VTLV 2013:Ông Cháu

Thảo luận trong 'Truyện ngắn dư thi' bắt đầu bởi administrator, Thg 10 24, 2013.

  1. administrator

    administrator Administrator Thành viên BQT

    Tham gia ngày:
    Thg 3 14, 2011
    Bài viết:
    211
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    16
    Giới tính:
    Nam
    Ông Cháu

    Một lần, nơi quán cà phê, mấy anh bạn già ngồi nhâm nhi cà phê cùng tán gẩu, cùng nói chuyện đời.

    Chuyện đời thì là lắm chuyện, nhưng mà chuyện trước mắt là “vui sống tuổi già”, làm sao để vui, làm sao cho bớt khổ, và sống thế nào để không buồn tẻ, đở chán chường.

    Suy nghĩ, nói năng thì cũng lắm, nhưng mà kinh nghiệm thì đã có mấy ai? Tuổi già, khi có được kinh nghiệm đủ đầy cũng là lúc gần kề miệng hố.

    Một anh bạn cho là làm vườn, trồng hoa, trồng kiểng, sống gần cây cỏ, vui thú thiên nhiên có vẻ thích hơn.

    Anh bạn khác tiếc rẻ tuổi đời, thích đi du lịch đó đây, thích vui chơi hưởng thụ. Có tiền cứ xài cho xứng đáng cái tuổi hồi xuân: ”Vui xuân để kẻo xuân tàn,Đời người mấy chốc, bên nàng cứ vui”. Anh nhả hứng nói thơ.

    -Đi đó đi đây e rằng không đủ sức, còn bày đặt gió trăng vung vít để sớm tiêu đời. Một số không đồng ý. Giải pháp bất khả thi.

    Một anh bạn thích câu cá – tìm nơi sông hồ, mây nước mà vui thú với thiên nhiên.

    Mỗi người mỗi ý thích, mỗi lập trường. Ý nào cũng tốt, sống sao tùy thích miển mình vui…

    Một anh bạn chia xẻ ý kiến bằng kinh nghiệm của mình: -Để thì giờ mà vui chơi với tuổi trẻ. Nói chung là các cháu, chắc của mình. Tuổi trẻ hồn nhiên, vô tư, tâm tính tự nhiên, yêu thương chúng, gần gủi chúng, thực tế giúp cho tuổi già quên đi mọi lo toan, phiền muộn. Ông có hai đứa cháu: một “nội”, một “ngoại” – cháu ngoại lên ba và cháu nội một tuổi. Ông chia thời gian mỗi tuần 2 lần: 3 ngày cho đứa cháu nội, 3 ngày cho cháu ngoại, và 1 ngày để cho riêng ông (cùng bà).

    Phân tích, dẩn giải cũng dài, nhưng tựu trung là tuổi già có thì giờ cùng đám trẻ thơ sẽ cảm thấy vui thú. Các anh cứ thử đi.

    Đa số trong bàn cà phê nghe qua đều thở dài ngán ngẩm: -Mình cả đời cực nhọc vì con, lo nuôi dưởng con từ thuở lọt lòng, rồi lo ăn, lo học, lo cho có sự nghiệp tương lai, lo dựng vợ gả chồng, lo nhà lo cửa cho có riêng tư. Báo ân, báo hiếu chưa có gì gọi là đáp đền, nhất là ở xứ Mỹ này. Vừa buông “cục nợ” con, giờ lại gánh thêm đám cháu thì có còn gì là mình nửa để mà vui hưởng?

    Tôi nghe qua không dám ý kiến nhưng thầm nghĩ: phải mất thì giờ bận bịu, vươn mang lũ trẻ, chắc là không có tôi…

    “Bà xã”, có một lần đi exercise với bả, thấy đứa con nít (lên ba) đi cùng mẹ nó – con nít Mỹ - Trông đứa nhỏ rất là dể thương. Nó nhìn mình nó cười, gật đầu, đưa tay nói “hello”. Mẹ nó cũng cười vui nữa, chào mình. Bà xã cầm lòng không đậu, thấy đứa nhỏ thương quá, ngồi xuống định ôm hôn. Tôi vội kịp can ngăn:

    -Cười vui là được rồi, đừng ôm con người ta.

    Chia tay vui vẻ lẫn nhau, nhưng bà xã thì lại tiếc - đứa nhỏ thấy thương quá, phải con cháu mình, mình ôm hôn cho đả.

    Rõ là cái số - hay cái “nợ” không chừng – Con gái tôi sinh đứa con đầu lòng, thằng bé trai khá là kháu khỉnh. Bà xã thì đương nhiên là xung phong tự nguyện đến để lo cho con gái, và đứa cháu ngoại của mình. Ở Mỹ, sinh con có mẹ ruột chăm sóc, giúp đở thì còn gì bằng. Con gái và rể đều đón mừng và hoan hô nhiệt liệt.

    Tôi, thằng “ông ngoại” cũng không tránh khỏi những công việc phụ họa. Có cháu thì cảm thấy mừng. Già rôi, trên 65 mà vẫn chưa có cháu. Người ta thì cháu đàn, cháu đống, có cả cháu cốc nữa. Riêng tôi thì sinh con đã trể, có cháu lại càng trể hơn. Bây giờ có được đứa cháu - mà là “thằng nhóc” nữa - không mừng sao được…

    Đoạn đường cách xa một tiếng rưởi bằng lái xe trên xa lộ, kể ra không phải là xa. Có điều là không còn sức vóc như thời còn trai trẻ nữa. Nhờ mắt vẫn còn tỏ, tay chân vẫn chưa run, nên tôi còn có khả năng xuôi ngược tháng ngày. Bây giờ thì một kiểng hai quê. Một tuần ở Sanjose giúp cơm nước cho đứa con còn theo học. Lại một tuần đến Stockton để làm thân sai vặt cho bà xã, giúp chăm sóc thằng cháu ngoại mình.

    Cực thì có cực, vất vả thì cũng có vất vả, nhưng mà cũng có niềm vui. Niềm vui khi lái xe trên xa lộ, ngoằn ngoèo vòng vo qua bao thế núi quanh co, xuống lên qua mấy đỉnh đèo, và cũng thấm thía những lúc gió tạt, mưa tuông, mây mù giăng lối, để thấy rằng mình còn sức, mình còn có khả năng, chưa đến đổi nào. Phong độ như xưa, tung hoành nơi chiến địa.

    Bù lại, bà xã thương yêu hơn, chăm sóc kỹ hơn. Con cái cũng ái ngại xót xa khi thấy cha già mà còn “lặn lội”, chưa được thảnh thơi an hưởng.

    -Không sao, các con (lẫn rể) đừng quá lo. Ba còn sức, còn đi đứng được, vả lại công việc cũng không là bao, ba vẫn có thời gian ngơi nghỉ. Hơn nửa, vì đứa cháu ngoại, ông ngoại cảm thấy vui.

    Một lần điện thoại gọi thăm người bạn - bạn rất thân, học chung trường hồi nhỏ - Hỏi thăm về sức khỏe, hỏi cuộc sống về già. Cả hai “ông bà” đều phấn khởi trả lời:

    -Sức khỏe vẫn bình thường, cuộc sống vẫn đầy đủ, có điều ít có thì giờ rãnh rỗi, nhưng vậy mà vui.

    -Vậy là sao?
    -Vì phải hủ hỉ với mấy đứa cháu – cháu nội và cháu ngoại. Thằng út ở chung nhà, vợ chồng nó đi làm để con ở nhà cho tụi tôi chăm sóc, chỉ một đứa thôi mà cũng lu bu công việc. Nhưng mà vui. Cuối tuần, các con tựu lại thêm mấy đứa nội, ngoại nữa. Lủ khủ đầy nhà, vui nhộn lắm anh ơi.

    -Nghe anh chị kể tôi tưởng tượng ở Việt nam – con đàn cháu đống – “Nhất con nhì của”. có cháu đến đầy nhà, ông bà vui thích lắm.

    Anh bạn tôi thì hả hê với niềm vui như vậy. Riêng tôi cảm thấy sợ. Thương thì thương (cháu) nhưng tôi vẫn thích sống yên ổn, có thì giờ suy tư riêng rẻ, suy gẩm chuyên đời. Đó là cái thú về già, không vướn bận, không ồn ào, một mình mà yên hưởng.

    -Để rồi anh coi, anh xa cháu khó mà được vì cái tính trẻ thơ của nó, cái hồn nhiên thiên phú, đáng yêu vô cùng.

    Bây giờ thì tôi đang bước vào con đường mà người bạn tôi đã “hỉ hả” đi trước.

    Cũng thật là “chê của nào trời trao của ấy”. Bà xã tôi thì dỉ nhiên là “mê” thằng nhỏ. Tính bà yêu thích con nít xưa nay thì đã đành, bây giờ lại là cháu ruột của mình.

    Hơn 6 tháng chăm sóc cháu, mến tay, mến chân, bây giờ khó mà rời đứa nhỏ. Tôi thường hay nói giởn là bà ngoại đã bị “cắn câu” rồi, dính chặt, gở cũng hơi khó. Bây giờ “lưỡi câu” muốn câu luôn cả ông ngoại.

    Anh bạn nói đúng. Gần gũi trẻ thơ, mình càng khám phá cái tính hồn nhiên, vô tư đáng yêu của nó. Tính của con nít, tính chưa biết gì. Vậy mà nó biết nhiều thứ: Biết cười giởn, biết giận, biết thương, biết tức tối, biết mơn trớn, biết vòi vĩnh, biết đòi, biết van xin, biết trông chờ, biết cầu khẩn… Bao nhiêu là đặc tính rất tự nhiên, rất thật. Không làm bộ, không màu mè, không khách sáo, và cũng không phĩnh phờ, giả tạo. Tính thiên phú, tính trời cho mà xưa kia ông bà ta gọi là tính do mụ bà đặt để.

    Yêu thương nó, bồng ẵm nó, nó thường tỏ ra thân thiện, trìu mến với những nụ cười - cười hồn nhiên lắm - Bỏ bê, thiếu bồng ẵm dỗ dành, nó biết đòi, biết kêu la, khóc lóc.

    Có một lần, bà ngoại vì phải làm công việc khác, thằng bé ngồi (trên xe) chơi lâu thấy chán, khóc đòi bồng. Đâu có ai huởn mà bồng hoài. Thằng bé càng khóc, khóc mà ngó dáo dác chung quanh như kiếm người, như cầu cứu. Đang lúc đó thì ông ngoại - vị cứu tinh - vừa đến. Thằng bé mừng rỡ, chớp chớp hai tay, mắt sáng rực. Ông ngoại bồng đi, thằng nhỏ quá vui mừng với dáng vẻ biết ơn và trìu mến.

    Ông ngoại thường rãnh rỗi, và hay “cứu bồ” trong những khi như vậy. Bà ngoại thì nói cứ để như vậy, nó khóc la chút ít cũng chẳng sao. Mỗi cái mỗi bồng, nó cứ đòi hoài, sức đâu mà chìu mãi. Nó khóc rồi nó nín, để cho nó quen.

    Biết là vậy, nhưng mà hình ảnh khóc la, van lơn, cầu cứu, ông ngoại để vậy không đành.

    -Đây rồi ông đi về dưới, ai hơi sức đâu mà ẵm bồng hoài, chỉ gây thêm khó cho người ta. Bà xã complain. Cũng đúng.

    Thương không phải mỗi thứ mỗi chìu, chìu quá đâm ra khó dạy. Mình cũng biết vậy, nhưng trong tình cảnh “ra tay nghĩa hiệp”, thấy thằng bé mừng vui và âu yếm, cũng cảm thấy chan chứa niềm vui.

    Van xin, cầu khẩn (đòi bồng) không phải chỉ ở mức bình thường, mà hầu như ngày một thiết tha và quan yếu hơn thêm. Những lần không có ai, hoặc có người lớn đông đủ ở nhà, vẫn để thằng bé lật bò, chơi trong cái nôi rộng. Chơi đả, thằng nhỏ đòi đi, đòi bồng, khóc, kêu la, nhưng tư bề vắng lặng. Người lớn yên lặng rình xem thái độ thằng nhỏ. Nó trường, nó lết, nó xoay quanh ngó tìm – tìm ân nhân đến giúp. Không thấy ai, thằng bé cố dáo dác tìm kiếm, tìm mà khóc, mà la, mà đòi.

    Một tiếng “tằng hắn” nhỏ của ông ngoại cũng đủ làm cho thằng bé định hướng và chú ý - một kẻ bơ vơ lạc lỏng giữa đường trông chờ người ra tay cứu giúp.

    Ông ngoại xuất hiện, thằng bé mừng vui hớn hở, hai tay chớp lia. chớp lịa mà nước mắt lưng tròng. Ông ngoại ẵm, ôm vào lòng, thằng cháu ngoại vẫn còn nước mắt, ngoẻo đầu vào ngoại, tay mân mê lên má, lên tóc, lên gương mặt già nua của ngoại. Cảm nhận mà thương đứt ruột chưa? Vây thì làm sao ông ngoại đành xa cháu ngoại cho được.

    Ông ngoại hay ẵm, hay bồng, hay ôm cháu đi vòng quanh, tập cho cháu nhìn ngắm, đem cho cháu những đồ chơi – chơi bằng hình dáng vật thể, bằng màu sắc, bằng âm thanh. Thấy cháu chán là ông tìm trò chơi khác. Ông tập tành, ông trửng giởn, ông đẩy xe cho cháu chơi, ông tìm nhiều cách làm cho cháu vui cười. Vì thế mà ông cháu thêm khắn khít, thêm trìu mến, thêm thương yêu.

    Trừ mẹ, ông ngoại là người hầu như cháu mến nhất, mến hơn cha, mến hơn bà ngoại - người hằng ngày trực tiếp chăm sóc cháu – dù rằng ông cũng không gần gũi cháu nhiều, ông chỉ lui tới bên cháu từng giai đoạn.

    Một lần, ông ngoại đi khỏi, về lại Sanjose. Bà ngoại bận lo làm. Ngồi trên xe mà cháu khóc, cháu kêu la – chơi lâu, chán, muốn đi, muốn bồng. Cháu kêu la ngó tìm dáo dác, ngó về hướng mà ông ngoại thường hay xuất hiện. Ông ngoại chẳng thấy đâu, nỗi chờ trông hiện lên nét mặt. Bà ngoại gọi điện thoại mô tả. Thật nghe thấy mà thương.

    Con nít, trẻ thơ là vậy. Vô tư, hồn nhiên, một đức tính rất quí. Thương yêu, hờn giận, trìu mến, biết cầu khẩn, biết van lơn – cũng có thể còn tiềm ẩn thêm những gì nhân, nghĩa. Những đức tính tự nhiên, thiên phú. Đa số, hầu hết là tính tốt.

    Gần gũi với trẻ thơ, người lớn, người già có thể tìm thấy được tính trung thật, không giả dối, không màu mè để có thể quên đi (hay là mất đi) bao sự đời giả trá, bao toan tính, bon chen, lừa lọc của tình đời.
    Càng lớn lên, càng biết thêm, khôn thêm, con người ta càng bị thay đổi, bị biến thái. Hồn nhiên, vô tư, chân thật sẽ mất dần. Mãi đến lúc về già mới nhận ra được những gì mình đã mất - những tốt đẹp ở tuổi còn thơ.

    Gần gũi, chung đụng với trẻ thơ có thể cũng là cơ hội để người già tìm lại những gì đã mất của ngây thơ trong sáng. Trong tiếng cười hồn nhiên của trẻ, trong âu yếm thương mến chân thành, tự nhiên mình sẽ thấy cuộc đời thanh thản, thấy niềm vui. Có thể đấy là niềm an ủi, tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống cũng nên.

    Người ta nói đời người giống theo chu kỳ một vòng quay của trái đất. Từ bình minh lại đến hoàng hôn, và rồi đi vào đêm trường tịch mịch. Bình minh là tuổi trẻ, hoàng hôn ví tuổi già. Hai điểm thời khắc sớm tối, dù cách biệt, nhưng thật sự cũng gần giống như nhau, nếu tính theo đường song hành ngược lại. Từ đó, có ý nghĩ rằng tuổi trẻ gắn bó với tuổi già, ít ra cũng trong một thời điểm nào đó, tương hợp nhất.

    Thuở nhỏ sinh ra, chưa biết là bao, rồi trở nên khôn lớn, hiểu nhiều, biết nhiều. Rồi từ đỉnh cao của khôn, biết, dần đi xuống… mất dần, bớt dần, trở thành thời trẻ dại?

    Chu kỳ một đời người cũng là ngắn ngủi. Hết bình minh lại đến hoàng hôn. Và hoàng hôn đã tắt thì…Ai biết còn gì nữa? Đêm tối phủ trùm.

    Trước đây, tôi không tin và đã không đồng ý với ý kiến của anh bạn – anh bạn trong lần uống cà phê của thuở nào. Nghĩ suy, bàn bạc: tuổi già sẽ yên hưởng, sống ra sao. Hầu hết vẫn không đồng tình với ý kiến và kinh nghiệm của anh bạn cho rằng: tuổi già nên gần gủi trẻ thơ, cháu chắc của mình. Bây giờ thì tôi thấy: Bạn mình nói đúng.

    Nguyên Dân.
     
  2. administrator

    administrator Administrator Thành viên BQT

    Tham gia ngày:
    Thg 3 14, 2011
    Bài viết:
    211
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    16
    Giới tính:
    Nam
    GVTLV 2013: Tôi Làm Hòn Non Bộ

    Tôi Làm Hòn Non Bộ
    Hòn non bộ, còn được gọi là giả sơn, tôi đã có dịp thấy nhiêu. Ở Việt Nam thì thường có nhất là ở mấy nhà giàu. Có nhiều cái cũng rất đẹp, làm khá công phu, nhưng cũng có cái trông sơ sài, làm cho có hình thức để trước sân nhà. Dù là gì, hòn non bộ cũng là một loại hình nghệ thuật và mỹ thuật. Từ tác phẩm hòn non bộ, nói lên trình độ (thưởng thức) và mỹ/nghệ thuật ở mỗi người.. Tuy nhiên, thấy là vậy, hiểu là vậy, nhưng tôi cũng ít quan tâm chiêm ngưỡng.
    Tôi cũng thích, cũng yêu mỹ và nghệ thuật. Tôi cũng đã học vẽ, học hát, học đàn, mê thích cải lương và đàn ca vọng cổ, cũng có góp phần thực hiện nhiều tranh cảnh, hình tượng, làm nên những tác phẩm bằng cây, bằng lá, bằng hoa, bằng nhiều thứ vật liệu tự nhiên để gọi là “chưng” (chưng chế) trong nhà có đám tệc, trong đình đám, hội hè.
    Tôi mê nét đẹp từ thuở nhỏ và theo ông cậu ( thợ chưng) học làm như vậy từ lúc 14 tuổi. Cũng chẳng nên thầy, và cũng không ra thợ, và rồi tôi cũng trở nên “chẳng ra gì” suốt quảng đời của tuổi lớn lên cho đến tuổi già.
    Ở Mỹ cũng có hòn non bộ. Non bộ ở Mỹ thì cũng lắm thứ, lắm kiểu. Tùy sắc dân, sắc tộc, tùy nếp văn hóa mà non bộ có nhiều vẻ khác nhau. Vẫn đẹp, vẫn đa dạng, vui tươi, sinh động.
    Một lần đi sinh nhật nhà người bạn, tôi thấy cái hòn non bộ trước nhà. Ồ! Thật đẹp. Thật hay. Thật duyên dáng và nhất là thật dáng vẻ quê hương. Hình ảnh của quê hương với non, với nước, với sông suối ruộng đồng, với cầu ván ven làng, với cánh đồng có cò bay, có sen nở, với thuyền trôi, với bóng dáng trâu cày, với… nhiều thứ “với” làm tôi thấy lòng mình da diết gần gủi với quê hương.
    -Ai làm nên cái này? Tôi vừa ngắm nhìn, vừa hỏi bạn.
    -Một phần tôi làm, và phần lớn là mang từ ở quê nhà. Sao! Anh thấy thế nào, có dáng vẻ quê hương VN mình không? Anh bạn vừa trả lời, vừa hỏi.
    -Hay, đẹp, ý nghĩa lắm… làm tôi thêm nhớ quê nhà…
    Bữa tiệc sinh nhật với những thức ăn khá là thịnh soạn, nhiêu khê nhiều thứ món. Tôi chỉ thích độc nhất món “mắm và rau”. Mắm là mắm cá gì không rõ, được gọi là thay thế cá linh, và rau là: giá sống, bắp cải, bắp chuối, chuối cây và.. bông điên điển.
    Bông điên điển, một loại rau mà trên 10 năm ở Mỹ tôi tìm hoài không thấy. Một loại rau hương vị đồng nội quê nhà, chỉ nhìn thấy là đủ nhớ quê hương. Dù rằng bông điên điển ở Mỹ (hay ở đâu nhập vào) có phần khang khác. Cũng bông màu vàng hình cánh bướm (tam giác), kết dính thành chùm thưa rải rác nối dài. Khác ở chổ là trên cánh hoa vàng có đìểm lấm tấm những chấm đen. - điên điên VN mình không có - Nhưng mà, trông vẫn đẹp, ăn vẫn giòn, vị ngòn ngọt, cũng giống như điên điển quê nhà.
    Loang loáng, rải rác từng cánh hoa vàng (trong rau) làm gợi tôi nhớ - nhớ quê hương vào mùa nước nổi, điên điển khắp đồng, khắp mé rạch, mé kênh, mé mương và cả ngoài đồng nước dâng tràn trắng xóa - Màu hoa điên điển chập chờn ẩn hiện theo từng cơn sóng vổ, theo ngọn gió đùa. Và cũng ẩn hiện bóng dáng những cô thôn nữ với chiếc xuồng chòng chành cặp mé oằn hái từng mớ bông vàng.
    Quê hương VN tôi đó. Quê hương đang hiển hiện nơi một bàn tiệc ở quê người. Bữa tiệc thật là vui. Tôi nhớ mãi…
    Tôi có đứa con gái, có gia đình ở riêng. Bao nhiêu năm làm ăn giành dụm, chắc mót, vợ chồng nó mua được căn nhà và sanh được đứa con trai. Niềm vui của tụi nó, và cũng là niềm vui của ông bà ngoại. Già rồi mới có được đứa cháu đầu lòng. Bà ngoại đến trông giử cháu (giúp con gái), và ông ngoại cũng lót tót theo để làm “chân sai vặt” giúp bà.
    Niềm vui tuổi già, ta sẽ làm gì? Bao nhiêu năm tạo dựng cuộc đời ở quê nhà, vừa có một chút cơ ngơi thì bổng dưng tiêu mất. Cũng nhờ trời, còn giữ cái mạng để lê la định cư nơi xứ lạ quê người. Và cũng bao nhiêu năm gắng công gắng sức tạo cho con cái được tạm gọi là thành đạt nên người thì mình cũng đã về già. Về già đuổi gà cho sắp nhỏ.
    Tuổi về hưu thì gọi là “ được khỏe”. Nhiều người nói như vậy. Vì đâu còn phải thức khuya dậy sớm, thiếu ăn, mất ngủ để đi làm việc hằng ngày.
    Vậy mà, chưa khỏe được đâu. Tuổi già thường là lắm chuyện, mà chuyện bệnh tật, đau yếu là chuyện hàng đầu. Những ai già mà còn khỏe, còn làm việc được là có phước. Làm việc gì? Việc gì cũng được, miển là có việc để tránh cảnh nhàn cư.
    Tôi bổng dưng nhớ lại cái hòn non bộ ở nhà người bạn. Vậy thì, lợi dụng lúc mình còn có sức, làm cái hòn non bộ để ngày ngày nhìn ngắm “quê hương”.
    Một hòn non bộ do người chủ trước của căn nhà để lại - người của xứ Nam Mỹ, giống dân thuộc nền văn hóa Spanish nào đó - trông cũng đẹp, nhưng thấy không thích hợp với hình ảnh của VN. Thế là tôi phải đành phá đi và làm lại. Chỉ để lại cái nền, cái khung và một vài chi tiết không quá khác biệt. Ngoài ra thì phá bỏ, làm lại gần như từ đầu.
    Tôi đập, tôi đục, tôi tách rời, gở bỏ, và rồi tạo lại. Dụng cụ là: cây kềm, cái búa, cái cưa, cái đục đá… và cái bai thợ hồ. Mọi thứ được mua từ ở chợ trời. Những dụng cụ ban đầu để tôi tạo dựng một “quê hương”.
    Tôi liên nghĩ đến tổ tiên ta ngày xưa đi mở cõi. Thời kỳ đồ đá, một thời kỳ lạc hậu không có` văn minh, mà tổ tiên ta tạo dựng “cơ đồ”, lập nên giang sơn bờ cõi. Công lao gầy dựng với bao trăm, ngàn năm, với bao thế hệ, với bao đấu tranh chống chỏi với kẻ thù - đủ thứ kẻ thù - để có giang sơn như ngày nay. Và bây giờ, giang sơn gấm vóc, đất nước quê hương, tôi phải xa lìa, bỏ lại. Ôi, hình ảnh quê hương yêu dấu biết bao! Làm sao mà lưu giữ?
    Tôi miệt mài làm cả tháng với sức lực của tuổi già. Sức bây giờ không cho phép tôi làm đều đặn mà phải thường nghỉ để dưỡng sức. Đâu ai bắt buộc, tự mình muốn làm, làm để thấy thời giờ qua đi là có ý nghĩa, làm để từng giờ, từng phút thấy niềm vui. Hình ảnh quê hương cứ thế hiện dần qua tâm tư, qua ý nghĩ và qua từng thao tác thực hiện trên một phần diện tích chưa đầy 1m2 để hình thành một quê hương có đủ 3 miền Nam Trung Bắc. Kể ra cũng là một tham vọng quá ôm đồm - một tên tay ngang, không là thợ, không chuyên nghiệp, mà mang ước vọng “xây dựng quê hương, đất nước”, muốn làm một tên “đội đá vá trời” khi mà năng lực chẳng ra chi. Mình chỉ làm cho mình, dù hay, dù dở, dù xấu, dù tốt chỉ để cho mình.
    Mang ý nghĩ, suy tính, sắp đặt trong đầu, tôi đi hầu như khắp chốn. Điểm đến là những nơi bán đồ củ, những khu chợ trời, chổ nào cũng tới. Những cửa hàng goodwill, home depot, nơi công viên, nơi mé rừng, mé suối… để sưu tầm thu nhặt từng thứ phế liệu, những thứ gì để tạo thành dáng dấp, hình ảnh quê hương: hình ảnh của núi, của sông, của ruộng đồng, làng mạc, miếu mộ, đình chùa… Có được bằng mua, bằng lượm, nhặt, bằng đẻo gọt mài giũa… bằng với trí, lực, bằng mọi cách để làm nên “tác phẩm” cho mình.
    Và rồi, với từng ấy thời gian, với ngần ấy công sức, tôi cũng đã thành hình một hòn non bộ. Hay nói cho “ra vẻ” là tôi có được nơi phía sân sau của vườn nhà một “quê hương mến yêu” có cây cảnh, có núi non, sông suối, làng mạc, có đình, chùa, có ruộng đồng, có chùa linh mụ, có tháp rùa… có cả một vùng giang sơn thu nhỏ.
    Ra đi mang theo quê hương! Mỗi người mang theo quê hương cho riêng mình theo mỗi cách. Ngưòi thì mang theo hình ảnh kỷ niệm, mang theo hương vị của những thức ăn đặc sản của địa phương, mang theo kiểu dáng nhà cửa trưng bày, nếp sống, cách sinh hoạt… mang theo liếp rau, vườn cây ăn trái, mang theo tập tục qua thơ ca, âm nhạc, qua văn hóa văn chương, qua nhiều kiểu cách…
    Tôi mang theo quê tôi, đất nước tôi qua dáng dấp của cái hòn non bộ sau nhà. Của mình, mình trân quí. Của mình, mình mến yêu. Hàng ngày tôi chiêm ngưỡng, mỗi ngày tôi cảm thấy vui, và như thế, cũng vơi đi nỗi nhớ quê nhà.
    Một số người bạn đến chơi, nhìn hòn non bộ họ cũng cảm thấy thích – có lẻ thích thật tình. Thích như cái thích, cái vui của một lần tôi đến dự tiệc nhà người bạn.
    Một vài người đề nghị: nếu ai thích mua thì bán đi, kiếm một ít tiền rồi làm cái khác.
    Thật sự thì cái hòn non bộ làm kiểu tay ngang, không chuyên nghiệp, giá trị về tài chánh cũng chẳng là bao. Nhưng mà đối với tôi là vô giá. Tôi chỉ làm để cho tôi, thể hiện qua bao niềm vui, nỗi nhớ, tượng trưng cho bao hình ảnh quê nhà. Ai lại nở đem bán quê hương đất nước của mình, dù chỉ là hình tượng.
    Hình ảnh của quê nhà, bao yêu thương được nhen nhúm bằng một chút gì đang trở nên hiện hửu để nơi xứ lạ quê người mình nhớ lại. Tự mình chiêm ngưỡng, và bạn bè, người thân, nếu ai thích thì đến với tôi và tự do cùng chiêm ngưỡng, cùng vui thích. Nói vậy, chứ thực ra cũng chẳng là bao, cũng chỉ một số ít người cùng ý nghĩ, đồng cảm, đồng tình và chia xẻ.
    Tôi trân quí, tôi thiết tha với niềm vui mình có được. Thời gian cũng được hơn năm. Hằng sáng, hằng tối, mỗi khi rãnh rỗi ngồi uống trà, nhâm nhi hớp cà phê bốc khói, nơi đây tôi có thể nhìn về quê hương đất nước qua “bảo vật” của riêng mình.
    Thế rồi, bổng một hôm trời giông bão. Mưa bão không lớn lắm, nhưng từng cơn gió giật liên tục cả ngày đêm. Và sau khi trận cuồng phong phẩn nộ qua rồi thì… hòn non bộ cũng gẩy đổ, cây cành đều tả tơi xơ xác (tôi trồng bằng cây kiểng thật). Một số hình tượng xiêu ngã, đổ nát. Trời ơi! Một “quê hương đất nước” trong cảnh điêu tàn.
    Tôi đau đớn, buồn bả vô cùng. Đau buồn như ngày 30/4/75 chế độ VNCH sụp đổ - có lẻ là vậy – Ôi quê hương yêu dấu của mình! Có khác chăng quê hương đất nước của ngày 30/4/75 là địch họa mà bây giờ là thiên tai. Cái nào cũng làm cho quê hương điêu tàn, tan tác.
    Tôi cố lượm lặt, nhen nhúm và tạo dựng lại. Cũng không hoàn toàn hư mất hết. Thời gian làm lại cũng chỉ một thời gian không lâu. Tôi có lại một hòn non bộ lành lặn, nguyên vẹn (bằng nhiều sự đổi thay), và để hằng ngày vẫn có được một “quê hương” để mình nhìn ngắm.
    Tôi liên nghĩ đến quê hương đất nước VN. Đất nước VN cũng đã trải qua một cơn cuồng phong bão táp. Đất nước đã tan tác điêu tàn – sau ngày 30/4/75 đã xảy ra là vậy – Nhưng mà đất nước này không được tạo dựng. Bọn cướp đoạt, bọn thống trị chỉ có vơ vét và tàn phá.
    Người ta bảo đất nước VN đã được phát triển và xây dựng? Thật sự có phải thế không? Tất cả chỉ là vá víu tạm bợ và rồi được sơn phết bằng màu sắc để thiên hạ nhìn vào và cho là phát triển tốt đẹp, chỉ với mục đích tuyên truyền.
    Nếu tôi không cố gắng, không quyết tâm làm lại cái hòn non bộ sau nhà cho bền cho chắc, dùng vật liệu hào nhoáng – cái thứ hàng mã - để rồi sơn phết thì cũng “tốt, đẹp” thôi?
    Nếu thật lòng mà nói thì ai có thể bảo rằng đất nước quê hương VN mình bây giờ là giàu đẹp? Nếu ai chịu khó tìm hiểu và theo dõi tin tức sự kiện xãy ra trên quê hương đất nước hằng ngày? Người ta còn lo sợ: nếu cứ thản nhiên trong cuộc sống, nếu cứ bình thản trong cuộc đời, nếu cứ yên tâm tin tưởng rằng đất nước mình phát triển tốt đẹp, dân mình đang có tự do, độc lập, có hạnh phúc ấm no theo như tin tức tuyên truyền ở quê nhà… Biết đâu, rồi có một ngày, qua một đêm ngủ vùi với bao mộng đẹp, sáng ra nhìn thấy ngổn ngang mọi vật của sau một cơn bão táp vừa tan.
    Tôi có người bạn đi du lịch VN vừa trở qua Mỹ. Anh cho biết VN mình bây giờ phát triển nhiều lắm: nhà lầu san sát, cuộc sống vui tươi tấp nập rộn ràng. Anh có 2 tuần lể để đi qua khá nhiều đô thị như Saigon, Hà nội, Hải phòng, Vịnh Hạ long, bãi biển Sầm sơn Mong cái…Rất tiếc là thời gian eo hẹp, anh chưa có dịp vào đến các vùng xa xôi làng mạc thôn quê.
    Vui mừng chăng cho đất nước VN mình qua lời kể của anh?
    Nguyên Dân.
     

Chia sẻ trang này

Share