Bình luận

GS Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh: BIÊN CƯƠNG MỚI

GS Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh: BIÊN CƯƠNG MỚI

Trong suốt tuần qua, Trung Quốc đã gặp khó khăn lớn ở Tân Cương vì vụ nổi loạn của dân thiểu số gốc Hồi tại tỉnh này khiến có 180 người chết và 1,680 người bị thương. Ðến đầu tuần này Cảnh sát Trung Quốc lại bắn chết thêm 2 người Hồi và 1 người bị thương, tình thế rất gay go. Tên gọi là Tân Cương tức “Biên giới mới” đã được đặt ra năm 1949 khi quân Cộng Sản Tầu chiếm toàn thể Hoa lục, khiến chính phủ Trung Hoa Quốc dân đảng phải di tản ra đảo Ðài Loan. Tân Cương chiếm một vùng đất rất rộng lớn phần lớn là núi non hiểm trở ở phía Tây Hoa Lục, biên cương chạy dài từ Tây Bắc giáp Mông cổ, xuống đến ranh giới các nước Trung Á như Kazakhstan, Kyrgystan. Kế đó là vùng Tây Nam có khu Tự trị Tây Tạng, giáp ranh giới các nước Afghanistan, Pakistan và Ấn Ðộ. Ngày nay Tân Cương đã trở thành một vùng kinh tế trù phú vì ở dưới vùng núi này có nhiều mỏ dầu lửa. Ngoài ra phong trào du khách đến miền này đã phát triển mạnh, khiến Urumgi, thủ phủ Tân Cương – phía Bắc gần biên giới Mông Cổ – đã trở thành một đô thị hiện đại, với những tòa nhà chọc trời. Hiện nay kỹ nghệ dầu khí của Tân Cương đem về cho Bắc Kinh mỗi năm 61 tỷ đô-la Mỹ, một trong những ngành kỹ nghệ tiến mau nhất của kinh tế Trung Quốc.

Ở Tân Cương từ xa xưa vẫn có nhiều sắc dân thiểu số vùng Trung Á sinh sống, nhưng có một sắc dân gọi là tộc Uighur (đọc theo âm Việt là uây-ghơ) được thế giới sớm biết đến nhiều nhất, vì sắc tộc này sống trên con đường bộ do Marco Polo (Thế Kỷ 13) tìm ra để từ Venice (Ý) giao thương với các nước Trung Á. Tộc “uây-ghơ” theo đạo Hồi từ thế kỷ 7, có điểm đặc biệt là cho đến nay vẫn cách biệt với sự phát triển của Hồi giáo ở Trung Ðông, để giữ được bản sắc hiền lành theo dân tộc tính của họ. Người Trung Hoa thời cổ đã biết đến sắc tộc này khi có con đường “Tơ lụa” giao thương với người Âu châu, nên gọi đó là dân “Hồi” (chữ Hán có nghĩa là trở về), có lẽ đó là những người đã bỏ vùng núi khô cằn ra đi kiếm ăn, nay trở về sống trên đường Tơ Lụa để làm ăn với khách buôn giầu có từ bên ngoài đến. Khi người Tầu thấy họ làm lễ tôn giáo một cách khác các tôn giáo thời đó ở bên Tầu, nên cũng gọi luôn tôn giáo đó là “Hồi giáo” cho tiện.

Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh đến chữ Hồi giáo ở đây, vì từ lâu bao lâu nay tôi vẫn thắc mắc tại sao báo chí Việt ngữ vẫn dùng chữ Hồi giáo để gọi tôn giáo Muslim hay Islam do Ðấng Tiên tri Mohammed thành lập vào Thế kỷ 7 ở Á rập, Trung Ðông. Nguyên nhân chính là vì vào thời điểm trước khi văn hóa Pháp tràn vào Việt Nam đầu thế kỷ 18, các bậc tiền nhân của chúng ta vẫn dùng chữ Hán Nôm để tìm hiểu về thế giới bên ngoài. Bởi vậy khi thấy Hán tự dịch Muslim là đạo Hồi, nên cũng gọi đó là đạo Hồi. Ðến nay trong ngôn ngữ dân gian Việt Nam vẫn có chữ đạo Hồi. Người Tầu gọi cả Pakistan là Hồi Quốc, tiếng Việt vẫn quen dùng tên nước đó như vậy, trong khi trong chữ Pakistan không có gì dính đến tôn giáo, mặc dù đa số người Pakistan cũng theo đạo Hồi. Tôi nghĩ các học giả Việt Nam ngày nay cũng nên sửa chữa lại tên gọi của một số các địa danh ngoại quốc khác bằng những chữ thế giới thường dùng, thay vì dùng theo âm Hán tự, thí dụ như Hoa Thịnh Ðốn, Ba Lê, Luân Ðôn v.v… như thời cổ.

