốn này, như tiếng động thật nhẹ nhàng của chiếc lá cuối cùng vừa rụng xuống trong một ngày tàn thu.

      Hình ảnh sau cùng về Đoàn Chuẩn tôi còn giữ được, và giữ được mãi về sau này, là những ngón tay kẹp điếu thuốc của ông và những cử chỉ thật nhẹ nhàng, thật thong thả, gạt tàn thuốc vào chiếc gạt tàn trên mặt bàn. Trong lúc bà vợ ông nói và nói, để trả lời các câu hỏi, ông ngồi lặng thinh, dõi mắt theo làn khói thuốc (như thể những chuyện ấy chẳng có chút gì liên quan tới ông). Đôi mắt vẫn như chìm đắm trong một thế giới nào khác.

      Thật khó mà biết được một người ngồi lặng im với dáng điệu và cử chỉ như thế, với nét mặt không biểu lộ cảm xúc nào như thế, đang nghĩ gì trong đầu. Thế nhưng không hiểu sao, ánh mắt mơ màng ấy và ngón tay trỏ gõ gõ trên chiếc gạt tàn ấy theo một nhịp thật chậm rãi, thật đều đặn ấy vẫn cho tôi cảm tưởng rằng ông đang chăm chú lắng nghe những nốt nhạc. Những nốt nhạc thật xa xăm mà cũng thật gần gũi, những nốt nhạc từng có một thời cùng với ông, và người bạn đường nghệ sĩ của ông, đi suốt chặng đường dài tuổi trẻ. Những nốt nhạc bềnh bồng dắt đưa ông về thăm lại những cây cỏ xanh tươi trên con đường trí nhớ, cho ông tìm gặp lại những mùa thu xa vắng, những tà áo mầu xanh thắm bay lượn chập chờn, và cũng rót xuống cho ông, chàng nghệ sĩ đa tình một thuở, những yêu thương đằm thắm nhất của một mùa nào lãng mạn.

 

Xin bấm vào đây xem tiếp:

http://hoanglanchi.com/?p=1394 

 ——————————————————————————————————————

Diễn giả Bích Huyền trong đêm ra mắt sách "Âm nhạc của một thời"

Đôi nét về tác phẩm “Âm Nhạc Của Một Thời”
của nhà văn Lê Hữu
(Bài nói chuyện của nhà văn/nhà truyền thông Bích Huyền
trong đêm “Giới thiệu sách & Chương trình thơ-nhạc”)

      Câu chuyện thơ nhạc Đài VOA

     

Kính thưa quý vị và các anh chị,

Đêm nay Bích Huyền rất vui được chào đón quý vị và quý anh chị, rất vui được nói về một đề tài mình yêu chuộng và về một cuốn sách mình yêu thích.

      Một trong những bài Bích Huyền thích nhất trong cuốn sách của anh Lê Hữu là bài viết về nhạc sĩ Nguyễn Hiền, có tên là “Nguyễn Hiền, nhạc, thơ tràn muôn lối”. Và một trong những đoạn mà Bích Huyền thích nhất trong bài ấy là đoạn nói về “những mối duyên trong cuộc đời”.  Bích Huyền xin mạn phép đọc ít câu trong đoạn ấy: 
      “Đúng vào ngày đó, giờ đó, chứ không phải ngày nào, giờ nào khác, chúng ta gặp gỡ người nào đó, ở một nơi nào đó, một quán ăn, quán nước chẳng hạn, đấy không phải là chuyện tình cờ, ngẫu nhiên như ta tưởng mà mọi việc đều có bàn tay của ai đó sắp đặt.  Đấy là bàn tay của định mệnh, hay còn gọi là… “định mệnh đã an bài”.  Định mệnh ấy, hay những mối duyên kỳ ngộ ấy, có khi dẫn chúng ta đến một lối rẽ khác trong cuộc đời.”
      Thưa quý vị và các anh chị, những chuyện như thế từng xảy đến trong cuộc đời Bích Huyền, nhất là những mối duyên văn nghệ với nhiều người bạn văn nghệ, trong đó phải kể đến mối duyên văn nghệ với anh Lê Hữu.  Và chính nhờ vậy, chính vì thế, đêm nay Bích Huyền mới có mặt ở đây, mới có cái duyên may được gặp gỡ quý vị, và được nói một vài điều về tác phẩm của anh Lê Hữu.  Nếu không, nói như anh Lê Hữu ở một trang nào đó trong cuốn sách của anh: “Nếu không có cái ‘duyên’ ấy thì dẫu có đi hết cuộc đời mình cũng chẳng ai gặp được ai.”

      Thưa quý vị và các anh chị, gọi những bài viết trong sách “Âm Nhạc Của Một Thời” là những bài nhận định, hay khảo luận cũng đúng, mà gọi là “Những câu chuyện nhạc Việt” như cách gọi của tác giả cũng không sai.  Có lẽ anh Lê Hữu muốn gọi như thế cho “nhẹ nhàng” và để cho người đọc cảm thấy gần gũi hơn với những bài viết của anh.  Điều lý thú là, qua cuốn sách này, người ta tìm thấy nơi anh một lối viết mới khá lôi cuốn, thay cho những bài biên khảo khô khan như vẫn thường thấy từ trước đến giờ.  Người ta đọc bài của anh như nghe một người kể chuyện có duyên và hấp dẫn, đặc biệt là những “khám phá” từ cái nhìn và cảm thụ thật tinh tế, bén nhạy về con người, về sự việc qua những bài viết thật công phu.  Người ta cũng nhận ra ở nơi anh một kiến thức rộng rãi về âm nhạc, một “bản lãnh nghe nhạc”, và một óc thẩm mỹ về âm nhạc để nhìn ra những nét đẹp đầy tính nghệ thuật của dòng nhạc Việt.  Người ta cũng tìm thấy trong cuốn sách của anh những người nhạc sĩ được yêu chuộng, những giọng hát, những bài hát quen thuộc được giới yêu nhạc yêu thích một thời nào.
      Nhiều bài nhận định về âm nhạc của anh Lê Hữu được rất nhiều nguời đọc yêu thích và chia sẻ, đặc biệt là những bài về nhạc Đoàn Chuẩn-Từ Linh, nhạc Nguyễn Văn Đông, nhạc Nguyễn Hiền, nhạc Trịnh Công Sơn… Người ta yêu thích những bài ấy không chỉ vì lối văn lôi cuốn mà còn vì những ý tưởng thật là mới, thật là đẹp được tìm thấy qua những dòng chữ ấy.  Thưa quý vị và các anh chị, đến đây Bích Huyền không thể nào không xin phép trích ra ít câu ngăn ngắn trong một vài bài của anh Lê Hữu, để dẫn chứng và để gọi là “minh họa” cho những điều Bích Huyền vừa trình bày.
      Ví dụ, một đoạn trong bài “Người lính trong nhạc Nguyễn Văn Đông”, mời quý vị nghe qua:
      “Trong khói lửa chiến tranh, bên cạnh những nỗi bất trắc, tình yêu vẫn nở hoa, như những đóa hồng vẫn nở bên những hầm hố và hàng rào kẽm gai.  Vẫn có chút tình yêu làm quà tặng cho những người lính cầm súng chiến đấu, vẫn có những ánh mắt, “nụ cười xinh tươi” trong câu chuyện tình thời chiến, câu chuyện tình ‘người hùng và giai nhân’.”
      Hoặc, một đoạn trong bài “Hà Nội, một thoáng dư âm”, mời quý vị nghe qua:
      “Những bài hát hoài niệm về một dĩ vãng xa xôi, một quê hương xa khuất, một nơi chốn người ta đã sống, đã yêu, đã hạnh phúc, đã khổ đau, bao giờ cũng làm cho người ta bâng khuâng tiếc nhớ.
      Những người tình một thuở của Hà Nội muốn đi tìm lại Hà Nội cũ như tìm lại chính mình, như tìm lại mối tình cũ, như tìm lại một phần đời của mình còn gửi lại nơi chốn ấy.
      Cám ơn những bài hát cũ về Hà Nội đã giữ cho những giấc mơ về Hà Nội không bao giờ tắt hẳn.  Hà Nội ấy còn đọng lại trong dư âm lời ca tiếng nhạc của những bản tình ca một thuở.
      Hà Nội như một dĩ vãng đẹp và buồn.  Hà Nội chỉ còn là một thoáng dư âm.”
      Và một đoạn khác trong bài “Hát về những giấc mơ”:
      “Một bài nhạc cũ, đôi lúc chẳng có gì là hay ho lắm với người này, thế nhưng với người khác, cứ mỗi lần nghe lại là mỗi lần như khơi dậy cả ‘một trời kỷ niệm’.  Một bài hát người ta yêu thích thường gắn liền với kỷ niệm nào đó trong đời mình, và khi yêu bài hát ấy đồng thời người ta cũng yêu kỷ niệm gắn liền với bài hát ấy.”       
      Thưa quý vị và các anh chị, Bích Huyền tin rằng, bất cứ ai cũng có thể tìm thấy trong cuốn sách của anh Lê Hữu một bài hát nào đó mình yêu thích, bài hát mà “cứ mỗi lần nghe lại như khơi dậy cả ‘một trời kỷ niệm’”.  Những bài hát đánh thức trong mỗi chúng ta những giấc mơ ngọt ngào, những bài hát gợi lại trong mỗi chúng ta những kỷ niệm ấm áp của những ngày xưa êm đềm.  Những bài hát ấy, những khúc nhạc quen thuộc ấy chính là “âm nhạc của một mùa kỷ niệm”, hay nói như anh Lê Hữu, “Âm Nhạc Của Một Thời”.
      Và Bích Huyền cũng tin rằng, bất cứ ai có tâm hồn yêu âm nhạc, yêu thi ca, yêu văn chương, hoặc muốn tìm hiểu về nền tân nhạc Việt của một thời đã qua sẽ tìm thấy những gì mình yêu thích; và hơn thế nữa, sẽ tìm lại được “tình yêu âm nhạc” của mình, hay… tìm lại được chính mình qua những trang sách của anh Lê Hữu.  Những trang sách đưa chúng ta về lại một thời nào đã sống sôi nổi, đã yêu thiết tha, một thời nào đầy ắp thương yêu và kỷ niệm.
      Sau cùng, để đánh dấu “mối duyên văn nghệ” không chỉ với tác giả cuốn sách mà với tất cả quý thân hữu mà Bích Huyền có duyên may được gặp gỡ và chuyện trò đêm nay, Bích Huyền có một món quà văn nghệ nho nhỏ xin được gửi đến tất cả.  Đó là một dĩa CD thu âm một vài “Chương trình thơ-nhạc” của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, trong số nhiều bài mà Bích Huyền đã biên tập từ những bài viết của anh Lê Hữu và đã nhận được khá nhiều lời khen tặng của quý thính giả.  Món quà nhỏ này được gửi kèm với sách “Âm Nhạc Của Một Thời” của anh Lê Hữu, để đánh dấu mối duyên văn nghệ với quý vị và quý anh chị trong “Đêm thơ-nhạc và Giới thiệu sách” này.
     Bích Huyền xin hết lời và xin cám ơn quý vị và quý anh chị đã lắng

     Bích Huyền

Lê Hữu và "Thân Hữu"