Sinh hoạt VTLV

Giang Thiên Tường: Giải nhất. Năm truyện ngắn trúng giai Văn Thơ Lạc Việt 2010

01 văn

Bài văn Đứa Con Đầu Lòng sau đây của tác giả Giang Thiên Tường là bài được giải Nhất về Văn trong Giải Văn Thơ Lạc Việt 2010. Được biết Giải Văn Thơ Lạc Việt khởi đầu từ năm 2008, đến nay đã được 3 năm. Cuộc thi hàng năm gồm có 3 giải chính thức và 2 giải khuyến khích cho mỗi bộ môn thơ và văn nhằm khuyến khích mọi người sáng tác để phát huy văn hóa Việt Nam ở hải ngoại.

Chúng tôi xin giới thiệu cùng quý độc giả bốn phương.

VTLV

ĐỨA CON ĐẦU LÒNG

 

Tiến đứng dậy định đi tới đi lui trong phòng cho đỡ sốt ruột vì chờ đợi đã quá lâu, nhưng chợt thấy căn phòng chờ này quá chật mà người đợi khá đông nên đành ngồi trở xuống, tiếp tục xem báo. Phòng mạch của bác sĩ Nhân nằm tại một địa điểm có đông người Việt và hơn nữa bác sĩ cũng là người được tín nhiệm trong nghề nghiệp nên thân chủ rất đông. Bác sĩ lại không tiếp khách theo lối hẹn trước mà chỉ phục vụ theo thứ tự tới trước vào trước; hôm nay lại là ngày thứ hai, bao nhiêu bệnh nhân loại nhẹ như nhức đầu, cảm… đều có thể chờ để đổ dồn vào ngày đầu tuần này.

Ngồi đợi đã gần hai tiếng đồng hồ mà vẫn chưa tới phiên. Tiến bồn chồn đọc hết tờ tạp chí này đến tờ báo quảng cáo khác, nhưng những hàng chữ, những hình ảnh quảng cáo của các tờ báo chỉ nhảy múa vô nghĩa trước mắt, không giúp gì cho Tiến quên bớt lo âu. Tiến không phải là bệnh nhân, sức khỏe của Tiến rất tốt, cả mấy năm không cần bác sĩ. Tiến chỉ đang lo cho đứa con đầu lòng mình đang lên cơn bệnh nặng mà bác sĩ Nhân là niềm hy vọng cuối cùng.

Tiến nhìn qua phòng chờ đợi một lần nữa: còn gần cả chục người, biết tới bao giờ mới tới phiên mình đây? Thời gian tâm lý của đợi chờ còn như kéo dài hơn nữa. Thực sự Tiến chẳng có vợ con gì cả, "đứa con đầu lòng" chỉ là danh từ Tiến đặt cho tác phẩm đầu tay của mình, đúng ra là một tờ báo của trường mà lần đầu tiên Tiến tự đứng ra gánh trách nhiệm làm chủ bút. Loại báo free các trường không gây lợi lộc cho người làm, thế mà vẫn ra nhan nhản. Đó không phải vì ở Mỹ dư giấy mà chỉ vì anh em sinh viên yêu văn nghệ mà thôi. Có những bạn trẻ trước đây ở quê nhà không hề cầm bút viết văn hay biết chút ít gì về kỹ thuật làm báo, thế mà qua đây tự nhiên trở nên thi sĩ, văn sĩ và cả chủ bút nữa. Có thể bầu không khí tự do cởi mở ở đây đã khơi dậy cảm hứng và tiềm năng nghệ thuật nơi mọi người.

Tuy viết văn làm thơ ở đây thì dễ, chớ ra một tờ báo free thì không dễ chút nào, nhất là đối với sinh viên không có một đồng xu dính túi. Hôm qua, Tiến giao cho một số bạn đi quyên tiền, nhưng không biết họ ăn nói làm sao mà cả bọn thất thểu trở về với vài chục đồng. Lần này, Tiến nhất quyết đích thân chỉ huy đi quyên tiền cho bằng được, không thể chậm trễ nữa. Tờ báo này có chủ đề là "Mùa Thu", bài vở bắt đầu được thu thập từ đầu mùa cho tới nay mới tạm đủ thì cũng vừa vặn gần hết mùa thu rồi! Phải công nhận anh em làm văn nghệ lần này thật xuất sắc, không ai lạc đề cả, tất cả đều viết đúng chủ đề mùa thu: có những bài thơ như: "Đêm Thu", "Tiếng Thu", "Mưa Thu", những truyện ngắn "Rừng Thu", "Mùa Thu Trong Mơ". Nhưng nay đã tàn thu lá sắp hết bay rồi, nguy là ở chỗ đó! Nếu chậm trễ nữa, mùa đông tới thì bao nhiêu tác phẩm về thu phải dẹp qua bên, và điều đó có nghĩa là đứa con văn nghệ đầu lòng phải chết yểu!

Ý thức được tình hình khẩn trương, hôm nay Tiến lập tức huy động chủ lực để hành động. Hải "Phao Câu", trưởng ban báo chí, Loan "Tóc Ngắn", trưởng ban thể thao và Yến "Bồ Câu", trưởng ban xã hội. Lần đi quyên tiền này cũng không may mắn hơn hôm qua. Cả bọn đi hết cả ngày, vòng qua hết mấy tiệm Việt Nam mà chưa tới được một trăm, có những nơi tỏ ra rất lạnh lùng không ủng hộ, có nơi cho lẻ tẻ vài ba đồng mà đòi hỏi biên nhận đủ điều.

Nhóm thu tiền mệt mỏi và chán nản "lết" tới chợ Tân Tiến thì đã gần chiều và lại rước thêm một thất bại chua cay nữa. Đây là một trong những chợ lớn nhất của thành phố và có tiếng là cho tiền quảng cáo khá nhiều, thế mà hôm nay gặp ngày xui xẻo quá, họ trả lời dứt khoát không cần quảng cáo nữa! Yến "Bồ Câu" chán nản, mếu máo đòi về: "Mẹ không cho em đi đâu quá 5 giờ chiều!" Còn Loan cũng kiếm chuyện có hẹn đi làm răng. Hải "Phao Câu" đã chuồn mất tự hồi nào rồi.

Ông chủ bút Tiến hoàn toàn cô đơn, đau khổ và tuyệt vọng! Nhưng một tia sáng vụt lóe ra ở cuối đường hầm. Tiến bỗng chợt nhớ đến bác sĩ Nhân. Bác sĩ Nhân là người thường đứng đầu danh sách quý vị hảo tâm trong việc giúp đỡ các đoàn thể và báo chí. Phải, chỉ có bác sĩ Nhân là niềm hy vọng cuối cùng cho cơn bệnh ngặt nghèo của đứa con đầu lòng mình.

Tiến buông tờ báo đang đọc xuống, nhìn lại phòng chờ.

– Còn ba người.

– Còn hai người.

Rồi cuối cùng là đến lượt Tiến. Tim Tiến đập rộn rã giống như hồi còn đi học tiểu học, khi gần tới phiên mình lên trả bài, dù có thuộc bài đến đâu, tim Tiến cũng đập như muốn vỡ lòng ngực. Lần này cũng phải trả bài thật chớ không chơi đâu, đậu hay rớt là lúc này đây.

– Kính chào bác sĩ.

– Sao? Anh nghe sao đây? Bác sĩ hỏi với một giọng mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả với quá nhiều bệnh nhân.

Tiến cảm thấy mình ở tư thế khá bất lợi, nhưng cũng cố đọc bài "diễn văn" đã soạn sẵn:

– Dạ, tôi là đại diện của trường… chúng tôi chuẩn bị cho ra một tờ đặc san, trước tiên là để phát huy Việt ngữ và phổ biến văn nghệ, sau nữa là để thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng người Việt Nam tại đây. Chúng tôi cần sự giúp đỡ của…

– Trời! Bác sĩ ngắt ngang, vậy anh không phải là bệnh nhân? Tại sao anh không cho tôi biết để tôi mời vào ngay?

– Dạ, tôi có nói với cô y tá, nhưng chắc cô ấy quên.

Tiến khấp khởi mừng thầm vì thái độ đầy khích lệ của bác sĩ. Thừa thắng, Tiến đưa bản thảo tờ báo ra khoe:

– Đây là tờ đặc san tương lai của chúng tôi, đã đánh máy xong chỉ chờ in, bài vỡ rất phong phú và xuất sắc. Chúng tôi có dành một số trang ở phần sau để quảng cáo. Nếu bác sĩ muốn thì…

– Tôi không cần quảng cáo! Bác sĩ ngắt lời một cách mau lẹ.

Tiến giật mình ân hận: vậy là mình vừa "tái phạm" một lỗi nặng nữa rồi! Các nhà buôn lớn, các bác sĩ đắt khách đều không cần quảng cáo. Họ từ chối cho tiền rất dễ dàng.

Tiến quyết định đổi chiến lược.

– Thưa bác sĩ, anh em chúng tôi rất yêu văn nghệ. Đây là một đặc san đầy nghệ thuật, vì chúng tôi tập trung tất cả các các cây bút xuất sắc của trường để viết về một chủ đề duy nhất là mùa thu.

Tiến lật qua từng tờ bản thảo của tờ báo cho bác sĩ xem, nhân tiện "quảng cáo" tiếp:

– Trong này có một bài viết rất đặc sắc là bài "Mùa Thu Trong Thơ" bao gồm những áng thơ tuyệt tác của các thi sĩ như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận.

Bác sĩ lơ đãng liếc qua các trang và bất ngờ hỏi:

– Xuân Diệu, Huy Cận là ai?

Tiến có hơi ngạc nhiên. Bác sĩ không biết chút gì về thi ca hay cố ý muốn đố mình chơi? Dầu sao, Tiến cũng trúng tủ đối với câu hỏi này nên trả lời thao thao bất tuyệt:

– Dạ đó là hai khuôn mặt lớn của thời thi ca tiền chiến lãng mạn, thời kỳ mà các tinh hoa nghệ thuật Việt Nam đồng rộ nở…

– Thôi được! Bác sĩ có vẻ không chú ý đến lời giải thích của Tiến và tươi cười nói:

– Tôi không cần quảng cáo cho lắm nhưng tôi sẽ ủng hộ các anh. Anh biết tại sao không?

– Dạ…

– Tôi thông cảm hoàn cảnh của các anh lắm, vì hồi trước tôi cũng gặp những khó khăn như vậy.

– Bác sĩ đã từng làm báo?

– Đúng!

Gương mặt bác sĩ mơ màng như trở về dĩ vãng:

– Lúc còn là sinh viên Y khoa tôi cũng như các anh rất say mê văn nghệ.

– Chắc bác sĩ viết nhiều lắm?

– Tôi viết và nhất là làm thơ. Lúc đó là: "Một thuở yêu em làm thơ" của tôi đó.

Tiến giữ yên lặng để bác sĩ tận hưởng dĩ vãng thơ mộng của ông.

– Anh cần bao nhiêu? Bác sĩ bắt đầu tỉnh giấc mơ và trở về thực tại.

– Dạ, đó là do lòng hảo tâm của người cho. Phí tổn tổng cộng của chúng tôi khoảng năm sáu trăm; đó là giá chót của ấn loát, thế mà chúng tôi chỉ mới được ủng hộ không đầy một trăm. Tiến kể lể với giọng điệu thật thểu não.

Bác sĩ móc ví, trang trọng đưa cho Tiến số tiền mặt ba trăm. Tiến choáng váng vì số tiền khá lớn và cử chỉ đầy nghĩa hiệp này. Như vậy đứa con văn nghệ đầu lòng của mình đã thoát nạn! Mình chỉ cần đi một vòng ngắn "bố" thêm vài ông chủ tiệm sửa xe nữa là đủ tiền in tờ báo rồi. Tiến run rẩy tiếp nhận số tiền của ân nhân và bày tỏ lòng biết ơn một cách kiểu cách:

– Dạ tôi xin thành thật cảm tạ bác sĩ đã cứu chữa cho đứa con đầu lòng của tôi thoát khỏi…

– Đứa nào? Bác sĩ ngắt lời, phải em bé bị nhiễm trùng đường tiểu tuần trước không?

Biết là mình đã tạo hiểu lầm cho bác sĩ, nhưng Tiến cảm thấy không thể đính chính được nữa, đành nói luôn:

– Dạ phải, cũng nhờ bác sĩ cho toa, cháu nó uống có vài viên trụ sinh là khỏi bệnh.

Bác sĩ bất ngờ nổi giận la ầm lên:

– Trời! Trụ sinh mà anh sử dụng bừa bải vậy à? Tôi đã dặn phải cho uống ngày bốn viên liên tục trong hai tuần mà. Uống vài viên trụ sinh rồi ngưng, vi trùng sẽ kháng thuốc, anh có hiểu không?

Nhờ biết qua chút đỉnh về cách sử dụng thuốc, Tiến chữa tội dễ dàng:

– Tôi cho cháu nó uống vài viên Tylenol là đỡ đau ngay, nhưng về trụ sinh thì tôi cho nó uống rất đúng liều lượng.

Gương mặt bác sĩ đầy lương tâm chức nghiệp dịu lại ngay. Bác sĩ đứng dậy, tươi cười từ giã:

– Thôi, tôi chúc anh được nhiều thành công trong tờ báo sắp tới.

Bác sĩ đưa Tiến ra khỏi cửa và nói thêm:

– Cho tôi gởi lời thăm các anh em sinh viên trong ban biên tập. Chúc các anh hăng hái sáng tác.

Tiến không quên cám ơn lần nữa vị bác sĩ có lương tâm và đầy nghệ sĩ tính nầy và trong lòng Tiến đang rạo rực một niềm vui và một niềm hãnh diện vô biên:

"Chắc chắn tuần sau này, đứa con đầu lòng của mình sẽ vượt được mọi khó khăn để ra mắt mọi người. Nó không tạo ra cho mình bất cứ lợi lộc hay tiền bạc, hoặc danh lợi nào cả, nhưng nó sẽ là phần thưởng sáng giá nhất của con người văn nghệ. Nó không dành riêng để tặng một cá nhân nào mà nó chỉ phục vụ cho tất cả mọi người biết thương yêu nó. Điều chắc chắn là đứa con tinh thần này không những biết ơn cha mẹ đã cưu mang nó mà còn đội ơn những vị đỡ đẻ là những nhà mạnh thường quân đầy hảo tâm và yêu nghệ thuật".

(Giang Thiên Tường là bút hiệu của Tô Vĩnh Phúc hiện cư ngụ tại Sacramento, California)