Hãy trở lại câu chuyện “Biên Cương Mới”. Khu Tân Cương do Cộng sản Tầu đặt ra từ năm 1949 đã làm bộc lộ rõ ý đồ thâm độc của chủ nghĩa “bành trướng Bắc Kinh”. Nước Trung Hoa có dân số đông nhất thế giới, sinh sản mau lẹ, nên bắt buộc phải mở rộng bờ cõi từ thời buổi xa xưa nhất của lịch sử. Hiện nay dân số Trung Quốc có 1 tỷ 318 triệu người, người gốc Hán chiếm 92%, còn 8% là những gốc dân thiểu số đủ loại. Dân gốc Hán nhiều như vậy, nhưng lại sống đông đúc nhất ở một dải đất ở miền Ðông Hoa lục, kéo dài xuống theo bờ biển Ðông Hải. Diện tích toàn thể Trung Quốc kể cả các khu tự trị dân thiểu số như Nội Mông, Tân Cương và Tây Tạng, tính chung là 9,572,900 cây số vuông. Bản đồ cho thấy rõ các khu tự trị này chiếm hơn một nửa diện tích toàn thể lãnh thổ, phần còn lại là vùng của dân gốc Hán.

Chế độ Cộng sản Tầu hiện nay chủ trương bành trướng lãnh thổ cho dân Tầu – hiện đã bằng 1/5 dân số cả thế giới – để có đủ đất sống và sinh sản thêm nữa. Nhưng Bắc Kinh khôn ngoan giở trò “bành trướng thầm lặng” bằng cách cho dân gốc người Hán (tức người Tầu) di dân thật nhiều qua các lãnh thổ láng giềng mà họ đã chiếm, gọi là khu “tự trị” nhưng do chính quyền Trung ương trực tiếp cai trị, chẳng khác gì một tỉnh Trung Quốc. Người ta đã thấy hình ảnh khu gọi là “tự trị” Tây Tạng. Khi người gốc Tầu đông hơn người gốc bản xứ, khu tự trị sẽ biến thành một tỉnh Trung Quốc. Tôi nghĩ những nước láng giềng của Trung Quốc có tinh thần dân tộc mạnh đã nhìn thấy rõ ý đồ của Trung Cộng, nên dân chúng phải đề phòng. “Biên cương mới” là bài học cho dân tộc Việt Nam.

Tân Cương hiện nay có tổng số dân là 20 triệu người kể cả dân Tầu, trong đó chỉ có 8 triệu người sắc tộc “uây-ghơ”. Thủ phủ Urumqi đông dân cư nhất có 1.3 triệu người, nhưng đại đa số là dân Tầu thứ thiệt, còn dân bản xứ “uây-ghơ” đã bị gạt ra ngoài rìa thành phố, bởi vì thương gia Tầu Cộng đến đây định cư, dùng tiền bạc mua hết đất ở thành phố. Ngoài Urumqi, tình hình các thành phố khác ở Tân Cương cũng tương tự, chẳng hạn thành phớ lớn thứ hai của Tân Cương là Kashgar và nhiều thành phố nhỏ hơn ở phía Nam cũng có loạn. Trong hơn một tuần qua hàng chục ngàn Cảnh sát mặc áo giáp, nón sắt, võ trang súng liên thanh và cả quân đội chính quy Trung Quốc đã ùn ùn kéo vào Urumqi và các thành phố khác của Tân Cương. Nhà cầm quyền Trung ương ở Bắc Kinh đã đặc biệt cho những hình ảnh đó chiếu trên TV để cảnh cáo các khu vực khác trong nước, đồng thời cũng cho thế giới biết để quy lỗi cho người sắc tộc thiểu số đã nổi loạn đánh phá và giết chóc những người gốc Hoa lương thiện đến làm ăn buôn bán.

Bất chấp sự đàn áp của Cảnh sát võ trang Tầu, phong trào đòi độc lập của dân thiểu số Tân Cương vẫn tiếp tục. Trong thập niên 90, với sự sụp đổ của Liên Sô, phong trào Hồi giáo ở Trung Á đã gia tăng sức mạnh, tinh thần độc lập dân tộc ở các nước Trung Á mỗi lúc một cao. Ngoài ra những người gốc “uây-ghơ” hiện di tản khắp mọi nơi trên thế giới, họp thành những khối nhỏ cũng đã biểu tình kêu gọi sự chú ý của công luận về những vụ đàn áp dã man của Quân đội và Cảnh sát Tầu ở Tân Cương. Mục tiêu của Bắc Kinh là bành trướng lãnh thổ để dân gốc Hán của họ có đủ đất sống, nhưng khi họ chủ trương tiêu diệt văn hóa và ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số, họ đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng.

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh